TỰ DO ÐÍCH THỰC (Krishnamurti)


Có nhiều loại tự do, chắc chắn là như vậy. Có loại tự do về chính trị. Có loại tự do từ kiến thức mang lại, nhờ đó, bạn biết cách làm việc này, việc kia,

"biết cách làm thế nào ... ". Có cái tự do của người nhiều tiền của được đi du lịch vòng quanh thế giới. Nào là tự do vì có khả năng, có thể viết lách, có thể bày tỏ tư tưởng của mình, có thể suy nghĩ một cách minh mẫn. Lại có loại tự do vì thoát khỏi sự vướng mắc vào cái gì đó, thí dụ thoát khỏi sự đàn áp, sự thèm khát, truyền thống, lòng tham lam, v . v . . . Có loại tự do là kết quả của sự phấn đấu mà giành được, chúng ta hy vọng rằng khi kết thúc một quá trình hành trì, kết thúc một quá trình rèn luyện phẩm hạnh, kết thúc một quá trình cố gắng, sự tự do tối thượng mà chúng ta ước ao này sẽ giúp chúng ta làm được một số công việc. Nói về những sự tự do như sự tự do nhờ khả năng mang lại, sự tự do từ một cái gì đó, sự tự do mà chúng ta cho rằng sẽ đạt được sau một thời gian rèn luyện phẩm hạnh, thì tất cả các loại tự do đó chúng ta đều đã biết rồi. Vậy câu hỏi là, phải chăng tất cả những loại tự do đó đều chỉ là những phản ứng? Khi bạn nói :" Tôi muốn giải thoát khỏi sự giận dữ", đó chỉ là một phản ứng của lòng mong muốn, không phải là sự tự do, giải thoát khỏi sự giận dữ. Và ngay chính sự tự do mà bạn tưởng rằng bạn sẽ đạt được sau một đời rèn luyện phẩm hạnh, do phấn đấu, do ép mình, đó cũng chỉ là những phản ứng của các việc mà bạn đã làm.
Xin hãy theo dõi cẩn thận, bởi vì điều mà tôi sẽ nói ra có thể khiến cho bạn thấy khó hiểu vì có một cái gì đó có vẻ như không quen thuộc với dòng suy nghĩ của bạn. Có một loại tự do vốn không từ điều gì mang lại, không có nguyên nhân, nhưng là một trạng thái giải thoát.
Bạn thấy đó, sự tự do mà chúng ta đã biết thì đều luôn luôn đạt được nhờ ý chí, đúng không? Tôi sẽ được tự do. Tôi sẽ học một khoa kỹ thuật. Tôi sẽ trở thành một chuyên viên. Tôi sẽ học hỏi. Và cái ý chí đó mang đến cho tôi tự do. Cho nên chúng ta dùng cái ý chí để đạt sự tự do. Chúng ta không muốn trở nên nghèo, do đó, chúng ta dùng khả năng, dùng tất cả quyết tâm của chúng ta để đạt được sự giầu có. Hoặc, tôi là kẻ vô dụng, cho nên tôi quyết tâm học tập để hết vô dụng. Và chúng ta tưởng rằng chúng ta sẽ tìm được tự do khi chúng ta hành động với sự quyết tâm, với ý chí. Nhưng mà, ý chí không đem đến tự do, mà ngược lại, như tôi sẽ trình bày dưới đây. Ý chí là gì? Tôi sẽ là ..., tôi sẽ không được là ..., tôi sẽ phấn đấu để trở nên cái gì đó ..., tôi sẽ học hỏi ...v . v ...
Tất cả những chuyện kể trên đều là những dạng hành động của ý chí. Vậy thì cái ý chí này là gì, nó hình thành ra sao? Hiển nhiên là từ khát vọng. Biết bao nhiêu là nỗi niềm khát vọng của chúng ta, với những sự thất vọng, những sự bó buộc, những sự hoàn tất, kết lại như sợi dây ràng buộc. Ðó là ý chí, phải vậy không? Quá nhiều nỗi khát vọng của bạn kết hợp lại với nhau, tạo thành một sợi dây chão và nhờ nó mà bạn cố gắng leo lên bậc thang thành công, muốn tiến đến tự do. Vậy thì, xin hỏi rằng khát vọng có đem lại tự do được không, hay là chính cái khát vọng để đạt được tự do đó lại làm cho người ta mất tự do? Xin các bạn hãy nhìn vào bản thân, tự xét cái lòng khao khát của chính bạn, cái tham vọng của chính bạn, cái ý chí của chính bạn.
Tôi lại xin hỏi rằng cái ý chí của bạn có phải là nhân tố của tự do không? Ý chí có mang lại tự do không? Hay là tự do, giải thoát là một cái gì hoàn toàn khác hẳn, nó không liên hệ gì với phản ứng, không thể đạt được nhờ khả năng, nhờ suy nghĩ, nhờ kinh nghiệm, nhờ kỷ luật.
. . . Tự do, giải thoát, là một phẩm chất của tâm hồn. Cái phẩm chất này không đến từ sự thận trọng tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, sắp xếp tư tưởng lại với nhau. Tư tưởng và tự do, giải thoát, là hai điều đối nghịch. Tư tưởng không đem tới tự do, giải thoát, vì tư tưởng đã bị điều kiện hóa. Cái phẩm chất của tâm hồn này là sự tỉnh giác, chỉ ghi nhận thuần túy, không phân tách, không so sánh từ kinh nghiệm của quá khứ, v.v ... Ðó chính là khởi đầu của sự tự do đích thực. Sự chuyển hóa này trong tâm hồn là một cuộc cách mạng đích thực. Ngoài ra, tất cả các cuộc cách mạng khác đều chỉ là những phản ứng, dù cho người ta có dùng từ ngữ như tự do, giải thoát, những hứa hẹn thiên đường, v . v ... , mọi loại. Chỉ có một sự tự do, giải thoát đích thực. Ðó là cái phẩm chất trong tâm hồn.

