Bốn lãnh vực để thiết lập chánh niệm.

Bạn đã biết bốn căn bản hay bốn nền tảng của sự thiết lập chánh niệm. Sở dĩ có bốn vì có bốn loại đối tượng:

1. Quán sát thân hay niệm thân: Ðôi lúc thân không có nghĩa là toàn thể cơ thể vật chất mà là một nhóm yếu tố hay thành phần của vật chất. Hơi thở cũng được gọi là thân. Những thành phần khác của thân cũng được gọi là thân ... Chữ thân ở đây phải hiểu là tất cả những gì liên hệ với thân.


2. Quán sát thọ hay niệm thọ. Thọ là một tâm sở. Bây giờ ta đau ở thân và ta kinh nghiệm được sự đau vật chất này bằng tâm của ta. Trong tâm ta có một tâm sở gọi là thọ. Bởi vì đây là một sự đau, nên cảm thọ đây là cảm thọ đau. Khi đức phật nói: Tỳ Khưu quán sát thọ trên thọ có nghĩa là quán sát trên tâm sở thọ này chứ không phải chánh niệm trên sự đau. Trong thực hành khi đau ta chú tâm vào sự đau và quán sát chánh niệm vào sự đau. Nhưng thực ra, khi ghi nhận hay niệm thầm "đau, đau" là chúng ta đã thực sự ghi nhận tâm sở thọ, và tâm sở thọ này cảm nhận sự đau trong cơ thể ta. Cảm thọ gồm 3 loại: Vui, khổ và vô ký.

3. Quán sát thức (thức) hay niệm thức. Thông thường chữ citta được dịch là tâm nhưng nên dịch là thức đúng hơn. Chữ Citta có nghĩa là ý thức. Trong Tâm Lý Học Phật Giáo, tâm là sự tập hợp của bốn yếu tố. Vậy cái mà ta gọi là tâm thật ra là một tập hợp của bốn yếu tố. Ðôi khi có sự lẫn lộn giữa hai danh từ tâm và thức. Trước tiên hãy xem tâm là sự tập hợp của thức và các yếu tố của tâm. Thức được định nghĩa là sự nhận biết hay ý thức đối tượng. ý thức hay sự nhận biết đây không phải là sự nhận biết hay ý thức trong chánh niệm. Thức ở đây chỉ là sự ý thức hay sự nhận biết thông thường. Chẳng hạn như, tôi nhận biết có người nào đang đứng đó, mặc dầu tôi đang nhìn đây. Sự nhận biết hay ý thức như vậy gọi là thức (citta). ít ra trong Vi Diệu Pháp cũng gọi sự nhận biết đơn thuần này là thức. Theo nghĩa thông thường thì chữ thức có một nghĩa rộng hơn hay hẹp hơn. Cần ghi nhận một điểm ở đây là: Chúng ta dùng chữ thức để chỉ cho (citta), nhưng dịch như vậy không chính xác. Thức được định nghĩa là một yếu tố hay thành phần của tâm, và thành phần của tâm này làm nhiệm vụ ý thức hay nhận biết đối tượng. Chỉ khi nào có nhận biết đối tượng thì mới có sự tiếp xúc (xúc) với đối tượng, cảm nhận đối tượng, thích đối tượng, không thích đối tượng v.v... Như vậy, những tâm sở đã hỗ trợ cho thức, nhưng đồng thời cũng là những thành phần của tâm. Như vậy, trước tiên tâm được chia làm hai thành phần: Thức và tâm sở. Xúc, thọ, tưởng, chú tâm, thích, không thích ... được gọi là những tâm sở (yếu tố của tâm). Theo vi diệu pháp thì có 52 tâm sở và 52 tâm sở này được chia làm ba nhóm: thọ, tưởng và hành. Như vậy, khi ta thêm thức vào nhóm thọ, tưởng hành này thì ta sẽ có bốn thành phần của tâm: Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Mỗi khi tâm nhận đối tượng thì bốn thành phần này cùng sinh khởi một lúc.
Ðức Phật với trí tuệ cao siêu có thể phân tích và định danh từng tâm sở này một cách tinh tế rõ ràng khi chúng đồng thời nhận đối tượng. Ðây là một điều thật kỳ diệu.
Khi đang hành thiền và có sự lo âu phát sinh ta ghi nhận: "lo âu, lo âu", có nghĩa là lúc bấy giờ ta có một thức đi kèm với lo âu. Ðây là quán sát trên "thức". Khi ta ghi nhận: "Giận, giận" thì ta cũng đang quán sát trên thức.

4. Quán sát Pháp trên Pháp: Dhamma (Pháp) là một chữ Pàli rất khó dịch hay khó có thể dịch một cách chính xác. Tùy theo từng trường hợp, chữ Dhamma được dùng với một nghĩa khác. Ta không thể dùng một chữ cố định nào đó để dịch chữ Dhamma vì làm như thế sẽ sai. Dhamma được dùng trong kinh Ðại Niệm Xứ chỉ đơn giản để chỉ: Năm chướng ngại, năm nhóm tập hợp, sáu căn, sáu trần, bảy pháp giác ngộ, bốn chân lý cao thượng. Chữ Pháp dùng trong niệm pháp chỉ để chỉ các pháp nêu trên thôi. Như vậy, nên để nguyên chữ Dhamma, đừng dịch, và hãy hiểu chữ Dhamma tùy theo từng trường hợp, từng đoạn kinh. Phần lớn dịch Dhamma là 'đối tượng thuộc về tâm' hay 'đối tượng của tâm'. Nhưng cả hai lối dịch này đều không thỏa đáng.
Bây giờ chúng ta hãy học cách quán sát pháp trên pháp. Nếu chú tâm vào sự sân hận là bạn đã quán sát pháp trên pháp. ở đây, một lần nữa tôi nhắc lại: Pháp không có nghĩa là giáo pháp hay gì khác. Thấy cái gì và bạn chú tâm chánh niệm vào cái đó là bạn đang quán sát pháp trên pháp. Như vậy đề mục pháp để quán sát rất rộng bao gồm: Năm chướng ngại, năm nhóm tập hợp, sáu căn, sáu trần, bảy pháp giác ngộ, bốn chân lý cao thượng. Nếu chúng ta dịch Dhamma là đối tượng thuộc về tâm có nghĩa là lấy tâm làm đối tượng để quán sát thì không đúng lắm vì có nhiều đối tượng không phải là tâm (như các trần: hình sắc, mùi, vị ...). Nếu dịch là "đối tượng của tâm" có nghĩa là bao gồm tất cả mọi đối tượng, đối tượng nào cũng được. Cả thân lẫn tâm đều là đối tượng. Vậy thì niệm gì cũng có thể gọi là niệm pháp được cả. Vì không thể nào dịch chữ Dhamma cho chính xác được, thế nên hãy để yên chữ Pàli, đừng dịch.
Tôi đã từng nói với các bạn rằng không phải thực hành bốn căn bản chánh niệm theo thứ tự ghi trong sách, cũng không cố gắng tìm xem ta đang quán sát lãnh vực nào của chánh niệm: quán sát thân, quán sát thọ, quán sát tâm hay quán sát pháp. Nếu cố gắng tìm xem ta đang chánh niệm loại nào đây thì sẽ bị vọng tâm. Là một thiền sinh, bạn phải quán sát chi nhận đề mục trong hiện tại; không cần tìm hiểu xem đề mục thuộc loại nào: thân, thọ, tâm hay pháp gì cả. Dầu đề mục gì đi nữa, bổn phận của bạn là chánh niệm ghi nhận để khỏi tham đắm, dính mắc hoặc ưu phiền sân hận trên đối tượng mà bạn đang quán sát này.
Ðể khỏi bị tham ái và ưu phiền (sân hận) bạn phải tinh tấn chú tâm chánh niệm. Bạn không có đủ thì giờ để tìm xem đây là tâm là pháp hay đây là cái gì khác. Khi hành Thiền Minh Sát bạn phải thực hành trên tất cả bốn căn bản chánh niệm mỗi một khi chúng diễn ra. Bao lâu bạn chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại là bạn đã hành thiền đúng, và hành thiền tốt đẹp. Hành thiền không tốt là khi bạn bị tư tưởng lôi kéo đi, bạn quên mất việc hành thiền trong vài giây hay trong vài phút. Nhưng bao lâu bạn còn chánh niệm là bạn đã làm đúng và việc hành thiền đang tiến triển tốt đẹp.
Có thiền sinh nghĩ rằng nếu họ không định tâm được trên đề mục chính là họ không hành thiền. Ðôi khi họ nói: "ô! Tôi đã phí thì giờ để ghi nhận tâm đi đây đi đó, và tôi không có nhiều thì giờ để chú tâm với đề mục chính." Dầu bạn chú tâm vào đề mục chính hay đề mục phụ, điều đó không quan trọng; bao lâu bạn còn chú tâm vào chúng được là bạn đã hành thiền đúng.
Ðiều quan trọng đầu tiên trong việc hành Thiền Minh Sát là chú tâm chánh niệm vào đề mục đang xảy ra trong hiện tại. Ðôi khi bạn bị thất niệm, bạn hãy lấy sự thất niệm này làm đề mục và ghi nhận "quên, quên" hay "thất niệm, thất niệm" rồi trở về với đề mục chính. Bạn phải luôn luôn chánh niệm trong mọi lúc, trong mọi nơi, và nếu bạn có thể giữ chánh niệm liên tục, tâm khắn khít trên đề mục thì bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng và sẽ bắt đầu thấy được bản chất của sự vật; có nghĩa là bạn sẽ thấy được đề mục sinh và diệt. Khi thấy được sự vật sinh diệt bạn cũng thấy được sự vật là vô thường. Khi thấy được sự vật vô thường bạn cũng thấy được bản chất đau khổ của sự vật và bản chất vô ngã hay thấy rằng bạn không thể điều khiển hay kiểm soát chúng được; chúng sinh và diệt một cách tự do theo ý muốn của chúng, ta không làm chủ được chúng. Khi thấy được như thế là bạn đã thấy được ba bản chất tổng quát của mọi pháp hữu vi, pháp có điều kiện. Thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của sự vật là mục tiêu, hay cốt tủy của Thiền Minh Sát. Nếu bạn hành Thiền Minh Sát bạn phải thấy ba đặc tính này bởi vì chữ minh sát (vipassanà) có nghĩa là thấy bằng nhiều cách. Và thấy bằng nhiều cách có nghĩa là thấy sự vật dưới ánh sáng của Vô thường, dưới ánh sáng của Khổ và dưới ánh sáng của Vô ngã. Ðiều quan trọng và mục tiêu của việc hành Thiền Minh Sát là thấy ba đặc tính này, và để thấy ba đặc tính này chúng ta phải quán sát, theo dõi đề mục trong hiện tại. Muốn chú tâm vào đề mục hiện tại bạn cần phải tinh tấn. Không có tinh tấn không thể đạt được kết quả tốt đẹp. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật dạy: Phải có tinh tấn, ý thức sáng suốt và chánh niệm trong khi hành thiền minh sát. Khi chúng ta có thể thực hành trọn vẹn, đầy đủ những điều kiện này - tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm - và tâm định thì chúng ta có thể chế ngự được tham ái và ưu phiền trên đối tượng chúng ta đang quán sát.
Ðây là phần tóm lược kinh Ðại Niệm Xứ, bài pháp lớn về căn bản của chánh niệm. Nếu bạn nắm vững phần tóm lược này tôi tin rằng bạn sẽ hiểu rõ thế nào là Thiền Minh Sát và hiểu rõ cách hành trì. Có nhiều chỉ dẫn chi tiết khác cho việc hành thiền, tôi hy vọng các bạn đã quen thuộc với những chỉ dẫn này.
Cầu mong các bạn thực hành theo những lời chỉ dẫn này một cách tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác để có thể chế ngự mọi tham ái và ưu phiền sân hận trên cõi đời.






Thiền sư U Silananda thọ giới tỳ kheo đã hơn bốn mươi lăm năm. Ngài hoàn mãn văn bằng Phật học cao cấp nhất tại Miến Ðiện và đã từng dạy đại học nơi này. Trong kỳ Kiết Tập Kinh Ðiển Phật Giáo lần thứ sáu tại Miến Ðiện vào năm 1954, Ngài là vị lãnh đạo việc soạn thảo Tự Ðiển Miến-Pali và cũng là Trưởng Ban Kiết Tập Kinh Ðiển Pali, Chú Giải, và Chú Giải Của Chú Giải lúc Ngài mới vừa 26 tuổi. Ngài là tác giả của nhiều sách viết bằng tiếng Miến và tiếng Anh, trong đó có cuốn The Four Foundations Of Mindfulness (Tứ Niệm Xứ hay là Bốn Lãnh Vực Quán Niệm), một cuốn sách căn bản giảng dạy chi tiết về Tứ Niệm Xứ.
Năm 1979, Ngài được Ðại Lão Hòa Thượng Thiền Sư Sayadaw Mahasi, một thiền sư nổi tiếng bậc nhất tại Miến Ðiện, chọn để đi hoằng pháp tại nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. Với sứ mạng nầy Ngài đã hướng dẫn Thiền Quán và giảng dạy Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nhiều nơi tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Âu Châu, Tích Lan, Canada, Mexico, Jamaica…
Năm 1993, Ngài được chính phủ Miến Ðiện tưởng thưởng danh vị Aggamahapandita (The Best, Great, Wise).
Năm 1999, Ngài nhận danh hiệu Aggamahasaddhamma Jotika do sự nghiệp hoằng pháp tại hải ngoại và đảm nhận trách nhiệm Cố Vấn Trưởng Ủy Ban Cố Vấn của Viện Ðại Học Phật Giáo Yangon, Miến Ðiện (International Theravada Buddhist Missionary University, Yangon). Ngài hiện là Hòa Thượng Trụ Trì Thiền Viện Dhammananda Vihara tại Half Moon Bay, California, cũng là vị lãnh đạo tinh thần của Thiền Viện Dhammachakka, Berkerley, California và Thiền Viện Dhamma Vihara, Mexico.
Với kinh nghiệm thực chứng thâm sâu và kiến thức uyên bác về Giáo Pháp, Ngài đã giảng dạy giáo lý, hướng dẫn thiền tập một cách súc tích và rành mạch trong tinh thần từ bi độ lượng của một bậc Thầy đáng kính.
Ngài được tất cả thiền sinh không phân biệt quốc gia chủng tộc yêu quý và kính trọng.
Ngài bắt đầu dạy thiền cho nhóm Thiền Quán Như Lai kể từ cuối nằm 1987 và hiện nay là vị hướng dẫn tinh thần tối cao cho Như Lai Thiền Viện.

Trích: Giới thiệu Kinh Ðại Niệm Xứ
Hòa thượng Silananda giảng
Tỳ kheo Khánh Hỷ soạn dịch