NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VỀ PHẬT HỌC



Bài 1 - THIN


1.  MỞ ĐẦU:

Chuyện bắt đầu từ một bữa ăn, một người bạn hỏi tôi: "Thiền là gì?". Anh bạn là một kỹ sư hiện còn làm việc; đối với anh Đạo Phật là tôn giáo dành cho người chết (vì khi chết rồi thì mời Thầy hoặc Sư đến tụng kinh) và cho người già như là một tín ngưỡng với nhiều màu sắc mê tín. Khó cho tôi rồi nhưng may mà cuối cùng tôi cũng giải thích được cho anh hiểu. Từ đó tôi thấy cần thiết phải ghi lại những điều đã học.
Những phần dưới đây là những ghi chép hoặc biên soạn lại những nguyên lý, những điểm cốt lõi của các vấn đề Phật học đã được Quý Thầy, Quý Đại Sư khai thị. Giáo Pháp thì vô biên, chân lý thì không thể nghĩ bàn nên gây nhiều khó khăn cho người học đạo. Mỗi người chúng ta lại bận rộn với cuộc sống thường nhật, cuộc đời cơm áo với nhiều nỗi lo toan nên thì giờ dành cho việc tu học cũng ít và không thường xuyên. Theo kinh nghiệm của tôi và các bạn hữu nếu như hiểu rõ được, nắm vững được một số nguyên lý, các điểm chính của giáo pháp thì tự thân mỗi người có thể tìm thấy một phương pháp hành trì thích hợp cho mình từ đó được an vui trong đời sống hàng ngày.


Một điều nữa nên lưu ý là: Nhiều Đại Sư có những cách nói khác nhau về cùng một vấn đề nhưng chỉ là do cách diễn đạt, tiếp cận khác nhau hoặc phải đáp ứng cho các đối tượng khác nhau chứ về cốt lõi, về nguyên lý cũng vẫn đồng nhất.

Đây là một tài liệu dành cho mọi người học và thực hành giáo pháp được ghi chép bởi một người học trò làm công việc thư ký nên là một tài liệu mở, cần thiết phải được bổ sung bởi mọi người để được hoàn chỉnh và đáp ứng hết những yêu cầu của tất cả.

Mong rằng tài liệu nầy giúp mọi người hiểu rõ và thực hành đúng chứ không phải để thay đổi một quan niệm nầy bằng một quan niệm khác.

2.  THIỀN : 

-  Thiền là hữu thức hóa vô thức.

-  Thiền là nhận biết thực tại hiện tiền, ngay bây giờ và tại đây.

-  Thiền là chú tâm trọn vẹn vào cái đang là, thấy sự vật y như nó đang diễn ra.

-  Thiền là tỉnh thức nhận biết, lắng nghe trọn vẹn cái đang là bằng một cái tâm sạch làu mọi tạp niệm một cách tự nhiên không một nổ lực nào. (Krishnamurti)

-  Thiền không phải là cố gắng tìm cầu để đạt được một cái gì chưa có mà chỉ cần buông bỏ mọi nổ lực tìm cầu thì liền thấy ra ngay đó đã có tất cả.

-  Thiền là nhận biết được thực tánh pháp, nhìn mọi sự như bản chất của chúng.

-  Trích từ: "THIỀN - OSHO" : Thiền có nghĩa là nhận biết. Bất cứ điều gì bạn làm với nhận biết đều là thiền. Hành động không phải là vấn đề mà phẩm chất của hành động mới là vấn đề. Bước đi có thể là thiền nếu bạn bước đi tỉnh giác. Ngồi có thể là thiền nếu bạn ngồi tỉnh giác. Nghe tiếng chim hót có thể là thiền nếu bạn nghe với nhận biết. Chỉ việc nghe tiếng nói bên trong của tâm trí bạn cũng có thể là thiền nếu bạn vẫn còn tỉnh giác và quan sát.

-  OSHO: Mọi khổ đau đơn giản là biểu hiện cho thấy ta không gắn kết với thực tại, tình trạng cá không ở trong đại dương. Thiền rốt cục chính là tháo gỡ mọi rào cản tư tưởng, cảm xúc, tình cảm vốn tạo nên một bức tường giữa ta và thực tại. Khoảnh khắc ta trút bỏ, ta đột nhiên thấy mình hòa điệu với toàn thể, mà không chỉ hòa điệu, ta thực sự thấy mình là toàn thể.

-  Brian Weiss: Thiền là nghệ thuật quan sát mà không suy nghĩ, không nhận định bằng tinh thần.

-  Meher Baba (Thở và Thiền): Thiền có thể được diễn tả như một lộ trình mà riêng mỗi cá nhân tự vạch ra cho chính mình khi muốn vượt ra ngoài giới hạn của tâm trí. Thiền mang các nội dung trong tiềm thức của trí lên bề mặt của ý thức.

DIỄN GIẢI:

-     Phần lớn những hoạt động của chúng ta là những phản ứng đã được lập trình sẵn và được kiểm soát bởi vô thức. Những kết quả của các nghiên cứu, khảo sát khoa học gần đây cho thấy có tín hiệu từ vô thức tối thiểu 1 giây trước khi có hành động. (Xem sách "Thiền và não bộ"). Như vậy toàn bộ tiến trình từ nhận biết sự việc đến phản ứng lại đều tiến hành một cách tự động bởi vô thức và đã được lập trình sẵn. Một ví dụ là chúng ta ai cũng thở nhưng chỉ thở một cách tự động vô thức chứ không nhận biết, ý thức hơi thở của mình. Một vị Sư bảo rằng nhiều người sống như người bị mộng du. Ngay khi chúng ta suy nghĩ  rất cẩn thận về một sự việc nào đó cũng rơi vào tình trạng nầy bởi vì chúng ta sẽ sử dụng những quan niệm, những tiên kiến, những thang giá trị đã có sẵn để áp đặt vào sự việc đó.

-     Nhiều người có thể không đồng ý là mình bị điều động bởi vô thức, nhưng nếu bình tâm nhớ lại chúng ta sẽ thấy rất nhiều khi chúng ta hành động nói năng suy nghĩ hoàn toàn do cơn giận hay cảm xúc điều khiển. Người ta yêu nhau, tự tử hay giết nhau cũng theo một cách như thế. Freud là người tiên phong nêu lên tâm trí vô thức, theo ông, tâm trí hữu thức chỉ chiếm 1/10 còn tâm trí vô thức chiếm 9/10 trong mọi hoạt động của con người. Còn theo OSHO tỷ lệ nầy là 2% và 98%.  Đó là lý do tại sao chúng ta phải thận trọng và cần phải chánh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi.

