Ai xuất gia...?


Đời sống đúng là môi trường tốt để giác ngộ, nhưng không nhất thiết đời sống của mọi người phải giống nhau vì còn tuỳ duyên nghiệp và căn cơ trình độ của mỗi người, vì vậy bài học của mỗi người tất nhiên phải khác nhau. Ai rồi cũng sẽ học bài học chưa học ra cho sự giác ngộ, cho nên đến một lúc nào đó bài học xuất gia cũng sẽ đến với con, và lúc bấy giờ con sẽ thông cảm với tất cả mọi người đang học bài học của họ. 



1. Có phước đức mới được làm bà con với bậc thiện trí thức. 

Câu hỏi: Con kính bạch Sư! Con nghe mọi người nói khi trong dòng họ có được một người con đi xuất gia, trở thành một người tu sĩ chân chính thì cả dòng họ đó được rất nhiều phước đức. Tại sao lại như vậy thưa Sư? Có đúng không thưa Sư? Sư ơi, con rất muốn xuất gia!
Trả lời:
Vì dòng họ đó đã có duyên với người tu hành chân chính. Tất nhiên họ có phước đức mới được làm bà con với bậc thiện trí thức. Nhờ ảnh hưởng của vị này mà dòng họ biết tu hành, biết làm lợi mình lợi người nên càng có phước hơn. Tuy nhiên không phải người này tu cho người kia hưởng phước. Người trong dòng họ làm tội thì vẫn bị quả khổ như thường. 

2. T
uỳ duyên nghiệp và căn cơ trình độ của mỗi người... Ai rồi cũng sẽ học bài học chưa học ra cho sự giác ngộ, cho nên đến một lúc nào đó bài học xuất gia cũng sẽ đến với con...

Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, được nghe qua những bài thuyết giảng của Thầy thì con nhận ra rằng giác ngộ là sự nhận ra bản chất của đời sống đổi thay hàng ngày và đón nhận bản chất bất toàn của nó để buông bỏ mọi đối kháng và sống trong vô ngại. Sự phiền não chính là môi trường cho giác ngộ giải thoát. Như vậy một khi từ bỏ đời sống gia đình và xã hội ràng buộc để trở thành một nhà tu để sống khép kín trong cổng chùa có phải đã xa rời thực tại khổ đau và với ý muốn thoát khổ để đi tìm một chân trời lý tưởng nào khác?
Kính xin Thầy chỉ dạy.
Trả lời:
Đời sống đúng là môi trường tốt để giác ngộ, nhưng không nhất thiết đời sống của mọi người phải giống nhau vì còn tuỳ duyên nghiệp và căn cơ trình độ của mỗi người, vì vậy bài học của mỗi người tất nhiên phải khác nhau. Ai rồi cũng sẽ học bài học chưa học ra cho sự giác ngộ, cho nên đến một lúc nào đó bài học xuất gia cũng sẽ đến với con, và lúc bấy giờ con sẽ thông cảm với tất cả mọi người đang học bài học của họ.

3. 
 Muốn xuất gia tu hành để làm chủ được Sinh-già-bệnh-chết...

Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy!
Dạ thưa Thầy, con có việc này xin thưa Thầy hoan hỉ cho con. Thưa Thầy, con thật sự rất muốn xuất gia tu hành để làm chủ được Sinh-già-bệnh-chết, qua đó để giúp những người con yêu thương và cho tất cả mọi người hữu duyên với Phật Pháp, vì con biết nếu không làm được điều này thì mình cũng sẽ không giúp được cho bản thân, huống gì cho họ nếu họ gặp bệnh hoặc bị cái chết đe dọa. Con muốn làm điều này càng sớm càng tốt vì được Thân Người này là khó, gặp được Chánh Pháp càng khó hơn và chết nay sống mai chả ai ngờ được. Nhưng tinh thần của con thì chẳng ai trong gia đình con hiểu được vì họ còn tham đắm chấp vào miệng người, thế gian này quá! Con muốn tu hành càng rốt ráo vì thời gian còn Thân Người này không thể biết được đến khi nào? Nếu con cương quyết ra đi, chắc hẳn sẽ làm họ buồn lòng và lại gieo cái Nhân xấu, ngược lại nếu con vì họ mà ở lại thì con thấy cuộc sống đối với con không có ý nghĩa nữa, con thấy mình như lạc lõng với mọi thứ bên mình! Thầy ơi nay con trông vào minh tuệ Thầy mà cho tâm con được nương nhờ để con sống không làm khổ người khổ mình?
Con thành tâm cảm ơn Thầy! Chúc Thầy sức khỏe Hoằng dương Chánh Pháp!
Trả lời:
Chỉ có con mới hiểu được tình huống của mình thôi. Trước hết con đừng nên nôn nóng vì một khi nóng vội là đã rơi vào sinh tử rồi, cho nên đó cũng là nguyên nhân của sinh già đau chết. Sinh già đau chết là lẽ đương nhiên, thấy ra được lẽ tất nhiên đó thì tâm con đã không còn bị nó ràng buộc nữa rồi, đâu cần thoát ra khỏi nó làm gì! Thoát là thoát bằng thái độ tâm thanh tịnh trong sáng, chứ sống chết làm sao ai thoát được? Xuất gia cũng phải tuỳ duyên thuận pháp chứ con chủ quan quá cũng không được đâu. Con nên trầm tĩnh để thấy rõ chính mình và hoàn cảnh hơn, lúc đó quyết định mới sáng suốt được. 

4. Tại gia hay xuất gia đều tốt khi đúng với "cách" của mỗi người

Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Thầy cho con hỏi tu tại gia và tu tại chùa, việc nào thì tốt hơn? Con có ý định muốn xuất gia không biết việc này có tốt không? Mong thầy từ bi chỉ dạy. Con cám ơn thầy! 
Trả lời:
Tại gia hay xuất gia đều tốt khi đúng với "cách" của mỗi người. Có người xuất gia thì sa đọa mà nếu ở tại gia lại thấy ra vô thường, khổ, vô ngã và sống ung dung thanh thoát. Có người xuất gia thì sống thong dong tự tại, còn nếu ở tại gia thì bị trói buộc, bế tắc. Vậy điều quan trọng là con phải xem mình hợp với "cách" nào mới được. 

5. 
Làm sao con có thể biết được mình hợp "cách" tại gia hay xuất gia?

Câu hỏi:
Con chào thầy! Con chưa xuất gia lần nào nên cũng không biết con có bị sa đọa không nữa. Làm sao con có thể biết được mình hợp "cách" tại gia hay xuất gia? Có người bảo con xuất gia, cũng có người bảo con tu tại gia, con đang rất phân vân. Con 24 tuổi, cũng biết 1 ít Phật Pháp, muốn tu hành giải thoát. Mong thầy từ bi khai thị cho con. Con chúc thầy sức khỏe!
Trả lời:
Xuất gia hay tại gia không quan trọng, mỗi cách có ưu và khuyết điểm riêng của nó, chủ yếu là con có biết tu hay không chứ không phải tu trong hoàn cảnh nào. Hợp cách tức hợp với hoàn cảnh (xuất gia hay tại gia) mà việc tu tập của con thuận lợi hơn. Thí dụ khi con tu tại gia thì thấy tiến bộ, nhưng khi xuất gia thì sinh bệnh tật, sinh phiền não... Như vậy con tu tại gia thuận lợi hơn, và ngược lại. Điều này con không thể ngồi mà lý luận hay bắt chước ai cả mà phải tự mình thử nghiệm mới biết..

6. M
ột người muốn xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ nếu cha mẹ còn sống. 

Câu hỏi:
A-di-đà Phật. Bạch Thầy cho con hỏi, con có ý nguyện xuất gia nhưng Bố Mẹ con không đồng ý để con được xuất gia. Vậy bạch Thầy con phải làm thế nào ạ? 
Trả lời:
Theo đúng luật, một người muốn xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ nếu cha mẹ còn sống. Vậy tốt nhất là con phải thuyết phục cha mẹ bằng tâm xuất gia của mình trước khi được cha mẹ chính thức cho phép thân xuất gia. Bởi vì xuất gia không hoàn toàn có nghĩa là thoát ly khỏi gia đình mà chính là thoát ly khỏi phiền não trong ngôi nhà tâm của mình, không còn tham chấp hay ghét bỏ, không còn vướng bận hay nương tựa bất cứ điều gì trên đời. Được như vậy thì lúc đó, dù cha mẹ có cho phép hay không con vẫn có cuộc sống của một người xuất gia đích thực.

