Cảnh đẹp thiên nhiên trên thế giới và Thiền Ngôn (3)


Muốn thoát khỏi cảnh khổ của sáu nẻo luân hồi, phải noi theo con đường trực chỉ thành Phật. Con đường này chẳng gì khác hơn là thấu hiểu bản tâm của mình.
Vậy, tâm ấy là gì? Đó là chân tính của chúng sinh vốn có trước khi cha mẹ ta ra đời, do đó, có trước khi chúng ta sinh ra, và luôn luôn hiện diện, không hề thay đổi, không hề mất đi. Nên mới gọi đó là “bản lai diện mục”
– bộ mặt vốn có xưa nay. Tâm ấy vốn thanh tịnh (trong sạch). Khi chúng ta ra đời thì không phải nó mới nẩy sinh và khi chúng ta chết đi, nó cũng chẳng hề hoại diệt. Nó chẳng phân biệt nam hay nữ và chẳng nhuốm màu thiện hay ác. Không thể so sánh nó với bất cứ cái gì, bởi đó là Phật tính. Tuy nhiên, từ tự tính (tính vốn có tự nhiên) này phát sinh vô vàn ý tưởng như sóng nổi trên biển hoặc như ảnh chiếu trong gương.


Thiền sư Bassui Tokusho


Tâm có suy nghĩ thì thấy tâm có suy nghĩ, không theo cũng không bỏ, thì mới thấy được tướng sinh diệt của nó. Vấn đề không phải ở nhắm mắt hay mở mắt, điều đó tùy vào mỗi người, mà vấn đề là có thấy hay không thấy những dòng suy nghĩ sinh diệt như thế nào. Thấy sự sinh diệt mới giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của thân tâm và cảnh ...


Thiền sư Viên Minh

Bất cứ chúng ta dính mắc vào thứ gì, ta quan sát nó ngay tại đó chứ không buông bỏ. Nếu dính chấp vào lạc, ta quan sát lạc ngay. Nếu khổ chi phối, ta quan sát khổ ngay. Tâm luôn tỉnh giác. Nếu khổ hiện khởi, ta tóm lấy nó ngay và quán chiếu về nó.

Đây là nơi sợi chỉ bắt đầu được luồn vào lỗ kim. Tâm không lay động trước các đối tượng này nữa- và nó không chống lại các hành. Dầu sai, ta nhận biết mình sai. Tâm không màng. Cái tâm rộng lớn này không màng.



Thiền sư Ajahn Chah
- Có người đang nói và bạn lắng nghe. Chính cái hành động lắng nghe đó làm cho tâm bạn được buông xả

- Trong thiền quán, sẽ không có ai chỉ dẫn bạn, không có ai nói cho bạn biết rằng bạn đang tiến bộ, không có ai khuyến khích bạn, bạn phải hoàn toàn đơn độc. Và cái ánh sáng cho chính bạn chỉ có thể bừng lên khi chính bạn tự tìm hiểu nội tâm 

- Biết rõ chính mình là điều tối quan trọng. Đó không phải là do người khác mô tả về mình, mà là "đích thực là cái gì?", bạn là cái gì; Đó cũng không phải "cái mà bạn tưởng rằng bạn là...", hoặc " cái mà bạn nghĩ rằng bạn nên là...", nhưng là cái đang hiện hữu thực tế là cái gì.



Krishnamurti 


- Chánh niệm là sự hay biết trạng thái của tâm hay là sự tỉnh thức. Việc hay biết cái gì đang xảy ra trong hiện tại mà không có bất cứ một định kiến nào.



- Sự chánh niệm trong tâm tôi là cái la bàn cho tôi, khi tôi làm bất cứ lỗi lầm gì thì chánh niệm luôn luôn nhắc nhở tôi rằng tôi đang phiền não.


- Tôi không thể thay đổi thế giới này hay bất cứ một ai, thậm chí cả tôi cũng vậy. Nhưng tôi chỉ có thể ghi nhận, chỉ nhìn mà không có bất cứ sự buồn phiền nào đối với ai...

Sayadaw U Jotika 
- Không có kinh nghiệm nào tốt hơn những gì bạn đang kinh nghiệm trong hiện tại cả. Điều quan trọng là cái tâm đang chánh niệm và hay biết. Điều quan trọng nữa là cách tâm mình nhìn nhận và quan sát kinh nghiệm ra sao.

- Tâm không yên lặng-nó luôn luôn suy nghĩ. Bạn nên thấy hạnh phúc rằng mình thấy được tự nhiên như nó đang là và có khả năng nhận ra được điều đó.

- Biết tâm mình không tĩnh lặng khi nó không tĩnh lặng, đó là chánh kiến (sammā-ditthi). Hay biết rằng tâm đang suy nghĩ trong khi có suy nghĩ là chánh niệm. Nhưng rất nhiều lần bạn cứ muốn suy nghĩ ấy phải dừng lại bởi vì bạn cho rằng nó đang quấy rối bạn. Nhưng khi bạn tham muốn cố gắng làm cho nó tĩnh lặng, điều đó chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và đem lại căng thẳng.



Sayadaw U Tejaniya 
- Khi định mà tâm không trụ, khi động mà tâm không loạn, tùy duyên mà ứng nhưng vẫn rỗng lặng trong sáng, tự tại hồn nhiên mới thực là chánh định. 

- TÁNH BIẾT có thể quan sát bản ngã tham, sân, si để THẤY sự sinh diệt của nó như thế nào mà vẫn không sinh diệt, không bị nhiễm tham sân si của bản ngã nên TÁNH THẤY vẫn giác ngộ giải thoát. Nếu tu mà thấy bản ngã tăng tức là do lấy bản ngã mà tu chứ không để cho TÁNH THẤY soi chiếu bản ngã. Đó là lý do vì sao trong Mangala Sutta đức Phật dạy: "Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nghiễm, là phúc lành cao thượng". 

Thiền sư Viên Minh 




- Khi bạn nói: “Tôi muốn hiểu thêm về mình”. Bạn chính là chủ thể “Tôi”. Bạn chính là Cái Biết. Bạn chính là Tâm qua đó mọi vật được nhận ra. 

-Tâm chính là Sự Sống trước khi nó được biểu hiện thành hình tướng, và Tâm kinh nghiệm thế giới qua “đôi mắt” của bạn vì bạn chính là Tâm.Khi bạn nhận thức rằng mình chính là cái Tâm đó, thì bạn sẽ nhận ra mình trong tất cả. 



Eckhart Tolle



Bản chất của chiếc lá tự nó là yên, không động đậy, không phiền hà gì tới ai. Khi nó chuyển động là do có điều gì đó tiếp xúc với nó. Khi gió chạm vào, chiếc lá phe phẫy.

Bản chất của tâm cũng thế. Không thương, không ghét, không trách móc ai. Nó ở yên như thế -trong điều kiện thật thuần khiết, rõ ràng và trong sạch. Nó ở yên, không vui, không buồn, không có bất cứ cảm thọ nào. Đó là trạng thái chân thật của tâm



Thiền sư Ajahn Chah

- Chẳng có cái ngã nào để được cứu rỗi, nó chỉ là những thay đổi (sinh diệt) sinh lên từ khoảng trống trong tâm thức và rồi lại lặn mất tăm vào cái chốn mà từ đó chúng đã sinh khởi. Vì vậy, chúng ta cứ để cho mọi thứ ra đi, để cho mọi sự đến và đi theo đúng bản chất thực sự của chúng, và chúng sẽ thay đổi (sinh diệt ) hoàn toàn tự nhiên theo cách của riêng chúng. 
- những gì chúng ta đang làm là quan sát các đặc tính chung của tất cả những sự vật có những phẩm chất khác nhau – những đặc tính chung này là những con quái vật dấu mặt hay nói cách khác những năng lượng bị dồn nén âm ỉ bên trong với năng lực và sức mạnh nguyên mẫu của chúng - tất cả chúng chỉ là các hành uẩn (sankharas), chỉ vậy thôi. Được như vậy có nghĩa là bạn đang ngồi vào vị trí của bậc Giác ngộ vì bạn là người đang hay biết.
Thậm chí những thứ mà chúng ta không biết, chúng ta cũng xem chúng như là những pháp đang thay đổi (sanh diệt) khác- pháp này duyên cho pháp kia sinh khởi. Lỗ đen (trong vũ trụ), ánh sáng mặt trời, đêm và ngày là tất cả đều đang thay đổi (sinh diệt), nếu bạn đang có sự hay biết thì bạn sẽ thấy rằng không có một cái gì đang trở thành. 


Ajahn Sumedho



- Hướng đúng mà đức Phật chỉ rõ là “xả ly, ly tham, đoạn diệt”cái thế giới tương đối do duyên sinh hoặc tưởng sinh ấy để trở về với tánh biết thanh tịnh trong sáng thì mới có thể “an tịnh, chánh trí, giác ngộ Niết-bàn”. An tịnh, chánh trí là đức tính thanh tịnh và trong sáng vốn có trong tâm mỗi người mà Đức Phật gọi là Tâm Sáng Chói (Pabhassara Citta)
Thiền sư Viên Minh