Nhị nguyên và bất nhị

Coi chuyển động là tĩnh tại
và tĩnh tại trong chuyển động,
và cả hai trạng thái của chuyển động
và trạng thái của nghỉ ngơi đều biến mất. 



Đây là một trong những điều bản chất nhất. Bạn hãy cố gắng hiểu thật sâu sắc nhất. Tâm trí có thể thấy chỉ một cực, còn thực tại lại là hai cực, hai cực đối lập nhau. Tâm trí có thể thấy một cực đoan; trong cực đoan này thì cực đoan kia bị che kín, nhưng tâm trí không thể hiểu thấu được nó. Và chừng nào mà bạn còn chưa thấy cả hai cái đối lập cùng nhau, bạn sẽ không bao giờ có khả năng thấy điều đang hiện hữu, và bất kì cái gì bạn thấy cũng sẽ sai, bởi vì nó sẽ là một nửa.

Bạn hãy nhớ, chân lí chỉ có thể là cái toàn thể. Nếu nó là một nửa thì nó thậm chí lại còn nguy hiểm hơn là nói dối, bởi vì một nửa chân lí mang ý nghĩa của việc đúng và nó lại không đúng. Bạn bị nó lừa dối. Biết chân lí là biết cái toàn thể trong mọi thứ. 
Chẳng hạn, bạn thấy chuyển động, cái gì đó đang chuyển động - nhưng liệu chuyển động có thể có không nếu thiếu cái gì đó ẩn bên trong mà không chuyển động? Việc chuyển động là không thể có nếu thiếu một cái gì đó không chuyển động bên trong nó.
Bánh xe chuyển động, nhưng trung tâm của bánh xe này vẫn còn không chuyển động; nó di chuyển trên cái trung tâm không chuyển đó. Nếu bạn chỉ thấy bánh xe bạn mới thấy được một nửa, và một nửa là rất nguy hiểm. Và nếu, trong tâm trí bạn, bạn làm một nửa thành cái toàn thể, thế thì bạn đã rơi vào trong thế giới ảo tưởng của khái niệm.
Bạn yêu một người; bạn chưa bao giờ thấy rằng ghét đang ẩn kín bên trong tình yêu của bạn. Nó có đó; dù bạn thích nó hay không thì cũng chẳng thành vấn đề. Bất kì khi nào bạn yêu, ghét đều hiện diện ở đó - cực đối lập - bởi vì yêu không thể tồn tại mà không có ghét. Việc yêu của bạn không thành vấn đề. Nó là vậy.
Yêu không thể tồn tại mà không có ghét. Bạn yêu người này và bạn ghét cũng người đó, nhưng tâm trí chỉ có thể thấy một. Khi tâm trí thấy yêu, nó dừng thấy ghét; khi ghét tới, khi tâm trí bám vào ghét, nó dừng thấy yêu. Và nếu bạn muốn vượt ra ngoài tâm trí, bạn phải thấy đồng thời cả hai - cả hai cực đoan, cả hai cái đối lập.
Điều đó cũng giống hệt như con lắc đồng hồ. Con lắc đi sang phải; tất cả những điều thấy được là ở chỗ con lắc đang đi sang phải. Nhưng có một cái gì đó bên trong không thấy được, và đó là cái mà trong khi con lắc đang chuyển sang phải thì nó thu được đà để đi sang trái. Điều đó không thật là trực quan, nhưng bạn sẽ thấy ngay thôi.
Một khi đạt tới cực điểm con lắc bắt đầu đi sang cực đối lập, nó đi sang trái. Và nó đi sang trái tới cùng mức độ như nó đã đi sang phải. Trong khi di chuyển sang trái, lần nữa bạn có thể bị lừa. Bạn sẽ thấy nó đang di chuyển sang trái, nhưng sâu bên trong nó đang thu thập năng lượng để đi sang phải.
Trong khi bạn yêu, bạn thu thập năng lượng để ghét; trong khi bạn ghét, bạn đang thu thập năng lượng để yêu. Trong khi bạn sống bạn đang thu thập năng lượng để chết, và khi bạn chết bạn sẽ thu thập năng lượng để được tái sinh.
Nếu bạn chỉ thấy cuộc sống thì bạn sẽ bị lỡ. Hãy thấy cái chết ẩn kín ở mọi nơi trong cuộc sống! Và nếu bạn có thể thấy rằng cái chết đang ẩn nấp trong cuộc sống, thế thì bạn có thể thấy điều ngược lại nữa: rằng trong cái chết thì cuộc sống được ẩn kín. Thế thì cả hai cực biến mất. Khi bạn thấy chúng trong sự cùng nhau của chúng, một cách đồng thời, thì với điều đó tâm trí bạn cũng biến mất. Tại sao? - bởi vì tâm trí chỉ có thể là bộ phận, nó không bao giờ có thể là toàn thể.
Bạn sẽ làm gì nếu bạn thấy ghét ẩn trong yêu? Nếu bạn thấy yêu ẩn trong ghét, thế thì bạn sẽ chọn cái gì? Việc chọn lựa sẽ trở thành không thể được, bởi vì nếu bạn thấy, “Mình chọn yêu,” thì bạn cũng thấy bạn đang chọn ghét. Và làm sao một người yêu lại có thể chọn ghét được?
Bạn có thể chọn bởi vì ghét không rõ ràng cho bạn. Bạn đã chọn yêu, và thế thì bạn nghĩ bởi điều ngẫu nhiên nào đó ghét đã xảy ra. Nhưng khoảnh khắc bạn chọn yêu, thì bạn đã chọn ghét rồi. Khoảnh khắc bạn níu bám lấy cuộc sống, thì bạn đang níu bám lấy cái chết. Không ai muốn chết - thế thì đừng níu bám lấy cuộc sống, bởi vì cuộc sống đang đưa tới cái chết.
Cuộc sống tồn tại trong các cực còn tâm trí tồn tại trong một phần của một cực; đó là lí do tại sao tâm trí lại sai. Và tâm trí cố gắng làm cho một phần thành toàn thể. Tâm trí nói, “Mình yêu người đàn ông này hay người đàn bà này và mình đơn giản yêu thôi. Làm sao mình có thể ghét người đàn bà này được? Khi mình yêu, thì mình yêu; ghét là không thể có được.”
Tâm trí có vẻ logic nhưng nó sai. Nếu bạn yêu, thì ghét là có thể đấy; ghét là có thể chỉ nếu bạn yêu. Bạn không thể ghét một người mà không yêu người đó; bạn không thể làm ra kẻ thù mà không làm người ấy trước hết là bạn của bạn. Chúng đi cùng nhau, chúng chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Bạn nhìn vào một mặt, mặt kia bị ẩn kín đằng sau - nhưng cái kia có đó, bao giờ cũng chờ đợi. Và bạn càng đi sang bên trái nhiều hơn, thì bạn càng sẵn sàng đi sang bên phải nhiều hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tâm trí có thể thấy cả hai điều cùng nhau? Tâm trí thì không có khả năng đó, bởi vì thế thì toàn bộ vấn đề trở thành ngớ ngẩn thế, phi logic thế. Tâm trí có thể sống chỉ trong một khuôn khổ logic, rõ ràng, cái đối lập bị phủ nhận. Bạn nói, “Đây là bạn tôi và kia là kẻ thù tôi.” Bạn không bao giờ nói, “Đây là bạn tôi và là kẻ thù tôi.” Nếu bạn nói điều đó thì mọi sự thành phi logic. Và nếu bạn cho phép điều phi logic đi vào, chúng làm tan nát tâm trí hoàn toàn - tâm trí bị vứt bỏ.
Khi bạn nhìn vào cái ngớ ngẩn của cuộc sống, vào cách cuộc sống đi qua những mâu thuẫn, cách thức cuộc sống sống qua các phía đối lập, bạn phải vứt bỏ tâm trí. Tâm trí cần những đường biên rõ ràng mà cuộc sống thì lại không. Bạn không thể tìm ra bất kì cái gì ngớ ngẩn hơn cuộc sống, hơn sự tồn tại. ‘Ngớ ngẩn’ là từ dành cho nó, nếu bạn nhìn vào cả hai cực cùng nhau.
Bạn gặp gỡ - bạn gặp gỡ chỉ để ra đi. Bạn thích một người - bạn thích một người chỉ để không thích. Bạn hạnh phúc - bạn hạnh phúc chỉ để gieo hạt mầm bất hạnh. Bạn có thể quan niệm được tình huống nào ngớ ngẩn hơn thế không? Nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn đã muốn bất hạnh rồi; bây giờ bạn sẽ trong khổ sở liên tục.
Phải làm gì? Chẳng còn lại gì để tâm trí làm cả. Tâm trí đơn giản biến mất. Và khi tâm trí biến mất, cuộc sống không có vẻ ngớ ngẩn nữa, thế thì cuộc sống trở thành điều bí ẩn.
Điều này phải được hiểu, bởi vì cuộc sống có vẻ ngớ ngẩn vì tính quá logic của tâm trí; cuộc sống hoang dại bởi vì bạn đã sống trong khu vườn nhân tạo quá lâu rồi. Bạn đi vào trong rừng rậm và nó có vẻ hoang dại, nhưng nó có vẻ hoang dại bởi vì sự so sánh. Một khi bạn hiểu rằng cuộc sống là như vậy, cuộc sống là sao cho cái đối lập bao giờ cũng tham dự vào...
Yêu một người và ghét sẽ tới. Làm bạn và kẻ thù được sinh ra. Hạnh phúc và đâu đó, từ cửa sau, bất hạnh đang đi vào. Vui thích khoảnh khắc này và lập tức bạn sẽ kêu khóc. Cười, và ngay sau cái cười là nước mắt, đang đợi để trào ra. Thế thì phải làm gì? Chẳng có gì còn lại để làm cả. Đây là cách thức mọi sự hiện hữu.

Và Tăng Xán nói

Coi chuyển động là tĩnh tại ...

Đó là điều ông ấy đang nói. Ông ấy đang nói khi bạn thấy điều gì đó chuyển động, thì hãy nhớ, một cái gì đó bên trong là tĩnh tại. Và tất cả mọi sự chuyển động đều sẽ dẫn tới tĩnh tại. Nó sẽ đi đâu? Bạn chạy, bạn bước, bạn di chuyển. Bạn đang đi đâu? - chỉ nghỉ ở đâu đó, chỉ ngồi ở đâu đó. Bạn đang chạy chỉ để nghỉ ở đâu đó. Cho nên việc chạy đạt tới nghỉ ngơi, chuyển tới trạng thái tĩnh tại.
Và sự tĩnh tại đó đã có đấy rồi. Bạn chạy và thấy - cái gì đó bên trong bạn không chạy, nó không thể chạy được. Tâm thức bạn vẫn còn tĩnh tại. Bạn có thể đi khắp thế giới; cái gì đó bên trong bạn không bao giờ di chuyển, không thể di chuyển - và tất cả chuyển động đều phụ thuộc vào cái trung tâm bất di bất dịch ấy. Bạn tham dự vào mọi loại tình huống, xúc động, nhưng cái gì đó trong bạn vẫn còn không động tới, không dính líu tới. Và toàn thể cuộc sống dính líu thành có thể bởi vì cái yếu tố không dính líu đó.
Bạn yêu một người, bạn yêu nhiều hết sức mình, nhưng sâu bên dưới một cái gì đó vẫn còn cách biệt, tách rời. Nó phải là như vậy, nếu không thì bạn sẽ bị mất. Một cái gì đó vẫn còn tách biệt thậm chí cả trong gắn bó. Và gắn bó càng lớn, thì cái cảm giác về điểm tách biệt đó bên trong bạn sẽ càng lớn, bởi vì không có cái đối lập thì chẳng cái gì có thể tồn tại cả.

Mọi thứ tồn tại theo cách thức đối lập.

Coi chuyển động là tĩnh tại
và tĩnh tại trong chuyển động...


Và khi bạn thấy điều gì đó tĩnh tại, đừng có bị lừa - nó là tĩnh tại nhưng một cái gì đó đã chuyển động. Bây giờ các nhà khoa học nói rằng mọi thứ đều chuyển động, thậm chí cả bức tường tĩnh tại này, tảng đá này. Chúng đang chuyển động nhanh đến mức, các nguyên tử của chúng đang chuyển động nhanh đến mức bạn không thể thấy sự chuyển động đó. Đó là lí do tại sao chúng có vẻ tĩnh tại.
Chuyển động này là nhanh thế, cùng tốc độ như tia sáng chuyển động. Tia sáng chuyển động ba trăm nghìn ki lô mét một giây. Đây là việc chuyển động của nguyên tử. Nó di chuyển theo đường tròn. Nó đi nhanh điên khùng, nó có vẻ tĩnh.
Chẳng cái gì tĩnh tại cả và chẳng cái gì lại hoàn toàn chuyển động cả. Mọi thứ đều là cả hai - cái gì đó chuyển động, cái gì đó tĩnh tại - và tĩnh tại vẫn còn là cơ sở cho tất cả mọi chuyển động. Khi bạn thấy điều gì đó tĩnh tại thì đừng có bị lừa; hãy nhìn vào bên trong và ở đâu đó bạn sẽ thấy việc chuyển động đã xảy ra. Khi bạn thấy điều gì đó chuyển động, thì hãy tìm cái tĩnh tại. Bạn bao giờ cũng sẽ thấy nó ở đó, điều đó là hoàn toàn chắc chắn, bởi vì một cực đoan không thể tồn tại một mình.
Nếu tôi đưa cho bạn một chiếc gậy và bảo bạn rằng chiếc gậy này chỉ có một đầu, không có đầu kia, thì bạn sẽ nói điều đó là không thể được. Nếu nó có đầu này thế thì đầu kia phải có đó, có thể bị che kín, nhưng không thể nào chiếc gậy chỉ có một đầu được. Đầu kia phải có đó; nếu có cái bắt đầu thì cái kết thúc phải có đó.
Đây là điều Phật cứ nói mãi, “Nếu ông được sinh ra, thì cái chết phải có đó. Mọi sự có sinh đều có diệt." Bởi vì một đầu là sự bắt đầu, thế thì đầu kia ở đâu, đầu kia của chiếc gậy? Nó phải có đó. Mọi thứ sinh ra đều phải chết đi, mọi thứ được làm ra sẽ tan ra, mọi thứ được gắn lại sẽ rời ra, mọi sự gặp gỡ đều là việc ra đi, mọi việc tới đều ra việc đi.
Bạn hãy nhìn vào cả hai đồng thời và ngay lập tức tâm trí biến mất. Bạn có thể hơi bị choáng, bởi vì tâm trí đã sống với việc phân ranh giới logic, sự sáng tỏ logic. Khi tất cả mọi sự phân biệt đều biến mất, thậm chí cả cái đối lập bị che giấu trong mọi vật, tâm trí cảm thấy choáng.
Bạn hãy cho phép cái choáng đó, hãy để cho nó xảy ra. Chẳng bao lâu cái choáng đó sẽ tan đi và bạn sẽ lắng đọng vào trong trí huệ mới, hiểu biết mới, cái nhìn mới về thực tại.
Cái nhìn mới này về thực tại là cái toàn thể, và với cái toàn thể này bạn là cái trống rỗng. Không có ý kiến gì về nó; bây giờ bạn biết mọi ý kiến đều là sai.
Ai đó hỏi Mahavira, “Có Thượng đế không?”
Và Mahavira nói, “Có, không. Có và không cả hai.”
Người này phân vân. Người đó nói, “Tôi không theo được. Hoặc là thầy nói có hoặc là thầy nói không, nhưng đừng nói mọi thứ cùng nhau.
Mahavira nói, “Chỉ có ba quan điểm. Nếu ông muốn nghe cái toàn thể, tôi có bẩy quan điểm về mọi thứ.”
Và Mahavira có thật! Trước hết ông ấy nói có - một quan điểm - không phải là chân lí, một khía cạnh. Thế rồi ông ấy nói không - không phải chân lí, một khía cạnh khác. Thế rồi ông ấy nói cả hai có và không - khía cạnh thứ ba. Thế rồi ông ấy nói có và không, nhưng không cả hai - khía cạnh thứ tư. Thế rồi ông ấy nói có cộng với cả hai có và không - khía cạnh thứ năm. Không có cả hai có và không - khía cạnh thứ sáu. Không có và không có cả hai - khía cạnh thứ bẩy.
Ông ấy nói bẩy là các khía cạnh và thế thì sự việc là cái toàn thể. Và ông ấy cũng phải, nhưng tâm trí lại cảm thấy choáng. Nhưng đấy là vấn đề của bạn, không phải vấn đề của ông ấy. Ông ấy cũng phải, bởi vì ông ấy nói bất kì khi nào bạn nói có, đấy mới là một nửa. Theo một nghĩa nào đó sự việc hiện hữu, nhưng theo một nghĩa nào đó thì nó đã trên con đường thành không tồn tại rồi.
Bạn nói, “Đứa trẻ này, nó sống hay chết?” Nó đang sống, đúng. Nhưng Mahavira nói nó đã trên con đường chết. Nó sẽ chết và cái chết là chắc chắn, cho nên hãy để cho điều đó được hàm ý tới trong phát biểu này; nếu không thì phát biểu này sẽ chỉ là một nửa và không đúng.
Cho nên Mahavira nói, “Đúng, theo một nghĩa nào đó thì đứa trẻ này đang sống - và không, theo một nghĩa nào đó, bởi vì đứa trẻ này đang sắp chết” - mà cũng không chỉ sắp chết đâu, trong thực tế nó đã chết rồi bởi vì nó sống. Cái chết bị ẩn ở đó, đó là một phần của đứa bé. Và đó là lí do tại sao ông ấy lại nói tốt hơn cả là nên nói điều thứ ba: đứa bé là cả hai.
Nhưng làm sao một đứa trẻ lại có thể vừa chết vừa sống cả hai được? - bởi vì cái chết phủ định cuộc sống, cuộc sống phủ định cái chết. Đó là lí do tại sao Mahavira nói hãy để có quan điểm thứ tư: nó không phải là cả hai. Đây là cách ông ấy nói ra, và đến lúc ông ấy kết thúc phát biểu bẩy phần của mình, thì bạn thậm chí còn phân vân hơn là trước khi hỏi ông ấy. Nhưng đấy là vấn đề của bạn. Ông ấy nói hãy vứt bỏ tâm trí đi, bởi vì tâm trí không thể nào nhìn vào cái toàn thể được, nó chỉ có thể nhìn vào các khía cạnh.
Bạn đã bao giờ quan sát chưa? Nếu tôi đưa cho bạn một hòn đá cuội nhỏ, bạn có thể thấy được toàn bộ hòn đá nhỏ này không? Bất kì khi nào bạn nhìn bạn chỉ thấy một mặt, mặt khác bị ẩn kín. Nếu bạn nhìn vào mặt khác thế thì phần thứ nhất lại bị ẩn kín. Thậm chí với một hòn đá nhỏ thế, bạn có thể đặt trên lòng bàn tay mình, bạn cũng không thể nào thấy được cái toàn thể.
