Trong một cuộc hội thảo của Hội Nghiên cứu Châu Á ở Mỹ, có một bài thảo luận nói rằng từ Pháp (Dhamma) hay Pháp tánh (Dhammatā) có thể được xem như là một khái niệm của Phật giáo Nguyên thủy tương đương với từ “ân sủng (“Grace”). Trong buổi nói chuyện tiếp theo, một giáo sư tuyên bố rằng theo một số bài kinh trong Tam Tạng “vạn pháp sanh ra từ pháp tánh”.
Sau đó tôi viết thư cho vị này, nhờ ông ta gởi cho một đoạn kinh trong Tam Tạng, với nguyên văn tiếng Pāḷi hay Sanskrit, trong đó nói rằng “vạn pháp sanh từ pháp tánh”. Nhưng ông ta đã không thể làm được điều đó, vì sự thật không hề có một đoạn kinh nào như vậy. Buổi nói chuyện đó là nguyên nhân khiến tôi viết bài này.)
Nhiều điều đã và đang được viết ở phương Tây về dhamma (pháp) và dhammatā (pháp tánh) [1]. Các học giả phương Tây nghiên cứu về phương Ðông vẫn còn bị lúng túng và ám ảnh bởi cái từ ngắn gọn này. Khi những nhà Ðông phương học đầu tiên bắt gặp từdhamma họ bị bối rối trước quá nhiều cách dùng khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau với những ý nghĩa hầu như hoàn toàn đối lập và mâu thuẫn nhau của từ này. Các dịch giả của các văn bản Phật giáo Pali hay Sanskrit gần như bế tắc vì không thể tìm ra một từ tương đương nào trong ngôn ngữ của phương tây để phù hợp cho tất cả các ngữ cảnh. Người ta chưa tìm ra và sẽ không thể nào tìm ra một từ như vậy. Sylvain Lévi, trong khi dịch bộ Mahāyānasutrālankāra, do ông tự biên tập, đã dùng thống nhất từ “idéal” (lý tưởng) trong tất cả các ngữ cảnh, và điều đó rõ ràng là một sự thất bại. Từ dhammahay dharma không thể được dịch sang các ngôn ngữ phương tây bằng chỉ một từ tương đương bao trùm tất cả các nghĩa khác nhau của từ này. Nó cần phải được dịch bằng các từ khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau.
Nhiều cách dùng và ý nghĩa của từ dhamma trong những ngữ cảnh khác nhau đã được giải thích trong các chú giải Pali với những ví dụ lấy từ Tam Tạng[2]. BộAbhidhānappadīpikā, bộ “từ điển” Pali cổ viết bằng văn vần (vào thế kỷ 12 sau công nguyên), bộ sách mà các vị tỳ-kheo trẻ theo truyền thống giáo dục và kỷ luật của các tu viện Phật giáo phải học thuộc lòng, sau khi liệt kê 14 nghĩa khác nhau của từ dhamma, kết thúc bài kệ bằng chữ ādo (vân vân)[3]. 14 nghĩa được nêu lên trong bài kệ là: 1. bản chất; 2. giáo pháp; 3. trí tuệ; 4. công lý; 5. sự thật; 6. điều kiện hay trạng thái bình thường; 7. phước đức; 8. đối tượng của nhận thức; 9. đức tính; 10. giới hạnh; 11. thiền định; 12. vô ngã; 13. sự phạm giới; 14. nguyên nhân, lý do.
Không có một thuật ngữ nào trong Phật giáo có khái niệm rộng hơn từ dhamma. Nó có thể bao gồm thiện, bất thiện cũng như vô ký.[4] Ðôi lúc trong chú giải nó còn được dùng để chỉ tóc trên đầu. [5] Trong một vài ngữ cảnh, từ dhamma chỉ cho tất cả các sự vật và trạng thái do nhân duyên tạo thành trên thế gian kể cả đời sống của chúng ta cũng như toàn bộ sự hiện hữu, luôn cả pháp vô vi, không do nhân duyên tạo thành như Niết bàn, như trong câu kinh nổi tiếng “sabbe dhammā anattā” (tất cả các pháp đều vô ngã)
Khi bắt gặp một từ hóc búa như vậy từ một nền văn hóa không phải của mình, cũng dễ hiểu khi người ta bị bối rối và nhầm lẫn. Nhưng một người tinh thông Phật giáo, được giáo dục và rèn luyện trong nền văn hóa của chính mình có thể hiểu và cảm nhận được những nghĩa khác nhau của từ dhamma trong những ngữ cảnh khác nhau. Nghĩa cụ thể của từ dhamma trong một ngữ cảnh nhất định khá rõ ràng và đơn giản.
Tương tự, từ dhammatā (pháp tánh), từ phái sinh của từ dhamma (dhamma + tiếp vĩ ngữtā) cũng thường hay bị hiểu lầm. Ðây chính là từ mà có người đã xem là “tương tự với ân sủng”; người khác thì lại cho đó là bản thể tuyệt đối mà từ đó vạn pháp phát sinh!
Cần hiểu rõ rằng từ dhammatā không chứa đựng tất cả các nghĩa của từ dhamma. Nó thường có nghĩa “bản chất”, “cách thức”, “thói quen”, “tập quán”, “thường lệ”, “thông thường”. Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ trong đó từ này được dùng từ mức độ bình thường đến mức độ cao nhất.
Một con rắn nhỏ, theo thói quen của nó (attano dhammatāya), bò đến căn lều của vị ẩn sĩ. [6] Ở đây từ dhammatā được dùng để chỉ thói quen hay bò quanh của con rắn. Một ý tưởng đơn giản và một cách diễn đạt đơn giản. Nó không hề đề cập đến một năng lực bí ẩn hay vĩnh cửu nào, hay một ý tưởng huyền bí nào đằng sau việc bò quanh của con rắn. Việc bò quanh của nó không được tạo nên bởi một năng lực siêu nhiên nào gọi làdhammatā, mà chính hành động bò quanh là dhammatā hay thói quen của nó. Dhammatāchỉ là một từ Pali để diễn tả ý tưởng đơn giản này. Dhammatā không phải là nguyên nhân của một hiện tượng. Khi đọc từ này trong nguyên tác Pali, người ta không cần thiết phải quan trọng hóa hay phủ cho nó một màu sắc triết học hay tôn giáo nào. Nó hoàn toàn không quan hệ gì đến bản thể luận, mục đích luận, nhận thức luận hay thần học.
Devadatta lăn một tảng đá với ý định giết Ðức Phật khi ngài đang ngồi dưới chân núi. Tảng đá này va vào một tảng đá khác và dừng lại, nhưng một mảnh vỡ văng ra từ sự va chạm giữa hai tảng đá đã làm bàn chân Ðức Phật chảy máu. Trả lời cho câu hỏi của vua Milinda liên quan đến vấn đề này, Nagasena nói: “Nhưng mảnh vỡ đó không tự động(attano dhammatāya) văng ra, mà nó văng ra do hành động của Devadatta.” [7] ở đây,dhammatā cũng được dùng để diễn tả một ý tưởng đơn giản, không hề mang sắc thái triết học hay siêu hình nào. Ðơn giản đá không tự bay quanh và đụng vào người. Ðó không phải là bản chất của nó.
Kinh Mahāpadāna thuộc Trường Bộ Kinh diễn tả một loạt các yếu tố và sự kiện bắt đầu từ việc đức Bồ Tát từ cõi Ðâu suất thọ thai vào bụng mẹ cho đến lúc ngài sinh ra. Chẳng hạn, khi Bồ Tát thọ thai trong bụng mẹ và khi ngài ra đời, những luồng ánh sáng rực rỡ vô tận tỏa khắp vũ trụ và mười ngàn thế giới đều rung động; khi ngài thọ thai vào bụng me, bốn vị chư thiên ở bốn hướng bảo vệ cho ngài; sau khi thọ thai, mẹ ngài rất mạnh khỏe và không hề có một tham muốn nhục dục nào; bảy ngày sau khi Bồ Tát ra đời, mẹ ngài mất và tái sanh vào cõi trời Ðâu suất. Mỗi một sự kiện trên đều được diễn tả bắt đầu bằng cụm từ dhammatā esā “Ðây là một quy luật”, và kết thúc bằng cụm từ ayam ettha dhammatā “Ðây chính là quy luật”.
Chú giải của Trường Bộ Kinh [8] giải thích từ dhammatā ở đây có nghĩa là “tự tánh” (sabhāvo), “quy luật” (niyāmo) và liệt kê năm lọai quy luật:
1. Quy luật của nghiệp (kamma-niyāma), tức là hành động thiện tạo nên quả thiện và hành động bất thiện tạo nên qủa bất thiện.
2. Quy luật của thời tiết (utu-niyāma), tức là tại những vùng khác nhau ở các thời điểm khác nhau thì cây cối ra hoa kết trái, gió thổi mưa rơi, nóng lạnh cũng khác nhau, hay như hoa sen nở vào ban ngày và khép cánh vào ban đêm, v.v…
3. Quy luật của chủng loại (bīja-niyāma), tức là hạt giống nào thì mọc lên loại cây đó như hạt lúa mọc lên cây lúa,v.v…
4. Quy luật của tâm (citta-niyāma), tức là quy luật trong tiến trình hoạt động của tâm như sát-na tâm trước tạo nên và quy định sát-na tâm kế tiếp theo mối quan hệ nhân quả.
5. Quy luật của pháp (dhamma-niy āma), chẳng hạn như sự kiện mười ngàn thế giới đều rung động khi Bồ Tát thụ thai vào lòng mẹ và khi ngài ra đời. Sau khi giải thích những hiện tượng trên, chú giải xác quyết rằng trong ngữ cảnh này từ dhammat ā đề cập đến quy luật của pháp.
Ðến đây chúng ta có thể thấy rõ rằng dhammatāl à một từ dùng để chỉ những sự kiện tự nhiên, bình thường và có quy luật. Nước chảy hay gió thổi là dhammatā (tự nhiên). Không nên nghĩ rằng những hiện tượng này xảy ra là do dhammatā, mà chính sự xảy ra của chúng là dhammatā.Sự kiện xảy ra và dhammatā không phải là hai thứ khác nhau mà chỉ là một. Xem dhammatā như là một năng lực bí ẩn tạo nên những hiện tượng tự nhiên này là đưa vào Phật giáo những ý tưởng xa lạ, ngoại lai. Nói một cách đơn giản,dhammatā có nghĩa “nó là như vậy”, “nó xảy ra theo cách như vậy”, “nó là tự nhiên”.Dhammatā không phải là một cái gì hay một năng lực nào đứng sau sự xảy ra của các hiện tượng. Dhammatā không giải thích, thậm chí không đề cập đến câu hỏi tại sao hiện tượng xảy ra. Ðó là một vấn đề hoàn toàn khác.
Ngay sau khi thành đạo, khi còn ở trong rừng Uruvela bên dòng sông Neranjana, ngồi dưới gốc cây Ajapāla, Ðức Phật thấy rằng không có một người nào hoàn hảo hơn ngài trong giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (paññā) để ngài có thể tuân phục và đảnh lễ, và ngài quyết định sống tuân phục và tôn trọng pháp (dhamma) mà ngài vừa thực chứng. Chính lúc đó, Phạm thiên Sahampati xuất hiện trước Ðức Phật và nói rằng tất cả chư Phật toàn giác trong quá khứ, tất cả chư Phật toàn giác trong tương lai, và Ðức Phật toàn giác của hiện tại, tất cả các vị Phật toàn giác này đều đã sống, đang sống và sẽ sống tôn trọng pháp: đó là truyền thống của chư vị, esā Buddhāna dhammatā, “đó là truyền thống của chư Phật”. [9] Ở đây rõ ràng rằng dhammatā nghĩa là truyền thống.
Kinh Kosambiya thuộc Trung Bộ Kinh nói rằng nếu một vị tỳ-kheo có chánh kiến (trong trường hợp này là một vị thánh nhập lưu) phạm một giới nào, vị đó sẽ tức khắc sám hối với Ðức Phật hay với một vị tỳ kheo khác. Ðức Phật dạy : “Này các tỳ-kheo, đây là bản tánh của một người có chánh kiến” (dhammatā esā bhikkhave diṭṭhisampannassa puggalassa). Ở đây chú giải giải thích rằng dhammatā chính là bản tánh (sabhāvo).[10]
Ở một đoạn sau của bài kinh trên có nói rằng đối với một người có chánh kiến như vậy, ngay cả khi người đó làm những công việc bình thường khác như giặt giũ hay quét dọn cho những người bạn đồng tu, điều đó cũng tự nhiên, vì bản tánh của vị đó là luôn luôn nhiệt thành và mong mỏi có được giới cao hơn, định cao hơn và tuệ và tuệ cao hơn.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh [11], có một bài kinh khá lý thú đề cập đến tiến trình của các trạng thái tinh thần và tâm lý rất sâu, trong đó từ dhammatā được lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính cách dùng của từ này trong bài kinh trên, hơn tất cả những bài kinh khác, dường như đã khiến cho vài người tưởng tượng “một khái niệm của Phật giáo Nguyên thủy tương đương với ân sủng”. Ðể làm sáng tỏ vấn đề này, cần phải trích nguyên văn đoạn kinh sau:
“Này các tỳ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý (cetanāya) rằng: “Mong rằng không hối tiếc (avippatisāri) sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ (dhammatā) là vậy, này tỳ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi. Này các tỳ-kheo, với người có không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng : “Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, với người có không hối tiếc, hân hoan sanh khởi. Này các tỳ-kheo, với người có hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng : “Mong rằng hoan hỷ sẽ sanh khởi nơi ta”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, với người có hân hoan, hoan hỷ sanh khởi. Này các tỳ-kheo, với người có hoan hỷ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng thân ta được khinh an”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, với người có ý hoan hỷ, thân được khinh an. Này các tỳ-kheo, với người có thân khinh an, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng ta cảm thọ an lạc”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, với người có thân khinh an, an lạc được cảm thọ. Này các tỳ-kheo, với người có an lạc, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng tâm ta được thiền định”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, với người có an lạc, tâm được thiền định. Này các tỳ-kheo, với người có thiền định, không cần phải làm với dụng ý rằng : “Mong rằng ta biết ta thấy như thật”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, người có tâm thiền định, biết và thấy như thật. Này các tỳ-kheo, với người biết và thấy như thật, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ nhàm chán, ta sẽ ly tham”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, người biết và thấy như thật, nhàm chán và ly tham. Này các tỳ-kheo, người nhàm chán ly tham không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ chứng ngộ giải thoát tri kiến”. Pháp nhĩ là vậy, này các tỳ-kheo, người nhàm chán ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến.
Như vậy, này các tỳ-kheo, các pháp khiến cho các pháp (khác) tăng thịnh (abhisandenti); các pháp khiến các pháp khác viên mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia”.
Bài kinh này đề cập đến các trạng thái tâm linh cao trong một tiến trình tự nhiên và hợp lý. Ý tưởng tương tự cũng được diễn tả trong nhiều bài kinh khác trong Tam Tạng. Ðiều này không liên quan gì đến ý niệm ân sủng, và cũng không có gì tương đương để có thể so sánh với ân sủng. Ân sủng là sự sủng ái, ân huệ đến từ Thượng đế, được ban phát bởi Thượng đế, và không có nó thì con người không thể nào đạt được sự giải thoát dù người đó có nỗ lực bao nhiêu đi nữa. Ý tưởng này hoàn toàn xa lạ với Phật giáo. Tưởng đã quá rõ ràng đến nỗi không cần nhắc lại rằng Phật giáo không công nhận một đấng Thượng đế tạo ra và bảo vệ cho thế giới này và là người mà cả thế giới này phải nương tựa vào. Nếu không có một vị Thượng đế như vậy thì khái niệm ân sủng là vô lý và không thể hiểu được.
Bài kinh này bắt đầu bằng một người có giới hạnh, thanh tịnh trong giới hạnh. Giới liên quan đến sự thu thúc, định hướng và kỷ luật trong các hành động của thân, khẩu và lối sống. Giới hạnh phải được thành tựu bởi tác ý, ý chí và nỗ lực. Nó không xảy ra một cách tự nhiên. Bộ Netti-pakarana nói rõ rằng tự kỷ luật (attasammāpanidhāna) là nền tảng hay nhân gần (padatthāna) của các loại giới luật khác nhau. [12] Khi một người đã vững chắc và trong sạch trong giới hạnh, vị đó đang đi trên con đường tu tập và đương nhiên vị ấy không bị ân hận, vì tính cách của vị ấy, đời sống của vị ấy không có lỗi lầm, không có tội lỗi và không đáng trách. Do đó vị ấy không cần phải nghĩ rằng “Xin cho tôi thoát khỏi sự ân hận”. Khi vị ấy có giới hạnh và vô tội, lẽ tự nhiên (dhammatā) vị ấy thoát khỏi sự ân hận. Khi vị ấy thoát khỏi sự ân hận, lẽ tự nhiên vị ấy trở nên hân hoan, khi vị ấy hân hoan, lẽ tự nhiên vị ấy hoan hỷ, vân vân, như trong kinh, cho đến khi vị ấy đạt được tuệ giải thoát (vimutti). Những trạng thái này tự chúng phát sanh ra một cách tuần tự theo quy luật; không nhất thiết phải có một sự tác ý hay một ý chí nào tác động vào.
Trong một bài kinh khác [13], diễn tả ý tương tự như trên bằng một ngôn ngữ khác, Ðức Phật dạy rằng nếu một người tu tập 37 phẩm trợ đạo (bao gồm giới, định và tuệ), ngay cả khi vị ấy không mong cầu “Mong rằng tâm tôi được thoát khỏi lậu hoặc và dính mắc”, tâm vị ấy vẫn trở nên thoát khỏi lậu hoặc và dính mắc. Vì sao? Vì vị ấy đã tu tập và phát triển 37 phẩm trợ đạo. Tương tự, khi một con gà mái ấp trứng đều đặn, ngay cả khi nó không mong rằng “Mong cho mấy con gà con của tôi sẽ dùng chân và mỏ của chúng đập vỡ vỏ trứng và chui ra an toàn”, thì những chú gà con vẫn đập vỡ vỏ trứng và chui ra an toàn. Vì sao? Vì gà mẹ đã ấp trứng đều đặn. (Bài kinh cũng nêu lên trường hợp ngược lại: Ngay cả khi gà mái mong cầu nhưng không ấp trứng đều đặn thì gà con không thể nào chui ra được. Tương tự như vậy, nếu một người cầu mong rằng tâm họ sẽ được giải thoát, nhưng nếu không phát triển những phẩm tính cần thiết thì tâm người đó sẽ không bao giờ được giải thoát.)
Ðiều này chứng tỏ rằng khi một công việc được hoàn thành, thì kết quả là tự nhiên và tự động, và vì vậy ước mong, tác ý, hay ý chí trở nên không cần thiết. Con người không, và không thể chứng ngộ chân lý với một sự mong cầu, tác ý hay quyết định rằng “Bây giờ tôi sẽ chứng ngộ chân lý” hay “Xin cho tôi chứng ngộ chân lý ngay bây giờ”. Sự chứng ngộ chân lý xảy ra một cách tự nhiên khi tâm vị ấy được rèn luyện và thanh lọc bằng cách phát triển những phẩm tính cần thiết như đã nêu ở trên. Ðây là một thái độ thực tiễn, là đặc trưng của Phật giáo.
Ðưa khái niệm ân sủng vào đây, chỉ bởi vì sự chứng ngộ chân lý xảy ra không cần một tác ý hay ý chí, là điều vô ích. Câu cuối của đoạn kinh trích dẫn ở trên, tức là câu : “Như vậy, này các tỳ-kheo, các pháp khiến cho các pháp (khác) tăng thịnh (abhisandenti); các pháp khiến các pháp khác viên mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia” chỉ rõ rằng không có cái gì đằng sau, phía trên hay bên cạnh những trạng thái tinh thần để có thể được xem như là những năng lực, quyền năng hay ân sủng cao siêu ở bên ngoài.
Những người muốn chứng minh rằng có một khái niệm của Phật giáo Nguyên thủy tương tự với “ân sủng” đã dịch một cách sai lầm và mập mờ câu “dhammo have rakkhati dhammacāriṃ” [14] là “Pháp hộ trì cho những người sống đúng theo pháp” và cố gắng lý giải rằng pháp ở đây hàm ý một năng lực siêu nhiên phát sinh ra ân sủng. Nhưng từdhamma ở đây, theo chú giải, chỉ có nghĩa là “giới” hay “giới hạnh”. [15] Câu đó chỉ có nghĩa là “Giới hộ trì cho người giữ giới”. Không có điều gì là siêu hình hay triết lý trong câu kinh này cả. Nói cách khác, nó chỉ muốn nói rằng tính cách chân thật và đức hạnh sẽ bảo vệ người đó. Nó chỉ là một phương châm đạo đức phổ biến, tương tự như câu “Sự thật sẽ hiển bày”.
Từ Dhammaṭṭhitatā, xuất hiện nhiều nơi trong Tam Tạng Pāḷi, là một từ khác thường được hiểu và giải thích một cách sai lầm. Chính thuật ngữ này, khi kết hợp lỏng lẻo với từ dhammatā, khiến vài người cố gắng tìm kiếm ý niệm về một năng lực siêu nhiên, tương tự như Thượng đế hay Phạm thiên từ đó vạn pháp phát sinh. Chúng ta hãy xem xét một vài thí dụ.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh [16], có một bài kinh nói rằng dù các Như lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy (sā dhātudhammaṭṭhitatā), là pháp quyết định tánh (dhammaniyāyamatā), tức là tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ, và tất cả các pháp (cả hữu vi lẫn vô vi) đều vô ngã. Như lai chứng ngộ và thâm nhập, tuyên bố và giảng dạy, giải thích và chứng minh, làm cho nó trở nên đơn giản và rõ ràng.
Ðiều này quá hiển nhiên. Dù chư Phật có xuất hiện hay không, sự kiện rằng tất cả các hành là vô thường và khổ, rằng tất cả các pháp là vô ngã, luôn luôn tồn tại. Nó không liên quan gì đến sự xuất hiện hay không xuất hiện của chư Phật. Trong bài kinh này, sự kiện đó được gọi là dhātu “trạng thái của pháp”, “nguyên lý”, điều kiện tự nhiên”. Ðức Phật không làm cho chúng trở nên như vậy. Không ai, không một năng lực bên ngoài nào làm cho chúng trở nên như vậy. Ðó chính là quy luật của các pháp. Ðó chính là bản chất của chúng. Ðó chính là dhammaṭṭhitatā. Ðức Phật chỉ nhận ra sự thật này, tuyên bố và giải thích về nó.
Ở nơi khác, paṭiccasamuppāda đồng nghĩa với dhamma : “Người nào thấy lý duyên khởi ngưới đó thấy được pháp, người nào thấy pháp người đó thấy được lý duyên khởi”. Và từ dhammaṭṭhitiddāna (pháp trí tuệ) được giải thích như paccayākārađāna (duyên khởi tuệ). Như vậy dhammaṭṭhitatā và dhammaniyāmatā có thể xem nhưpaṭiccasamuppādaṭṭhitatā và paṭiccasamuppādaniyāmatā hay tathatāṭṭhitatā và tathatāniyāmatā.
Một bài kinh của Mahāyāna cũng diễn tả cùng một ý như trên với ngôn ngữ hơi khác: “Dù Như Lai có xuất hiện hay không, bản chất này của các pháp (dharmatā), sự tồn tại của pháp giới (dharmadhātusthiti) vẫn tiếp tục, tức là tánh không của vạn pháp (sarvadharmasuunyatā) và tánh không nhận thức được của vạn pháp (sarvadharmānupalabdhi)”. [17]
Suunyatā (tánh không) hay sarvadharmasuunyatā (tánh không của vạn pháp) là từ tương đương của pratītyasamutpāda (duyên khởi) hay tathatā (như thị) hay nairātmya (vô ngã). Vì vậy đoạn kinh này cũng nói rằng dù có chư Phật hay không, pháp tánh này, tánh không này, hay duyên khởi tánh, vô ngã tánh, như thị tánh vẫn tồn tại. Ðiều này không có nghĩa là tất cả các pháp phát sinh từ pháp tánh. Từ dharmatā được sử dụng ở đây như từ tương đương của suunyatā. Nhưng suunyatā không phải là nguồn gốc để từ đó vạn pháp phát sinh. Suunyatā (= pratītyasamutpāda = tathatā) chỉ là sự kiện rằng các pháp thực sự là như vậy, chứ các pháp không phát sinh từ suunyatā, pratītyasamutpāda, nairātmya hay tathatā. Dù chúng ta có thích hay không, có chấp nhận hay không, Phật giáo vẫn không công nhận một nguồn gốc nào, một điểm mốc hay một nguyên nhân đầu tiên nào từ đó vạn pháp phát sinh.
Hãy xem xét vấn đề này từ một góc cạnh khác: Nếu nói rằng vạn pháp phát sinh từdharmatā,như vậy dhammatā phải là thực tại tuyệt đối, rốt ráo. Nhưng theo Phật giáo thì chỉ có duy nhất một thực tại tuyệt đối, đó chính là Niết bàn. Nhưng không có cái gì phát sinh từ Niết bàn. Nếu có một cái gì phát sinh từ Niết bàn, thì Niết bàn đã trở thành nguyên nhân, nguồn gốc của cái đó. Mà Niết bàn không phải là nguyên nhân và cũng không phải là kết quả. Niết bàn phi thời gian hay vượt khỏi thời gian (akālika). Tính chất này đã quá quen thuộc trong giới Phật tử, đến nỗi cuốn truyện Sahassavatthu cũng đã diễn tả Niết bàn là kālavimutta – vượt khỏi thời gian. Theo triết học Phật giáo, “thời gian là một chế định cho chuỗi liên tục của nhân quả”. Không có gì có thể gọi là thời gian nếu tách ra khỏi sự liên tục không gián đoạn của nhân quả. Vì vậy, khi Niết bàn được diễn tả là “vượt khỏi thời gian”, điều đó cũng có nghĩa rằng nó vượt khỏi nhân quả. Vì vậy nó không được tạo nên bởi cái gì và chính nó cũng không tạo nên cái gì.
Do đó có thể thấy rằng “một khái niệm của Phật giáo Nguyên thủy tương đương với ân sủng” hay ý tưởng cho rằng vạn pháp phát sinh từ pháp tánh là vô căn cứ và hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Ðức Phật, được ghi lại trong tam tạng.
Hòa thượng Walpola Rahula
Liễu Pháp dịch
Chú Thích
[1] Như Pāli Dhamma của W. Geiger, Early Buddhist Dhamma của I.B. Horner, Dharma and Dharmas của E.Conze, Buddhism, A Non-Theistic Religion của Gorge Braziller, v.v.
[2] Như cuốn Papañcasūdanī, chú giải Trung Bộ Kinh.
[3] Dhammo sabhāve pariyatti-paññā-ñāyesu sacca-ppakatīsu puññe, ñeyye gun’ācāra-samādhisū’pi nissattatā’pattisu kāranādo. Abhidhānappadīpikā (ed. by W.Subhuuti), Colombo 1900, verse 784
[4] Kusalādhammā, akusalādhammā, avyākatādhammā. Dhammasaṅganī, Colombo 1953, p. 1
[5] Kesādīnaṃ dhammānaṃ samūhaṭṭhena. Sumaṅgalavilāsinī, Colombo 1925, p. 545
[6] Ath’eko āsivisapotako attano dhammatāya caranto aññatarassa tāpasassa assamapadaṃ patto. Jātaka, Vol.I (PTS), p. 245
[7] Na ca pana sāsakalikāattano dhammatāya patitā, Devadattassa upakkamena patitā.Milinda (PTS), p. 179
[8] Sumaṅgalavilāsini, Vol.I, Colombo 1919, p. 288
[9] Anguttara Nikāya Ī (PTS), p. 21
[10] Papañcasūdanī, Vol.Ī, Colombo 1943, p. 334
[11] A. v. 2.
[12] Attasammāpanidhānaṃ sīlānaṃ padatthānaṃ. Netti (PTS), p.29
[13] A.iv.125
[14] Theragāthā(PTS), p.35, v.303
[15] Theraghaṭṭhakathā, I, Colombo 1918, p.397
[16] A.i.286
[17] Dasabhūmīsvaro nāma Mahāyānasūtraṃ(ed.by Ryuko Kondo), Tokyo 1936, p.136(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Wrong Notions of Dhammatā” by Walpola Rahula, trích trong tập “Zen and the Taming of the Bull”, Gordon Fraser, London 1978)
[1] Như Pāli Dhamma của W. Geiger, Early Buddhist Dhamma của I.B. Horner, Dharma and Dharmas của E.Conze, Buddhism, A Non-Theistic Religion của Gorge Braziller, v.v.
[2] Như cuốn Papañcasūdanī, chú giải Trung Bộ Kinh.
[3] Dhammo sabhāve pariyatti-paññā-ñāyesu sacca-ppakatīsu puññe, ñeyye gun’ācāra-samādhisū’pi nissattatā’pattisu kāranādo. Abhidhānappadīpikā (ed. by W.Subhuuti), Colombo 1900, verse 784
[4] Kusalādhammā, akusalādhammā, avyākatādhammā. Dhammasaṅganī, Colombo 1953, p. 1
[5] Kesādīnaṃ dhammānaṃ samūhaṭṭhena. Sumaṅgalavilāsinī, Colombo 1925, p. 545
[6] Ath’eko āsivisapotako attano dhammatāya caranto aññatarassa tāpasassa assamapadaṃ patto. Jātaka, Vol.I (PTS), p. 245
[7] Na ca pana sāsakalikāattano dhammatāya patitā, Devadattassa upakkamena patitā.Milinda (PTS), p. 179
[8] Sumaṅgalavilāsini, Vol.I, Colombo 1919, p. 288
[9] Anguttara Nikāya Ī (PTS), p. 21
[10] Papañcasūdanī, Vol.Ī, Colombo 1943, p. 334
[11] A. v. 2.
[12] Attasammāpanidhānaṃ sīlānaṃ padatthānaṃ. Netti (PTS), p.29
[13] A.iv.125
[14] Theragāthā(PTS), p.35, v.303
[15] Theraghaṭṭhakathā, I, Colombo 1918, p.397
[16] A.i.286
[17] Dasabhūmīsvaro nāma Mahāyānasūtraṃ(ed.by Ryuko Kondo), Tokyo 1936, p.136(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Wrong Notions of Dhammatā” by Walpola Rahula, trích trong tập “Zen and the Taming of the Bull”, Gordon Fraser, London 1978)
http://khemarama.com/vai-quan-ni%E1%BB%87m-sai-l%E1%BA%A7m-v%E1%BB%81-phap-tanh-dhammata-2/