7. 
Có sáu hạng xuất gia

Câu hỏi:
Thưa Thầy, con có nghe một sư ở chùa nói là Thầy giảng về 6 hạng người xuất gia, mà chỉ có 1 người đi xuất gia là phù hợp thôi, đó là việc xuất gia hợp cách với người đó (con cũng đã nghe đĩa Thầy có nói về việc này). Vậy Thầy có thể chỉ dạy cho con thêm những hạng người xuất gia còn lại là gì không Thầy để con có thể hiểu rõ hơn.
Dạ, con nghe mấy Thầy nói trong gia đình có người đi xuất gia (nếu tinh tấn và phạm hạnh nghiêm túc) thì gia đình dòng họ trong 9 đời sẽ được siêu thăng, có đúng không Thầy.
Con thấy người cư sĩ thì đa phần tu phước là chính, còn những cái tu chuyên sâu khác con nghĩ sẽ không thể nào như người xuất gia được vì họ còn bận đủ thứ việc ngoài đời nên không thể an tâm tập trung tu như người xuất gia được.
Con mong Thầy chỉ dạy. Con xin cảm ơn Thầy nhiều.
Trả lời:
- Có sáu hạng xuất gia là: - Xuất gia của người dốt nát. - Xuất gia của người hay giận. - Xuất gia của người chơi giỡn. - Xuất gia của người thu góp tài sản - Xuất gia của người để nuôi mạng sống. - Xuất gia của người muốn thoát khổ. (chỉ có hạng này là chơn chánh)
- Trong nhà có người xuất gia tu hành chân chính thì cả nhà có thể có ảnh hưởng tốt thôi chứ 9 đời làm sao mà siêu Thăng được!
- Tất nhiên xuất gia đúng nghĩa thì thuận lợi hơn đời sống tại gia có nhiều ràng buộc.

8. 
Tất cả người tu xuất gia hay tại gia đều phải giữ giới không tà dâm 

Câu hỏi:
Dạ thưa Ngài, Ngài cho con hỏi, chú điệu đã là người đi tu chưa? Hay chỉ là một người làm công quả hoặc tập tu? Việc giữ giới có giống mấy sư không, đặc biệt là giới thứ ba? 
Trả lời:
Chú tiểu cũng là người đi tu nhưng mới bắt đầu tập tu. 
Giai đoạn 1 là làm công quả để thử thách và làm quen với môi trường xuất gia. 
Giai đoạn 2 là được chấp nhận làm giới tử để học kinh, luật và nghi thức xuất gia. 
Giai đoạn 3 được thọ giới Sa-di hoặc Sa-di- ni để thử dưới dạng một nhà sư. 
Giai đoạn 4 được thọ giới Tỳ-khưu hay Tỳ-khưu-ni, giai đoạn này mới chính thức được làm thành viên của Tăng Chúng. 
Như vậy thì giai đoạn nào cũng gọi là đi tu nhưng được thọ đại giới nhập vào Tăng Chúng mới chính thức là một tu sĩ trong hàng Tăng-già. Tất cả người tu dù là Phật tử tại gia cũng phải giữ giới không tà dâm huống chi người xuất gia. Một người chưa thọ giới Sa-di trở lên thì vẫn có thể quan hệ tình dục với vợ hay chồng mình, tuy nhiên đã đi tu dù đang là chú tiểu mà vẫn quan hệ tình dục với vợ hay chồng mình thì sẽ có ít cơ hội được thọ giới vì trong thời gian thử thách đã thất bại. 

9. Phụng sự chúng sanh

Câu hỏi:

Thưa thầy! Con muốn hỏi, có phải chúng ta phụng sự chúng sanh là như phụng sự Phật không thầy?
Trả lời:
Câu này có thể hiểu 3 cách:
1) Phụng sự chúng sanh tức là sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Đó là cách sống của chư Phật vì vậy nói "Phụng sự chúng sanh là sống theo cách sống của chư Phật" thì đúng hơn, vì thực ra chư Phật chỉ phụng sự chúng sanh chứ không cần chúng sanh phụng sự.
2) Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, do đó phụng sự chúng sanh tức là phụng sự Phật.
3) Phụng sự chúng sanh là giác ngộ giải thoát cho "chúng sanh" trong chính mình, đồng thời phụng sự Phật chính là trưởng dưỡng Tánh Giác (Buddhacarita) nơi chính mình cho đến khi hoàn toàn giác ngộ giải thoát.