Những bài Pháp ngắn (13) [THẦY VIÊN MINH]



ĐỪNG trở ngược về quá khứ để phát hiện BẢN NGÃ


Kính thưa Thầy, con xin hỏi: Chiêm nghiệm lại "bản vẽ" của mình từ hiện tại trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao, để thấy rõ mình đã tham sân si ra sao..., từ đây sự hình thành của bản ngã được nhận rõ..., có phải việc làm nầy là chánh tư duy không? Có cần làm điều nầy mới đánh bật được gốc của bản ngã và vô minh ái dục không? Chúc Thầy sức khỏe tốt.
Trả lời: Nhớ lại quá khứ là một chức năng tự nhiên xuất hiện khi cần đến. Nhưng không cần phải chủ tâm "trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao". Bởi vì không chừng ý đồ trở về này cũng phát xuất từ bản ngã. Chỉ cần nhận ra cái ta trong hiện tại thì tự nhiên thấy ra nó trong quá khứ đã diễn biến như thế nào. Nói là "chiêm nghiệm" nhưng thực ra chỉ chiêm nghiệm thật sự khi lắng nghe quan sát thực tại đang là, vì chỉ có thể nhớ lại quá khứ để suy ngẫm chứ không thể chiêm nghiệm quá khứ được. Đúng nghĩa từ chiêm nghiệm là quan sát sự kiện đang trải nghiệm. Nếu lo nhớ lại quá khứ để suy ngẫm thì không thể phát hiện được cái ta đang hiện hành ra sao, như vậy làm thế nào mà đánh bật được gốc của bản ngã? Chánh tư duy chỉ có khi có chánh tri kiến trên sự kiện thực tại. Thực tại đó có thể là một hình ảnh quá khứ đang tái hiện tự nhiên. Nhưng tự ý tư duy về quá khứ để tìm tòi thì đó không phải là chánh tư duy mà chỉ là hoạt động của lý trí, phần lớn hoạt động này là vọng niệm. Do đó, đức Phật dạy: "Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây" vậy.

***
Thưa Sư, xin sư giải thích rõ hơn về sự khác biệt giữa chánh niệm trong hiện tại và đắm chìm trong hiện tại? Liệu chánh niệm tỉnh giác có loại trừ niềm vui trong hiện tại không? Liệu chánh niệm tỉnh giác có loại trừ niềm vui khi ngắm một cảnh hoàng hôn, nghe một tiếng chim hót, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một đứa trẻ, một người phụ nữ hay đàn ông?
Trả lời:
1) Tất nhiên là chánh niệm trong hiện tại và đắm chìm trong hiện tại là hai thái độ khác xa nhau một trời một vực. Chánh niệm là trọn vẹn với hiện tại, nghĩa là không thất niệm, không vọng niệm và không tạp niệm đối với thực tại. Trong khi đắm chìm trong hiện tại là do tham sân si, hoặc là do dính mắc trong trạng thái thiền định, gọi là sắc ái, vô sắc ái.
2) Chánh niệm tỉnh giác không loại trừ điều gì cả mà chỉ thấy biết thực tánh của pháp thôi. Còn việc niềm vui trong hiện tại có bị loại trừ hay không thì tùy thuộc vào tính chất của niềm vui ấy. Nếu niềm vui là do khi chánh niệm tỉnh giác tâm được an nhiên tự tại thì đó là an lạc tự nhiên nên không những không bị loại trừ mà còn được sung mãn nữa. Nhưng nếu niềm vui là do tham ái (tâm tham tương ưng với hỷ) thì sẽ tự diệt ngay khi có chánh niệm tỉnh giác, chứ không phải chánh niệm tỉnh giác để diệt tham ái.
3) Vẻ đẹp cũng có hai loại: Vẻ đẹp tự nhiên của muôn loài vạn vật và vẻ đẹp theo quan niệm của mỗi người. Chánh niệm tỉnh giác thật sự thì phản ánh trung thực vẻ đẹp tự nhiên của vạn pháp vì đó là thực tánh. Nhưng đồng thời mọi quan niệm về vẻ đẹp sẽ tự biến mất trong chánh niệm tỉnh giác, vì đó chỉ là khái niệm chế định, hay chỉ là ảo tưởng. 

