Điều Kỳ Diệu của Giáo Pháp Như Lai - Ngài Tam Tạng thứ 10 Sundara Tipiṭakadhara

 Ban biên tập "Cội Nguồn" xin được lược trích ghi chép lại những lời chỉ dạy của Ngài  Tam Tạng thứ 10 trong buổi pháp đàm tổ chức tại Tu viện Sydney Burmese Buddhist Vihara ngày chủ nhật 20/05/2018 vừa qua, được thông dịch từ Sư Thiện Đức. Xin chia sẻ với bạn bè đồng đạo, nếu có điều gì sai sót mong bạn đọc thông cảm bỏ qua và chúng con cũng xin sám hối Ngài nếu chúng con không ghi được lời dạy của Ngài một cách hoàn toàn trung thực.

Điều Kỳ Diệu của Giáo Pháp Như Lai

&

Điều Kỳ Diệu Của Biển Cả


Hôm nay, Sư sẽ giảng tóm tắt về đề tài mà Đức Phật đã thường xuyên giảng dạy suốt 45 năm. Và Úc châu là một quốc gia được bao quanh bởi biển cả, nên khi chúng ta nghe pháp có mối quan hệ trong đời sống thì sẽ dễ hiểu hơn. Thời Đức Phật cũng vậy, vì giáo lý thật thâm sâu, nên để hiểu hết về Phật Pháp, Đức Phật cũng dùng ví dụ. Hôm nay Ngài (Tam Tạng 10) cũng theo cách này để chia sẻ với các phật Tử về những bài Pháp ngắn. Đó là sự vi diệu của biển cả và sự vi diệu của giáo pháp mà Đức Tôn Sư của chúng ta đã thuyết giảng.
Trong một thời Pháp, Đức Phật thuyết giảng cho hàng tứ chúng, tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự Nam, cận sự nữ, Ngài dạy rằng: Giáo Pháp của Như Lai cũng như biển cả, từ cạn đến sâu và mức độ cạn sâu này không phải là độ cạn sâu nhất định như mực nước ở sông hay ở hồ.
- Điều kỳ diệu thứ nhất của biển cả là mực nước từ cạn đến sâu, cũng như khi bắt đầu học Phật Pháp, phải học giữ giới, hàng Phật Tử tại gia chúng ta thọ trì Tam Quy và Ngũ Giới để thu thúc thân khẩu. Khi thân khẩu được thanh tịnh nhờ giữ giới, mới định tâm được. Định tâm được rồi, mới phát triển thấy biết rõ ràng các Pháp vi tế về thân tâm, và các pháp chân đế như ngũ uẩn, thấy rõ đặc tính vô thường của danh pháp, sắc pháp hay ngũ uẩn, đó là sự tu tập từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, giống như biển cả vậy.

- Điều kỳ diệu thứ hai là dù nước của các dòng sông chảy ra biển cả rất nhiều trên khắp thế giới... Dẫu trời mưa, nước dâng lên từ các dòng sông rồi mỗi ngày chảy ra biển cả, nước vẫn không tràn ra khỏi bờ biển. Tương tự như vậy, trong giáo pháp của đức Phật cũng có điều kỳ diệu thứ hai, đó là dù các bậc thiện trí thức đến với giáo pháp của Như Lai xin quy y thọ trì ngũ giới, bát quan trai giới, thập thiện giới, các giới của sa di, các giới của sa di ni, tỳ kheo, tỳ kheo ni... Khi các quý vị đó tu tập theo giáo Pháp của Ngài, thọ trì giới luật do Ngài đã chế định, các vị đó không có ý phá giới, đây là điều kỳ diệu thứ hai ở trong giáo pháp của đức Phật.

- Điều kỳ diệu thứ ba của biển cả là dù những xác chết của súc vật, của loài người hay bất cứ chúng sanh nào khi vào biển cả đều bị sóng cuốn trôi dạt lên bờ. Trong giáo Pháp Phật cũng vậy, những người phạm giới hay phá giới thì không thể hoan hỷ sống trong giáo pháp của đức Phật, vì chính bản thân họ biết rằng mình phạm giới về khẩu và thân thì tự bản thân họ phải hoàn tục hay phải ra khỏi hội chúng, chứ không thể hòa nhập trong hội chúng thanh tịnh.

- Điều kỳ diệu thứ tư của biển cả, dù nước từ các dòng sông đều có tên riêng như nước của sông Mê Kông, nước của sông Hằng .v.v... nhưng khi chảy ra biển cả rồi, cùng là nước biển mà thôi. Tương tự như vậy, điều kỳ diệu thứ tư của đức Thế Tôn là dù những người từ quốc gia khác nhau, quy y Phật Pháp thuộc giới tộc khác nhau, dù khác biệt về màu da sắc tộc, nhưng đến với giáo pháp của đức phật thì đều có tên là Phật Tử (những người con Phật, con trai hay con gái của đức Phật).

- Điều kỳ diệu thứ năm của biển cả là tuy mực nước của biển lên xuống theo thủy triều, nhưng không có sự lên xuống một cách rõ rệt. Khi lụt lội mưa nhiều, mực nước các dòng sông dâng cao nhưng với biển cả, không thấy sự lên xuống nhiều dẫu nước của các dòng sông chảy ra biển bao nhiêu cũng vậy. Tương tự điều kỳ diệu thứ năm của giáo Pháp Như Lai, dù chúng ta là Phật Tử, những người con Phật thực hành giáo Pháp của Ngài, chứng đắc Thánh Đạo Thánh Quả trở thành bậc Thánh vô sanh, đoạn tận mọi phiền não tham ái, thì Niết Bàn không bao giờ đầy vơi, vì Niết Bàn dung chứa tất cả những hành giả đã đoạn tận phiền não tham sân si do thực hành Bát Chánh Đạo.

- Điều kỳ diệu thứ sáu của biển cả là vị mặn. Biển ở bất cứ quốc gia nào thì cũng chỉ có một vị mặn. Tương tự như vậy, trong giáo pháp của đức Phật chỉ có duy nhất hương vị giải thoát nhờ thực hành giới định tuệ. Dù ban đầu, chúng ta thực hành phương pháp khác nhau, nhưng nếu thực hành đúng đắn theo giới định tuệ mà đức Phật đã chỉ dạy, có thể loại trừ phiền não và đạt được Thánh Đạo Thánh Quả, thấy rõ Niết Bàn, chạm được hương vị giải thoát của Niết Bàn. Hương vị giải thoát này chỉ có ở trong giáo Pháp của Phật.

- Điều kỳ diệu thứ bảy của biển cả là biển chứa rất nhiều tài nguyên khoáng sản như kim loại, dầu khí, gas khí đốt, mỏ dầu và có rất nhiều báu vật... v.v. Tương tự, trong Pháp Phật có những pháp bảo quý giá là Tứ Niệm Xứ, 37 phẩm trợ Đạo.v.v... Những phương pháp thực hành gọi là Pháp Bảo, dẫn chúng sanh đến sự chứng đắc Thánh Đạo Thánh quả, dẫn đến sự đoạn tận khổ đau và chứng ngộ Niết Bàn.

- Điều kỳ diệu thứ tám của biển cả là bao la rộng lớn, có những cá lớn bơi lội dễ dàng và vui vẻ vì biển rộng mênh mông, nhưng nó không thể bơi lội thoải mái hoài ở các dòng sông. Tương tự như vậy trong giáo Pháp của như lai, có những hạng chúng sanh căn cơ lớn, tu tập giáo pháp của Ngài có thể chứng đắc 4 Thánh Đạo và 4 Thánh quả.

Đó là 8 điều kỳ diệu của biển cả và 8 điều kỳ diệu trong giáo Pháp của Như Lai. Để có được hương vị giải thoát thì chúng ta phải tu tập từ điều kỳ diệu thứ nhất, là tu từ thấp lên cao, từ cạn ra sâu giống như biển cả. Giáo Pháp của đức Phật cũng vậy, cũng tu từ thấp đến cao (cũng xin nói thêm khi Đức Phật Ngài giáo pháp tùy căn cơ trình độ của mỗi chúng sanh mà giáo hóa khác nhau, có khi từ cao xuống thấp). Khi chúng ta tu tập, phải tu giới trước. Phật tử tại gia giữ ngũ giới hay bát quan trai giới, hàng xuất gia thì có giới xuất gia của hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni... Nhờ giữ giới nên những phiền não bộc phát qua thân khẩu được ngăn chặn, loại trừ. Bất cứ nơi nào mà con người biết giữ giới thì nơi đó sẽ có đời sống an vui, như hầu hết dân tộc ở Bhutan giữ ngũ giới khoảng 90%, nên họ có đời sống an vui hạnh phúc.

Có nhiều loại định tâm khác nhau

Sát na định: Khi hành giả ngồi và tập trung trên hơi thở một thời gian ngắn có thể là vài giây hay vài chục giây thì sự tập trung này gọi là sát na định hay sự tập trung sát na trong tích tắc.

Cận định: Thời gian tập trung dài hơn sát na định có thể vài chục phút trước khi có thể nhập vào an chỉ định.

An chỉ định: là sự tập trung trên đối tượng nhập vào định như là ánh sáng, có thể an trú trên ánh sáng một tiếng hay 2 tiếng đồng hồ, tùy theo sở thích tùy theo thời gian mà mình phát nguyện để nhập vào định. Định này gọi là an chỉ định hay nhất thiền, nhị thiền, tam thiền...

Chỉ có thực hành Thiền Tuệ mới có thể đạt Đạo, bảo đảm hành giả đó không bị đọa vào 4 đường ác Đạo.

Đối với sự tu tập giới và định thì hành giả lấy đối tượng tu tập là khái niệm, ý niệm thuộc về Tục Đế, chứ không phải những Pháp Chân Đế. Những đối tượng của thiền tuệ mới là các pháp Chân Đế. Đối với hành giả tu tập định thì có thể chứng đắc các loại thần thông (một người biến thành nhiều người, đi ở trên hư không, tay có thể chạm vào mặt trời mặt trăng ...). Dù tu tập giới và định đạt được mức độ cao nhưng vẫn còn sinh tử luân hồi, chưa đạt Đạo. Một hành giả khi chứng đắc thần thông nhưng sau khi chết tái sanh vào cõi phạm thiên sống rất lâu, tuổi thọ rất dài nhưng khi hết phước hết tuổi thọ thì những hành giả đó có thể tái sanh vào 4 cảnh khổ là địa ngục, ngạ quỷ, a tu la, súc sanh... tùy theo những ác nghiệp mà họ đã tạo ở trong quá khứ. Cho nên, dù tu tập thiền định đến mức cao nhưng vẫn không bảo đảm trong quá trình tử sinh luân hồi.

Chỉ có thực hành Thiền Tuệ mới bảo đảm hành giả đó không bị đọa vào 4 đường ác Đạo nữa và khi hành giả thực hành thiền tuệ lấy đối tượng là Chân Đế.


Read more > Thiền Tuệ là Nghệ Thuật Sống - Sunlungu Vipassanā Meditation









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét