Biết Tâm (Thực Tánh Pháp Và Ảo Tưởng)

Luận về các giai đoạn thực hành trong việc tu tập tâm là điều quan trọng vì tâm có đủ trò giả dối để tự lừa dối. Nếu ta không khéo léo trong việc quán sát và nhìn xuyên suốt chúng, ta rất khó mà đánh bại chúng, ngay cả khi ta có chánh niệm liên tục để quán sát tâm. Ta phải luôn tinh tấn minh sát các pháp này. Chánh niệm tự nó không có khả năng làm phát sinh tuệ. Có chăng là nó phần nào giúp ta phòng hộ các căn. Nếu ta không chú tâm minh sát, tuệ sẽ không sinh khởi.
Đây là lý do tại sao ta cần tự rèn luyện để có trọn vẹn chánh niệm vững chắc. Khi ta biết các pháp như chúng là thì không có gì ngoài sự buông bỏ. Điều này có nghĩa là, lúc đầu, tâm sẽ không phát sinh những tư tưởng bất thiện. Nó sẽ chỉ dừng lại để quán sát, dừng lại để luôn tự biết bên trong nó. Nếu ta cần suy nghĩ về điều gì, thì hãy suy nghĩ về các đề mục vô thường, khổ và vô ngã. Hãy chỉ tư duy và đặt tên trên các đề mục này, vì nếu ta làm đúng, ta sẽ thấy sự việc đúng như nó là. Ngược lại, nếu ta tư duy sai, đặt tên sai, ta sẽ thấy sai sự việc. Đó là điều khiến tâm hoàn toàn không biết gì về bản thân.
Giờ đây, khi các tưởng hay sự đặt tên khởi lên trong tâm, nếu ta quán sát chúng tường tận ta sẽ thấy chúng là những cảm thọ - cảm thọ của sự sanh và diệt, biến đổi, không đáng tin cậy và là ảo tưởng. Nếu ta không cố gắng quán sát chúng, ta sẽ thất bại vì thủ đoạn của các tâm hành. Nói cách khác, tâm phát khởi những ký ức trong quá khứ và rập khuôn những vấn đề đã được hành xử trong quá khứ. Nhưng nếu ta ý thức về những gì đang xảy ra lúc ấy thì ta sẽ thấy chúng chỉ là ảo tưởng. Không có chút sự thật nào nơi chúng. Kể cả những ý nghĩa mà tâm gán cho các xúc chạm giác quan là tốt, hay xấu khi chúng xảy ra: Nếu ta quan sát và quán tưởng chúng kỹ càng vàtận tường ta sẽ thấy chúng toàn là ảo tưởng. Không có sự thật nơi chúng. Nhưng vô minh và tham ái khiến ta chấp giữ chúng và điều này khiến cho tâm rơi vào vòng luẩn quẩn. Nó trở nên u tối - không biết các pháp sinh, trụ, diệt như thế nào- vì thế nó bám vào chúng và tự lừa dối trên nhiều mức độ. Nếu ta không dừng lại để chú tâm, quán sát, thì không có cách nào khiến ta có thể nhìn xuyên suốt chúng cả.
Nhưng nếu tâm giữ được quân bình, hay biết dừng lại để quán sát và tự biết bên trong, nó sẽ thấy sự việc như chúng là. Khi đó tâm sẽ tự động buông bỏ và không còn chấp thủ. Đây là sự hiểu biết phát khởi từ tâm chánh niệm và tỉnh giác thật sự: Nó biết và buông bỏ. Nó không bám. Dù điều gì xuất hiện -xấu hay tốt, lạc hay khổ - khi tâm biết, tâm không bám víu. Khi tâm không bám víu thì sẽ không có khổ đau, phiền não. Ta phải luôn nhớ điều này. Khi tâm không chấp thủ, nó sẽ ở trạng thái an tịnh: rỗng không, không quấy động và yên tịnh. Nhưng nếu tâm không tự thấy và biết theo cách này, nó sẽ thất bại trước các thủ đoạn của uế nhiễm và tham ái. Nó sẽ tạo tác ra bao điều phức tạp, khúc mắc khiến tự nó khó có thể nhìn xuyên suốt, vì các uế nhiễm có cách làm cho tâm bám vào chúng. Tựu trung chỉ là vấn đề thất bại của tâm do thủ đoạn của các uế nhiễm và tham ái bên trong nó. Việc nó không tự biết mình - không biết các trạng thái tâm sanh, diệt và nắm bắt đối tượng như thế nào- có nghĩa là nó đánh mất mình do có quá nhiều sự bám víu.
Không có gì khó bằng sự luôn luôn quán tâm, vì tâm quá quen thuộc với các tà kiến và quan điểm sai lầm. Đây là điều khiến tâm tự ngăn che mình. Chính nhờ giáo lý của Đức Phật mà ta có được sự hiểu biết trong tâm thức với nhiều tầng lớp rối rắm, phức tạp mà khi ta nhìn sâu vào nó, ta sẽ thấy nó rỗng không - rỗng không trong bất kỳ ý nghĩa nào, trong và ngoài bản thân nó.
Đây là sự rỗng không có thể xuất hiện rõ ràng trong tâm thức. Dầu nó ẩn núp trong sâu thẩm, ta vẫn có thể nhìn thấy nó bằng cách quay vào bên trong một cách tỉnh lặng. Tâm dừng lại để quán sát, để biết tự bên trong nó. Còn đối với các cảm xúc -thấy, nghe, ngửi, nếm, và những thứ tương tự - nó không để ý đến vì nó muốn nhìn vào tâm đơn giản và thuần khiết, để thấy điều gì đã sanh khởi trong đó và nó dấy động các vấn đề như thế nào. Các cảm thọ, tưởng, các tư duy, phán đoán sướng, khổ, vân vân, tất cả đều là những hiện tượng tự nhiên. Chúng biến đổi ngay khi vừa được cảm nhận -và chúng rất vi tế. Nếu ta nhìn chúng như là vấn đề này hay vấn đề nọ thì chúng ta không thể biết chúng như chúng thật sự là. Càng gán ghép cho sự vật nhiều ý nghĩa rắc rối, ta càng trở nên lạc lối - lạc lối trong vòng luân hồi tái sinh.
Chu kỳ tái sinh và tiến trình của các tâm hành chỉ là một và giống nhau. Kết quả là ta quay vòng vòng, lạc vào trong nhiều, rất nhiều mức độ của tâm hành, chớ không chỉ có một. Cái biết để nhận ra tâm không thể thâm nhập vào vì nó quay vòng vòng trong chính các tâm hành giống nhau này, gán ghép cho chúng tên này, tên nọ, kia, rồi bám vào chúng. Nếu tâm cho là chúng tốt thì nó chấp vào chúng là tốt. Nếu tâm cho là chúng xấu thì nó chấp vào chúng là xấu. Đó là lý do tại sao tâm bị trói chặt trong các vòng trôn ốc của chu kỳ tái sanh, chu kỳ tâm hành.
Để thấy rõ các pháp này đòi hỏi ta phải nỗ lực dừng lại và quán sát, dừng lại và biết một cách hợp lý, một cách đúng. Đồng thời ta phải sử dụng những khả năng quan sát của mình. Đó là điều giúp ta đọc được tâm thức của chính mình một cách đặc biệt. Ngược lại, nếu ta bám vào các vấn đề của tưởng và sự phán đoán, đặt tên, thì chúng sẽ quay ta vòng tròn. Vì thế ta phải dừng lại và quán sát, dừng lại để biết rõ ràng bằng cách tập trung - tập trung vào tâm thức đang hoạt động. Bằng cách đó cái biết của ta sẽ trở nên bén nhạy.
Cuối cùng, ta sẽ thấy là không có gì hết - chỉ là sự sinh và diệt xảy ra từng khoảnh khắc, trong sự rỗng không. Nếu không có bám víu, sẽ không có vấn đề. Chỉ là hiện tượng tự nhiên của sự sinh và diệt. Nhưng vì chúng ta không thấy các pháp chỉ là các hiện tượng tự nhiên, ta tưởng chúng là thật và bám víu vào chúng như là bản ngả, tốt, xấu và đủ những thứ phức tạp khác. Hậu quả là ta quay cuồng trong vòng lẩn quẩn mà không biết đường ra hay điều gì để buông bỏ - chúng ta không biết. Khi không biết, ta giống như người lạc lối trong rừng sâu, không biết lối ra, không biết phải làm gì.
Thực ra những cái ta cần buông bỏ ở ngay trước mặt ta: nơi mà tâm biến chế ra sự việc và đặt cho chúng những ý nghĩa khiến nó không còn biết các đặc tính của sự sinh và diệt đơn thuần. Nếu ta có thể chỉ tiếp tục quán sát và biết, mà không cần ý nghĩa, tư duy, vọng tưởng - chỉ cần quán sát sự vận hành trong và của chính nó - thì sẽ không có bất cứ vấn đề gì. Chỉ có thực tại hiện tiền: sinh, trụ, diệt, sinh, trụ, diệt.... Không có sự rối rắm nào trong đó, nhưng ta phải dừng lại và quán sát, dừng lại và biết bên trong ta trong từng giây phút. Đừng để dòng tâm thức của ta trôi chảy từ sự tỉnh thức tới những sự tiếp xúc với bên ngoài. Hãy gom tâm lại để tâm tự biết một cách rõ ràng – rằng không có gì đáng để bám vào. Tất cả chỉ là ảo tưởng.
Biết đúng được chừng ấy cũng rất hữu ích để thấy sự thật nội tâm ta. Ta sẽ thấy tâm không có bất cứ tự ngã nào. Khi quán thân, ta sẽ thấy chúng là những yếu tố, là không có tự ngã. Ta cũng sẽ thấy hiện tượng tâm là không có tự ngã, mà chỉ là những yếu tố của tâm thức. Ta sẽ thấy rằng nếu không có sự bám víu, không có sự chấp thủ, thì sẽ không có khổ đau, phiền não.
Vì thế, ngay nếu như có sự nghĩ suy liên tục trong tâm, ta chỉ quán nó, buông bỏ nó, rồi thì vòng quay của tư tưởng sẽ chậm lại. Các tâm hành sẽ càng lúc càng ít xuất hiện. Dầu tâm chưa hoàn toàn dừng lại, nó sẽ càng lúc càng ít tạo ra suy tưởng. Trái lại, càng ngày ta càng có nhiều khả năng an trụ và quán tưởng hơn. Qua đó, ta sẽ dần nhận ra những mánh khóe, sự ngụy tạo của tâm hành, sự đặt tên của tâm, vui, khổ, vân vân. Ta sẽ có khả năng biết rằng thật sự không có gì bên trong – rằng lý do mà ta đã ảo tưởng bám víu vào các sự việc là do vô minh, rằng ta tự làm khổ mình ngay trong cái vô minh đó.
Ta phải quán niệm ở một điểm, trên một đối tượng. Không quán niệm nhiều đối tượng cùng một lúc. Luôn giữ chánh niệm hiện diện: dừng, biết, thấy. Không để tâm lang thang chạy đuổi theo các tưởng và các sự đặt tên. Nhưng nhận biết bằng cách này đòi hỏi ta phải cố gắng tập trung – tập trung để thấy rõ ràng, chứ không phải chỉ tập trung để giúp tâm an định. Định tâm để thấy rõ ràng. Nhìn vào bên trong để thấy rõ ràng và quán niệm để biết cách buông bỏ. Tâm sẽ trở nên rỗng không như bản tính của nó bằng một cách mà ta sẽ biết hoàn toàn bên trong ta.

Sự Khác Biệt Trong Hiểu Biết

Ta có thể làm gì để thấy được các uẩn – nơi tụ hội của khổ đau, phiền não - một cách rõ ràng đến nỗi ta có thể cắt đứt sự bám víu của tâm vào chúng? Tại sao người học y khoa để thành bác sĩ có thể biết tất cả các bộ phận trong cơ thể: như ruột, gan, thận, và hơn thế nữa - đến từng chi tiết mà lại không phát triển bất cứ sự nhàm chán hay ly tham nào đối với thân-tại sao? Tại sao các đạo tỳ (người làm dịch vụ mai táng) đã trải bao thời gian bên bao xác chết mà vẫn chưa đạt được chút tuệ giác nào? Điều này chứng tỏ rằng tuệ giác rất khó được. Nếu không có chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ các pháp như chúng là, thì cái biết đó chỉ là một thị hiếu thoáng qua. Nó không ăn sâu vào. Tâm tiếp tục chấp vào các bám víu của nó.
Nhưng nếu tâm có thể đạt được tuệ giác thật sự đến mức mà nó có thể buông bỏ mọi bám víu, thì nó có thể đạt được các đạo quả dẩn đến Niết Bàn. Điều này chứng tỏ rằng có sự khác biệt trong hiểu biết. Ta không cần phải biết tất cả mọi chi tiết về thân như các nhà giải phẫu hiện đại. Ta chỉ cần biết là thân gồm có tứ đại cùng với yếu tố của không gian và thức. Nếu ta thật sự biết chỉ chừng ấy, là ta đạt được các đạo và các quả, trong khi những người biết tất cả chi tiết về thân, đến nỗi họ có thể thực hiện những ca giải phẫu khó, lại không đạt được điều gì cao siêu hơn.
Vậy ta hãy phân tích các yếu tố của thân để biết chúng thấu đáo. Nếu được vậy thì khi có những sự thay đổi trong thân tâm, ta sẽ không có nhiều bám víu. Bằng không sự bám víu của ta sẽ cố định, mạnh mẽ, và sẽ dẩn ta đến trạng thái tương lai của hữu (being) và sinh (birth).
Giờ có cơ hội, ta nên quán thân đến từng chi tiết. Hãy niệm năm đề mục căn bản của thân là - tóc, lông, móng, răng và da - và quán chúng kỹ từng cái một. Không cần quán tất cả năm. Quán tóc để thấy nó thuộc về yếu tố đất, để thấy gốc rễ của nó ngâm trong máu và nước nhờn dưới da. Màu sắc, mùi vị, nơi nó có mặt, tất cả đều không có gì hấp dẩn. Nếu ta phân tích và quán niệm về những điều này, ta sẽ không ảo tưởng xem chúng là của ta: tóc, móng, răng, da của ta.
Tất cả những phần này được phối hợp bởi đất, nước, gió và lửa. Nếu chúng thuần là đất thì có lẽ chúng không tồn tại lâu, bởi vì mỗi phần của cơ thể phải phối hợp bởi bốn phần này mới thành cơ thể. Kế đến là hiện tượng tâm, tâm đứng đầu. Đây là những thứ theo đúng với trạng thái tự nhiên - sự sinh, sự biến đổi và sự diệt của các hiện tượng tâm sinh lý- nhưng ta bám vào chúng, coi thân là của ta, tâm như là ta: Tất cả là ta, và của ta. Nếu ta không nhìn thấy các thứ này như chúng thực sự là, thì ta sẽ không làm gì trừ việc bám vào chúng.
Thiền là như thế này: thấy các pháp rõ như chúng thực sự là. Không phải là vấn đề thay đổi từ đề mục này qua đề mục khác, vì điều đó chỉ đảm bảo rằng ta sẽ không biết việc gì. Nhưng cá tính bên trong của ta dưới ảnh hưởng của vô minh và ảo tưởng, không thích tự thẩm sát nhiều lần. Nó luôn tìm kiếm những vấn đề khác để bận rộn, đến nỗi ta luôn nghĩ về những chuyện khác. Đây là lý do tại sao ta cứ ở trong vô minh và si mê.
Vậy thì tại sao ta có thể biết những điều khác? Vì chúng thích hợp với những gì mà tham ái muốn. Để thấy được sự việc rõ ràng như chúng là, ta phải từ bỏ tham ái, do đó tham ái tìm cách để che giấu sự việc. Nó luôn biến đổi, mang đến những điều mới lạ, khiến ta say mê, khiến ta không tu học và suy nghĩ về bất cứ điều gì ngoài những vấn đề chỉ làm tâm ta thêm khổ đau, phiền não. Đó là tất cả những gì mà tham ái muốn. Trong khi phương cách tu tập để chấm dứt khổ đau, phiền não trong tâm, thì luôn cản đường của tham ái.
Đó là lý do tại sao tâm luôn hướng đến những điều mới lạ để biết, để xông vào, rồi trở nên dính mắc. Do đó khi tâm không tự biết mình, ta phải thực sự nỗ lực để thấy sự thật là những thứ trong tâm không phải là ta hay của ta. Đừng để tâm thiếu sự hiểu biết này. Hãy biến điều này thành một quy luật nội tâm. Nếu tâm không biết các chân lý về vô thường, khổ, vô ngã từ bên trong, thì nó sẽ không thoát khỏi khổ. Cái biết của nó sẽ là cái biết của tục đế, của thế gian; nó sẽ đi theo con đường của tục đế. Nó không thể đạt được các đạo quả dẫn đến Niết Bàn.
Do đó đây là nơi mà chân đế và tục đế rẽ hai đường. Nếu ta thấu hiểu vô thường, khổ, vô ngã đến mức độ tuyệt đối thì đó là con đường chân đế. Nếu ta không biết đến tận ngọn nguồn, thì ta vẫn còn ở mức độ thế tục.
Đức Phật dạy nhiều điều nhưng tất cả rồi cũng tụ về đây. Các nguyên lý quan trọng của sự tu tập - Tứ Niệm Xứ, Tứ Diệu Đế - tất cả đều đưa đến tính chất của vô thường, khổ và vô ngã. Nếu ta cố học quá nhiều nguyên lý, rốt cục lại ta cũng không có cái biết rõ ràng về chân lý như nó là. Nếu ta chú tâm biết chỉ chút ít, rốt cục ta lại được nhiều tuệ giác hơn là nếu ta cố biết quá nhều. Do tham muốn biết quá nhiều mà ta cuối cùng bị hoang tưởng. Lang thang trong tà kiến, suy tưởng, gán ghép, đặt tên sai lạc các thứ, trong khi cái biết tập trung, cụ thể, khi nó thực sự biết, là tuyệt đối. Cần nhấn mạnh một điểm là: ta không cần biết nhiều điều, vì khi ta thật sự biết một điều, thì ngay đó tất cả đều được giải tỏa.

