Đạo Quả

Bản tánh con người đầy tham vọng. Người muốn giàu có quyền thế, danh vọng. Kẻ mong có nhiều kiến thức, cấp bằng cao. Người khác nữa lại muốn tìm đưọc một người tình lý tưởng, càng hoàn hảo càng tốt. Cũng có người chỉ mong có một tổ ấm nhỏ, an phận với cuộc sống mỗi ngày như mọi ngày, không thay đổi.
Ngay khi sống trong các tu viện, chúng ta cũng mong muốn đạt đưọc các thiền quả, đưọc hoàn toàn thanh tịnh, mong cuộc sống tu hành của ta đạt đưọc nhiều kết quả mỹ mãn. Lúc nào cũng kỳ vọng một điều gì đó. Thay vì chú tâm sống với hiện tại, ta lại hoài vọng một điều gì đó tốt đẹp hơn sẽ đến, vào ngày mai, trong tương lai.

Thế nhưng khi ngày mai đến, ta lại tiếp tục hy vọng cho ngày kế tiếp đó. Nếu ta có thể thay đổi thói quen tư duy đó để chú tâm vào hiện tại, có lẽ ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại hơn. Trái lại nếu ta cứ chạy đuổi theo một tương lai tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn, như ý hơn thực tại đang có, ta sẽ chỉ tìm đưọc sự thất vọng. Vì ta đã hoài công đi tìm cái không có thực.
Đức Phật nói về hai hạng người, người tầm thường (phàm nhân, puthujjana) và người cao thượng (thánh nhân, ariya). Dĩ nhiên muốn đưọc trở thành thánh nhân, là một ước muốn đáng khích lệ, nhưng nếu ta chỉ mong cầu điều đó sẽ xảy trong một tương lai nào đó, ta sẽ không bao giờ được thõa nguyện. Sự giải thoát chỉ có thể đạt đưọc trong từng phút giây sống với hiện tại. Thánh nhân và phàm nhân chỉ khác nhau ở sự thực chứng về "Đạo và Quả" (magga – phala). Đạo quả đầu tiên khi tâm thức đạt đưọc trạng thái siêu việt được gọi là Quả Dự lưu (sotapatti) và vị chứng quả đó đưọc gọi là Dự lưu nhân (sotapanna).
Vị chứng đưọc quả Dự Lưu là người đã diệt đưọc ba thứ kiết sử mà vì chúng, ta cứ mãi sinh tử luân hồi. Ba kiết sử này là : thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Người chưa phải là bậc Dự lưu thì vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến nầy, và hành động sai lầm khiến họ càng xa rời tự do giải thoát, đi vào trói buộc hơn.
Trước hết, hãy thử xem xét về lòng hoài nghi. Đó là những ý tưởng vụn vặt cứ luẩn quẩn trong đầu: "Một pháp tu nào khác, chắc dễ dàng hơn", "Có lẽ ở một nơi nào khác, tôi sẽ đưọc an lạc hơn". Khi nào ta vẫn còn nghi ngờ về con đường giải thoát khỏi thế gian; còn tin tưởng rằng ta có thể tìm đưọc điều như ý ở thế gian, thì khi đó ta còn khó có cơ hội để đắc thánh quả, vì ta đã đi lầm đường.
Trong thế giới nầy: con người, vật chất, quyền lợi, thiên nhiên, cầm thú, không có gì mà ta chưa từng biết đến. Nếu còn có gì khác, tại sao chúng ta lại không biết đến, lại chưa tìm ra? Những điều đó phải thật hiển nhiên chứ. Vậy ta đang tìm kiếm điều gì?
Dĩ nhiên là chúng ta như mọi người khác, đang tìm kiếm hạnh phúc và an bình. Anh chàng Hoài nghi, luôn dự báo rằng: "Lần sau, nếu tôi khôn ngoan hơn, tôi chắc là sẽ thành công. Còn bao nhiêu thứ tôi còn chưa nếm trãi". Có thể ta chưa được lái chiếc máy bay riêng của mình, chưa thử sống trong hang động Hy Mã Lạp Sơn, chưa dong thuyền chu du khắp thế giới, chưa viết đưọc quyển tiểu thuyết bán chạy nhất; tất cả những điều kỳ thú này đều đáng đưọc thực hiện trong đời, nhưng chúng chỉ làm lãng phí thời gian và năng lực của ta, mà chẳng giúp gì đưọc trong việc đem lại sự thanh tịnh cho nội tâm.
Lòng hoài nghi sẽ lộ diện khi ta không có mục đích, phương hướng, không biết rõ mình phải làm gì: "Tôi đi về đâu? Tôi phải làm gì?" Ta chưa tìm đưọc phương hướng. Lòng hoài nghi là một kiết sử phát khởi trong tâm khi sự thông suốt -sự thông suốt của giây phút chứng quả- vắng mặt. Tâm thức khởi sinh trong giây phút chứng đưọc đạo quả sẽ hủy diệt mọi hoài nghi vì lúc đó, ta đã tự chứng được đạo. Cũng như khi ta cắn quả xoài, ta tự biết được mùi vị của quả xoài. Khi ấy ta không cần phải cố gắng, lòng hoài nghi cũng bị hủy diệt. Còn gì phải nghi ngờ nữa, khi chính ta thực chứng? Như khi ta tự đóng búa vào tay, ta biết đưọc cái đau ngay, không nghi ngờ gì cả. Đó là sự hiểu biết do kinh nghiệm mang đến.
Nhận thức sai lầm về tự ngã là một chướng ngại gây nhiều tai hại nhất mà phàm nhân bị trói buộc vào. Tà kiến nầy chứa đựng ý thức sâu thẩm về sự hiện hữu của một cái ngã. Đây là tôi, là 'một ai đó' đang hành thiền. Rồi 'cái tôi đó' cũng muốn đưọc giác ngộ, muốn đắc quả Dự Lưu, muốn được hạnh phúc. Tà kiến về tự ngã này là nhân của mọi phiền não.
Vì còn có ngã, còn có ai đó, nên người đó vẫn còn phiền não. Nếu không còn có ai, thì làm gì có vấn đề phiền não? Tà kiến về tự ngã là gốc rễ tạo ra bao đau khổ, phiền não cũng như sợ hãi, lo lắng: "Không biết tôi có đưọc bình an, hạnh phúc? Có đạt đưọc điều tôi tìm kiếm, mong mỏi? Có đưọc khỏe mạnh, giàu có, khôn ngoan?" Những nỗi lo lắng, sợ hãi này được hỗ trợ thêm bằng các kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ. Trong quá khứ, không phải lúc nào ta cũng đưọc khoẻ mạnh, giàu có, khôn ngoan, an nhiên tự tại, hay luôn đạt được điều ta mong muốn. Do đó, khi tà kiến về tự ngã vẫn còn trùm phủ, ta vẫn còn có lý do để lo âu, sợ hãi.
Lễ nghi, cúng tế tự chúng không sai quấy, nhưng chấp rằng chúng là con đường đưa đến Niết bàn thì rất tai hại. Chúng cũng không nhất thiết mang tính tôn giáo, dầu ta vẫn thường nghĩ chúng là thế -thí dụ như dâng hương hoa lên bàn thờ, tế lạy hay tổ chức các buổi lễ, và tin rằng làm như thế sẽ giúp ta tích lũy đủ công đức để lên đưọc cõi trời. Tuy nhiên, chính sự thành tín, kính trọng và biết ơn đối với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới là điều quan trọng. Nhưng các nghi thức, lễ nghi đâu chỉ giới hạn trong các hoạt động tôn giáo. Trong các mối tương giao giữa con người với nhau, chúng ta cũng có những quy định trong đối xử với cha mẹ, con cái, vợ chồng. Ta cư xử như thế nào với đồng nghiệp, với bạn bè, với người xa lạ; ta mong người khác đối xử với mình như thế nào -tất cả đều tùy thuộc vào những định kiến về cái đúng, cái chuẩn mực trong một văn hóa, truyền thống nào đó. Không có một căn bản chân lý nào trong các quy ước đó, vì tất cả chỉ là sản phẩm do tâm tạo ra. Càng có nhiều lễ nghi, ta càng xa rời thực tế. Càng tin tưởng vào các phong tục, các truyền thống cỗ hủ, càng khó bỏ, khi chúng không còn thiết thực. Khi ta nghĩ mình là một loại người nào đó, ta sẽ có cách ứng xử, giao tế như thế trong mọi tình huống. Do đó nghi thức, lễ nghi không chỉ là việc chưng hoa trên bàn thờ. Nó còn sai sử ta phải giao tiếp, ứng xử như thế nào, nếu như ta chỉ biết hành động theo khuôn phép đã định sẳn, chứ không phải bằng tâm phóng khoáng, cởi mở.
Ba kiết sử trên sẽ bị tiêu trừ khi ta chứng đưọc Đạo Quả. Sẽ có một sự thay đổi rõ ràng nơi vị chứng đắc đó, dầu rằng không thể nhìn thấy ở bên ngoài. Không có hào quang, không có ánh sáng, nhưng sự thay đổi ở nội tâm thực sự đã xảy ra. Sự thay đổi đó khiến cho mọi lo âu về cuộc đời tan biến. Trạng thái này hoàn toàn khác hẳn với mọi kinh nghiệm ta đã biết từ trước, đến nỗi, người ấy thấy những gì đã tạo ra trong đời, cho đến giờ phút ấy đều trở thành vô nghĩa. Không có gì trong quá khứ còn quan trọng nữa. Điều quan trọng duy nhất là tiến bước với công phu tu tập đã có: để tái nghiệm và củng cố kinh nghiệm của giây phút đạt đưọc đạo quả đầu tiên. Ta cần làm sống lại giây phút chứng quả đầu tiên đó, tiếp tục nghiệm chứng cho đến khi đạt đưọc đạo quả thứ hai. Ta cần phải tái lập, và củng cố các kinh nghiệm nầy của tâm.
Các vị Nhất–lai (sakadagami), Bất–lai (anagami) và A-la–hán (arahant) lại sẽ đưọc có những giây phút của tâm chứng đắc Đạo Quả. Mỗi lần như thế, các tâm chứng càng thâm sâu hơn. Có thể so sánh sự kiện nầy với các kỳ thi ở đại học. Thí dụ, nếu ta chọn một chương trình học bốn năm để lấy bằng cấp. Mỗi năm ta phải qua các kỳ thi cuối khóa. Ta phải trả lời đưọc các câu hỏi trong mỗi kỳ thi, dựa trên các kiến thức mà ta đã tích lũy. Qua các kỳ thi, các câu hỏi ngày càng trở nên sâu sắc hơn, khó khăn hơn. Dầu cũng chỉ liên quan về một môn học, các câu hỏi đòi hỏi người sinh viên phải có kiến thức sâu rộng hơn. Cứ thế cho đến khi người sinh viên tốt nghiệp ra trường. Sự phát triển tâm linh của chúng ta cũng thế. Mỗi giây phút của tâm chứng nầy là dựa vào tâm chứng trước, liên quan đến cùng một chủ đề, nhưng ngày càng thâm sâu hơn. Cho đến khi ta vượt qua kỳ khảo hạch cuối cùng, để không còn bao giờ phải quay trở lại luân hồi tái sinh.
Tâm chứng đắc không có tư duy hay cảm thọ trong đó. Không giống như các tầng thiền định (jhana), dầu rằng nó cũng phải dựa vào các tầng thiền định đó (vì chỉ có tâm định mạnh mẽ mới có thể chứng Đạo). Nó không có cùng các tính chất. Các tầng thiền – trong các giai đoạn đầu – đầy tính hỷ lạc, an tịnh. Ở các giai đoạn sau, tâm trở nên bao la, trống trỗng, có sự thay đổi về nhận thức. Sự chứng đắc trái lại không bao hàm các trạng thái tâm này, mà tràn đầy tính vô ngã. Nó đến như một sự giải thoát, thay đổi hoàn toàn cái nhìn của vị thánh chứng về thế giới chung quanh, đến đỗi giờ thì vị ấy có thể hiểu được tại sao Đức Phật đã dạy về sự khác biệt rõ ràng giữa một phàm nhân và thánh nhân. Trong khi các tầng thiền quả mang đến cảm giác nhất như, nhất thể, tâm chứng Đạo đã bỏ các cảm giác đó lại. Những giây phút tiếp theo đó của tâm chứng đắc, là một chứng nghiệm về một cái nhìn hoàn toàn mới.
Sự hiểu biết mới mẻ này giúp ta nhận thức được rằng mọi suy tưởng, mọi cảm thọ đều là khổ (dukkha). Dầu cho đó là ý tưởng cao quí, cao thượng nhất cũng mang tính khổ. Chỉ khi nào không có gì nữa cả, mới không còn có khổ. Tính Không -không có cái trong, cái ngoài- mới mang tính chất hoàn toàn như như. Một khi ta đã nhận thức đưọc rõ ràng như thế, ta sẽ không còn lòng ham muốn về bất cứ điều gì. Ta nhìn mọi thứ như bản thể chân thật của chúng, và biết rằng không có gì có thể mang lại niềm hạnh phúc của sự tu tập chứng đắc.
Yếu tố Niết-bàn thật sự không thể diễn tả như là an lạc, vì an lạc hàm chứa ý nghĩ phấn khích. Ta dùng từ ngữ nầy cho các tầng thiền quả, bởi trong đó còn có sự vui thích. Yếu tố Niết-bàn không hàm chứa an lạc vì tất cả những gì khởi sinh đều đưọc xem là khổ. Cụm từ "Niết-bàn an lạc" có thể khiến ta có cảm tưởng rằng ta có thể tìm thấy hạnh phúc tuyệt đối, thật ra đó là điều ngược lại. Ta sẽ tìm thấy có tánh Không -không còn đau khổ, chỉ có an tịnh.
Nếu chỉ mong muốn, ao ước, Đạo Quả sẽ không tự tìm đến với ta, mà chỉ có sự tỉnh giác chánh niệm từng phút giây mới giúp ta chứng đắc. Sự chánh niệm nầy dần dần sẽ đưa đến trạng thái tâm định, giúp ta có thể xả bỏ mọi suy tưởng, hoàn toàn ở trong định. Lúc đó, ta có thể bỏ cả thiền quán, không bằng một cố gắng nào, mà nó tự biến mất, nhường chỗ cho tâm định tĩnh hoàn toàn. Nếu cần phải có một tham vọng nào trong đời sống, thì đấy là một tham vọng duy nhất có giá trị. Không có tham vọng nào khác có thể đem lại cho ta sự viên mãn.
Người đã đạt đưọc quả Dự Lưu, sẽ không còn chấp thủ vào lễ nghi và giới cấm, vì một người đã chứng đắc không lẽ gì phải chấp vào hình thức. Mọi hình thức đều là giả tạo. Vị ấy có thể vẫn tuân theo các hình thức lễ nghi của tôn giáo vì tính chất trân trọng, hàm ơn, thành tín trong đó. Nhưng vị ấy không còn giao tiếp với con người hay buộc mình ở trong những hoàn cảnh đầy lễ nghi, đầy hình thức do con người đặt ra để ràng buộc nhau. Thay vào đó, vị ấy sẽ sống với mọi người bằng trái tim cởi mở, không trói buộc.
Buông bỏ tà kiến về tự ngã dĩ nhiên là sự thay đổi quan trọng nhất. Đối với vị Dự-lưu, tà kiến về tự ngã không bao giờ còn khởi sinh nữa, nhưng vẫn còn các cảm xúc về ngã, vì giây phút chứng đắc rất hiếm hoi và nhanh chóng qua đi. Do đó chưa thể tạo nên một tác động sâu xa, tuyệt đối. Nếu không, vị ấy đã đưọc gọi là bậc Giác Ngộ rồi. Cả bốn quả thánh đều có thể được chứng đắc (như đã ghi trong các kinh Phật) ngay khi ta vừa đưọc tiếp xúc với Phật pháp.
Điều cần làm là ta phải luôn tự nhắc nhở trong mọi giây phút thức tỉnh rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường, không có bản thể nhất định, luôn thay đổi. Dầu ta có một trực kiến về vô ngã (anatta) hay chỉ có kiến thức về điều đó, ta phải luôn duy trì điều đó trong tâm, sống với nó từng phút giây. Nếu tiếp tục đưọc như thế, dần dần các vấn đề trong cuộc sống sẽ không còn trở ngại chúng ta. Nếu ta luôn giác niệm về tính vô thường của mọi hiện hữu, những khổ đau của ta dường như không còn quan trọng nữa và cái nhìn về tự ngã sẽ dần thay đổi.
Cái nhìn về tự ngã chính là kẻ thù nguy hiểm nhất của ta. Mỗi người tự tạo ra cho mình một cá tính, một mặt nạ để mang, mà không muốn nhìn thấy những gì ở phía sau chiếc mặt nạ đó. Cũng không cho phép người khác đưọc biết. Sau khi đạt đưọc tâm chứng, ta không còn thấy cần thiết phải duy trì một cá tính nào cả. Tuy nhiên, khi chưa đưọc như thế, nếu có ai tò mò muốn nhìn thấu suốt đến những gì ở phía sau chiếc mặt nạ, thì sẽ chỉ thấy sự sợ hãi, chống đối. Cách đối trị hữu hiệu nhất là luôn nhớ rằng thật sự không có ai ở đó, chỉ có các hiện tượng mà thôi. Cho dù cái nhìn của nội tâm chưa phát triển đủ để chứng minh điều đó, sự khẳng định nầy giúp chúng ta bớt các chấp thủ, không quá bám víu vào sự vật.
Mục đích của sự tu tập chắc chắn là để hướng về quả Dự-lưu. Tuy nhiên, không có gì để chứng đắc, mà cần phải xả bỏ tất cả. Nếu ta có thể diệt bỏ đưọc tất cả mọi bám víu, thì sự giải thoát, chứng thánh quả mới có thể đưọc thành tựu, nếu không ta lại tiếp tục sống như trước: bị khổ não hành hạ, ràng buộc, quẩn quanh trong cái đưọc mất, tiếng khen chê, sang hèn, hạnh phúc hay khổ đau. Các phiền não trong cuộc sống -tất cả tạo ra bởi cái "ngã" – sẽ cứ tái diển. Sự thay đổi thật sự chỉ bắt đầu khi nào có được một sự thay đổi dứt khoát trong cái nhìn của ta về tự ngã. Nếu không phiền não vẫn tồn tại, vì chúng đưọc tạo ra bởi con người cũ, không có gì thay đổi.
Chúng ta có thể đưọc đọc rằng sự xả bỏ, ái diệt là những nấc thang trên con đường đi đến giải thoát và tự do. Tuy nhiên những điều nầy không thể có ý nghĩa hay tác động gì, nếu như ta không có cái nhìn về một thực tại hoàn toàn khác biệt, một thực tại không chứa muôn dáng vẻ thế gian. Khi ta ngồi thiền mà tâm bắt đầu vọng tưởng, đó là các tướng tâm, là sự phóng tâm (papanca). Yếu tố Niết-bàn là nhất thể, không đa dạng. Có thể nói nó bặt tất cả những gì mà ta đã biết. Nếu không thấy đưọc như thế, ta vẫn còn đảo điên trong thế tục. Nhưng ta cũng không cần phải tin vào tất cả những gì ta thấy, ta nghĩ. Điều nầy không dễ làm, vì thế chúng ta cần phải luôn tự nhắc nhở để không bị cám dổ dẫn dắt.
Dĩ nhiên là các giác quan cũng có thể mang đến cho ta các khoái lạc. Nếu có các nghiệp thiện, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội như thế: Đưọc ăn ngon, tham quan cảnh đẹp, gặp người dễ chịu, đưọc thưởng thức âm nhạc thánh thoát, có nhà đẹp, đọc đưọc sách hay, không bị thân hành khổ. Nhưng tất cả những thứ nầy có mang lại cho ta hạnh phúc tuyệt đối không? Trong quá khứ chúng đã không mang đến cho ta hạnh phúc, thì tương lai làm sao có thể khác hơn? Nhưng Đạo Quả có thể mang lại hạnh phúc tuyệt đối vì chúng vắng bặt các hiện tượng. Tánh Không không thay đổi, không trở nên khó chịu mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để làm xao động nó.
Khi nghe hoặc đọc về “Niết-bàn", người ta hay phản ứng rằng: "Làm sao mà không ham muốn gì cả?". Tuy nhiên, khi ta nhận ra rằng mọi ham muốn chỉ là để khỏa lấp sự trống vắng, thất vọng trong lòng, đó là lúc ta sẽ không còn ham muốn gì nữa. Đạt đưọc tánh không, là một bước trên cả tánh không ham muốn, vì bây giờ con người chấp nhận cái thực tại là không có gì đáng để đòi hỏi, mong muốn. Tánh không khiến ta có thể chứng nghiệm rằng thực sự có cái không –có sự thanh tịnh.
Sống chánh niệm dù lúc ta ngồi thiền hay không là phương pháp tu tập hữu hiệu nhất giúp ta đạt đưọc kết quả. Có nghĩa là làm từng việc từng lúc, luôn chăm chút đến thân tâm. Khi nghe pháp, chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền, chỉ chú tâm vào đề mục thiền quán. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không vẽ vời, không phán xét. Điều đó giúp tâm quen sống trong từng giây phút. Chỉ có như thế tâm mới chứng đắc đưọc ngay trong hiện tại, ngay tại đây. Không có lý do gì mà một thiền sinh có đủ trí khôn, khỏe mạnh và quyết tâm như thế, lại không thể đạt được Đạo Quả bằng lòng kiên nhẫn, trì chí của mình.

Trích:
Ốc Đảo Tự Thân
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Diệu Liên - Lý Thu Linh