Một lần duy nhất... “nhất kỳ nhất hội”






Nếu bạn có dịp bước vào một ngôi trà thất có lẽ bạn sẽ nhìn thấy một tờ thư pháp treo trên tường với dòng chữ “nhất kỳ nhất hội”, one time one meeting. Đó cũng là một câu châm ngôn trong Trà đạo. Chúng ta chỉ có thể gặp nhau, tiếp xúc nhau, một lần duy nhất mà thôi.
Tuy trong cuộc sống ta có thể đã gặp nhau nhiều lần, đã cùng ngồi uống với nhau bao nhiêu tách trà, nhưng mỗi lần là một lần hoàn toàn mới. Bao giờ cũng chỉ có thể là một lần gặp mặt này thôi và chỉ là một tách trà này mà thôi. Không thể là một lần thứ hai. Và nếu ta biết có mặt trọn vẹn với giây phút ấy, ta mới có thể tiếp xúc được với sự tự nhiên chân thật của sự sống.

Bà Maurine Stuart là một giáo thọ thuộc dòng thiền Lâm Tế, và cũng là một nhạc sĩ trình tấu piano, có chia sẻ như sau:

Chúng ta bao giờ cũng là đang bắt đầu. Lúc nào cũng sẽ là lần đầu tiên của mình. Khi chơi piano, tôi thường đánh nhạc đến dấu hiệu lặp trở lại (repeat sign) trong bài nhạc. Thật ra ta có thể nào lặp lại đoạn nhạc ấy được chăng? Mỗi khi dạy học trò mình chơi piano, và khi đánh đến dấu lặp trở lại ấy, tôi bảo các em rằng, không có sự lặp lại. Chúng ta trở lại đầu của đoạn nhạc ấy, nhưng nó sẽ không bao giờ giống y như trước. Lúc nào cũng sẽ là mới tinh khôi.
Và sự sống của ta cũng vậy. Mà thật ra đó mới chính là cái ý nghĩa chân thật, sâu xa của sự tự nhiên, nó khác biệt với những phản ứng và lối hành xử máy móc có điều kiện kia biết là bao nhiêu! Tuy hoàn cảnh có thể không thay đổi, năm tháng vẫn vậy, cũng tách trà ấy, cũng trời mây ấy, nhưng những điều kiện chung quanh ta, và ngay chính ta, chắc gì cũng vẫn là như xưa?
Và nếu như ta không thật sự có mặt thì mình có thể nào sống với một lòng say mê tự nhiên như ta nghĩ được chăng? Vì cuộc sống không bao giờ có một sự lặp lại, nhưng nhiều khi ta vẫn cứ ôm ấp và tiếp nối mãi những nỗi muộn phiền xưa cũ của mình...












Ấm một bình minh

...Buổi sáng này, sau giờ ngồi thiền, mở mắt ra tôi thấy nắng ấm phủ núi đồi ngoài kia. Vạn vật lại mới tinh mơ. Bốn mùa chuyển đổi, nhưng bầu trời sáng nay vẫn xanh và trong, vì bản chất của nó bao giờ cũng vậy. Hôm qua và ngày mai, trong cuộc đời của chúng ta có thể sẽ có những ngày mưa, nhưng rồi cũng qua. Và những cơn mưa đôi khi lại làm bầu trời sáng nay trong hơn.
Tôi đoán buổi chiều sẽ trở lạnh. Sáng mai tôi sẽ dậy thật sớm, mặc thêm một chiếc áo khoác cho ấm, xuống thiền đường ngồi nghe tiếng chim hót và nhìn mặt trời hồng. Buổi sáng nơi này mặt trời mùa thu thật đẹp. Dãy núi xa, những đóa hoa dại bên đường, con suối giữa rừng, và con đường nhỏ phủ đầy lá trải dài ngoài kia cũng đang có mặt trong tôi, đang ngồi yên đây.
Bạn biết không, một trong những đặc tính của giáo pháp đức Phật là ehipasiko, cũng có nghĩa là trở về để thấy. Tôi nghĩ, ngồi lại cho yên, bước những bước thảnh thơi cũng là một cách quay trở về, nó giúp cho cái thấy của mình được chút sáng tỏ hơn, và hạnh phúc của ta cũng bớt chút gì dao động hơn. Ðặt nhẹ dùi vào chuông, tôi nguyện tiếng chuông này thỉnh lên sáng nay sẽ làm những bình minh trong cuộc đời thêm ấm áp.



Bạn có nghĩ sự tu học sẽ làm ta mất đi lòng say mê của mình đối với cuộc sống chăng? Nó có khiến chúng ta trở nên không còn tự nhiên trong lối tiếp xử hằng ngày của mình? Có người bạn bảo rằng sau khi "tu thiền" một thời gian rồi thì dường như chị cũng bớt còn biết xúc cảm. Và có một nhà soạn kịch chia sẻ là từ ngày biết "tu thiền", anh đã không còn có thể "khóc cười với kịch" được nữa!
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, khi bước vào con đường tu học ta sẽ phải đánh mất đi sự say mê (passion) và những bén nhạy tự nhiên (spontaneity) của mình đối với cuộc sống chung quanh. Dường như là thiền tập sẽ khiến ta trở thành một người vô cảm! Nhưng sự thật có đúng là như vậy chăng?
Thế nào là tự nhiên?
Tôi thấy vấn đề có lẽ là vì chúng ta có một quan niệm sai lầm, một lối hiểu khác về thế nào là tánh tự nhiên của mình. Có thể ta lầm lẫn tính tự nhiên với lại những tập quán và thói quen sẳn có của mình, và cũng có lẽ ta nghĩ rằng những hành động nào mà không suy tính, phản ứng theo cảm xúc, thì mới là tự nhiên, spontaneity.
Thật ra phần lớn những hành động mà ta cho là "tự nhiên" ấy, chúng chỉ là những phản ứng bị điều kiện của mình mà thôi. Chúng ta bị điều kiện bởi các thói quen và tập quán lâu đời, mà chúng là sự huân tập của những buồn vui, ham muốn, ghét bỏ qua năm tháng. Chúng ta hành xử theo chúng, đôi khi làm mà không hề ý thức được hậu quả của việc mình làm. Và rồi ta bị trôi lăn theo những bận rộn, lo âu của cuộc sống hằng ngày, phản ứng máy móc theo hoàn cảnh chung quanh. Và ta lại vô tình cho đó là sự say mê (passion) và tánh tự nhiên (spontaneity) của mình.
Nguyễn Duy Nhiên