Như vậy không phải là điều đáng tiếc lắm sao, khi mà chỉ vì sợ hãi một đóa hoa không hề quan tâm đến tôn giáo cũng không quan tâm đến vô tôn giáo mà ngăn chận không cho hoa tỏa hương ? Không phải là điều đáng tiếc lắm sao khi mà suy tưởng của Krishnamurti được đưa ra xem xét nó có lợi hay có hại, trong khi khái niệm lợi hại không hề có trong suy tưởng của ông. Có một điều người ta không thể chối bỏ được là lời nói Krishnamurti xác thực quá mức tưởng tượng, thực đến nỗi không tìm đâu ra được một sự thực thứ hai, nhưng khi nhìn quanh lại không tìm đâu có được sự thực như vậy. Đó là một nghịch lý có lẽ sẽ bỏ ngõ đến tận vài trăm năm sau, như lời trăn trối của Krishnamurti.
Theo chúng tôi, thật ra vấn đề Krishnamurti quan tâm là tổ chức và định kiến. Tôn giáo mà ông khắc nghiệt phê phán đều có hình thức tổ chức cao, và như thế đã biến thành bộ máy quản lý đầy uy quyền. Krishnamurti nói rằng tổ chức càng chặt chẽ thì càng rời xa chân lý. Như vậy không phải tôn giáo, mà chính tổ chức mới là điều gây trầm luân cho tinh thần con người. Điểm thứ hai là định kiến, và điều này đã quá rõ, không cần phải bàn đến nhiều khi hiểu rằng định kiến là sản phẩm chết cứng của tư tưởng và làm tâm trí hoàn toàn mất đi tính sinh động của nó, làm tê liệt khả năng khám phá điều mới lạ.
Những người lần đầu tiên đọc Krishnamurti có thể có hai phản ứng : Hoặc là không chấp nhận hay không hiểu gì cả, và do đó bài bác hay chối bỏ ông ; hoặc là cảm thấy ngạc nhiên, phấn khích, cảm thấy như mình mới vừa sinh ra trong một xứ sở thần kỳ chưa từng nghe nói đến, và do đó tìm đọc ông trong suốt nhiều năm. Đối với người phản bác ông ngay từ đầu thì chẳng có gì để nói thêm, bởi vì người ta sẽ xếp sách lại và quên ngay cái tên Krishnamurti. Nhưng đối với người cảm thấy có sự phấn khích khá mãnh liệt lúc đầu, sau nhiều năm đi vòng vo, lặn ngụp, vật vã trong những khái niệm về thời gian, tư tưởng, sợ hãi, hiện thể, tự do, tĩnh lặng, thiền định… họ thấy dường như mình quay lại điểm xuất phát ban đầu, dường như cuộc đời mình không thay đổi gì cả, trái tim mình vẫn chai đá, tâm trí mình vẫn rối bời, và nỗi đau khổ vẫn canh cánh bên lòng. Krishnamurti đã chận đứng tất cả mọi sự giả vờ và tưởng tượng, vì thế mọi người không dám che giấu cái sự thật lạnh lùng đang hiện hữu trong lòng là mình không hiểu gì cả. Krishnamurti đã chận đứng tất cả mọi ngõ ngách dẫn con người chạy trốn về cái lối mòn muôn thuở của các tổ chức chân lý, và vì thế con người đã cùng đường bí lối. Krishnamurti đã vô hiệu hóa mọi ngôn từ, mọi suy nghĩ, và con người cảm thấy bơ vơ tận cùng, cô độc giữa dòng đời hung tàn cứ mãi lạnh lùng trôi. Phải chăng Krishnamurti đã đòi hỏi quá sức con người, muốn mỗi người phải là một ông thánh, trong khi lạc thú cuộc đời chờ chực lôi kéo người ta vào địa ngục lại giăng đầy khắp nơi?
Con người thèm khát chân lý, muốn vươn đến chân lý, hạnh phúc, muốn thu đạt chân lý trong tay, nhưng Krishnamurti lại bảo rằng chân lý giống như ngọn gió, không thể bắt lấy nó, không thể cầm giữ nó trong nắm tay. Con người cần hy vọng, cần niềm tin, nhưng Krishnamurti lại bảo hy vọng chỉlà ảo tưởng của một tâm trí cùn lụt chẳng biết phải làm gì với hiện tại; còn niềm tin chỉ là sự ám thị hoang tưởng. Con người cần hoài niệm về quá khứ, bảo tồn truyền thống, nhưng Krishnamurti lại bảo truyền thống là ngục tù. Con người cần tư duy trong mọi lãnh vực, nhưng Krishnamurti lại bảo suy nghĩ làm suy đồi mọi vẻ đẹp của cuộc sống. Con người cần người hướng dẫn, giúp đỡ, cần được an ủi vỗ về, nhưng Krishnamurti lại từ chối mình làm nạng chống cho bất cứ ai, và không thừa nhận bất cứ ai làm nạng chống cho con người. Con người lo sợ, bất an nhưng hình như Krishnamurti chỉ làm người ta hoảng sợ hơn, vì đã lấy đi tất cả phương cách chạy trốn mà con người đã phát minh được. Con người lần khần, hẹn ngày mai sẽ thay đổi, nhưng Krishnamurti lại bảo sẽ không bao giờ có chuyện dần dà, sự thay đổi chỉ xảy ra ngay lập tức hoặc là không bao giờ. Con người chạy tìm tình yêu, thiền định, nhưng Krishnamurti lại bảo tất cả mọi hình thức thiền định hiện nay chỉ làm tâm trí con người đờ đẫn, trì trệ, và tình yêu theo kiểu hiện nay chỉ là sự dối gạt, chỉ là các thứ tương tự tình yêu nhưng không phải là tình yêu, vì con người hiện nay chỉ biết bảo toàn cho cái tôi của mình. Krishnamurti đã đẩy tư duy của con người đến mé bờ tuyệt vọng, nhưng ông cũng lấy luôn sự tuyệt vọng của con người, khi bảo rằng tuyệt vọng, kỳ vọng, hy vọng chỉ là vọng, không có cái nào là chân trong đó. Con người quẫn bách tìm đến lạc thú, sống buông thả, tìm đến sự hung bạo, và Krishnamurti lại nói sự hung bạo đã đầy dẫy trong đời thường, trong hành động hàng ngày, trong tâm trí con người, khỏi phải tìm đâu xa ; còn sống buông thả, tìm lạc thú chỉ là cách sống vớ vẩn. Và khi con người đã bị Krishnamurti tước sạch mọi thứ, chẳng được chừa lại thứ gì, con người lại bắt đầu hỏi “Vậy thì đường nào đến chân lý?”, thì Krishnamurti lại lạnh lùng trả lời “Chân lý không có đường vào ”, như ông đã từng nói từ những ngày đầu tiên bắt đầu du thuyết, “ Nó có ở đó cho ngài, hãy nhận lấy hoặc bỏ đi ”. Con người hỏi vậy phải làm gì, Krishnamurti lại nói chẳng cần làm gì cả ngoài việc nhận ra và hiểu biết, chính sự nhận ra đó đã là hành động tích cực rồi. “Chân lý không mang lại hy vọng, nó chỉ mang lại sự hiểu biết ”. Nhưng thật khó tưởng tượng được sống mà không cần hy vọng hay chỉ cần hiểu biết là đã đủ cho cuộc sống này.
Bài nói chuyện cuối cùng của Krishnamurti trên đời được ghi nhận tại Ấn Độ, vào đầu năm 1986, khoảng một tháng trước khi ông chết, khi ấy ông chín mươi mốt tuổi. Ông nói, “chúng ta phải bắt đầu từ cái chúng ta đang là bây giờ, không phải từ cái chúng ta đã là trong quá khứ hay cái chúng ta sẽ là trong tương lai. Cái chúng ta sẽ là ở tương lai là cái chúng ta đang là bây giờ (Krishnamurti, The Future is Now). Rõ ràng thời gian là một trọng tâm mà Krishnamurti lặp đi lặp lại trong hầu hết các buổi nói chuyện của mình, có lẽ chính vì thời gian là nỗi ám ảnh và là một định mệnh của con người .Con người trầm luân vì đã lỡ mang trong định mệnh của mình thành tố thời gian, và để vượt qua sự trầm luân ấy không còn cách nào khác hơn là phải vượt qua thời gian. Dĩ nhiên thời gian ở đây là thời gian tâm lý, là sự chuyển dịch của tâm trí qua lại điểm cân bằng là hiện tại.Đối với Krishnamurti quá khứ là cái đã chết rồi, nhưng không hề bị chôn vùi, ký ức về nó vẫn còn đâu đó trong tâm trí bây giờ, và đó chính là ngục tù của tâm trí. Con người không thay đổi được vì không muốn thay đổi, không muốn đánh mất cái nhà tù quá thơ mộng, quá yên ổn của quá khứ. Thoát ra khỏi nhà tù quá khứ, con người sẽ cảm thấy bơ vơ tận cùng, cảm thấy bản ngã mình bị đánh rơi, bị lạc mất, không biết phải làm gì với sự thể ở hiện tại. Con người cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không có quá khứ. Quá khứ ở đây không chỉ là những kỷ niệm êm đềm hay ê chề, mà là toàn bộ truyền thống, văn hóa, nếp sống, tư tưởng, tri thức đã có hàng ngàn năm. Dù có lý luận hay dở thế nào thì con người cũng không muốn hay không thể tách rời ra với quá khứ, và do đó phải lệ thuộc thời gian. Một con người không có quá khứ thì biết phải hành xử ra sao trong hiện tại ? Do vậy đa số vì sinh tồn sẽ quyết định con đường tuyển chọn, sẽ chọn ra quá khứ nào hay để giữ lại, quá khứ nào tồi tệ phải bỏ đi, và như thế, Krishnamurti nói, vẫn lệ thuộc thời gian. Ngay dù có lối sống bất chấp truyền thống, bất chấp quá khứ, thì đó vẫn là một lối sống khuôn theo một ý tưởng, và do vậy con người vẫn bị khuôn định trong thời gian. Vì mọi hành động của con người loay hoay trong cái rọ quá khứ,tức là trầm luân trong thời gian, con người trở nên ngộp thở và bắt đầu tư duy để tìm ra lối thoát, bắt đầu dự kiến đến các mô hình tương lai, trong đó có cả thiên đường, cực lạc, hay cái chết hư vô, nhưng vô ích, Krishnamurti nói, vì tư duy, tư tưởng là thời gian, và do vậy nỗ lực vượt thoát nỗi đau hiện tại để đi đến tương lai hạnh phúc vẫn là một ước mơ thuộc thời gian. Cho nên từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt, tâm trí con người ngụp lặn trong thời gian, dùng tư duy là thời gian để bứt phá cái định mệnh thời gian xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai thì cũng giống như lấy mực bôi mực, biết chừng nào mới hết bẩn. Krishnamurti nói rằng suy nghĩ không thể dừng được, vì bản chất của suy nghĩ là dịch chuyển, khi dừng lại thì suy nghĩ sẽ chết. Suy nghĩ chết thì con người sẽ chết, vì hoạt động của con người cần đến suy nghĩ. Nhưng có một cái có thể chấm dứt, đó là thời gian tâm lý. Con người không muốn bỏ những kho tàng mà họ trân trọng trong quá khứ, cũng không muốn bỏ những kỳ vọng, những ước mơ tươi đẹp về tương lai, con người không muốn tay trắng, chẳng có gì cả và chẳng là gì cả trong đời, và vì thế họ không chịu thay đổi. Con người đưa thân mình chống đỡ cả hai đầu quá khứ và tương lai, và họ cam chịu ở lại với hiện trạng mà theo Krishnamurti là đầy lòng tham lam, ganh tỵ, ghen tuông, mê tín, thích tôn thờ người khác, thích cai trị người khác, sợ hãi, thù hận, hung tàn, và dĩ nhiên xen kẽ có những lạc thú mong manh. Mọi vấn đề của con người có thể gói gọn trong hai chữ thời gian, là một khái niệm hết sức trừu tượng, co dãn, biến hóa, và đôi khi mơ hồ đến mức chẳng ai buồn để ý. Nỗ lực là thời gian. Mong cầu là thời gian. Thành tựu là thời gian. Rèn luyện là thời gian. Kiến thức, tri thức là thời gian. Hứa hẹn, hy vọng, mơ ước là thời gian. Thiên đường, cực lạc cũng là thời gian. Ý chí là thời gian. Lý tưởng là thời gian. Và hạnh phúc, chân lý, tình yêu cũng đã bị ném tận cuối con đường thời gian. Krishnamurti nói rằng con người muốn mình chuyển hóa thì thời gian phải chấm dứt và chấm dứt ngay lập tức, và phương cách để chấm dứt thời gian là thiền định, với điều kiện thiền định phải là một tâm thái không thuộc thời gian tức là không nỗ lực, không cố gắng, không tìm kiếm, không chọn lựa, không loại trừ. Điều này là dĩ nhiên vì nếu thiền định thuộc thời gian thì nó không thể chấm dứt cái sản sinh ra nó là thời gian. Nhưng nếu điều này là đúng thì việc chấm dứt thời gian tâm lý phải là trọng tâm trong mọi suy tưởng, quan sát, xem xét, vì đây là mấu chốt của mọi vấn đề, bất kể là vấn đề nào. Theo Krishnamurti, thiền định có thể phá vỡ cấu trúc kiên cố của thời gian, nhưng tất cả không chỉ có thế, thời gian chấm dứt chỉ mới là một tiền đề, nhưng đó là một tiền đề không phát sinh vấn đề.
NỖI BUỒN
Trước khi xem đến các ảnh hưởng của thời gian trên cuộc sống thường nhật, chúng ta hãy theo dõi xem Krishnamurti đã nói như thế nào về thời gian, và vì sao phải quan tâm đến ý niệm thời gian trước tất cả mọi ý niệm khác. Hẳn nhiên, thời gian, theo Krishnamurti, chính là nguyên nhân gây ra đau buồn trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Ông cho rằng nếu muốn giải thoát khỏi mọi khổ ải trầm luân của cuộc đời thì chẳng gì bằng mỗi người phải tự chiêm nghiệm bản chất của thời gian và tác động dàn trải của nó lên mọi mặt cuộc sống. Ngược lại, nếu người ta không thực sự cảm thấy rằng cuộc sống của mình đang bị vùi dập hoang tàn trong đau buồn thì chẳng có gì để nói thêm. Có người nói với Krishnamurti rằng họ không cảm thấy đau buồn gì theo cách diễn giải của ông đâu, ông đáp rằng vậy thì đâu có gì để nói thêm, nhưng nhắc nhở rằng sự đau buồn ở mọi người là như nhau, không có tính cách riêng lẻ. Đoạn trích dẫn sau đây dịch từ bài nói chuyện của Krishnamurti vào năm 1966 tại London, trong đó ông đặt vấn đề nỗi đau buồn của nhân loại như thế này:
“Thời gian là nỗi đau. Nỗi đau này chưa giải quyết được qua hàng thế kỷ tồn tại của con người. Chúng ta đã chạy trốn nó, chúng ta đã phát minh đủ loại lý thuyết, giáo điều, và các nhà thần học đã đưa ra các lý do hết sức tinh ranh để giải thích. Nhưng sự kiện vẫn là chúng ta chưa giải quyết được nó. Nỗi đau buồn chưa có kết thúc. Để hiểu được nó chúng ta phải tiếp cận nó một cách tinh khôi, đừng nói rằng không thể giải quyết nó, không thể chấm dứt nó, đừng nói, “Hãy chỉ tôi cách chấm dứt nó. Phải dùng phương pháp nào, hệ thống nào? Tôi nên làm gì? Không nên làm gì?” Chúng ta đã chơi trò này hàng bao thế kỷ rồi. Chúng ta đã đi đến các nhà tu hành, đến các thần thánh, đến rượu chè, tìm tình dục, tìm mọi phương cách chạy trốn. Chúng ta đã phát triển một mạng lưới chạy trốn hết sức xảo quyệt và chúng ta vẫn không vượt qua được nó. Cần phải có một tâm hồn tươi tắn, một trí tuệ mới để nhìn vấn đề này. Để nhìn nó, phải tự do khỏi các ý thức, ý niệm, cái nên là, không nên là. Chúng ta phải nhìn đúng sự kiện chứ không phải nhìn theo thiên kiến riêng về cách thức sự kiện phải là. Nếu chúng ta mong muốn sự kiện khác đi thì chúng ta chỉ chạy trốn khỏi sự kiện.”
Như vậy khởi đầu Krishnamurti đề nghị chúng ta nên có một thái độ tiếp cận vấn đề đúng đắn, thay vì chỉ quan tâm đến câu hỏi phải làm sao. Nhiều người cho rằng ông tránh né câu trả lời hay lời khẳng định trực tiếp, nhưng rất nhiều lần ông giải thích rằng các câu trả lời sẵn thì đã có quá nhiều, đưa thêm một câu trả lời nữa vào kho tàng ký ức thì cũng chẳng thay đổi được gì, trong khi nếu nhận ra được tầm quan trọng của việc ngắm nhìn sự vật thì đã tự trả lời gần hết vấn đề.
“Chúng ta phải có cái nhìn tươi tắn, một tâm trí tươi tắn để xem xét. Chúng ta biết nỗi đau buồn là gì rồi. Mọi người đều kinh nghiệm nó theo những cách khác nhau. Có nỗi đau buồn do thất vọng, nỗi đau buồn do được yêu hay không được yêu, nỗi đau buồn do không thành đạt, nỗi đau buồn do cô độc, trống vắng, buồn vì có một cuộc đời hoang phí và vô dụng, một cuộc đời hoàn toàn chán chường, một cuộc sống máy móc do mỗi ngày phải đi làm trong suốt bốn mươi năm cuộc đời, và để rồi cuối cùng nằm chết. Có nỗi đau buồn do thiểu năng, không thể nhìn hay suy nghĩ sáng suốt. Có sự tuyệt vọng, sự lo lắng do không ngừng tìm kiếm, chẳng bao giờ biết đến điều chân thực hay nguyên sơ, điều không do tư tưởng sắp xếp, và còn có nỗi đau buồn do cái chết cùng với cảm thức hoàn toàn cô độc. Chúng ta biết nhiều hình thức khác nhau của đau buồn, có khi mạnh mẽ hay cạn cợt, ý thức hay vô thức. Trên bề mặt chúng ta làm như máy, cố gắng quên đi, chạy trốn thật xa, nhưng về mặt vô thức nỗi đau buồn vẫn còn đó, gặm nhấm, phủ mờ, khiến tâm hồn đờ đẫn, nặng nề. Chúng ta đã biết thế. Và dĩ nhiên luôn luôn có tuổi già, bệnh tật và vân vân. Tôi không cần phải nói tiếp, tất cả chúng ta đều biết tường tận từ ngữ “đau buồn” có nghĩa là gì.
Có thể nào chấm dứt nó, không phải trong tương lai xa, không phải theo một vài niềm tin phương Đông, qua những cuộc cách mạng liên tục và bất tận, hay sự tri nhận tối thượng, một sự khổ nhọc không ngừng để cuối cùng đạt được tự do thoát khỏi nỗi buồn đau? Theo kiểu đó chỉ là một hình thức chạy trốn khác, và xã hội càng tiến bộ chừng nào thì nó càng trở nên hời hợt, chạy theo niềm vui và lạc thú để chôn vùi đau buồn tận bên trong. Nhưng nó vẫn cứ ở đó.”
Nỗi đau buồn vẫn cứ ở đó, gặm nhấm tâm can con người từ bao thế kỷ qua cho dù họ có nỗ lực giải thích đủ kiểu, tìm biết bao phương cách giải quyết mà cứ mỗi phương cách họ sẵn sàng hung bạo như thú dữ, bất chấp mọi thứ để thực hiện nó, nhưng nỗi buồn đau vẫn còn hiện diện ngay trong mỗi người. Krishnamurti cho rằng đó là sự thất bại không thể chối cãi của con người từ hàng ngàn năm qua khi ngẫm lại thấy rằng nỗi buồn đau vẫn còn đó. Nếu cho rằng buồn đau là một định mệnh không thể tránh của con người, hay cuộc sống bây giờ vui nhiều buồn ít thì cũng không cần phải nói gì thêm, vì như Krishnamurti nói, đây không phải là vấn đề tranh luận mà là một sự kiện, hoặc là người ta thấy được, hoặc là không thấy. Sự đau buồn của con người đã được lý giải bằng vô vàn nguyên do, nhưng theo Krishnamurti, chỉ có một lý giải đúng đắn, đó là thời gian, “Thời gian giống như một dòng sông đang chảy, và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm”.
“Nếu người ta có chút nghiêm túc thì họ sẽ dốc lòng giải quyết vấn đế này, không chỉ xem xét đầu môi, nhưng theo đuổi đến cùng với tâm trí mãnh liệt, mạnh mẽ, để tìm ra xem có thể nào chấm dứt sự đau buồn đã tạo ra mọi hỗn loạn như đang có trên thế giới. Để hiểu được vấn đề này, để tự hỏi xem có thể nào chấm dứt đau buồn, người ta phải xem xét vấn đề thời gian, không chỉ là thời gian theo đồng hồ, theo ngày tháng, hôm qua, hôm nay và ngày mai, nhưng còn có loại thời gian tâm lý, thời gian mà con người đã xây dựng bên trong chính mình để rồi bị giam cầm trong đó… Thời gian giống như một dòng sông lửng lờ trôi bất tận, nhưng con người đã bẻ gẫy nó làm ba phần: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ thì quá nặng nề và tương lai thì chưa biết. Để gán một ý nghĩa cho cái cuộc đời vô nghĩa, vô mục đích, xấu xa này, con người bảo, “Mình hãy sống cho hiện tại”. Họ sáng chế ra triết lý hiện sinh các thứ. Nhưng để sống cho hiện tại con người phải hiểu được quá khứ và tương lai. Nó là một chuyển dịch; người ta không thể chiếm lấy dòng sông rồi nói, “Tôi sống đúng ngay đó”. Thời gian giống như một dòng sông đang chảy, và trong dòng thời gian này con người bị giam cầm. Nếu không chấm dứt được thời gian thì sẽ không chấm dứt được nỗi đau buồn.
Hiển nhiên chúng ta là kết quả của quá khứ, chúng ta bị khuôn định bởi thời gian, bởi xã hội, bởi nền văn hóa chúng ta đang sống. Chúng ta bị giam cầm trong đó, và trí não của chúng ta cùng với các phản ứng được giáo dục để hoạt động trơn tru trong dòng thời gian, để chấp nhận nó và thích ứng với nó. Chúng ta luôn luôn nghĩ về quá khứ, từ quá khứ nhìn vào hiện tại và từ hiện tại tạo ra tương lai. Cái “bây giờ” là kết quả của ngày qua, và ngày mai, nếu như có ngày mai, là kết quả của hôm nay. Về mặt trí thức, chúng ta đều biết các thứ này, và chúng ta vẫn chưa thể tìm được một giải pháp. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy này, cũng như chúng ta bị giam cầm trong dòng sợ hãi, trong dòng buồn đau. Chúng ta bị giam cầm trong dòng chảy thời gian – tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là. Tôi đã hung bạo ngày hôm qua và tôi sẽ không hung bạo vào ngày mai. Chúng ta luôn luôn hành xử trong thời gian. Nếu quan sát chính tâm trí của mình, chúng ta sẽ khám phá ra điều này, khám phá ra nó chứ không phải chấp nhận nó. Có sự khác biệt giữa khám phá và chấp nhận. Khi chúng ta tự khám phá điều gì thì nó sẽ có giá trị, và sẽ có một sức mạnh trong sự khám phá đó. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần chấp nhận thì tất cả mọi thứ thiết yếu như là sức mạnh, sự sinh động, sự quán xét, sức sống, tất cả các thứ này bị hủy diệt. Hầu hết chúng ta chỉ biết nói “có” chứ không biết nói “không”. Chúng ta chấp nhận, chúng ta tuân phục truyền thống hay những gì có sẵn. Vì chúng ta bị giam cầm nên để giải quyết vấn đề đau buồn chúng ta phải nhìn thời gian theo chiều hướng khác, nhìn thấy thời gian tạo ra tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của thời gian. Các tế bào não là kết quả của hàng ngàn năm trau chuốt và rút kinh nghiệm. Trí não người vẫn giống như trí não động vật, với các cải tiến nhất định. Chúng ta chấp nhận chiến tranh, sự hung bạo, sự dã man như là một cách sống. Sau khi chấp nhận rồi, chúng ta để nó qua một bên và tìm thứ khác. Chúng ta không muốn thay đổi căn cơ, bởi vì điều đó đòi hỏi năng lực, biết khảo sát, sáng suốt. Chúng ta muốn cuộc sống mình tiếp tục như đã biết, nhưng đồng thời muốn tìm điều gì đó khác hơn sự kiện thực tế, và chạy trốn khỏi hiện thể.”
Không cần phải tinh tế lắm cũng nhận ra nỗi đau buồn hiện diện khắp nơi, ở bất cứ ai, dù họ có cố gắng lảng tránh nó bằng cách nào; nhưng liệu con người có thực sự nghiêm túc muốn thoát ra khỏi đau buồn hay không? Hay họ tìm nhiều phương cách giải khuây hiện đại để đẩy lùi nỗi đau này xuống tận vùng sâu kín nhất của tâm thức nhờ đó có thể tạm thời quên lãng nó đi; hay họ chấp nhận sống chung với buồn đau như là một định mệnh và cố bám giữ những gì họ đang có với một ảo vọng rằng mọi thứ sẽ bất tử, thường hằng? Krishnamurti cho rằng nếu nhận ra được nỗi buồn đau trong cuộc sống và thực tâm muốn thoát khỏi nó thì phải xét đến yếu tố thời gian trên bình diện tâm lý, vì đó chính là nguồn gốc gây đau khổ.
Một trong những đặc điểm nhận thức của Krishnamurti là ông xem nguyên nhân và kết quả là hai yếu tố như nhau, chẳng hạn khi vừa nói tư tưởng là kết quả của thời gian, ông nói tiếp tư tưởng là thời gian, và kết luận thời gian là tư tưởng. Cách nói như vậy hơi khác với logic thông thường, nhưng nó biểu thị một cách nhìn sự việc: Biết được nguyên nhân chưa chắc loại trừ được hậu quả, phải cảm nhận trực tiếp cả nguyên nhân lẫn hậu quả trong lòng mình, không phân biệt hai yếu tố này là hai thành phần tách biệt, và từ đó vượt qua cả nguyên nhân lẫn kết quả, vì cả hai đều gây phương hại cho tâm trí.
“Mỗi một người đều bị giam cầm trong thời gian. Tôi không nói về thời gian theo đồng hồ, thời gian theo niên đại, là ý niệm cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhưng nói về thời gian trên một bình diện khác hẳn, thời gian như là sự chuyển dịch của quá khứ vô tận di chuyển ngang qua hiện tại để đến tương lai nào đó. Bao lâu tôi còn bị giam cầm trong đó thì sẽ không chấm dứt được buồn đau.
Tôi thầm nói, “Ngày mai mình sẽ vui, sẽ thoát khỏi mọi khốn khổ hiện tại, khỏi những rối loạn nội tâm sâu kín. Mình sẽ dần dần vượt qua nó, quên nó, hợp lý hóa nó, trốn thoát khỏi nó hay nghĩ ra được niềm hy vọng nào đó ở tương lai”. Nhưng để chấm dứt đau khổ tôi phải hiểu được thời gian. Thời gian phải chấm dứt bởi vì thời gian đã tạo ra buồn đau. Tư tưởng là thời gian, tư tưởng, suy nghĩ đã nói rằng, “Tôi cô độc, tôi không có khả năng hành động thích hợp, tôi không được yêu mến, tôi chưa hoàn thành được tham vọng và tiềm năng của mình. Tôi phải có thời gian để làm điều này, thời gian để thành đạt, để trở thành, để thay đổi”. Vì thế suy nghĩ hay tư tưởng là kết quả của thời gian, chính là thời gian, lại đi tìm kiếm điều gì đó giúp nó giải quyết được buồn đau. Nếu tôi nhìn lại mình, tôi sẽ thấy rằng đó chính là điều tôi làm bất cứ khi nào có nỗi buồn đau phát sinh. Tư tưởng ngay lập tức vào cuộc.
Nói cho cùng đau buồn là một thách đố, một thách đố bị đáp ứng bất xứng, và do đó ngoài nỗi buồn ra còn có cảm giác rối loạn, lo lắng, sợ hãi. Tôi bị mất việc. Tôi thấy người khác nổi tiếng, giàu có, dư dật. Tôi chẳng có gì cả trong khi người khác lại có mọi thứ - sắc đẹp, lịch thiệp, thông minh. Chính suy nghĩ tiến hành so sánh, điều chỉnh, chấp nhận hay phủ nhận, đã nuôi dưỡng điều này.
Tư tưởng không thể giải quyết vấn đề buồn đau. Xin đừng chấp nhận hay phủ nhận những gì đang nói. Chúng ta phải nhìn thấy sự thực này và khi nhìn thấy sự thực này rất tỏ tường thì sẽ không có chuyện chấp nhận hay phủ nhận. Nó là thế. Vấn đề không phải là làm sao để chấm dứt suy nghĩ, hay suy nghĩ phải hoạt động trong tình huống nào cho hợp lẽ. Khi chúng ta hiểu rất tỏ tường, toàn bộ chuyển dịch của suy nghĩ, cách nó hành xử, nó ẩn chứa điều gì, hiểu được cỗ máy suy nghĩ, nguồn gốc của suy nghĩ và tư tưởng, chúng ta bắt đầu hỏi rằng liệu thời gian trong hình thái tư tưởng có thể đi đến kết thúc không. Nếu không, sẽ chẳng chấm dứt được buồn đau. Chúng ta sẽ tiếp tục sống thêm hai triệu năm hay hơn nữa để chấp nhận, để chạy trốn, để sống một cuộc sống hỗn loạn, bất an, bất định.
Liệu thời gian có chấm dứt được không? Trước tiên chúng ta phải nhìn thấy tâm trí, trí não, toàn bộ cách thức suy nghĩ, đều hành xử trong thời gian và chính là thời gian. Chúng ta phải nhận ra rằng thời gian là một chuyển dịch, là một dòng chảy mà chúng ta đã phân chia thành ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai. Chúng ta phải thấy chuyển dịch này trong tổng thể và phải chú tâm toàn triệt vào nó.”
Ngay tại đây Krishnamurti cho rằng có sự liên đới giữa thời gian, nỗi đau, tư tưởng. Ông lý giải rằng muốn chấm dứt nỗi buồn đau thì phải chấm dứt sự bẻ gẫy dòng chảy thời gian trong tâm trí, chấm dứt luôn cả thời gian xét trên bình diện tâm lý, nhưng tư tưởng không thể can thiệp vào diễn biến này vì tư tưởng cũng phát sinh từ thời gian, nó không thể chấm dứt cái nguồn gốc đã phát sinh ra nó. Cần nói thêm ở đây là Krishnamurti xem tư tưởng hay suy nghĩ đều như nhau, tư tưởng không hề mang ý nghĩa là sự tổng hợp tinh hoa trí tuệ hay đúc kết từ những tư duy sâu sắc như vẫn thường được hiểu. Điều mà ông gọi tư tưởng hay suy nghĩ chỉ là những diễn biến thường xuyên chuyển dịch trong tâm trí con người. Hơn nữa, những tư tưởng tinh hoa mà nhân loại trân trọng trong suốt lịch sử của mình, từ mấy ngàn năm trước cho đến thời hiện đại đối với Krishnamurti chẳng có ý nghĩa gì lớn lao, thậm chí ông cho rằng chúng còn làm trở ngại nhận thức chân thực của con người. Có thể nhiều người không đồng tình như vậy, nhưng đó đúng là điều Krishnamurti nói.
Từ khái niệm thời gian, phải chấm dứt thời gian, Krishnamurti đưa ra khái niệm phi thời. Cũng cần lưu ý ở đây suy tưởng của Krishnamurti ẩn tàng nhiều quan điểm của thuyết tiến hóa giống như cơ thể phát triển theo chiều hướng thuận lợi qua thời gian tiến hóa, nhưng các quan điểm tiến hóa ấy ông cho rằng chỉ quan trọng về mặt sinh học, thể chất, trong khi về mặt tâm trí chỉ có tính cách thoái hóa.
“Chúng ta có thể quan sát về mặt lý thuyết tiên khởi tâm trí đã hình thành như thế nào. Hiển nhiên nó hình thành qua cảm giác, qua sự đói khát, qua giác quan nếm, ngửi, sờ. Chúng ta đã phát triển cánh tay để vói chụp nhưng đó không phải là vấn đề. Chúng ta có thể tìm tòi, chúng ta có thể giả định, chúng ta có thể xem xét, nhưng sự kiện là chúng ta đang như thế này đây. Truy tìm nguồn gốc của mọi vật là tiếp cận nó theo khoa học hay các nhà sinh học đang truy tìm nguồn gốc của sự sống. Chúng ta phải xem xét mình đang thực sự như thế nào đây. Khi xem xét, vấn đề dấy lên là liệu có một sự bắt đầu hay chấm dứt không, Không phải là sự bắt đầu như thế nào.
Chúng ta bắt đầu với vấn đề thời gian và phi thời. Nếu chúng ta truy xét vấn đề thời gian, chúng ta cũng phải xem xét vấn đề hiện hữu, tức là cuộc sống, là ảnh hưởng, là kết quả, là chúng ta đang như thế nào. Và để khám phá ra chúng ta là gì, chúng ta phải xem mình như đang hiện hữu, và hãy khách quan trong khi xem xét mình là gì, đừng giả bộ rằng chúng ta là gì đó trong buổi ban đầu của mọi vật. Nếu chúng ta có thể hiểu được những gì đang trong hiện tại, chúng ta sẽ thấy được sự khởi đầu và chấm dứt của một sự thể. Không có sự khởi đầu và không có sự chấm dứt, và chúng ta không thể nào hiểu được ý nghĩa phi thường của sự phi thời, trừ phi chúng ta hiểu được cái tâm trí đang trong hiện tại. Làm sao chúng ta tìm ra cái tiên khởi? Chúng ta không phải là nhà sinh học, nhà nghiên cứu; chúng ta không phải là chuyên gia để nghiên cứu toàn bộ vấn đề cuộc sống hình thành như thế nào. Các chuyên gia đã thử nghiệm, đã tạo ra sự sống trong ống nghiệm. Nhưng có quan trọng gì đâu nếu chúng ta không tìm ra nguồn gốc của mọi vật?
Chúng ta hay xem tâm trí, tâm trí của chúng ta, cùa ngài và của tôi. Cái tâm trí hiện nay của con người là kết quả của hoàn cảnh. Có thể thấy điều này rõ ràng nếu chúng ta quan sát chính mình trong quan hệ với xã hội, với người hàng xóm, với đất nước mình. Chúng ta phản đối khi có người bảo rằng chúng ta là kết quả của hoàn cảnh, bởi vì chúng ta nghĩ rằng mình là một thực thể tâm linh phi thường, cứ như là hoàn cảnh chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ hiện hữu của con người. Vì thế điều quan trọng là phải hiểu xem liệu tâm trí có thể tự giải thoát được khỏi mọi ảnh hưởng. Liệu có thể như thế không? Bởi vì chỉ khi tâm trí tự giải thoát khỏi mọi ảnh hưởng nó mới có thể tìm ra được phi thời là gì. Để hiểu được thời gian là gì – chứ không phải dẹp nó qua một bên, không tạo một lý thuyết, không đắm chìm vào những giả định hay mong muốn – chúng ta phải thực sự xem xét tâm trí của chính mình, và không thể xem xét được nếu không nhận ra tác động dị thường của các ảnh hưởng…”
Có thể thấy ngay Krishnamurti không xem con người là trung tâm của vũ trụ, không phải là một sáng tạo đặc biệt của tạo hóa hay một thực thể tâm linh phi thường. Vì vậy lòng kiêu ngạo của con người đã bị Krishnamurti phủ nhận hoàn toàn khi ông bảo rằng họ chẳng có gì đặc biệt ngoài một mớ ký ức có vấn đề. Ông quan tâm đến hiện trạng hiện thể của con người hơn là bận tâm đến các vấn đề siêu hình.
Điều này cho thấy suy tưởng của Krishnamurti gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với những khám phá gần đây của khoa học về vũ trụ và con người, và có lẽ vì thế mà Krishnamurti được xem là người đã bắt được nhịp cầu nối giữa tôn giáo và khoa học.
“Hiển nhiên khi lắng nghe tôi là các ngài đang bị ảnh hưởng, đúng không? Khi chúng ta nghe tiếng chuông của chiếc xe tải đang thu nhặt rác bên đường, chúng ta cũng bị âm thanh đó ảnh hưởng; mọi thứ đều gây ra ảnh hưởng. Có thể nào tâm trí nhận ra được những ảnh hưởng này, quan sát mọi ảnh hưởng đang khuôn ép tâm trí và tự giải thoát nó, hay nhận ra nó rồi vượt qua nó? Khi tôi đang nói với các ngài ngay bây giờ thì có tác động của ảnh hưởng trong hiện tại, và hẳn nhiên đáp ứng của các ngài trước những điều đang nói là một mớ ký ức của hàng ngàn ngày hôm qua. Hàng ngàn ngày hôm qua là kết quả của hàng ngàn ngày trước đó cùng với các ảnh hưởng, các đáp ứng, các thách thức của chúng, cùng với sự khuôn định của chúng – và đó chính là ký ức, là thời gian. Có phải như thế không? Thưa các ngài, các ngài có từng chú ý trong nội tâm mình rằng ngày mới vừa qua không mấy quan trọng, ký ức về ngày hôm qua phai nhạt nhanh chóng, nhưng những ký ức hàng chục năm trước lại sống động mê dại dị thường? Tôi không biết các ngài có để ý không, những gì chúng ta làm hàng mười năm trước, những gì chúng ta cảm thấy hàng mười năm trước, hay những cảm giác khi chúng ta còn là một đứa bé chạy nhảy đó đây, thình lình phát hiện được ánh sáng loang loáng trên những ngọn cây, ký ức về những cuộc bơi lội, sự tự do, không trách nhiệm, sự tràn trề của cuộc sống khi không có xung đột, khi có một cảm giác vui sướng toàn triệt – chúng ta nhớ mọi thứ đó, mọi thứ sinh động dị thường, còn nhiều hơn cả ký ức mới hôm qua đây. Điều đó gây ảnh hưởng lên chúng ta, khuôn ép suy nghĩ chúng ta.
Chúng ta nên hiểu thời gian như là ảnh hưởng của hàng ngàn ngày hôm qua. Chúng ta nên bắt đầu xem xét thời gian trong ý nghĩa nó là ký ức, là ngày hôm qua, thời gian như hôm nay, thời gian như ngày mai – thời gian như ngày hôm qua đi xuyên qua ngõ hôm nay, bị khuôn ép, định hình, uốn nắn trong đó rồi chuyển đến ngày mai. Vì thế không chỉ có thời gian theo đồng hồ, thời gian niên đại, nhưng còn có thời gian thuộc ký ức, co dãn tới lui, ký ức này thuộc vô thức, ẩn giấu sâu xa bên dưới nơi thầm kín bao la của tâm trí… Trước khi tôi đi vào sự phi thời, nếu như có trạng thái đó, đầu tiên tôi phải biết thời gian là gì – không phải theo ý nghĩa của Einstein, theo kinh Gita, hay theo một vị giáo sư đương thời, hay theo người giải thích kinh Gita. Tôi muốn biết tâm trí là kết quả của thời gian như thế nào, và tôi muốn hiểu được thời gian.
Nếu chúng ta muốn hiểu điều gì đó chúng ta phải tiếp cận nó một cách đơn giản. Nếu muốn hiểu một cỗ máy rất phức tạp nào đó, chúng ta phải bắt đầu tháo dỡ từng phần một, hết cái này đến cái kia; chúng ta không thể nhảy xổ vào nó, trừ phi chúng ta rất thông minh. Nhưng hầu hết chúng ta không có trí tuệ sắc sảo, sáng suốt, khoa học, không bị thành kiến, không định kiến, hay bị công thức hóa. Vì thế chúng ta phải xem xét thời gian. Có thời gian đi làm, thời biểu tàu lửa, thời giờ đồng hồ, và đó là một loại thời gian. Rồi còn có lãnh vực rộng lớn hơn của thời gian, tức là kinh nghiệm, ký ức, tư tưởng, tâm trí, khát vọng, trở thành, phủ nhận, thành đạt, là cái tâm trí bảo rằng tôi phải trở thành gì đấy – tất cả những thứ đó là thời gian mà chúng ta đang bàn đến. Chúng ta đang ngắm nhìn nó, quan sát nó; chúng ta không phủ nhận nó, chúng ta không chấp nhận nó; nhưng chúng ta nhìn nó như nó đang hiện hữu.
Tâm trí của chúng ta là như thế, không cần biết lúc khởi đầu nó thế nào và lúc chấm dứt nó thế nào. Tôi không biết nó như thế nào lúc khởi đầu và như thế nào lúc chấm dứt, nhưng tôi lấy một lát cắt khỏi cái thời gian rộng lớn này, một khoảng hở, và ngắm nhìn nó, nó chính là bản thân tôi. Nếu các ngài không muốn nhìn lại chính mình thì lại là chuyện khác. Tôi không biết cách các ngài xem xét như thế nào – xem xét trong ý nghĩa rằng các ngài trực tiếp cảm nghiệm, trực tiếp quan sát, trực tiếp cảm nhận cách ngài thụ nhận sự vật theo đúng như con người mình, không giả vờ mình thế này thế kia theo truyền thống hay hành động theo truyền thống, không có hy vọng rằng mình sẽ như thế nào, vì như thế cũng vẫn còn nằm trong vòng thời gian.”
GÓP Ý:
Không dựa vào kinh sách, không trải qua quá trình tu học với bất kỳ một vị đạo sư nào, bằng sự chứng nghiệm tự thân, Krishnamurti đã thấy ra được điều mà cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ, Đức Phật, bậc Vô sư, đã chứng nghiệm, đó là Bốn sự thật vi diệu hay còn gọi là Tứ Diệu Đế.
Sử dụng những từ ngữ rất đơn giản, thông dụng, nhưng lại mang ý nghĩa cực kỳ sâu thẳm, Krishnamurti đã nêu ra nỗi đau buồn của toàn thể nhân loại luôn có đó (Khổ đế) dù con người - vô tình hay cố ý, luôn lẩn tránh nỗi buồn đau. Theo ông, chỉ có một nguyên nhân chủ yếu, duy nhất gây tạo ra nỗi sầu khổ của con người là thời gian tâm lý (Tập đế).
Qua sự thấu hiểu những gì đang xảy ra trong việc quan sát, nhìn ngắm, lắng nghe của Tuệ giác (Đạo đế), toàn bộ nỗi buồn đau mới chấm dứt và ngay tại đây con người mới tiếp cận Chân lý, cái vô ngôn, vô danh, phi thời (Diệt đế).
Có thể nói rằng, Krishnamurti đã mở ra một hướng đi mới cho con người ở thời đại hiện nay mà đa phần đã bị qui định nặng nề bởi truyền thống, tín ngưỡng, kiến thức, kinh nghiệm… nên không thể thoát ra khỏi mạng lưới của thời gian. Để chấm dứt nỗi buồn đau, không phải là chấm dứt “cái tôi” theo như cái hiểu thông thường (cũng lại là thời gian) mà là chấm dứt sản phẩm tạo ra “cái tôi” là thời gian. Khi thời gian chấm dứt, con người mới có thể đi vào một chiều kích khác, một cuộc sống đích thực với Trí tuệ, Tình yêu và lòng trắc ẩn.