Sự bình an cuối cùng

Chánh niệm là chìa khóa đưa vào phút giây hiện tại. Không có chánh niệm, chúng ta không thể nhìn thấy thế giới một cách rõ ràng, và chúng ta đánh mất mình trong sự đi rong của tâm thức. Urgyen, một vị thầy về Đại Toàn Thiện của Phật giáo Tây Tạng, nói: “Có một thứ chúng ta luôn luôn cần, đó là người canh giữ có tên là Chánh niệm-người canh giữ luôn luôn xem chừng khi nào chúng ta bị sự xao lãng lôi đi”.

Chánh niệm là tính chất và sức mạnh của tâm tỉnh giác sâu xa về điều đang xảy ra-không phê phán, không can thiệp. Nó giống như một tấm gương chỉ phản chiếu những gì hiện ra trước nó. Nó phục vụ chúng ta một cách khiêm tốn nhất, giữ cho chúng ta kết nối với cả những sự việc như đánh răng hay uống cà phê buổi sáng.
Chánh niệm cũng giữ cho chúng ta kết nối với những người xung quanh chúng ta không bị họ cuốn đi trong sự bận rộn của đời sống. Đức Dalai Lama là một biểu hiện đẹp đẽ của tình chất quan tâm chăm sóc này. Sau một cuộc hội nghị ở Arizona, Ngài mời tất cả nhân viên của khách sạn họp lại ở hành lang để Ngài chào hỏi mọi người trước khi từ giã.
Chánh niệm là nền tảng cho hành động sáng suốt. Khi chúng ta nhìn thấy rõ ràng điều đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trí tuệ có thể soi sáng cho chúng ta trong sự chọn lựa và hành động, không để cho chúng ta bị những thói quen điều khiển. Và ở mức cao nhất, Đức Phật nói về chánh niệm như là một con đường trực tiếp đưa đến giác ngộ: “Đây là con đường thẳng để tịnh hóa, để vượt qua những khổ đau phiền não, để làm tan biến sự đau buồn, để chứng Đạo, để mở ra Niết-bàn”.
Tôi bắt đầu tham thiền khi sinh hoạt trong Peace Corps ở Thái Lan. Lúc đó tôi rất hăng say thảo luận về triết lý. Khi tôi viếng các vị sư lần đầu tiên, tôi mang theo cuốn Ethics của Spinoza, nghĩ rằng sẽ đưa vào những cuộc tranh luận. Tôi bắt đầu đến với những nhóm thảo luận cho người Tây phương được tổ chức tại một ngôi chùa ở Bangkok. Tôi dai dẳng đặt ra những câu hỏi khiến cho những người khác không đến với nhóm nữa. Cuối cùng một nhà sư đề nghị: “Tại sao anh không tập tham thiền?”.
Lúc đó tôi không biết gì về tham thiền, và tôi bị kích thích bởi một sự thực hành khác lạ của Đông phương. Tôi gom mọi đồ dùng cá nhân lại một chỗ, ngồi trên chiếc đệm thiền, để đồng hồ báo sau năm phút. Tôi kinh ngạc, một điều gì đó quan trọng xảy ra chỉ trong năm phút. Lần đầu tiên, tôi nhận ra có một con đường để nhìn vào bên trong. Có một lối vào để thăm dò bản chất của tâm.
Nhận ra điều này là khúc quanh cho đời sống tâm linh của mỗi người. Chúng ta đạt đến một điểm nào đó trong cuộc đời khi có một thứ gì đó kết vào, và chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với chúng ta: “Vâng, tôi có thể thực hiện điều này”. Tất cả những thứ đó thật là mới mẽ và đáng lưu ý đối với tôi.

