Bàn về "BẢN NGÃ" qua các Bậc Thầy



- Mắt thấy, tai nghe, phổi thở, thân đi... nhưng bản ngã cho rằng tôi thấy, tôi nghe, tôi thở, tôi đi... Tất cả trong thân ngoài cảnh đều là sự vận hành tự nhiên của vạn pháp dù không có khái niệm "cái tôi" trong đó, nhưng cái tôi luôn cho rằng nó làm tất cả... Đó là bản ngã cướp công pháp.
- Thân, thọ, tâm, pháp đều là pháp tự nhiên... nhưng bản ngã đòi quyền sở hữu: Thân này là của tôi, tôi muốn hưởng cảm giác lạc, tôi thích an trú tâm định cao nhất... Tất cả vũ trụ vạn vật đều là của thiên nhiên nhưng tôi muốn thu năng lượng trời đất vào để được trường sinh bất tử, tôi muốn chiếm thêm biển, thêm đất để bành trướng đất nước tôi... Đó là bản ngã ăn trộm pháp.
- Cơ thể đang sống bình thường, điều hòa với thiên nhiên... thì bản ngã tham ăn thật nhiều chất bổ dưỡng vào để cho mạnh khỏe hơn, thích nhậu nhẹt cho cố vào để được sảng khoái hơn... làm cho lục phủ ngũ tạng bị tổn thương. Hoặc cố gắng bỏ ăn bỏ ngủ để tu hành cho mau đắc thiền đắc đạo... để rồi tâm thần bất ổn, thậm chí còn bị tẩu hỏa nhập ma... Đó là bản ngã thọc gậy bánh xe pháp.

Trích: Hỏi Đáp về Bản Ngã


Bản ngã của một người được hình thành bởi sự giáo dục của gia đình, trường sở, tôn giáo, xã hội v.v... cộng với sự tập thành do thói quen, tình cảm, lòng ham muốn và sự ngu muội của mỗi cá nhân, khiến họ trở thành những “kẻ xa lạ” như Albert Camus nói. Xa lạ là xa lạ với chính bản chất đích thực của mình. Cho đến khi con người thật hoàn toàn tê liệt thì kẻ xa lạ cũng đã chiếm ngự hoàn toàn, lúc đó ta hoàn toàn nô lệ cho kẻ chiếm ngự ta. Ta giả làm ông thánh, người hùng hay nghệ sĩ v.v... còn con người thật thì muôn đời chẳng bao giờ còn cơ hội để làm thánh, anh hùng hay nghệ sĩ nữa!
Muốn cứu thoát mình khỏi những ảo vọng hình thành bản ngã, như Thầy vừa sơ phác, con người phải làm lại từ đầu bằng cách tự tri, có tự tri mới có tự giác, có tự giác mới có tự chủ, có tự chủ mới bắt đầu phục hồi bản chất tự do sáng tạo của mình. Đó là con đường giác ngộ mà ta thường gọi là Đạo Phật. Đạo Phật đích thực chứ không phải cái tôn giáo mang tên nó với đầy rẫy những giáo điều mà những kẻ mê tín thêm thắt vào.


Trích: Tuyển tập thư Thầy lá thư số 29



Hướng tu hành chân chính không phải là cố gắng xây dựng cho mình thành một con người lý tưởng tài năng đức độ. Không phải bồi đắp từng chút công đức, sở tri và sở đắc cho đến khi hoàn thành “tác phẩm tuyệt đối cuối cùng”.
Chân, thiện, mỹ cuả tự tánh pháp (Sabhavàdhammatà) vốn đã tự viên mãn (Tổ Huệ Năng: hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc), chẳng phải tầm cầu (bất luận cầu chơn),chẳng cần thiết lập(chơn bất lập).Chỉ vì vọng khởi (vô minh ái dục)nên bản ngã sanh. Lấy bản ngã mà hoàn thiện con người lý tưởng, quả vị lý tưởng thì cũng hoàn là bản ngã. Đó chỉ là dục vọng của Tiểu ngã muốn trở thành Đại ngã của tư tưởng Bà Là Môn.Bản ngã cùng với tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và tất cả thuộc tính khác của vô minh ái dục là nguyên nhân của tất cả luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Đó là thế giới mộng ảo huyễn hóa. Vì vậy tu hành giống như tỉnh dậy giữa cơn ác mộng đêm trường, bỗng nhiên những vui buồn sợ hãi tiêu tan và cái chân như tự tánh (yathàbhùtà) hiển hịên toàn chân. Vì vậy Đức Phật dùng chữ “diệt” để diển tả Diệt đế (chân tánh, Niết-bàn) khi Ngài dạy: “Pháp Như Lai tuyên thuyết chỉ có nhất hướng viễn ly, ly tham, ly chấp, đoạn xả, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giải thoát, Niết-bàn”.
Đoạn diệt là điều mà bản ngã uý kỵ, nên nhiều người khi nghe nói đến đoạn diệt thì vô cùng sợ hãi, vội vàng lên án là tiêu cực, tiểu thừa. Nhưng tựu trung đoạn diệt chỉ là đoạn diệt chấp ngã chấp pháp cùng với thuộc tính vô minh ái dục của nó mà thôi. Ví như người nhìn lầm bụi cây là bóng ma sinh tâm sợ hãi. Khi nhìn kỹ thấy đó chỉ là bụi cây thì cả bóng ma lẫn sợ hãi đều viễn ly, đoạn diệt. Kinh Viên Giác nói: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”, và Lão Tử cũng nói: “Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi” (hành đạo ngày càng bớt, bớt rồi bớt nữa cho đến vô vi).
Vậy tu hành không phải là bồi thêm cái ngã cho nặng ký mà chính là bớt đi (ly, tổn, đoạn, diệt) tất cả mọi ràng buộc của vọng ngã để trở lại bản lai diện mục xưa nay vốn đã tròn đầy.


                                                   ***
Khi còn vô minh ái dục thì mỗi người đều có hai bộ mặt, đó là con người thật và con người giả. Con người giả chính là vọng ngã, thủ đắc bởi những yếu tố ngoại lai như ý niệm, tư tưởng, quan niệm, tình cảm từ môi trường sống: hoàn cảnh xã hội, trường học, gia đình, bè bạn,... Những tập tính hay tập khí đó được huấn tập dần dần cho đến khi mình trở thành... một kẻ lạ mặt (từ của Albert Camus), càng ngày càng xa rời tự tánh, càng xa lạ với con người thật.
Con người giả cũng không phải đơn thuần, anh ta vô cùng đa diện: khi thì anh, khi thì em, khi thì cha, khi thì chú, khi vui lúc giận chẳng chút giống nhau. Vì vậy anh ta luôn luôn tự mâu thuẫn với chính mình cả tri thức lẫn tình cảm, cả hành động lẫn lý thuyết. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi anh ta nói một đường làm một nẻo. Thực ra ai mà chẳng thế khi mình còn đa mang những con người xa lạ.

Còn con người thật ở đâu? Sư nói: “Con người thật nhập Niết bàn rồi”. Câu này hàm ý hai nghĩa:


1) Con người thật đã (bị con người giả giết) chết rồi. Ý nói anh ta chỉ là con người giả chứ làm gì còn có con người thật.
2) Con người đích thực chính là bản lai diện mục, chân như tự tánh, mà chân như tự tánh thì lúc nào lại chẳng ở nơi Niết bàn.


Trích Vi Tiếu
Lời Bàn 28 & 29

Thầy Viên Minh
www.trungtamhotong.org


                                                                        
***

.
... Do bản ngã xuất phát từ một ấn tượng rằng có một cái “ta riêng rẽ” nên nó cần tự đồng hóa nó với những yếu tố bên ngoài. Bản ngã ở trong ta luôn cảm thấy nó vừa cần được bảo vệ, vừa cần được nuôi dưỡng luôn. Nhưng nhu yếu tự đồng hóa thông thường nhất của bản ngã thường là đồng hóa ta với chuyện sở hữu tài sản, với công việc chúng ta làm, với địa vị trong xã hội, với tiếng tăm, kiến thức và trình độ giáo dục, sắc diện, năng khiếu đặc biệt, những quan hệ trong lĩnh vực giao thiệp, dòng dõi gia đình, lòng sùng bái về một điều gì đấy. Chúng ta cũng thường tự đồng hóa mình với giống nòi, chủng tộc, quốc gia, chính trị, tôn giáo và những chuỗi đồng hóa có tính chất tập thể khác nữa. Nhưng tất cả những điều đó không phải là bạn!Các giáo thuyết về tâm linh đã xác nhận đau khổ của con người thực ra chỉ là những ảo tưởng trí năng
Mọi khổ đau thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta: Chúng ta khổ đau vì chúng ta tự đồng hóa mình với những ý tưởng, cảm xúc tiêu cực thường nổi lên ở trong ta. Vì không biết bản chất chân thật của chính mình, do đó trong nỗ lực đi tìm nguồn cội của mình, chúng ta sáng tạo nên những con người, những nhân vật, những “cái tôi”, những Bản Ngã…không có thực để cưu mang những cảm xúc khổ đau xảy ra ở trong mình. Trong thực tế, có những cảm xúc sướng, khổ, vui, buồn khi ta trải qua một kinh nghiệm tiêu cực trong đời sống. Nhưng không nhất thiết phải có một con người, một nhân vật, một “cái tôi”, một Bản Ngã…, đứng đằng sau kinh nghiệm đó để hứng chịu những khổ đau đó. Do đó, mọi đau khổ thật ra chỉ là những ảo tưởng của chúng ta.
Khoảng trống không đáy: Đó là cảm giác hụt hẫng, cô đơn trong mỗi người. Chúng ta cảm thấy cô đơn, trống vắng ở trong lòng nên luôn tìm cách chạy trốn, khỏa lấp bằng sự bận rộn trong công việc, bằng quan hệ nam nữ, bằng thú vui xác thịt, sự nghiện ngập ma túy hay danh lợi,… Nhìn sâu vào cảm giác này sẽ giúp bạn nhận ra ở trong chiều sâu, bạn cảm thấy cách biệt với mọi người và mọi thứ chung quanh mình. Đó không phải là bạn, mà là cảm giác thường trực bất an của tự ngã ở trong bạn. Tự ngã luôn cảm thấy lo sợ, bất ổn, xa lạ với môi trường và thế giới chung quanh. Tiếp xúc với khoảng trống này giúp bạn thôi chạy trốn chính mình, thôi tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn, trống vắng ở trong mình, tức là đồng hóa mình với tự ngã, với những cô đơn trống vắng đó. Vì bạn không phải là những cô đơn trống vắng đó.



Trích chương 2
Sức Mạnh Của Hiện Tại
(The Power Of Now)
Eckhart Tolle

                                                         ***




OSHO
Toàn thể khổ của con người bao gồm ở việc xa khỏi trung tâm của mình. Đây là việc điều chỉnh sai giữa trục và bánh xe. Có việc điều chỉnh sai giữa bạn và thực tại, và việc điều chỉnh sai đó tự biểu lộ nó theo cả nghìn lẻ một cách. Bạn càng xa khỏi thực tại, bạn càng khổ hơn. Địa ngục là điểm xa nhất với thực tại. Bạn càng gần với thực tại, bạn càng gần với cõi trời. Khi không có điều chỉnh sai giữa bạn và thực tại, bạn là bản thân cõi trời.
......
Đầu tiên đứa trẻ trở nên nhận biết về 'của tôi', thế rồi về 'cho tôi', thế rồi về 'bạn', thế rồi về 'tôi'. Đây là cách sự việc diễn ra. Đây chính xác là thủ tục, đích xác theo thứ tự này. Trước hết nó trở nên nhận biết về 'của tôi'. Quan sát điều đó, bởi vì đây là việc xây dựng của bạn, cấu trúc của bản ngã bạn. Đầu tiên đứa trẻ trở nên nhận biết về 'của tôi' - đồ chơi này là của tôi, người mẹ này là của tôi. Nó bắt đầu việc sở hữu. Người sở hữu đi vào trước hết; tính sở hữu là rất cơ bản. Do đó mọi tôn giáo đều nói: Trở nên không sở hữu - bởi vì với sở hữu địa ngục bắt đầu. Quan sát trẻ nhỏ: rất ghen tị, sở hữu, từng đứa trẻ đều cố gắng vồ lấy mọi thứ từ mọi người khác và cố gắng bảo vệ đồ chơi riêng của mình. Và bạn sẽ thấy trẻ con rất bạo hành, gần như dửng dưng với nhu cầu của người khác. Nếu đứa trẻ đang chơi với đồ chơi của mình và đứa trẻ khác tới bạn có thể thấy một Adolf Hitler, một Genghis Khan, một Nadirshah. Nó sẽ bám lấy đồ chơi của nó; nó sẵn sàng đánh, nó sẵn sàng đánh nhau. Đó là vấn đề lãnh thổ, vấn đề chi phối. Tính sở hữu đi vào trước hết; đó là phần cơ sở. Và đứa trẻ bắt đầu nói, "Cái này là của con." 
Bây giờ xem - chẳng cái gì có thể là 'của tôi' trong thực tại, trong chân lí. Chúng ta đến với đôi bàn tay trắng, chúng ta đi với đôi bàn tay trắng. Toàn thể câu chuyện này về 'của tôi' và 'của anh' chỉ là mơ. Nhưng một khi đứa trẻ nói, "Đây là của tôi," bây giờ nó đang đi vào việc điều chỉnh sai với thực tại. Cho nên bạn sẽ thấy rằng bạn càng có ý tưởng này về 'của tôi', bạn sẽ càng khổ thêm, bạn sẽ càng khổ sở thêm. Mọi nơi: "Nhà này là của tôi; người đàn bà này là của tôi; người đàn ông này là của tôi," và mọi nơi bạn lập tức tuyên bố và sở hữu... và khổ đi vào.
Hai người đang yêu nhau.. Nếu đấy chỉ là lúc ban đầu cái 'của tôi' còn chưa bắt đầu - bởi vì nếu 'của tôi' mà chưa bắt đầu, tâm trí chưa bắt đầu. Một khi 'của tôi' bắt đầu, bản ngã đang trên đường rồi. Bản ngã là cái 'của tôi' được kết tinh. Và một khi 'của tôi' bắt đầu, tình yêu bị mất. Tình yêu là đẹp chỉ khi không có 'của tôi'. Nhưng nó đi vào ngay lập tức, bởi vì điều đó đã trở thành chính cấu trúc của chúng ta. Đó là nền tảng của chúng ta trong thế giới này. Chúng ta được đặt cơ sở sai. 

Tôi đã nghe...

Cậu bé này mới sáu tuổi và nó đang chơi với đứa con gái nhà bên cạnh mới năm tuổi.
"Chơi vật nhau không?" nó hỏi.
Cô bé nói, "Tớ không vật được. Tớ là con gái."
Nó tiếp tục, "Muốn chơi bóng không?"
Cô bé đáp, "Tớ không chơi bóng được. Tớ là con gái."
Cuối cùng nó nói, "Thôi được, có muốn chơi nhà không?"
Cô bé nói, "Ô được rồi. Tớ sẽ là bố."

Từ chính lúc ban đầu, ai chi phối ai? ai sở hữu ai? Do đó mọi tôn giáo - phương đông, phương tây - tất cả các tôn giáo đã tồn tại trên trái đất đều nhấn mạnh vào không sở hữu, không gắn bó - bởi vì điều đó sẽ lấy đi chính đất bằng dưới chân bạn. Nếu bạn trở nên không sở hữu bản ngã không thể tồn tại được. Nếu bạn trở nên nhận biết về khiếm khuyết cơ sở này của con người bạn, việc tuyên bố về 'của tôi' này, bạn sẽ ngạc nhiên rằng mọi khổ của bạn có thể được vứt bỏ đi bằng việc vứt bỏ mỗi từ này thôi. Đây không chỉ là một từ, nó là toàn thể phong cách sống của bạn. Kiểu sống sai dựa trên 'của tôi'; kiểu sống đúng không biết tới 'của tôi', không biết tới 'của anh'.
Một khi chúng ta nói 'của tôi' chúng ta đang làm cho bản thân mình tách rời khỏi cái toàn thể. Bây giờ phân biệt này sẽ phát triển, và từng bước sẽ đem bạn đi xa hơn.

Tôi đã nghe...

Một đứa bé đang ngồi cùng với gia đình; bố và mẹ đang cãi nhau, như thông thường. Thế rồi người bố trở thành gần phát điên. Sợ mình có thể đánh người đàn bà, hay sợ mình có thể làm điều gì đó sai, anh ta chạy ra khỏi nhà.
Đứa bé vẫn quan sát. Nó nói, "Bố có quay về không ạ?"
Mẹ nó nói, "Có chứ, trong mười lăm phút nữa bố sẽ quay về."
Đứa bé nói, "Ồ điên thế! Con cứ tưởng được ăn món tráng miệng của bố."
Một khi 'của tôi' đi vào thế thì bạn là kẻ cạnh tranh với mọi người. Một khi 'của tôi' đi vào, cuộc sống của bạn bây giờ sẽ là cuộc sống của cạnh tranh, tranh đấu, xung đột, bạo hành, công kích.
Bước tiếp của 'của tôi' là 'tôi'. Khi bạn có cái gì đó để tuyên bố như của mình, bỗng nhiên qua tuyên bố đó phát sinh ý tưởng rằng bây giờ bạn là trung tâm của các sở hữu của mình. Việc sở hữu trở thành lãnh thổ của bạn, và qua những sở hữu đó nảy sinh ý tưởng mới: 'tôi'.
Một khi bạn được đọng lại với cái 'tôi', bạn có thể thấy rõ ràng rằng bạn có một biên giới, và những người ngoài biên giới này là 'bạn'. Người khác trở thành rõ ràng; bây giờ mọi sự bắt đầu rời ra.
Vũ trụ là một, nó là một thể thống nhất. Không cái gì bị phân chia. Mọi thứ đều được nối với mọi thứ khác. Đó là tính nối vô cùng. Bạn được nối với đất, bạn được nối với cây, bạn được nối với sao; sao được nối với bạn, sao được nối với cây, với sông, với núi. Mọi thứ đều được liên nối. Không cái gì tách rời; không cái gì có thể phân tách. Phân tách là không thể được.
Từng khoảnh khắc bạn đều thở - bạn thở vào, bạn thở ra - liên tục có cây cầu với sự tồn tại. Bạn ăn, sự tồn tại đi vào bạn; bạn bài tiết, nó trở thành phân - táo trên cây sẽ trở thành một phần thân thể bạn ngày mai, và phần nào đó của thân thể bạn sẽ ra đi và trở thành phân, sẽ trở thành thức ăn cho cây cối... việc cho và nhận liên tục. Không một khoảnh khắc nào nó dừng lại. Khi nó dừng lại, bạn chết.
Chết là gì? - tách bạch là cái chết. Trong thể thống nhất là sống động, ở ngoài sự thống nhất là chết. Cho nên bạn càng nghĩ, "Mình tách biệt," bạn càng kém nhạy cảm hơn, chết nhiều hơn, kéo lê, đờ đẫn. Bạn càng cảm thấy mình được nối, toàn thể sự tồn tại này lại càng là một phần của bạn và bạn là một phần của toàn thể sự tồn tại này. Một khi bạn hiểu rằng chúng ta là thành viên của nhau, thế thì bỗng nhiên cách nhìn thay đổi. Thế thì những cây này không còn xa lạ nữa; chúng vẫn liên tục chuẩn bị thức ăn cho bạn. Khi bạn thở vào bạn lấy ô xi vào, khi bạn thở ra bạn cho các bô nic; cây cối thở vào bằng các bô nic và thở ra ô xi - có giao cảm liên tục. Chúng ta trong hoà điệu. Thực tại là một thể thống nhất. Và với ý tưởng về 'tôi', 'anh', chúng ta đang rơi ra ngoài thực tại. Và một khi quan niệm sai này lắng đọng ở bên trong, toàn thể sự phânchia của bạn trở thành lộn ngược.

Tôi đã nghe...

Một thanh niên New York đến Texas lần đầu tiên. Thấy một đàn trâu, anh ta hỏi người chủ chúng là gì.
"Chúng chỉ là lợn hoang," người chủ nói. "Mọi thứ ở Texas đều to cả."
Chút ít sau vị khách lại thấy một đàn chim đại bàng và hỏi chúng là gì.
"Chúng chỉ là chim sẻ thôi," người chủ nói. "Mọi thứ đều to ở Texas."
Cuối đêm vị khách đi tìm nhà vệ sinh và rơi vào trong bể bơi. "Vì thánh Pete!" anh ta kêu lên "Không ai kéo cái xối nước cả!"
Một khi bạn có quan niệm sai về sự vật, thế thì quan niệm đó sẽ bóp méo mọi thứ. Nếu 'mọi thứ đều to ở Texas', thế thì bể bơi phải là bồn cầuí! Điều đó là tự nhiên - quan niệm sai này dẫn tới quan niệm sai khác và quan niệm sai nhỏ dẫn tới quan niệm sai lớn hơn. Nếu bạn cứ lắng đọng với điều này, một ngày nào đó bạn đơn giản không biết thực tại là gì. Bạn đơn giản bị che phủ bởi quan niệm riêng của mình.
'Cho tôi', rồi 'bạn', và thế rồi như sự phản chiếu nảy sinh 'tôi', 'tôi' là dạng tinh vi nhất, kết tinh nhất của tính sở hữu. Một khi bạn đã thốt ra 'tôi', bạn đã phạm vào điều báng bổ. Một khi bạn đã nói 'tôi', bạn bị ngắt hoàn toàn khỏi sự tồn tại - không thực sự bị ngắt, bằng không bạn sẽ chết. Nhưng trong ý tưởng của bạn, bạn đã hoàn toàn bị ngắt khỏi thực tại. Bây giờ bạn sẽ trong tranh đấu liên tục với thực tại. Bạn sẽ tranh đấu với gốc rễ riêng của mình, bạn sẽ tranh đấu với bản thân mình.
Đó là lí do tại sao Phật nói: Là mẩu gỗ trôi giạt đi. Bạn có thể là mẩu gỗ trôi giạt chỉ nếu bạn đã vứt bỏ ý tưởng về tôi - bằng không bạn không thể là mẩu gỗ trôi giạt được. Vật lộn sẽ dai dẳng. Đó là lí do tại sao bạn thấy khó khi đi tới thiền. Nếu tôi nói ngồi im lặng, bạn không thể làm được điều đó - điều đơn giản thế. Người ta sẽ coi đó là điều đơn giản nhất; đáng ra không cần phải dạy điều đó. Người ta phải đơn giản ngồi và hiện hữu. Nhưng bạn không thể ngồi được bởi vì cái 'tôi' không thể cho phép bạn có lấy một khoảnh khắc thảnh thơi. Hễ một khoảnh khắc của thảnh thơi mà được phép, bạn sẽ có khả năng thấy thực tại. Một khi thực tại được biết tới, cái 'tôi' sẽ phải bị vứt bỏ. Thế thì nó không thể còn dai dẳng được. Cho nên cái 'tôi' thậm chí không bao giờ cho phép bạn có ngày nghỉ. Cho dù bạn đi lên núi, tới chỗ nghỉ mùa hè, cái 'tôi' vẫn không bao giờ cho phép bạn có ngày nghỉ kể cả ở đó. Bạn mang radio đi, bạn mang ti vi đi; bạn mang tất cả các vấn đề của mình và bạn vẫn còn bị bận bịu. Tại đó, tại nơi nghỉ an dưỡng trên đồi núi, bạn đã đi tới để thảnh thơi, nhưng bạn vẫn tiếp tục toàn thể hình mẫu của mình theo cùng cách. Bạn không thảnh thơi.
Cái 'tôi' không thể thảnh thơi được. Nó tồn tại qua căng thẳng. Nó sẽ tạo ra căng thẳng mới, nó sẽ tạo ra lo nghĩ mới, nó sẽ thường xuyên chế tác ra vấn đề mới, nó sẽ không cho phép bạn nghỉ ngơi gì. Cho dù nghỉ ngơi lấy một phút và toàn thể ngôi nhà của cái 'tôi' bắt đầu sụp đổ - bởi vì thực tại đẹp thế và cái 'tôi' lại xấu thế. Người ta liên tục tranh đấu theo cách của mình một cách không cần thiết. Bạn đang tranh đấu vì những thứ sắp xảy ra theo cách riêng của chúng. Bạn đang tranh đấu một cách không cần thiết. Bạn đang ham muốn những điều sẽ là của bạn nếu bạn không ham muốn. Thực tế, bởi việc ham muốn bạn sẽ làm mất chúng.
Đó là lí do tại sao Phật nói: Nổi cùng với dòng chảy. Cứ để cho nó đưa bạn ra đại dương.
'Của tôi', 'cho tôi', 'bạn', 'tôi' - đây là cái bẫy. Và cái bẫy này tạo ra khổ, loạn thần kinh, điên khùng.
Bây giờ vấn đề là: đứa trẻ phải trải qua nó, bởi vì nó không biết mình là ai và nó cần căn cước nào đó - có thể là căn cước giả, nhưng điều đó còn tốt hơn là không căn cước gì. Nó cần căn cước nào đó. Nó cần biết đích xác nó là ai, cho nên một trung tâm giả được tạo ra. Cái 'tôi' không phải là trung tâm thực của bạn. Nó là trung tâm giả - tiện dụng, giả vờ, chỉ do bạn chế tác ra. Nó chẳng có liên quan gì tới trung tâm thực của bạn. Trung tâm thực của bạn là trung tâm của tất cả. Cái ta thực của bạn là cái ta của tất cả. Tại trung tâm này, toàn thể sự tồn tại là một - cũng như tại trung tâm của ánh sáng, mặt trời, mọi tia sáng đều là một. Chúng càng đi xa, chúng càng xa lẫn nhau hơn.
Trung tâm thực của bạn không phải chỉ là trung tâm của bạn thôi, nó là trung tâm của cái toàn thể. Nhưng chúng ta đã tạo ra những trung tâm nhỏ của riêng mình, tự chế tác, do bản thân chúng ta chế tạo ra. Có nhu cầu... bởi vì đứa trẻ được sinh ra không có biên giới nào, không có ý tưởng về mình là ai. Đó là sự cần thiết sống còn. Làm sao nó sẽ tồn tại được? Nó phải được cho một cái tên, nó phải được cho một ý tưởng về nó là ai. Tất nhiên ý tưởng này tới từ bên ngoài; ai đó nói bạn đẹp, ai đó nói bạn thông minh, ai đó nói bạn sinh động thế. Bạn thu lấy những thứ mà mọi người nói. Từ tất cả những điều mọi người nói về bạn, bạn thu thập một hình ảnh nào đó. Bạn chưa bao giờ nhìn vào bản thân mình, vào bạn là ai. Hình ảnh này sẽ là giả - bởi vì không ai khác có thể biết được bạn là ai, và không ai khác có thể nói bạn là ai. Thực tại bên trong của bạn là không sẵn có cho bất kì ai khác ngoại trừ bạn. Thực tại bên trong của bạn là không thể xuyên thấu được với bất kì ai khác ngoại trừ bạn. Chỉ bạn mới có thể ở đó.
Cái ngày bạn nhận ra rằng căn cước của mình là giả, được gắn lại nhau; bạn đã thu thập ý kiến từ mọi người...
Đôi khi nghĩ xem, chỉ ngồi im lặng và nghĩ xem mình là ai. Nhiều ý tưởng sẽ nảy sinh. Cứ quan sát xem chúng tới từ đâu và bạn sẽ có khả năng tìm ra cội nguồn. Cái gì đó tới từ mẹ bạn - nhiều đấy; quãng tám mươi đến chín mươi phần trăm. Cái gì đó tới từ bố bạn, cái gì đó tới từ thầy giáo phổ thông của bạn, cái gì đó tới từ bạn bè bạn, cái gì đó tới từ xã hội. Quan sát: bạn sẽ có khả năng phân chia nó tới từ đâu. Chẳng cái gì tới từ bạn cả, thậm chí không đến một phần trăm tới từ bạn. Đây là kiểu nhận diện gì mà trong đó bạn đã không đóng góp gì cả thế? Và bạn là người duy nhất có thể có đóng góp, thực tế, cho cả một trăm phần trăm.
Cái ngày bạn hiểu ra điều này, tôn giáo trở thành quan trọng. Cái ngày bạn nhận ra điều này bạn bắt đầu tìm kiếm kĩ thuật nào đó, phương pháp nào đó để đi vào trong bản thể mình; cách biết đích xác, thực sự, mang tính tồn tại, bạn là ai. Không còn là tuyển tập các hình ảnh từ bên ngoài, không yêu cầu người khác để soi gương thực tại của bạn - mà đối diện trực tiếp với nó, ngay lập tức; để đi vào trong bản tính của bạn, để cảm thấy nó ở đó. Cần gì phải hỏi người nào? Và bạn hỏi ai? Họ cũng dốt nát về bản thân họ như bạn dốt nát về bản thân bạn. Họ không biết tới bản thân họ; làm sao họ có thể biết tới bạn được? Xem cách mọi sự vận hành, cách mọi sự cứ vận hành, cách mọi sự cứ xảy ra: cái giả dối này dẫn tới cái giả dối khác. Bạn gần như bị lừa dối, bị lừa bịp. Bạn bị lừa gạt, và những người đã lừa bạn có thể đã làm điều đó một cách vô tình. Họ có thể đã bị người khác lừa. Bố bạn, mẹ bạn, thầy giáo của bạn, đã bị những người khác lừa - bố họ, mẹ họ, thầy giáo họ. Và đến lượt mình họ đã lừa bạn. Bạn có định làm cùng điều đó với con bạn nữa không?
Trong một thế giới tốt hơn, nơi mọi người thông minh hơn, nhận biết hơn, họ sẽ dạy con họ rằng ý tưởng về căn cước là giả tạo: "Nó là cần thiết, chúng ta đem nó cho con, nhưng nó chỉ dùng cho thời bây giờ thôi, trước khi bản thân con khám phá ra mình là ai. Nó sẽ không phải là thực tại của con đâu. Và con càng sớm tìm ra con là ai thì càng tốt. Con càng sớm có thể vứt bỏ cái ý tưởng này đi, càng tốt - bởi vì từ chính khoảnh khắc đó con sẽ thực sự được sinh ra, và con sẽ thực sự là thực, đích thực. Con sẽ trở thành một cá nhân."
Các ý tưởng mà chúng ta thu thập từ người khác cho chúng ta cá tính, còn hiểu biết chúng ta đi tới biết từ bên trong cho chúng ta tính cá nhân. Cá tính là giả, cá nhân là thực. Cá tính được vay mượn; thực tại, tính cá nhân, cái đích thực của bạn, không bao giờ có thể được vay mượn. Không ai có thể nói được bạn là ai.
Thân thể bạn có thể được người khác nhìn thấy. Họ có thể nói liệu thân thể bạn là đẹp hay không, và điều đó nữa cũng còn tuỳ - bởi vì không có tiêu chuẩn nào cho cái đẹp tồn tại. Điều đó tuỳ thuộc vào ý tưởng của mọi người, vào điều người đó coi là đẹp. Hai người chẳng bao giờ đồng ý được. Điều đó gần giống như 'thích' và 'không thích'. Bạn có thể rơi vào tình yêu với người đàn bà và bạn có thể nghĩ cô ấy là người đàn bà đẹp nhất trên thế giới - và bạn của bạn có thể cười bạn. Tôi không nói họ đúng, tôi không nói bạn đúng. Tôi đơn giản nói rằng đơn giản là không có tiêu chuẩn. Bạn có thể coi người đàn bà này là khủng khiếp còn bạn của bạn là điên, nhưng không có tiêu chuẩn. Không có cách thức khách quan để biết ai đẹp, cái gì đẹp. Điều đó tuỳ vào tâm trí bạn, ước định của bạn.


Trích: cuộc sống, tình yêu, tiếng cười

Của tôi - cho tôi - bạn - tôi
OSHO

                                      ***



Khi nói về bản ngã, chúng ta có biết rằng chúng ta muốn nói gì không ? Lúc đề cập vấn đề bản ngã, tôi cho rằng bản ngã có nghĩa là lý tưởng, ký ức, kết luận , kinh nghiệm , những hình thể đa dạng của những ý định hữu danh và những ý định vô danh, nỗ lực ý thức muốn được hiện thể hay không hiện thể, ký ức tích lũy của vô thức, vô thức chủng tộc, vô thức bè phái, cá thể , bộ lạc và trọn vẹn tất cả những thực thể vừa kể, kể cả những gì được thể hiện và phóng hiện ra bên ngoài trong hành động hoặc phóng hiện ra bình diện tâm linh như là nhân đức ; sự nỗ lực cố gắng thực hiện những điều vừa nêu chính là bản ngã. Sự cạnh tranh, lòng khát vọng muốn được hiện thể cũng là bản ngã nữa. Trọn vẹn tiến trình vừa kể chính là bản ngã ; mỗi khi chúng ta đối mặt với bản ngã chúng ta ý thức thực sự rằng bản ngã là một sự thể bất thiện, tai hại, tàn ác, xấu xa. Tôi dùng tiếng “xấu xa” một cách cố ý, bởi vì bản ngã luôn luôn phân hóa chia rẽ mọi sự ; bản ngã luôn luôn bưng bít đóng nhốt : những sinh hoạt của bản ngã, dù có tôn nghiêm cao quý đến đâu đi nữa, cũng chỉ gây ra sự phân ly và sự cô lập. Chắc hẳn chúng ta biết rõ tất cả những điều này. Chúng ta lại cũng thừa biết những giây phút thoát trần tuyệt vời : khi mà bản ngã không còn hiện diện, lúc mà mọi cảm thức nỗ lực, nỗ sức không còn xuất hiện trong ta nữa ; và tâm thái này chỉ xảy đến khi tình yêu thoáng hiện trong lòng người.

Đối với tôi, dường như điều quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu sự vận hành của kinh nghiệm trong việc củng cố bản ngã. Nếu chúng ta sống đứng đắn đàng hoàng, chúng ta cần phải hiểu vấn đề kinh nghiệm này. Vậy, nói đến kinh nghiệm, chúng ta muốn nói gì ? Chúng ta luôn luôn trải qua kinh nghiệm thường xuyên ; đó là những ấn tượng ; chúng ta diễn dịch lại những ấn tượng ; chúng ta phản ứng hay hành động ăn rập theo những ấn tượng ấy ; chúng ta tính toán, xảo quyệt, gian giảo, vân vân. Có sự hỗ tương tác dụng thường xuyên giữa những gì chúng ta thấy một cách khách quan và phản ứng của chúng ta đối với những điều nghe thấy ấy ; sự hỗ tương tác dụng cũng xảy ra giữa ý thức và những kỷ niệm của vô thức.
Khuôn theo những kỷ niệm của tôi, tôi phản ứng lại bất cứ những gì tôi thấy, bất cứ những gì tôi cảm. Trong sự vận hành của biến trình phản ứng lại những gì tôi thấy, những gì tôi cảm, những gì tôi biết, những gì tôi tin tưởng, trong sự vận hành của biến trình phản ứng này, phải chăng kinh nghiệm đang thành hình ? Phản ứng , đáp ứng lại một điều mình thấy, đó chính là kinh nghiệm. Khi tôi nhìn thấy ngài, tôi phản ứng lại ; định danh cho phản ứng ấy là kinh nghiệm. Nếu tôi không định danh phản ứng ấy thì nó không phải là kinh nghiệm. Hãy ngắm nhìn những đáp ứng riêng biệt của ngài và hãy ngắm nhìn những gì đang xảy ra nơi ngài. Không thể nào có kinh nghiệm được, nếu tiến trình định danh không xảy ra đồng lúc. Nếu tôi không nhận ra ngài, làm thế nào tôi có thể có được kinh nghiệm về việc gặp gỡ ngài ? Điều vừa nói có vẻ đơn giản và chính xác. Không phải đó là một sự kiện hiển nhiên ư ? Nói rõ hơn nữa, nếu tôi không phản ứng lại rập theo những kỷ niệm của tôi, tập theo bối cảnh qui định , rập theo những thành kiến của tôi, thì làm thế nào tôi có thể biết rằng tôi đã có một kinh nghiệm nào đó ?
Thế thì những khát vọng đa dạng đã phóng hiện ra ngoài. Tôi khát khao muốn được che chở bao bọc, muốn được an ninh bên trong tâm hồn ; hoặc tôi khát khao muốn có một bậc tôn sư, một đạo sư, một bậc thầy, một đấng thượng đế : rồi tôi có kinh nghiệm với điều tôi đã phóng hiện ra ngoài lòng khát khao dưới hình thức mà tôi đã đặt tên, rồi tôi phản ứng lại với hình thức hữu danh ấy. Đó chỉ là sự ngoại hiện phóng tưởng của tôi. Đó chỉ là sự định danh do tôi tạo ra. Lòng khát khao kia, sau khi đã đưa đến một kinh nghiệm cho tôi, bây giờ xui tôi nói đại loại như vầy “ tôi có kinh nghiệm”, “tôi đã gặp bậc đạo sư”, hay “tôi chưa gặp bậc Tôn Sư”. Các ngài hiểu trọn cả biến trình gọi danh, đặt tên một kinh nghiệm. Khát vọng, lòng thèm muốn , là cái mà các ngài gọi là kinh nghiệm, có phải thế ? Khi tôi muốn được tâm trí tĩnh lặng, những gì đã xảy ra, khi tôi muốn thế ? Cái gì xảy ra ? Vì những lý do tạp nhạp nào đó, tôi thấy rằng tâm trí tĩnh lặng, trầm mặc là một điều quan trọng ; chẳng hạn, bởi vì kinh nghiệm Upanishads đã dạy thế : những bậc thánh đã dạy thế, và thỉnh thoảng chính tôi cũng cảm thấy im lặng rất là quí, vì trí óc tôi cứ ba hoa lải nhải lắm chuyện suốt ngày. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy rằng tâm trí bình thản, trí óc trầm lặng là một điều tuyệt vời thú vị biết bao. Lòng khát khao nhóm dậy : muốn được thể nghiệm sự im lặng. Tôi muốn có được một bộ óc trầm lặng, vì thế tôi mới hỏi “ Làm thế nào tôi đạt được sự thanh thản trầm lặng ấy ?” Tôi được biết quyển sách nào đó đã chỉ dạy về thiền định và đủ loại giới luật hành tác. Thế thì tự khuôn mình vào một kỷ giới luật tâm linh nào đó, tôi tìm cách thể nghiệm sự im lặng. Thế là bản ngã, cái “tôi” đã tự củng cố, an định, ở lỳ luôn trong kinh nghiệm về im lặng.
Tôi muốn hiểu bản tính của chân lý ; đó là lòng khát vọng , lòng ao ước của tôi ; rồi đi theo sau đó là sự phóng hiện của tôi về những ý niệm ấy ; tôi đã nghe nhiều người nói về chân lý. Tôi muốn thể nhập tất cả những gì kinh điển đã dạy. Thế thì những gì xuất hiện ? Chính lòng ham muốn ấy, chính lòng khát khao ấy đã được phóng hiện ra ngoài, và tôi thể nghiệm bởi vì tôi tri nhận chính trạng thái phóng hiện ấy. Nếu tôi không tri nhận trạng thái ấy, tôi sẽ không gọi nó là chân lý. Tôi tri nhận trạng thái ấy và tôi thể nghiệm trạng thái ấy ; chính kinh nghiệm ấy tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng cái “tôi”, có phải thế không ? Do đó bản ngã trở thành bị bủa vây đóng kín trong thành lũy của kinh nghiệm. Rồi lúc ấy ngài mới nói “tôi biết”, “đấng Đạo Sư xuất hiện”, “Thượng đến hiện hữu” hay “Thượng đế không hiện hữu” ; ngài mới nói rằng một ý thức hệ chính trị cá biệt nào đó đã đi đúng đường và tất cả những ý thức hệ khác đều sai.
Thế là kinh nghiệm luôn luôn vẫn tăng trưởng cái “tôi”. Càng lúc ngài càng bị đóng lũy trong kinh nghiệm ngài, càng lúc bản ngã ngài càng được củng cố. Hậu quả của biến trình ấy là tính tình ngài trở nên cứng rắn, kiến thức ngài, tín ngưỡng ngài cũng trở nên cứng rắn và ngài hãnh diện phô trương cho kẻ khác thấy, vì ngài biết rằng họ không tinh khôn như ngài, và vì ngài có khả năng viết lách hoặc khả năng diễn đạt, ăn nói hoạt bát và ngài lại quá tinh khôn, quá thủ đoạn. Vì bản ngã vẫn còn tác động mạnh trong lòng ngài, cho nên những tín ngưỡng, những bậc Tôn sư, những giai cấp, hệ thống kinh tế của ngài, tất cả những thứ ấy đã được ngài biến thành một tiến trình cô lập ; do đó, những thứ ấy đã gây ra sự bất đồng tương tranh. Nếu ngài thực sự chỉnh trang đứng đắn ; ngài phải phá tan trung tâm điểm bất động này một cách trọn vẹn, phá tan và đừng tìm cách biện minh gì hết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải hiểu tiến trình kinh nghiệm.
Trí óc, cùng bản ngã , có thể nào không còn phóng hiện, không còn dự tính, không còn tham muốn, không còn thể nghiệm ? Chúng ta thấy rằng tất cả kinh nghiệm của bản ngã đều là một sự phủ định, sự phá hoại, thế mà chúng ta vẫn gọi những kinh nghiệm ấy là hành động xây dựng, có phải thế ? Nghĩa là chúng ta gọi đó là lối sống tích cực. Đối với các ngài, giải trừ trọn vẹn tiến trình này lại là phá hoại, phủ nhận, tiêu cực. Làm như thế có phải các ngài đã đi đúng hướng ? Các ngài và tôi, với tư cách là những cá thể, chúng ta có thể nào đi đến cội rễ của tiến trình ấy và hiểu được tiến trình ấy, tiến trình của bản ngã ? Vậy, cái gì giải tan bản ngã ? Những đoàn thể tôn giáo và những đoàn thể khác đã chia sẵn tinh thần đồng hóa, phải thế không ? Những đoàn thể ấy gọi mời chúng ta đại loại như vầy :” Hãy đồng hóa với một thực thể nào lớn rộng hơn thì bản ngã các người sẽ biến mất đi”. Nhưng cố nhiên tinh thần đồng hóa vẫn còn là tiến trình của bản ngã ; thực thể lớn rộng kia rốt lại chỉ là sự phóng hiện, phóng đại của cái “tôi” mà tôi thể nghiệm và do đó, chính việc ấy đã tăng trưởng, củng cố cái “tôi”.
Tất cả những hình thức đa dạng của kỷ luật, tín ngưỡng và kiến thức chắc chắn là chỉ tăng trưởng củng cố bản ngã. Chúng ta có thể tìm thấy một nguyên tố nào khả dĩ giải tan bản ngã ? Hay đây chỉ là một câu hỏi đặt sai ? Nhưng đó chính là điều chúng ta muốn thể hiện tự căn để. Chúng ta muốn tìm thấy một sự thể nào đó khả dĩ phá tan cái “tôi”, phải chúng ta muốn thế không ? Chúng ta nghĩ rằng có những phương tiện khác nhau như tinh thần đồng hóa, tín ngưỡng, vân vân ; nhưng tất cả những thứ ấy cũng đều nằm trên cùng một cấp độ ngang nhau ; không có cái nào cao hơn cái nào, bởi vì tất cả những thứ ấy đều chứa đựng cùng cường độ như nhau trong việc tăng trưởng củng cố bản ngã, cái “tôi”. Thế, có thể nào tôi thấy được cái “tôi” mỗi khi nó vận hành tác động và nhận ra năng lực, thế lực phá hoại của nó ? Dù tôi có gọi nó là gì đi nữa thì nó vẫn là một thế lực phân ly, cô lập, nó là một sức phá hoại, và tôi tìm cách tiêu trừ nó. Các ngài đáng lẽ nên tự hỏi như vầy – “tôi thấy cái “tôi” vận hành liên tục và luôn luôn gây ra sợ hãi, xao xuyến, tuyệt vọng, thất vọng, thống khổ, chẳng những cho tôi thôi mà cho tất cả những người chung quanh tôi. Vậy có thể nào giải trừ được bản ngã không ? Không phải chỉ giải trừ một cách phiến diện mà phải giải trừ toàn diện bản ngã ? “ Chúng ta có thể nào đào sâu tới cội rễ của bản ngã và phá hủy nó ? Đó mới là cách vận hành duy nhất thực sự , phải thế ? Tôi không muốn sáng trí một cách phiến diện, mà chỉ muốn sáng trí một cách thuần tính toàn diện. Hầu hết chúng ta đều chỉ sáng trí từng phần, từng tầng lớp ; có lẽ ngài sáng trí một cách và tôi sáng trí một cách khác. Một số người trong các ngài sáng trí trong công việc kinh doanh, một số người khác sáng trí lanh lợi trong công việc bàn giấy, vân vân và vân vân ; mọi người đều sáng trí, thông minh trong nhiều cách khác nhau ; nhưng chúng ta không thông minh, không sáng trí một cách toàn diện trọn vẹn. Thông minh một cách thuần tính toàn diện có nghĩa là không còn bản ngã nữa. Có thể thực hiện được như vậy chứ ?
Có thể nào để cho bản ngã vắng mất ngay ? Các ngài biết rằng điều này có thể thực hiện được. Phải cần có những yếu tố, những điều kiện quan yếu nào ? Yếu tố nào khả dĩ mang đến sự thể hiện này ? Tôi có thể tìm thấy yếu tố ấy ? Khi tôi đặt câu hỏi “Tôi có thể tìm thấy yếu tố ấy ?” thì hiển nhiên tôi tin chắc rằng điều ấy có thể thực hiện được ; thế là tôi đã tạo ra một kinh nghiệm củng cố tăng trưởng cho bản ngã, phải thế không ? Hiểu được bản ngã đòi hỏi phải thông minh vô cùng, phải chu đáo tỉnh thức vô cùng, nhanh nhẹn, mẫn tiệp, để ý chú tâm không ngừng, để bản ngã không trượt qua được sự lãnh hội của mình. Tôi, một kẻ thành khẩn đứng đắn, hết lòng muốn phân tán bản ngã. Khi tôi nói thế, tôi biết rằng mình có thể phá tan bản ngã. Nhưng vừa lúc tôi nói “tôi muốn phá tan bản ngã”, vừa lúc nói như vậy thì sự hiện nghiệm của bản ngã vẫn còn đó ; và vì thế bản ngã được tăng trưởng củng cố. Thế thì có cách nào khả dĩ khiến cho bản ngã không còn hiện thể ? Người ta dễ thấy rằng tâm thái sáng tạo nhất định không phải là kinh nghiệm của bản ngã. Khi nào bản ngã vắng mặt thì sự sáng tạo mới xuất hiện, vì sự sáng tạo không phải là sự phóng đại ngoại hiện của bản ngã ; sự sáng tạo là hoàn toàn vượt qua tất cả mọi sự thể nghiệm. Vậy có thể nào tâm trí được hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn ở trong trạng thái bất tri nhận hay bất thể nghiệm ; ở trong một trạng thái mà sự sáng tạo có thể xuất hiện, nghĩa là lúc bản ngã không còn đó nữa, lúc bản ngã vắng mất ? Đây mới thực là vấn đề chính, phải thế không ? Bất cứ sự vận hành nào của tâm trí dù tích cực hay tiêu cực, đều là một kinh nghiệm, thực ra chỉ dùng củng cố tăng trưởng cái “tôi”. Tâm trí có thể nào không tri nhận bất cứ cái gì hết ? Điều này chỉ có thể thực hiện khi mình được im lặng trọn vẹn , sự im lặng trọn vẹn, sự im lặng toàn triệt này không phải là sự im lặng của kinh nghiệm của bản ngã, vì nếu im lặng như thế thì chỉ là tăng trưởng củng cố bản ngã thôi.
Có thực thể nào đứng ngoài bản ngã, quan chiếm bản ngã và giải tán bản ngã ? Có thực thể tâm linh nào thay thế bản ngã, phá hủy nó và xua nó qua một bên ? Chúng ta nghĩ rằng có bản ngã như thế, phải không ? Hầu hết những người tín ngưỡng đều nghĩ rằng có một nguyên thể như vậy. Người theo duy vật nói :” Bản ngã không thể nào bị phá hủy được ; bản ngã chỉ có thể bị qui định và cưỡng ép trên phương diện chi1nh trị, kinh tế , xã hội ; chúng ta có thể giữ bản ngã chặt chẽ trong một mẫu mực nào đó và chúng ta có thể phá vỡ nó, do đó, bản ngã có thể được dùng để tiến tới một đời sống cao quí, đời sống đạo đức ; bản ngã không còn có thể thiệp, xen vào bất cứ cái gì khác, mà chỉ uốn nắn ăn rập theo mẫu mực xã hội và chỉ tác động như một cái máy”. Điều này, chúng ta thừa biết rồi. Có một số người khác, những người gọi là tu hành, thực sự họ không có gì là tu hành cả, dù chúng ta gọi họ thế ; những người tu hành ấy nói đại loại như vầy : “Trên nền tảng, có một nguyên tố, nguyên thể như thế. Nếu chúng ta có thể đối diện thể nhập với nguyên thể thì sẽ phá tan được bản ngã”.
Có nguyên thể nào khả dĩ phá tan được bản ngã ? Xin các ngài hãy nhìn hành động của chúng ta . Chúng ta bức bách cưỡng ép bản ngã vào một góc tường, vào một hoàn cảnh khó khăn. Khi nào các ngài để bản thân mình bị cưỡng bức vào một góc nhà ; nói rõ hơn, khi nào các ngài để cho bản thân phải bị ép vào trong một trường hợp nan giải, các ngài sẽ thấy được những gì sẽ xảy ra. Lúc đó, chúng ta muốn được là một nguyên thể phi thời gian, không còn thuộc về bản ngã, chúng ta mong muốn nguyên thể ấy sẽ xuất hiện, có thể thiệp và phá hủy bản ngã, và chúng ta gọi nguyên thể ấy là Thượng đế. Vậy thì có một thực thể nào như thế, mà tâm trí khả dĩ ý niệm được. Có thể có hoặc có thể không có ; đây không phải là vấn đề. Nhưng lúc nào tâm trí muốn tìm kiếm một trạng thái tâm linh phi thời gian nào đó khả dĩ tác động phá hủy bản ngã, phải chăng việc ấy chỉ là một hình thức kinh nghiệm khác để tăng trưởng củng cố cái “tôi”? Khi các ngài tín ngưỡng vào một cái gì đó, phải chăng sự việc ấy vẫn xảy đến ? Khi các ngài tin rằng có chân lý, có Thượng đế, trạng thái phi thời gian, sự bất tử ; phải chăng lúc ấy tiến trình củng cố bản ngã lại xuất hiện ? Bản ngã đã phóng hiện ra thực thể mà các ngài cảm và nghĩ rằng thực thể ấy sẽ đến và phá hủy bản ngã. Do đó, vì đã phóng hiện ý tưởng về hiện thể liên tục tiếp diễn trong một trạng thái phi thời gian, phóng hiện ý tưởng ấy như là một thực thể tâm linh, các ngài được trải qua kinh nghiệm như vậy . Chính kinh nghiệm như thế chỉ củng cố tăng trưởng bản ngã ; vậy thì các ngài đã làm được gì ? Các ngài đã không thực sự phá hủy bản ngã mà lại chỉ đặt một tên khác cho bản ngã, đặt một phẩm tính khác cho nó ; nhưng bản ngã vẫn còn đó ; bởi vì các ngài còn thể nghiệm được nó. Do đó, hành động của chúng ta từ đầu đến cuối chỉ là một hành động đồng nhất, chỉ có chúng ta là nghĩ rằng hành động ấy đã chuyển biến, phát triển, trở nên đẹp đẽ hơn lên mỗi lúc ; nhưng thực ra nếu các ngài quan sát vào nội tâm, các ngài sẽ thấy rằng chỉ mỗi một hành động ấy vẫn tiếp diễn, chỉ mỗi một cái “tôi” vận hành tác động trong những cấp bậc khác nhau, với những nhãn hiệu khác nhau, những tên khác nhau.
Khi các ngài thấy trọn tiến trình ấy, thấy được những sự bịa đặt xảo quyệt phi thường, sự thông minh nhanh nhẹn của bản ngã, những đường lối tinh vi mà bản ngã đã dùng để tự khuất lấp, như tinh thần đồng hóa, nhân đức, kinh nghiệm, tín ngưỡng, kiến thức ; khi các ngài nhận ra rằng tâm trí đang vận hành trong một vòng tròn, trong cái chuồng do nó tạo ra cho nó, khi nhận ra được như vậy thì những gì xảy ra ? Khi các ngài ý thức được điều ấy, hoàn toàn tri nhận được điều ấy thì vụt ngay lúc ấy phải chăng các ngài cảm thấy được tĩnh lặng một cách lạ thường, sự tĩnh lặng ấy, không phải xuất phát từ sự cưỡng bách, từ bất cứ sự tưởng tượng nào, từ bất cứ sự sợ hãi xao xuyến nào ? Khi các ngài ý thức rằng bất cứ sự vận hành nào của tâm trí chỉ là một hình thức để củng cố bản ngã, khi mà các ngài quan sát điều ấy, nhìn điều ấy, khi mà các ngài hoàn toàn ý thức về điều ấy trong hành động, khi mà các ngài tới nơi cứ điểm ấy không phải bằng lời lẽ suông thôi, không phải bằng ý thức hệ, cũng không phải bằng sự phóng nghiệm nhưng khi các ngài thực sự nằm trong trạng thái ý thức bình tĩnh ấy, lúc ấy các ngài sẽ thấy rằng khi tâm trí được hoàn toàn bình lặng thì tâm trí không còn năng lực tạo động tác rối. Bất cứ những gì do tâm trí tạo tác ra đều bị kẹt trong vòng lẩn quẩn, bị vướng trong tương thế của bản ngã. Chỉ khi nào tâm trí không còn tạo tác nữa thì lúc ấy sự sáng tạo mới xuất hiện và sự sáng tạo này không phải là một tiến trình có thể tri nhận được.
Chúng ta không thể tri nhận thực tại, không tri nhận chân lý. Muốn cho chân lý xuất hiện thì phải xua đuổi tín ngưỡng, kiến thức, thể nghiệm, sự tôi luyện nhân đức ; tất cả những thứ này phải biến mất đi thì chân lý mới đến được. Người nhân đức mà ý thức rằng mình đang theo đuổi nhân đức thì không bao giờ có thể thấy được thực tại. Hắn có thể là một người đứng đắn ; nhưng điều này hoàn toàn khác hẳn với một người tìm thấy được chân lý, khác hẳn với một người thực sự đã hiểu được chân lý. Một người nhân đức là một kẻ đứng đắn, nhưng một kẻ đứng đắn không bao giờ có thể hiểu được bản tính của chân lý ; bởi vì đối với kẻ ấy, nhân đức, đức hạnh đã được hắn dùng để khuất lấp che đậy bản ngã, củng cố bản ngã ; hắn không bao giờ có thể hiểu được bản tính của chân lý, bởi vì hắn đang đeo đuổi nhân đức. Mỗi khi hắn nói :” Không, tôi không nên tham lam”, trạng thái không gian tham mà hắn đang hiện nghiệm, chỉ là một cách củng cố bản ngã. Do đó, nghèo nàn là một điều vô cùng quan trọng chẳng những phải nghèo nàn về những sự vật thế tục thôi mà phải nghèo nàn luôn về mặt tín ngưỡng và về kiến thức. Bất cứ kẻ nào giàu sang phú quí về phương diện vật chất hay kẻ nào giàu sang về kiến thức và tín ngưỡng thì hắn không bao giờ có thể biết được gì cả, ngoài ra tối tăm mù mịt, và chính hắn sẽ là trọng tâm của tất cả mọi điều gian manh khổ lụy. Nhưng nếu các ngài và tôi, với tư cách là những cá thể , nếu chúng ta có thể nhìn thấy được trọn vẹn hành tung của bản ngã, lúc ấy chúng ta sẽ hiểu được bản chất của tình yêu . Tôi quả quyết rằng chỉ có thế mới là sự cải thiện khả dĩ thay đổi được thế gian này. Tình yêu, tình thương không thuộc về bản ngã. Bản ngã không thể nào nhận ra tình yêu. Ngài nói “tôi yêu” ; nhưng lúc ấy ngay trong lúc nói về tình yêu, ngay trong lúc thể nghiệm, hiện nghiệm tình yêu, thì ngay lúc ấy, tình yêu đã không còn nữa. Nhưng mỗi khi mà ngài hiểu biết tình yêu thì bản ngã không có đó. Khi nào tình yêu xuất hiện, khi đó bản ngã không hiện hữu.

Tự do đầu tiên và cuối cùng; 
CHƯƠNG 09 : BẢN NGÃ LÀ GÌ ?
Nguồn: https://sites.google.com/site/tudodautienvacuoicung/chuong-ix-ban-nga-la-gi