Khi Pontius Pilate hỏi Chúa Giê Su, “Chân lý là gì?” Chúa Giê Su im lặng. Không phải chỉ thế thôi. Chuyện kể rằng khi Pontius Pilate hỏi, “Chân lý là gì?” ông ấy chẳng đợi nghe câu trả lời. Ông ấy liền đứng dạy và ra khỏi phòng. Thật lạ lùng! Pontius Pilate cũng nghĩ rằng không thể có câu trả lời nên không chờ câu trả lời. Chúa Giê Su giữ im lặng bởi vì Ngài cũng biết điều ấy không thể trả lời nổi.
Nhưng hai sự hiểu biết này không giống nhau bởi vì hai người này khác nhau như mặt trăng, mặt trời vậy. Pontius Pilate nghĩ rằng vì không có chân lý nên không có câu trả lời. Đó là loại tâm trí logic, tâm trí của người La Mã. Chúa Giê Su im lặng chẳng phải vì không có chân lý, mà bởi vì chân lý quá mông mênh, không thể nào định nghĩa được. Chân lý quá bao la, vô cùng tận, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ được. Ta có thể trở nên một với chân lý, nhưng không thể nào bàn cải hoặc nói về nó được.
Hai người có lý do khác nhau, nhưng họ hành động y hệt như nhau. Pontius không đợi nghe câu trả lời vì ông ta biết rằng không hề có chân lý. Chúa Giê Su giữ im lặng bởi vì Ngài biết chân lý là gì, và biết không thể dùng lời mà diễn tả được.
Chidvilas đã hỏi câu hỏi này. Câu hỏi này thực sự có ý nghĩa. Không có câu hỏi nào cao hơn câu hỏi ấy, bởi vì không có tôn giáo nào cao hơn chân lý. Chúng ta phải hiểu rõ, cần phải phân tích câu hỏi này. Xuyên qua việc phân tích và cố gắng tìm hiểu câu hỏi này, bạn có thể nhận thức được chân lý là gì. Tôi sẽ không trả lời vì tôi không thể trả lời được. Không ai có thể trả lời câu hỏi đó được. Nhưng chúng ta có thể phân tích câu hỏi này một cách tỉ mỉ. Khi tìm hiểu cặn kẽ câu hỏi này, nó sẽ dần dần tan biến. Khi câu hỏi biến mất, bạn sẽ tìm được câu trả lời tại đáy sâu trong tim bạn - bạn chính là chân lý nên làm sao bạn có thể không hiểu được? Có thể bạn đã quên bẵng đi rồi, có thể bạn không còn nhớ gì về nó nữa, có thể bạn đã quên đường về nội tâm của mình, quên lối vào trong chân lý riêng của mình.
Chân lý không phải là một giả thuyết, không phải là một giáo điều. Chân lý chẳng thuộc về Ấn Độ giáo, không phải của Ki Tô Giáo, chẳng phải của Hồi giáo. Chân lý chẳng phải của tôi, không phải của bạn. Chân lý chẳng thuộc vào ai hết, nhưng mọi người đều nằm trong chân lý. Chân lý là cái hiện hữu. Đó chính là ý nghĩa của từ chân lý. Từ chân lý (truth) có gốc từ từ verus của la-tinh. Verus có nghĩa là: cái đang hiện hữu. Trong Anh ngữ nhiều từ phát xuất từ từ verus này, như was, were - chúng có nguồn gốc từ verus. Từ war của Đức cũng từ verus mà ra. Verus nghĩa là cái hiện hữu, không được giải thích. Một khi có sự giải thích chen vào, cái bạn biết chỉ là thực tại, không phải chân lý. Đó là sự khác biệt giữa chân lý và thực tại. Thực tại là chân lý được tô màu.
Cho nên ngay lúc bạn trả lời câu hỏi, “Chân lý là gì?” nó đã trở thành thực tại rồi, không còn là chân lý nữa. Giải thích đã len lỏi vào, tâm trí đã tô màu cho nó. Và thực tại cũng nhiều như tâm trí vậy. Thực tại có nhiều loại, mà chân lý chỉ có một, bởi vì chân lý chỉ được nhận biết tới khi tâm trí vắng mặt. Chính tâm trí đã phân cách giữa bạn và tôi, giữa bạn và người khác, giữa bạn và hiện sinh. Nếu bạn nhìn qua lăng kính của tâm trí, nó sẽ vẽ cho bạn một bức tranh về chân lý. Cái mà bạn thấy chỉ là một bức tranh, một tấm hình của cái hiện hữu. Và tất nhiên, phẩm chất của tấm hình phụ thuộc vào máy ảnh, vào phim, vào hóa chất, vào kỹ thuật rửa hình, vào cách in hình, vào cả người chụp lẫn người rữa hình. Cả ngàn lẻ một yếu tố phụ thuộc; nó trở thành thực tại.
Từ thực tại (reality) cần phải được hiểu rõ ràng. Nó có gốc từ từ res, nghĩa là một vật hay nhiều vật. Chân lý không phải là một vật. Một khi được giải thích, một khi tâm trí đã nắm lấy nó, định nghĩa nó, đánh dấu nó, nó trở thành một vật.
Khi bạn say mê một cô gái thì có chân lý trong tình yêu đó - nếu bạn đã yêu hoàn toàn mà không hay biết, nếu bạn không tự lừa dối mình, nếu bạn không đóng kịch, không đạo diễn, thậm chí nếu bạn không để ý đến nó. Tình cờ bạn gặp một cô gái. Bạn nhìn vào mắt cô ấy, cô ấy nhìn vào mắt bạn, và nghe phựt một cái - bạn đã bị tiếng sét ái tình. Bạn không phải là người chủ động, bạn đã bị chinh phục, bạn đã trúng phải mũi tên. Bạn chẳng làm gì hết. Bản ngã bạn không tham dự vào, ít nhất là trong lúc đầu, khi tình yêu còn mới tinh. Trong tích-tắc đó là chân lý, nhưng không có giải thích. Đó là lý do tại sao không ai cắt nghĩa được tình yêu.
Sau đó thì tâm trí mò tới, bắt đầu lèo lái mọi việc và chiếm hữu hồn bạn. Bạn bắt đầu mơ tưởng về cô gái như người yêu của mình, nghĩ đến cưới cô ta làm vợ, nghĩ đến cô ta như người vợ của bạn. Bao nhiêu chuyện xảy ra; nào là bạn gái, nào là vợ - tha hồ mà dệt mộng. Chân lý không còn nữa, nó đã nhường chỗ cho mộng mơ. Bây giờ mộng tưởng trở thành quan trọng hơn. Cái mà tâm trí hiểu được thì chắc ăn hơn, cái nó không nắm được thì không bảo đảm. Bạn đã giết chết, đã đầu độc chân lý. Chẳng bao lâu sẽ có người vợ và người chồng - hai tâm hồn. Nhưng cái đẹp đã qua đi, niềm vui đã mất rồi, tuần trăng mật đâu còn nữa.
Tuần trăng mật qua đi lúc mà chân lý trở thành thực tại, khi tình yêu trở thành sợi giây trói buộc. Rất tiếc là tuần trăng mật quá ngắn ngủi - không phải tuần trăng mật bạn vẫn nghĩ. Tuần trăng mật này rất chóng vánh, lúc mà bạn nhìn vào mắt cô gái. Có thể chỉ trong một tích-tắc thôi, nhưng sự thuần khiết của nó, sự trinh trắng như pha lê của nó, sự thiêng liêng của nó, sự siêu thực của nó - nó đến từ vĩnh cửu, nằm ngoài thời gian. Nó không thuộc về thế giới trần tục này, tựa như tia sáng chiếu qua khe hở.
Nó đến từ thế giới siêu việt. Nếu gọi tình yêu là Thiên Chúa thì cũng không sai, bởi vì tình yêu là chân lý. Cái gần chân lý nhất mà bạn thường gặp trong cuộc sống thường ngày là tình yêu.
Chidvilas hỏi: “Chân lý là gì?”
Chỉ khi câu hỏi biến mất, bạn mới biết chân lý là gì.
Nếu hỏi, “Chân lý là gì?” bạn đang hỏi gì vậy? Nếu tôi nói A là chân lý, B là chân lý, C là chân lý, câu trả lời nào là đúng? Nếu tôi nói A là chân lý, chắc chắn A không thể là chân lý vì nó là một cái gì đó mà tôi đang dùng để đồng nhất với chân lý. Nếu cả hai hoàn toàn đồng nghĩa thì nó sẽ là một sự lặp lại không cần thiết. Mà nếu tôi nói, “Chân lý là chân lý”, thì thật là ngớ ngẩn, vô nghĩa, chẳng giải quyết được gì. Nếu cả hai hoàn toàn giống nhau, nếu A và chân lý là một thì chẳng khác nào nói, “chân lý là chân lý”. Nếu A và chân lý không hoàn toàn giống nhau, tôi đang bóp méo chân lý. Thế thì khi nói A là chân lý thì chỉ nói ước chừng thôi. Và xin hãy nhớ, chân lý chỉ ước chừng thôi thì không phải chân lý. Hoặc là chân lý, hoặc không. Cho nên tôi không thể nói A là chân lý.
Tôi cũng không thể nói, “Thượng Đế là chân lý”, bởi vì nếu Thượng Đế là chân lý thì lại là một sự lặp lại không cần thiết. Nếu nói, “Chân lý là chân lý”, tôi chẳng nói gì mới cả. Nếu Thượng Đế không phải chân lý, điều tôi đang nói là đúng về văn phạm, nhưng tôi chẳng nói gì mới cả. Thế thì Thượng Đế khác chân lý, thế thì sao Ngài có thể là chân lý được? Nếu điều tôi nói là xấp xỉ thì về mặt ngôn ngữ nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không đúng. ‘Xấp xỉ’ nghĩa là có gì dối trá trong đó, có gì đó giả mạo ở đấy. Nếu không, sao không phải là chân lý trăm phần trăm? Nếu chỉ có chín mươi chín phần trăm chân lý, cái gì trong đó không phải chân lý. Mà chân lý và phi chân lý không thể cùng tồn tại với nhau, tựa như bóng tối và ánh sáng không thể cùng có mặt một lúc - bởi vì bóng tối chẳng qua chỉ là sự vắng mặt của ánh sáng. Sự vắng mặt và sự hiện diện không thể cùng tồn tại với nhau, chân lý và phi chân lý không thể cùng hiện hữu. Phi chân lý chính là sự vắng mặt của chân lý.
Cho nên không thể có câu trả lời. Do đó Chúa Giê Su đã im lặng.
Nhưng bạn suy ngẫm điều đó với sự thông cảm sâu sắc, nếu suy tư về sự im lặng của Chúa Giê Su, bạn sẽ tìm được câu trả lời. Im lặng là câu trả lời. Chúa Giê Su đang nói, “Hãy im lặng, như ta đang im lặng, bạn sẽ biết” - mà không phải nói bằng lời. Đấy chỉ là một cử chỉ, như kiểu cách của các thiền sư. Trong lúc Chúa Giê Su im lặng, Ngài rất gần gũi với Thiền tông, với Phật giáo. Trong phút im lặng ấy Ngài chẳng khác gì Đức Phật. Phật không bao giờ trả lời những câu hỏi này. Có tất cả mười bốn câu hỏi mà Ngài từ chối không trả lời. Bất kỳ chỗ nào Ngài đi qua, đệ tử đều bảo trước với mọi người, “Đừng bao giờ hỏi Phật những câu hỏi này”. Đó là những câu hỏi nền tảng, thực sự có ý nghĩa. Ngoài ra bạn có thể hỏi bất kỳ điều gì, và Phật lúc nào cũng sẵn sàng trả lời. Nhưng đừng hỏi những câu hỏi nền tảng, bởi vì nền tảng chỉ có thể biết được qua kinh nghiệm. Và chân lý là nền tảng cơ bản nhất; bản chất của hiện sinh chính là chân lý.
Hãy suy nghẫm câu hỏi này. Câu hỏi này rất có ý nghĩa, nó đang phát khởi trong tim bạn: “Chân lý là gì?” - sự khao khát muốn biết về cái đang hiện hữu, đang nảy sinh. Đừng gạt nó sang một bên mà hãy tìm hiểu nó. Chidvilas, khi nào điều ấy lại xảy ra, hãy nhắm mắt lại, hãy quên hết mọi sự và chỉ để ý đến câu hỏi này thôi. Hãy để cho câu hỏi hội tụ lại và tăng cường độ - “Chân lý… là… gì?” Hãy để cho sự tập trung lớn dần dần. Hãy quên hết mọi thứ, như thể toàn bộ cuộc sống của bạn treo trên câu hỏi đơn giản này, “Chân lý là gì?” Hãy coi như đó là vấn đề sống chết. Và đừng cố gắng trả lời nó, bởi vì bạn không biết được câu trả lời.
Bạn có thể tìm được nhiều câu trả lời, bởi vì tâm trí bao giờ cũng cố gắng đưa ra nhiều câu trả lời. Nhưng hãy chấp nhận sự kiện rằng bạn không biết; đó là lý do tại sao bạn lại hỏi. Vậy thì sao tâm trí lại có thể cho bạn những câu trả lời được? Tâm trí không biết được, vậy hãy bảo nó, “Im lặng đi”. Nếu biết, nó đã không cần có câu hỏi đó. Vì bạn không biết nên mới có câu hỏi đó.
Cho nên đừng để bị lừa vì những trò chơi của tâm trí. Nó cung cấp đủ thứ đồ chơi. Nó nói, “Đây này! Điều này đã viết trong Kinh thánh. Đây này! điều này được viết trong Áo Nghĩa Thư. Đây là câu trả lời. Đây này! Chính Lão Tử đã viết như vậy, đây là câu trả lời”. Tâm trí có thể viện dẫn đủ loại kinh sách; tâm trí có thể trích dẫn, có thể lôi ra từ trí nhớ. Có nhiều điều bạn đã nghe, có nhiều điều bạn đã đọc qua; tất cả đều được tâm trí cất giấu trong ký ức này. Nó có thể lặp lại một cách máy móc. Nhưng hãy để ý hiện tượng này: rằng tâm trí không biết, và tất cả những gì nó đang lặp lại thì toàn là vay mượn cả. Mà đồ vay mượn chẳng ích lợi gì.
Chuyện xảy ra tại ngã tư xe lửa. Cổng đã hạ xuống, một chiếc sắp băng qua. Một người đang ngồi trong xe, đợi cho xe lửa đi qua, cầm sách đọc. Một tên bợm rượu tiến lại gần, gõ vào cửa sổ của chiếc xe có máy lạnh. Người trong xe mở cửa và nói, “Tôi có thể giúp gì được ông? Ông cần giúp đỡ gì chăng?”
Tên bợm rượu nói, “Dạ có, đã hai ngày nay rồi tôi chưa có gì để lót bụng cả. Ông có thể cho tôi hai đồng không? Tôi chỉ cần hai đồng thôi”.
Người này cười to và nói, “Đừng bao giờ cho vay và đừng bao giờ mượn tiền cả”. Anh ta giơ cuốn sách cho tên bụi đời coi và nói, “Shakespeare - Shakespeare nói vậy đấy. Coi đây này”.
Tên bụi đời liền rút ra trong túi một cuốn sách đã phai màu, bẩn thỉu và nói, “Đồ chó đẻ! - D. H. Lawrence”.
Hãy cẩn thận với tâm trí. Tâm trí trích dẫn đủ điều; nó biết tất cả mà lại không biết tí gì. Tâm trí chỉ biết làm bộ. Hãy hiểu hiện tượng này: đó là điều mà tôi gọi là trực giác. Đấy không phải vì suy nghĩ mà có. Nếu bạn nghĩ về nó thì đấy lại là tâm trí. Bạn phải nhìn kỹ trong ngoài. Bạn phải nhận rõ mặt chính hiện tượng này, cách hoạt động của tâm trí, cách thức mà tâm trí hoạt động. Nó vay mượn hết chỗ nọ đến chỗ kia, nó không ngừng vay mượn và tích lũy. Nó chỉ biết đầu cơ tích trữ, tích trữ tri thức. Tâm trí trở nên rành rõi, và khi hỏi một câu hỏi thực sự quan trọng, nó lại cho bạn một câu trả lời chẳng quan trọng tí nào - vừa vô ích, lại nông cạn và tầm phào nữa.
Tâm trí chính là ma quỉ, không có ma quỉ nào khác. Và đó là tâm trí của bạn. Nhận thức này cần phải được phát triển - phải nhìn thấu suốt. Hãy chặt đứt đôi tâm trí bằng lưỡi kiếm sắc bén. Lưỡi kiếm đó là sự tỉnh thức. Hãy chém tâm trí ra làm đôi và đi băng qua nó, vượt ra ngoài nó! Và nếu bạn có thể vượt qua tâm trí bằng tâm trí, và lúc mà tâm-không nảy sinh từ bên trong thì sẽ có câu trả lời - không phải là câu trả lời nói, không phải trích dẫn từ kinh sách, không phải những từ trong ngoặc, mà thuần túy là của bạn, một thể nghiệm. Chân lý là một kinh nghiệm hiện thực.
Câu hỏi này có ý nghĩa rộng lớn, nhưng bạn phải rất tôn kính câu hỏi đó. Đừng vội vã tìm câu trả lời, nếu không, nhảm nhí sẽ giết chết câu trả lời. Đừng để tâm trí giết chết câu hỏi. Và cách mà tâm trí giết chết câu hỏi là cung cấp câu trả lời mà không từng trải, không kinh nghiệm.
Bạn là chân lý! Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong tuyệt đối im lặng, khi không một ý nghĩ nào xuất hiện, khi tâm trí hoàn toàn trống rỗng, khi không một gợn sóng nổi lên trong tâm thức của bạn. Khi không một gợn sóng trong tâm thức, tâm thức của bạn hoàn toàn trong sáng, không bị bóp méo. Khi một gợn sóng nổi lên, sự phẳng lặng không còn nữa.
Hãy nhìn vào mặt hồ. Từ trên bờ nhìn xuống hình bóng phản chiếu của mình. Nếu có gợn sóng trên mặt hồ, hình bóng của bạn bị xao động. Bạn không thể nào phân biệt được cái gì ra cái gì - đâu là mũi và đâu là mắt - bạn chỉ có thể đoán chừng. Nhưng khi hồ tĩnh lặng, gió không thổi và không một gợn sóng trên hồ, tất cả rõ ràng. Trong sự phẳng lặng tuyệt đối ấy, hình bóng phản chiếu thật là toàn vẹn. Hồ trở thành tấm gương.
Mỗi khi có một ý nghĩ di động trong tâm thức, tâm thức ấy bị bóp méo. Và rất nhiều ý tưởng, cả triệu ý tưởng, xô đẩy không ngừng, và lưu thông bao giờ cũng tắc nghẽn. Hai mươi bốn trên hai mươi bốn lúc nào cũng nhộn nhịp; lưu thông cứ tiếp diễn liên tục, và mỗi ý nghĩ lại kéo theo hàng ngàn ý nghĩ khác. Chúng nối kết và gắn bó lẫn nhau, và cả đám đông ấy xô đẩy bao quanh bạn. Thế thì sao bạn biết được chân lý là gì? Hãy thoát ra khỏi đám đông này đi đã.
Đó chính là thiền định; thiền định vỏn vẹn chỉ có thế thôi. Đó là một tâm thức mà không có tâm trí, một tâm thức không có ý nghĩ, một tâm thức không lay động - một tâm thức không có một gợn sóng. Đó là lúc tâm thức hiển hiện lộng lẫy nhất với đầy ân sủng. Lúc đó chân lý xuất hiện - có thể gọi đó Thượng Đế, có thể gọi là niết bàn, hay bất tên gì mà bạn thích. Đó là chân lý, và đó là một kinh nghiệm. Bạn ở trong nó, và nó ở trong bạn.
Hãy dùng câu hỏi này. Hãy để cho nó thấm sâu hơn, hãy để cho nó thâm nhập hết mức, hãy lấy mọi thứ mà đánh cuộc, để cho tâm trí không thể đánh lừa bạn bằng những câu trả lời phiếm diện của nó. Một khi tâm trí biến mất, một khi tâm trí không còn dở trò nữa, bạn sẽ biết chân lý là gì. Bạn sẽ biết nó trong thinh lặng. Bạn sẽ nhận biết nó khi mặt hồ của sự tỉnh thức của bạn không có một gợn sóng của ý tưởng.
***
Phật nói, “chân lý là khi bạn nhìn một vũ công thì không có vũ công mà chỉ có điệu vũ. Khi bạn nhìn một dòng sông thì không có dòng sông mà chỉ có sự trôi chảy. Khi bạn nhìn một cây thì không có cây mà chỉ có cây đang mọc. Khi bạn nhìn một nụ cười thì không có người đang cười mà chỉ có nụ cười, cái cười. Khi bạn thấy tình yêu thì không có ai là người yêu mà chỉ có yêu đương. Cuộc sống là một tiến trình”.
Nhưng chúng ta đã quen nghĩ dưới dạng danh từ không thay đổi. Điều đó tạo ra rắc rối. Và chẳng có gì tĩnh tại cả - tất cả đều thay đổi và tuôn chảy. Hãy thuận theo dòng, hãy trôi với dòng, và đừng bao giờ là người làm. Thậm chí khi bạn đang làm cũng đừng là người làm. Có việc làm nhưng không có người làm. Một khi nhận thức này ăn rễ vào trong bạn thì chẳng có gì khác nữa.
Giác ngộ không phải là một loại mục đích cần phải đạt tới. Nó chính là cuộc sống bình thường này, cuộc sống hiện đang bao quanh bạn này. Nhưng khi bạn không tranh đấu, cuộc sống bình thường này trở thành đẹp tuyệt vời. Thế thì cây cối còn xanh hơn, muôn chim hót líu lo hơn, mọi thứ đang xảy ra xung quanh đều là vô giá… ngay cả gạch, đá cũng là kim cương.
Hãy chấp nhận cuộc sống đơn giản này, bình thường này. Chỉ cần bỏ người làm. Và khi tôi nói bỏ người làm, bạn cũng đừng trở thành người bỏ! Chỉ cần nhìn rõ vào thực tại của nó thì nó biến mất.
Osho
Trích: Vương Tâm Kinh