Tuệ giác biểu hiện

Trong bản tâm của mỗi chúng sinh vốn có đầy đủ đức tính trong lành và sáng suốt. Nhưng do bụi trần cấu uế che phủ, nên bản tính uyên nguyên sáng suốt ấy chưa có cơ hội để hiển bày. Như ánh sáng của mặt trăng xưa nay vẫn thường soi chiếu, nhưng tại đám mây giăng kín cả không gian, nên vạn vật phải bị chìm vào trong đêm tối, và đến khi áng mây trôi qua thì khắp không gian đều được sáng tỏ. Cũng vậy, mỗi khi ngọn đèn tuệ giác ở trong tâm ta được thắp sáng, thì bóng tối vô minh không còn. Lúc bấy giờ, niềm an lạc và hạnh phúc chân thực luôn luôn được hiện hữu trong ta, và lan tỏa đến cho mọi người.
Trong đạo Phật, chúng ta thường nghe nói tới ngày Phật đản. Tức là ngày mà Đức Phật thị hiện ra giữa cuộc đời này, để chỉ cho nhân loại thấy rõ giá trị đích thực của sự sống và giúp cho tất cả chúng sinh vượt thoát phiền não, khổ đau! Hình ảnh Đức Phật sơ sinh là biểu tượng cho tuệ giác ở trong tâm thức của chúng ta phát khởi. Đức Thế Tôn đã từng dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Như Lai là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nghĩa là, trong bản tâm của mỗi con người đều có trí tuệ giác ngộ và sẽ thành Phật. Nhưng tại vì ta bị tham lam, giận hờn và si mê trói buộc, sai khiến, cho nên tuệ giác “đáng tôn quý” ấy chưa có cơ hội để biểu hiện. Ngày hôm nay, nhờ có phước duyên gặp được Chánh pháp và thực hành theo lời Phật dạy, nên tâm trí ta được thắp sáng và thấy rõ bản chất sinh động của cuộc đời!

Thắp sáng đèn trí tuệ
Tỏa chiếu khắp thế gian
Thấy rõ ràng muôn pháp
Thôi tìm kiếm niết-bàn.

Thật vậy, khi còn ở trong bóng tối của vô minh ái dục, thì ta chẳng thấy được sự vận hành tất yếu của các pháp, nên bị bản ngã dễ dàng điều động và sai sử, đến khi ánh sáng trí tuệ soi chiếu, thì niềm an vui và hạnh phúc tự động biểu hiện, mà ta không cần phải chạy đi tìm kiếm ở một nơi xa xuôi nào khác.
Do đó, sở dĩ con người phải chịu nhiều khổ đau và sinh tử luân hồi trong lục đạo, là do “cái tôi” ở nơi chính mình tạo ra. Bởi mỗi khi ta sống trong thất niệm và không biết rõ là mình đang làm gì, thì cái tôi hay bản ngã ấy sẽ sinh khởi và chi phối toàn bộ sinh hoạt của bản thân, và tạo ra phiền não cho những người chung quanh.



Sống thuận theo bản ngã, tức là ta đối kháng lại với lẽ thật của cuộc đời và trái ngược với sự vận hành của nhân duyên, nghiệp quả. Bởi thói quen của bản ngã là chọn lựa, chiếm hữu và muốn duy trì những gì mà nó ưa thích, tham muốn, trong khi đó thực trạng của cuộc sống thì lại khác hẳn. Mỗi một con người hiện hữu trên cõi đời này, thì ai mà chẳng bị ốm đau, bệnh tật? Cho dù chúng ta có đầy đủ của cải vật chất đến mấy chăng nữa, thì cũng không thể nào tránh khỏi được bệnh hoạn, đó là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, người ta vẫn cứ mong cầu cho cơ thể của mình đừng bị bệnh tật và được trẻ trung mãi mãi. Nếu sự mong cầu ấy được thành tựu, thì cớ sao con người vẫn cứ bị ốm đau, già nua và tàn hoại theo thời gian? Như vậy, mọi tính toán của bản ngã đều trái ngược lại với dòng biến chuyển sinh động của các pháp trong đời sống này. Đám mây trắng thì cứ thong dong bay lơ lững trên bầu trời, dòng nước vẫn êm ả đêm ngày chảy ra biển khơi, cây cối thì ra hoa kết trái và úa tàn theo chu kỳ của nó, vạn vật luôn luôn thay đổi theo tiến trình tất yếu để làm nên sự sống. Cũng giống như khi ta làm nhiều công việc, thì cơ thể sẽ bị mệt mõi và căng thẳng, do đó ta cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Thế nhưng, ta không biết lắng nghe và cảm thông sự nhu cầu ấy của cơ thể, mà lại cố gắng để làm thêm nữa, nhằm thỏa mãn cho những gì mà bản ngã đã đặt ra. Và như vậy, chỉ đem lại sự mệt mõi và bất an cho thân tâm, còn hạnh phúc thì nghìn trùng xa cách! Thực ra, tất cả các pháp đến và đi trong đời sống này, có thể là thuận hay nghịch, khổ hay vui, v.v… đều tuân theo nguyên lý vận hành tất nhiên của dòng nhân quả nghiệp báo mà mỗi người tự tạo ra.



Vì thế, người nào biết sống thuận theo sự vận hành của pháp tức là không còn rơi vào quy trình chấp thủ của bản ngã tham, sân, si. Người ấy xứng đáng được đức Phật tán thán, ngợi khen, là người tiếp nhận được chánh pháp của Như Lai. Cho nên, trước khi nhập Niết nàn, Thế Tôn căn dặn rằng:
Này Ànanda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ànanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ànanda, các Người phải học tập như vậy. (Kinh Trường Bộ I, tr.640 ).
Sống thuận theo sự vận hành của pháp, tức là ta không đem cái chủ ý, kiến thức, quan niệm, v.v… của mình để áp đặt lên “thực tại đang là”. Khi có sự việc gì đến với mình, thì căn cứ vào hiện thực ấy để giải quyết, xong rồi thì buông ra. Cũng giống như đôi bàn tay vậy, nó có khả năng cầm nắm và làm tất cả mọi công việc, nhưng đến khi làm xong việc là buông ra chẳng cần nắm giữ lại cái gì trong tay cả. Nhờ vậy nên đôi bàn tay mới rảnh rang và có thể làm được tất cả mọi công việc. Đó là sự khéo léo, thông minh và diệu dụng của đôi bàn tay!
Mặt khác, mỗi khi ta sống trọn vẹn với từng diễn biến đang xảy ra ở thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại, ta sẽ phát hiện ra được ý đồ tạo tác của bản ngã. Những kiến thức quy ước, điều lệ, thói quen phản ứng của bản ngã được xây dựng từ bấy lâu nay, đều bị rơi rụng và tan biến bởi nhờ sự soi chiếu của tuệ giác vô ngã. Quy trình dựng lập của chúng vô cùng tinh tế và thiện xảo; ngay trong mỗi giây phút ở hiện tại, ta chỉ cần thiếu sự định tĩnh và không rõ biết là mình đang làm gì, thì toàn bộ hành động, nói năng và suy nghĩ sẽ rơi vào ý đồ của bản ngã tham sân si. Và lúc bấy giờ, cho dù ta phấn đấu để hoàn thành mọi công trình lớn lao đến mấy chăng nữa, nhưng nếu ta không có tuệ giác để soi chiếu vào mỗi hành động mà mình đang làm, thì công việc đó đôi khi chỉ là để phục vụ cho một bản ngã tinh tế và thâm sâu hơn, mà lắm lúc ta không hề hay biết!
Do đó, hình ảnh Đức Phật đản sinh, là biểu trưng cho tuệ giác vô ngã vốn có ở nơi mỗi chúng ta được phát khởi. Và người phát huy được tuệ giác thì sẽ biết sống tùy thuận với sự biến chuyển thăng trầm của cuộc đời, mà chẳng hề bị bất cứ điều kiện hay hoàn cảnh nào ràng buộc và sai sử. Nhờ đó, con người ấy vẫn sống trong cuộc đời đầy ô trược, uế nhiễm nhưng tâm hồn vẫn ung dung và tự tại để cứu giúp cho chúng sinh thoát khổ!
Để phát huy tuệ giác và sống tùy duyên thuận pháp, thì khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát sự sinh khởi và diễn biến của chúng, mà không cần phải gia tâm thêm bớt hay loại trừ điều gì cả. Hay nói cách khác là, đừng để cho bản ngã xen vào cắt xén và làm méo mó cái thực tại “bây giờ và ở đây”. Hãy buông xuống mọi ý niệm, cho dù đó là ý niệm muốn thành Phật, thì ngay khi đó tuệ giác tự động soi chiếu, như ngọn đèn được thắp sáng lên giữa căn phòng trong đêm tối. Và mỗi khi trong tâm được thanh tịnh và thấy rõ ràng các pháp, thì cho dù bạn sống bất cứ ở nơi đâu và hoàn cảnh nào, cũng đều được an bình và tự tại.

Viên Ngộ

http://hanhphuctuycachnhin.com/2013/05/tue-gic-bieu-hien/