Tâm trí không thể thấy được bất kì cái toàn thể nào. Tôi đang nhìn vào bạn nhưng lưng bạn bị che kín. Bạn đang nhìn vào tôi; bạn thấy mặt tôi nhưng không thấy lưng tôi. Và bạn chưa bao giờ thấy cái toàn thể của tôi, bởi vì khi bạn thấy lưng tôi thì bạn sẽ không thấy mặt tôi.
Không có khả năng nào cho tâm trí thấy bất kì cái gì toàn thể. Nó chỉ có thể thấy một nửa, nửa kia được suy ra. Đó là việc suy diễn, được cho là dĩ nhiên phải có đó, bởi vì làm sao có thể có mặt mà không có lưng? Cho nên chúng ta suy diễn ra rằng lưng có thể có đó, phải có đó.
Nhưng nếu bạn có thể nhìn vào cả hai điều cùng nhau, thì choáng nhất định phải xảy ra. Nếu bạn có thể chấp nhận điều đó và đi qua nó, thế thì sự sáng tỏ tới, thế thì tất cả các đám mây đều biến mất. Trong cách nhẩy múa đạo Hồi toàn bộ vấn đề là làm cho tâm trí choáng. Có nhiều cách. Mahavira đã dùng một phương tiện rất logic: logic bẩy nhánh. Điều đó cũng hệt như cách nhẩy múa của đạo Hồi, nó làm cho bạn choáng.
Những người rất trí thức, với họ thì phương pháp của Mahavira là rất hay. Nó đem lại sự choáng và mọi thứ trở thành nháo nhào, và bạn không thể thực sự nói về điều gì - bạn phải trở nên im lặng. Bất kì điều gì bạn nói ra cũng đều ngớ ngẩn và bạn phải ngay lập tức phủ nhận nó. Và vào lúc bạn đã nói ra mọi điều thì chẳng cái gì được nói ra cả, bởi vì mọi phát biểu đều mâu thuẫn với phát biểu khác.
Logic bẩy nhánh này của Mahavira cũng giống hệt cách nhẩy múa Mô ha mét giáo của tâm trí, nó làm cho bạn choáng. Cách nhẩy múa Mô ha mét giáo là phương pháp thể chất để làm cho tâm trí choáng còn logic này là phương pháp tinh thần để làm cho tâm trí choáng.
Nếu bạn nhẩy múa nhanh, di chuyển nhanh, quay tròn nhanh, bạn bỗng nhiên cảm thấy choáng váng, buồn nôn, cứ dường như tâm trí biến mất. Nếu bạn tiếp tục, trong vài ngày choáng sẽ có đó và thế rồi nó lắng đọng. Khoảnh khắc choáng qua đi, bạn sẽ thấy tâm trí cũng qua đi, bởi vì không có ai để cảm thấy choáng cả. Và thế thì sự sáng tỏ tới. Thế thì bạn nhìn vào mọi thứ mà không có tâm trí. Không tâm trí, cái toàn thể lộ ra - và với cái toàn thể, là sự biến đổi.
Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại, thì bản thân cái một không thể tồn tại.
Và bạn hãy nhớ, khi chúng ta dùng từ ‘cái một’, điều đó nữa cũng là một phần của nhị nguyên. Nếu không có nhị nguyên làm sao có thể có cái một? Đó là lí do tại sao người Hindu không bao giờ dùng ‘cái một’. Nếu bạn hỏi Shankara, “Bản tính của sự tồn tại là gì?” thì ông ấy nói, “Bất nhị, advaita, không hai.”
Ông ấy sẽ không bao giờ nói một, bởi vì làm sao bạn có thể nói một được? Nếu chỉ có một, làm sao bạn có thể nói một? Một cần hai mới có nghĩa. Nếu không có khả năng nào về cái hai, về số hai, thế thì ích gì mà nói rằng nó là một? Shankara nói, “Nhiều nhất, ta có thể nói không hai, nhưng ta không thể nói một cách khẳng định về một. Ta có thể nói điều không phải là thực tại: nó không là hai. Ta không thể nói nó là gì, bởi vì ý nghĩa, lời nói, tất cả đều trở thành vô dụng.”
Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại...
Khi bạn không thể thấy được yêu bên ngoài ghét, bạn sẽ cho yêu ý nghĩa gì? Từ điển không thể do Tăng Xán viết ra được. Nếu ai đó bảo tôi hãy viết ra cuốn từ điển, tôi không thể làm điều đó được. Điều đó là không thể được, bởi vì tôi sẽ cho tình yêu ý nghĩa gì? Từ điển chỉ có thể có được nếu yêu và ghét là khác nhau, không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau. Cho nên bạn có thể viết: yêu là không ghét. Khi bạn phải định nghĩa ghét, thì bạn có thể nói: không yêu.
Nhưng Tăng Xán sẽ làm gì? Nếu bạn hỏi ông ấy: “Yêu là gì?” làm sao ông ấy định nghĩa được yêu?- bởi vì yêu là ghét nữa. Làm sao ông ấy sẽ định nghĩa được cuộc sống? - bởi vì cuộc sống là cái chết nữa. Làm sao ông ấy định nghĩa được trẻ con? - bởi vì trẻ con là người già nữa. Làm sao ông ấy định nghĩa được cái đẹp?- bởi vì cái đẹp là cái xấu nữa. Các biên giới biến mất, thế thì bạn không thể định nghĩa được điều gì bởi vì việc định nghĩa cần tới biên giới, và định nghĩa phụ thuộc vào cái đối lập; tất cả các định nghĩa đều phụ thuộc vào cái đối lập.
Nếu chúng ta nói đàn ông là gì, thì chúng ta có thể nói: không phải là đàn bà - và điều đó được định nghĩa. Nhưng nếu bạn nhìn vào Tăng Xán và hiểu ông ấy, thì mọi đàn ông đều là đàn bà, mọi đàn bà đều là đàn ông. Đây là cách thức sự việc hiện hữu. Bây giờ các nhà tâm lí đã phát hiện ra sự kiện đó nữa: rằng đàn ông và đàn bà là lưỡng dục. Mọi đàn ông đều có đàn bà ẩn bên trong, và mọi đàn bà đều có đàn ông ẩn bên trong cô ấy - họ có đấy. Không đàn bà nào đơn giản là đàn bà, không thể được. Trong sự tồn tại này chẳng cái gì có thể hiện hữu mà không có cái đối lập. Và không đàn ông nào có thể hiện hữu mà không có đàn bà, người đàn bà có đấy.
Bạn được sinh ra từ hai bố mẹ; một người là đàn ông, một người là đàn bà. Bạn mang cả hai người này bên trong, nửa nọ nửa kia. Điều này phải là như vậy, không có cách nào khác để được sinh ra. Bạn không chỉ được sinh ra từ đàn bà, nếu không thì bạn đã chỉ là đàn bà. Bạn không chỉ được sinh ra từ người bố, nếu không thì bạn đã chỉ là đàn ông. Bạn được sinh ra từ nhị nguyên, đàn ông và đàn bà. Họ cả hai đều đóng góp, bạn là cả hai.
Điều đó tạo nên rắc rối, bởi vì khi tâm trí nghĩ về đàn bà, nó bao giờ cũng nghĩ dưới dạng nữ tính. Nhưng thế thì bạn không biết đấy thôi: nếu đàn bà trở nên dữ, cô ấy còn dữ hơn bất kì đàn ông nào; nếu cô ấy giận, không đàn ông nào tranh được với cô ấy; nếu cô ấy ghét, không đàn ông nào có thể ghét như cô ấy.