                              

Yếu tố quan trọng chính là:
PHÁT HIỆN BẢN NGÃ và BUÔNG CÁI BẢN NGÃ

Kính thưa thầy, trong sống tùy duyên thuận pháp thì yếu tố nào quan trọng? Thận trọng, chú tâm, quan sát hay Sáng suốt, định tĩnh, trong lành? Hay là cứ tùy duyên mà cảm ứng? Sống thuận pháp có phải giống như "An mệnh thủ thường" theo thuyết Số mạng hoặc Định mệnh không?

Trả lời: Sáng suốt, định tĩnh, trong lành và thận trọng, chú tâm, quan sát đều phát xuất từ một góc, đó là TÁNH BIẾT
- Khi không bị bản ngã che lấp tánh biết tự có ba đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành, nên gọi là tự tánh giới định tuệ.
- Khi động dụng thì tánh biết tùy duyên ứng ra ba đức thận trọng, chú tâm, quan sát nên gọi là tùy dụng giới định tuệ. Như vậy tùy khi hữu sự hay vô sự mà tánh biết tự ứng, không phải là tính toán của bản ngã. 
Trong giới định tuệ chế định mới có bản ngã tu tập rèn luyện, nhưng trong tánh biết rỗng lặng trong sáng thì thì giới định tuệ sẽ tự ứng một cách tự nhiên khi không bị bản ngã che lấp. 
Trong pháp tu này phát hiện bản ngã và buông cái bản ngã lăng xăng ấy là điều tối trọng. Nếu "An mệnh thủ thường" hiểu theo nghĩa trên thì đúng, nhưng nếu là thái độ chấp nhận một cách buông xuôi, thả trôi theo số mệnh thì không đúng. Phát hiện đâu là cái ta ảo tưởng, đâu là thực tánh pháp gọi là MINH. Minh thì thấy pháp và sống thuận pháp chứ không buông xuôi theo định mệnh.

                            


Đừng tưởng tượng so sánh và kết luận


Kính bạch Thầy. 

1. Theo con nhận thức được, pháp Thầy chỉ dạy luôn nhấn mạnh vào Tánh Thấy vốn đã sẵn có, đầy đủ nơi mỗi người. Cốt lõi của việc tu tập là buông bỏ cái bản ngã ảo tưởng che lấp để Tánh Thấy soi chiếu trọn vẹn dòng chảy của pháp. Tướng dụng cũng do tùy thời, tùy duyên mà tùy ứng từ tánh thấy, trực tiếp ngay trên mỗi pháp. Con có một điều thắc mắc: Chỗ Tánh Thấy này, nếu hiểu chệch đi một chút sẽ trở thành cái Đại Ngã của Bàlamôn giáo, dễ rơi vào Thường Kiến mà Đức Phật đã phê phán. Con chỉ cảm nhận được mà không biết diễn đạt ra sao ạ.
 2. Trong cuộc sống của con, khi con ứng dụng sáng suốt định tĩnh trong lành để sống trực tiếp trên pháp, con nhận thấy cuộc sống của mình là một vai diễn trong một vở kịch lớn, và nhiều lúc con thấy ngột ngạt khi phải đóng một vai diễn quá sức. Con nghĩ ý muốn thoát ra khỏi vai diễn đó cũng là bản ngã, mà cuộc sống là vậy không thể nào thoát ra khỏi nó nên con làm theo lời Thầy dạy, nhẫn nại với vai diễn của mình để học ra bài học giác ngộ. Nhưng con vẫn có cảm giác rằng, nếu mình được đóng một vai diễn hợp với mình, hợp với khả năng, hợp với tính cách của mình thì mình sẽ dễ dàng học ra hơn, ít bì gò bó ức chế hơn. Có phải như vậy không thầy? Khi nhận thức ra điều đó, nếu con chủ động đi tìm một vai diễn khác (dù chưa biết cái đó có hợp với mình không), và dám chấp nhận sự thành bại của một vai diễn mới để tiếp tục bài học giác ngộ thì có phải là hành động của vô minh ái dục không thưa Thầy? Con kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh.
Trả lời:
1) Tánh biết là cái mà mỗi người sẵn có, khác quá xa với cái gọi là Đại Ngã trường tồn bất biến. Tánh biết biết pháp thì biến hóa vô cùng trên đối tượng vô thường, làm sao mà bất biến được. Tuệ đầu tiên của thiền Vipassanà là thấy chỉ có danh và sắc, không có bản ngã. Sắc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; còn danh là tâm có tánh chất biết pháp nên gọi là tánh biết. Đơn giản vậy thôi sao lại "cảm nhận" ra thành Đại ngã làm gì? (Khi nghe hãy trực nhận ngay điều được nói chứ đừng tưởng tượng rồi so sánh kết luận lăng xăng v.v...). Người không có tánh biết nghĩa là người không có tâm (danh) mà chỉ có thân (sắc) thôi thì khác gì xác chết? Sở dĩ nói tánh biết sẵn có vì người nào mà chẳng có sẵn danh sắc, nếu không có tánh biết sẵn có đó thì lấy gì để tu?Nhưng tánh biết vốn vô ngã nên rất trong sáng. Chính cái ta ảo tưởng che mờ tánh biết nên không phát huy được tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành sẵn có bên trong. Vì vậy mục đích chính của thiền Vipassanà là buông cái ta ảo tưởng đi để tánh biết vô ngã tự soi chiếu thực tánh pháp ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp này. Nếu không làm như vậy mà lại đem cái "ta biết" ra tu tập thì tuệ thứ nhất không bao giờ đạt được, làm sao nói đến đắc Đạo đắc Quả gì được!
2) Cuộc sống tự nó không phải là vai diễn, mà là pháp đang vận hành đúng với luật nhân quả duyên báo rất tự nhiên của nó. Cuộc sống là bài học duy nhất của sự giác ngộ, không qua đó mà giác ngộ thì không tìm đâu ra sự giác ngộ ở nơi nào khác. Chính cái ta ảo tưởng lăng xăng phản ứng tạo tác trên cuộc sống đó mới là vai diễn. Vấn đề là có phát huy được sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành sẵn có trong tánh biết pháp để loại trừ vai diễn của cái ta ảo tưởng đó đi không, chứ không phải đổi vai diễn này qua vai diễn khác. Bàn ngã đã diễn sai nên tự chuốc lấy ngột ngạt, bây giờ lại tiếp tục sai lầm khi muốn đổi vai diễn khác như ý mình thì thực ra chỉ đổi ngột ngạt này qua ngột ngạt khác mà thôi. Bao lâu còn muốn diễn thì mãi mãi vẫn còn ngột ngạt khôn nguôi!

***
Khi con thấy khổ đau là bài học để con thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống thì con sẽ biết trân quý nó và con sẽ vô cùng cám ơn những nỗi khổ đau đã giúp con giác ngộ sự thât. Chỉ có giải thoát khi nào con giác ngộ ra sự thật. Tuyệt đối không có cách nào để giải thoát được khi con vãn chưa thấy ra sự thật về chính mình và cuộc sống. Ví như khi con lạc vào rừng, không phải chỉ nôn nóng muốn thoát ra là thoát ra được, mà con phải sáng suốt biết rõ khả năng của minh và nhẫn nại khám phá những nguy hiểm của khu rừng ấy thì mới tìm thấy đường ra. Hãy học từ đau khổ bài học giác ngộ giải thoát.


                               

VĂN TU, TƯ TU, TU TU và TRÌNH ĐỘ TU TẬP


Văn tuệ có 2 loại: 
1) Nhờ thu gom kiến thức mà có. 
2) Nhờ nghe mà được khai mở và giác ngộ, như nhiều vị nhờ nghe một câu kệ hay một pháp thoại đức Phật dạy mà đắc đạo quả từ Tu-đà hoàn đến A-la-hán. Như vậy chứng tỏ loại văn tuệ thứ 2 không phải là sở tri chướng. Loại văn tuệ thứ nhất cũng có 2 trường hợp: Nếu kiến thức làm trở ngại cho việc tu chứng thì đó là sở tri chướng. Nếu kiến thức chỉ giúp loại trừ những hiểu biết sai lầm để tiếp cận với thực tánh thì nó hỗ trợ cho việc tu chứng, không phải là sở tri chướng. Nói tóm lại, kiến thức nào mang tính chế định để áp dụng mới trở ngại, còn kiến thức nào mang tính khai mở để thấy thì không trở ngại.
Tư tuệ có hai loại: 

1) Nhờ suy tư qua kiến thức mà có. 2) Nhờ suy tư qua tri kiến chân thực mà có. Nếu nhờ tư duy qua thấy biết sự kiện thật tức chánh tư duy thì không trở ngại. Nếu tư duy trên kiến thức chưa được đươc kiểm nghiệm qua thấy biết thật thì sẽ là sở tri chướng. Tư tưởng phát xuất từ bản ngã lý tri không thể gọi là tư tuệ, Chỉ có chánh tư duy mới là tư tuệ thôi.
Tu tuệ cũng có 2 loại: 

1) Thủ đắc trí phát sinh từ kinh nghiệm tu tập 2) Vô sư trí là trí tuệ tự nhiên sẵn có của tánh biết. Thủ đắc trí nếu chưa đạt đến vô ngã vô chấp thì vẫn còn có thể là sở tri chướng. Vô sư trí thì không phải là chướng ngại.

***
Kính thưa Thầy, con xin hỏi, một người trên bước đường tu tập, tự bản thân họ có thể biết trình độ tu tập của họ tới mức độ nào không? Con cám ơn Thầy.
Trả lời: Nếu một người biết chánh niệm tỉnh giác, tức luôn thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình thì có thể tự biết trình độ tu tập của mình. Trong tu tập, khám phá chính mình để thấy ra đâu đúng đâu sai, đâu chân đâu giả, v.v... thì người đó đồng thời cũng khám phá ra căn cơ trình độ của mình. Những phương pháp tu hướng ngoại, hoặc chỉ mong cầu ở sở đắc trong tương lai hay ở một nơi nào khác thì khó biết được trình độ của minh. Còn người thấy ra đâu là pháp, đâu là ngã, đâu là tập khí sinh tử thì họ có thể thấy ra căn cơ trình độ tu tập của mình một cách dễ dàng.
***
Thưa thầy! Vậy có thể nào, một người không cần trải nghiệm thực tế nơi chính mình mà vẫn học được bài học pháp qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả, sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp không ạ? Con cảm ơn thầy!
Trả lời: Có thể "qua kiến thức, qua quan sát những trường hợp xảy ra trong cuộc sống xung quanh, để thấy được nhân quả sinh điệt, vị ngọt và sự nguy hại của pháp" nhưng với điều kiện trong những kiếp trước đã từng trải nghiệm và học ra bài học đó rồi. Do đó trong kiếp này, dù chỉ nghe thấy bên ngoài cũng có thể xuất ly. Nhưng nếu bây giờ vẫn không xuất ly được chứng tỏ là bài học đó chưa học được một cách hoàn toàn.

***

Thưa Thầy! Xin Thầy cho con hỏi người tu hành tu đến mức nào thì mới tin nhân quả 100%, đến mức nào thì mới thấy rõ nhân quả không sai lạc? Con cảm ơn Thầy!
Trả lời:Khi nào tâm con không còn bị ngăn che bởi khái niệm, tư tưởng, tình cảm, lý trí chủ quan v.v. thi lập tức thấy ngay nhân quả. Nhưng chính khi con đưa ra mức thời gian thì tâm con đã bị vướng bận rồi đó. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại, hay phản ánh thực tại với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành, thì tự khắc con sẽ thấy ngay nhân quả không thể nào sai lệch được.


                               


TỰ LỰC, THA LỰC, CẦU và NGUYỆN 

1) Khi còn bản ngã thì còn tự lực và tha lực. Một em bé tất nhiên cần tha lực của mẹ cha v.v... Nhưng khi lớn lên em phải phát huy tự lực vì tự lực là nhân, tha lực chỉ là duyên. Khi không còn bản ngã nữa thì hoặc tự lực và tha lực là một hoặc không cần tự lực tha lực gì cả. 
2) Cầu và nguyện là hai việc khác nhau. Cầu là xin hay mong được một điều gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy thường dựa vào tha lực. Nguyện là quyết tâm làm một việc gì đó cho mình hoặc người khác, vì vậy cần tự lực nhiều hơn. Ví dụ nguyện giữ giới, nguyện hồi hướng, nguyện sống vô ngã vị tha v.v. 
3) Người tu tập cần dựa vào tự lực thì mới nhận được tối đa sự trợ giúp của tha lực. Ví dụ một em học sinh phải siêng năng học tập thì mới học được nhiều bài học từ thầy cô. Nếu em không chịu học tập thì thầy cô giảng chỉ làm em nhức đầu thêm mà thôi. Tự mình phải biết tiếp thu những nguồn trợ lực để phát huy tự lực cho đến khi có thể tự lập thì không nên dựa vào tha lực nữa. Ví dụ như một người bị thương phải nhờ vào xe lăn mà đi, nhưng khi đã khỏi thì phải tự tập đi chứ không nên ngồi xe lăn mãi. Cha mẹ nuôi dạy con chỉ muốn con khôn lớn để có thể tự lập chứ không ai mong con cái ỷ lại vào mình. Chư Phật cũng vậy, chỉ khai thị cho chúng sanh biết tự giác ngộ giải thoát. Nếu ai không tự nỗ lực thì dù cho cầu Phật gia hộ cũng không thoát khỏi phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy: "Mỗi người là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ cho mình được. Khi đã trở nên thuần tịnh thì chính mình là nơi nương nhờ tối thượng". Vì vậy "Mỗi người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".

***
Câu hỏi: Thưa thầy, Con có băn khoăn về câu hỏi của một bạn trong mục này về việc nhẹ vía và buổi đêm đi ngủ thường có cảm giác như đang nói chuyện với ai và ngủ xong thấy mệt mỏi. Thưa sư, theo như con biết thì hình như ở một vài trường phái tâm linh khác cũng có khi chủ động làm việc này như "xuất vía đi học hỏi trao đổi từ nơi này nơi kia hoặc làm một số việc này khác". Như vậy thì ở một góc độ khác việc này cũng không phải là vấn đề gì lắm, nếu mình thực sự có thể hiểu và chủ động trong việc này. Lại nữa, thầy có nói nên niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO là hai trong 9 ân đức của đức Phật, là đức tính hoàn toàn thanh tịnh trong sáng của chư Phật. Con cũng không hiểu về niệm Phật lắm nhưng con nghĩ chắc niệm Phật hay niệm một điều gì khác cũng mang lại định tâm thôi. Và có đoạn này con cũng hơi thắc mắc: "Nếu có dịp đến chùa thầy tặng con một tượng Phật để đeo sẽ không còn hiện tượng đó nữa", con cũng băn khoăn không biết tượng Phật có tác dụng nhiều không ạ vì con thấy bên Phật giáo Nguyên thủy ít nói tới vấn đề tha lực. Những điều trên theo con hiểu là vậy, không biết con có bị thiếu đức tin vào những điều thiêng liêng không? Con mong thầy chỉ bảo những sai thiếu cho con. Con xin cảm ơn thầy.
Trả lời:
1) Trạng thái "nhẹ vía" trong giấc ngủ đó có thể do bị xáo trộn tâm lý đưa đến thần kinh căng thẳng hay suy nhược, cũng có thể do "điển" bên ngoài quấy nhiễu. Trường hợp thật sự thông hiểu và chủ động được thì không sao, nhưng nếu thích xuất vía để thỏa mãn cái ta thì cũng có ngày gặp "ma", nếu không thì dần dần cũng rơi vào tình trạng ... suy nhược!
2) Nếu tâm trí luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì tất nhiên là không cần niệm Phật hay niệm bất cứ điều gì khác. Đeo tượng Phật cũng vậy. Đó chỉ là tùy bệnh mà cho thuốc, không bệnh thì cũng không cần dùng thuốc. Tha lực hay tự lực đều có chỗ sai chỗ đúng, tùy thuộc vào mức độ nhận thức của mỗi người. Nếu xem tự lực là bản ngã thì chẳng thà tin tha lực mà vô ngã còn hơn. Ngược lại, hoàn toàn nô lệ vào tha lực thì biết khi nào mới tự tri tự giác. Một người sống vô ngã thuận pháp thì tha lực và tự lực không hai, vì tha lực hay tự lực cũng đều là pháp cả.
Nếu hiểu tha lực là lực bên ngoài thì mỗi pháp tồn tại đều có tự và tha. Mỗi ngày chúng ta sống đều nhờ vào vô số nguồn lực bên ngoài làm sao mà hoàn toàn tự lực được. Sống là sự tương giao vận hành giữa trong và ngoài, do đó phải biết rõ sự tương giao đó hơn là phân biệt trong với ngoài, tự với tha. Nếu hiểu tha lực là lực siêu nhiên, như Ân Đức của Tam Bảo, oai lực của Chư Thiên v.v. thì vẫn có. Do đó, với những người chưa đủ chánh niệm tỉnh giác, thường thiên về đức tin, thì một số pháp môn như niệm Phật hay đeo tượng Phật là pháp hỗ trợ để tâm họ dễ an ổn hơn. Đó là mượn tha lực để phục hồi tự lực. Trong rất nhiều trường hợp đức Phật không dùng tới tự lực mà tha lực làm giúp Ngài. Ví dụ như khi đức Phật bị xúc phạm thì vi Hộ Pháp hiện ra làm cho người kia sợ hãi không dám xúc phạm Ngài nữa. 

         


HOẠT ĐỘNG CỦA VÔ THỨC

Thưa thầy, thầy dạy rằng: "Khi động dụng thì cẩn thận, chú tâm, quan sát. Khi vô sự, buông ra mọi ý đồ tạo tác để cho thân tâm nghỉ ngơi, thì tánh biết liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành". Vậy thưa thầy, khi con chìm vào giấc ngủ thì có những trường hợp sau: 1. Có khi con biết được phần Vô thức của con vẫn làm việc một cách "máy móc" mà con không làm gì được. Điều này cũng giống như đang tỉnh. 2. Có khi phần Vô thức hoạt động một cách "trí tuệ". 3. Có khi con ngủ rất sâu chẳng biết gì cả, tất cả các căn đóng lại không còn tiếp xúc gì với 6 trần nữa. Vậy 3 trạng thái này có giống như đánh mất mình không thưa thầy? Con có cần làm gì thêm để trau dồi sự "biết mình" không? Xin thầy chỉ dạy thêm. Con cám ơn thầy nhiều.

Trả lời:Chỉ cần trong sinh hoạt hàng ngày (khi thức) con thường chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là biết tùy nghi sử dụng những yếu tố sẵn có mà thầy nói lúc động dụng hay lúc vô sự thì khi ngủ tâm tự nó sẽ ổn định trong trạng thái vô thức mà con không cần làm gì cả. Tùy theo từng giai đoạn của một giấc ngủ cạn hay sâu mà con có thể "biết" hay không biết hoạt động của vô thức trong Bhavanga. Thực ra, khi biết cũng không phải là cái biết của ý thức mà là bằng hoạt động máy móc của ý giới, nên biết mà cũng không làm gì được là phải. Vô thức hoạt động theo quy trình tự nhiên của định luật tâm (citta niyama), một chức năng âm thầm của tánh biết ở trạng thái không ý thức nên không thể nói là trí tuệ hay không trí tuệ. Nhưng khi tâm con đã hoàn toàn trong sáng không còn phiền não ngủ ngầm nữa thì vô thức cũng trở thành tâm thanh tịnh sáng suốt (bạch tịnh thức). Con chỉ đánh mất mình khi tâm vọng niệm, tạp niệm hay thất niệm, chứ lúc ngủ có ý niệm "mình" đâu mà mất hay còn? Trong giấc chiêm bao thì vì có "ý thức trong mộng" nên mới có ý niệm mất mình ảo mà thôi.
Chỉ cần tánh biết thường soi chiếu thì tự nhiên thấy rõ hoạt động của thân - thọ - tâm - pháp tức là đang "hữu thức hóa vô thức". Vì vô thức thường xuất hiện qua những hoạt động trên 4 lãnh vực thân, thọ, tâm, pháp nên đức Phật dạy chỉ cần thường thận trọng, chú tâm, quan sát chúng khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên thì sẽ không gia thêm vô thức vào vô thức nữa, ngược lại đó là cách duy nhất để chuyển hóa vô thức, hay nói cách khác là đưa vô thức ra ánh sáng.



HÃY TỰ KHÁM PHÁ SỰ THẬT

Kính thưa thầy, 
 1. Con người lúc còn vô minh thì có bản ngã. Khi mạng chung, mất thân người, bản ngã vẫn còn hay không?
 2. Các loại thực vật vẫn có cái biết theo bản năng mà không có tham sân si, vậy có phải cây cỏ luôn sống trong Niết-bàn không?
 3. Những loài vật thông minh vẫn có tánh biết, vậy có thể nói loài vật cũng có Phật tánh hay không? 
4. Con người theo lục đạo luân hồi mà tái sanh, phải chăng con người đánh mất Phật tánh của mình khi tái sanh vào các cõi thấp hơn? Con xin cám ơn Thầy. 
Trả lời:Trong khóa giảng lần 5 tại Bửu Long, ở ngày đầu tiên (Ngày 1A - Cái thực) thầy đã có nói rất rõ về những vấn đề này rồi, con vào mục Pháp Thoại để nghe nhé. Ở đây thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi. 
1) Khi sống có chấp ngã thì khái niệm ngã đã được ghi sâu trong tiềm thức Bhavanga hay Duy Thức gọi là A-lại-da thức, nên dù chết khái niệm bản ngã vẫn còn như hạt giống, và hạt giống đó sẽ có cơ hội tái hiện sau khi tái sinh.
2) Bài kệ sau đây sẽ thay thầy giải đáp câu hỏi của con: 


Chư Pháp tùng bản lai 
Thường tự tịch diệt tướng 
Xuân đáo bách hoa khai 
Hoàng Oanh đề liễu thượng 

3) Triệu Châu trả lời là "VÔ" (Chừng nào con ngộ chữ VÔ ấy của Triệu Châu thì đó chính là câu trả lời, còn bây giờ thầy nói cũng vô ích thôi)
4) Nếu không có Phật tánh đương nhiên là ... không mất, còn nếu đã có Phật tánh thì con nói mất cái gi?
Những câu hỏi này không có câu trả lời để thỏa mãn lý trí đâu. Hãy tự khám phá sự thật, sẽ thú vị hơn là chỉ dựa vào nhận thức của người khác.



                                                                                                                                                       


THỜ XÁ LỢI

1) Không nên thờ Xá-lợi ở tư gia, vì ít tư gia có chỗ đủ điều kiện trang nghiêm, thanh tịnh và cung kính để tôn trí, nên ngày xưa vua Asoka chỉ tạo dựng bảo tháp riêng để thờ mà thôi, Các nước lân cận cũng thỉnh Xá-lợi về rồi xây dụng bảo tháp rất hùng vĩ ở những vị trí đặc biệt để thờ.
2) Không nên thờ trong nhà hay đeo theo trên người, xem Xá-lợi như bùa hộ mạng để tránh tai họa hay trấn ếm ma quỷ.
3) Không nên đem Xá-lợi ra để đổi chác, mua bán hay làm quà tặng vì mục đích danh lợi bất chánh, hay vì tình cảm cá nhân.
4) Không nên sưu tầm Xá-lợi để làm collection như sưu tầm các vật quý khác, trở thành đối tượng của lòng tham. Đã quý thì một ngôi Xá-lợi cũng quý lắm rồi.
5) Xá- lợi hiện nay có thật có giả khó lường, không vội tin mà cũng đừng nghi ngờ phỉ báng.
6) Không nên chiếm hữu Xá-lợi như của riêng một cách ích kỷ, thay vì tôn trí những nơi tôn nghiêm mà mọi người đều được chiêm bái, chư thiên có thể đến được để hộ trì.Bên cạnh cũng có ý kiến hoàn toàn trái ngược: 
1) Ai hữu phước có được Xá-lợi thì người đó có bổn phận hộ trì gìn giữ. Chắc gì giữ trong chùa trong Tháp không bị lợi dụng để cầu danh cầu lợi.
2) Thờ chỗ cao quý hay nơi nghèo hèn, chỗ trang trọng hay nơi đơn sơ không quan trọng mà quan trọng là lòng tôn kính của mình.
3) Thờ trong nhà hay đeo theo trên mình là để luôn nhắc nhở mình phải tinh tấn thanh tịnh thân khẩu ý.
4) Xá-lợi thật hay giả cũng không quan trọng, cứ nghĩ đó là Xá-lợi với lòng tôn kính là được. Tượng Phật bằng đồng bằng đá mà mình vẫn kính lễ và cũng vẫn có phước vậy




ĐỌC TỤNG KINH - Sự mầu nhiệm của tụng kinh Pali

Tụng kinh thầm hay ra tiếng đều được, nhưng đôi lúc tụng kinh ra tiếng cũng có ưu điểm của nó nhờ có sự trợ lực của âm thanh. Khi tụng nên chú tâm lắng nghe lại âm thanh đang tụng đọc. Người Nhật Bản và Tây Tạng tụng kinh rất hùng hồn nên lực rất mạnh, họ còn trợ lực bằng tiếng chuông tiếng trống và các nhạc cụ khác như mõ, kèn v.v... mỗi âm thanh có một tác dụng riêng, như: tiếng trống giúp tinh cần, dũng mãnh, tiếng chuông giúp trầm lắng, chánh niệm, tiếng mõ giúp tỉnh thức, sáng suốt v.v... như vậy những âm thanh đó là phương tiện hỗ trợ cho tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Tụng kinh Pali cũng vậy, nhất là khi tụng tập thể, âm thanh cuồn cuộn như tiếng sóng vỗ (hải triều âm) tạo ra dũng lực rất mạnh giúp sách tấn, phấn khởi để xua tan phiền não, ô trược, dễ duôi, buông phóng hay trầm cảm. Tụng thầm thì nên nhắm mắt, chú tâm để cho định lực tập trung cao, hoặc thanh thản buông thư để nhẹ nhàng thanh thoát.
Đối với người âm, thì tâm lực cộng với oai lực của lời kinh (nhất là kinh Pali, vì đó là ngôn ngữ của Phật) được hỗ trợ bởi những âm thanh tạo ra dương khí giúp giải tỏa bớt âm khí của họ nên họ rất ưa chuộng lời kinh tiếng kệ tụng với tâm đức của người tu hành có thể giúp họ siêu thoát.

***
Thường đọc Kinh Phật để thông suốt nghĩa lý, thường nghe giảng để học thêm kinh nghiệm tu học của chư Tăng, thường đàm đạo với những người đồng tu để trao đổi thấy biết và thường biết ứng dụng sự sáng suốt định tĩnh trong lành, thận trọng chú tâm quan sát để sống chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hàng ngày là con đã "làm rất nhiều" (như Phật đã dạy). Phật dạy rằng dù một người sống 100 năm mỗi ngày đều đọc tụng kinh điển, bố thí trân châu quí báu nhiều bằng tam thiên đại thiên thế giới không bằng sống trong một giây phút trọn vẹn với Tam Quy. Thầy đã dạy Tam Quy chính là hành động nói năng suy nghĩ sáng suốt (quy y Phật), định tĩnh (quy y Pháp), và trong lành (quy y Tăng), vậy nếu con hàng ngày sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì còn muốn thêm điều gì nữa cho mất thì giờ. Đi chùa, sám hối, tụng kinh chỉ là tạo cơ hội cho lúc chưa thấy pháp, còn đã thấy pháp rồi thì không đâu không là pháp cả.


SAO HẠN và NGHIỆP BÁO

Sao hạn có thể là sự tương quan giữa nhân quả nghiệp báo với năm tháng ngày giờ. Môn Tử Vi định ra tên của những vì sao để biểu trưng cho những sự kiết hung tốt xấu khác nhau. Ví dụ một người quá khứ gieo nhân xấu nên tái sinh vào năm tháng ngày giờ có những sao tương ứng để nhận quả xấu theo chu trình vận hành nhân quả. Đây là một phát kiến khá thú vị giúp con người qua đó thấy ra phần nào nghiệp quá khứ của mình. Theo Phật giáo thì mỗi người có thể chuyển nghiệp của mình bằng cách "Tránh ác, làm lành và thanh tịnh tâm ý" chứ không phải cúng ông sao nào cả (vì sao là hình ảnh tượng trưng chứ không phải là ngôi sao thật). Tuy nhiên, nếu cúng có ý nghĩa là tạ ơn hay sám hối những lỗi lầm của mình trước Tam Bảo, Ông bà cha mẹ hay Chư Thiên là điều đáng làm.


***

Nghiệp là một trong những điều mà đức Phật dạy là không thể nghĩ bàn (acinteyya). Muốn thấu hiểu về nghiệp con chỉ nên quan sát, chiêm nghiệm bằng trực quan để thấy ngay trên bản chất và hiện tượng của từng sự kiện cụ thể, chứ không nên dùng lý trí để tìm hiểu, phê phán, kết luận. Nghiệp nào chung thì có kết quả chung, nghiệp nào riêng thì trả quả riêng, trong chung cũng có riêng tùy theo mức độ tạo tác của mỗi chúng sanh. Vì vậy, không nên gộp chung thành một cộng đồng nào. Hãy tập quan sát, chiêm nghiệm nghiệp nhân nghiệp quả của mình trước rồi tự nhiên sẽ thấy ra nghiệp người khác và nghiêp chung của một tập thể hay cộng đồng. Nghiệp là chân lý nòng cốt và độc đáo của Phật giáo, mong con chiêm nghiệm để thấy ra sự thật chứ không nên chỉ tin theo lý thuyết hay tự tưởng tượng theo ý mình.