Phương Cách Quân Bình

Trong việc thực hành Pháp bảo, nếu ta không thiết lập sự quân bình giữa định và tuệ, ta sẽ trở nên hoang tưởng. Nếu tập trung quá nhiều vào tuệ, ta sẽ hoang tưởng. Nhưng nếu quá nhiều định, thì tâm sẽ đứng yên, không bị khuấy động nhưng lại không có tuệ. Do đó ta phải giữ sự quân bình giữa định và tuệ. Đừng để cái nào trội hơn. Cố gắng giữ chúng vừa đúng mức. Đó là lúc mà ta có thể thấy sự việc rõ ràng xuyên suốt. Nếu không ta sẽ mãi bị lừa dối như tự bao giờ. Có thể ta muốn được tuệ giác về rất nhiều điều - kết quả là tâm trở nên tán loạn. Nhiều người luôn tự hỏi tại sao sự tu hành của mình không phát khởi tuệ giác, nhưng khi tuệ sinh khởi thì họ thật sự đã đi lệch đường. Tư duy của họ tán loạn, khó có thể kiềm chế.
Vì vậy khi hành thiền, ta phải quán niệm xem ta có thể giữ cho tâm yên tĩnh như thế nào. Một khi tâm lắng đọng, nó có khuynh hướng bám vào đó. Hoặc nó có thể rỗng không, mà không có chút ý thức nào về bất cứ điều gì: yên tĩnh, buông bỏ và tự tại trong một lúc nhưng không có một chút tuệ nào kèm theo. Nhưng nếu ta có thể đạt được tuệ kèm theo định, thì đó thật sự là thành quả tốt đẹp. Ta sẽ nhìn thấy sự vật một cách xuyên suốt để có thể buông bỏ chúng. Nếu ta nghiêng quá nhiều về một bên hoặc tuệ hoặc định, thì ta không thể thành tựu sự buông bỏ. Tâm có thể biết điều này, điều nọ, nhưng nó chấp vào sự hiểu biết của mình. Rồi nó còn biết các thứ khác nữa và cũng lại chấp vào đó. Hoặc là nó chỉ ở trong trạng thái hoàn toàn yên lặng và bám vào đó.
Giữ sự tu tập theo Trung Đạo không phải dễ. Nếu ta không sử dụng các khả năng quán sát thì thật khó. Tâm sẽ luôn vướng vào các sự việc, khi đúng, khi sai, vì nó không quán sát sự việc một cách liên tục. Đây không phải là con đường đi đến buông xả. Mà là con đường đến bế tắc, vướng mắc vào các thứ. Nếu ta không biết điều gì bị bế tắc, bị vướng mắc, thì ta sẽ vẫn si mê và lầm lạc. Vì thế hãy nỗ lực tập trung quán niệm cho đến khi ta thấy xuyên suốt về vô thường, khổ và vô ngã. Chắc chắn là điều này sẽ chấm dứt khổ đau, phiền não trong từng sát na.

Ứng Dụng Tâm Xả

Các cảm thọ của tâm rất vi tế và mau tan biến. Đôi khi tham hay sân khởi lên một cách độc lập với xúc, tùy theo cá tính của ta. Chẳng hạn có những lúc tâm thật là bình thường, rồi bỗng nhiên nổi giận –hay là có tưởng khởi lên và bị thu hút trong cảm thọ khổ, lạc hoặc xả. Ta cần chiêm nghiiệm ba loại cảm thọ này để thấy chúng không bền vững, luôn biến đổi và phiền não, đến nỗi tâm sẽ không buông mà bị thu hút vào đó. Sự thu hút này rất vi tế. Nó ngăn ta biết bất cứ điều gì; đó đơn thuần chỉ là ảo tưởng. Bị thu hút vào lạc thọ thì dễ thấy nhưng với thọ xả thì khó thấy hơn - nếu tâm ở trong trạng thái xả vô thức. Tâm xả vô thức này ngăn ta thấy rõ ràng bất cứ điều gì.
Vậy ta phải chú ý để chỉ thấy các cảm thọ như là các cảm thọ và kéo tâm ra khỏi những mê đắm của xả. Khi có thọ xả do nhiếp tâm và lắng đọng, hãy dùng thọ xả đó trong định làm nền tảng của sự quán sát vô thường, khổ và vô ngã - vì xả này trong tứ thiền là nền tảng cho tuệ giải thoát. Hãy chắc rằng ta không bị dính mắc vào định.
Nếu ta định tâm sâu lắng trong xả mà không chú tâm vào việc đạt được tuệ, ta chỉ đạt được một trạng thái định tạm thời. Vậy ta phải chú tâm vào việc đạt tuệ trong vô thường, khổ, hay vô ngã. Đó là lúc mà ta sẽ có thể nhổ bật sự chấp thủ của ta. Nếu tâm rơi vào trạng thái xả vô thức tức là nó vẫn còn chất chứa nhiên liệu bên trong. Để ngay khi có sự xúc chạm giác quan, tâm sẽ bùng cháy trong sự chấp thủ. Vậy ta phải tu theo lời dạy của Đức Phật để lại: nhiếp tâm trong một trạng thái định, rồi tập trung vào việc đạt tuệ trong ba đặc tánh của Hiện Hữu (hay còn được gọi là Tam Tướng: vô thường, khổ, vô ngã). Cách hay nhất để tu tập là không bị kẹt trong các tầng thiền định - và không quan trọng là ta đạt được tuệ gì, đừng nghĩ là ta đã được Giác Ngộ. Hãy tiếp tục quán. Hãy tiếp tục chú tâm để xem có thêm sự thay đổi nào nữa trong tâm, và nếu có hãy thấy khổ và vô ngã trong những thay đổi này. Nếu ta có thể biết bằng cách này, tâm sẽ vượt lên cảm thọ, không còn vướng mắc trong tầng định này hay tầng định kia - tất cả chỉ là các vấn đề của suy đoán.
Điều quan trọng là ta cố gắng để thấy rõ. Ngay cả khi tâm tạo tác ra đủ mọi loạn động, hãy xem chúng như là ảo giác. Rồi ngồi yên mà quán sát sự hoại diệt của chúng. Hãy thấy rõ rằng thực sự không có gì nơi chúng. Tất cả đều qua đi. Tất cả những gì còn lại là tâm rỗng không, tâm duy trì sự quân bình tự nhiên của nó. Hãy chú tâm để quán sát điều đó.
Có nhiều cấp độ để chẩn bệnh của tâm chớ không chỉ có một. Nếu ta đạt được chút tuệ chân chánh nào, đừng dừng ở đó - đừng quá hứng khởi với những điều mà ta chưa từng thấy trước kia. Chỉ tiếp tục quán đề mục về vô thường trong mọi thứ, mà không bám víu, rồi thì ta sẽ đạt được các tuệ thâm sâu hơn.
Vì thế hãy tiếp tục quán niệm cho đến khi tâm dừng lại, cho đến khi tâm đạt tới tầng thiền định được gọi là thanh tịnh của xả và niệm. Hãy quán sát xem tâm chánh niệm thuần khiết là gì. Còn cảm thọ xả, đó là việc của định. Đó là điều mà chánh niệm tùy thuộc vào để có thể đạt được xả. Đây là tầng thiền định nơi ta củng cố chánh niệm của mình để bước vào đó và biết tâm. Hãy để tâm định trong xả, rồi xem xét, quán tưởng. Đó là lúc mà ta có thể thấy.

Dầu Hắc

Một điều quan trọng nhưng lại khó thấy trong việc tu tập của mình là chúng ta vẫn tiếp tục bám víu vào các lạc thọ, vì các cảm thọ ở nhiều mức độ chỉ là ảo tưởng. Chúng ta không biết rằng chúng biến đổi và không đáng tin cậy. Thay vì mang đến cho ta lạc, chúng chỉ mang đến cho ta phiền não -vậy mà chúng ta vẫn bám vào chúng.
Vấn đề của cảm thọ do đó thật là vi tế. Hãy quán xét cho thấu đáo về sự chấp vào các cảm thọ: khổ, lạc và xả. Hãy quán xét và thấy cho rõ ràng. Và chúng ta phải trải nghiệm với khổ nhiều hơn ta mong đợi. Khi có các khổ thọ nơi thân hay tâm thì tâm sẽ phản ứng ngay vì nó không thích khổ. Nhưng khi khổ biến thành lạc thì tâm lại thích, bằng lòng với điều đó, vì thế tâm tiếp tục chạy theo các cảm thọ, dầu như ta đã biết, cảm thọ luôn biến đổi, phiền não và không thật sự là của ta. Nhưng tâm không thấy được điều đó, nó chỉ thấy các lạc thọ, và nó đòi hỏi được có chúng.
Hãy quán niệm xem cảm thọ làm dấy khởi ái dục trong ta như thế nào. Vì ta muốn có được các lạc thọ, nên ái dục rót bên tai những lời khuyến khích. Nếu ta quan sát kỹ càng, ta sẽ thấy rằng điều này rất quan trọng, vì đây là nơi mà các đạo và các quả dẫn đến Niết Bàn, ngay nơi cảm thọ và ái dục. Nếu ta có thể dập tắt được lòng tham muốn các cảm thọ, thì đó là Niết Bàn.
Trong kinh Solasa Pañhã (Kinh Nipàta V), Đức Phật dạy rằng phiền não giống như một cơn lũ mạnh và sâu thẳm, sau đó Ngài tóm tắt phương cách để vượt qua cơn lũ đó, chỉ bằng cách buông bỏ ái dục trong mỗi hành động. Chúng ta có thể tu tập buông bỏ ái dục ngay nơi các thọ, vì cách mà ta thưởng thức hương vị của thọ có nhiều mức độ. Đây cũng là nơi mà nhiều người trong chúng ta bị lầm bởi vì chúng ta không thấy thọ là vô thường. Ta muốn nó luôn tồn tại. Ta muốn các lạc thọ thường hằng. Ngược lại với khổ thọ thì ta không muốn nó kéo dài, nhưng dầu ta muốn xua đuổi nó tới đâu, ta vẫn chấp vào nó.
Ta phải quán chiếu về thọ để có thể buông bỏ ái dục ngay nơi các thọ. Nếu ta không quán ngay nơi đây, những con đường khác mà ta theo sẽ sinh sôi nẩy nở. Vậy hãy tu tập ngay nơi thân tâm. Khi tâm đạt được cảm giác tỉnh lặng hay thọ lạc hoặc xả, hãy cố gắng minh sát để thấy các cảm thọ đó là vô thường như thế nào, không phải là ta hay của ta như thế nào. Khi làm được điều này, ta sẽ không còn thích thú cảm thọ đặc biệt nào đó. Chúng ta có thể dừng ngay tại đó, ngay nơi mà tâm ưa thích vị của thọ và làm dấy khởi ái dục. Đây là lý do tại sao tâm phải ý thức trọn vẹn về bản tâm – ở mọi lúc, mọi nơi - trong trạng thái định tập trung để thấy các thọ không có tự ngã.
Việc ta thích hay không thích các cảm thọ là một căn bệnh khó chẩn đoán, vì nỗi đam mê của ta với các thọ quá mãnh liệt. Ngay cả khi tâm ta trống vắng hay bình lặng, chúng ta vẫn tràn ngập các cảm thọ. Các thọ thô lậu - mạnh mẽ, căng thẳng thường đi theo các uế nhiễm - thì dễ biết. Nhưng khi tâm bình lặng - vững chãi, sáng suốt, thoải mái, vân vân chúng ta vẫn bám theo các thọ. Ta ao ước được có các lạc hay xả thọ. Ta tận hưởng chúng. Ngay cả ở mức độ định vững chắc hay ở tầng thiền định, vẫn có sự chấp vào cảm thọ.
Đây là sức hút nam châm vi tế của ái dục, gắn kết, tô vẽ mọi thứ lại với nhau. Rất khó nhận biết điều này vì ái dục luôn thầm thì bên trong ta, “Tôi không muốn gì hơn là những cảm giác dễ chịu”. Nhận ra được điều này rất quan trọng, vì chính con vi khuẩn ái dục là nguyên nhân đưa chúng ta đi tái sinh không dừng dứt.
Vì thế hãy quán chiếu xem ái dục tô điểm và gắn kết mọi thứ lại với nhau như thế nào, nó khiến tâm tham khởi lên như thế nào – tham muốn được điều này hay điều kia- và những vị gây nghiện của nó khiến ta khó dứt ra như thế nào. Ta phải thấy làm thế nào mà ái dục trói chặt tâm vào các cảm thọ, đến nỗi ta chẳng bao giờ nhàm chán dục lạc hay các lạc thọ ở bất cứ mức độ nào. Nếu ta không thấy rõ rằng tâm bị mắc kẹt ngay trong ái và thọ, thì điều đó sẽ ngăn ta đạt được giải thoát.
Chúng ta gắn bó với cảm thọ như con khỉ bị dính bẫy dầu hắc. Người ta lấy một nhúm dầu hắc và để nơi mà khỉ sẽ để tay vào rồi bị dính. Khi tay này bị dính dầu hắc, khỉ đưa tay kia để gỡ, thì tay kia cũng dính luôn, rồi đến hai chân, rồi đến miệng nó cũng bị dính luôn. Hãy suy gẫm về điều đó. Dầu chúng ta làm gì, cuối cùng ta cũng bị dính ngay nơi cảm thọ và ái dục. Ta không thể tháo gỡ chúng ra, cũng không thể tẩy gột. Nếu ta không ghê tởm ái dục, ta cũng giống như con khỉ bị dính dầu hắc. Vì thế nếu ta quyết tâm đi theo bước chân của các vị giác ngộ, các bậc A-la-hán, ta phải tập trung vào các cảm thọ cho đến lúc ta hoàn toàn thoát khỏi sự bủa vây của chúng. Ngay với các khổ thọ, ta cũng phải huân tập vì nếu ta sợ các khổ thọ, luôn muốn biến nó thành lạc thọ, thì ta càng trở nên vô minh hơn trước nữa.
Đó là lý do tại sao ta phải có can đảm trong việc trải nghiệm với thọ khổ: khổ thân và khổ tâm. Khi khổ thọ dấy khởi ngùn ngụt như một căn nhà đầy lửa, ta có thể buông nó không? Ta phải biết cả hai mặt của thọ. Khi nó cháy nóng , ta làm sao đối phó với nó? Khi nó mát mẻ, dễ chịu, ta có thể nhìn xuyên suốt nó như thế nào? Chúng ta phải nỗ lực tập trung vào cả hai mặt, quán niệm cho đến khi ta biết phải làm thế nào để buông chúng. Nếu không ta chẳng biết gì cả, vì lúc nào ta cũng chỉ muốn cái phần êm ái, dễ chịu, càng êm ái, dễ chịu càng tốt. Và như vậy thì làm sao ta thoát khỏi vòng luân hồi?
Niết bàn là sự đoạn tuyệt ái dục. Nhưng nếu ta cứ bám mãi vào ái dục, thì làm sao ta có thể đi được đến đâu? Ta sẽ ở đây ngay trong thế giới này, ngay trong khổ đau, phiền não, vì ái dục tựa như một loại dầu hắc dính chặt. Nếu không có ái dục, thì không có thứ gì khác: không có phiền não, khổ đau, không tái sinh. Trái lại, thì ái dục là mủ cây, là dầu hắc, là màu nhuộm khó thể tẩy giặt. Ta phải canh chừng nó.
Vì thế, đừng để cảm thọ dẫn dắt ta đi. Phần thiết yếu của sự tu tập nằm nơi đây.

Khi Các Pháp Chế Định Bị Sụp Đổ

Để giữ yên tĩnh cho bản thân, ta phải thanh tịnh trên mọi mặt - thanh tịnh trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Chỉ khi đó ta mới có thể quán xét những gì xảy ra bên trong ta. Nếu không được yên tĩnh, ta sẽ tham gia vào các chuyện bên ngoài và hậu quả là ta có quá nhiều việc để nói, để làm. Điều này sẽ làm chánh niệm hay sự tỉnh thức của ta không được vững chãi và liên tục. Chúng ta phải dừng suy nghĩ, nói hay làm những điều không cần thiết để chánh niệm của ta có thể phát triển liên tục. Đừng tự mình tham gia vào quá nhiều chuyện bên ngoài.
Khi rèn luyện tâm chánh niệm liên tục để nó giúp ta quán chiếu bản thân, ta phải biết quán sát. Khi có xúc chạm, tâm ta có liên tục giữ được trạng thái bình thường và không dao động không? Hay là nó chạy theo sự ưa, ghét? Biết quán sát theo cách này giúp ta thấy và biết mình. Nếu chánh niệm vững chắc, tâm sẽ không dao động. Ngược lại tâm sẽ nghiêng ngã theo sự ưa, ghét. Chúng ta phải thận trọng đối với những dao động nhẹ nhất. Đừng nghĩ rằng chúng không quan trọng, vì chúng sẽ trở thành thói quen.
Tập để ý có nghĩa là ta cẩn thận đến từng chi tiết, những chuyện vặt, các thói xấu nhỏ khởi lên trong tâm. Nếu làm được như thế, ta sẽ có thể bảo vệ được tâm – là việc tốt hơn nhiều so với việc để tâm vào những chuyện không đáng ở bên ngoài. Vì thế hãy thực sự cố gắng cẩn thận. Đừng vướng vào các xúc chạm. Đây là điều mà ta phải rèn luyện để quán triệt. Nếu ta tập trung một cách tuyệt đối như thế trong địa hạt của tâm, thì ta có thể quán thọ trong từng chi tiết. Ta sẽ có thể thấy chúng một cách rõ ràng để rồi buông bỏ chúng.
Vì thế hãy chú tâm vào việc tu tập ngay nơi các thọ: khổ, lạc và xả. Hãy quán để biết làm thế nào buông bỏ, xem chúng chỉ là các thọ, mà không ưa thích chúng – vì sự ưa thích các thọ chính là ái dục. Những sự ưa thích điều này hay điều kia sẽ thâm nhập và ảnh hưởng tâm đến độ tâm bị lôi cuốn vào các thọ nơi thân và tâm. Đây là lý do ta cần được yên tĩnh - yên tĩnh theo hướng không để tâm bám theo hương vị của các thọ, theo hướng có thể làm bật gốc rễ ảnh hưởng của chúng.
Tham dục tựa như con vi khuẩn nằm sâu trong cá tính của ta. Điều ta đang làm đây là không để tâm chạy theo các lạc thọ, và xua đuổi các khổ thọ. Vì ta đã quen chạy theo lạc thọ, nên ta không ưa thích khổ thọ, và muốn xua đuổi chúng đi . Vậy thì đừng để tâm thích vui, ghét khổ. Đừng để nó dao động trước các loại thọ. Hãy thử tập xem. Nếu tâm buông bỏ được các thọ đến độ nó vượt trên các thọ khổ, lạc, xả, có nghĩa là nó không bị kẹt vào thọ. Sau đó hãy quán sát xem tâm có thể giữ được sự không lay động bởi các thọ như thế nào. Đây là điều ta phải cố quán triệt để có thể buông bỏ sự bám víu vào các thọ một lần và mãi mãi, để ta không chấp vào khổ thân hay khổ tâm, coi chúng là ta hay là của ta.
Nếu ta không buông được sự chấp vào các thọ, ở thân hay ở tâm, ta sẽ tiếp tục bám vào chúng. Nếu là cảm thọ dễ chịu nơi thân ta sẽ bị nó lôi cuốn. Về các cảm thọ hoàn toàn dễ chịu nơi tâm là điều ta thực sự muốn, ta sẽ thực sự ưa thích. Rồi ta sẽ bị lôi cuốn vào các tưởng, các nhản hiệu, các tâm hành và cả thức đi kèm theo lạc thọ. Ta sẽ bám vào các thứ này như là ta hay là của ta.
Vì thế hãy phân tích các lạc thọ nơi thân và tâm. Hãy mổ xẻ và quán xét xem phải buông bỏ chúng như thế nào. Đừng si mê ưa thích chúng. Cũng đừng xua đuổi khổ thọ. Dù khổ hay lạc, hãy thấy chúng như chúng thực sự là. Hãy thấy chúng chỉ là cảm thọ không hơn, không kém. Đừng nghĩ rằng ta cảm thấy vui, rằng ta cảm thấy khổ. Làm được như thế, ta sẽ có thể vượt ra khỏi khổ đau, phiền não vì ta vượt trên và vượt ngoài cảm thọ. Rồi khi già, đau, chết xảy đến ta sẽ không bám vào ý nghĩ rằng ta già, ta đau, ta chết. Ta sẽ có khả năng buông chúng khỏi sự nắm víu của mình.
Nếu ta có thể quán tưởng hoàn toàn trong lãnh vực này – rằng ngũ uẩn là vô thường, khổ và vô ngã - ta sẽ không chấp chúng là ta hay là của ta. Nếu ta không phân tích chúng theo cách này, ta sẽ bị dính bẫy cho đến chết. Cho tới xương, da, thịt, vân vân, cũng trở thành là “ta” hay “của ta”. Đó là lý do tại sao ta được dạy phải quán về cái chết – để ta có thể tự ý thức rằng cái chết không có nghĩa là ta chết. Ta phải quán cho đến khi thực sự biết điều đó. Bằng không, ta sẽ bị vướng mắc ngay đó. Ta phải khiến bản thân trở nên rất nhạy cảm để có thể thấy rõ ràng rằng xương, da, thịt của ta không có tự ngã như thế nào. Nhờ thế chúng ta không chấp vào chúng. Nhưng nếu ta vẫn còn bám víu chúng, thì ta không thực sự thấu hiễu tính vô thường, khổ và vô ngã của chúng.
Khi ta thấy xương thú, điều đó không có mấy ý nghĩa. Nhưng khi ta thấy xương người, thì tưởng đặt tên cho chúng: ”Đó là bộ xương người. Đó là đầu lâu người”. Khi thấy nhiều xương người, ta có thể thực sự sợ hãi. Khi ta thấy hình bộ xương hoặc bất cứ điều gì đó thể hiện tính vô thường và vô ngã của thân, ta sẽ bị kẹt vào đó, ở mức độ của xương và bộ xương, trừ khi ta có thể nhìn nó một cách xuyên suốt. Thật ra không có xương gì. Xương thì rỗng không, không có gì ngoại trừ các thành phần cấu tạo. Nếu ta thâm nhập vào trong, ta sẽ thấy chúng chỉ là những thể trược, các thành phần. Ngược lại thì ta sẽ bị dính ở nơi bộ xương. Và vì ta không thấy nó một cách xuyên suốt, nó có thể khiến ta bị xáo trộn. Điều này chứng tỏ ta chưa thông suốt Pháp. Ta bị kẹt vào cái vỏ bên ngoài vì đã không phân tích sự việc trong các yếu tố của chúng.
Ngày và đêm trôi qua, nhưng không phải chỉ có chúng trôi qua. Thân ta cũng không ngừng bị suy yếu, hư hoại. Thân này hư hoại từng chút một với thời gian, nhưng nào ta có hay. Chỉ khi thân đã hư hoại nhiều – khi tóc đã bạc, răng đã long - ta mới ý thức rằng thân đã già. Sự hiểu biết này ở mức độ thô lậu và quá rõ ràng. Nhưng đối với sựbiến hoại tiệm tiến âm thầm diễn ra bên trong thì chúng ta không hề hay biết.
Kết quả là ta chấp rằng thân này là ta từng mỗi phần nhỏ của thân. Mắt này là mắt của ta, hình sắc mà mắt thấy làta thấy, cảm giác phát sinh từ sự thấy là ta cảm giác. Ta không thấy chúng chỉ là các sắc, tứ đại. Trên thực tế, chính sự giao tiếp giữa nhãn căn và sắc trần tạo thành xúc. Tâm sở xúc là thành phần của thức: sự sanh của các tâm tạo thành các sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm và ý nghĩ. Chúng ta không nhận biết điều này, vì lý do đó nên ta chấp rằng mắt, tai, mủi, lưởi, thân, ý là ta hay là cái của ta. Và rồi khi thân ta suy tàn, ta cảm thấy ta già; khi thân chết và thức ngừng hoạt động, ta cảm thấy là ta chết.
Khi ta quán các thành phần riêng rẽ thì không có gì cả. Những thứ này tự chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Chúng chỉ là các yếu tố của thân và tâm, không có đau hay chết. Nếu ta không thể nhập sâu xa vào sự vật bằng cách này, ta sẽ mãi si mê, u tối. Chẳng hạn, khi ta niệm, “Jara-dhammãmhi - thân phải chết”, điều này chỉ làm cho ta có chánh niệm và chú ý trong những giai đoạn đầu tu tập. Tuy nhiên, khi ta đạt đến giai đoạn của tuệ minh sát thì không có gì như thế cả. Tất cả mọi quy ước, mọi pháp chế định đều bị vạch trần. Tất cả đều sụp đổ. Khi thân không có tự ngã thì ta còn gì để bám víu? Các thành phần thân, thành phần tâm cũng rỗng không về bất kỳ tự ngã nào. Ta phải thấy điều này rõ ràng, xuyên suốt. Nếu không thì thân và tâm tập hợp lại, tạo ra một hiện hữu, gồm cả vật chất và tinh thần, rồi ta bám vào và coi như đó chính là ta.
Tuy nhiên khi ta thấy thế gian như các thành phần, thì không có sự chết. Và chỉ khi nào ta thấy không có sự chết, thì khi ấy ta mới thực sự biết. Nếu ta vẫn tin rằng ta chết, thì điều đó chứng tỏ là ta vẫn chưa thấy Pháp. Ta vẫn còn bám vào cái vỏ bên ngoài. Nếu thế thì ta mong được thấy loại Pháp nào? Ta phải thể nhập vào bên trong sâu xa hơn; ta phải quán niệm, mổ xẻ từng thành phần.
Ta sắp chấm dứt hợp đồng thuê căn nhà lửa này, vậy mà ta vẫn tiếp tục chấp vào đó như là cái ngã của ta. Nó lừa dối ta vào các cảm thọ ưa, ghét, nhưng ta vẫn mắc bẫy, vậy thì ta tu tập theo con đường nào? Tâm bám vào những thứ này để tự lừa dối mình ở nhiều, rất nhiều mức độ. Nếu ta không thấy rõ bản chất của các quy ước như “đàn ông” hay “đàn bà” thì ta chấp vào chúng như là tự ngã của mình –và rồi ta tự biến mình thành những thứ ấy. Nếu ta không thể tự giải thoát mình ra khỏi các quy ước, các chế định này, thì sự tu tập của ta chỉ dậm chân tại chổ.
Vì thế ta phải quán chiếu xuyên suốt qua nhiều mức độ. Cũng giống như dùng vải để lọc các thứ. Nếu ta dùng vải thưa, ta sẽ không lọc được gì. Ta phải dùng vải mịn để lọc những vật nhỏ -để đi xuống đến những mức độ sâu hơn và thể nhập vào chúng, từng mức độ một. Đó là lý do tại sao có nhiều mức độ của chánh niệm, tỉnh giác, đến từng chi tiết.
Và đây là lý do tại sao việc trở nên hoàn toàn ý thức về cá tính bên trong của ta rất quan trọng. Thiền tập thì không gì khác hơn là nắm bắt các ảo tưởng về ngã, để xem chúng xâm nhập đến tận sâu thẳm trong ta như thế nào, và ngay ở những mức độ thô thiển nhất chúng cũng lừa mị được ta như thế nào. Nếu ta không nhận ra được những trò bịp bợm, lừa mị của ngã thì sự tu tập của ta sẽ không dẩn ta tới sự giải thoát khổ. Mà sự tu tập đó chỉ khiến ta mãi ảo tưởng khi nghĩ rằng tất cả mọi thứ là ta hay của ta.
Tu theo giáo pháp của Đức Phật là đi ngược dòng. Tận trong sâu thẳm, tất cả mọi chúng sinh đều thích sự dễ chịu nơi thân và ở những mức độ cao hơn, vi tế hơn của thọ như là các loại định mang đến các cảm giác bình an, thư thái, khiến ta thích thú. Do vậy ta cần quán sát các cảm thọ để ta có thể buông bỏ và từ đó đoạn trừ ái dục, bằng cách hoàn toàn ý thức về thọ như nó thực sự là – không có ngã - theo đúng bản chất tự nhiên của nó: không vướng mắc, không bận bịu. Đây là cách để tiêu trừ vi khuẩn ái dục để sau cùng nó mất tăm không còn dấu vết.

Mạng Nhện Vô Minh
Sự tự lừa dối có nhiều mức độ. Càng tu tập, càng quán xét thì ta càng ít cho rằng mình biết. Thay vào đó, ta sẽ chỉ thấy sự tai hại trong nhiều mặt của vô minh và sự điên rồ của riêng ta. Và việc quán sát các con vi khuẩn trong tâm ngày càng trở nên vi tế. Khi không biết mà cứ nghĩ rằng mình biết, thì ta xem quan điểm của mình là cái biết. Nhưng thực sự ra những điều ta biết không phải là cái biết chân chính. Đó là những cái biết phát xuất từ sự phán đoán, đặt tên. Vậy mà ta cứ nghĩ chúng là trí tuệ và ta nghĩ là ta biết. Điều này tự nó là sự tự lừa dối trùng điệp.
Do đó chúng ta phải liên tục kiểm soát những điều này, liên tục quán niệm về chúng. Đôi khi chúng gạt ta ngay trước mắt ta: đó là lúc thật tệ hại, vì ta không biết là mình tự dối mình mà cứ nghĩ ta là người biết. Có thể chúng ta có khả năng hoàn thành điều này và điều kia nhưng cái biết của ta chỉ là sự nhớ lại các nhãn tên, các phán đoán. Ta nghĩ rằng các nhãn tên đó là trí tuệ hay các hành là tỉnh giác, hay tri thức về tâm thức là tỉnh giác, vì thế ta khiến cho tất cả mọi thứ đều là một mớ bòng bong. Kết quả là ta say mê với tất cả các mảng hiểu biết đã thâm nhập vào trong để hình thành tâm – mà chỉ là các ảo tưởng trong tâm thức. Tri thức chân chính thì có rất ít, trong khi tri thức ảo đã bủa vây ta tứ phía.
Do đó ta phải quán chiếu, phân tích cho tới khi ta nhận biết các ảo tưởng này trong tâm thức. Đây là điều sẽ giúp ta biết tâm. Nếu tâm thức hướng ra ngoài, đừng chạy theo nó. Hãy dừng lại và quay vào bên trong. Bất cứ điều gì len lỏi vào để hình thành tâm, ta phải có thái độ khôn ngoan. Ta không thể cấm cản nó, vì đó là điều tự nhiên, và ta không thể ngăn ngừa tâm quá nhiều. Chỉ cần trông chừng tâm để xem nó đi xa tới đâu, nó là thật hay giả, nó hoại diệt và tái tạo như thế nào. Hãy cứ quán sát nó. Chỉ đơn giản quán sát như thế, ta sẽ có thể biết về bản thân, biết nhân và quả trong ta và quán chiếu bản thân. Điều này sẽ giúp cho chánh niệm và tỉnh giác của ta được thiện xảo hơn. Không tu tập bằng cách này, tâm ta sẽ mãi tối tăm. Nó có thể đạt được chút tỉnh lặng, chút rỗng không, rồi ta cho rằng vậy là quá đủ.
Nhưng nếu ta nghiên cứu giáo lý của Đức Phật, ta sẽ thấy Ngài đã không bao giờ dừng lại dù Ngài đã đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Ngài đã luôn bảo là:”Vẫn còn”. Lúc đầu, Ngài đã phát triển chánh niệm, tỉnh thức trong mọi hoạt động, nhưng sau đó Ngài đã bảo, “Hãy còn nhiều việc phải làm, cần đi xa hơn nữa”. Còn chúng ta thì lúc nào cũng sẵn sàng để khoe khoang. Ta tu tập để phát triển yếu tố này, yếu tố kia trong một thời gian rồi cho là ta biết hết về điều đó, không cần phát triển thêm. Kết quả là các nguyên tắc trong tâm thức của ta phai lạt đi vì sự khoe khoang và kiêu hảnh của ta.

Trống Rỗng Và Trống Trải

Mở cửa tâm ra để thực sự nhìn vào nội tâm của mình không phải là điều dễ dàng, nhưng ta có thể rèn luyện bản thân để làm điều đó. Nếu ta có đủ chánh niệm để tự thấy và tự hiểu bản thân, ngay đó ta đã diệt trừ được bao vấn đề. Ái dục sẽ khó thành hình. Dầu nó khởi lên dưới bất kỳ hình thức nào, ta cũng phải thấy nó, biết nó, dập tắt nó và buông bỏ nó.
Khi ta phải làm những điều này, không có nghĩa là ta “đạt được” điều gì, vì thật ra một khi tâm rỗng không, nó không đạt được điều gì cả. Nhưng để nói cho những ai chưa trải nghiệm điều đó được hiểu thì nó là thế này: Sự trống rỗng (emptiness) thì trống không (empty) như thế nào? Có phải mọi thứ biến mất hay bị hủy diệt? Thực ra thì trống rỗng không có nghĩa là tâm bị hủy diệt. Tất cả những gì đã bị hủy diệt là sự bám víu và chấp thủ. Điều chúng ta cần làm là: Xem sự trống rỗng là gì khi nó thực sự xuất hiện và không bám vào nó. Bản chất của sự trống rỗng là nó sống mãi trong ta - đây là sự rỗng không tự ngã - tuy nhiên tâm vẫn hoạt động, biết và thấy chính nó. Chỉ cần ta không đặt tên, phán đoán hoặc chấp vào nó, chỉ có thế thôi.
Có nhiều loại và nhiều mức độ của sự trống rỗng, nhưng nếu đó là sự rỗng không của loại này hay loại kia thì đó không là sự trống rỗng chân chính, vì nó chứa đựng ý hướng cố gắng muốn biết đó là loại trống rỗng nào, có đặc tính gì. Đây là điều mà ta phải quán sát thấu đáo nếu ta thật sự muốn biết. Nếu đó là sự trống rỗng giả tạo, bề ngoài - sự rỗng không của tâm tĩnh lặng, không có tâm hành về đối tượng hay không có cảm giác về cái ngã bên ngoài –đây không phải là sự rỗng không chân chính. Sự rỗng không chân chính nằm dưới sâu, chớ không phải chỉ ở mức độ tâm vắng lặng hay định tĩnh. Sự trống rỗng của cái không rất sâu thẳm.
Nhưng từ những gì ta đã học, đã nghe, ta có khuynh hướng gọi sự rỗng không của tâm tĩnh lặng như là cái không, cái trống vắng - nhưng đây là sự đặt tên sự vật một cách sai lầm trong cái trống rỗng đó. Thật ra đó chỉ là tâm tĩnh lặng bình thường. Ta cần nhìn sâu hơn. Dầu ta đã trải nghiệm hay nghe về điều gì trước đây, đừng để bị kích động. Đừng đặt tên, cho đó là trình độ chứng đắc này, chứng đắc nọ. Nếu không ta sẽ làm hỏng mọi việc. Có thể ta đạt tới mức độ mà ta có khả năng giữ tâm vững chắc, nhưng một khi ta đặt tên, gắn nhãn sự việc thì tâm dừng ngay tại đó – hoặc là tán loạn khó kiểm soát.
Sự đặt tên, dán nhãn này là một hoạt động của bám víu. Nó rất vi tế, rất nhạy cảm. Bất cứ cái gì xuất hiện là nó bám vào. Vì thế ta hãy để tâm ta rỗng không, không đặt tên nó là gì. Sự rỗng không buông bỏ các mối lo âu hay buông bỏ ảnh hưởng của các tâm hành là điều mà ta cần quán sát kỷ càng. Đừng cho là (đặt tên) nó ở mức độ này hay kia, vì để đo lường và so sánh sự việc theo cách này sẽ chặn đứng mọi thứ - đặc biệt, là cái biết về tâm biến đổi như thế nào.
Vì thế lúc khởi đầu, chỉ cần quán sát, chỉ cần chú ý những thứ này. Nếu để bị kích động ta sẽ làm hỏng mọi thứ. Ta sẽ không thấy mọi vật xuyên suốt. Ta sẽ dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn nữa. Vì lý do này, khi ta rèn luyện tâm hoặc quán tâm tới điểm nếu thỉnh thoảng có được sự tỉnh giác rõ ràng, hãy xem chúng chỉ là những thứ cần quán sát.

Khai Mở Đạo Tâm


Một khi biết tâm đúng cách là ta có khả năng nắm bắt các uế nhiễm tiêu diệt chúng -đó là thiền Minh Sát. Tâm trở thành lưởi dao bén có thể cắt bất cứ vật gì một cách nhanh chóng. Giả như các uế nhiễm có khởi lên lại, thì ta có thể lại đào chúng lên, lại cắt đứt chúng. Nhổ bật gốc rễ của uế nhiễm trong tâm là công việc rất hứng thú. Không có công việc nào vui hơn là kiềm chế trong tay cảm giác của cái “tôi” hay cái ngã, vì ta có thể thấy mọi thủ đoạn của chúng. Mỗi khi ngã tưởng lộ mặt ra, ta chỉ cần quán sát nó – để xem nó nó muốn gì và tại sao nó muốn điều đó, để xem nó tự thổi phồng những đòi hỏi gì của nó. Bằng cách này ta có thể quán sát nó xuyên suốt để thấy sự thật.
Một khi ta biết, không có gì cần làm ngoài sự buông bỏ, không dính mắc và giải thoát. Thử nghĩ điều đó tốt đẹp đến thế nào! Cách tu tập này của ta là dừng lại và ngăn ngừa tất cả mọi thứ bên trong ta. Khi nào uế nhiễm khởi lên để đòi thứ này, để nắm bắt thứ kia, thì ta không hùa theo chúng. Ta không tham gia. Chỉ cần như thế cũng đủ để ta tránh bao khổ đau, phiền não, dầu uế nhiễm có nặng nề đến đâu.
Khi ta đè nén uế nhiễm quá nhiều, ta khiến chúng nóng sốt. Nhưng hãy nhớ rằng đó là các uế nhiễm nóng sốt. Và hãy nhớ rằng Đức Phật dạy ta thiêu đốt các uế nhiễm, nếu không chúng sẽ mãi thiêu đốt ta.
Do đó, ta phải chủ tâm thiêu hủy các uế nhiễm đi, dù chúng có phàn nàn về cách đối xử của ta. Ta đóng cửa, giam chúng lại. Vì chúng không thể đi đâu được, chắc chắn là chúng sẽ phàn nàn, “Tôi không chịu đựng được nữa rồi! Tôi không được tự do đi đâu cả!” Vì thế hãy chỉ quán sát chúng. Chúng muốn đi đâu? Chúng muốn nắm bắt gì? Quán sát chúng cẩn thận, thì chúng sẽ dừng lại –dừng đi, dừng chạy. Rất dễ nói “không” với những thứ khác, nhưng nói không với bản thân, nói không với các uế nhiễm của ta thì không dễ -dầu điều đó không vượt quá sự sáng suốt hay khả năng để làm điều đó của ta. Nếu ta có chánh niệm tỉnh giác để nói không với uế nhiễm, nó sẽ dừng lại. Đừng nghĩ là ta không thể làm cho nó dừng lại. Ta có thể làm điều đó -chỉ là ta đã rồ dại chịu nhượng bộ quá nhanh và điều đó đã trở thành thói quen.
Vì thế ta phải dừng lại. Một khi ta dừng lại, các uế nhiễm dừng lại. Chúng có mặt ở đâu, ta có thể dập tắt chúng. Như vậy thì sao ta lại không muốn tu tập? Dầu chúng muốn điều gì đó một cách kiên trì, chỉ cần quán sát chúng. Hãy làm quen với chúng, chúng sẽ không lưu lại. Chúng sẽ tan biến. Ngay khi chúng qua đi, ta nhận thức rõ ràng chúng lừa mị như thế nào. Trước kia ta không biết. Khi chúng thúc đẩy ta làm điều gì, ta đã nghe theo. Nhưng khi ta khôn ngoan hơn, chúng dừng lại. Chúng hoại diệt. Dầu ta không tiêu trừ chúng, chúng cũng tự hoại. Và ngay khi ta thấy sự hoại diệt của chúng, thì đạo lộ mở rộng dưới chân ta. Mọi thứ mở rộng ra trong tim. Ta có thể thấy rằng có cách để chiến thắng uế nhiễm, ta có thể chấm dứt uế nhiễm, dầu nó khởi lên như thế nào. Nhưng ta phải nhớ luôn đề phòng nó, luôn buông bỏ nó.
Do đó chúng ta cần nỗ lực giữ cho các dụng cụ của mình luôn sắc bén. Khi sự tỉnh giác của ta bén nhạy ở bất kỳ điểm nào, nó có thể cắt bỏ và bứng rễ ở điểm đó. Nếu ta gìn giữ trạng thái tâm đó và quán chiếu để làm thế nào duy trì nó, thì ta có thể giữ cho các dụng cụ của mình không bị cùn lụt.
Giờ thì chúng ta đã biết các nguyên tắc căn bản. Chúng ta cần nỗ lực hết sức mình và chánh niệm tối đa. Mong rằng chúng ta luôn can đảm và kiên trì, để sự tu tập giải thoát khỏi khổ đau, phiền não của ta đạt được kết quả khả quan về mọi mặt.

Chương 5
Biết Tâm
Thực Tánh Pháp Và Ảo Tưởng

Trích: ĐƠN GIẢN VÀ THUẦN KHIẾT
Tổng Hợp Các Bài Giảng của Nữ Thiền Sư Thái Lan
Tỳ Kheo Thanissaro
Chuyển ngữ sang tiếng Anh và viết lời giới thiệu
Diệu Liên Lý Thu Linh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Chuyển Ngữ sang tiếng Việt

http://thuvienhoasen.org/