Tại sao? - bởi vì người đàn bà của cô ấy mệt mỏi, trên bề mặt, và người đàn ông của cô ấy bao giờ cũng nghỉ ngơi và tràn đầy năng lượng hơn. Cho nên bất kì khi nào cô ấy giận, cô ấy còn giận hơn bởi vì người đàn ông này bắt đầu hoạt động, và người đàn ông đó đang nghỉ ngơi. Và bất kì khi nào đàn ông buông xuôi hay trở nên rất đáng yêu, anh ta còn nữ tính hơn bất kì đàn bà nào, bởi vì thế thì người đàn bà, mà bao giờ cũng nghỉ ngơi ấy và đang ẩn kín đằng sau ấy, và bao giờ cũng tươi tắn và trẻ trung ấy, lại tới.
Bạn hãy nhìn vào các thần của người Hindu. Họ có đúng điều, họ đã hiểu cái nhị nguyên rất rõ. Bạn phải đã thấy các bức tranh về Kali, Mẹ. Bà ấy là một người đàn bà rất dữ với vòng xương sọ đeo quanh cổ, cái đầu máu me trong một tay, và nhiều tay khác mang vũ khí để giết hại. Bà ấy là vợ của Shiva, và Shiva đang nằm dài còn bà ấy thì đứng trên ngực ông ấy.
Khi lần đầu tiên người phương Tây bắt đầu nghĩ về biểu tượng này, thì họ phân vân: “Tại sao? Và sao các ông ấy lại gọi người phụ nữ này là ‘mẹ’? Bà ấy trông như cái chết!” Nhưng người Hindu nói rằng người mẹ cũng có cái chết trong mình, bởi vì người mẹ cho việc sinh, thế thì ai sẽ cho bạn cái chết, cái đối lập? Người mẹ cho bạn việc sinh, thế thì bà ấy sẽ cho bạn cả cái chết nữa. Điều này phải là như vậy.
Kali, Mẹ, vừa là nguy hiểm, huỷ diệt và sáng tạo. Bà ấy là mẹ, lực sáng tạo, và bà ấy cũng là cái chết, lực huỷ diệt. Bà ấy yêu Shiva nhưng bà ấy đứng trên ngực ông ấy dường như sẵn sàng giết chết.
Nhưng đây lại là bản chất của cuộc sống. Tình yêu giết chết, sự sinh trở thành cái chết, cái đẹp biến mất, cái xấu đi vào. Mọi thứ mờ đi trong cái đối lập, tan chảy vào trong cái đối lập. Tất cả logic đều có vẻ vô ích và tâm trí bị choáng.

Khi những cái nhị nguyên đó dừng tồn tại...

Và khi bạn thấy qua tất cả chúng, thì chúng đơn giản dừng tồn tại - bởi vì yêu là ghét. Từ đúng sẽ là ‘yêu ghét’ - một từ, không phải hai từ. Điều đúng sẽ là ‘sống chết’ - một từ, không phải hai từ. Từ đúng sẽ là ‘đàn ông đàn bà’, ‘đàn bà đàn ông’ - không phải hai từ, một từ, cùng nhau.
Nhưng thế thì cái một cũng biến mất, dừng tồn tại. Thế thì phỏng có ích gì mà nói rằng cuộc sống là một? Hai biến mất; trong thức tỉnh một cũng biến mất.
Đó là lí do tại sao Tăng Xán và tất cả các tín đồ của Phật cứ nhấn mạnh rằng khi bạn nhận ra chân lí, nó không một cũng chẳng hai, nó là cái trống rỗng. Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao họ nói shunyata, trống rỗng. Mọi thứ biến mất, bởi vì khi hai biến mất, một biến mất - thế thì cái gì còn lại? Chẳng cái gì còn lại, hay, chỉ cái không là còn lại. Cái không này là đỉnh cao tối thượng của chứng ngộ, khi bạn thấy mọi sự trống rỗng, khi mọi sự trở thành trống rỗng.
_________________
Herenow-Consciousness-Alert