Còn nương tựa... còn thêm nan giải...

Kính thưa Thầy!
Câu hỏi ngày 14.04.2013 "Kính thưa Thầy! Thầy giúp con giải thích, phân biệt cái thích nào là có Ta hay không Ta, cái nào nên thích hay không nên thích, bởi con thấy hễ có khởi lên ý thích tức là có tâm tham rồi. Bởi vì hôm rày con sửa nhà để có nơi làm việc và chỗ ở tách biệt nhau, con muốn có chỗ này phải có cái này đẹp, chỗ kia phải như thế kia cho lịch sự v.v... Lại có người có ý cho rằng học pháp tu rồi mà còn tham vậy, con thấy cũng đúng mà cũng không, vì mình chỉ thích cái chân, thiện, mỹ thôi, lại cũng là tham! Xin Thầy hoan hỷ, giúp con thêm hiểu biêt, suy nghi và làm thế nào cho đúng!"
Thầy đã trả lời rằng:
Sao con lại trông cậy vào cách giải thích của thầy mà không tự
mình khám phá sự thật? Mọi giải thích đều vô nghĩa. Đức Phật chỉ khai thị chứ không giải thích. Khai thị là chỉ ra để mỗi người tự khám phá, phát hiện hay thấy ra sự thật. Còn giải thích chỉ làm cho người ta thỏa mãn lý trí mà thôi. Cứ trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình đi rồi con sẽ thấy ra tất cả.”

Con cảm ơn Thầy rất nhiều! Con đã được Thầy khai thị rồi, nhưng thật ra buông lung thất niệm rất dễ xảy ra với con, không phải lúc nào con cũng tinh tấn trọn vẹn trong sáng, quay về chính mình. Con đã học ra bài học buông lung, thất niệm. Con sẽ cố gắng tinh tấn hơn.
Thầy kính! Thầy cho phép con được trông cậy vào Thầy những lúc con thất niệm hay khi có vần đề cuộc sống làm tâm con lăng xăng náo loạn, để giúp con lấy lại sự định tĩnh, trong lành, sáng suốt! Bởi con sợ khi tâm mình đã mê mờ rồi thì tự mình không thể nhận ra, nếu không có Thấy nhắc nhở. Con mong Thầy luôn khỏe mạnh để giúp đỡ tinh thần chúng con!


Trả lời: Thì chính thầy nói vậy để sách tấn con đó. Hãy sống thật nhiệt tình để học ra bài học nơi chính mình và đời sống. Cuộc đời là bài toán khó nhưng chăm chỉ giải bài ấy lại là niềm vui bất tận. Sợ khó hay ỷ lại vào bất kỳ ai đều chỉ thấy nan giải thêm, đồng thời đánh mất sự hứng thú ẩn tàng đàng sau sự khám phá chiêm ngoạn trong hành trình giác ngộ mà thôi. Chúc con thật trầm tĩnh và sáng suốt.

Hỏi Đáp: Trung Tâm Hộ Tông

                                                 
                             
Có một vị thiền sư nói rằng, trong đạo Phật sự tu tập không phải là một sự rèn luyện để ta được trở thành một cái gì đó, cho dù đó là tốt đẹp hơn, mà tu tập là một sự buông bỏ để ta không trở thành một cái gì hết. Vì hể còn trở thành một cái gì là nó vẫn còn cần có sự nương tựa, mà ‎"Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau." (Kinh Phật Tự Thuyết - Udàna).
Chúng ta không có hạnh phúc, có lẽ là vì ta chưa thật sự nhìn thấy rõ được chính mình, bạn có nghĩ vậy không? Ta không thật sự thấy được những gì mình còn mong cầu, những gì mình vẫn còn đang nương tựa. Vị đạo sĩ ấy đã chỉ cho ông phú hộ thấy rõ rằng, ông không thể nào có được hạnh phúc nếu như ông vẫn chưa thật sự thấy được những gì mình vẫn còn đang bị dính mắc. Mà tôi nghĩ, vấn đề khổ đau phần lớn là do cái không-thấy-được ấy của mình. Vì một cái thấy sáng tỏ, chánh kiến, là bước đầu cần thiết trên con đường hạnh phúc.
Có lẽ ta không nhìn thấy được là vì mình vẫn chưa thành thật với chính mình, đôi khi cái nguyên nhân khổ đau cũng rõ rệt và hiển nhiên, nhưng chúng ta thì cứ mãi lo tìm kiếm ở một nơi xa xôi nào khác. Như câu truyện người mất chìa khóa. Có lần một người hàng xóm đi ngang thấy ông Nasrudin đang bò dưới đất ngoài đường. Anh dừng lại hỏi, "Ông đang tìm gì thế?" Ông trả lời, "Tìm cái chìa khóa của tôi." Và cả hai người cùng bò xuống đất đi tìm. Tìm một hồi lâu không thấy, người hàng xóm hỏi, "Ông làm rơi chìa khóa ở nơi đâu vậy?" Nasruddin trả lời, "Tôi đánh mất chìa khóa trong nhà." Người bạn thắc mắc, "Vậy chứ tại sao ông lại ra tìm chìa khóa ở đây?" Ông trả lời, "Bởi vì ở ngoài đây có nhiều ánh sáng hơn. Trong nhà tôi tối quá!"
Con đường tu học là một con đường hạnh phúc. Và trong đạo Phật thì hạnh phúc ấy chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ và bớt dính mắc hơn. Nhưng nếu như ta chưa thấy rõ và thành thật với chính mình thì làm sao ta có thể buông bỏ được phải không bạn?
***
Bạn biết không, một trong những đặc tính của giáo pháp đức Phật là ehipasiko, cũng có nghĩa là trở về để thấy. Tôi nghĩ, ngồi lại cho yên, bước những bước thảnh thơi cũng là một cách quay trở về, nó giúp cho cái thấy của mình được chút sáng tỏ hơn, và hạnh phúc của ta cũng bớt chút gì dao động hơn. Ðặt nhẹ dùi vào chuông, tôi nguyện tiếng chuông này thỉnh lên sáng nay sẽ làm những bình minh trong cuộc đời thêm ấm áp.

Nguyễn Duy Nhiên
Trích :" CÒN NƯƠNG TỰA THÌ CÒN DAO ĐỘNG "
Nguồn: 
http://duynhien.multiply.com/