Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống

... Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Tu Bồ Đề, một đại đệ tử của Phật, người “giải Không đệ nhất” đã đặt một câu hỏi có lẽ còn vang vọng đến ngày nay, giữa thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng này: Làm thế nào để an trụ tâm? Làm thế nào để hàng phục tâm? (Vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?). Và câu trả lời của Phật hết sức đơn giản: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. (Đừng có trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm!). Đừng trụ vào đâu cả ư? Phải, Huệ Năng, một người gánh củi bán dạo, chỉ nghe lóm một câu trong kinh Kim Cang Bát Nhã mà “đại ngộ”, trở thành Lục tổ sau này.
Nhưng để đưa đến một “đúc kết” sắc gọn như vậy hẳn phải có một con đường? Phật trả lời: Dễ lắm! Có bao nhiêu thứ chúng sanh thì diệt độ cho hết, đưa vào vô dư Niết bàn sạch trơn, thế là xong. Nhưng, diệt độ tất cả chúng sanh mà thiệt ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả! Một câu nói đủ làm choáng váng. Cho nên nhiều người khuyên chớ đọc, chớ tụng Kim Cang, sẽ nóng điên người, tẩu hỏa nhập ma! Edward Conzé gần 60 năm trước, dịch Kim Cang Bát Nhã sang tiếng Anh, các bạn ông thấy kêu ầm lên: Điên rồi, điên hết rồi! Nhưng Edward Conzé không nghĩ vậy, ông nói Kim Cang ứng dụng vào đời sống hay lắm chứ!
Giải mã được hai chữ “chúng sanh” và “diệt độ” thì ta có thể hiểu được, hành được Kim Cang. Thực vậy, Phật bảo: Chúng sanh không phải là chúng sanh nên mới gọi là chúng sanh (Chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh). Cũng với cách nói như vậy, khi Tu Bồ Đề hỏi tên kinh này là gì thì Phật bảo: Gọi là Kim Cang Bát Nhã nhưng không phải Kim Cang Bát Nhã nên mới gọi là Kim Cang Bát Nhã!
Cốt lõi của Kim Cang là “phá chấp”, chấp ngã và chấp pháp. Phật sợ người ta lại bắt đầu dính mắc, bắt đầu bám víu! Phật nói chẳng có pháp gì cả đâu, chỉ là ngón tay chỉ trăng, chỉ là chiếc bè qua sông. “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” gì gì đó đều sẵn có đó rồi. Vô trí diệc vô đắc. Kim Cang dùng cách nói ly niệm, nhằm phá vỡ mọi khái niệm, định nghĩa, vốn dính chặt vào ta những ý tưởng cứng ngắc, thành kiến, gây khổ đau, dẫn đến bao nhiêu là hệ lụy! Krishnamurti bảo khi còn có định nghĩa thì còn có thiếu sót. Ly niệm, phá vỡ thành kiến, phá vỡ khái niệm chính là “phá chấp” để đạt tới chân lý. Kim Cang dùng cụm từ “tức phi/ thị danh” (chẳng phải / nên gọi là) như một công thức để giúp gột bỏ, để nhìn xuyên qua tướng (biểu kiến) mà thấy thực tướng. Thử áp dụng công thúc “tức phi/ thị danh” đó vào cuộc sống xem sao: chúng ta sẽ có con mắt khác, như Tôn ngộ Không, trợn lên thì thấy thực chất của mọi hiện tượng, sự vật (pháp). Bởi vì khi còn dính mắc vào “tướng” (cái biểu kiến), ta sẽ bị đắm chìm trong những cái “tưởng” sai quấy, lại tưởng thiệt, làm khổ đời mình. Đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây (TCS). Hai thứ “chấp” lớn nhất làm khô héo kiếp người là chấp ngã và chấp pháp. Kim Cang dạy cách phá vỡ, mở tung hai cái chấp đó ra để được “giải thoát”. Phải nhìn một vật, một hiện tượng, một “chúng sanh” xuyên qua bờ bên kia của cái tướng của nó, phải thấy được cái thực chất ở bên kia, ở cái đằng sau cái tướng đó. “Ly nhất thiết tướng tức danh chư Phật”. Rời bỏ được tất cả các tướng đã đáng gọi là Phật rồi! Còn nếu nhìn được xuyên qua cái tướng để thấy thực tướng thì đã thấy Như Lai (kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai). Còn nếu cứ bám vào tướng thì ta sẽ luôn sống trong “điên đảo mộng tưởng”: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”!
“Chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”, chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh, nên mới gọi là chúng sanh! Kim Cang nói vậy. Chúng sanh không phải là chúng sanh như ta nghĩ, mà đó là những lắp ráp, puzzle, với điều kiện nào đó, tùy hoàn cảnh nào đó mà chúng“duyên” với nhau, ráp nối lại nhau mà “sanh” ra, như C, H, O – ba nguyên tố riêng biệt- “duyên” nhau mà khi thì thành rượu, khi thành dấm, thành đường! “Diệt độ” là đưa qua, là chuyển hóa, là buông bỏ. Cho đến khi thực sự buông bỏ, chuyển hóa hết thì sẽ không còn có chúng sanh nào sanh ra để được « diệt độ » ! Các vị Bồ tát thường nguyện “Ngày nào còn một chúng sanh thì tôi chưa chịu làm Phật!”. “Chúng” mà “sanh” ra được là từ tâm, từ niệm. Trần Nhân Tông bảo “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Huệ Năng nói: “dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm” (vô niệm). Ở đó ta sẽ thấy “bổn lai diện mục “ của mình, thấy cái tâm trong sáng, vằng vặc của Như Lai.
Để phá ngã chấp, để đạt tới trạng thái vô ngã thì chỉ có con đường Thiền định là tốt nhất. Chân không, vô ngã … cũng có thể biết qua lý luận, học thuật, nhưng để thấy biết một cách rốt ráo, để thực “sống” với nó thì Thiền là một phương tiện tốt. Mãn cảnh giai không hà hữu tướng/ Thử tâm thường định bất ly thiền (Nguyễn Du).
Kim Cang dạy: Bồ-tát mà còn thấy có ta, có người, có chúng sanh, có thọ giả thì không phải là Bồ-tát (Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát). Vượt qua tham ái ( thân vô ngã) và chấp thủ (pháp vô ngã) thì phải chăng đã có thể “thõng tay vào chợ”? Nhưng chưa đủ, còn thiếu lòng Từ-bi. Từ -bi mới có thể đưa đến Trí-huệ rốt ráo.
Kim Cang nói đến năm thứ con mắt (ngũ nhãn): nhục nhãn (mắt thịt) thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Phật có đủ cả năm thứ con mắt đó, chớ không phải “thoát ly” ở một cõi nào vời xa!
Kim Cang chỉ dẫn con đường thực hành với 6 phương pháp gọi là Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Mà là thứ lục độ “ba-la-mật” (paramita) nghĩa là ở “bờ bên kia”. Bố thí không phải là bố thí, Trì giới không phải là trì giới… Bố thí balamật thì không có người cho kẻ nhận, chụp hình, quay phim quảng cáo…
Bát-Nhã, phiên âm từ Prajnã, mà từ nguyên của Jnã là hiểu biết, còn Pra là trước. “Trước sự hiểu biết” là cái thấy biết hiện tiền, không thành kiến, không phê phán, không phân biệt…
Kim Cang Bát Nhã còn mở ra vời vợi những “nói không được”, những “bất khả tư nghì”!

Trích Thư gởi bạn xa xôi
Tác giả: BS Đỗ Hồng Ngọc

Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống