...Người giác ngộ có thể tùy thuận sự vận hành từ quá khứ đến tương lai mà vẫn bất biến - không bị cuốn trôi theo thời gian và không gian, và tuy trọn vẹn trong từng sát-na thời-vị-tính với Tâm Bất Biến (Thái Cực) mà vẫn không bị đắm chìm trong hiện tại...
...Người giác ngộ không cần hoạch định tương lai vì cả quá khứ và tương lai đều đang trọn vẹn đầy đủ ngay nơi hiện tại, ở đó, thể tướng dụng, chân mỹ thiện đều đã tròn đầy - viên mãn. Đó là lý do vì sao người giác ngộ có thể sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha mà vẫn luôn an nhiên tự tại...
Ngày 02 tháng 08 năm 2013
Con thưa Thầy,
Con có một thắc mắc như sau, con nên hoạch định trước cuộc đời mình hay cứ để nó như vậy, chuyện gì đến thì làm, qua đó học ra bài học của mình, rồi chuyện lớn, chuyện nhỏ gì mình cũng đều thông suốt và làm việc rất hiệu quả?
Trước đây, khi chưa học đạo, con được dạy nên đi theo hướng thứ nhất là hoạch định trước cho tương lai đời mình. Vì qua việc hoạch định đó, con có thể làm chủ cuộc sống theo mục đích định sẵn. Nhưng qua những biến cố thực tế xảy ra cho con và gia đình, con thấy rằng chỉ có việc hoạch định, đưa ra mục tiêu và sắp đặt cho tương lai đời mình thôi chưa đủ. Vì những biến đổi bất ngờ không giống như những gì mình hoạch định làm tâm con chưa phút nào bình an cả. Và có lúc con đã gần như suy sụp vì những căng thẳng và gánh nặng đặt ra cho mình trong cuộc sống.
Sau khi học đạo, con lại đi theo hướng thứ hai là không cần ước mơ hoạch định tương lai gì cả, cứ sống trọn vẹn với hiện tại, chuyện đến thì làm, chuyện đi thì thôi (sự lai nhi tâm thỉ hiện, sự khứ nhi tâm tùy không)... Nhưng rồi con lại nhận ra bản thân mình trở nên ù lì, chậm chạp giữa nhịp sống và cách làm việc của thế giới hiện đại. Môi trường đua tranh của kinh doanh buộc con lúc nào cũng phải ở trong tư thế chủ động, cả về nhận thức cũng như trong hành động, để đương đầu với những thách thức, nhanh chóng nhận ra và nắm bắt các cơ hội kinh doanh trên thị trường. Nếu con cứ sống theo hướng thứ hai, con e rằng con đang tự đào thải chính mình ra khỏi môi trường mà con đang sống. Một lần nữa, con lại bất an và bối rối về hướng đi của mình.
Bề ngoài, con buộc bản thân cố gắng đi theo hướng thứ nhất để thích nghi với cách sống và làm việc của mọi người xung quanh. Nhưng bên trong, con lúc nào cũng cảm nhận rằng đi theo hướng thứ hai có vẻ đúng hơn. Vài ngày trước, trong một cuộc phỏng vấn xin việc tại ngân hàng, yêu cầu đặt ra đối với người được nhận vào làm là phải có một hoạch định tốt cho cuộc đời của người đó, phải có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và cụ thể. Lúc đầu, con cũng cố gắng che đậy bản thân bằng những hoạch định và dự tính mà con chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm nó. Nhưng từ sâu trong vô thức, con luôn nghĩ theo hướng thứ hai rằng không cần có mục tiêu hay hoạch định nào cả, con cũng vẫn có thể làm tốt được mọi thứ xảy ra trong cuộc đời mình. Không may, phần vô thức này mạnh đến nỗi nỗ lực che đậy nó không đủ để ngăn nó thể hiện ra bên ngoài, qua lời nói và cách con phản ứng. Kết quả là con đã thi trượt kỳ phỏng vấn ấy. Nhưng sự hoang mang về một hướng đi chưa rõ ràng trong cuộc sống còn lớn hơn gấp nhiều lần so với kết quả thi trượt này. Dường như con vẫn chưa thông suốt điều gì đó phải không thưa Thầy, nhưng con không biết điều đó là gì!
Con xin Thầy từ bi chỉ dạy thêm cho con. Con xin thành kính tri ân Thầy.
Con, Duyên Minh
Duyên Minh con,
Trăn trở của con cũng là trăn trở của nhiều người đang phân vân giữa đời và đạo, giữa hiện tại và tương lai. Hai điều này sẽ là mâu thuẫn lớn lao khi chúng ta tách biệt chúng thành hai hướng khác nhau trong cách nhìn nhị nguyên, nhưng thực ra chúng vẫn có thể hài hoà với nhau khi thấy chúng cùng một hướng trong tầm nhìn bất nhị.
Có nhiều loại hoạch định tương lai:
- Hoạch định không khả thi: là những kế hoạch không thể thực hiện được vì chỉ là những giả định ảo, không đúng với điều kiện thực tế. Thí dụ một em học sinh hoạch định cho mình phải tốt nghiệp đại học nhưng thực chất là bây giờ em đang không có khả năng học chương trình lớp 6 và hoàn cảnh thực tế không cho phép em thực hiện kế hoạch của mình thì đó là hoạch định một tương lai ảo, hay chỉ là mơ mộng hão huyền mà thôi.
- Hoạch định khả thi: là kế hoạch có thể thực hiện được qua những tiên liệu dựa trên những điều kiện thực tế cho phép. Thí dụ một em đang học lớp 6 rất giỏi và có điều kiện để tiếp tục học hành thì em sẽ có khả năng hoàn thành kế hoạch tương lai của em dễ dàng, chứ không phải chỉ là những ước mơ hy vọng suông.
- Hoạch định có tính đáp ứng: là những hoạch định tất yếu để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của đời sống, như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc uống... Đó là những dự tính cấp bách và ngắn hạn không thể thiếu cho sự tồn sinh của mọi người.
- Hoạch định có tính lý tưởng: là những hoạch định vạch ra theo mục đích mơ ước lâu dài của cá nhân hay tập thể cùng ý thức hệ. Điều này có thể không phải là nhu cầu thiết thực, mà tùy thuộc vào quan niệm hay thị hiếu của mỗi người hay nhiều người.
- Hoạch định chính đáng: là những hoạch định đúng với quy luật tự nhiên hay nhu cầu tất yếu và lương thiện của đời sống.
- Hoạch định bất chính: là những hoạch định theo tham vọng chủ quan hay ý đồ bất lương ngược với quy luật tự nhiên và nhu cầu tất yếu của đời sống.
Sống hiện tại cũng có nhiều loại:
- Lối sống hiện sinh hưởng thụ: là sống theo bản năng hoặc chủ trương tận hưởng cuộc sống để thỏa mãn những lạc thú ở đời. Đó là lối sống đắm chìm trong hiện tại để rồi chỉ tự hủy hoại tương lai chứ không phải sống trọn vẹn an vui trong thực tại. Thí dụ như lối sống hiện sinh của một số người Âu Mỹ đầu thế kỷ 20.
- Lối sống buông xuôi tiêu cực: là sống chán chường vô vọng, có thể xuất phát từ thất tình, thất chí hay thất vọng vì không đạt được lý tưởng quá cao, hoặc không có khả năng thực hiện tham vọng nên đành phải sống thả trôi vô định. Thí dụ như những người sống chơi bời lêu lổng.
- Lối sống tùy hứng bất định: là sống buông lung phóng dật, vui đâu chúc đó; sống không định hướng nên không biết tùy lúc, tùy nơi, tùy hoàn cảnh mà ứng xử sao cho đúng tốt. Thí dụ như những người sống ba phải theo kiểu “đi với Bụt mặc áo cà-sa, đi với Ma mặc áo giấy”.
- Lối sống nhiệt tình tích cực: là sống trọn vẹn trong sáng với thực tại, biết thận trọng, chú tâm, quan sát mọi sinh hoạt đời sống hiện tại, biết chiêm nghiệm học hỏi mọi khía cạnh của đời sống đang diễn ra, không bỏ quên một giây phút sống thực nào dù trong khi đang lao động chân tay và tâm trí, hay lúc đang nghỉ ngơi vô sự. Nhờ vậy mà không bỏ mất giây phút trải nghiệm quí báu nào để thấu hiểu hiện tại nên dù không cần hoạch định tương lai mà vẫn thông suốt và nắm vững tương lai trong tầm tay của mình. Thí dụ như một học sinh đang học lớp 6 đã học một cách nhiệt tình trọn vẹn bài học của mình thì dù không hoạch định gì em vẫn có tương lai, ngược lại nếu em buông xuôi tiêu cực hay không trọn vẹn tích cực học hành thì dù có bao nhiêu kế hoạch tương lai cũng trở thành vô dụng, nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Như vậy vấn đề không phải là có nên hoạch định tương lai hay không mà là nếu hoạch định thì phải hoạch định đúng và không hoạch định thì cũng phải không hoạch định đúng mới được. Đồng thời cần phải biết rõ điều gì cần hoạch định điều gì không cần hoạch định chứ không phải hoạch định chỉ để thừa mà không hoạch định thì lại thiếu.Trừ những hoạch định ngắn hạn và thiết yếu phải có chi tiết cụ thể, như bếp trưởng trù liệu thức ăn cho một bữa tiệc, hoặc thầy giáo soạn giáo án để lên lớp ngày mai, còn những hoạch định cho một tương lai lâu dài thì chỉ nên định hướng tổng quát thôi rồi thực hiện đến đâu mới cần bổ sung chi tiết đến đó, vì khi đó vẫn phải tùy khả năng, điều kiện và hoàn cảnh thực tế mà uyển chuyển biến hóa sao cho phù hợp với tình hình luôn biến động của cuộc sống. Nghĩa là vẫn không xa rời điều kiện cơ bản thời-vị-tính của thực tại. Không thể xa rời hiện tại mà có tương lai được. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay, nên ngôi nhà tương lai tùy thuộc vào những viên gạch vững chắc trong hiện tại. Không hy sinh hiện tại cho tương lai như kiểu thả mồi bắt bóng, mà phải thấy rõ rằng thành tựu ở tương lai chỉ có khi thành tựu những bước đi vững chắc trong hiện tại. Quá hướng vọng đến tương lai mà bỏ quên hiện tại mới là tự đào thải, đồng thời không biết hướng đến tương lai mà chỉ ngủ quên trong hiện tại cũng bị đào thải khỏi dòng đời trôi chảy. Giống như khi con đi đến một nơi nào đó nhưng con không cẩn thận từng bước thì sẽ bị vấp ngã trước khi đến đó, nhưng nếu con bước đi vô định thì sẽ chẳng tới đâu. Hai điều này phải được kết hợp hài hòa mới có thể sống đúng tốt trong hiện tại và cho cả tương lai.
Sai lầm của con là ở chỗ “cố gắng che đậy bản thân bằng những hoạch định và dự tính mà con chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm nó”. Như vậy có nghĩa là con đưa ra một hoạch định ảo, không khả thi, không phải là nhu cầu thiết thực của đời sống. Đó là lý do vì sao con bị rớt. Giả sử con nói hoạch định của con đơn giản chỉ là làm việc tích cực, luôn nhiệt tình với công việc, luôn lắng nghe, quan sát, học hỏi để có khả năng phục vụ ngày càng tốt hơn, đem lại lợi ích cho bản thân và nhiều người hơn... thì có khi con sẽ được nhận, vì đó là một hoạch định thực tiễn khả thi chứ không phải là một giả thuyết không tưởng.
Trên đây thầy chỉ phân tích về mặt tục đế, tức là sự thật chỉ có giá trị trong cuộc sống đời thường, giữa cộng đồng xã hội, chứ chưa nói đến bình diện chân đế - sự thật rốt ráo trong bản tính tự nhiên (thực tánh pháp) muôn đời của Trời Đất hay muôn loài vạn vật.
Khi Đức Phật nói "không bước tới không dừng lại" nghĩa là không bị lôi cuốn vào những hoạch định tương lai, cũng không buông xuôi đắm chìm trong hiện tại. Đây là thái độ sống của những người giác ngộ bản chất thật của đời sống. Chúng ta tạm mượn biểu tượng Dịch Lý để dễ thuyết minh điều này. Trong Thái Cực đồ, chúng ta thấy Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, rồi cứ thế “sinh sinh chi vị dịch” mà biến hoá thành muôn loài vạn vật. Tuy sự sinh hóa này biến ảo vô cùng nhưng nó luôn tuân theo một nguyên lý vận hành tự nhiên của nó, đó là dù những hiện tượng trăm sai ngàn khác có biến hóa tới đâu thì vẫn luôn không rời Thái Cực. Như vậy trong sự biến dịch của mỗi hiện tượng vẫn luôn hàm chứa cái bất dịch nơi Thái Cực, mà chỉ khi trọn vẹn với thời-vị-tính của cái đang là (thời vị trung chính) thì mới thấy được cái bất biến trong cái biến dịch vô thường, và đó chính là giác ngộ.
Vậy người giác ngộ có thể tùy thuận sự vận hành từ quá khứ đến tương lai mà vẫn bất biến - không bị cuốn trôi theo thời gian và không gian, và tuy trọn vẹn trong từng sát-na thời-vị-tính với Tâm Bất Biến (Thái Cực) mà vẫn không bị đắm chìm trong hiện tại. Hai điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau trong tầm nhìn toàn diện của người giác ngộ.
Tóm lại, người không giác ngộ, do phân biệt nhị nguyên nên khi cố gắng hướng đến tương lai thì trôi lăn trong sinh tử, khi nỗ lực an trú trong hiện tại thì trệ tịch trầm không, còn người giác ngộ không cần hoạch định tương lai vì cả quá khứ và tương lai đều đang trọn vẹn đầy đủ ngay nơi hiện tại, ở đó, thể tướng dụng, chân mỹ thiện đều đã tròn đầy - viên mãn. Đó là lý do vì sao người giác ngộ có thể sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha mà vẫn luôn an nhiên tự tại. Như Phật dạy trong kinh Mangala Sutta: "Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nhiễm, là phúc lành cao thượng".
Thầy chúc con thông suốt được điều con đang trăn trở và vướng mắc.
Thầy Viên Minh.
Thư Thầy trò (50)Tác giả: Viên Minh - Duyên Minh
TÌM HƯỚNG
(Cảm hứng từ Thư Thầy Trò 50)
Rơi vào bẫy ảo tưởng
Trăn trở và ưu phiền
Hoang mang tìm hướng đến
Ôi, căn bệnh triền miên!
Ngay nơi Pháp hiện tại
Vốn đã tự tròn đầy
Tương lai và quá khứ
Chân Mỹ Thiện là đây.
Như Tuệ