Khi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, Ngài đề cập đến hai thái cực, vì đó là nơi cư ngụ của tham ái. Ái dục, hạnh phúc đá sang bên này, đau khổ và bất toại nguyện đá sang bên kia. Cả hai luôn luôn gây phiền lụy và đau khổ. Nhưng khi đi trên Trung Đạo, bạn đặt cả hai xuống.
Nếu bạn theo hai thái cực này, bạn sẽ mất hết kiên nhẫn chịu đựng và sẽ bị hất ra ngoài khi luyến ái hay sân hận lôi cuốn bạn. Bạn còn mắc bẫy như vậy bao lâu? Hãy xét xem: Nếu bạn thích một thứ gì đó, bạn sẽ theo sau chúng khi yêu thích phát sinh và dĩ nhiên nó chỉ lôi kéo bạn đi tìm sự đau khổ thôi. Tâm luyến ái thật khôn ngoan và khéo léo. Rồi nó sẽ kéo bạn đi đâu nữa đây?
Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực. Đó là con đường thực hành chân chính, dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khóai lạc và đau khổ trên đường này, cũng không có thiện và ác, tốt và xấu. Than ôi! Con người đầy ái dục, chỉ muốn tìm khóai lạc, không chịu đi trên con đường của Đấng Đại Giác, con đuờng dành cho người đi tìm chân lý. Dính mắc vào hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu thì không thể đi trên Trung Đạo, không thể trở thành người trí, không thể giải thoát.
Con đường của chúng ta rất thẳng, tĩnh lặng và chánh niệm; dù phiền muộn hay phấn khởi nẩy sinh, nó vẫn an tịnh. Nếu tâm bạn được như thế, bạn chẳng cần nhờ ai hướng dẫn.
Bạn sẽ thấy rằng, khi tâm không luyến ái, nó sẽ nằm ở trạng thái bình thường. Khi nó bị khuấy động bởi tư tưởng và cảm giác, tiến trình cấu tạo nên tư tưởng sẽ diễn ra và ảo giác thành hình. Hãy học cách nhìn tiến trình này. Khi tâm bị khuấy động, không còn ở trạng thái bình thường, nó sẽ ra khỏi sự thực hành đúng đắn để tiến đến một trong những thái cực của đam mê và ghen ghét, từ đó nó lại càng tạo ra nhiều ảo giác, nhiều tư tưởng hơn nữa. Nếu bạn tiếp tục quan sát tâm, suốt đời chỉ làm vậy thôi, tôi bảo đảm rằng bạn chẳng bao giờ buồn chán.
Ajahn Chah
Trích: Mặt hồ tĩnh lặng
Không cần nghĩ rằng một bên vô nghĩa và một bên quý giá. Buông xả cả hai bên. Không cần nhận một bên và bỏ một bên. Xung lực nhận hay bỏ khởi lên từ định kiến. Hoàn thành cả hai bên, xem chúng bình đẳng. Không phải chân trái không phải chân phải. Cả hai chân với nhau đúng như chúng là.
Không cần giữ vật này ném bỏ vật nọ. Bạn cần phải chăm sóc cả hai cùng một lúc. Không có việc chọn một bỏ một. Bạn không nên mất mình trong Không và không nên mất mình trong vật chất. Bạn phải kết hợp 50% cõi hữu hình với 50% cõi vô hình.
Trung đạo nghĩa là cái không to lớn, cái toàn thể bao gồm mọi thái cực.
Daehaeng
Trích: Không có sông nào để vượt qua