-     Thực tại hiện tiền hay thực tánh pháp đối với mỗi người là tất cả những gì xảy ra chung quanh, trong thân, trong tâm ta thuộc 18 lãnh vực: 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), 6 thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức).

Xin lưu ý từ trọn vẹn và tự nhiên tuyệt không một nổ lực nàoTrọn vẹnnghĩa là chỉ chú tâm nhận biết trên hiện tại bây giờ và ở đây không có bất cứ một suy nghĩ nào, một hồi tưởng nào về quá khứ hay một mơ ước nào đến tương lai. Khi có hồi tưởng quá khứ, mơ ước tương lai là có thời gian, khái niệm, quan niệm áp đặt vào thực tại làm biến dạng nó nên có câu "Pháp mà Đức Phật khai thị là thực tại hiện tiền phi thời gian". Không một cố gắng hay nổ lực nào vì khi khởi tâm cố gắng hay nổ lực chánh niệm hay chọn đối tượng chánh niệm thì cẩn thận vì sẽ có bản ngã can dự vào. (Khó lắm thay! Bởi vậy tôi rất tâm đắc và biết ơn pháp tu "THẬN TRỌNG - CHÚ TÂM - QUAN SÁT" thật đơn giản, thật bình dân, thật tự nhiên, thật hữu hiệu.)

Chuyện kể: Đại Sư Nagarjuna và kẻ trộm.

 Một hôm, một  tên trộm đến gặp Đại Sư Nagarjuna và hỏi: "Liệu có khả năng nào cho sự trưởng thành của tôi không? Nhưng có một điều tôi là kẻ cắp và tôi không thể bỏ nghề nầy cho nên Thầy đừng lấy đó làm điều kiện. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì Thầy nói trừ việc nầy là tôi vẫn còn là kẻ cắp."

 Nagarjuna nói: "Sao anh lại sợ? Ai sẽ nói với anh về việc là kẻ cắp của anh?" Kẻ cắp nói: "Nhưng bất kỳ khi nào tôi đến với nhà sư, tu sĩ tôn giáo hoặc thánh nhân họ đều bảo: Trước hết phải chấm dứt việc ăn cắp".

Nagarjuna cười và nói: "Thế là anh anh đã đi đến kẻ cắp rồi; bằng không tại sao họ lại quan tâm? Ta không quan tâm." Kẻ cắp vui mừng nói: "Thế thì được, dường như bây giờ tôi có thể trở thành đệ tử được rồi. Thầy mới đúng là Thầy tôi".

 Nagarjuna chấp nhận anh và bảo: "Bây giờ anh có thể đi và làm bất cứ gì anh thích. Chỉ tuân theo một điều kiện: phải nhận biết. Đi đi, phá cửa vào nhà lấy bất cứ gì anh thích, điều đó không phải là mối quan tâm của ta, nhưng phải làm điều đó với nhận biết đầy đủ."

 Kẻ cắp không hiểu rằng anh ta đã rơi vào bẫy và nói: "Thế thì được, tôi sẽ thử."

Sau ba tuần kẻ cắp trở lại và nói: "Thầy quỷ quyệt lắm, bởi vì nếu tôi trở nên nhận biết tôi không thể ăn cắp được. Nếu tôi ăn cắp nhận biết biến mất. Tôi lâm vào tình thế khó khăn rồi".  

Nagarjuna bảo: "Ta không quan tâm, ta không phải là kẻ cắp. Bây giờ anh quyết định đi: anh muốn nhận biết hay muốn không nhận biết. Anh phải quyết định có nó hay không".

Người nầy nói: "Nhưng bây giờ điều đó là khó. Tôi đã nếm trải điều đó một chút rồi và nó tuyệt đẹp, tôi sẽ bỏ mọi thứ, bất kỳ cái gì Thầy nói. Mới hôm trước đây lần đầu tiên tôi vào được cung điện nhà vua, mở kho báu. Tôi có thể đã trở thành người giàu nhất trên đời nhưng Thầy đã theo tôi và tôi phải nhận biết. Khi tôi trở nên nhận biết, bỗng nhiên, chẳng còn động cơ, chẳng còn ham muốn. Khi tôi nhận biết kim cương trông như đá thường. Khi tôi nhận biết tôi trở thành giống một vị Phật và tôi thậm chí không thể chạm vào nó bởi vì toàn bộ sự việc có vẻ ngu xuẩn - chỉ toàn là đá, tôi đang làm gì đây? Bỏ mất bản thân mình chỉ vì những cục đá sao? Nhưng rồi nếu tôi mất nhận biết chúng lại trở thành đẹp, toàn thể ảo tưởng. Chung cục tôi quyết định rằng chúng chẳng xứng với nó - sự nhận biết."

Như vậy ta có thể kết luận rằng: hoạt động của các sinh vật khác thì theo bản năng nghĩa là theo lập trình của tự nhiên riêng hoạt động của con người thì đa phần lại theo lập trình của chính mình (vô thức). Lập trình của mỗi người chính là sự tích lũy của những quan niệm, định kiến, thang giá trị, thói quen, ý niệm... tạo ra do hoàn cảnh sống, gia đình, giáo dục, xã hội, phong tục… từ ngày còn thơ dại đến lúc trưởng thành. Não bộ mỗi người hoạt động như một máy tính: dữ liệu được nhập vào qua các cổng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sau khi chương trình xử lý xong các kết quả sẽ đưa ra thân, khẩu, ý (hành động, nói năng, quan niệm lưu giữ lại). Thiền là phương cách đưa con người trở về nhận biết mọi việc mọi pháp y như nó là xảy ra bây giờ và tại đây mà không bị ngăn che hoặc qua một bộ lọc bởi các định kiến có sẵn ở mỗi người; hoặc nhận biết sự việc mà không bị đẩy kéo bởi cảm thọ, cảm xúc tức thời. Bằng cách nào? Có nhiều phương pháp hay pháp môn Thiền như: thiền định, thiền tuệ, thiền công án, thiền mật tông... Mỗi ngươi có thể tìm hiểu thêm các phương pháp nầy ở các tài liệu khác. Trong giới hạn của bài ghi chép nầy chỉ trình bày các nội dung thuộc về nguyên lý; trong tinh thần đó nên lưu ý các khuyến cáo sau đây đã được quý Thầy và Thiền Sư khai thị:

- Luôn giữ chánh niệm tỉnh giác để nhận biết mọi sự việc xảy ra chung quanh và trong thân tâm trong thực tại. Chỉ nhận biết quan sát mà không phê       phán hay áp đặt một giá trị chủ quan hay nhị nguyên nào.

- Thực tại là sự thực đang diễn ra bây giờ và ở đây; không tiếc nuối quá khứ        vì là sự đã xong rồi không thay đổi được, không mơ ước tương lai vì tương lai bất định, chỉ có hiện tại là thực nếu không chánh niệm tỉnh giác để suy nghĩ - hành động - nói năng  đúng mà để cho vô thức lập trình thì sai lầm đó chỉ một giây sau hiện tại sẽ thành quá khứ, thành sự đã rồi không sửa được và mọi việc cứ tiếp diễn theo vòng lẩn quẩn như thế.

Không bám víu vào:

    -  các định kiến, các quan niệm, ý tưởng sẵn có.

    -  các nghi thức, tập quán ...

    -  các cảm xúc, cảm thọ nhất thời, thoáng qua.

    -  bản ngã.

    -  các hồi ức, tiếc nuối quá khứ hay mơ ước về tương lai. (có người bảo rằng: Hãy để quá khứ cho người chết và tương lai cho các nhà chiêm tinh hoặc thầy bói.)

    -  Không tự đồng nhất mình với sự việc, vấn đề. Nhận biết sự việc diễn ra y như nó là mà không liên kết cái tôi của mình vào.

Nói cho cùng thì mỗi người phải tự quyết định sống theo lập trình của vô thức hay nhận biết thực tại để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho tùy duyên thuận pháp; phải quyết định xem tiếp tục phản ứng lại sự việc theo các định kiến, quan niệm, cảm xúc... như thói quen cũ hay là phải hành động, nói năng, suy nghĩ với sự nhận biết rõ ràng sự việc với sự thường trú của giới - định - tuệ, của tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác, của sáng suốt- định tĩnh- trong lành, của thận trọng- chú tâm - quan sát ...



TRÍCH DẪN:



Ekhart Tolle: Cuộc đời chỉ có độc nhất một thứ: đó là phút giây hiện tại, ngoài cái ấy ra không còn thứ gì khác nữa. Phút giây hiện tại bất tận này chính là không gian trong đó, cuộc đời bạn được phô diễn, nó là yếu tố duy nhất không thay đổi. Toàn thể đời sống đang diễn ra ngay trong phút giây này; không có lúc nào mà đời sống của chúng ta lại không diễn ra trong phút giây hiện tại.



KRISHNAMURTI

Khi bạn biết về chính bạn, nhìn chính bạn, nhìn cách bạn đi, cách bạn ăn, những gì bạn nói, những tán gẫu, những căm ghét, những ghen tị nếu bạn nhận biết hết tất cả những điều đó trong tâm bạn, với không một lựa chọn, đó là một phần của thiền định.

Như vậy, thiền định có thể hiện hữu ngay cả khi bạn đang ngồi trên xe buýt, hay đang đi bộ trong rừng đầy những ánh sáng và bóng mát, hay đang nghe chim hót, hay đang nhìn khuôn mặt của vợ hoặc con bạn



Thầy Viên Minh:

Nghệ thuật sống hạnh phúc chính là ở chỗ biết dừng lại như thế. Bạn có thể nào làm tất cả mọi việc, kể cả hoạch định một kế hoạch tương lai, mà vẫn không đánh mất thực tại hiện tiền hay không? Được, miễn là bạn làm mọi việc trong sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Đó chính là mục đích không mục đích của sự sống muôn đời.

Biết lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm bài học của chính đời mình, dù khổ hay vui, dù thành hay bại, người ấy đang thật sự thiền, hay đúng hơn là đang sống giáp mặt với chân lý muôn đời

Hạnh phúc thật sự không ở nơi cố với tay tìm kiếm, mà ở nơi chỗ không kiếm tìm. Hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp tràn ngập nơi mỗi bước đi, trong từng hơi thở, trong ánh nắng ban mai, trong cơn mưa mùa hạ… sao lại phải kiếm tìm trong tài, sắc, lợi, danh ?



OSHO:

Tôn giáo, Thiền có nghĩa là sống ở đây và bây giờ, …Và chỉ có cái bây giờ là tồn tại.

Chủ thuyết lý tưởng thuộc về cái thế giới của bản ngã. Nó kêu gọi cái bản ngã rằng bạn có thể trở nên hoàn thiện hơn là bạn đang là…

Nhưng mỗi khoảnh khắc đều đã là hoàn hảo, và nó không thể nào hoàn hảo hơn nó đang là... Hiểu được điều này tức là sự bắt đầu của một đời sống mới, là sự khởi đầu của cuộc sống…

Quan sát nghĩa là nhìn và mọi sự không có đánh giá nào, không nói nó tốt không nói nó xấu – bởi vì chẳng cái gì là tốt và chẳng cái gì là xấu. Mọi sự đơn giản là điều chúng đang là.



Đạt Lai Lạt Ma XIV: (Con đường đến tự do vô thượng)

Không có sự thông hiểu giáo lý thì những chứng ngộ sẽ không nối tiếp theo. Việc học hỏi chỉ là để thực hành.

Khi nói về việc thực hành Pháp, thực hành Thiền, tôi không có ý nói về việc phải từ bỏ mọi sự  và đi vào ẩn thất cô tịch. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta nên tập trung sự tỉnh giác cao độ vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Dù ta đang ăn, ngủ, làm việc chúng ta nên liên tục kiểm soát các ý hướng, thân, ngữ, tâm và các hành động của chúng ta ngay cả những tiêu cực vi tế nhất.



Richard Gerber:

Thiền giải phóng khỏi ý thức những tư tưởng đã lập trình sẵn để cho phép những nguồn thông tin với độ rung cao có thể thâm nhập vào bộ máy điện toán sinh học của chúng ta để được xử lý phân tích.



CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thực tại hiện tiền, Sống trong thực tại, Thiền Phật giáo Nguyên Thủy và Phát Triển... và những bài giảng của Thầy Viên Minh

- Nhận biết, Thiền : OSHO

- Cốt lõi cội Bồ Đề: Buddhadasa Bhikkhu

- Thở và Thiền: Nhiều tác giả

- Con đường đến tự do vô thượng: Đạt Lai Lạt Ma XIV (The way to freedom)

                           

 BÀI 2 - PHÁP


 Pháp là một thuật ngữ Phật học có rất nhiều nghĩa và có thể làm cho ta hiểu sai ý nghĩa của kinh văn.

 PHÁP trong Phật - Pháp - Tăng có hai nghĩa:

- Pháp là lời dạy của Đức Phật hoặc kinh giáo, giáo pháp.

- Pháp là Sự Thật, Thực tại hiện tiền, chân lý, bản thể của thực tại, là cái đang là.

 PHÁP trong Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp là đối tượng của Ý. Khi ta nhìn một vật, một sự việc ta lưu nó vào bộ nhớ nó trở thành một pháp và trở thành đối tượng của ý. Ở đây Pháp có nghĩa là những ý tưởng, những quan niệm, khái niệm.

 PHÁP mà Đức Phật khai thị là thực tại hiện tiền phi thời gian.

 PHÁP cũng có nghĩa là nguyên lý của vũ trụ, luật duyên khởi.

 PHÁP cũng có nghĩa là lời nói, thái độ, hành xử, trạng thái tâm... (thiện pháp, bất thiện pháp).

 PHÁP = Nhậm trì tự tánh, quỉ sanh vật giải = giữ gìn cái tự tánh, giữ gìn cái tánh chất riêng, để từ đó người ta có thể biết, phân biệt được vật này khác với vật kia.  (bất cứ cái gì mà nó có thể giữ được hình dáng và tính chất riêng của nó, để khi nhìn vào có thể phân biệt được với vật khác, thì gọi là Pháp.)

 Pháp cũng có nghĩa là: hiện tượng, trạng thái, yếu tố cơ bản... (xin xem phần phụ lục "Tất cả đều là dhamma" của Buddhadasa Bhikkhu)

Pháp có hai loại: Pháp vô vi, Pháp hữu vi.

- Pháp vô vi: Niết bàn

- Pháp hữu vi có hai loại: Hữu vi khách quan do duyên sinh một cách tự nhiên không phải là nguyên nhân của khổ; và hữu vi chủ quan do tư ý tư dục tạo tác là nguyên nhân gây đau khổ.

 Trích từ "Phật giáo truyền thống đại thừa" của GESH KELSANG GYATSO:

“Pháp là những lời dạy của Đức Phật nhưng nghĩa thật của Pháp là những thực chứng nội tâm trực tiếp che chở cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau.”

Danh từ Pháp tiếng Phạn là "dharma" nghĩa đen là "cái gì gìn giữ". Chính Pháp đã giữ gìn chúng sinh thoát khỏi khổ đau, lo sợ, hiểm nguy. Tuy thế muốn thoát khỏi những vấn đề và đau khổ của chính mình thì ta cần phải nổ lực lớn lao để đạt được sự chứng ngộ Pháp. 

 Joseph Goldstein:

“Chữ Dharma hay Dhamma, là một danh từ rất rộng nghĩa, nó bao trùm chứa đựng hết tất cả. Một trong những nghĩa của Dhamma là Chân lý, là Pháp, tự tánh của vạn vật. Nó cũng có nghĩa là những yếu tố đặc biệt của một hiện tượng và những luật tự nhiên điều khiển hiện tượng ấy. Dhamma cũng có nghĩa là những lời dạy của đức Phật và con đường tu tập đưa đến giác ngộ. Vì thế cho nên danh từ Dhamma bao trùm hết tất cả. Mọi vật trên cuộc đời này đều có thể là Dhamma, vì mọi vật phải tuân theo định luật tự nhiên của chính nó.”



BUDDHADASA BHIKKHU: Tất cả đều là Dhamma (Hoàng Phong dịch)

Đến đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem tại sao tất cả mọi hiện tượng đều được gọi là"dhamma". Trước khi nói lên chữ này thì quý vị cũng phải hiểu thật tường tận đấy là gì. Chữ dhamma có nghĩa là tất cả những gì hiện hữu. Khi Đức Phật nói đến "tất cả dhamma" thì đấy có nghĩa là tất cả mọi hiện tượng, không có một ngoại lệ nào cả, dù chúng thuộc lãnh vực vật chất, tinh thần hay tâm linh. Nếu như có một thứ gì nằm ra bên ngoài cả ba thể loại ấy thì nó cũng vẫn thuộc vào cách định nghĩa của thuật ngữ "tất cả dhamma".

Tôi mong rằng quý vị có thể nắm vững được cách định nghĩa này: là mọi "thế giới" của những vật thể vật chất, có nghĩa là bao gồm tất cả các "lãnh vực" của những vật thể vật chất, tất cả đều là dhamma. Một tâm thức ý thức được tất cả các thế giới ấy thì tự nó cũng là một dhamma. Nếu tâm thức và thế giới tiếp xúc với nhau thì sự tiếp xúc đó cũng là một dhamma. Nếu sự tiếp xúc đó làm phát sinh ra các hậu quả chẳng hạn như tình thương yêu, hận thù, ghét bỏ, sợ hãi, kể cả trí tuệ và sự quán thấy trong sáng về mọi sự vật đúng là như thế..., thì tất cả các hình thức phản ứng ấy cũng đều là các dhamma. Dù cho chúng đúng hay sai, tốt hay xấu, thì tất cả cũng đều là dhamma. Nếu trí tuệ làm phát sinh ra những thứ hiểu biết khác nhau trong nội tâm thì những thứ ấy cũng gọi làdhamma. Nếu các thứ hiểu biết ấy đưa đến việc giữ giới, thiền định, hay trí tuệ hay bất cứ một phép tu tập nào, thì việc tu tập ấy cũng là một dhamma. Đối với các kết quả mang lại sự tu tập ấy - dù được biểu trưng bằng các thuật ngữ như "sự thực hiện được Con Đường, quả mang lại từ Con Đường hay là nibbana (niết-bàn)" - thì tất cả cũng là các dhamma.

 Tóm lại là tất cả những thứ ấy đều là dhamma. Thuật ngữ này bao hàm tất cả, gồm từ thế giới của các vật thể vật chất cho đến các kết quả mang lại từ sự tu tậpDhamma (Đạo Pháp), sự thực hiện được Con Đường, quả mang lại từ Con Đường. Như đã nói đến trên đây, nếu nhìn thấy được mỗi sự vật ấy một cách thật minh bạch thì cũng có nghĩa là nhìn thấy "tất cả các sự vật" và cũng sẽ hiểu được rằng đối với bất cứ gì dù là do chính Đức Phật giảng dạy thì cũng không được nắm bắt hay xem đấy là các đối tượng của sự bám víu. Cái thân xác này không phải là một đối tượng để nắm bắt hay bám víu, đối với tâm thức thì lại càng không nên nắm bắt và bám víu bởi vì đấy là một thứ ảo giác khác to lớn hơn nhiều. Vì thế Đức Phật cũng đã từng nói, nếu nhất định cứ một mực khăng khăng bám víu vào một thứ gì đó để xem đấy là "cái tôi" thì tốt hơn nên bám víu vào thân xác bởi vì nó biến đổi chậm chạp hơn, và nó cũng không lừa phỉnh mình tệ hại như tâm thức.

 Chữ "tâm thức" trong trường hợp trên đây không mang cùng một ý nghĩa với chữ "tâm thức" khi được dùng để chỉ định "tâm thức" là một với "tánh không". Chữ "tâm thức" trên chỉ có nghĩa là "tâm thần", tức là "tâm thức" hiểu theo cách thông thường. Sự tiếp xúc giữa thể dạng tâm thức ấy và thế giới sẽ làm phát sinh ra mọi thứ cảm tính như yêu thương, hận thù, giận dữ, v.v... Đấy là các thể loại dhamma càng không nên bám víu hơn so với các thứ dhamma thuộc thân xác, bởi vì chúng là những thứ ảo giác phát sinh từ sự mù quáng của một tâm thức u mê. Nắm bắt và bám víu vào những thứ ấy thật vô cùng nguy hiểm.

 Đức Phật có nói rằng ngay cả sự chú tâm giúp quán thấy được sự thật của mọi sự vật cũng không được xem là căn nguyên của sự nắm bắt và bám víu, bởi vì đấy cũng chỉ là một thành phần của thiên nhiên. Bám víu vào đấy cũng chỉ là cách tạo ra thêm những ý nghĩ sai lầm: người ta có thể sẽ tưởng tượng ra một con người nào đó có thể đạt được một khả năng trí tuệ như thế, và để tin rằng đấy là cái trí tuệ "của tôi". Sự bám víu sẽ làm cho tâm thức trở nên nặng nề và chao đảo dưới sự chi phối của mọi biến động xảy ra, và từ đó sẽ sinh ra dukkha (khổ đau). Chỉ nên đơn giản xem sự hiểu biết là sự hiểu biết. Nếu dại dột bám víu vào đấy để xem là cái "của tôi", thì nó sẽ lôi kéo theo nhiều thứ bám víu khác, chẳng hạn như các thứ "nghi thức lễ bái và các hình thức lễ lạc", khiến cho chúng ta càng thêm khổ sở mà cũng chẳng biết là tại sao

 Tu tập Dhamma cũng thế: chỉ cần biết đơn giản tu tập thế thôi. Kết quả tự nó sẽ tương xứng với mức độ tu tập của mình - đấy cũng chỉ là một sự thật của thiên nhiên. Nếu nắm bắt và bám víu vào sự tu tập ấy để xem là "cái tôi" hay cái "của tôi" thì lại càng dễ khiến mình rơi vào sự sai lầm nặng nề hơn, tức là tạo ra thêm cho mình một "cái tôi" hoàn toàn vô căn cứ, và do đó sẽ mang lại khổ đau không kém gì như khi bám víu vào những thứ thật thô thiển khác như sự thèm khát tính dục chẳng hạn.

 Đối với việc thực hiện được Con Đường, tiếp nhận được quả của Con Đường và niết-bàn, thì tất cả cũng chỉ là dhamma, là thành phần của thiên nhiên. Chúng là như thế thì cứ xem chúng là như thế. Ngay cả tánh không cũng chỉ là thành phần của thiên nhiên. Nếu nắm bắt nó và bám víu vào nó, thì đấy sẽ là một thứ nibbana không đích thật, một thứ tánh không sai lầm, bởi vì đối với nibbana đích thật tức tánh không đích thật thì không thể nào nắm bắt được nó. Chính vì thế nên mỗi khi nắm bắt nibbana hay tánh không và xem đấy như là "cái tôi" hay cái "của tôi" thì tức khắc và đồng thời cũng sẽ tự tách rời mình ra khỏi những thứ ấy.

 Tất cả những gì trình bày trên đây cho thấy tuyệt đối không có bất cứ gì khác hơn là dhamma. Thuật ngữ dhamma đồng nghĩa với chữ "thiên nhiên". Cách giải thích này khá phù hợp với nghĩa từ chương của chữ dhamma, bởi vì ý nghĩa nguyên thủy của chữ này là "một sự vật có thể tự duy trì lấy nó ". Các dhamma được phân chia thành hai thể loại khác nhau: một thể loại luôn chuyển động và một thể loại thì không. Thể loại gồm các dhamma thường xuyên chuyển động hàm chứa một động lực thúc đẩy chúng nhằm để duy trì chúng trong chính sự chuyển động đó của chúng, nói cách khác thì chính chúng là dòng chảy của sự đổi thay (vô thường). Thể loại gồm các dhamma không chuyển động thì không hàm chứa các yếu tố gây ra sự chuyển động đó, đấy là nibbana hay là tánh không.

 Tóm lại, có hai thể loại dhamma: một thể loại gồm các sự vật luôn chuyển động và một thể loại thì không, cả hai đều đơn giản chỉ là dhamma, tức là các sự vật tự duy trì được trong một thể dạng nào. Tất cả đều là thiên nhiên (hay tự nhiên), đơn giản chỉ là các thành phần của thiên nhiên. Do đó nếu đấy chỉ đơn giản là các dhamma thì làm thế nào mà chúng có thể trở thành "cái tôi" hay là cái "của tôi" được? Trong bối cảnh đó dhamma cũng sẽ chỉ có nghĩa là "thiên nhiên", đương nhiên là như thế. Người ta cũng có thể gọi dhamma là tathata dhamma là như thế thì cứ là như thế, không thể khác hơn được. Chỉ toàn là dhamma. "Tất cả mọi thứ" đều có nghĩa là dhamma: không có một thứ dhamma nào lại không hàm chứa trong "tất cả mọi sự vật".

