Ngay bây giờ hay không bao giờ...




Một trong những câu nói sôi nổi đáng nhớ của Krishnamurti là ngay bây giờ hay không bao giờ, một sự thúc ép mãnh liệt khiến người đọc không thể không lúng túng hoặc thất vọng về bản thân mình. Tức thời, ngay lập tức, hay thong thả, dần dà, đều có thể hiểu trong khái niệm thời gian. Nhưng điểm khác biệt cũng khá rõ, và có lẽ đây là ý của Krishnamurti, một bên cần có thời gian và một bên không cần thời gian, hay nói cách khác, một bên là thời gian và một bên không nằm trong thời gian.
Krishnamurti cho rằng con người có thể vượt qua đau khổ ngay lập tức, không cần đến một phút hay một giây nào; tương tự như vậy, ông cho rằng lời giảng của ông là như thế, và người nghe có thể hiểu được ngay lập tức, ngay tức thời, hoặc là không hiểu gì cả, và khi hiểu được thì người ta có thể thay đổi ngay tức thời, hoặc là không bao giờ. Đây cũng là một điểm gây sốc đối với suy nghĩ bình thường của chúng ta, vì mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày đều cần có thời gian, dù lâu hay mau, nhanh hay chậm, đó là chưa kể đến những công việc khó khăn hơn đòi hỏi phải mất nhiều năm. Hầu như không thể nào tìm được một sự kiện gì không cần thời gian. Nhưng có lẽ Krishnamurti nói đến một sự kiện khác hơn là tính chất chuyển động của thời gian, tức là sự định lượng lâu hay mau, nhanh hay chậm của thời gian đồng hồ.
Krishnamurti nói rằng sự thất bại của con người trong hàng ngàn năm qua trong việc tìm kiếm một giải pháp thoát khỏi nỗi khổ đau đè nặng lên tâm thức con người trong hàng triệu năm, nghĩa là từ khi con người xuất hiện, là do họ không hiểu rằng nỗi đau của con người là nỗi đau thời gian, nỗi đau do thời gian sản sinh. Ông cho rằng ngay dù họ có hiểu điều đó, tức là nỗi đau thời gian là một nỗi đau đặc trưng của con người, thì các giải pháp họ đưa ra lại là giải pháp thời gian, dùng thời gian để giải tỏa thời gian chính là lý do thất bại của mọi giải pháp mà con người đã đưa ra từ hàng ngàn năm trước cho đến nay, và ông tiên đoán rằng họ sẽ còn thất bại trong trong hai triệu năm nữa nếu như không thay đổi giải pháp. Vì thế tức thời chính là giải đáp phi thời, là không có động thái của thời gian hay nói cách khác, giải quyết được thời gian là giải quyết được mọi khổ đau, và khi đã tách ra khỏi thời gian thì không còn khái niệm dần dần, cần có thời gian để hiểu được chân lý hay để vượt thoát nỗi đau.
“Chuyển hóa khác với thay đổi. Thay đổi hàm ý thời gian, thay đổi hàm ý sự dần dần, thay đổi hàm ý tiếp diễn điều đã có; còn chuyển hóa hàm ý một sự phá vỡ hoàn toàn khuôn mẫu cũ và có sự thể mới lạ xảy ra. Thay đổi hàm ý thời gian, nỗ lực, tương tục, một sự thay đổi được thêm thắt hàm ý thời gian. Trong sự chuyển hóa không có thời gian, nó tức thời. Chúng ta quan tâm đến chuyển hóa, không phải với thay đổi. Chúng ta quan tâm đến sự chấm dứt toàn triệt tham vọng ngay lập tức, và sự tức thời phá vỡ tham vọng là chuyển hóa, ngay tức thời, không chấp nhận thời gian…
Cho đến nay chúng ta đã sống qua nhiều thế kỷ quen thuộc với sự dần dần thay đổi, dần dần định hình tâm trí mình, tâm hồn mình, suy nghĩ, cảm giác của mình; trong diễn trình đó chúng ta đã thường xuyên sống trong nỗi đau buồn, thường xuyên trong xung đột. Chưa hề có một ngày, chưa hề có một khoảnh khắc tự do hoàn toàn khỏi nỗi buồn đau, và buồn đau đã luôn luôn ở đó, ẩn giấu, bị đè nén… Điều quan trọng cần hiểu là phẩm tính của việc ngắm nhìn, phẩm tính của việc lắng nghe.
Có hai cách để ngắm nhìn, chỉ có hai cách thôi. Hoặc là ngài ngắm nhìn qua tri thức, qua suy nghĩ, thì sự thực là ngài không nhìn, nhưng chỉ đơn thuần giải thích, cho ý kiến, là tự ngăn chận mình không nhìn được. Nhưng khi không thông qua tri thức, không qua suy nghĩ – điều này không có nghĩa là tâm trí ngài trở nên rỗng tuếch khi nhìn, ngược lại ngài nhìn toàn diện – cái nhìn đó là sự chấm dứt thời gian, và từ đó có sự chuyển hóa tức thời. Chẳng hạn khi ngài tham lam, ngài nói rằng mình sẽ thay đồi dần dần, xã hội cũng tán thành việc thay đổi dần dần và đã sáng chế ra nhiều cách, nhiều phương tiện loại bỏ tham lam, nhưng cho đến cuối đời các ngài vẫn cứ tham lam, các ngài vẫn xung đột, và đó là điều quá ấu trĩ, thiếu trưởng thành. Trưởng thành là biết đối mặt với sự kiện và chấm dứt nó tức thời. Và các ngài chỉ có thể chấm dứt nó tức thời khi quan sát sự kiện không qua suy nghĩ, không qua tri thức. ”
Krishnamurti nói rằng cho đến cuối đời chúng ta vẫn cứ tham lam, vẫn cứ xung đột chỉ vì cứ dùng cái suy nghĩ và tri thức thuộc thời gian để xoay chuyển nỗi đau trong thời gian, và như vậy là ấu trĩ, thiếu trưởng thành! Dĩ nhiên chẳng ai muốn nghe người nào nói thẳng với mình như vậy. Nhưng chính thái độ không muốn nghe ai nói trái với suy nghĩ của mình cũng là một thái độ phát sinh từ thời gian, kể cả thái độ tỏ vẻ bao dung, mỉm cười để mặc cho người khác muốn nói gì thì nói, cũng lại là một thái độ ẩn tàng trong thời gian. Krishnamurti cho rằng chúng ta dùng những thái độ phát sinh từ thời gian để biểu lộ đáp ứng của mình thì rõ ràng thời gian sẽ trôi qua, sẽ trôi mãi, và con người mình sẽ suy sụp, héo hắt trong nỗi đau thời gian.
  
  “Chúng ta nghĩ rằng để giải thoát tâm trí khỏi sự khuôn định là cả một quá trình dần dần, phải mất thời gian. Chúng ta nghĩ rằng phải mất nhiều ngày hay nhiều năm để xóa bỏ tâm trí bị khuôn định của mình – nghĩa là chúng ta sẽ thực hiện dần dần, ngày này qua ngày khác. Điều đó ngụ ý gì? Dĩ nhiên nó ngụ ý cần tom góp kiến thức để giải tỏa sự khuôn định này, cần tom góp chớ không phải học hỏi. Một tâm trí chỉ biết tom góp thì không bao giờ biết học hỏi; một tâm trí dùng tri thức để đạt đến, để thành công, để thành tựu cảm thức tự do, một tâm trí như thế phải có thời gian. Tâm trí như thế nói rằng, “Tôi phải có thời gian để giải thoát khỏi sự khuôn định của mình”, nghĩa là nó sẽ tom góp kiến thức và khi kiến thức càng mở rộng thì nó càng lúc càng tự do hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Qua thời gian, qua quá nhiều ngày mai sẽ không có tự do. Chỉ có tự do trong sự phủ nhận tức thời các thứ vừa nhìn ra được. Chúng ta phản ứng ngay tức thời khi nhìn thấy rắn độc, không có suy nghĩ, chỉ có hành động tức thời, dù rằng hành động này là kết quả của sợ hãi và kiến thức chúng ta có về con rắn, là cái cũng cần có thời gian. Có phẩm tính của sự ngắm nhìn qua tri thức cần có thời gian. Cũng có phẩm tính của sự ngắm nhìn không qua thời gian. Tôi đang nói về cách tâm trí nhìn không thông qua thời gian, nhìn không qua suy nghĩ, bởi vì tâm trí là kết quả của nhiều ngày hôm qua, tâm trí là kết quả của thời gian. Đây lại là một sự kiện, và chúng ta không bàn đến một giả định hay lý thuyết.
Tâm trí của ngài là kết quả của nhiều ngày hôm qua, tâm trí các ngài là kết quả của quá khứ. Và nếu không giải thoát khỏi quá khứ toàn triệt thì không thể có một tâm trí mới, không thể có tâm đạo. Vậy thì khi nhìn ra quá khứ  một cách toàn triệt, hoàn toàn, nhìn ra nó tức thời là phá vỡ quá khứ ngay tức thời. Không thể phá vỡ quá khứ tức thời nếu tâm trí ngài nằm trong gọng kềm của tri thức, nói rằng tôi sẽ dần dần tích lũy kiến thức rồi sau mới phá tan sự khuôn định. Tâm trí phải nhìn ra sự khuôn định ngay tức thời… Vì thế một tâm trí có tâm đạo thì không có niềm tin, không có tín điều, không có sợ hãi, tuyệt đối không dựa vào bất cứ uy lực nào. Nó là ánh sáng của chính mình. Một tâm trí tự do như thế có thể đi rất xa. Nhưng tự do phải bắt đầu rất gần, thật gần nghĩa là tự do trong chính bản thân mình, trong sự hiểu biết về mình, và từ đó mới có thể đi rất xa. ”
Như vậy Krishnamurti cho rằng phải tự do trong tâm thức thì mới nhận ra được sự tức thời ông muốn nói là gì. Một số khái niệm khác liên quan đến tính tức thời được ông dùng là chuyển hóa, thay đổi, tâm đạo. Ông cho rằng thay đổi có ý nghĩa như cải cách, cải tiến, vẫn tiếp tục cái đã có, trong khi chuyển hóa mang tính đột biến, dứt khoát với cái cũ, tách ra khỏi ràng buộc thời gian. Dĩ nhiên cách dùng từ ngữ như vậy chỉ mang tính tương đối, có thể hoán đổi giữa cặp từ này nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến điều Krishnamurti muốn nói, không nhất thiết phải tra tự điển để nắm ý nghĩa chính xác. Từ tâm đạo chúng tôi dịch từ religious mind, cũng không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa tôn giáo. Có thể nói tâm đạo theo Krishnamurti diễn giảng là một tâm thức tự do, đặc biệt là tự do với thời gian. Tâm đạo không phải là lòng mộ đạo hay có lòng nhân, biết thương người, không mang nghĩa đạo đức xã hội trong đó. tâm đạo theo Krishnamurti nói là một tâm trí quan tâm đến vấn đề tự do, muốn thoát ra khỏi những khổ não triền miên trói buộc con người trong thời gian.


“Thay đổi hàm ý chống kháng lại hiện tại. một hiện tại tiếp diễn có sửa đổi, nhưng vẫn là sự tương tục của cái đang là, chỉ có sửa đổi thôi, và như vậy không phải là chuyển hóa. Khi quan tâm đến tự do thì chúng ta cũng phải xét đến vấn đề thay đổi. Một tâm trí chỉ bận tâm đến việc thay đổi dần dần, qua một thời gian dài, qua một quá trình, chỉ trải qua một sự thay đổi có sửa chữa nhưng vẫn tiếp tục khuôn mẫu cũ.
Chuyển hóa không phải là thay đổi dần dần. Cái ý nghĩ chúng ta sẽ dần dần thay đổi là một hình thái đối kháng khác. Hoặc là chúng ta thay đổi tức thời hoặc là chúng ta không thay đổi gì cả. Chúng ta không thay đổi bởi vì diễn tiến thay đổi hàm ý chuyển hóa và chúng ta lo sợ điều có thể xảy ra. Qua nỗi sợ chúng ta cưỡng lại mọi hình thái thay đổi, và một tâm trí cưỡng lại thay đổi không bao giờ có thể hiểu được sự chuyển hóa như thế nào. Chẳng hạn khi giận dữ chúng ta nói, “Tôi sẽ khắc phục nó, tôi sẽ trở nên không giận dữ”. Thế là chúng ta lại đưa vào một vấn đề khác, một lý tưởng, và do đó lại có xung đột giữa những gì chúng ta đang là và những gì ta nên là. Ý tưởng đó trở thành phương tiện cho sự thay đổi dần dần. Do vậy chúng ta không thực sự thay đổi gì cả. Có sự chuyển hóa khi chúng ta nhìn ra sự giận dữ tức thời và không xây dựng một ý tưởng phòng thủ. Không có uy lực nào cả trong lãnh vực tâm linh, nếu chúng ta dựa vào uy lực thì trí não chúng ta đã chết rồi. Khi đưa vào yếu tố thời gian, khi nói, “ Tôi sẽ thay đổi dần dần ”, có nghĩa là chúng ta chẳng thay đổi gì cả. Quá trình dần dần là một hình thái chống kháng, bởi vì chúng ta đã đưa vào một ý tưởng không có thực. Điều có thực là chúng ta đang giận dữ, chúng ta xấu xa, chúng ta đầy tham vọng, ganh tị, hám lợi. Đó là những sự kiện. Xem xét chúng và giải thoát khỏi chúng ngay tức thời là điều quan trọng nhất. Chỉ có thể thay đổi chúng ngay tức thời khi chúng ta không có ý tưởng, khi không có lý tưởng, mà phải là, khi chúng ta có khả năng nhìn ngắm chúng.
 Tự do là khả năng ngắm nhìn một sự kiện tâm lý mà không bóp méo, và tự do là ngay lúc bắt đầu chứ không phải lúc kết thúc. Chúng ta phải hiểu rằng thời gian là một diễn tiến thoái thác, không phải là sự kiện – ngoại trừ thời gian niên đại là một sự kiện. Nhưng thời gian tâm lý qua việc mong muốn mang đến một sự thay đổi dần dần mà chúng ta đã đưa vào thì không có giá trị. Bởi vì khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta có tham vọng, khi chúng ta ganh tị, chúng ta lại thích thú trong chuyện đó, chúng ta muốn có nó; và ý tưởng dần dần thay đổi không có chút ảnh hưởng gì.”
Đoạn sau đây được trích dẫn từ các buổi nói chuyện vào năm 1964 tại Varanasi, Ấn Độ, cũng là nơi trước kia đức Phật đã thuyết pháp. Người Ấn rất coi trọng các buổi nói chuyện của Krishnamurti tại thánh tích này, có lẽ vì âm hưởng còn đọng lại trong không gian và trong tâm thức của họ từ rất lâu rồi, và quả thực, lời Krishnamurti hôm ấy giống như một tiếng than bi tráng, đầy cảm động. Ông khẳng định rằng, “Tôi có thể giải quyết tất cả mọi nỗi buồn đau nếu như tôi hiểu được sự đau buồn to lớn nhất do thời gian nuôi dưỡng”. Chúng ta hãy nghe tiếng than đó như thế nào.


“Vì thế ta phải xem xét thời gian. Sau khi đã sống trong hai triệu năm qua, chúng ta cần phải sống thêm hai triệu năm nữa trong nỗi buồn, nỗi đau khổ, lo âu, tranh đấu liên miên, rồi chết? Phải chăng điều đó không tránh được. Xã hội đang diễn tiến, đang tiến hóa theo cách đó: Tiến hóa qua chiến tranh, qua đàn áp, qua cuộc chiến giữa Đông và Tây, qua tranh chấp dân tộc, thị trường chung, các khối quyền lực này quyền lực nọ. Xã hội đang chuyển động, chuyển động và chuyển động, tuy chậm chạp như mơ ngủ nhưng vẫn đang chuyển động. Cũng có thể trong hai triệu năm nữa xã hội sẽ tiến đến hình thức nhà nước nào đó, nơi có thể sống với người khác mà không cần cạnh tranh, sống với tình yêu, với sự dịu dàng, với sự êm ái, với cảm thức tinh tế về vẻ đẹp. Nhưng người ta phải chờ hai triệu năm nữa để tiến đến đó sao? Người ta có đủ kiên nhẫn vậy sao? Tôi dùng từ kiên nhẫn theo nghĩa thời gian. Có lẽ nào chúng ta không thể giải quyết mọi chuyện ngay tức thời, không qua ý niệm thời gian?...
Xin hãy nhìn ra quan hệ chặt chẽ giữa đau khổ và thời gian. Chẳng hạn hãy xem nỗi buồn. Các ngài biết nỗi buồn là gì rồi, không phải nỗi buồn trừu tượng mơ hồ, mà là nỗi buồn do cô độc, nỗi buồn do không đạt điều mình muốn, nỗi buồn do không nhìn sáng suốt, nỗi buồn do thất vọng, nỗi buồn đã mất người mà mình nghĩ rằng mình thương, nỗi buồn do nhìn thấy điều gì rất tỏ tường nhưng không thể làm được. Và bên ngoài nỗi buồn này còn có nỗi buồn lớn hơn : Đó là nỗi đau thời gian. Bởi vì chính thời gian đã nuôi dưỡng buồn đau. Chúng ta chấp nhận thời gian là một quá trình dần dần trong đời, một con đường dần dần trong tiến hóa, sự thay đổi dần dần từ chuyện này qua chuyện khác, dần dần từ sự giận dữ qua trạng thái không giận dữ. Chúng ta chấp nhận quá trình tiến hóa dần dần và nói là, nó là một phần của tồn tại, là một phần của cuộc sống, là kế hoạch của thượng đế hay kế hoạch của ai đó. Chúng ta chấp nhận nó và thực sự sống với nó.
Theo tôi nỗi buồn đau lớn nhất là để cho thời gian khống chế sự thay đổi, sự chuyển hóa. Chẳng lẽ tôi phải chờ đợi hàng chục ngàn năm hay hơn nữa, chẳng lẽ tôi phải chịu đựng sự khốn khổ, xung đột này trong hàng chục ngàn năm hay hơn nữa, và từ từ, dần dần thay đổi từng chút một, chờ đợi và chuyển biến từ từ ? Chấp nhận điều đó và sống trong trạng thái đó là nỗi đau buồn to lớn nhất. Nếu tôi mất con, mất vợ, mất chồng, hay nếu tôi thành đạt hay không thành đạt – tất cả mọi thứ đó đều rất vụn vặt. Tôi có thể giải quyết tất cả mọi nỗi buồn đau nếu như tôi hiểu được sự đau buồn to lớn nhất do thời gian nuôi dưỡng.”

Biên soạn: Mộc Nhiên