Cái Thấy của chánh niệm tỉnh giác


Thấy pháp như nó đang là dù nó ở trạng thái nào chứ không nên quy chiếu nó vào một trạng thái tiêu chuẩn nào cả, đó chính là chánh niệm tĩnh giác của thiền vipassana
Chánh niệm là trở về trọn vẹn với thực tại...
nh giác là nhận ra thực tại một cách hoàn toàn trung thực như nó là...


Hỏi:Thưa Thầy! Con nhận ra rằng Cái Thấy của chánh niệm tỉnh giác về bất cứ đối tượng nào thì cũng đều trong sáng, không thay đổi. Cái Thấy đó có phải là chân Tâm của mình không thưa Thầy?

Con mới đọc được một bài viết nói rằng chánh niệm là 1 tâm hành, và đối tượng của nó cũng vậy (ví như tâm sân). Và ta thì không thể kinh nghiệm 2 tâm này cùng một lúc được. Mà đó chỉ là ý thức về cơn sân. Tức là Chánh Niệm không thể chuyển hóa được khổ đau. Nghiệm lại mình con thấy cũng đúng. Thực sự con đang rất rối Thầy ơi!
Thiền Sư Viên Minh: Sở dĩ nói như vậy vì người ta đã hiểu lầm chánh niệm là tâm niệm (ý thức) nắm bắt đối tượng của cái ta lý trí, nên mới có năng có sở, trong khi buông bỏ năng niệm sở niệm mới gọi là chánh niệm. Vì vậy chánh niệm là trở về trọn vẹn với thực tại, mà trọn vẹn có nghĩa không hai (bất nhị) nên làm sao còn có hai tâm năng sở để đuổi bắt nhau. Niệm niệm của ý thức hữu ngã khác xa với chánh niệm của tánh biết vô ngã vô niệm, nên không còn niệm niệm mới là chánh niệm. Đừng gán cho chánh niệm những những định nghĩa chủ quan đầy lý trí phân biệt để rồi tự tán hủy tha một cách nông cạn.
Hỏi: Thầy kính, về cái thấy của chánh niệm tỉnh giác , bản thân con có một trải nghiệm mong thầy từ bi chỉ day: có thời gian, trên đường đi làm về, con đang đi xe máy, nhìn thấy những chuyện vặt vãnh tâm con nổi sân, cái sân nhẹ. Có một cái biết xuất hiện nhận biết tâm sân, cả hai cùng đi song song với nhau một đoạn cho đến khi một cái biết khác nhận ra, nhưng cái biết sau này có sự biết là "con nhận biết" chứ không lặng lẽ như lúc nãy - lúc chỉ có cái biết và tâm sân. Và con lại nghe tiếng xe cộ chạy, thấy dòng người ngược xuôi ồn ào, nhận thấy mình mới vừa tỉnh lại với ý thức thường nhật.
Con xin tri ân thầy!
Thiền Sư Viên Minh: Cái biết thường nhật là ý thức qua khái niệm tục đế. Ý thức luôn biến thực tánh thành khái niệm và chỉ nhận biết đối tượng qua vật khái niệm (attha pannatti: quy định ý nghĩa hoặc hình tướng) và danh khái niệm (nàma pannatti: quy định tên gọi) mà nó hoặc xã hội ước định. Nếu không có khái niệm thì nó không biết gì cả. Do đó nó hầu như chỉ tồn tại trên đối tượng khái niệm, nếu không có đối tượng đã quy định này thì nó không ý thức được đối tượng đó là gì, nên dường như ngơ ngác dại khờ chẳng khác nào vô thức hay mê muội.
Ngược lại, tánh biết thì có thể biết trực tiếp thực tánh (paramattha) của tất cả pháp mà không qua khái niệm nào, nó có thể biết được mọi biến đổi sinh diệt của ý thức và đối tượng của ý thức thậm chí biết luôn cả vô thức. Do đó khi con sân nó biết tâm sân ấy sinh diệt thế nào và tính chất ra sao trong khi đó thì ý thức lại trở nên bất lực, không biết gì cả, cho đến khi nó "tỉnh lại" trong thế giới khái niệm thường nhật của nó. Chỉ khi con không còn lệ thuộc vào ý thức khái niệm nữa thì mới thoát khỏi phạm trù danh tướng, năng sở của nhận thức để trở về với tánh biết không sinh diệt, soi sáng mà không có người soi sáng và đối tượng được soi sáng.

Hỏi: Thưa Thầy, sự việc nghe và hiểu tự nhiên như vậy có phải là chánh kiến và chánh tư duy không ạ?
Sáng nay khi đang tập thể dục, với tâm buông xả tự nhiên, con thấy rõ hoạt động của thân, mỗi động tác thay đổi đều có tâm tác ý trước. Con nhận thấy sự biết này nó rất bao quát, trong sáng, cái biết thấy thân tâm này không phải con, không phải của con, và cái biết cũng tự nhiên mà có. Lúc đó con chợt xúc động và biết ơn Thầy vô cùng. Những hình ảnh về Thầy hiện ra trong tâm con như một cuốn phim vậy. Con đã khóc trong một trạng thái tâm rất an lành Thầy ạ.
Con vô cùng tri ân Thầy và mong Thầy thường được mạnh khỏe.

Thiền Sư Viên Minh
: Sàdhu lành thay! Con bắt đầu thấy ra sự khác biệt giữa cái biết thực tánh tự nhiên, vô ngã, trong sáng, không qua khái niệm của tánh biết, với cái biết hữu ý, hữu ngã, lý trí, qua khái niệm của ý thức thường nghiệm. Khi tâm "vô tâm" tức tâm rỗng lặng tự nhiên không có ý đồ của bản ngã thì tánh biết không còn bị che lấp nên nó tự soi sáng và thấy ra thực tánh chân đế "như thị". Đó chính là chánh kiến. Từ chánh kiến mà nhận ra chân nghĩa chính là chánh tư duy. Nhưng khi có cái ngã hữu ý xen vào thì lý trí hoạt động thì ngôn ngữ, kiến thức hiện ra như những khái niệm tục đế. Khi cái biết khái niệm tục đế đang hiện hành thì cái biết thực tánh chân đế ẩn đi nên hai cái biết này luôn một ẩn một hiển tuỳ theo vô tâm hay hữu ý. Tánh biết như ông chủ, ý thức như người phụ tá. Ông chủ tiếp khách chân đế, còn người phụ tá tiếp khách tục đế. Khi khách chân đế đến thì chủ mới tiếp được, lúc đó không có khách tục đế, nhưng khi khách tục đế đến thì phụ tá tiếp, lúc đó không có khách chân đế. Giống như ban ngày thì mặt trời chiếu, ban đêm thì mặt trăng chiếu vậy.

Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông