Trích đoạn các tác phẩm của Eckhart Tolle


"...Trí năng của bạn luôn hiện hữu trong một trạng thái “chưa toàn vẹn” và do đó luôn có sự tham cầu, mong muốn để có thêm một cái gì đó. Cho nên khi bạn tự đồng hóa với trí năng và những suy tư không chủ đích ở trong đầu, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy nhàm chán, và bất an. Khi nào tự nhiên bạn cảm thấy nhàm chán có nghĩa là lúc đó trí năng của bạn đang có một nhu cầu cần được kích thích, hoặc cần thêm nhiều thức ăn cho thói quen suy tư, và nhu cầu đó đang không được thỏa mãn..." 

"...Khi bạn cảm thấy nhàm chán, bạn thường thích cầm một tạp chí 
lên, gọi một cú điện thoại cho ai đó, bật máy truyền hình, hoặc lên mạng, đi mua sắm, hay thông thường chuyển nhu yếu thiếu thốn và luôn muốn có thêm một cái gì đó của trí năng thành một nhu yếu của cơ thể và thỏa mãn cấp thời cho nó bằng cách tiêu thụ thêm thức ăn vào bụng. .."

"...Hoặc bạn cứ để cho mình ở trong trạng thái nhàm chán không
yên đó và thử quan sát, cảm nhận xem cảm giác nhàm chán và bất an ấy thực ra như thế nào. Khi bạn mang sự chú tâm của mình vào những cảm xúc ở trong mình, bỗng nhiên có một chút không gian và tĩnh lặng quanh nó. Ban đầu thì rất ít, nhưng khi không gian bên trong của bạn lớn dần lên, cảm giác nhàm chán sẽ bắt đầu giảm cường độ và tính quan trọng của nó. Do đó ngay cả sự nhàm chán cũng có thể dạy cho bạn bản chất chân thực của mình, và những gì không phải là mình..."

"...Bạn khám phá ra rằng một kẻ chán đời không phải là bạn. Sự nhàm chán chỉ là một sự chuyển động của dòng năng lượng đã bị điều kiện hóa ở trong bạn. Bạn không phải là một người giận dữ,
buồn bã hay sợ hãi đang có mặt ở trong bạn, nhưng bạn không phải là người duy nhất có vấn đề này. Đó là điều kiện chung của thứ tâm thức của con người đang bị trí năng điều khiển. Điều cần nhớ là những cảm xúc đó đến rồi đi như mây trên trời.
“Tôi cảm thấy nhàm chán quá!”. Cái gì ở trong bạn đang nhận ra 
cảm xúc này?
Bạn chính là nhận thức, là Cái Biết đó, mà không phải là thứ tâm 
thức đã bị ô nhiễm – tức cảm giác nhàm chán – vừa được bạn
nhận biết..."

"...Bản ngã ở trong bạn luôn có nhu yếu đi tìm, tích lũy thêm cái
này hoặc cái kia để vun bồi cho cảm nhận về tự thân, chỉ là để giúp cho bản ngã của bạn cảm thấy toàn vẹn hơn. Điều này giải thích sự bận tâm về tương lai không thể cưỡng lại được của tự ngã..."

"..Khi nào bạn chợt nhận ra rằng: “Ồ mình lại sắp rơi vào thói quen
chỉ lo nghĩ đến phút giây sắp tới, luôn bận tâm đến những gì chưa xảy ra ”, đó là lúc bạn bắt đầu bước ra khỏi những thói quen lâu đời trong tình cảm hay trong cách bạn suy nghĩ và đồng thời có khả năng chọn lựa để đặt sự chú tâm của mình hoàn toàn vào giây phút này..." 


"...Bằng cách đặt sự chú tâm của mình hoàn toàn vào phút giây này, có một sự thông thái, vượt xa hơn trí năng, đi vào đời sống của bạn..."

"...Khi bạn sống trong sự kiềm chế của tự ngã, bạn sẽ luôn giảm thiểu phút giây hiện tại thành một phương tiện để bạn đạt được một cái gì đó. Bạn luôn sống cho tương lai, và ngay cả khi bạn đạt được mục tiêu của mình, bạn vẫn không cảm thấy hài lòng, hay cùng lắm thì sự hài lòng ấy cũng chóng phôi pha..."

"...Khi bạn để tâm vào những gì bạn đang làm, thay vì để tâm về kết quả mà bạn sẽ gặt hái được trong tương lai, bạn sẽ phá vỡ điều kiện, thói quen lâu đời của tự ngã. Những chuyện bạn làm không những sẽ có hiệu quả hơn mà nó còn mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn..."

"...Một biện pháp khác để buông bỏ phản ứng tiêu cực, bạn có thể làm cho nó biến mất đi bằng cách tưởng tượng bản thân trở nên trong suốt đối với nguyên nhân bên ngoài gây ra phản ứng ấy. Tôi đề nghị trước hết bạn nên thực hành đối với các sự việc không đáng kể hay thậm chí vụn vặt. Ví dụ như bạn đang ngồi yên lặng ở nhà. Đột nhiên bạn nghe thấy âm thanh chói tai của tiếng còi ô tô chạy ngang qua nhà. Cơn bực dọc trỗi dậy. Mục đích của cơn bực dọc này là gì? Nó chẳng nhằm mục đích gì cả? Vậy thì tại sao bạn nổi cơn? Bạn không làm. Chính tâm trí đã nổi cơn đó. Nó hoàn toàn tự động, hoàn toàn bất thức. Tại sao tâm trí lại nổi cơn bực dọc? Bởi vì nó cứ khăng khăng tin tưởng một cách vô minh rằng sự phản kháng của nó, sẽ phần nào giải trừ được tình hình không mong muốn. Dĩ nhiên, đây là một ảo tưởng. Sự phản kháng mà tâm trí tạo ra, trong trường hợp này là cơn bực dọc hay tức giận, còn đáng ngại hơn cả nguyên nhân ban đầu mà nó cố gắng giải trừ nữa.
Toàn bộ điều này có thể biến đổi thành phương pháp rèn luyện tâm linh. Hãy cảm nhận bản thân bạn trở nên trong suốt, có thể nói như vậy, không có tính rắn đặc của cơ thể vật chất. Giờ đây hãy để cho tiếng ồn, hay bất cứ thứ gì gây ra phản ứng tiêu cực xuyên thẳng qua bạn. Nó không còn đụng phải “bức tường” rắn chắc bên trong bạn nữa. Như tôi nói, trước tiên hãy thực hành đối với những sự việc không đáng kể, như tiếng còi ô tô, tiếng chó sủa, tiếng trẻ con gào thét, nạn ách tắc giao thông chẳng hạn. Thay vì dựng lên bức tường phản kháng bên trong vốn thường xuyên bị va đụng đau đớn bởi các sự việc “không nên xảy ra”, hãy để mọi thứ xuyên suốt qua bạn.
Nếu có ai đó nói điều gì thô lỗ với bạn hay cố tình gây tổn thương bạn, thì thay vì có phản ứng vô minh và có tâm trạng tiêu cực như công kích, phòng thủ, hay co rút lẩn tránh, hãy để cho nó xuyên thẳng qua bạn. Đừng phản ứng gì cả. Xem như chẳng có ai gây tổn thương gì cho bạn vậy. Đó là lòng khoan dung. Bằng cách này, bạn trở nên mạnh mẽ, khó bị tổn thương. Bạn lại còn có thể bình tĩnh bảo người đó rằng hành vi ấy không thể chấp nhận được, nếu như đó là chọn lựa của bạn. Nhưng người đó không còn sức mạnh chi phối trạng thái nội tại của bạn nữa. Lúc ấy bạn đang nắm quyền – chứ không phải ai khác, và bạn cũng không còn bị tâm trí điều động nữa. Bất kể là tiếng còi ô tô, người thô lỗ, nạn lụt, địa chấn, hay mất mát toàn bộ gia sản, thì cơ chế phản kháng cũng chẳng khác gì nhau..."

