Đạo Phật đích thực dạy những gì? ( Thiền Sư Viên Minh)

Đức Phật là người giác ngộ ra Sự Thật nơi chính mình và đời sống nên Ngài chỉ ra Sự Thật ấy để giúp mọi người có thể thấy được và sống được với Chân Lý ấy. Như vậy Đạo Phật nguyên không phải là tôn giáo, lại càng không phải là tín ngưỡng có tổ chức thành giáo hội hay tông môn, hệ phái. Do đó y cứ trên trên các tổ chức Giáo Hội mang tên Phật Giáo hoặc các hệ thống tín ngưỡng xem đức Phật là thần linh để nhận định về Đạo Phật chứng tỏ là trình độ nhận thức về Đạo Phật còn rất non nớt. Giống như thấy một viên đá bên ngoài xù xì mà vất bỏ, không biết rằng người trí sau khi loại bỏ lớp thô xấu bên ngoài đã lấy được bên trong viên kim cương cực kỳ quý giá. Chân lý muôn đời vẫn là chân lý cho bất kỳ ai biết quan sát, trải nghiệm, chiêm nghiệm để thấy ra sự thật và sống thuận sự thật muôn đời ấy, đó mới chính là Đạo Phật đích thực.

Chân lý chỉ có ở ngay đây và bây giờ , chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì mới giác ngộ giải thoát được.

...Dù bạn ở trong tôn giáo nào hay không ở trong tôn giáo thì chân lý vẫn luôn hiển hiện như nhau. Đạo Phật nói Pháp ở khắp mọi nơi, Đạo Chúa nói Thượng Đế ở khắp mọi nơi, còn Dịch Lý nói Thái Cực ở khắp mọi nơi... do đó chỉ khác nhau trên khái niệm ngôn từ thôi. Có thể nói chung lại là Chân Lý ở khắp mọi nơi thì chúng ta dễ thấy sự đồng nhất hơn. Ai cũng có thể thấy được chân lý ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp tức thân-tâm-cảnh, nghĩa là cả thế giới trong ngoài, nếu như thấy nội căn ngoại cảnh đó với tâm lặng lẽ trong sáng thì chân lý liền hiển hiện, không còn bị che lấp bởi lý trí vọng thức của cái Ta ảo tưởng nữa.
... Chính vì thế mà Phật dạy trong thấy chỉ thấy thôi, đừng xen bản ngã tham ưu, bám víu vào để tìm kiếm sở tri sở đắc nào cả.



"Không bước tới, không dừng lại, Như Lai thoát khỏi dòng sinh tử"

Nguyên lý chung là pháp tu nào có tạo tác để trở thành thì đều không phải chánh pháp, vì tạo tác để trở thành là ý đồ của bản ngã, là bị cuốn trôi trong trầm luân sinh tử. 
Pháp tu nào không hướng ngoại tìm cầu, cũng không buông xuôi bỏ mặc mà ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh trở về trọn vẹn trong sáng, thấy ra bản chất thật của pháp thì đó là chánh đạo. Tìm cầu là tham sân, ngã mạn... là hướng tới ảo tưởng tương lại, buông xuôi là si mê lầm lạc..., là đắm chìm trong quá khứ và hiện tại. Do đó đức Phật nói: "Không bước tới, không dừng lại, Như Lai thoát khỏi dòng sinh tử" và vì vậy Phật Đạo được gọi là Vô vi tức Không, Vô tướng, Vô Tác, Vô cầu.

Điều chính yếu là giác ngộ ra nguyên lý vận hành của pháp như pháp đang là

Tạo tác hữu vi hữu ngã khác với hành động vô vi vô ngã hay hành động duy tác. Trở thành trong tiến trình vận hành tự nhiên và tất yếu của pháp khác với trở thành do tư kiến tư dục của cái Ta ảo tưởng tạo tác mà thành. Ví như tiến trình trở thành tự nhiên của một hạt giống nẩy mầm đến một cổ thụ khác với ý đồ trở thành của người trồng cây muốn cây phát triển theo ý mình. Muốn trở thành theo ý mình cũng được nhưng nếu không thuận theo nguyên lý vận hành tự nhiên của pháp là tự hại mình, tự đưa đến khổ đau, trói buộc. Do đó điều chính yếu là giác ngộ ra nguyên lý vận hành của pháp như pháp đang là, chứ không cho là, phải là hoặc sẽ là. 


