Sống như một người hiền




"Bây giờ là mùa xuân, mặt đất thật tươi vui, từ thung lũng những ngọn núi vươn lên xanh mát và ngọn cao nhất mới sung sức làm sao trong dáng uy nghi bất biến! Những chú sóc bé con chạy hối hả trên đường, những ngọn lá lấp lánh trong ánh nắng… Dù không phải là lãng tử hay thi nhân, ta vẫn nẩy sinh được một tình yêu rộng lớn, một tâm từ trước cái đẹp tuyệt vời này"…

Đó là những dòng nhật ký đề ngày Chủ nhật, 24 tháng tư năm 1983 của Krishnamurti. Nơi mà Krishnamurti nhận ra những dấu hiệu của mùa xuân và tụng ca những đường nét thiên nhiên đẹp đẽ ấy chính là vùng thung lũng Ojai (California, Mỹ), nơi ông sống những năm tháng cuối đời. Khi viết những dòng này, Krishnamurti đã 87 tuổi (ông mất năm 1986).
Gọi là nhật ký nhưng thực tế Krishnamurti không viết mà đọc vào một máy thu băng. Công việc đọc vào máy thu được thực hiện vào mỗi buổi sớm, trong một căn phòng yên tĩnh. Khi đọc, mọi sự vật và sự việc như một thước phim quay chậm hiện ra trước mắt Krishnamurti, và ông phổ vào đó tình cảm của mình. Một tình yêu thương cuộc đời nồng nàn hơn bao giờ hết.
Và, hơn bao giờ hết, Krishnamurti muốn truyền trao tư tưởng của mình lại cho mọi người một cách chân phương, sáng rõ, êm dịu nhất. Chẳng hạn Krishnamurti nói về thiền:

"Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ, những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền định. Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi ban mai. Thiền phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như con ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định

(Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984).

Có thể cách nói về thiền của Krishnamurti sẽ khiến nhiều người tranh cãi. Nhưng Krishnamurti nói ra trải nghiệm của mình không nhằm tranh biện với ai. Và càng đọc Krishnamurti (không chỉ ở tập sách này) ta càng xác quyết được một điều: hãy cứ sống thật nhân từ, hãy cứ tận trung với cảm quan của mình thì ta sẽ trở nên đẹp đẽ. Sự đẹp đẽ này không so sánh như nghệ sĩ hay thiền sư, mà theo nghĩa một con người sống động nhất.
Cũng chính vì ý nghĩa "sống như một con người" mà Henry Miller, trong lời giới thiệu cho cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti (bản dịch Phạm Công Thiện, NXB An Tiêm 1968) đã viết: "Ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là một bậc đạo sư, một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể".
Trở lại với ý niệm sống như một con người, trong Nhật ký cuối cùng, chúng ta thấy không ít lần Krishnamurti nói về sự tha hóa, tàn ác của con người. Con người đã không còn biết yêu thương nhau.
Và Krishnamurti cho rằng sở dĩ con người trở nên ác với nhau là bởi không biết yêu thiên nhiên: "Từ lúc khai thiên lập địa tới giờ, con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ chẳng còn muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa" 
(Thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983).

Việt Quê
 (Đọc Nhật ký cuối cùng của Krishnamurti; Thích Nữ Tuệ Dung dịch - Thích Nữ Trí Hải hiệu đính; Thiện Tri Thức & NXB)



Thứ sáu, ngày 30 tháng 3 năm 1984

Đang đi bộ xuống con đường thẳng tắp vào một buổi sáng dễ thương, đã là mùa xuân, và bầu trời có màu xanh lạ thường; không một đám mây trong nó, mặt trời rất ấm áp, không nóng quá. Thật dễ chịu. Những chiếc lá đang chiếu sáng và có một lóe sáng trong không gian. Một buổi sáng đẹp lạ thường.
Hòn núi cao ở đó, không thể nhìn xuyên qua được, và những quả đồi ở dưới có màu xanh lá cây đáng yêu. Và khi bạn yên lặng đi trên con đường, không có nhiều tư tưởng lắm, bạn trông thấy một chiếc lá chết, màu vàng và đỏ rực, một chiếc lá từ mùa thu. Chiếc lá đó đẹp làm sao, rất đơn giản trong cái chết của nó, rất sinh động, đầy vẻ đẹp và sinh khí của nguyên cái cây cùng mùa hè. Lạ lùng là nó đã không héo tàn. Nhìn gần nó hơn, người ta trông thấy tất cả những sợi gân, cái cuống và hình thể của chiếc lá đó. Chiếc lá đó là nguyên cái cây.
Tại sao con người lại chết đau khổ như thế, bất hạnh như thế, với một bệnh tật, tuổi già, suy yếu, thân thể co rút, xấu xí? Tại sao họ không thể chết tự nhiên và đẹp đẽ như chiếc lá này? Có chuyện gì sai trái với chúng ta vậy? Bất kể tất cả những bác sĩ, thuốc men và những bệnh viện, những cuộc giải phẫu và tất cả những nỗi thống khổ của cuộc sống, và những vui thú nữa, chúng ta dường như không có thể chết đầy trang nghiêm, đơn giản, và kèm theo một nụ cười.
Có một lần, đang dạo bộ trên một con đường làng, người ta nghe phía sau một bài kinh, du dương, nhịp nhàng, cùng uy lực cổ xưa của tiếng Phạn. Người ta dừng chân và quay lại nhìn. Cậu con cả, để trần tới thắt lưng, đang mang một cái hũ bằng đất sét nung có một ngọn lửa đang cháy trong nó. Cậu ta đang giữ nó trong một cái bình khác và đằng sau cậu ta là hai người đàn ông khiêng người cha đã chết, được phủ bằng miếng vải trắng, và tất cả bọn họ đều đang đọc kinh. Người ta biết bài kinh đó là gì, người ta hầu như tham gia vào. Họ đi qua và người ta đi sau họ. Họ đang đi xuống con đường vừa đi vừa đọc kinh, và cậu con cả đang khóc lóc. Họ tiễn đưa người cha đến bãi biển nơi họ đã thu gom một đống gỗ lớn và họ đặt thân thể trên đống gỗ rồi nổi lửa thiêu. Tất cả việc đó đều quá tự nhiên, đều đơn giản lạ lùng: không có những bông hoa, không có xe tang, không có những chiếc xe phủ màu đen được kéo bởi những con ngựa đen. Tất cả đều rất yên lặng và rất trang nghiêm. Và người ta nhìn chiếc lá đó, và hàng ngàn chiếc lá của cái cây. Mùa đông đã mang chiếc lá đó từ mẹ của nó xuống con đường mòn và chẳng mấy chốc nó sẽ khô hoàn toàn rồi héo tàn, sẽ ra đi, được mang đi cùng những cơn gió và không còn nữa.
Khi bạn dạy các em môn toán, cách viết, cách đọc, và mọi công việc để thâu lượm hiểu biết, các em cũng nên được dạy dỗ sự trang nghiêm của chết, không phải như một sự việc bất hạnh, u sầu, mà cuối cùng một người phải đối diện, nhưng như một sự việc nào đó của cuộc sống hàng ngày – cuộc sống hàng ngày của nhìn ngắm bầu trời xanh kia và con châu chấu trên một chiếc lá. Nó là thành phần của học hỏi, giống như bạn mọc răng và trải qua mọi buồn phiền của những bệnh tật thời niên thiếu. Các em bé có tánh tò mò, hiếu kỳ lạ lùng. Nếu bạn hiểu được bản chất của chết, bạn không giảng giải rằng mọi thứ đều chết, cát bụi trở về cát bụi và vân vân, nhưng không có bất kỳ sợ hãi nào bạn từ tốn giảng giải điều đó cho các em và tạo cho các em hiểu rõ rằng sống và chết là một – không phải vào khúc cuối cuộc đời của một người sau năm mươi, sáu mươi hay chín mươi năm, nhưng rằng chết giống như chiếc lá đó. Hãy nhìn những người phụ nữ và đàn ông lớn tuổi, họ trông xấu xí làm sao, lạc lõng làm sao, và già yếu hom hem làm sao. Đó có phải bởi vì họ thực sự đã không hiểu rõ được cả khi sống lẫn khi chết? Họ đã tận dụng cuộc sống, họ đã làm hao mòn cuộc sống của họ bằng xung đột liên tục mà chỉ rèn luyện và củng cố sức mạnh cho cái tôi, “cái tôi lệ thuộc”, cái bản ngã. Chúng ta phí phạm những ngày của chúng ta trong vô số những loại xung đột và bất hạnh khác nhau, kèm theo một chút sung sướng và vui thú nào đó, nhậu nhẹt, hút xách, những đêm thức khuya và làm việc, làm việc, làm viêc. Và vào khúc cuối cuộc đời của một người, người đó đối mặt cái sự việc được gọi là chết và bị nó gây kinh hãi. Người ta nghĩ rằng chết có thể luôn luôn hiểu rõ được, luôn luôn cảm nhận sâu sắc được. Cậu bé với tính hiếu kỳ có thể được giúp đỡ để hiểu rõ rằng chết không hoàn toàn là sự hủy hoại của thân thể bởi bệnh tật, tuổi già và tai nạn bất ngờ nào đó, nhưng hiểu rõ rằng kết thúc của mỗi ngày cũng là sự kết thúc của chính bản thân mình mỗi ngày.
Không có sống lại, đó là mê tín, một niềm tin giáo điều. Mọi sự vật trên quả đất, trên quả đất đẹp đẽ này, sống, chết, tồn tại và tàn tạ. Muốn hiểu rõ trọn vẹn chuyển động của cuộc sống này đòi hỏi thông minh, không phải thông minh của tư tưởng, hay những quyển sách, hay hiểu biết, nhưng thông minh của tình yêu và từ bi cùng nhạy cảm của nó. Người ta rất chắc chắn rằng nếu người giáo dục hiểu rõ ý nghĩa của chết và sự trang nghiêm của nó, sự đơn giản lạ thường của chết – hiểu rõ nó không bằng trí năng nhưng rất sâu sắc – vậy thì anh ấy có lẽ có thể chuyển tải cho em học sinh, cho đứa trẻ, rằng là chết, kết thúc, không là việc gì phải lẩn tránh, không là việc gì phải kinh hãi, vì nó là thành phần của toàn cuộc sống của một người, để cho khi em học sinh, đứa trẻ, lớn lên em sẽ không bao giờ còn kinh hãi sự kết thúc. Nếu tất cả những con người đã sống trước chúng ta, từ những thế hệ này qua những thế hệ khác, vẫn còn sống trên quả đất này thì sẽ khủng khiếp biết bao. Khởi đầu không là kết thúc.
Và người ta muốn giúp đỡ – không, đó là từ ngữ sai lầm – người ta muốn trong giáo dục mang chết vào một loại thực sự, thực tế nào đó, không phải của một người nào khác đang chết nhưng của mỗi người chúng ta, dù già hay trẻ, phải chắc chắn đối mặt sự kiện đó. Nó không là sự kiện buồn thảm của nước mắt, của cô độc, của phân ly. Chúng ta giết chóc quá dễ dàng, không chỉ những thú vật để có thức ăn cho con người mà còn giết chóc bừa bãi vô ích để vui chơi giải trí, được gọi là thể thao – giết chết một con nai vì đó là mùa săn bắn. Giết chết một con nai giống như giết chết người hàng xóm của bạn. Bạn giết chết thú vật vì bạn đã không còn hiệp thông cùng thiên nhiên, cùng tất cả sinh vật đang sống trên quả đất này. Bạn giết chóc trong những cuộc chiến tranh vì quá nhiều học thuyết, chính trị, quốc gia, lãng mạn. Nhân danh Chúa bạn đã giết con người. Bạo lực và giết chóc theo cùng nhau.
Khi người ta nhìn chiếc lá chết kia cùng tất cả vẻ đẹp và màu sắc của nó, có lẽ người ta sẽ hiểu rất sâu sắc, ý thức được, chết riêng của người ta phải là gì, không phải tại khúc cuối nhưng tại ngay khởi đầu. Chết không là sự việc khiếp sợ nào đó, một sự việc nào đó phải lẩn tránh, một sự việc nào đó phải trì hoãn, nhưng trái lại là một sự việc nào đó liên tục ngày ngày. Và từ đó có một cảm nhận lạ thường của bao la.

J.Krishnamurti

Bản dịch năm 2006, hiệu đính năm 2008 của Ông Không.
Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org.