Nghệ thuật cảm thương


Chúng ta đã bàn về sự chứng ngộ một khi đã đến với một Thiền giả tinh luyện sẽ có tác dụng như thế nào trong mối xúc tiếp giữa vị ấy với thế gian và với chính ông. Nhưng bằng cách nào ông giúp đỡ kẻ khác ? Bằng cách đồng lạc cộng khổ, người ta sẽ bảo.
Niềm vui chân thật vô ngã là một nghệ thuật không ai có thể hiểu nổi. Còn khó hơn nữa là nghệ thuật khổ đau.
Ngay cả những người đã trải qua nhiều đau khổ cũng có thể lỡ mất con đường đúng. Bởi vì ý nghĩa của khổ đau bị ẩn nấp, và chỉ hiển lộ cho người nào biết chấp nhận và chịu đựng nó. Vị tu sĩ Thiền giúp người khổ đau chịu đựng nỗi đau khổ của họ cho đúng đường lối.Khi một tu sĩ Thiền đã đặt một người đau khổ dưới sự săn sóc của mình, và có lý do để sợ rằng người kia không “lớn lên” theo kịp nỗi đau khổ của y, ông sẽ thăm viếng y luôn. Không phải với ý định làm cho y nhẹ bớt những nỗi lo âu cuồng loạn, nhưng là để đạt đến cái ngã thâm sâu của y. Ông sẽ cố làm cho y đối đầu với khổ đau của mình bằng cách ý thức rõ tầm vĩ đại và sự trọn vẹn của nó. Ông sẽ giúp người đang đau khổ thấy rằng không thể vượt qua khổ đau bằng cách từ chối không chịu đối mặt với nó, hoặc bằng cách đầu hàng nó trong tuyệt vọng. Ông sẽ cho y biết trước mối nguy của việc y cố tìm sự an ủy, và chờ đợi thời gian hàn gắn. Sự cứu rỗi nằm ở chỗ hoàn toàn bằng lòng với định mệnh, chấp nhận một cách bình thản những gì trút lên đầu mình mà không buồn hỏi vì sao tạo hóa lại dành riêng cho ta lắm nỗi bất bình ? Bất cứ ai có thể chịu đựng khổ đau theo cách đó đều là những người lớn lên ngang tầm với khổ đau của mình và thoát ly khỏi nó bằng cách tập quen dần để bất chấp sự kiện rằng đấy là nỗi đau khổ của mình.
Sự thoát ly này dọn đường cho việc hàn gắn, sự hàn gắn tự đó theo sau, tùy mức độ y trở nên nhạy cảm đối với khổ đau của những người khác, và mức độ y chia sẻ sự đau khổ của người khác một cách vô ngã. Sự “cộng khổ” này hoàn toàn khác hẳn với lối cảm thông tình cảm mà phần đông chúng ta thường lâm vào, một mối cảm thông dễ dàng được khơi dậy và dễ dàng tan biến, mối cảm thông này vô hiệu vì nó không đủ yếu tố vô ngã. Lòng lân mẫn thật sự không bị giới hạn trong ngôn từ, thường đúc nên mối ràng buộc thân thiết nhất giữa những con người và tất cả mọi loài. Ý nghĩa đích thực của khổ đau chỉ hiển bày cho người nào đã học được nghệ thuật lân mẫn.
Nếu người khổ đau chịu mở tai và mắt của y ra, nhờ một cuộc khai quang tâm trạng cho y, y sẽ nhận thấy rằng sự trốn chạy thực tại cũng như khước từ khổ đau đều không thể đem lại cho y giải thoát. Và nếu khi trở về với chính y, y chứng tỏ có cố gắng để trở thành một với định mệnh, gật đầu với nó để cho nó làm tròn định luật của riêng nó. Khi ấy, người tu sĩ sẽ tiếp tục giúp đỡ y. Ông sẽ trả lời những câu hỏi y đặt ra mà không đưa ra cái gì hơn là những gợi ý, và dĩ nhiên không giảng đạo.
Bởi vì đối với ông, có một cái gì dường như vô cùng quan trọng hơn danh từ. Dần dần ông sẽ im lặng, và cuối cùng sẽ ngồi đấy không nói năng trong một lúc lâu, đắm chìm trong chính mình. Và điều lạ lùng là sự im lặng này người kia không xem là dửng dưng, là sự trống trải buồn bã có tác dụng quấy động hơn là trấn an. Trái lại, dường như thể sự im lặng ấy còn có nhiều ý nghĩa hơn vô số lời có thể thốt ra. Như thể y đang được kéo vào trong một môi trường đầy sức mạnh, từ đó nguồn nghị lực mới mẻ tuôn chảy vào trong y. Y cảm thấy tràn đầy một niềm tin cậy lạ lùng, mặc dù người tu sĩ viếng thăm y đã đi mất từ lâu. Và có thể trong những giờ khắc hân hoan này, y sẽ phát sinh quyết định bước lên con đườg đã biến đổi một cuộc đời khốn đốn thành một sự sống tràn đầy hạnh phúc. 

Trích:
"Sống Thiền" (THE METHOD OF ZEN)
Tác giả: E. HERRIGEL
Dịch giả: TRÍ HẢI