TƯ TÁC chính là NGHIỆP


Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc thì thọ khởi lên, kế đó là hiện tưởng. Nhưng trong trường hợp ý thức thì hồi tưởng và tưởng tượng hoạt động như sau:

Tưởng
(qua 4 tiến trình ý môn)
Diễn tiến phân tích để nắm bắt biệt tướng
(atītaggahana vīthi)(1)
Diễn tiến tổng hợp để nắm bắt tổng tướng
(samūhaggahana vīthi) (2)
Hình thành vật khái niệm để định tướng đối tượng
(atthaggahana vīthi) (3)
Hình thành vật khái niệm để định tướng đối tượng
(nāmaggahana vīthi) (4)

Tiến trình (1) và (2) có đối tượng paramattha quá khứ của hiện tưởng cung cấp. Tiến trình (3) có đối tượng atthapaññatti, tiến trình (4) có đối tượng nāmapaññatti. Hồi tưởng và tưởng tượng (3) và (4) có thể đúng có thể sai, có thể rõ, có thể mờ, nhưng nó vẫn là vô nhân, chỉ cần tác ý tốt cho nó đúng và rõ là được vì nó chưa tạo nghiệp.
Phi hữu ái, hữu ái, dục ái có thể thiện, có thể bất thiện, có thể bất động, có thể tương ưng với phàm trí, nhưng nó chưa thoát khỏi vô minh:

Thiện là gì? Thiện xuất phát từ các yếu tố tâm (tâm sở) trong lành. Khi tư có chủ ý tốt đẹp (hành động với các tâm sở thiện) thì gọi là thiện. 
Khi tư có chủ ý xấu xa gọi là bất thiện
Còn khi tư có chủ ý hành động cùng với các tâm sở thiền chi thì gọi là bất động. 
Dầu thiện, bất thiện hay bất động thì cũng đều tạo tác. 
Thiền định (bất động) cũng chưa phản ánh đúng thực tại, giống như mang kính màu sáng đẹp thì thấy cảnh sắc đẹp hơn mà thôi. Thiền định chỉ có tác dụng lợi ích trong một số giới hạn nào đó, chẳng hạn chế ngự năm yếu tố ngăn che tâm (triền cái) và tạo điều kiện cho trí tuệ phát sinh. Trừ phi Thánh định mới là duy tác, mới là Niết-bàn, mới là hiện tại lạc trú của các bậc Thánh. Phàm định chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích tối hậu. Phàm định không thể đưa đến giải thoát hoàn toàn. Trong phàm định cũng có giải thoát, nhưng chỉ giải thoát ra khỏi dục giới để an trú vào các tầng thiền sắc giới, hoặc giải thoát sắc giới để an trú ở các tầng thiền vô sắc giới. Nhưng những giải thoát này vẫn còn nằm trong giới hạn của tưởng, do tưởng sinh.
Trở lại tư, trừ phi tư được hướng dẫn bởi Thánh Tuệ, nó chỉ tạo tác trong vòng tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới, sắc giới và vô sắc giới lại xuất phát từ dục ái, sắc ái và vô sắc ái, chỉ là cấp cao của dục ái, hữu ái và phi hữu ái mà thôi.
Từ dục ái (cấp thấp) chúng ta khởi tâm tu để đạt những hạnh phúc cõi trời dục giới (6 cảnh trời)gọi là dục ái (cấp cao).
Từ hữu ái (cấp thấp) chúng ta muốn tu thiền định để đắc các tầng thiền ở cõi trời sắc giới (4 tầng thiền ) gọi là sắc ái (cao cấp).
Từ phi hữu ái (cấp thấp) chúng ta muốn phá bỏ sắc tưởng, tu thiền định với các đối tượng không hay vô sắc để đạt các cõi trời vô sắc giới gọi là vô sắc ái (cấp cao). Tất cả những cái đó đều là tư, là tạo nghiệp. Đức Phật dạy:
“Cetan’āhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi”
(Này các tỷ kheo! Như Lai nói tư tác chính là nghiệp).
Nhưng “ba cõi bất an ví như nhà lửa”, nên hạnh phúc thiên lạc ở các tầng trời dục giới, sắc giới, vô sắc giới vẫn còn bất an, nghĩa là chưa thoát khỏi khổ đế.

 
  

* Dục giới gồm các cõi:

– Bất thiện: cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.
– Thiện + bất thiện: cõi người.
– Thiện: các cõi trời dục giới: Tứ đại thiên vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu-xuất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại.

* Sắc giới gồm các cõi:
Sơ thiền
Phạm chúng thiên. 
Phạm phụ thiên.
Đại phạm thiên.

Nhị thiền 

Thiểu quang thiên.
Vô lượng quang thiên.
Quang âm thiên.

Tam thiền 

Thiểu tịnh thiên.
Vô lượng tịnh thiên.
Biến tịnh thiên.

Tứ thiền 

Quảng quả thiên.
Vô tưởng thiên.
Phước sinh thiên.

Riêng Phước sinh thiên chia làm 5 cõi: Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên và Sắc cứu cánh thiên – đây là cõi giới mà các bậc A-na-hàm có tứ thiền (hay ngũ thiền theo Vi Diệu Pháp) cư trú cho đến khi chứng quả vị A-la-hán .

* Vô sắc giới gồm các cõi:

– Không vô biên xứ thiên.
– Thức vô biên xứ thiên.
– Vô sở hữu xứ thiên.
– Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên.

Sở dĩ kể ra như thế để chúng ta thấy rằng tư có thể tạo tác nghiệp khắp trong tam giới. Ngược lại, giải thoát giác ngộ là không còn tạo nghiệp, tư không còn tạo tác trong tam giới, vì tam giới vẫn còn khổ đế. Dù ở các cõi trời có hỷ, lạc, định, xả nhưng vẫn là khổ đế. Chúng ta tu hành là để giải thoát khổ đế chứ không phải là để được hỷ, lạc, định, xả, phải không? Làm thiện để mà được lên cõi trời dục giới, thiền định để mà được lên cõi trời sắc giới và vô sắc giới thì khổ đế vẫn cứ còn đó, vẫn do dục ái, hữu ái và phi hữu ái tạo ra, mà nguồn gốc của nó vẫn là vô minh. Tất nhiên trên đường tu tập, khi chưa hoàn toàn giải thoát, do công hạnh phước đức vẫn được hưởng thiên phúc thiên lạc ở các tầng trời tương ứng. Nhưng đó là quả tự nhiên chứ không phải là ước nguyện của người tu chơn chính.
Ở đây chúng ta có thể rút ra một điểm là: khổ đế không phải chỉ là khổ thọ mà phần lớn khổ đế lại phát xuất từ lạc thọ và xả thọ. Vì khi thọ khổ chúng ta ít tham dục hơn, và mặc dù lúc đó có thể có sân nhưng sân dễ trị hơn tham.

Trích : Thực Tại Hiện Tiền
Tác Giả: Viên Minh

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông