Đời là vậy đấy!



Chúng ta không thể kiểm soát những gì sinh khởi trong tâm, nhưng chúng ta có thể suy ngẫm về những gì chúng ta đang cảm nhận và học hỏi từ chúng hơn chỉ đơn thuần nhắm mắt để cho sự bốc đồng và thói quen của chúng ta cuốn chúng ta đi. Mặc dù có rất nhiều trong thứ trong cuộc sống chúng ta không thể thay đổi chúng, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với chúng. Đó chính là ý nghĩa thực sự của thiền tập - thay đổi từ thái độ lấy cái tôi, cái ta làm trung tâm của chúng ta “ tống khứ cái này hoặc lấy thêm cái kia” đến một thái độ tiếp nhận cuộc sống như nó thực là
                                   Trước khi trở thành một nhà sư, tôi dạy Anh văn tại Bangkok. Đó là vào năm 1966, thời điểm này có rất nhiều căn cứ Không quân của Hoa Kỳ đóng tại Thái Lan.
Một trong các giáo viên ngoại ngữ tại trường là một phi công Mỹ. Lần nọ, khi anh ta quay trở về trường sau khoảng một tuần vắng mặt, tôi hỏi anh ta anh vừa ở đâu mới về. Anh ta nói, "Tôi vừa từ một nơi ở phía đông bắc Thái Lan về, người dân nơi đó nghèo đến nỗi họ phải ăn côn trùng." Tôi nghĩ, tôi sẽ không bao giờ đi đến đó. Thay vào đó, tôi tự tưởng tượng thấy mình là một nhà sư đang ngồi thiền dưới một cây cọ trên bãi biển hay trong một hang động giữa các ngọn núi thật đẹp, đang ngộ ra chân lý. Tất nhiên, cuối cùng tôi thì tôi cũng làm một nhà sư sống ở đông bắc Thái Lan trong mười năm, và sự thật, người dân ở đó họ ăn côn trùng.Năm đầu tiên, tôi sống một mình trong một túp lều nhỏ tại một tu viện. Tôi đã không kết giao với bất cứ ai, chỉ hành thiền. Tôi cũng lập ra chương trình tu tập khá tốt cho riêng tôi. Là một người Mỹ cao lớn, tôi chỉ cần ưỡn ngực, nhìn ra vẽ hung hăng là hầu như tôi có thể có bất cứ thứ gì mà tôi muốn. Trong năm đó, tôi nhận thấy rằng mình còn rất nhiều kiêu ngạo và đó là thứ tính khí mà tôi biết mình cần phải hạn chế bớt. Tôi đã luôn luôn là một người rất độc lập, vì vậy tôi cần phải học cách để tuân theo ai đó cũng như học cách để phục vụ trong cộng đồng. Tôi cần một người thầy, người mà sẽ không biết kiên nhẫn với hành vi của tôi.
Tình cờ, một nhà sư thuộc tu viện của Ajhan Chah – người duy nhất biết nói tiếng Anh - đến thăm tu viện nơi tôi đang sống. Cuối cùng ông ta cũng đưa tôi về để gặp Ajahn Chah. Sống một cuộc sống theo truyền thống tu tập trong rừng của Thái Lan là một lý tưởng mà tôi thấy có nhiều cảm hứng, vì vậy tôi quyết định ở lại. Buổi đầu, tôi mê mẫn và cảm thấy thăng hoa với cuộc sống ở đó, nhưng thực tế chẳng mấy chốc xuất hiện. Tuần trăng mật lãng mạn kết thúc, và cái tâm chỉ trích thuở nào bắt đầu hoạt động. Thời tiết trở nên nóng, mùa mưa bắt đầu, và tất cả mọi thứ trở nên mục rữa và hôi thối. Tôi bắt đầu ghét nơi này. Tôi nhớ tôi ngồi đó suy nghĩ, tại sao mình ở đây?
Thưở đó, Ajahn Chah thích thử nghiệm khả năng nhẫn nại chịu đựng của chúng tôi đến mức mà chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không thể chịu đựng được thêm một chút nào nữa. Đây là một loại công án cho tôi. Tôi thường nghe mình nói, tôi không thể chịu đựng thêm điều này chút nào nữa. Thế này là quá đủ rồi. Đây là sự KẾT THÚC!
Sau đó, tôi thấy rằng mình có thể chịu đựng hơn nữa. Tôi bắt đầu mất lòng tin nơi cái gã bên trong đây, luôn luôn la hét cuồng loạn trong tôi rằng, "Tôi đã chán ngấy, tôi không thể chịu đựng!" Lối sống tu viện và các điều kiện sống của nó đã giúp tôi rất nhiều.
Nhưng cũng có rất nhiều nếp thói quen phản kháng lại lối sống trong tu viện. Là một người Mỹ trưởng thành với một lý tưởng của sự tự do và bình đẳng, tôi cảm thấy một sự thất vọng kinh khủng như thể mình đang bị các quy tắc, truyền thống trong tu viện làm cho chết ngạt. Tôi đang sống trong một cơ cấu thứ bậc xây dựng trên sự thâm niên. Do tôi là một nhà sư trẻ nhất ở đó, tôi phải thực hiện một số bổn phận nhất định để phục vụ những người cao tuổi hơn mình. Học để thừa nhận và thực hiện chúng một cách thích thú quả là một sự thách thức. Trong tôi có một sự ích kỷ là tôi chỉ muốn sống đời sống trong tu viện theo những điều kiện của riêng mình. Tôi sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu việc đó thuận tiện cho tôi, nhưng hầu như chẳng lúc nào là thuận tiện cả. Vì vậy tôi luôn cảm thấy có một loại chống đối và nổi loạn trong tôi.
Đồng thời, tôi luôn được khuyến khích để thừa nhận những gì mình thực sự đang cảm nhận - sự chống đối, nổi loạn, sự chỉ trích. Đây là những cảm xúc phải được quan sát mỗi khi chúng xuất hiện trong lúc hành thiền. Tôi dần dần nhận thức được sự bướng bỉnh của mình và sự non nớt của mình luôn xui tôi càm ràm và phàn nàn nếu mọi thứ đến với tôi không theo như ý của tôi muốn. Việc cần phải chú trọng là nuôi dưỡng chánh niệm đối với những gì tôi đang cảm nhận, và đó là một thời gian khá thú vị đối với tôi. Đơn giản là tôi không bị hăm dọa để tự ép mình phải thích đời sống ở đây như tôi đang sống trong một trại lính . Không một ai đã đẩy tôi vào nơi này, tôi đã chọn để sống ở đó. Tôi đã đồng ý tuân thủ với với kỷ luật ở đây, chấp nhận sống theo hình thức của một đời sống trong tu viện.
Tôi đã học cách để làm cho bản thân mình thích ứng với lối sống rất nghiêm ngặt và bảo thủ trong tu viện, bao gồm học để ăn thức ăn mà tôi không chút ưa thích. Dân làng thường mang lại ít cà ri gà, cà ri cá, cà-ri ếch. Nhưng dạo đó, Ajahn Chah thường đổ chúng vào trong một chậu lớn và trộn đều lên. Thật khủng khiếp! Hoặc các nữ tu sẽ nhặt nhạnh những thứ trong rừng để cho chúng tôi ăn, những thứ như lá cây chẳng hạn. Tôi nhớ tôi viết thư cho mẹ tôi, "Con đang sống nhờ lá cây." Và bà đã viết lại cho tôi một bức thư tỏ vẻ hết sức lo lắng.
Lúc đầu, tôi không thể ăn thức ăn. Cứ nhìn vào nó là tôi phát bệnh. May mắn thay, lúc đó là mùa xoài, và có các khay lớn đầy xoài. Tôi xoay sở để sống với mấy trái xoài và xôi trọn một tháng, nhưng sau khi mùa kết thúc, tôi càng ngày càng trở nên gầy nhom. Cuối cùng, tôi bắt đầu học để ăn thức ăn. Thật ngạc nhiên làm sao khi chúng ta có thể thích ứng nhanh đến vậy. Tôi bắt đầu suy nghĩ, nếu tôi có thể học ăn được thứ thực phẩm này, tôi có thể sống bất cứ nơi nào trên hành tinh này.Thực phẩm không nơi nào có thể tồi tệ hơn nơi đây.
Đôi khi tất cả các nhà sư ngồi ở phía sau của một chiếc xe tải lớn để đi vào thị trấn. Sau đó chúng tôi sẽ đi khất thực qua thị trấn với Ajhan Chah. Đây là một kinh nghiệm rất tuyệt, toàn bộ cư dân của thị trấn đứng xếp hàng dọc theo đường phố chính. Người ta có nấu sẵn đủ loại món ăn ngon lành và sẽ đặt vào bát khất thực của chúng tôi. Khi bát đã đầy, một người đàn ông sẽ đến với cái giỏ lớn trên tay và chúng tôi sẽ đổ thức ăn vào trong giỏ của ông ta, sự việc cứ tiếp tục như vậy. Khi chúng tôi trở lại tu viện, chúng tôi có thể chọn những gì muốn ăn từ bất cứ thứ gì còn để lại trong bát của chúng tôi. Đây là một dịp hiếm hoi và nó làm cho tâm trí của chúng tôi thực sự hóa rồ . Một lần nọ, một phụ nữ đặt một ít bánh ngọt rất ngon vào bát của tôi, và sau đó khi tôi đổ tất cả thức ăn còn lại trong bát của mình vào giỏ của người đàn ông, tôi đã cố gắng để giữ lại cho được chiếc bánh. Tôi không muốn ông ta biết những gì tôi đã làm, vì vậy đủ thức các loại suy nghĩ quanh co đến trong tâm trí của tôi. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy được sự bồn chồn, lo lắng và nỗ lực của mình để cố giữ cho được chiếc bánh nhỏ. Tôi đã trở nên bị ám ảnh với nó.
Tôi cũng thấy mình bị ám ảnh với đồ ngọt. Chúng tôi sống một cuộc sống độc thân, do đó, mọi loại hoạt động tình dục đều bị cấm. Việc đó nhằm hạn chế những khoái lạc mà chúng tôi có thể có. Chúng tôi cũng có thể ăn một bữa ăn một ngày, đó thường là những lúc không có bất kỳ loại thực phẩm thực sự ngon. Nhưng chúng tôi được phép dùng đường và mật ong để làm thuốc, nếu chúng được cúng dường. Một bữa nọ, Ajahn Chah đưa tôi một túi đường. Tôi rất vui. Tôi nghĩ mình chỉ nếm một chút. Tôi mở túi, xúc một muỗng cà phê, và đút vào miệng. Chỉ trong vòng mười lăm phút, tôi đã ăn hết túi đường.
Tôi không thể tự dừng mình lại. Đôi khi tôi thường mơ về đồ ngọt: Tôi thấy mình đi đến một cửa hàng bánh ngọt, ngồi xuống một cái bàn và gọi loại bánh ngọt nhìn thật ngon mắt. Vừa khi tôi định ăn một chiếc bánh thì tôi giật mình thức dậy.
Tâm có rất nhiều thủ đoạn. Khi bạn đang sống một cuộc sống mà bạn không thể thực hiện những mong muốn của bạn hoặc làm những điều bạn muốn, những cảm giác kỳ lạ và tâm tham như một nỗi ám ảnh dưới những dạng không thể tin được có thể sinh khởi trên những điều mà trước đây dường chưa bao giờ thực sự là một vấn đề đối với bạn. Khi tôi là một cư sĩ, sự tham lam của tôi trải rộng trên nhiều thứ, nhưng khi sống trong tu viện, nó chỉ tập trung trên đường và đồ ngọt. Này đây tôi là một tu sĩ đã được thọ giới, đang cố gắng sống một đời sống tâm linh thánh thiện, lại hành động giống như một con ma đói, mơ tưởng về đường. Một tu sĩ Mỹ khác thậm chí còn nói mẹ của mình gửi cho ông ta một hộp lớn kẹo và bánh sô-cô-la.
Do lòng tham nay đã tập trung lại nên tôi có thể dễ dàng quán chiếu nó. Học để quan sát những ham muốn này, những nỗi ám ảnh này của tâm, là rất quan trọng.
Chính nơi đây chúng ta thường cần đến các giới luật để ngăn ngừa chúng ta làm theo những thói quen hoặc làm theo bất cứ điều gì dễ dàng nhất. Giới giúp chúng ta nhìn thấy sự thôi thúc trong ta, chúng ta đã bị lôi cuốn để làm theo chúng như thế nào, và kết quả ra sao. Sự kiềm chế và hạn chế của việc giữ giới giúp chúng ta có ý thức dừng lại. Với sự tỉnh giác có được qua sự quán chiếu, chúng ta bắt đầu nhận thấy sự thôi thúc và bức bách của tâm có thể mạnh như thế nào và chúng ta nhìn chúng như là các đối tượng của tâm chứ không phải là các nhu cầu mà chúng ta phải thỏa mãn. Mặc dù tâm đôi khi thét lên, "Tôi không chịu đựng điều này thêm được nữa," sự thật của vấn đề là chúng ta vẫn có thể chịu đựng được hơn nữa. Sức chịu đựng của con người có một sức mạnh phi thường. Nếu chúng ta học cách chịu đựng và không để bị cuốn theo cái đà của sự bốc đồng, chúng ta sẽ bắt đầu tìm thấy một sức mạnh trong sự thực tập của chúng ta. Chúng ta không còn phải làm nô lệ cho các thói quen và sự bốc đồng.
Nhiều giới luật của cuộc sống tu viện đã được xây dựng trên sự kiềm chế này. Một trong những giới luật thường làm tôi phát cáu khi tôi mới xuất gia là việc mặc y. Khi trở thành nhà sư, chúng tôi được dâng ba cái y. Theo phong tục của truyền thống tu trong rừng của Thái Lan, chúng tôi phải mặc cả ba y khi đi ra ngoài khất thực vào buổi sáng. Buổi sáng trời nóng và chúng tôi thường phải đi bộ khá xa qua các cánh đồng lúa và các ngôi làng. Khi chúng tôi trở về, ba cái y đều ướt nhẹp mồ hôi. Do y được nhuộm bởi một loại thuốc nhuộm tự nhiên chiết xuất từ cây mít, chẳng bao lâu sau, hỗn hợp của mồ hôi và thuốc nhuộm bắt đầu tạo ra một mùi hôi cực kỳ khủng khiếp. Cuộc sống cứ tập trung vào mấy cái y – mặc y, giặt y, may y. Tôi không muốn sống quanh quẩn theo mấy cái y, tôi muốn hành thiền.
Tôi thấy điều này quá sức bực bội. Tôi nhớ đã nói với một trong các nhà sư khác, "Mặc tất cả những cái y này cùng một lúc quả là một tập tục ngu ngốc. Tất cả những gì chúng ta cần là mặc một chiếc y mỏng, nó đủ che cho chúng ta rồi. Rất khó để may những cái y hai lớp nặng nề. Phải tốn nhiều vải, và mặc nó mỗi ngày trong lúc trời nóng, nó sẽ dễ dàng bị hỏng. Rồi chúng ta lại phải may một cái khác – tốn thêm vải, thêm thuốc nhuộm, thêm công may. “ Tôi đã chứng minh một cách hùng hồn cho việc không mặc hết ba y cùng một lúc là tốt, việc này cho thấy tôi là một người hợp lẽ như thế nào. Nhưng thực ra tôi chỉ biết rên rỉ và than phiền.
Nhà sư đó mách lại với Ajahn Chah, vì vậy tôi được gọi đến để gặp ngài . Tôi cảm thấy hết sức xấu hổ. Đột nhiên tôi chợt nhận ra: Sao lại làm rách việc này ra? Chẳng qua chỉ vì mặc mấy cái y. Nó chẳng đáng để tranh cãi. Tôi có thể chịu đựng được mà. Việc mặc y sẽ không hủy hoại cuộc sống của tôi. Những gì đang hủy hoại cuộc sống của tôi là cái tâm đang rên rỉ: "Tôi không muốn làm điều này, nó thật ngu ngốc, tôi chẳng thấy lợi ích gì." Sự than phiền đang ăn dần tôi từ bên trong- rên rỉ, đổ lỗi, chấp chặt quan điểm, trở nên chán ngán, muốn ra đi, không muốn hợp tác, phàn nàn về cuộc sống. Đó là thứ đau khổ mà tôi không thể chịu đựng.Tôi thấy rằng ngay cả trong suốt phần lớn cuộc sống của mình trước khi trở thànhmột nhà sư, thậm chí đang sống giữa một lối sống thoải mái, tôi đã có thói quen phàn nàn này và không ngừng nhìn mọi thứ qua đôi mắt phê phán.
Đây là những điều chúng ta có thể quán chiếu. Chúng ta không thể kiểm soát những gì sinh khởi trong tâm, nhưng chúng ta có thể suy ngẫm về những gì chúng ta đang cảm nhận và học hỏi từ chúng hơn chỉ đơn thuần nhắm mắt để cho sự bốc đồng và thói quen của chúng ta cuốn chúng ta đi. Mặc dù có rất nhiều trong thứ trong cuộc sống chúng ta không thể thay đổi chúng, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với chúng. Đó chính là ý nghĩa thực sự của thiền tập - thay đổi từ thái độ lấy cái tôi, cái ta làm trung tâm của chúng ta “ tống khứ cái này hoặc lấy thêm cái kia” đến một thái độ tiếp nhận cuộc sống như nó thực là. Đón nhận cơ hội để ăn thứ thức ăn mà chúng ta không thích. Đón nhận việc mặc ba chiếc y vào một buổi sáng nóng nực. Đón nhận sự khó chịu, cảm giác chán nản, muốn bỏ trốn. Đón nhận cuộc sống theo cách này thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc hơn. Cuộc đời là vậy đấy. Đôi khi nó là rất đẹp, đôi khi nó thật khủng khiếp, và đa phần còn lại thì không tốt cũng không xấu. Đời là vậy đấy.

Theo: Life is like this!
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Supañña Thiện Trí