Những mẫu truyện Thiền thú vị (2)



1) Thư Cho Người Sắp Chết


Bassui viết bức thư sau cho một trong những đệ tử của ngài sắp viên tịch:
"Chân tâm của con không hề được sinh, nên nó không bao giờ diệt.
Nó không phải là một hiện thực, dễ bị hũy hoại. Nó không hẳn là hư không, như một khoảng trống. Nó không sắc không tướng. Nó không thọ vui hay cam khổ.

"Ta biết rằng con đang bị bệnh nặng. Như một thiền sinh giỏi, con hãy quán chiếu đến chứng bệnh đó. Con có thể không hiểu ai đang đau khổ, mà tự hỏi mình: Cái gì là chân tâm? Chỉ quán tưởng đến điều này. Con chẳng cần gì khác. Chẳng ham muốn điều chi. Phút cuối của con xem như vô hạn chỉ giống như một mảnh tuyết tan trong tịnh độ.

2) CHÁNH ĐẠO


Ngay trước khi Ninakawa từ trần thiền sư Ikkyu đến thăm ông ta. "Tôi sẽ tiếp dẫn cho ông nhé?" Ikkyu hỏi.
Ninakawa trả lời: "Tôi đến đây một mình và tôi ra đi một mình. Ông có thể giúp đỡ được gì cho tôi đây?"
Ikkyu trả lời: "Nếu ông nghĩ rằng ông thực sự đến và đi, điều đó là vọng tưởng của ông. Để tôi chỉ cho ông thấy con đường trên đó không có đến và chẳng có đi."
Với những lời của mình, Ikkyu đã vạch ra cho thấy con đường sáng tỏ khiến Ninakawa mỉm cười và lìa đời.

Trích: (101 Zen Stories)

Tác giả:  thiền sư Nhật Mujū (無住 , Vô Trú)
Chuyển ngữ: Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO 

3) Sanh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu.

Thiền Sư Trí Bảo xuất gia ở chùa Thanh Tước trên núi Du Hý làng Cát Lợi, đất Thường Lạc. Thường ngày mặc áo vá ăn cơm hẩm, cả mười năm không đổi chiếc áo, đến ba ngày chẳng thổi lửa nấu cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô khan. Thấy có người đến thì khoanh tay đứng nép một bên, gặp bậc Sa-môn thì quì gối lễ bái. Sư chuyên tu như vậy đến sáu năm mới xuống núi.
Xuống núi, Sư chuyên tạo phước nào sửa đường, bắc cầu, cất chùa, xây tháp, tùy duyên khuyến khích người, không vì lợi dưỡng.
Chợt gặp một vị Tăng hỏi:
- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu?
Sư liền suy nghĩ. Vị Tăng ấy bảo:
- Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.
Sư không đáp được. Vị Tăng ấy quát:
- Chùa tốt mà không có Phật.
Nói rồi bèn bỏ đi. Sư tự than rằng:
- Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa được yếu chỉ của người xuất gia, ví như kẻ đào giếng, dù đào đến chín, mười thước mà chưa có nước, vẫn phải bỏ đi. Huống là, tu thân mà chẳng ngộ đạo thì có ích gì?
Từ đây, Sư dạo khắp bốn phương tham tìm bậc thiện tri thức. Nghe Thiền sư Đạo Huệ giáo hóa ở Tiên Du, Sư liền đến đó.
Sư hỏi Đạo Huệ:
- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu?
Đạo Huệ bảo:
- Sanh không từ đâu lại, tử chẳng đi về đâu.
Sư thưa:
- Thế ấy, đâu chẳng rơi vào chỗ không sao?
Đạo Huệ bảo:
- Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sanh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu.
Ngay câu nói này, Sư liền lãnh ngộ, nói:

- Chẳng nhân gió cuốn mây trôi hết,
Đâu thấy trời trong muôn dặm thu.
(Bất nhân phong quyển phù vân tận,
Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu.)

Đạo Huệ hỏi:
- Ngươi thấy cái gì?
Sư thưa:
- Biết nhau khắp thiên hạ,
Tri âm có mấy người.

(Tương thức mãn thiên hạ,
Tri âm năng kỉ nhân.)

Sư bèn từ tạ trở về núi.

Trích: Thiền Sư Việt Nam
Tác giả: HT. Thanh Từ

4) Tinh túy Thiền của Như Lai


Một cư sĩ hỏi:

- Bạch thầy, Thiền được mô tả là “Truyền ngoài kinh sách và không qua văn tự”, vậy mà lại có nhiều cuộc vấn đáp và tham hỏi về Đạo giữa các thiền sinh và thiền sư hơn cả giáo môn. Như thế thì làm sao có thể nói Thiền là pháp môn “truyền ngoài kinh sách?”? Xin thầy giảng câu “ngoài kinh sách, không qua ngôn ngữ văn tự” nghĩa chân thực là thế nào?
Thiền sư thốt lên tiếng gọi:
- Cư sĩ!
Ông ta đáp ngay lập tức:
- Dạ.
Thiền sư nói:
- Tiếng “dạ” đó đến từ pháp môn nào?
Ông cư sĩ cúi đầu vái thiền sư. Thiền sư tiếp:
- Khi ông dự định tới đây, là ông tự quyết định. Khi ông định hỏi, là ông tự làm công việc “hỏi” đó. Ông không nhờ đến ai và cũng không cần phải dùng đến giáo pháp của đức Phật để làm chuyện đó.
Chính cái “tâm” này chỉ đạo cho bản thân, chính nó là cốt tủy của “truyền ngoài kinh điển và không qua ngôn từ”.
Đó chính là tinh túy Thiền của Như Lai. Những lời hùng biện lanh lợi, văn chương lưu loát, phân biệt và hiểu biết cảm thông, đều không tới được bờ mé của Thiền này. Chỉ có người nào thâm quán nội tâm một cách sâu sắc, không sa vào cái bẫy của chữ nghĩa, cũng không bị những lời dậy của chư Phật, chư Tổ che phủ làm mờ chân tánh, người nào vượt qua con đường độc đạo tiến tới Giác Ngộ và không để cho sự lanh lợi khéo léo trở thành nguyên nhân suy sụp, người đó sẽ, lần đầu tiên trong đời, đạt Đạo.
Ngay từ khởi thủy, tất cả mọi chúng sinh đều vốn đã đầy đủ trọn vẹn và toàn hảo. Chư Phật và người dân thường đều vốn bình đẳng là Như Lai tự bản chất.
Em nhỏ mới sanh vung tay khua chân cũng chính là hoạt dụng tuyệt vời của bản thể tự tánh.
Chim bay, thỏ chạy, mặt trời mọc, vầng trăng lặn, gió thổi, mây trôi, tất cả mọi sự vật hoán chuyển đổi thay đều từ hoạt dụng của guồng quay bản thể. Chúng không tùy thuộc vào lời dạy của người khác hoặc sức mạnh của ngôn ngữ.
Từ sự hoạt dụng của Giác Tánh, tức là bản thể của mỗi người, mà tôi đang nói chuyện đây và cũng vậy, các ông đang nghe tôi qua sự huyền diệu của Giác Tánh các ông đó.”

Trích: Ngữ lục của thiền sư Bassui Tokusho bằng Nhật ngữ
Arthur Braverman dịch sang bản Anh ngữ “Mud and Water”.
Tuệ Đăng (ĐPK) dịch sang Việt ngữ
.