TU "Xuất Gia & Tại Gia"


Dù xuất gia hay tại gia, thì thân, thọ, tâm, pháp vẫn là căn bản đời sống và đó cũng chính là đối tượng tu học của Tánh Biết vốn sẵn có nơi mỗi người mà đức Phật gọi là Nội Tâm Trong Sáng (Pabhassara Citta).
Biết ứng dụng nội tâm trong sáng để thấy biết thân-tâm-cảnh thì chính là tu là học ngay trên pháp tánh tự nhiên. Không biết ngay đó mà tu học thì tìm Đông tìm Tây không nơi nào thấy Đạo.

***
Tu không phải là rèn luyện để trở thành, mà là khám phá phát hiện Sự Thật một cách toàn diện như nó đang là. Chỉ cần biết buông ra mọi thái độ hoặc ý đồ chủ quan thì ngay đó tánh biết liền thấy pháp một cách toàn diện.


Đạo vốn là như vậy
Xưa nay chẳng đến đi
Mở mắt ra liền thấy
Tìm kiếm để làm chi?


Hỏi : 
Tâm lúc nào cũng hướng đạo... nhưng gặp nhiều chướng ngại, cần làm gì để được thuận duyên để xuất gia? Xin được khai huệ.

T.S Vi
ên MinhĐừng nghĩ đến xuất gia hay không xuất gia, mà chính yếu là tâm bình trước các nghịch cảnh. Nếu không an trước nghịch cảnh khi xuất gia nếu gặp nghịch cảnh nữa phải làm sao? 

Hỏi: Thưa Thầy, có một ni sư chia sẻ với con rằng tu tại gia không thể bằng xuất gia, sống trong gia đình còn lấn cấn với biết bao quan hệ xã hội thì đến bao giờ mới giác ngộ được. Xin Thầy cho con lời khuyên ạ.

T.S Viên Minh: Tu tập chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi khi tâm tiếp xúc với những biến động của đời sống, vì vậy sống không gia đình hay cùng với gia đình đều có thể tu tập được. Ai ai cũng có thể ngay trong nghiệp mệnh của mình mà học hỏi và phát hiện ra những bài học quý giá về bản thân và cuộc sống.
Cuộc sống của mỗi con người thường diễn biến theo nghiệp mệnh của người đó, tử vi gọi đó là mệnh cách, bên Công giáo thì gọi là Ý Cha. Đó chính là trường học thích hợp nhất mà vũ trụ chọn cho mỗi người, để họ có thể ngay trong sự thăng trầm của đời sống cá nhân, qua trải nghiệm, chiêm nghiệm để học ra những bài học mà họ học chưa xong. Ai rồi cũng phải trải qua tất cả ngần ấy những bài học trong cuộc sống, kể cả bài học về cuộc sống xuất gia. Không học sinh nào có thể bỏ học, trốn học, tìm đường tắt mà lên lớp, vượt cấp. Vì vậy nhiều sư/ni thúc giục người khác xuất gia là không đúng vì phải biết mỗi người đều có bài học từ sinh nghiệp riêng mà họ cần trải qua trong mỗi kiếp. Can thiệp vào bài học của người khác có khi làm chậm quá trình giác ngộ của người đó mà không biết.
Có thể sống tùy duyên thuận pháp và vô ngã vị tha, thực hành lời dạy của Đức Phật ngay trong đời sống, trong công việc hàng ngày của mình là điều mà người Phật tử chân chính nên làm, chứ không phải đợi đến khi chuyển tới sống trong ngôi chùa nào đó như ý mình thì mới thực hiện được. Thật ra tu tập là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên, tùy duyên mà ứng, tùy pháp mà hành, chứ không phải ở đó mà chọn lựa, lấy bỏ vì cho là thế này, phải là thế kia với thái độ cầu toàn đầy bản ngã ảo tưởng. Dù nghiệp mệnh của mình là sống xuất gia hay tại gia, có làm nhà sư, bác sĩ, kỹ sư hay làm người nông dân, …nếu trong từng hành động của đời sống mình luôn trọn vẹn, chuyên tâm, thực hiện mọi việc với thái độ trầm tĩnh, sáng suốt và trong lành thì đó chính là đã tu tập theo đúng lời dạy của Đức Phật.
Sự sống là một tiến trình chuyển hóa liên tục không có điểm cuối, giác ngộ không phải là giải thưởng được treo ở cuối con đường tu tập để mà cố gắng, loay hoay tìm cách nhanh nhất đạt tới. Ngay đây tâm không còn tìm kiếm mà trở về với những gì đang xảy ra chính là tu tập, thấy rõ ràng, minh bạch mọi thứ như nó đang là tức là giác ngộ chứ không có tu tập, giác ngộ nào khác.
Cách đây 2600 năm, vào thời của Đức Phật, những người xuất gia, ai ai cũng đều sống tự tại với ba y một bát, không bám víu vào bất cứ điều gì. Đời sống của họ phạm hạnh hoàn toàn viên mãn và thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vì vậy tất cả những người xuất gia thời Đức Phật đều được xã hội tôn trọng và cúng dường. Trong thời kỳ ấy cũng có rất nhiều cư sĩ tại gia chứng đắc đạo quả.
Ngày nay xuất gia cũng không hoàn toàn là sống không có gia đình, mà gần như là chuyển từ gia đình nhỏ để gia nhập vào gia đình lớn của tăng đoàn. Thành phần những người xuất gia cũng rất phức tạp, ngoài những người xuất gia chân chính còn lẫn lộn những kẻ xuất gia vì lười biếng muốn sống ăn bám xã hội, xuất gia vì trốn tránh pháp luật, vv… Cuộc sống xuất gia vì vậy mà cũng gặp nhiều trắc trở với những mối quan hệ cá nhân phức tạp không khác gì ngoài xã hội.
Vì nhiều người xuất gia đã không thực hành theo đúng lời Phật dạy nên hình ảnh người xuất gia không còn được mọi người hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng như xưa. Đối với các Phật tử muốn xuất gia để chuyên tâm tu tập, việc lựa chọn môi trường, địa điểm cần được tiến hành một cách kỹ càng và thận trọng. Nếu vào chùa tụng kinh nhưng tâm rối loạn thì tu tại gia mà được tinh tấn chánh niệm tỉnh giác còn tốt hơn.