Thấy Pháp hiện tại như nó đang là một cách tự nhiên

...Cố gắng thực hành có mặt với hiện tại thì vẫn còn hữu vi, hữu ngã. Thấy hiện tại như nó đang là một cách tự nhiên là vô vi, vô ngã. Vậy bạn chỉ thấy pháp đang diễn ra trong hiện tại thôi, chứ không cần duy trì tâm trên hiện tại...


 "Thấy pháp tức thấy Như Lai"


...Đức Phật dạy rằng ai quý kính Ngài thì cứ sống thuận pháp, hành đúng pháp, đó mới chính là quý kính Ngài một cách đúng nghĩa, vì chỉ trong pháp mới có sự tương giao tự nhiên và vô hạn. Và Ngài nói: "Thấy pháp tức thấy Như Lai", điều này có nghĩa là tương giao trong pháp tức tương giao với Như Lai. Tất cả những người giác ngộ giải thoát - trở về Niết-bàn - luôn cô đơn lặng lẽ, nhưng chỉ trong lặng lẽ tịch nhiên ấy mới có cảm ứng đạo giao vô cùng mầu nhiệm. 


Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan

Hỏi:  Con xin hỏi ngắn gọn. Con có đọc được ở vài bài kinh trong Nikaya có ghi lại lời dạy của đức Phật như sau:

"...
- Sắc là vô thường hay thường?
- Dạ, vô thường.
- Cái gì vô thường thì khổ hay lạc?
- Dạ, khổ.
..."
Tại sao "cái gì vô thường thì khổ"? Thầy cũng đã nhiều lần dạy, vô thường là yếu tính cần thiết của sự sống, cũng là vẻ đẹp muôn màu của sự sống!
Vậy lời dạy này phải hiểu như thế nào, để đừng bị hiểu lầm ý Phật?
Con kính cám ơn Sư.


Thầy Viên Minh: 
Vô thường mà đức Phật nói đây không phải là cái vô thường tự nhiên của vạn pháp trong trời đất, hay nói dễ hiểu hơn, không phải là sự biến đổi của hiện tượng vật lý theo quy luật vận hành tự nhiên của pháp, mà là cái vô thường của thái độ tâm lý, biểu hiện qua Ái - Thủ - Hữu, tức là ý đồ hữu vi tạo tác của cái ngã luôn muốn nỗ lực để trở thành theo ý muốn chủ quan của mình. Vô thường của cái ngã tạo tác này chính là diễn trình phản ứngSắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (ngũ uẩn) đưa đến tích lũy và bành trướng bản ngã nên dĩ nhiên là chỉ đem lại đau khổ mà thôi.
Đức Phật luôn chỉ thẳng vào tâm thái người nghe để người ấy thấy ngay, chứ không bao giờ đưa ra một hệ thốngluận thuyết có sẵn nào đó để thuyết phục họ áp dụng như một công thức nhất định. Đức Phật thấy tâm của người nghe đang phản ứng tạo tác để mong trở thành một sở đắc như ý - đó là bệnh tu phổ biến của ngoại đạo thời bấy giờ, mà cũng là muôn đời về sau! Thấy vậy, Ngài liền chỉ cho người ấy cái thái độ tạo tác mà người ấy đang thực hiện chính là vô thường, mà vô thường thì dù có đạt được điều gì như ý rồi cũng trở thành bất như ý, nghĩa là rồi cũng khổ thôi. vậy tại sao phải nỗ lực tích cực miên mật làm gì để chỉ tạo ra vô thường và khổ cho đày đọa thân tâm mà thực chất không có gì là ta, của ta và tự ngã của ta?
Khi Huệ Khả đang muốn tích cực tu tập miên mật sao cho tâm bất an TRỞ THÀNH an, thì cũng bằng cách chỉ thẳng của đức Phật, Đạt-ma đã bảo Huệ Khả, "đưa tâm đây ta an cho", khiến Huệ Khả ngay nơi cái tâm hữu vi vô thường ấy mà thấy ra thì liền chấm dứt cái động lực tạo tác để trở thành của bản ngã và không còn thấy cái tâm bất an ấy đâu cả - cái tạo tác lăng xăng chấm dứt để trả tâm về với bản tính chói sáng muôn đời của nó, thế là ngộ, là chấm dứt đau khổ. Chính vì Kinh không ghi được chỗ chỉ thẳng cốt lõi này (giữa Phật và người nghe biết thôi) mà chỉ ghi lại lời nói bên ngoài nên người sau biến ngôn từ của Kinh thành hệ thống triết học với những khái niệm hoang vu, không tưởng. Đúng là y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan!


http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq&page=4