Krishnamurti -- To Be Human.



TỰ DO

Phần đông chúng ta thường bị ngoại cảnh chi phối, điều kiện hóa, vì những học thuyết tôn giáo, tín ngưỡng, và bởi chính từ đáy lòng mình đòi hỏi để tiến tới một cái gì, đạt được một điều gì, vì thế, rất khó cho chúng ta có cách nào mới mẻ hơn để mà nghĩ về vấn đề này mà không dính đến chuyện kỷ luật. Trước nhất, chúng ta hãy nhìn cho rõ ràng những cái gì có liên quan đến chuyện rèn luyện, kỷ luật. Kỷ luật tự bản thân, nó đã làm cho đầu óc hẹp hòi đi, đã hạn chế tư tưởng, thúc ép sự suy nghĩ chạy theo lòng ham muốn, vì bị ảnh hưởng và tất cả những thứ đại loại như vậy. Một cái đầu óc đã bị điều kiện hóa, đã rập khuôn, dù có được gọi là có lương tri, cũng không thể có được tự do, và như thế, không thể hội nhập được với thực tại. Thượng đế, thực tại, hay tùy ý bạn muốn gọi là gì thì gọi, từ ngữ không phải là chuyện quan trọng, chỉ có thể hiển lộ khi có tự do, và sẽ không thể có tự do khi mà chúng ta còn bị cưỡng bách, dù là tích cực hay tiêu cực, do sự sợ hãi. Không thể có tự do nếu bạn còn muốn đạt một mục tiêu cho bạn và bạn tự cột mình vào cái mục tiêu đó. Bạn có thể đã thoát khỏi quá khư, nhưng tương lai sẽ cột bạn lại, thế là hết tự do rồi. Chỉ có trong tự do người ta mới có thể khám phá ra mọi thứ mới mẻ, từ ý nghĩ, cảm giác, nhận thức. Bất cứ một loại gò bó nào đặt căn bản trên nền tảng của cưỡng bách đều chối bỏ tự do, dù là chính trị hay tôn giáo, khi mà đã bị gò ép, bị tuân theo một hành động có mục tiêu đặt ở đằng trước, đó là trói buộc, đầu óc hết tự do.

Khi đó, đời sống tinh thần sẽ chỉ hoạt động trên con đường mòn như một cái máy hát mà thôi.

(Trích The First & Last Freedom)


TỰ DO TƯ TƯỞNG


Tâm trí không thể tự do khi mà nó còn bị rập khuôn hoặc điều kiện hóa. Người ta nghĩ rằng không thể để cho bạn được tự do suy nghĩ, không bị rèn luyện vào khuôn khổ, mà phải bắt tâm trí bạn vào một khuôn khổ nào đó. Ngoài ra, đối với một nền văn minh càng lâu đời, thì sức nặng của truyền thống, của thẩm quyền, của những quy tắc càng đè nặng trĩu lên tâm trí con người.
Lấy thí dụ những chủng tộc cổ xưa như Ấn Độ bị sống gò ép vào khuôn khổ hơn những người sống tại Mỹ, nơi có nhiều tự do về đời sống xã hội và kinh tế, vì đó là một dân tộc gồm những nhà tiền phong mở đường lập quốc mới gần đây.
Một tâm trí bị rèn vào khuôn mẫu thì không thể tự do, vì nó không thể vượt qua được cái biên giới của chính nó, vượt qua được cái hàng rào mà chính nó đã tạo dựng chung quanh nó, đó là điều hiển nhiên. Và thật là vô cùng khó khăn cho cái loại tâm trí này, để nó có thể tự giải thoát khỏi cái khuôn khổ và vượt được ra ngoài, bởi vì cái khuôn mẫu đè nặng lên nó không những từ xã hội, mà tại luôn cả tự nó ràng buộc chính nó. Bạn thích cái cung cách sống của bạn vì bạn ngại, không dám vượt qua nó. Bạn sợ những điều cha mẹ bạn, thầy linh hướng của bạn, và xã hội sẽ bình phẩm, nên bạn giúp họ tạo dựng cái hàng rào nó sẽ cầm giữ bạn lại
Chính đây là cái nhà tù tư tưởng mà số đông chúng ta bị giam cầm, và đó là lý do cha mẹ chúng ta? và một ngày kia sẽ tới phiên chúng ta sẽ bảo con cái chúng ta ? phải làm cái này hoặc không làm cái kia.
Trong khi còn trẻ, tự do là điều vô cùng quan trọng, không phải chỉ trên bình diện ý thức, mà tận đáy lòng. Có nghĩa là bạn phải quan sát chính bạn, tỉnh giác trước những nguồn ảnh hưởng tìm cách xâm lấn vào tâm hồn bạn để chi phối bạn. Có nghĩa là đừng bao giờ chấp nhận điều gì một cách không thận trọng, mà phải luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và phản đối, nếu cần.


( Trích Life Ahead)




                                                   

Làm sao hiểu và sống Tự do




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét