Trong nước Úc, quốc gia tôi đang ở, có số lượng Phật Tử không đáng kể vào năm 1983, khi tôi từ Thái Lan đến đây lần đầu tiên. Đến năm 1991, số lượng Phật Tử đã lên đến 0,8%. Vào năm 1996, con số nầy tăng lên đến 1,1%. Gần đây, trong Bản Điều Tra Dân Số Nước Úc năm 2001, số lượng Phật Tử đã tăng thêm 75%, có nghĩa là lên đến 1,9% dân số. Con số nầy có nghĩa là (gần như) một trong năm mươi người Úc tuyên bố họ là Phật Tử. Trong khi Thiên Chúa Giáo suy giảm ở Tây Phương, Phật Giáo đã trở thành tôn giáo phát triển nhanh nhất tại nước Úc, và tại nhiều quốc gia phát triển khác.
Đây là một tin tốt, và cũng là một tin xấu. Đây là một tin tốt, bởi vì nhiều người Úc đang hưởng phước lợi từ một tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới. Đây là một tin xấu, bởi vì những nhà sư giống như tôi phải làm việc vất vả, vì phải chăm sóc thêm cho nhiều đệ tử!
Bây giờ tôi muốn nói về ý tưởng tại sao tôi nghĩ rằng Phật Giáo đang phát triển rất tốt đẹp ở Tây Phương. Tôi sẽ xử dụng từ ngữ viết tắt PURE (NGUYÊN CHẤT) tóm tắt bốn phương cách chính yếu, để giúp chúng ta gia tăng sự truyền bá Đạo Phật:
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG - các nhà sư thuyết giảng bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, để giúp cho Phật Tử dễ hiểu.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI - các nhà sư giúp cho Phật Tử khi đến chùa, họ cảm nhận được sự thân thiện, và họ cảm thấy thích thú khi được học hỏi về Phật Pháp.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG - các nhà sư chọn đề tài liên hệ đến cuộc sống, nói về các TRỞ NGẠI hằng ngày.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT - cuộc sống mỗi ngày của các nhà sư, là các thí dụ sống động nhất.
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG:
Nếu chúng ta muốn giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật đến gần với thế hệ tân tiến, và hiện đại, thì chúng ta cần phải thuyết giảng theo cách hiện đại. Điều nầy không có nghĩa là bản chất của Phật Pháp cần phải thay đổi; mà phương cách thuyết giảng cần phải điều chỉnh liên tục. Các thế hệ tương lai sẽ không chịu ngồi lắng nghe các nhà sư thuyết giảng qua giọng nói đều đều, gây buồn chán, hoặc là nói về một đề tài không thích hợp, không áp dụng được vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết Đức Phật nói rằng, chúng ta nên giảng dạy Phật Pháp bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, thí dụ như bài Kinh Phân Tích Về Sự Không Xung Đột (Aranavibhanga Sutra). Quý vị hãy để tôi đưa ra một thí dụ, cho biết điều nầy có ý nghĩa gì. Thế kỷ vừa rồi, các linh mục và các học giả Tây Phương chỉ trích Đạo Phật là bi quan, họ nói rằng Đạo Phật chỉ tập trung vào sự đau khổ. Thậm chí, điều nầy còn được lặp đi lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng John Paul II, trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi của ngài về các tôn giáo trên thế giới. Để tránh sự hiểu lầm nầy, chúng ta có thể sắp xếp lại Sự Giảng Dạy Chính Yếu Của Phật Pháp nói về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) như là Hạnh Phúc (Dukkhanirodho); Nguyên Nhân Của Hạnh Phúc (là Con Đường Cao Quý Có Tám Phần = Bát Chánh Đạo); Sự Vắng Mặt Của Hạnh Phúc (Sự Đau Khổ = Dukkha); và Nguyên Nhân Hạnh Phúc Đã Vắng Mặt (Sự Ham Muốn = Craving). Đấy là sự di chuyển trọng-tâm từ đau-khổ thành hạnh-phúc.
Đây là một cách trình bày Phật Pháp theo một hình thức khác, đơn giản, mà vẫn giữ được bản chất, tuy nhiên cách nầy sẽ hấp dẫn các khán giả hiện đại. Điều nầy đã được chứng minh bằng câu nói sau đây của Đức Phật: "Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng" (Kinh Pháp Cú, Kệ 203 và Kệ 204). Khi tôi trình bày Bốn Sự Thật Cao Quý theo cách nầy, tôi thấy các thế hệ lắng nghe, và họ quay trở lại để học hỏi thêm về Phật Pháp.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI:
Thuyết giảng Phật Pháp bằng ngôn ngữ xử dụng hằng ngày, là bước đầu tiên mang Đạo Phật đến với người nghe, qua sự gần gũi, và sự thân thiện. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy trong nhiều trường hợp, nhiều người Tây Phương và Đông Phương, muốn học hỏi về Đạo Phật nhưng họ đã sợ hãi đi đến chùa, hoặc đến tu viện, bởi vì họ không quen với các phong tục truyền thống, và thậm chí họ sợ hãi vì các nhà sư hay nhăn mặt, và cau có! Khi ngôi chùa Phật Giáo nào luôn chào đón mọi người đến viếng thăm, và luôn giúp đỡ mọi người mới đến, và có các nhà sư dễ nói chuyện, thì ngôi chùa nầy được gọi là ngôi chùa thân thiện.
Ngày nay, mặc dù trong thời hiện đại, nhưng mọi người rất bận rộn, họ hiếm khi nào có thời gian đến thăm chùa. Do đó, chùa nên mang Phật Pháp tới mọi người qua sách vở, qua băng cát-sét, qua đĩa CD, và tất nhiên là qua các trang mạng điện tử (internet). Hội Phật Giáo Tây Úc của chúng tôi có một trang mạng lớn, mà chúng tôi đã tải lên hằng tuần các bài Pháp Thoại bằng Anh Ngữ, để bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, có thể lắng nghe Phật Pháp trong sự thoải mái, thuận tiện tại nhà riêng của họ. Chúng tôi rất thành công với việc làm kể trên, vì chúng tôi mang Phật Pháp đến một số đông các Phật Tử thường xuyên lắng nghe trên toàn thế giới, mà chúng tôi không cần xây dựng các tòa nhà hoang phí, và đắt tiền.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG:
Các tôn giáo giống như Thiên Chúa Giáo đang suy giảm ở Tây Phương, vì tôn giáo nầy được xem là không áp dụng được vào cuộc sống của con người. Sẽ có rất ít người quan tâm đến các triết lý trừu tượng, cùng với các nghi lễ không có ý nghĩa rõ ràng, hoặc là những suy đoán đi ngược lại với lý do chính đáng. Tuy nhiên, họ rất quan tâm đến việc làm thế nào để cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, giữa các trở ngại thông thường trong cuộc sống của họ.
Tôi đã cảm thấy thật dễ dàng để giải thích, rằng việc gìn giữ giới luật sẽ làm tăng gia mức độ hạnh phúc trong gia đình, giống y hệt như nước thủy triều làm nâng cao mức độ trung bình của nước biển. Kết quả của sự giải thích nầy là nhiều khán giả của tôi đã giữ gìn Năm Giới. Và tôi cũng chẳng có gì khó khăn để minh họa rằng, khi chúng ta mang sự tử tế đến các bạn đồng nghiệp, đến gia đình, và cho chính chúng ta, có nghĩa là chúng ta mang nhiều sự thoải mái, đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, các đệ tử của tôi đã có ít đi sự giận dữ, và có thêm vào nhiều sự tha thứ. Có nhiều bằng chứng về y tế, chứng minh rằng sự thực tập thiền định theo truyền thống của Phật Giáo, đã làm giảm đi sự căng thẳng trong cuộc sống hiện đại, và cũng làm giảm đi các trở ngại có liên hệ khác. Vì vậy, tất cả các thành viên trong chùa của tôi đều là các thiền giả có nhiệt tâm. Ba sự thực tập chính yếu của Đạo Phật - là đạo đức, lòng tử tế, và thiền định - khi được đóng khung trong bối-cảnh phát-triển hạnh-phúc cá-nhân, đã thu hút rất nhiều người đến với Đạo Phật. Những điều nầy liên quan đến những gì, mà nhiều người coi là quan trọng đối với họ.
Khi chúng tôi tập trung vào những gì có thể áp dụng được trong cuộc sống của một người bình thường, thì sau đó Phật Giáo trở nên quan trọng đối với họ. Họ có thể bắt đầu bằng sự quan tâm đến việc giải quyết các trở ngại thế gian của họ, tuy nhiên sau đó, điều nầy sẽ sớm đưa họ đi đến Con Đường Giải Thoát, dẫn họ thoát ra khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc sống.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT:
Đối với thế hệ hiện đại, tất cả mọi điều nói trên chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu chúng ta không có những người lãnh đạo có phẩm-chất cao-quý để cung cấp nguồn cảm hứng. Sự phát triển của Phật Giáo chủ yếu dựa vào các thí-dụ sống-động của các nhà sư như đạo đức, từ bi, khôn ngoan, và hòa bình. Những người của thế kỷ thứ 21 là những người hoài nghi. Họ sẽ không đặt để niềm tin của họ vào một tôn giáo nào, cho đến khi họ nhìn thấy một số bằng chứng là tôn giáo nầy sẽ mang lợi-ích đến cho họ. Đạo Phật có thể giúp gì cho họ không? Đạo Phật có thật sự dẫn họ đến sự đạo đức, đến sự từ bi, đến sự hạnh phúc, và đến sự tự do không? Họ đang nhìn vào chúng tôi - là các nhà sư - như là những thí-dụ-sống, mà đang được Đạo Phật dẫn dắt, trước khi họ bằng lòng đi theo. Đối với lòng nghi ngờ của thế hệ hiện đại, các nhà sư (chúng tôi) mong đợi truyền cảm hứng cho họ những điều gì, khi mà các nhà sư sống trong sự sang trọng, và giàu có hơn cả người thường, khi mà các nhà sư không giữ gìn giới luật, và có rất ít sự thanh-thản. Phật Pháp chủ yếu là sự truyền bá bằng thí-dụ-sống, đây là một thí dụ mạnh mẽ, hay ho hơn, tất cả mọi bài thuyết giảng.
Một bà người Úc có học thức cao đã viết trong cuốn sách gần đây của bà, là trước khi bà trở thành một người Phật Tử, bà đã quan sát các nhà sư ở Perth trong nhiều ngày tháng. Khi bà nhìn thấy rằng cuộc sống của các nhà sư rất giản dị, họ gìn giữ giới luật, họ làm việc chăm chỉ, và họ sống rất hạnh phúc, bởi vì như thế, bà mới xin quy y, rồi bà bắt đầu gọi mình là người Phật Tử. Thế nên, hành-động mạnh mẽ hơn là lời-nói.
Vì thế, ở Tây Úc chúng tôi đã thiết lập ra các tu viện, để đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn, cho cả hai nhóm tu sĩ nam và nữ, mà tôi gọi là 'nhà máy sản xuất các nhà sư', và 'nhà máy sản xuất các sư cô'. Bằng cách đưa nhiều tài nguyên vào việc đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn có phẩm-chất cao-quý, chúng tôi bảo đảm sẽ cung cấp những thí-dụ-sống có phẩm-chất cao-quý cho các thế hệ kế tiếp.
Đây là một trong những chương trình làm việc thành công tại Úc, để làm cho Đạo Phật phát triển nhanh nhất tại đây. Chúng ta không cần phải thay đổi thông điệp của Đức Phật, và chúng ta cũng không cần thay đổi quy luật của tu viện. Chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta, đối với vị Thầy Vĩ Đại Và Cao Quý Nhất của chúng ta, là Đức Phật, và truyền bá Phật Pháp tuyệt vời của ngài đến mọi vùng đất trên thế giới hiện đại, bằng cách làm cho ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT (PURE). Đấy là Đạo Phật được các nhà sư Thuyết Giảng Bằng Ngôn Ngữ Thông Thường, các nhà sư Tạo Ra Sự Thân Thiện Và Sự Thích Thú Học Hỏi cho Phật Tử, giúp Phật Tử Áp Dụng Bài Giảng Vào Cuộc Sống, và để Phật Tử nhìn vào các Nhà Sư Như Là Các Thí Dụ đầy cảm hứng.
Ajahn Brahmavamso
Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến - Source-Nguồn: www.dhammaloka.org.au(The Success Of Buddhism In The Western World - Ajahn Brahmavamso)
Theo thuvienhoasen