 Trái lại Dhamma đích thật thì dù thuộc vào lãnh vực nào, cấp bậc nào hay thể loại nào thì cũng đều nhất thiết là tánh không, hoàn toàn trống không về "cái ngã". Tóm lại chúng ta phải nhìn thấy tánh không hàm chứa trong tất cả mọi sự vật, hoặc nói một cách đơn giản hơn là trong tất cả các dhamma. Theo phép suy luận lô-gic thì chúng ta sẽ có các phương trình như sau:

 Tất cả mọi sự vật = đều là dhamma

 Tất cả mọi sự vật =  đều là tánh không

 Các dhamma =  đều là tánh không

 Người ta có thể trình bày khái niệm trên đây bằng nhiều cách khác nhau thế nhưng điều thật sự quan trọng và cần phải hiểu thì cũng không có gì khác hơn là chính bản chất của sự trống không. Chúng ta không được bám víu vào bất cứ thứ gì để xem đấy là "cái tôi" và cái "của tôi". Đấy là cách giúp chúng ta nhận thấy một cách minh bạch tánh không là bản chất của tất cả mọi sự vật. Chỉ khi nào loại bỏ được tất cả mọi thứ tư duy sai lầm thì khi đó chúng ta mới có thể nhận thấy được cái bản chất ấy. Nếu muốn quán thấy được tánh không thì cần phải có panna, là một thể dạng hiểu biết tinh khiết đã loại bỏ được mọi thứ u mê tâm thần.



Các thứ dhamma của vô minh

Ngoài ra cũng có thêm một thứ dhamma nữa gọi là dhamma của vô minh hay của sự hiểu biết sai lầm, tức là những phản ứng phát sinh từ sự tiếp xúc giữa tâm thức và thế giới vật chất. Như đã được trình bày trên đây, khi dhamma tâm thức tiếp xúc vớidhamma mang tính cách vật chất thì tức khắc một phản ứng sẽ phát sinh dưới hình thức giác cảm, và từ giác cảm đó sẽ đưa đến hoặc là không đưa đến một xúc cảm. Tiếp theo đó, người ta có thể sẽ ngả theo hoặc con đường của sự u mê hoặc con đường của sự quán thấy sáng suốt, tất cả đều do sự tác động của các điều kiện bên ngoài và bản chất thuộc vào thể loại dhamma đó. Dhamma của vô minh thì cũng chẳng phải là gì khác hơn là dhamma của sự nắm bắt và bám víu vào "cái tôi" và cái "của tôi", là những thứ hoàn toàn mang tính cách ảo giác. Vì thế cũng nên hiểu đấy cũng chỉ là một thứ dhamma. Bản chất đích thật của nó cũng chỉ là tánh không.

 Vô minh là tánh không, sự quán thấy minh bạch hay nibbana cũng là tánh không; tất cả cũng chỉ là dhamma. Nếu nhìn những thứ ấy đúng như thế thì chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng chúng hoàn toàn trống không về cái ngã. Tuy rằng các dhamma trong lãnh vực của vô minh vẫn là "một" với tánh không, thế nhưng chúng vẫn còn tiếp tục làm phát sinh ra ảo giác về "cái tôi". Do đó chúng ta phải thật cảnh giác đối với cácdhamma của sự nắm bắt và bám víu cũng như của sự quán thấy sai lầm về mọi sự vật - tất cả đều gồm chung trong thuật ngữ "tất cả mọi sự vật".

 Nếu chúng ta quán thấy được một cách minh bạch tất cả mọi sự vật thì sự bám víu mang đầy u mê sẽ không thể phát sinh ra được. Ngược lại nếu sự quán thấy của chúng ta thiếu minh bạch và chúng ta chỉ biết nhắm mắt chạy theo các bản năng thú tính của mình một cách dại dột và sai lầm, thì đấy cũng chẳng khác gì như tự mở cửa ngày càng rộng hơn để đón rước các thứ dhamma của vô minh.

 Nắm bắt và bám víu là một thứ di sản lưu truyền trong con người chúng ta từ muôn thuở. Nếu quan sát và phân tích thật kỹ thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng những người chung quanh chúng ta chẳng những luôn tìm cách khuyên dạy chúng ta bắt chước theo họ - dù vô tình hay cố ý - để cùng bước với họ vào con đường vô minh mà hơn nữa, họ còn chỉ dạy cho chúng ta cách thức phải bám víu vào "cái tôi" và cái "của tôi" như thế nào.

Họ không bao giờ tập cho chúng ta biết nhìn vào bản chất vô ngã của mọi sự vật. Trẻ con chẳng những không bao giờ được chỉ dạy về những thứ ấy, mà hơn thế nữa, người lớn còn luôn tìm cách đối thoại với chúng dưới tư cách là những cá thể hoàn toàn biệt lập. Một đứa bé mới sinh ra đời chưa có cảm tính về một "cái tôi" biệt lập trong tâm thức của nó, sau đó thì nó mới dần dần nhận biết được cảm tính ấy xuyên qua môi trường chung quanh nó. Khi mới mở mắt chào đời và bắt đầu ý thức được một thứ gì đó thì người lớn tập cho nó bám víu vào đấy: đây là cha "của nó", mẹ "của nó", gian nhà "của nó", thức ăn "của nó"; kể cả cái đĩa đựng thức ăn cũng là "của nó" và không ai được sử dụng cái đĩa ấy "của nó"! Quá trình vận hành vượt khỏi sự ý thức của mình - hay sự hình thành của một "cái tôi" trong tri thức và sự phát triển của nó - là một sự diễn tiến theo đúng với các quy luật chi phối nó. Trái lại, cảm tính về sự vắng mặt của "cái tôi" thì lại không bao giờ hiển hiện lên, do đó, suốt trong khoảng thời gian từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành, một cá thể tiếp tục chất chứa đầy những sự bám víu và những thứ u mê tâm thần do chính những sự bám víu ấy gây ra. Đối với cá thể ấy "cái tôi" chính là sự sống và sự sống cũng chính là "cái tôi". Thế nhưng khi mà bản năng của sự bám víu vào "cái tôi" bắt đầu được xem như là một sự sống bình thường với tất cả ý nghĩa của nó, thì sự sống đó cũng sẽ bị buộc chặt vào dukkha (khổ đau). Cái tôi đó trở nên thật nặng nề và ngột ngạt, bế tắc, rát bỏng và thật đớn đau - tóm lại là một cuộc sống hàm chứa mọi triệu chứng của dukkha.

Tóm lại, mỗi khi xảy ra sự nắm bắt và bám víu vào bất cứ gì, kể cả những thứ tốt đẹp nhất thì tức khắc sẽ sinh ra khổ đau. Nếu nhìn theo cách đó thì những gì mà thiên hạ cho là tốt thì thật ra cũng chỉ là một sự sai lầm hay là mang tính cách tệ hại bởi vì "cái tốt" cũng là một hình thức của "dukkha" - một thứ dukkha đã được thuần hóa, thế nhưng đấy vẫn là dukkha, chẳng qua bởi vì tâm thức không trống không và luôn bị bấn loạn. Chỉ khi nào tâm thức trống không và vượt lên trên cái tốt cũng như cái xấu thì khi đó mới loại bỏ được dukkha.

Thật vậy, khái niệm quan trọng nhất trong giáo huấn Phật Giáo có thể tóm lược thật chính xác bằng câu sau đây: "Tuyệt đối không được bám víu vào bất cứ gì cả" ("sabbe dhamma nalam abhinivesaya"). Câu này cũng có nghĩa là phải loại bỏ hoàn toàn mọi sự nắm bắt và bám víu vào mọi sự vật để xem đấy là "cái tôi" và cái "của tôi". Thật ra cũng chỉ có thế, nào có gì khó hiểu đâu!

   Khi nào chúng ta vẫn còn nhận diện mình qua những sự bám víu, và khi những sự bám víu ấy đã trở thành một với chính mình, thì khi đó chúng ta cũng sẽ không còn làm được bất cứ gì nữa. Vậy khi tâm thức mình đã rơi vào tình trạng đó thì ai sẽ có thể giúp mình được? Câu trả lời sẽ là: chỉ có tâm thức mình mới có thể giúp được mình mà thôi. Như đã trình bày trên đây là không có bất cứ thứ gì không phải là dhamma: sự sai lầm là một dhamma, sự thật cũng là một dhammadukkha (khổ đau) là một dhamma, sự đình chỉ của dukkha (sự giải thoát) là một dhamma, phương tiện làm đình chỉdukkha cũng là dhamma, tâm thức là dhamma, thân xác là dhamma. Vì thế khi tất cả chỉ là dhamma thì giải pháp nhất thiết cũng sẽ phải nằm trong chính tâm thức, dựa vào một cách vận hành thích nghi với nó.

Xứng đáng hay không xứng đáng thì cũng đều tùy thuộc vào chính chúng ta. Nếu sự tiếp xúc với thế giới mang lại trí tuệ thì đấy là điều xứng đáng. Nếu sự tiếp xúc với thế giới mang lại sự đần độn và các ý nghĩ sai lầm thì đấy là điều không xứng đáng. 

Nếu quan sát mọi sự vật thật cẩn thận thì chúng ta sẽ nhận thấy là tất cả mọi con người khi sinh ra đều ngang hàng nhau: ấy là mỗi người đều có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác và tâm thức, mỗi người đều cảm nhận được hình tướng, âm thanh, mùi, vị, các sự nhận biết của xúc giác và các đối tượng tâm thần. Mỗi người trong chúng ta đều có dịp tiếp xúc với các thứ ấy, và sự tiếp xúc đó xảy ra giống nhau đối với tất cả mọi người. Vậy thì tại sao lại có sự phân cách giữa những người bước theo con đường đần độn, không xứng đáng, xấu xa và những người bước theo con đường của trí tuệ, của sự xứng đáng và những điều tốt lành?

Các dhamma xấu vẫn có một khía cạnh tích cực. Thật tế chúng là một sự che chở đích thật cho mọi người nếu nhìn theo một khía cạnh nào đó, chẳng hạn như khi đau khổ thì đấy là một dịp để rút tỉa thêm cho mình một bài học. Một đứa trẻ bị bỏng khi đưa tay vào lửa thì nó sẽ hiểu rằng phải cẩn thận hơn. Đối với các vật thể vật chất thì tương đối dễ buông bỏ, thế nhưng đối với sự nắm bắt, bám víu, thèm muốn, ghét bỏ và những thứ tư duy sai lầm thì trong số hầu hết chúng ta không mấy ai ý thức được là mình đang đút tay vào cái đống than hồng ấy. Chẳng những thế, chúng ta lại còn xem đấy là những gì thật tuyệt hảo và đáng để cho mình thèm muốn. Đấy cũng có nghĩa là mình chẳng hề rút tỉa được một bài học nào cả.

Chỉ có một phương thuốc chữa trị duy nhất là phải làm thế nào để có thể ý thức được bản chất đích thật của những thứ dhamma ấy để hiểu rằng chúng chỉ là một đống than hồng mà chúng ta không được nắm bắt và bám víu vào đấy. Đấy chính là con đường của trí tuệ, của sự học hỏi kinh nghiệm, để hiểu rằng mỗi khi nắm bắt bất cứ một thứ gì và xem đấy là "cái tôi" hay cái "của tôi", thì ngọn lửa sẽ bùng lên ngay. Không phải đơn giản là một ngọn lửa làm cho bỏng tay mà đúng hơn là một ngọn lửa thiêu rụi cả con tim lẫn tâm thức của mình. Đôi khi nó đã ngún sâu đến độ khiến chúng ta không ý thức được đấy là một ngọn lửa đang bùng cháy và chúng ta cứ thế mà tiếp tục lao mình vào đống than hồng của vòng luân chuyển giữa sự sinh và cái chết. Đấy là ngọn lửa thuộc loại nóng bỏng nhất, nóng hơn cả một cái lò điện. Đấy là trường hợp có thể xảy ra cho chúng ta, nếu chúng ta không học được bài học của một đứa bé bị bỏng là không nên đưa tay vào lửa.

Đức Phật đã từng giảng rằng chỉ khi nào tâm thức quán thấy được hậu quả của khổ đau do sự nắm bắt và bám víu mang lại thì khi đó nó mới hiểu rằng phải nên buông bỏ. Vì thế vấn đề then chốt sẽ là: chúng ta có nhìn thấy được hậu quả khổ đau do sự nắm bắt và bám víu mang lại hay không? Nếu không thì chúng ta chưa hề biết buông bỏ là gì, và nếu chưa buông bỏ thì chúng ta sẽ không trống không. Trong một lần thuyết giảng khác Đức Phật có nói rằng mỗi khi quán thấy được tánh không thì người ta sẽ tìm thấy sự toại nguyện trong thế giới của nibbana. Chỉ khi nào người ta bắt đầu quán thấy được sự phi-hiện-hữu của cái ngã thì khi đó tâm thức mới có thể hiểu được rằng chỉ nên tìm sự toại nguyện trong thể dạng của nibbana mà thôi. Tất cả những gì nhận biết được qua trung gian của các giác quan và tâm thức thì đều được gọi chung là "lãnh vực" giác cảm. Có lẽ cũng nên mượn dịp này để nêu lên rằng nibbana cũng chỉ là một thứ "lãnh vực" bởi vì nó cũng chỉ đơn giản là một đối tượng của sự hiểu biết. Phải thật hết sức đần độn mới không nhận ra được điều này! Chúng ta sẽ chỉ có thể nhận biết được nó khi nào chính mình đã cảm nhận được sự trống không của mình, bởi vì khi đã buông bỏ được sự nắm bắt và bám víu thì khi đó chúng ta mới sẽ tìm thấy sự toại nguyện trong "thế giới"  của nibbana. Thế nhưng như tôi đã nói đến trên đây, điều ấy thật hết sức khó bởi vì cuộc sống của chúng ta luôn bị tràn ngập bởi mọi sự bám víu vào các sự vật, và cho đến khi nào sự bám víu ấy không giảm xuống thì cũng sẽ không có sự trống không, và nếu không có sự trống không thì cũng sẽ không thể nào có sự toại nguyện trong thế giới của nibbana được.

Chúng ta có thể kiểm chứng sự kiện này khi nhìn vào các tôn giáo khác. Thật vậy khái niệm về thể dạng không-bám-víu vào "cái tôi" và cái "của tôi" không hề có trong các tôn giáo khác - tại sao lại như thế? Bởi vì các tôn giáo ấy đều nêu lên một "cái tôi" và nhất thiết phải bám víu vào đấy. Vì nhận thấy chẳng có gì tỏ ra sai lầm nên người ta xem đấy là đúng, do đó việc đạt được Cái Ngã sẽ trở thành mục đích của tôn giáo Đối với giáo huấn Phật Giáo thì hoàn toàn ngược lại, sự bám víu vào "cái tôi" nhất thiết phải được xem như là một sự quán nhận sai lầm về mọi sự vật, một sự lầm lẫn hoàn toàn đần độn của sự nhận thức, do đó chủ đích tu tập của Phật Giáo là phải loại bỏ bất cứ một khái niệm nào đại loại như thế. Thật vậy, giáo huấn về vô-ngã chỉ có trong Phật Giáo. Khác với các tín ngưỡng chủ trương có một cái ngã hầu để bám víu vào đấy hoặc là phải đạt được nó, chúng ta chủ trương phải loại bỏ hoàn toàn ý nghĩ về sự hiện hữu của cái ngã hầu để có thể cảm nhận được thể dạng vô-ngã, một thể dạng hoàn toàn trống không về cái ngã của tất cả mọi sự vật.

Tóm lại chỉ có Phật Giáo là nói đến vô-ngã. Sự hiểu biết và nhận thức về khái niệm đó chỉ có thể phát hiện nơi những người đã được học hỏi rằng: tất cả mọi sự vật đều vô-ngã và nhất thiết không được bám víu vào bất cứ gì. Nếu đã được học hỏi rằng cái ngã thật sự hiện hữu và phải bám víu vào đấy thì sau này quả thật sẽ không còn phương cách nào có thể giúp thực hiện được thể dạng phi-hiện-hữu của cái ngã ấy nữa.

Thật vậy, khi nào đã nhận biết được là lửa có thể làm bỏng tay thì chúng ta mới ý thức được một cách thật minh bạch sự nguy hiểm của mọi sự vật làm nguyên-nhân-cội-rễ khiến ngọn lửa bùng lên - đấy là các ngọn lửa của sự thèm muốn, ghét bỏ và vô minh, của sự nắm bắt và bám víu, nhờ đó dần dần chúng ta sẽ chán ngấy những thứ ấy và mong cầu loại bỏ được chúng, hầu có thể giúp mình đủ sức để buông bỏ và không còn muốn làm cho các ngọn lửa bùng lên nữa.



BUDDHADASA BHIKKHU: Chìa khóa vào chơn lý thiên nhiên (Thiện Nhựt dịch)

   Chánh Pháp (Dhamma).

   Danh từ thứ nhì cần cứu xét đến là Chánh Pháp (Pali: Dhamma, Sancrit:Dharma). Tại cấp bực nhi đồng (thấp nhứt) của ngôn ngữ thông thường hằng ngày, chữ đó được hiểu như là các quyển sách đã ghi chép các Kinh điển, được sắp xếp trên kệ sách. Hoặc nó có thể được hiểu như là lời nói được dùng để giải thích rộng rãi về lời Giáo huấn của Đức Phật. Đấy là ý nghĩa của danh từ Chánh Pháp trong ngôn ngữ hằng ngày, ngôn ngữ của những kẻ còn mê mờ, chưa thấy được Chánh Pháp chơn thật.

   Theo nghĩa của ngôn ngữ trong Chánh Pháp, chữ Chánh Pháp chính là một với Bực Đại Giác, và giống với Bực Đại giác. "Kẻ nào thấy Chánh Pháp, kẻ ấy thấy được Như Lai (Tathàgata).” Đây chính là Chánh Pháp chơn thật. Theo nghĩa ngữ nguyên trong tiếng Pali, chữ Chánh pháp được dùng để chỉ đến tất cả những gì phức tạp có dính dấp với việc tạo thành điều mà ta gọi là Thiên Nhiên. Vì chẳng có đủ thời giờ để bàn luận trong chi tiết, tôi chỉ xin nêu ra các điểm chánh yếu. Danh từ Pháp (dhamma) bao gồm các nghĩa sau đây:

1. Chính Thiên Nhiên;

2. Qui luật của Thiên Nhiên;

3. Nhiệm vụ của mọi chúng sanh là phải hành động dựa đúng theo các qui luật Tự nhiên

4. Các lợi lạc đạt được từ các hành động phù hợp theo Qui luật của Thiên Nhiên.

   Đó là cả một giai tầng rộng rãi gồm các ý nghĩa mà chữ Pháp bao trùm. Nó chẳng chỉ nói đến riêng về các sách vở, các thủ bản lá bối, hoặc các lời nói của diễn giả. Chữ Pháp dùng trong ngôn ngữ của Chánh Pháp trỏ vào các sự việc phi vật chất. Chánh Pháp bao hàm tất cả, nghĩa nó thật sâu xa; trùm chứa hết muôn sự vật; ý nghĩa của nó trong vài trường hợp thì khó hiểu, mà tại vài nơi cũng chẳng quá gay go để nhận thức ra được.

(Ghi chép: Nguyên Minh TVHUNG)