Học sinh: Tại sao ta cảm thấy tự hào khi thành đạt?
Krishnamurti: Có cảm giác tự hào với sự thành đạt à? Thành đạt là gì? Đã có bao giờ các em xem xét thành đạt là gì không? Của một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, một doanh nhân hay chính khách? Cảm nhận rằng về mặt nội tâm, các em đã thành công trong việc tự chủ phần nào chính mình mà người khác không làm được hoặc người khác thất bại; cảm nhận rằng các em tuyệt vời hơn người khác, rằng các em đã trở thành người thành đạt, được kính trọng, được nhìn nhận bởi nhiều người khác như một gương mẫu – tất cả mọi điều ấy cho thấy gì?
Tự nhiên, khi các em có cảm nhận đó là đã có lòng tự hào: tôi đã làm được điều gì đó, tôi là quan trọng. Cảm nhận về cái “tôi” nằm ngay trong bản chất của lòng tự hào. Lòng tự hào lớn dần với thành đạt; ta tự hào vì mình quan trọng hơn, so sánh với nhiều người khác. Việc tự so sánh với người khác cũng tồn tại trong công cuộc săn đuổi gương mẫu, lý tưởng và nó cho các em hy vọng, nó cho các em sức mạnh, mục đích, động lực cũng chỉ để tăng cường cái “tôi”, tạo một cảm nhận khoái lạc rằng các em quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ người nào khác, và cảm xúc đó, cảm giác khoái lạc đó là khởi đầu của lòng tự hào.
Lòng tự hào đem lại tính kiêu căng lớn, thổi phòng tính vị kỷ. Các em có thể quan sát điều này nơi người lớn và nơi các em. Khi các em trải qua một kỳ thi và cảm thấy mình có chút thông minh lanh lợi hơn người khác, cảm giác khoái lạc xen vào. Cũng có cùng một cảm giác như vậy khi các em thấy mình giỏi hơn người khác trong một cuộc tranh luận, hoặc khi các em cảm thấy mình có sức mạnh hơn hoặc ngoại hình đẹp hơn – tức khắc các em có cảm giác các em là quan trọng. Chính cảm nhận về cái quan trọng của cái “tôi” chắc chắn dấy sinh xung đột, đấu tranh, đau khổ bởi vì các em phải giữ vững sự quan trọng của mình mãi mãi.
HS: Bằng cách nào ta có thể thoát khỏi lòng tự hào?
K: Nếu các em đã thực sự nghe câu trả lời của câu hỏi trước, các em sẽ hiểu bằng cách nào thoát khỏi lòng tự hào và các em sẽ thoát khỏi lòng tự hào; nhưng chỗ khó là các em chỉ quan tâm việc làm cách nào để đặt câu hỏi tiếp theo, phải không? Vậy là các em đã không nghe. Nếu các em thực sự lắng nghe những gì đã được trình bày, các em sẽ tự mình tìm thấy sự thật của vấn đề.
Giả sử, tôi tự hào vì đã thành đạt điều gì đó. Tôi đã trở thành hiệu trưởng, tôi đã đến được Anh quốc hoặc nước Mỹ; tôi đã làm nhiều điều vang dội, hình ảnh của tôi xuất hiện trên báo chí, vân vân và vân vân. Hết sức tự hào, tôi tự hỏi, “Bằng cách nào tôi thoát khỏi lòng tự hào đây?”
Tại sao ta muốn thoát khỏi lòng tự hào? Đó là câu hỏi quan trọng, chứ không phải bằng cách nào để thoát. Động cơ nào, lý do gì, thôi thúc nào? Phải chăng tôi muốn thoát khỏi lòng tự hào bởi vì tôi thấy nó có hại cho tôi, gây đau khổ cho tôi, không tốt về mặt tinh thần? Nếu đó là động cơ, thì việc tìm cách thoát khỏi lòng tự hào là một hình thái khác của lòng tự hào, đúng không? Tôi vẫn quan tâm đến sự thành đạt. Vì thấy rằng tính tự hào gây quá nhiều đau khổ, xấu xa về mặt tinh thần, tôi nói tôi phải thoát khỏi nó. Ý muốn “tôi phải thoát khỏi” cũng chứa cùng lý do như cái ý “tôi muốn thành đạt”. Cái “tôi” vẫn là quan trọng, nó là sào huyệt xuất phát mọi cuộc đấu tranh của tôi để thoát.
Do đó, vấn đề không phải là bằng cách nào thoát khỏi lòng tự hào mà là thấu hiểu cái “tôi” và cái “tôi” vốn hết sức tinh tế. Năm này nó muốn điều này và năm khác muốn điều khác, và khi điều khác gây đau khổ, nó lại muốn điều khác nữa. Do đó, bao lâu sào huyệt hay trung tâm của cái “tôi” này còn tồn tại thì dù ta có tự hào hay gọi là khiêm nhường cũng có rất ít ý nghĩa. Chúng chỉ là những chiếc áo khoác khác nhau mà thôi. Khi áo này hấp dẫn tôi, tôi mặc vào và năm tới, vâng theo những gì tôi tưởng tượng, tôi ham muốn, tôi lại mặc áo khoác khác.
Điều các em cần phải thấu hiểu là cái “tôi” này hình thành ra làm sao. Cái “tôi” hình thành thông qua cảm giác thành đạt trong mọi hình thái. Điều này không có nghĩa rằng các em không nên hành động, mà là cái cảm nhận rằng các em đang hành động, rằng các em đang thành đạt, rằng các em không nên tự hào – cảm nhận đó phải được thấu hiểu. Các em phải thấu hiểu cơ cấu của cái “tôi”. Các em phải tri giác chính động thái tư tưởng của mình; các em phải quan sát cung cách các em đối xử với người giúp việc, với mẹ, cha của các em, thầy giáo của các em; các em phải ý thức cách các em nhìn những người mà các em cho là trên các em và những người mà các em cho là dưới các em, những người mà các em kính trọng và những người mà các em khinh miệt. Mọi thái độ đó làm lộ bày lối sống của cái “tôi”. Có thấu hiểu lối sống hay đường đi nước bước của cái “tôi” mới thoát khỏi cái “tôi”. Đó là vấn đề, chứ không phải làm cách nào thoát khỏi lòng tự hào.
HS: Thông qua cái đẹp của một vật, hoặc cách nào đó đi đến được một niềm vui vĩnh cửu?
K: Đó là tư tưởng do các em nghĩ ra hay các em trích kể từ người nào đó? Có phải các em muốn khám phá cái đẹp có tàn phai chăng hay có thể có một niềm vui miên viễn?
HS: Cái đẹp có thể hiện qua hình thể không?
K: Cội cây, chiếc lá, dòng sông, đàn bà, đàn ông, những người dân làng đầu đội nặng, chân bước nhịp nhàng và ngoạn mục. Cái đẹp có tàn phai chăng?
HS: Người dân làng đi qua và để lại một ấn tượng về cái đẹp.
K: Họ đi qua và kỷ niệm lưu đọng lại.Các em thấy một cội cây, một chiếc lá, và rồi nhớ về cái đẹp đó được lưu đọng lại.
Vậy bây giờ, nỗi nhớ đó, kỷ niệm về cái đẹp đó có phải là một vật sống không? Khi các em thấy vật gì đó đẹp, có một niềm vui tức thì, các em thấy cảnh hoàng hôn, tức khắc có một phản ứng vui thú trong lòng. Khoảnh khắc sau đó, niềm vui đã trở thành kỷ niệm, nỗi nhớ. Kỷ niệm về niềm vui đó có phải là một vật sống không? Nỗi nhớ về cảnh hoàng hôn có còn là một vật sống không? Nó là một ấn tượng chết phải không? Và thông qua ấn tượng chết về cảnh hoàng hôn, các em muốn nắm bắt lại niềm vui. Nhưng kỷ niệm thì không có niềm vui, nó chỉ là hình ảnh của cái gì đó đã qua và từng có lần tạo ra niềm vui. Phản ứng tức thì trước cái đẹp mới có niềm vui, nhưng kỷ niệm xen vào và hủy diệt niềm vui. Nếu luôn luôn tri giác cái đẹp mà không tích lũy kỷ niệm - chỉ lúc bấy giờ mới có thể có niềm vui vĩnh cửu.
Nhưng không dễ gì thoát khỏi sự tích lũy kỷ niệm, bởi vì ngay lúc các em thấy điều gì khiến các em vui thích, các em biến điều đó thành kỷ niệm và bám víu vào. Khi các em thấy một vật thể xinh đẹp, một đứa bé ngộ nghĩnh, một cội cây đẹp, có niềm vui tức thì; nhưng rồi các em muốn có nhiều thêm hơn. Muốn có nhiều thêm hơn là tích lũy kỷ niệm. Muốn có nhiều thêm hơn là đã khởi động cái tiến trình phân hóa và trong đó không còn có niềm vui nào nữa. Kỷ niệm không bao giờ có thể sản sinh niềm vui vĩnh cửu. Chỉ có niềm vui thường hằng vĩnh cửu khi ta luôn luôn phản ứng một cách tự phát trước cái đẹp, cái xấu, trước mọi sự vật mà ký ức hay kỷ niệm không khởi động - có nghĩa là tính nhạy cảm cao độ cả ở nội tâm và ngoại cảnh, tức là có tình yêu chân thật.
HS: Sự thật (chân lý) vốn tương đối hay tuyệt đối?
K: Trước hết, ta hãy hiểu ý nghĩa của câu hỏi qua các từ ta dùng. Ta muốn cái tuyệt đối, phải không? Con người ước muốn dữ dội một điều gì đó thường hằng, cố định, không dời đổi, vĩnh cửu, không phân hủy, suy tàn, một điều gì đó không chết - một ý tưởng, một cảm xúc, một trạng thái triền miên bất tận để trí não có thể bám chặt vào đó. Ta phải thấy cái ước muốn dữ dội này trước khi ta có thể hiểu câu hỏi và giải đáp một cách đúng đắn.
Trí não nhân loại muốn có sự thường hằng bất biến trong mọi sự vật nó tiếp cận - trong quan hệ, trong tài sản, trong đạo đức. Nó muốn thấy điều gì đó không thể bị hủy diệt. Thế nên nó mới nói Thượng đế vốn vĩnh hằng, hay sự thật vốn tuyệt đối.
Nhưng sự thật hay chân lý là gì? Phải chăng sự thật là điều gì đó huyền bí lạ lùng, điều gì đó xa vời, không thể hình dung, trừu tượng? Hay sự thật là gì đó mà các em phải khám phá từng khoảnh khắc một, từng ngày, từng ngày một? Nếu sự thật có thể được tích lũy, thu gom, thông qua kinh nghiệm, lúc đó nó không phải là sự thật; bởi vì phía sau động thái thu gom, nhặt nhạnh này còn y nguyên cái tinh thần hay cái ý thu đạt cũ. Nếu sự thật là điều gì đó xa xôi vời vợi, chỉ có thể được tìm thấy thông qua một hệ thống thiền hay thông qua một chuỗi công phu tu tập phủ nhận và dâng hiến, một lần nữa, đó không phải là sự thật, bởi vì, đó cũng lại là một tiến trình thu đạt.
Sự thật phải được khám phá, phát hiện và thấu hiểu trong từng hành động, trong từng ý tưởng hay tư tưởng, trong từng cảm xúc dù tầm thường và thoáng qua, sự thật phải được quan sát từng phút, từng giây trong từng ngày một; sự thật phải được lắng nghe trong những gì vợ hay chồng nói, trong những gì người làm vườn nói, trong những gì bạn bè nói, và trong tiến trình của chính tư tưởng của các em. Tư tưởng các em có thể sai lầm, có thể bị qui định, hạn chế, và phát hiện rằng các em tham lam – nếu các em phát hiện điều đó, chứ không phải chỉ nghe người khác nói – chính sự phát hiện đó là sự thật, và tự thân sự thật đó có hành động riêng tác động lên sự tham lam của các em.
Sự thật không phải là điều các em có thể thu gom, thu nhặt, tích lũy, chứa vựa và rồi dựa vào đó như một sự chỉ dẫn. Đó chỉ là một hình thái khác của sự chiếm hữu. Đối với trí não, không thu đạt, không chứa vựa là việc hết sức khó khăn. Khi các em hiểu rõ ý nghĩa của điều này, các em sẽ khám phá sự thật là điều kỳ diệu ra sao. Sự thật vốn phi thời gian, nhưng khoảnh khắc các em thu tóm nó như khi các em nói, “Tôi đã tìm thấy sự thật, sự thật là của tôi”, đó không còn là sự thật nữa.
Do đó, sự thật là tuyệt đối hay phi thời gian tùy vào trí não. Khi trí não nói, “Tôi muốn cái tuyệt đối, điều gì đó không bao giờ bị phân hủy, không bao giờ biết chết là gì”, điều nó thực sự mong muốn là cái gì đó có hoặc có mãi ở đó để mà bám víu; do đó, trí não mới tạo ra cái thường hằng bất biến. Nhưng trong một trí não tri giác mọi sự xảy ra bên ngoài và bên trong chính nó, và thấy sự thật của mọi điều đó - một trí não như thế vốn phi thời gian; và chỉ một trí não như thế mới có thể biết cái bên kia những tên gọi, ở bên kia cái thường hằng và cái vô thường.
Krishnamurti