THƯỢNG ĐẾ (Krishnamurti - Osho)





Hỏi :
- Xin nói cho chúng tôi nghe về Thượng Đế.
Krishnamurti :
- Thay vì nghe tôi nói Thượng Đế là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu coi các bạn có thể nhận ra được cái trạng thái đặc biệt đó, không phải là hãy để đến mai hoặc một thời gian nào đó trong tương lai, nhưng mà ngay lúc này, trong khi chúng ta đang cùng ngồi với nhau trong bầu không khí an tịnh này.

Chắc chắn là điều đó quan trọng hơn nhiều. Nhưng nếu muốn tìm hiểu coi Thượng Đế là gì thì phải liệng bỏ hoàn toàn niềm tin vốn có. Muốn phát hiện ra cái gì là chân thật thì tâm trí không thể mang sẵn niềm tin về một cái gì đó đã được coi là chân lý, không thể có sẵn những lý thuyết hoặc giả thuyết về Thượng Đế. Xin các bạn hãy để ý, lắng nghe. Nếu các bạn đã có những giả thuyết, đã có những niềm tin, đã có những giáo điều,như thế thì đầu óc các bạn đã đầy ắp những suy đoán. Vì đã đọc cuốn sách này hoặc cuốn sách kia viết về sự thế nào là thực tại hoặc Thượng Đế cho nên tâm trí các bạn rất phấn khích. Một cái đầu chứa đầy ắp kiến thức thì luôn hoạt động, không an tịnh, chỉ làm cho tâm hồn thêm vướng mắc nặng nề và hiển nhiên là cái sự vướng mắc nặng nề ấy không thể biểu hiện một nội tâm bình thản. Khi tâm trí chứa đầy ắp những sự tin chắc, dù là tin rằng có Thượng Đế, hay là tin rằng không có Thượng Đế, thì cũng là vướng vào kiến chấp, mà cái tâm đã vướng vào kiến chấp thì không thể nhận ra được cái gì là chân lý.
Để phát hiện chân lý, tâm hồn con người phải được khai phóng, cởi mở, thoát khỏi những lễ lạc, những niềm tin, những giáo điều, kiến thức và kinh nghiệm sống mà họ đã trải qua. Chỉ khi đó thì tâm trí mới nhận thức được thực tại, chân lý. Tâm hồn trong trạng thái an tịnh như thế thì những hoạt động do lòng ham muốn, do khát vọng từ ngoại cảnh cho tới nội tâm không còn nổi lên nữa. Đó không phải là đè nén lòng ham muốn, đè nén khát vọng, vì đè nén phải tốn sức. Ngược lại, khi tâm trí ở trong trạng thái an tịnh thì người ta có tràn đầy sức sống, tràn đầy nghị lực. Nhưng sức sống, nghị lực không thể sung mãn nếu đầu óc còn lăng xăng dòm ngó chuyện thiên ha,ï khiến cho nội tâm lại phải bận rộn đối phó. Khi tất cả những chuyện thị phi này đã lắng xuống thì tâm hồn sẽ ở trong trạng thái an bình, tĩnh lặng.
Tôi không mê hoặc các bạn, không thuyết phục, dụ dỗ các bạn rằng phải tĩnh lặng. Chính các bạn, tự bản thân, các bạn phải thấy được tầm quan trọng của việc từ bỏ, việc vứt đi tất cả những điều mê tín dị đoan, những niềm tin vô căn cứ, những kiến chấp đã tích lũy hàng bao nhiêu thế kỷ, hãy xả bỏ một cách thoải mái, không chút cố gắng, không chút ngần ngừ. Các bạn phải thấy được sự thật là bất cứ hình thức tích lũy nào cũng đều làm cho tâm trí bừa bộn lên, khiến cho năng lực bị tiêu hao phung phí.
Muốn cho tâm được tĩnh lặng thì phải có một sức sống sung mãn và sức sống đó phải an tịnh. Và nếu như các bạn đã thực sự có được trạng thái sống an bình, không lăng xăng, các bạn sẽ thấm thía được hương vị của sức sống đó, một sức sống an lạc, một sức sống mà tự nó có những hoạt động nội tâm khai phóng, không phải là cái loại hoạt động vì bị sức ép của ngoại cảnh, của xã hội thôi thúc. Bởi vì khi trong lòng đã tràn ngập sức sống bình yên tự tại, thì tâm trí tự nó sẽ trở thành an lạc thanh cao . . .
. . . Và cái sức sống bình yên tự tại đã nâng tâm hồn lên trạng thái an lạc thanh cao đó chính là lòng thương yêu, niềm trắc ẩn, vốn không phân ly với chính bản thân sức sống này.

Krishnamurti -- On God







Thượng đế chẳng là ông chẳng là bà. Thượng đế đơn giản nghĩa là tính toàn bộ của tâm thức trong sự tồn tại. Thượng đế đơn giản nghĩa là vĩnh hằng của cuộc sống. Cuộc sống diễn đạt theo hai cách, đàn ông và đàn bà. Thượng đế là cội nguồn không biểu hiện của cuộc sống; bạn không thể gọi ngài là "ông," bạn không thể gọi ngài là "bà." Nhưng bởi vì trong hàng thế kỉ từ 'ông' đã được dùng, nên tôi cũng dùng nó. Bạn phải nhớ rằng tôi không ngụ ý điều đó.
Nếu bạn thực sự muốn đi sâu vào trong hiện tượng về Thượng đế, thế thì Thượng đế không tồn tại chút nào - như một người. Thượng đế chỉ là sự hiện diện. Nói cách khác, không có Thượng đế mà chỉ có tính thượng đế: phẩm chất lan toả khắp, thấm nhuần khắp, cái toàn thể của sự tồn tại; cái ở mọi nơi, trong mọi chiếc lá, trong mọi giọt sương. Nó là phẩm chất. Một khi bạn bắt đầu nghĩ về Thượng đế như phẩm chất, toàn thể cái nhìn của bạn về cuộc sống, về tôn giáo, về tình yêu, sẽ khác toàn bộ.
Sự tồn tại không chứa danh từ mà chỉ động từ. Danh từ là phát minh của con người cũng như đại từ. Động từ là thực. Khi bạn nói "sông" bạn ngụ ý gì? Bạn có bao giờ thấy sông như danh từ không? Sông bao giờ cũng chảy, nó bao giờ cũng là chuyển động. Nó chưa bao giờ tĩnh, nó động. Làm sao bạn có thể làm nó thành danh từ tĩnh tại được? Từ 'sông' dường như tĩnh tại.
Nếu bạn hỏi chư phật, những người thức tỉnh, họ sẽ nói, "Sông không tồn tại." Nhưng bạn thấy sông chảy qua! Việc chảy có đó, một loại sông chảy có đó, nhưng không có sông. Bạn thấy nhiều cây thế, nhưng thực ra cái tồn tại là một loại cây mọc, không phải là cây, bởi vì cây đang thay đổi mọi khoảnh khắc. Lúc bạn dùng từ 'cây', cây không còn như cũ nữa. Vài lá già đã rụng, vài lá mới đã bắt đầu nhú ra, hoa đã nở ra, nụ sẵn sàng mở ra. Có hoạt động lớn; cây thường xuyên trong sức đẩy tới.
Toàn thể sự tồn tại bao gồm động từ, và Thượng đế không là gì ngoài tính toàn bộ của mọi động từ này. Thượng đế không phải là lượng mà là phẩm, không phải là người mà là sự hiện diện. Thượng đế là kinh nghiệm, không phải là đối tượng của kinh nghiệm mà là bản thân kinh nghiệm. Thượng đế là tính chủ thể. Và làm sao bạn có thể gọi tính chủ thể là "ông" hay "bà"?
Tôi biết tại sao câu hỏi này nảy sinh. Trên khắp thế giới, đặc biệt ở phương Tây, đàn bà được giải phóng đang hỏi, "Sao gọi Thượng đế là 'ông'?" Và cô ấy là đúng, theo một cách nào đó. Sao làm Thượng đế bị đồng nhất với tâm trí nam? Nó là một loại cách tiếp cận nam quyền. Trong hàng thế kỉ, nam đã chi phối mọi thứ, do đó anh ta đã gọi Thượng đế là "ông." Và việc nổi dậy chống lại điều đó là tuyệt đối đúng.
Nhưng bắt đầu gọi Thượng đế là "bà" sẽ không đưa mọi thứ về đúng; nó sẽ là việc chuyển sang cực đoan khác. Điều đó sẽ là một loại chủ nghĩa sô vanh, nó sẽ chẳng thay đổi cái gì cả. Đơn giản cái sai mà đàn ông đã làm sẽ được đàn bà làm; cả hai đều sai. Thượng đế không là cả hai.
Do đó ở phương Đông, nơi trong mười nghìn năm hàng trăm người đã đại tới đỉnh cao tối thượng của việc kinh nghiệm tính thượng đế, chúng ta không gọi Thượng đế là "ông" hay "bà," chúng ta gọi ngài là "nó." Điều đó còn hay hơn nhiều bởi vì nó đem Thượng đế ra ngoài ông và bà. Nhưng cái gì đó phải được gọi, và bất kì từ nào được dùng cũng sẽ không thích hợp - ông, bà, nó - bởi vì từ 'nó' cũng có nguy hiểm riêng của nó. 'Nó' dường như chết bởi vì chúng ta dùng nó cho đồ vật, và Thượng đế không phải là đồ vật. 'Nó' dường như quá trung lập, và Thượng đế không trung lập; ngài cực kì cam kết, tham dự. 'Nó' dường như không có tính sống, và Thượng đế là bản thân cuộc sống, bản thân tình yêu. Bất kì từ nào cũng sẽ có giới hạn riêng của nó.
Cho nên bạn có thể dùng bất kì từ nào - ông, bà, nó - nhưng nhớ, mọi từ đều có giới hạn và Thượng đế là vô giới hạn. Nếu bạn dùng các từ này một cách có lưu tâm, thế thì không có nguy hiểm. Điều căn bản cần nhớ là ở chỗ Thượng đế là sự hiện diện, bằng không nhiều câu hỏi ngu xuẩn nảy sinh.
Nếu bạn gọi ngài là "ông" hay "bà," thế thì câu hỏi nảy sinh, "Ông ấy sống ở đâu? Ông ấy ở đâu?" Và thế rồi câu hỏi này dường như rất liên quan bởi vì bạn đã thu ngài lại thành một người; thế thì chỗ cư ngụ của ông ấy ở đâu?
"Chỗ cư ngụ của Thượng đế ở đâu?"
Đây là câu hỏi mà giáo sĩ ở Kotzk đã làm ngạc nhiên những người có học, người tình cờ tới thăm ông ấy.
Họ cười ông ấy, "Điều đấy mà phải hỏi! Không phải toàn thế giới đầy niềm vinh quang của Ngài đó sao?"
Thế rồi ông ấy trả lời cho câu hỏi riêng của mình: "Thượng đế cư ngụ ở bất kì chỗ nào con người để ngài ở."
Không có chỗ cư ngụ bên ngoài ở đâu đó. Bất kì khi nào bạn cho phép bản thân mình, bạn cởi mở với sự tồn tại, bất kì khi nào bạn cho phép gió và mưa và mặt trời đạt tới cốt lõi bên trong nhất của bạn, đột nhiên có Thượng đế, tính thượng đế. Đột nhiên bạn được tràn ngập bởi cái gì đó lớn hơn bạn, bằng cái gì đó có tính đại dương. Bạn bắt đầu biến mất vào trong nó như giọt sương.
Khoảnh khắc chúng ta nói, "Thượng đế là người," thế thì chúng ta bắt đầu cầu nguyện, ca tụng. Đó là một loại hối lộ. Đó là một loại chỗ tựa cho bản ngã của người đó. Nếu Thượng đế là người, ngài phải có bản ngã. Thế thì ca ngợi ngài và ngài sẽ sung sướng với bạn, và bạn sẽ được thưởng hoặc ở đây hoặc ở kiếp sau. Khoảnh khắc chúng ta nghĩ về Thượng đế như người chúng ta bắt đầu tìm ngài không trong thế giới mà ở đâu đó xa xăm trên cõi trời, và chúng ta bỏ lỡ toàn thể vấn đề. Thượng đế là bây giờ-ở đây, Thượng đế không ở đâu khác.
Có một câu chuyện cổ rằng một người được cảm hứng với Thượng đế một lần đi từ cõi người vào cõi bỏ hoang bao la. Ở đó người đó lang thang mãi cho tới khi người đó đi tới Cổng Huyền diệu. Người đó gõ cửa. Từ bên trong vọng ra tiếng kêu la, "Ông muốn gì ở đây?"
Người đó nói, "Tôi đã cất lời ca ngợi ngài vào tai các phàm nhân, nhưng họ đều điếc với tôi, cho nên tôi tới ngài để bản thân ngài có thể nghe tôi và đáp lại."
"Quay về đi!" tiếng kêu vọng ra từ bên trong. "Ở đây không có tai cho ông đâu. Ta đã đánh chìm việc nghe của ta vào trong cái điếc của phàm nhân rồi."
Thượng đế trong đá, Thượng đế trong nước, Thượng đế trong con vật, Thượng đế trong chim, Thượng đế trong người, trong tội nhân, trong thánh nhân. Thượng đế là tương đương với tính hiện hữu. Bây giờ, tính hiện hữu là ông hay bà? Câu hỏi này sẽ hoàn toàn vô nghĩa.
Cho nên đừng lo nghĩ liệu Thượng đế là ông hay bà. Thay vì thế, nhìn vào bên trong bản thân bạn và tìm chỗ nơi cả ông và bà đều biến mất. Và điều đó sẽ là sự bắt đầu của việc hiểu của bạn về thực tại, về cái đang đấy.
Điều này không thể được quyết định bởi biện luận. Nó không phải là câu hỏi siêu hình, nó là cái gì đó có tính tồn tại. Nếu bạn có thể tìm thấy cái gì đó bên trong bản thân mình mà không nam không nữ, thế thì bạn sẽ biết rằng có cái gì đó trong sự tồn tại mà không là cả hai, cái ở bên ngoài cả hai. Và cái ở bên ngoài đó là Thượng đế.


Trích từ "Dhammapada: Con đường của Phật" - tập 8