Tu tập chánh niệm

Chúng ta có thể bắt đầu tu tập thiền chánh niệm chỉ với việc quan sát và cảm nhận mỗi hơi thở. Thở vào, biết chúng ta đang thở vào, thở ra, biết chúng ta đang thở ra. Rất đơn giản, nhưng không phải dễ. Chỉ sau vài hơi thở, chúng ta sẽ nhảy phóc lên con tàu của sự liên tưởng, chìm mất trong những dự định, ký ức, đánh giá,phê bình, tưởng tượng. Có những lúc chúng ta giống như đang ngồi trong một rạp chiếu bóng với những cuốn phim luôn luôn thay đổi chỉ trong vài phút. Tâm chúng ta như vậy đó. Chúng ta không muốn ngồi lại trong một rạp chiếu bóng mà những cuốn phim thay đổi thật nhanh, nhưng chúng ta có thể làm gì với phòng chiếu ở bên trong?’
Thói quen dong ruổi không ngừng nghỉ của tâm chúng ta rất mạnh, ngay cả khi những cuộc dong ruổi đó không phải là vui và mặc dù hầu hết là không thật, như Mark Twain có lần nói: “Một số những sự việc tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi là những sự việc không bao giờ xảy ra”. Chúng ta cần rèn luyện tâm chúng ta, trở lại và trở lại với hơi thở và chỉ đơn giản là quay trở lại.
Khi tâm chúng ta dần dần dừng lại, chúng ta bắt đầu kinh nghiệm một mức độ nào đó của sự tĩnh lặng và bình an. Từ chỗ tĩnh lặng lớn hơn đó, chúng ta cảm nhận thân thể của chúng ta trực tiếp hơn và bắt đầu nhìn ra những cảm thọ vui và cả không vui khởi lên. Mới đầu, chúng ta có thể phản ứng lại những cảm thọ không vui, nhưng nói chung, chúng ta không lưu lại lâu. Chúng ta ở đó một lúc, chúng ta cảm nhận chúng, thấy rằng chúng ta là không vui, rồi chúng ra đi. Và ngay cả khi chúng khởi lên nhiều lần, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất vô thường, vô ngã của chúng, và chúng ta bớt đi nỗi sợ việc cảm nhận chúng.
Tiến xa hơn trong việc thực hành là trở nên thức tỉnh trước những niệm tưởng và cảm xúc, những hoạt động nội tâm tràn ngập không ngừng ảnh hưởng lên tâm, thân và đời sống của chúng ta. Có khi nào bạn dừng lại để quan sát xem một niệm tưởng là gì-không phải quan sát nội dung của nó, nhưng quan sát bản chất thật sự của nó? Có ít người thật sự đặt câu hỏi: “Một niệm tưởng là gì?” điều xảy ra rất nhiều lần trong một ngày, mà chúng ta không để nhiều quan tâm, là cái gì?
Không nhận biết những niệm tưởng nảy sinh trong tâm, cũng không nhận biết bản chất thật sự của niệm tưởng, chúng ta cho phép chúng thống trị cuộc sống của chúng ta. Niệm tưởng sai sử chúng ta làm điều này, nói điều kia, đi đến chỗ này, dời đến chỗ nọ, lèo lái chúng ta như thể chúng ta là những kẻ tôi tớ phục vụ cho chúng.
Khi chúng ta để tâm theo dõi sự khởi lên và biến mất của niệm tưởng, chúng ta bắt đầu nhìn thấy bản chất rỗng không của chúng. Chúng giống như những chiếc bong bóng khởi lên trong tâm, không có tự ngã.
Giống như người phù thủy toàn năng núp phía sau bức màn trong cuốn phim The Wizard of Oz, quyền năng mà những niệm tưởng có được là quyền năng do chúng ta ban cho chúng Mọi niệm tưởng đến rồi đi. Chúng ta có thể học tập để có cái thấy rõ ràng, trong trẻo về chúng và không bị cái tâm đầy niệm tưởng lăng xăng đó cuốn đi. Với chánh niệm, chúng ta có thể nhận thức một cách sáng suốt để lựa chọn điều gì nên thực hiện và điều gì nên từ bỏ.

Ứng phó với cảm xúc

Cũng như đối với niệm tưởng, chúng ta có thể rèn luyện để giữ chánh niệm trước những cảm xúc, những năng lượng mạnh mẽ tràn qua thân và tâm chúng ta như những đợt sóng. Chúng ta kinh nghiệm những cảm xúc đó, đôi khi chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi: giận dữ, kích động, buồn bã, sầu khổ, thương yêu, vui vẻ,trắc ẩn, ghen tuông, hạnh phúc, thích thú, buồn chán. Có những cảm xúc đẹp và những cảm xúc không vừa ý-và phần lớn, chúng ta bị sức mạnh của chúng và những nguyên nhân làm cho chúng khởi lên vồ lấy.
Chúng ta dễ đánh mất mình trong sự cường điệu của chính mình. Chúng ta dừng lại để nhìn vào hoạt động của cảm xúc. Buồn là gì? Giận là gì? Việc nhìn thấy sâu xa hơn đòi hỏi không phải nhìn vào “tình tiết” của cảm xúc, nhưng là nhìn vào cách cảm xúc biểu lộ trong tâm và thân của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chú ý đến việc khám phá bản chất thật sự của cảm xúc.
Theo nhà sư người Hoa Kỳ Ajahn Sumedho, trong khoảnh khắc tức giận hay hạnh phúc, chúng ta chỉ cần lưu ý: “Tức giận giống như thế này”, “Hạnh phúc giống như thế kia”. Tiếp cận với đời sống cảm xúc theo cách này hoàn toàn khác với bị chìm đắm dưới sức mạnh của cảm giác hoặc bị bắt lao theo sự luôn luôn biến đổi của tâm. Để thực hiện điều đó, chúng ta cần tu tập chánh niệm, chú ý và tập trung. Chúng ta không nên tìm cách cố gắng đè bẹp hay tống khứ cảm xúc. Tiến trình thiền quán là một sự mở cửa cho cảm giác. Từ cái nhìn thiền quán, câu hỏi được đặt ra là: “Tôi liên hệ với cảm xúc này như thế nào?Phải chăng tôi hoàn toàn đồng nhất với nó; hoặc phải chăng tâm tôi đủ rộng lớn để cảm nhận nỗi buồn, cơn giận, niềm vui, tình thương mà không bị trấn áp?”.

Tu tập hạnh xả bỏ

Khi tham thiền, hãy giữ sự chú tâm vào điều đang xảy ra: hơi thở, cảm thọ về thân, một niệm tưởng, một cảm xúc, và ngay cả chính sự nhận biết. Khi chúng ta giữ được một mức độ nào đó của chánh niệm và chấp nhận điều đang xảy ra,trong lúc tham thiền cũng như trong cuộc sống, chúng ta ít bị điều khiển bởi những sức mạnh từ khước hay chạy theo,hai sức mạnh lèo lái cuộc sống nhiều nhất. Trong tham thiền, chúng ta muốn nhận biết mọi điều đang xảy ra, cùng hiện diện với chúng, nhưng không bị chúng trói buộc. Chúng ta tu tập hạnh xả bỏ.
Một tính chất khác được phát triển trong tiến trình tham thiền là khả năng nhìn thấy sự hài hước về tâm, về cuộc sóng, và về những định kiến của chúng ta. Hài hước là một tính chất thiết yếu trên con đường tâm linh.Nếu hiện tại chúng ta không có tâm hài hước, tham thiền một thời gian thì chúng ta sẽ có, bởi vì khó mà nhìn vào tâm một cách vững chãi, điềm tĩnh và có phương pháp nếu không biết mỉm cười. Có người hỏi Lão sư Sasaki rằng ngài có khi nào đi xem phim không. Ngài trả lời: “Không. Tôi trả lời phỏng vấn”.
Vài năm trước, tôi tham dự khóa tịnh tu với Thiền sư Miến điện Sayadaw U Pandita. Ngài là một vị thầy nghiêm khắc, và mọi người tham dự khóa tịnh tu đều giữ rất im lặng, bước đi chậm rãi, và cố gắng giữ chánh niệm hoàn toàn. Đó là một khóa tu nghiêm mật. Trong giờ ăn, chúng tôi yên lặng bước vào phòng ăn, lấy thức ăn, giữ chánh niệm trong mỗi động tác.
Một ngày kia, người xếp hàng trước tôi bước đến bàn, mở nắp thùng thức ăn. Khi anh đặt chiếc nắp lên bàn thì nó rơi xuống sàn, tạo nên một tiếng ồn lớn. Một niệm liền khởi lên tâm tôi: “Không phải tôi làm!”. Niệm đó đến từ đâu? Với sự thức tỉnh, một người chỉ có thể mỉm cười với những vị khách không mời mà đến trong tâm như vậy.
Qua sự tu tập thiền quán, chúng ta sẽ thấy toàn bộ những hoạt động của tâm, những hình thức thô kệch cũng như những niệm tưởng và cảm thọ lành mạnh. Chúng ta biết cách hiện diện cùng với toàn bộ khung cảnh đang xảy ra. Khi biết chấp nhận nhiều hơn, chúng ta sẽ có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn đối với những gì xảy ra. Và càng có cái nhìn nhẹ nhàng và biết chấp nhận hơn với chính bản thân, chúng ta sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng và biết chấp nhận hơn đối với người khác. Chúng ta sẽ không có khuynh hướng đánh giá tâm thức của người khác một khi chúng ta đã nhìn thấy kỹ lưỡng tâm thức của chúng ta. Thi sĩ W.H. Auden nói: “Hãy thương yêu người hàng xóm cong vẹo của bạn bằng cả con tim cong vẹo của bạn”. Bao dung chấp nhận không có nghĩa là chúng ta hành xử với mọi sự việc đều như nhau. Tâm tỉnh thức cho chúng ta sự lựa chọn sáng suốt; chúng ta có thể lựa chọn giữa những gì có thể phát triển, trau dồi và những gì nên từ bỏ.
Giống như những thấu kính hội tụ của kính hiển vi cho phép chúng ta nhìn thấy những tầng bị che khuất của thực tại, sự tập trung của tâm sẽ mở ra cho chúng ta những tầng thể nghiệm sâu hơn và những hoạt động vi tế hơn của niệm tưởng và cảm xúc. Một trong những món quà của giáo pháp là luôn nhắc nhở rằng mỗi và mọi người trong chúng ta đều có thể thực hiện điều đó.

Thực hành hàng ngày

Với cuộc sống bận rộn trong thế giới phức tạp và xáo trộn ngày nay, đâu là những bước tu tập chúng ta có thể thực hành?
Trước tiên chúng ta cần lên chương trình về thời gian tham thiền thường xuyên mỗi ngày. Điều này đòi hỏi kỹ luật. Để ra một khoảng thời gian mỗi ngày cho tham thiền không phải là việc dễ thực hiện; quá nhiều việc khác réo gọi chúng ta. Nhưng cũng như bất cứ sự rèn luyện nào, nếu chúng ta thực tập thường xuyên, chúng ta sẽ hưởng được kết quả. Dĩ nhiên không phải lúc nào ngồi là có thể tập trung. Đôi khi chúng ta cảm thấy buồn chán hoặc không yên. Đó là những trạng thái lên xuống không tránh khỏi khi tu tập. Chính sự kiên trì và thường xuyên là điều quan trọng.
Sự rèn luyện trong tham thiền chỉ có thể xảy ra qua cố gắng cá nhân. Không người nào khác có thể làm điều đó cho chúng ta. Có nhiều kỹ thuật và truyền thống, và chúng ta có thể chọn một con đường thích hợp nhất cho mình. Nhưng sự thực hành thường xuyên vẫn là điều thiết yếu đưa đến chuyển hóa. Nếu chúng ta thực hành, sự chuyển hóa sẽ xảy đến; nếu không thực hành, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong tình trạng bị điều khiển.
Bước tiếp theo là tập duy trì chánh niệm và thức giác về thân trong mọi lúc. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường đánh mất mình trong những niệm tưởng về quá khứ hay vị lai. Tâm của chúng ta chạy trước chúng ta, hướng vào nơi chúng ta muốn đến thay vì dừng lại ở thân là chỗ chúng ta đang hiện diện.
Đức Phật đã trình bày rõ ràng và nhấn mạnh về sự tu tập này: “Chánh niệm về thân đưa đến Niết bàn”. Đây không phải là việc tu tập cạn cợt. Chánh niệm về thân giúp chúng ta hiện diện, và từ đó chúng ta biết điều gì xảy ra. Sự tu tập khó nhớ nhưng không khó thực hành. Đây là toàn bộ sự tu tập: ngồi đều đặn thường xuyên và giữ chánh niệm về thân trong mọi lúc.
Để phát triển định tâm và chánh niệm, để hiện diện nhiều hơn nơi thân, và để có sự tiếp cận thiện xảo với tưởng niệm và cảm xúc, chúng ta không những thực hành mỗi ngày, mà còn cần những khóa tịnh tu. Thỉnh thoảng thoát ra ngoài sự bận rộn của đời sống để tham dự những khóa tu tập nghiêm mật sẽ giúp rất nhiều cho chúng ta. Thời gian tịnh tu không phải là một sự xa xỉ. Nếu chúng ta dấn thân một cách chân thật và sâu xa cho sự giác ngộ giải thoát, tịnh tu là một phần thiết yếu trên con đường.
Chúng ta cần tạo một sự nhịp nhàng cho đời sống của chúng ta, thiết lập sự quân bình giữa thời gian lăn mình trong công việc thế gian và thời gian quay vào bên trong. Rumi, một thi sĩ thuộc giáo phái Sufi Hồi giáo, nói: “Một khoảng thời gian ngắn sống một mình sẽ có giá trị hơn bất cứ điều gì khác mà bạn được ban cho”.■

Thị Giới dịch (từ The Best Buddhist Writing 2008, edited by Melvin McLeod and the Editors of the Shambhala Sun)


Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 91