"...Tôi đã thực hành thiền định, đã dự các buổi hội thảo, đã đọc nhiều tác phẩm về tâm linh, tôi cố gắng giữ tâm trạng không phản kháng – nhưng nếu ông hỏi liệu tôi đã tìm thấy sự thanh thản nội tại đích thực và kéo dài chưa, thì câu trả lời trung thực của tôi sẽ là “chưa”. Tại sao tôi chưa tìm được? Tôi có thể làm gì khác?
Bạn vẫn đang tìm kiếm ở bên ngoài, và bạn không thể từ bỏ được thói tìm kiếm. Có lẽ buổi hội thảo kế tiếp sẽ có câu trả lời, có lẽ là loại kỹ thuật mới ấy. Đối với bạn, tôi sẽ nói rằng: Đừng tìm kiếm sự thanh thản. Đừng tìm kiếm trạng thái nào khác ngoài tình trạng hiện nay của bạn; nếu không, bạn sẽ tạo ra xung đột nội tại và phản kháng một cách vô minh. Hãy tha thứ cho chính mình vì đã không thanh thản. Ngay khi hoàn toàn chấp nhận rằng mình không thanh thản, sự không thanh thản của bạn sẽ chuyển hóa thành thanh thản. Bất cứ thứ gì bạn chấp nhận hoàn toàn sẽ đưa bạn đến đó, sẽ đưa bạn vào trạng thái thanh thản. Đây là phép lạ của sự vâng phục...."

"...Chu kỳ tự nhiên của vũ trụ có liên quan mật thiết với tính vô thường của mọi sự vật và mọi tình huống. Đức Phật xem đây là trọng tâm của những lời răn dạy của mình. Tất cả mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện đều vô cùng bất ổn và không ngừng thay đổi, hay như Ngài nói, Vô Thường là đặc điểm của mọi hoàn cảnh, mọi tình huống bạn sẽ gặp phải trong đời mình. Nó sẽ thay đổi, biến mất đi, hay không còn làm cho bạn thấy hài lòng nữa. Tính vô thường cũng là giáo lý trọng tâm của Chúa Jesus: “Các ngươi chớ tích trữ kho báu của mình nơi trần gian, vì ở đó mối mọt,rỉ sét sẽ làm chúng tan rã hoặc kẻ trộm sẽ lẻn vào mang đi mất …”
Chừng nào mà lý trí bạn còn xem một điều kiện nào là “tốt”, cho dù nó là một mối quan hệ, một tài sản, một địa vị xã hội, một địa điểm, hay thân thể của bạn, thì bấy lâu tâm trí bạn vẫn còn bám lấy nó và đồng hóa với nó. Nó khiến cho bạn hạnh phúc, cảm thấy tự hào về chính mình, và nó có thể trở thành một phần nhân cách,con người của bạn hoặc cách bạn nghĩ về bản thân mình. Nhưng cái gì thì "mối mọt và rỉ sét" cũng sẽ tiêu hóa hết. Mọi thứ đều sẽ mất đi, thay đổi, hay chuyển thành cái đối cực. Cùng một điều kiện mà hôm qua hay năm trước là tốt, thì nay đột nhiên hay dần dần biến thành xấu. Cùng một điều kiện làm cho bạn hạnh phúc, rồi sau đó khiến cho bạn thấy bất hạnh. Sự giàu sang hôm nay sẽ trở thành nghèo khó hôm sau. Lễ cưới và tuần trăng mật hạnh phúc sẽ trở thành cuộc ly hôn hay chung sống đầy nước mắt. Hoặc khi có một điều kiện mất đi, và sự thiếu vắng nó làm cho bạn thấy bất hạnh. Khi một hoàn cảnh hay tình huống mà tâm trí bạn bám chặt vào để đồng hóa với nó bị thay đổi hay biến mất, thì tâm trí bạn không thể chấp nhận được. Nó sẽ níu kéo hoàn cảnh đang mất đi, và phản kháng lại sự thay đổi. Điều này rất giống như một chi tiết bị rứt xé khỏi cơ thể bạn vậy..."

Nguồn: 
oshovietnam.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét