KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC



Krishnamurti: Chúng ta nghi vấn về mọi thứ như thế nào? Khi nào chúng ta nghi vấn về chính chúng ta hay nghi vấn về cái uy quyền hay nghi vấn về một hệ thống giáo dục? Từ ngữ “nghi vấn” có nghĩa là gì? Tôi thắc mắc liệu một trạng thái ý thức tự phê bình có đang mất đi trong chúng ta hay không? Chúng ta có ý thức được điều gì chúng ta đang làm, đang suy nghĩ, đang cảm thấy hay không? Làm thế nào chúng ta đánh thức được hay là nghi vấn, với mục đích tạo ra được một ý thức phê bình này? Nếu chúng ta tìm hiểu việc này nó có lẽ giúp khơi dậy trong em bé một khả năng tự phê bình, một ý thức tự phê bình. Làm thế nào chúng ta khởi sự được nó đây? Điều gì khiến cho tôi nghi vấn? Tôi có khi nào nghi vấn về chính tôi hay không?
Tôi có thấy được tôi tầm thường như thế nào hay không? Hay là tôi đặt một nghi vấn, tìm ra một lời giải thích và chuyển sang đề tài khác? Rất buồn chán khi khi khám phá ra sự tầm thường của người ta và vì vậy người ta không nghi vấn, và người ta không bao giờ muốn thoát khỏi nó.
Chúng ta hãy nói nó một cách khác. Rất ít người trong chúng ta còn sinh động. Một phần nhỏ chúng ta đang thoi thóp, phần còn lại thì đã ngủ rồi. Cái phần nhỏ đang thoi thóp dần dần mờ mịt đi, rơi vào một lối sống cố định và nhàm chán rồi chấm dứt.
Người ta có biết là một con người trọn vẹn có nghĩa là gì hay không? Sự thật là người ta không sinh động. Nghi vấn là để được hoàn toàn sinh động, để được sinh động về thân thể, để ở trong tình trạng sức khỏe tốt, không phải để ăn quá nhiều, nhưng để nhạy cảm đầy xúc cảm, để cảm thấy, để có một chất lượng đồng cảm, và để có một cái trí rất tốt lành. Nếu không người ta đã chết rồi.
Làm thế nào thầy đánh thức được một cái trí như một tổng thể? Nó là vấn đề của thầy. Làm thế nào thầy sẽ thấy rằng thầy hoàn toàn sinh động ở phía bên trong và phía bên ngoài, trong những cảm thấy của thầy, trong sự thưởng thức của thầy với mọi thứ? Và làm thế nào thầy đánh thức được trong em học sinh cái cảm thấy của đang sống không phân chia này?
Chỉ có hai cách để làm việc này: hoặc là có một cái gì đó ở bên trong thầy mà thôi thúc đến độ nó đốt cháy đi mọi mâu thuẫn; hoặc là thầy phải tìm ra một cách tiếp cận mà sẽ luôn luôn cảnh giác, mà sẽ khởi sự có chủ ý để tìm hiểu mọi việc thầy đang làm, một ý thức mà sẽ không ngừng nghi vấn để tìm ra trong chính mình đến mức độ một chất lượng mới hiện hữu mà ngăn lại tất cả xấu xa đồi bại ở phía bên ngoài. Bây giờ, thầy đang làm điều gì như một con người cũng như là một giáo viên?

Giáo viên: Người ta phải nghi vấn liên tục, hay có một nghi vấn mà có động lượng riêng của nó?

Krishnamurti: Nếu không có cái động lượng, vậy thì thầy phải bắt đầu với những sự việc nhỏ xíu, phải vậy không? Hãy bắt đầu với những sự việc nhỏ xíu, không phải những sự việc to lớn. Hãy bắt đầu quan sát bạn ăn mặc như thế nào, bạn nói năng cái gì, bạn nhìn ngắm con đường như thế nào, mà không có sự vận hành của phê bình. Và, đang nhìn ngắm, đang lắng nghe, làm thế nào bạn sẽ tiếp cận đến cái khác, mà sẽ là cái động lượng tự chuyên chở tất cả?
Có một động lượng mà thầy phải chú ý đến, nhưng thầy không thể đến được nó ngoại trừ bằng cách quan sát những sự việc nhỏ xíu; và vẫn vậy thầy phải nhận thấy rằng thầy không bị vướng mắc trong sự quan sát mãi mãi này. Nhìn ngắm cái áo của người ta, bầu trời và vẫn đi ra khỏi nó, để cho cái trí của bạn không chỉ đang quan sát những sự việc nhỏ xíu mà còn thâm nhập vào những vấn đề rộng lớn hơn nữa, như là uy quyền, như là ham muốn liên tục để thành tựu này, quan tâm liên tục liệu người ta đúng hay là sai này, và sợ hãi. Vì vậy liệu cái trí có thể quan sát những sự việc nhỏ xíu và không bị vướng mắc trong những sự việc nhỏ xíu, liệu nó có thể đi ra khỏi để cho nó có thể ghi chép những vấn đề to lớn hơn nhiều hay không?

Giáo viên:
Trạng thái của cái trí, sự tiếp cận mà trong đó có sự quan sát liên tục này, sự hiểu rõ về những sự việc nhỏ xíu, mà không bị vướng mắc trong những sự việc nhỏ xíu là gì?

Krishnamurti: Tại sao thầy bị vướng mắc trong những sự việc nhỏ xíu? Điều gì làm cho thầy trở thành một tù nhân của những sự việc nhỏ xíu?

Giáo viên: Những quan điểm của tôi. Và tuy nhiên tôi lại không muốn bị vướng mắc trong những sự việc nhỏ xíu.

Krishnamurti: Nhưng tôi phải chú ý đến những sự việc nhỏ xíu. Hầu hết mọi người đều vướng mắc trong chúng ngay khi họ chú ý. Chú ý nhưng không là tù nhân của những việc nhỏ xíu là vấn đề khó. Bây giờ, điều gì làm cho cái trí hay bộ não trở thành một tù nhân?

Giáo viên:
Quan tâm đến cái ngay lập tức. 

Krishnamurti: Thầy muốn nói gì, thưa thầy? Ý thầy nói không có một tầm nhìn xa phải không? Thầy không đang nhìn vào cái vấn đề rồi.

Giáo viên: Quyến luyến của tôi đến những sự việc nhỏ xíu.

Krishnamurti: Thầy không là tù nhân của những sự việc nhỏ xíu hay sao?

Giáo viên: Có chứ. Theo tôi có thể do bởi một ý thức không biết được sâu thẳm nào đó, rằng tôi đang chuẩn bị cho một cái gì đó lớn lao, một ảo tưởng giống như thế đó.

Krishnamurti: Thầy có ý thức rằng thầy là một tù nhân của những sự việc nhỏ xíu hay không? Hãy tìm hiểu vì sao thầy là một tù nhân. Hãy nắm lấy một sự kiện mà thầy là một tù nhân của những sự việc nhỏ xíu, và có lẽ của nhiều sự việc nhỏ xíu, hãy hỏi tại sao, hãy tìm hiểu nó, tra xét nó, tìm ra. Đừng đưa ra một giải thích và chạy khỏi cùng với giải thích như thầy đã vừa làm nãy giờ. Thầy phải thực sự nắm lấy một sự kiện và quan sát nó. Trong việc giải quyết phía bên trong nỗi thất vọng, xung đột, kháng cự, thầy sửa đổi được cái bên ngoài. Xung đột tâm lý phía bên trong tự bộc lộ chính nó ra bên ngoài trong tình trạng trở thành tù nhân của những sự việc nhỏ xíu của thầy và sau đó thầy cố gắng sửa đổi chúng. Nếu không hiểu rõ xung đột phía bên trong, sự đau khổ, cuộc sống không có ý nghĩa gì cả. Nếu thầy khám phá ra rằng thầy bị thất vọng, vậy thì hãy thâm nhập nó đi, và nếu thầy đã thâm nhập nó thật sâu rồi, nó sẽ sửa chữa sự tức giận, sự ăn uống quá độ, sự trang phục quá lố.
Cái cách thầy nghi vấn về sự thất vọng là quan trọng. Thầy nghi vấn như thế nào đây? Để cho sự khát vọng đó bung ra, để cho sự khát vọng đó nở hoa? Chỉ khi nào tư tưởng nở hoa được thì nó mới có thể tan đi một cách tự nhiên. Giống như bông hoa trong một ngôi vườn, tư tưởng phải nở rộ, nó phải đến được trạng thái toại nguyện suy tưởng. Tư tưởng phải được trao tự do để chết đi. Cùng cách như vậy, phải có tự do để cho sự thất vọng nở hoa và chết. Và nghi vấn đúng đắn là liệu rằng có thể có được tự do cho sự thất vọng nở hoa và chết đi hay không?

Giáo viên:
Ông có ý nói gì qua từ ngữ nở hoa thưa ông?

Krishnamurti: Hãy nhìn ngôi vườn, những bông hoa trước mặt ở đằng kia! Chúng đạt đến trạng thái nở rộ và sau vài ngày chúng héo tàn đi bởi vì đó là việc tự nhiên của chúng. Bây giờ, sự thất vọng phải được trao cho tự do để nó nở rộ. Thầy phải hiểu rõ cái lý do của thất vọng, nhưng không có mục đích trấn áp nó, không nói rằng, “Tôi phải xóa tan”. Tại sao tôi phải xóa tan? Nếu tôi là một người nói dối tôi có thể cố gắng ngừng nói dối, mà là điều gì con người thường làm. Nhưng liệu tôi có thể cho phép sự nói dối đó nở hoa rồi chết đi hay không? Liệu tôi có thể từ chối nói rằng nó là đúng hay là sai, tốt hay xấu? Liệu tôi có thể thấy cái gì đằng sau lời nói dối? Tôi chỉ có thể tìm ra một cách tự nhiên không gò bó tại sao tôi nói dối nếu có tự do để tìm ra. Trong cùng cách như vậy, muốn không là một tù nhân của những sự việc nhỏ xíu, liệu tôi có thể tìm ra tại sao tôi là một tù nhân hay không? Tôi muốn sự kiện đó được nở hoa. Tôi muốn nó được lớn lên và trải ra, để cho nó héo tàn và chết đi mà không có tác động của tôi vào nó.Vậy thì tôi không còn là một tù nhân mặc dù tôi nhìn ngắm những sự việc nhỏ xíu.

Câu hỏi của thầy là: “Có một động lượng luôn chuyển động, luôn tự trong sạch, tự tốt lành hay không?” Cái động lượng đó, cái ngọn lửa bùng cháy đó chỉ có thể hiện hữu khi có tự do để cho phép mọi thứ nở hoa – điều xấu xa, điều đẹp đẽ, điều tội lỗi, điều tốt lành và điều ngu dốt – để cho không còn một sự việc nào bị đè nén, để cho không còn một sự việc nào không được phơi bày và tìm hiểu rồi cháy rụi đi. Và tôi không thể làm những việc đó nếu qua những sự việc nhỏ xíu tôi không phát hiện thất vọng, đau khổ, buồn bã, xung đột, ngu xuẩn, đờ đẫn. Nếu tôi chỉ khám phá thất vọng qua lý luận tôi không biết thất vọng có nghĩa là gì. Vì vậy từ những sự việc nhỏ xíu tôi đi đến cái gì đó rộng rãi hơn và trong khi hiểu rõ cái rộng rãi hơn, những sự việc khác nở hoa mà không có sự ngăn cản.

Giáo viên: Dường như tôi thoáng hiểu điều gì ông nói, tôi sẽ tìm hiểu nó.

Krishnamurti: Thầy đang tìm hiểu nó trong lúc tôi đang tìm hiểu nó. Thầy đang tìm hiểu những sự việc nhỏ xíu riêng của thầy mà thầy bị vướng mắc vào.

Giáo viên: Trong nở hoa của xung đột, nên có tự do để nở hoa và chết đi. Cái trí nhỏ nhoi không tự cho chính nó tự do đó. Ông đang nói rằng xung đột bên trong nên nở hoa rồi chết đi và lại nữa ông đã nói rằng nở hoa rồi chết đi này xảy ra khi chúng ta đang tìm hiểu nó ngay lúc này. Có một khó khăn, mà là, rằng là dường như tôi đang chiếu rọi một cái gì đó vào trạng thái đang nở hoa này và rằng là chính cái gì đó là một cản trở.

Krishnamurti:
Đó là mấu chốt thực sự. Thầy thấy không, đối với thầy nở hoa là một ý tưởng. Thầy không thấy được cái sự kiện, cái triệu chứng, cái nguyên nhân và cho phép cái nguyên nhân đó nở rộ ngay lúc này. Cái trí nhỏ nhoi luôn luôn giải quyết những triệu chứng và không bao giờ giải quyết cái sự kiện. Nó không có tự do để tìm ra. Nó đang làm chính cái việc mà thể hiện ra nó là cái trí nhỏ nhoi, bởi vì nó nói rằng, “Đó là một ý tưởng tốt, tôi sẽ suy nghĩ về nó,” và thế là nó bị mất hút, bởi vì lúc đó nó đang giải quyết sự hình thành ý tưởng, không phải với cái sự kiện. Nó không nói rằng: “Hãy để cho nó nở hoa, và chúng ta hãy xem cái gì xảy ra.” Rồi thì nó sẽ phát hiện được. Nhưng nó lại nói: “Đó là một ý tưởng hay; tôi phải tìm hiểu cái ý tưởng đó”.
Bây giờ, chúng ta đã khám phá ra rất nhiều vấn đề. Trước tiên, chúng ta không ý thức được những sự việc nhỏ xíu. Sau đó, khi ý thức được chúng, chúng ta bị vướng mắc trong chúng và chúng ta nói rằng, “Tôi phải làm việc kia, tôi phải làm việc này.”
Liệu rằng tôi có thể thấy cái triệu chứng, tìm hiểu cái nguyên nhân, và thả cái nguyên nhân đó nở hoa hay không? Nhưng tôi lại muốn nó nở hoa trong một phương hướng nào đó, mà có nghĩa là tôi có một quan điểm về việc nó nên nở hoa như thế nào. Bây giờ, liệu tôi có thể hiểu được nó hay không? Việc đó trở thành vấn đề chính của tôi. Và tôi hiểu rằng tôi ngăn cản cái nguyên nhân nở hoa bởi vì tôi sợ hãi tôi không biết việc gì sẽ xảy ra nếu tôi cho phép sự thất vọng nở hoa. Vì vậy tôi cố gắng hiểu tại sao tôi sợ hãi. Tôi sợ hãi cái gì? Tôi thấy rằng chừng nào sợ hãi còn tồn tại thì không thể có nở hoa. Vì vậy tôi phải giải quyết sợ hãi, không phải qua ý tưởng, nhưng giải quyết nó, như một sự kiện mà có nghĩa là tôi sẽ cho phép sự sợ hãi nở hoa. Tôi sẽ để cho sự sợ hãi nở hoa, và xem thử điều gì xảy ra. Tất cả điều này đòi hỏi nhiều trực nhận bên trong.
Cho phép sợ hãi nở hoa – thầy biết điều đó có nghĩa là gì hay không? Có lẽ nó có nghĩa là tôi có thể mất việc làm của tôi, bị hủy hoại bởi người vợ của tôi, người chồng của tôi.
Liệu tôi có thể cho phép mọi sự việc nở hoa hay không? Điều đó không có nghĩa rằng tôi sắp giết người, cướp của một ai đó, nhưng liệu tôi có thể Chỉ cho phép “cái gì là” nở hoa hay không?

Giáo viên: Liệu chúng tôi có thể tìm hiểu việc này, rồi sau đó cho phép một sự việc nở hoa hay không?

Krishnamurti:
Thầy có thực sự thấy được cái sự kiện hay không? Nó có nghĩa là gì; cho phép một sự việc nở hoa, cho phép ganh tị nở hoa? Trước hết, nếu làm như thế sẽ không được kính trọng, sẽ không có tinh thần tôn giáo. Làm thế nào thầy cho phép ganh tị nở hoa, để đạt được một cuộc sống trọn vẹn? Thầy có thể làm việc đó mà thầy không bị vướng mắc trong nó hay không? Thầy có thể cho phép cái cảm thấy đó có toàn sinh lực của nó, mà không có sự cản trở hay không? Mà có nghiã rằng thầy không nhận dạng chính thầy trong nó, mà có nghĩa rằng thầy không nói nó đúng hay sai, thầy không có một quan điểm về nó; đây là tất cả những phương pháp hủy diệt ganh tị. Nhưng thầy không muốn hủy diệt ganh tị. Thầy muốn nó nở hoa, lộ rõ màu sắc của nó, dù chúng có lẽ là gì chăng nữa.

Giáo viên: Tôi không thể hiểu rõ ràng lắm, thưa ông?

Krishnamurti: Thầy đã trồng một cái cây chưa? Thầy làm nó như thế nào?

Giáo viên: Chuẩn bị đất, cho phân bón vào. . . .

Krishnamurti: Cho phân bón phù hợp, dùng hạt giống tốt, gieo nó đúng lúc, chăm sóc nó, ngăn cản mọi chuyện xảy đến cho nó. Thầy cho nó tự do. Tại sao thầy không làm như vậy với ganh tị?

Giáo viên: Nở hoa ở đây không được diễn tả ở phía bên ngoài giống như cái cây.

Krishnamurti: Nó còn thực sự nhiều hơn một cái cây thầy đang trồng ngoài cánh đồng. Thầy không biết ganh tị là gì à? Vào khoảnh khắc của ganh tị, thầy nói là tưởng tượng hay sao? Thầy đang nóng bỏng với nó, phải vậy không? Thầy đang tức giận, điên cuồng. Tại sao thầy không theo sát nó, không phải như một ý tưởng nhưng thực sự lấy nó ra và thấy rằng nó nở hoa, để cho mỗi lần nở hoa là một hủy diệt của chính nó và vì vậy không còn “thầy” ở khúc cuối của nó mà đang quan sát sự hủy diệt. Trong đó là sáng tạo thực sự.

Giáo viên: Khi bông hoa nở rộ, nó tự phơi bày. Chính xác ra ý của ông là gì, thưa ông, khi ông nói rằng khi ganh tị nở hoa nó sẽ tự hủy diệt chính nó?

Krishnamurti:
Hãy xem một cái nụ, một cái nụ thực sự từ một bụi cây. Nếu thầy ngắt nó, nó sẽ không bao giờ nở hoa, nó sẽ chết mau lẹ. Nếu thầy để cho nó nở hoa, vậy thì nó sẽ trưng ra cho thầy những màu sắc, vẻ duyên dáng, phấn hoa, mọi thứ. Nó thể hiện cái gì nó thực sự là mà không cần thầy nói nó là màu đỏ, nó là màu xanh, nó có phấn hoa. Nó ở đó cho thầy nhìn ngắm. Tương tự như vậy, nếu thầy cho phép ganh tị nở hoa, vậy thì nó phơi bày cho thầy mọi thứ nó thực sự là – mà là đố kỵ, quyến luyến. Vì vậy khi cho phép ganh tị nở hoa, nó đã cho thầy nhìn thấy tất cả sắc thái của nó và nó đã bộc lộ cho thầy cái gì đằng sau ganh tị mà thầy sẽ không bao giờ khám phá được nếu thầy không cho phép nó nở hoa.
Nói rằng ganh tị là nguyên nhân của quyến luyến chỉ là cách nói bằng lời. Nhưng khi thực sự cho phép ganh tị nở hoa, cái sự kiện thầy quyến luyến một cái gì đó trở thành một sự kiện, một sự kiện cảm xúc, không phải là một ý tưởng bằng lời, thuộc trí năng và vì vậy mỗi nở hoa bộc lộ cái đó mà thầy đã không thể khám phá; và bởi vì mỗi sự kiện tự bộc lộ chính nó, nó nở hoa và thầy giải quyết nó. Thầy cho phép sự kiện nở hoa và nó mở ra những cánh cửa khác, cho đến khi không còn nở hoa của bất kỳ loại nào và, vì vậy, không còn nguyên nhân hay động cơ thúc đẩy của bất kỳ loại nào.

Giáo viên: Phân tích tâm lý sẽ giúp tôi tìm ra những nguyên nhân của ganh tị. Giữa sự phân tích và nở hoa mà trong đó một bông hoa tự bộc lộ chính nó, có sự khác nhau rõ rệt nào không?

Krishnamurti: Một là quy trình của trí năng, người quan sát vận hành vào những sự việc được quan sát, mà là phân tích, mà là sửa chữa, thay đổi và thêm vào. Cái kia là sự kiện mà không có người quan sát, nó là cái gì chính sự kiện là.

Giáo viên: Điều gì ông nói hoàn toàn không thuộc từ ngữ. Không có sự liên hệ giữa người quan sát và vật được quan sát.

Krishnamurti: Ngay khi thầy chợt bắt được một cảm thấy rằng mọi thứ trong thầy phải nở hoa, mà là một trạng thái rất nguy hiểm, nếu thầy hiểu rõ vấn đề rằng mọi thứ phải nở hoa trong thầy, mà là một sự kiện tuyệt vời, trong đó có tự do thực sự. Và, khi mỗi sự việc nở hoa, không có người quan sát lẫn vật được quan sát, vì vậy không có mâu thuẫn. Vì vậy tất cả những sự việc nở hoa trong thầy và chết đi.

Giáo viên: Tại sao tôi phải cho phép nó nở hoa nếu tôi có thể nhấm nháp nó trong cái nụ?

Krishnamurti: Chuyện gì sẽ xảy ra cho một bông hoa nếu thầy giết cái nụ đi? Nếu thầy giết cái nụ, nó sẽ không nở hoa nữa. Tương tự như vậy, thầy nói rằng, “Tôi phải giết chết ganh tị hay sợ hãi” nhưng không thể giết chết được ganh tị và sợ hãi. Thầy có thể trấn áp chúng, thay đổi chúng, dâng nó cho một vị chúa nào đó, nhưng chúng sẽ luôn luôn ở đó. Nhưng nếu thầy thực sự hiểu rõ vấn đề mấu chốt là cho phép mọi thứ nở hoa mà không can thiệp vào, nó sẽ là một cuộc cách mạng.

Giáo viên: Ganh tị là một vấn đề phức tạp.

Krishnamurti: Hãy để cho nó nở hoa. Trong khi nở hoa, ganh tị bộc lộ sự phức tạp của nó. Và trong khi hiểu rõ sự phức tạp, trong khi nhìn ngắm sự phức tạp, nó bộc lộ ra nhân tố nào đó khác nữa, và hãy để cho nhân tố đó nở hoa, để cho mọi thứ đang nở hoa trong thầy, không có thứ gì bị khước từ, không có thứ gì bị đè nén, không có thứ gì bị kiểm soát. Nó là một sự giáo dục tuyệt vời, phải vậy không?

Giáo viên: Điều gì ông đang nói có ý nghĩa lớn lao. Nhưng liệu nó có thể được hay không?

Krishnamurti: Có thể được, nếu không nói ra cũng vô ích mà thôi. Nếu thầy hiểu rõ việc đó, làm thế nào thầy giúp đỡ em học sinh nở hoa đây? Làm thế nào thầy giúp đỡ em hiểu rõ được đây?

Giáo viên: Tôi sẽ khởi đầu với chính tôi. Bằng một sự tiếp cận tâm lý nào đó tôi có thể thấy được nguyên nhân. Điều gì ông đang nói là trong nở hoa, cái vấn đề chính nó tự cởi mở. Có nhiều sự khác biệt giữa hai giải pháp, Nhưng ngay cả nếu tôi thoáng hiểu được nó, muốn chuyển tải nó cho em học sinh thật là khó khăn.

Krishnamurti: Nó là một chuyển tải không từ ngữ mà tôi đã dùng từ ngữ chuyển tải sang thầy. Làm thế nào tôi có thể đạt được một trạng thái đang nở hoa của tư tưởng mà xảy ra trong chuyển tải?

Giáo viên: Trước khi người ta có thể tìm hiểu trạng thái đang nở hoa này hay thậm chí tìm hiểu cái không gian mà trong đó trạng thái đang nở hoa có thể xảy ra, phải thiết lập được một chất lượng cân bằng để cho phép bất cứ vấn đề gì nở hoa trong tôi.

Krishnamurti: Tôi không chấp nhận việc này. Tôi không tin thầy có thể thực hiện được việc này bằng cách đó. Ví dụ như ý tưởng ganh tị. Tôi nói rằng hãy để cho nó nở hoa đi. Nhưng thầy lại không cho phép nó nở hoa.

Giáo viên: Khi tôi đang tiếp xúc với em học sinh, yếu tố đầu tiên không là sự đánh thức chất lượng trực nhận này, mà là trạng thái cân bằng hay sao?

Krishnamurti: Tôi sẽ nói cho thầy nó là gì. Nếu thầy đã lắng nghe, thực sự đã lắng nghe, nở hoa sẽ xảy ra thực sự. Nếu thầy đã lắng nghe, đã quan sát, đã hiểu rõ, ngay tức khắc sau lắng nghe đó, nó đã xảy ra và nếu điều đó đã xảy ra, vậy thì những vấn đề khác rất đơn giản cho em bé. Thầy sẽ tìm ra những cách khác nhau để quan sát em bé, để giúp đỡ em bé, để chuyển tải sang em bé ở mức độ từ ngữ.
Chính động thái lắng nghe là nở hoa.

Giáo viên: Lắng nghe đó là một chất lượng, thưa ông?

Krishnamurti: Thầy là lắng nghe. Tại sao thầy gọi nó là một chất lượng? Thầy đã lắng nghe điều gì tôi phải nói sáng nay: “Hãy cho phép mọi thứ nở hoa.”
Nếu thầy lắng nghe, nó sẽ xảy ra. Nó không là một chất lượng. Một chất lượng là một sự việc đã được thiết lập sẳn rồi. Đây là một sự việc đang sống, một sự việc đang bùng cháy, một sự việc đang mãnh liệt. Thầy không thể biến nó thành một chất lượng, một luyện tập. Thầy có thể luyện tập quan sát màu sắc hay không? Thầy không thể làm được. Thầy có thể thấy được vẻ dẹp và sự rực rỡ của bông hoa chỉ khi nào có một nở hoa.


J. Krishnamurti 

Trích: KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
                    (KRISHNAMURTI ON EDUCATION)
                    Lời dịch: Ông Không -2007
                  NÓI CHUYỆN VỚI GIÁO VIÊN

1 nhận xét:

  1. When you’re finished, you’ll have an easy-to-read flowchart that you can use to start building your essay. http://wnoyqpkwja.dip.jp http://7av4qe9tof.dip.jp http://lhbk9e97qj.dip.jp

    Trả lờiXóa