Ý Nghĩa Thơ (Hẹn - Đúng Ngọ - Mới Tinh Khôi - Bước Chân Qua Thời Gian) - Thầy Viên Minh

 



1. Hẹn

Ta có hẹn nhưng quên rồi ngày tháng

Cuộc tao phùng xin trả lại thời gian

Ta có đến một phương trời lãng đãng

Tựa hồ như có hẹn cõi ba ngàn.

Cuộc đời dường như là cuộc hẹn ra đi và trở về. Sinh ra trong cuộc đời giống như rời bỏ quê hương đi tìm một cái gì đó trong trời đất, và hẹn ngày trở lại... Thế rồi đi vào viễn mộng, trải qua bao nỗi thăng trầm, sóng gió... một ngày nào đó chợt nhớ đến lời hẹn ước trở về cố quận. Ra đi là hẹn hay trở về là hẹn, hay ra đi chính là trở về? Đó là một bí mật mà mỗi người phải tự mình khám phá ra câu trả lời đích thực cho chính mình. Và phải chăng giải đáp đó cũng chính là ý nghĩa cuộc đời?

http://www.trungtamhotong.org/


2. ĐÚNG NGỌ

Ta không biết đâu suối nguồn an lạc

Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa

Ta không biết đâu bến bờ diệu giác

Đúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.

Năm 1973 thầy cũng vài ba Tăng sĩ trẻ từ giả Học Viện Phật Bảo đi lập chùa Huyền Không ở trên một ngọn đồi dưới chân đèo Hải Vân, nhìn ra cửa biển Lăng Cô, với tâm nguyện lên rừng quyết hành thiền giải thoát. Ở đây thời tiết khắc nghiệt, khi mưa lũ dầm dề, khi bão bùng giông tố, khi nắng cháy rát da, khi lạnh lùng buốt giá… nhưng cũng có khi trời yên biển lặng, hoàng hôn muôn màu muôn vẻ, núi rừng mờ ảo trong sương… như những bức tranh siêu thực tuyệt tác… Vô tình chùa lọt vào địa điểm thường xảy ra những cuộc giao tranh vô cùng ác liệt nên đời sống người dân trong vùng rất nghèo khó. Chư sư ngoài hạnh khất thực còn phải trồng trọt nương rẫy để sống qua ngày, đúng nghĩa muối dưa đạm bạc.

 Ấn tượng nhất là những ngày đối diện với sự sống chết giữa lằn tên mũi đạn, trong những cuộc giao tranh đẫm máu, có những quả đạn đại bác nổ gần bên hông chùa, mà chùa thì mái tranh vách ván đơn sơ nên mảnh đạn xuyên vách chui tuốt vào tủ thờ xé nát những trang kinh... Luôn đối mặt với cái chết, đối mặt với sự thiếu thốn đói khổ trong thời khói lửa đạn bom nên dễ nhìn thấy vô thường, khổ, vô ngã hơn chỉ ngồi tư duy quán tưởng. Không biết đó là may hay rủi, vì hầu như chư sư phải lao động suốt ngày nên mặc dù đang ở trên núi nhưng giấc mơ lên núi hành thiền giải thoát đành phải trả về cho… mộng! Đối diện với tình hình thực tế, thiền cũng phải giã từ cõi mộng để chuyển hướng về với thực tại đang là… phải đổ mồ hôi với nương rẫy, với sắn khoai mới tồn tại được giữa đạn bom khóc liệt. 

Nhưng phải chăng đây là sự vận hành tuyệt vời của Pháp, đã giúp chư sư nhận ra rằng tu hành không phải là nỗ lực theo đuổi một lý tưởng ở tương lai được mô tả cao siêu trong các rừng thiền mà là đối mặt với chính mình trong hoàn cảnh thực tế sinh tử của sự tồn vong, của từng nhịp thở sống còn. Trong khi những mỹ từ như suối nguồn An Lạc, bến bờ Diệu Giác chỉ tạo ra vô vàn ảo tưởng, mà biết bao người lao vào như những con thiêu thân, thì những giọt mồ hôi mặn chát lại toát ra bản chất chân thực nhất của cuộc sống. Lao động quần quật suốt ngày nên vô tình phát hiện ra ngay trong những hoạt động bình thường tự nhiên cảm nhận vô thường, khổ, vô ngã dễ dàng nơi thân thọ tâm pháp hơn là dụng tâm tìm kiếm trong những công thức, khuôn sáo ở các thiền viện - cứ lặp đi lặp lại mãi một mẫu mực đến chai lỳ, nhàm chán. Nếu chúng ta luôn biết soi sáng thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là, biết thận trọng, chú tâm, quan sát rõ ràng mọi sự mọi vật đang diễn ra, biết trở về sống trọn vẹn tỉnh thức trong hiện tại, biết sống tuỳ duyên thuận pháp thì ngay đó là Bến bờ Diệu Giác, là Suối Nguồn An lạc… đâu cần vọng tưởng đâu xa! Đó chính là ý nghĩa bài thơ:

Ta không biết đâu suối nguồn an lạc

Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa

Ta không biết đâu bến bờ diệu giác

Đúng ngọ về chùa cất cuốc ăn trưa.


3. Ý Nghĩa bài Thơ "MỚI TINH KHÔI"

Gà con đã nở rồi
A, chào bé của tôi!
Khu vườn này cho bé
Một ngày mới tinh khôi!

Đó là một bước ngoặt trong đời sống tu tập của thầy. Trước đó thầy hiểu Đạo theo kiểu truyền thống là phải nỗ lực tu hành, phải loại bỏ cái này, phải đạt được cái kia. Khi những nỗ lực đó không tới đâu, chỉ loay hoay ở trong cái vỏ ảo tưởng của bản ngã. Đến khi có những nhân duyên đưa đến giúp thầy bừng tỉnh, cảm hứng viết bài thơ này.
"Gà con đã nở rồi" tâm bừng tỉnh giống hình ảnh chú gà con vừa chui ra khỏi vỏ, bắt đầu mở mắt để có thể tự mình khám phá cuộc đời, khám phá Pháp, khám phá Sự Thật để thấy ra Chân Lý muôn đời.
"A, chào bé của tôi" khi đã ra khỏi vỏ thì cuộc đời chào đón cái tâm mới mẻ, hồn nhiên, trong sáng, khác xa cái tâm cũ rích trước đây mãi lăng xăng trong bóng tối của bản ngã vô minh ái dục.  
“Khu vườn này cho bé” cũng là khu vườn mà ngày xưa mịt mù trong bóng tối của tà kiến tham ái thì nay qua tâm hồn nhiên trong sáng nó không còn là trần gian khổ ải mà là cõi thanh tịnh giải thoát, miền ung dung tự tại.
 “Một ngày mới tinh khôi" giờ đây khi tâm hồn đã thoát khỏi cơn mê của cái Ta ảo tưởng, của khuôn khổ buộc ràng, của tư duy nô dịch, của quan niệm cứng nhắc, của những mối quan hệ chằng chịt giữa cuộc đời thì mỗi ngày đều mới mẻ tinh khôi…  

Tác giả: Thầy Viên Minh
Trà Đạo Bửu Long 2017

4. Ý Nghĩa Bài Thơ "Bước Chân Qua Thời Gian"

“Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian 
Thời gian vô sở trụ 
Chân bước hề thênh thang.”

       👟 ☘️  👟 ☘️ 👟 ☘️ 👟

“Lắng nghe bước chân” là sống chiêm ngoạn những gì đang trải nghiệm trong đời sống. Nhưng đời sống luôn biến đổi không ngừng trong từng khoảnh khắc, vì thế sống chính là “bước chân qua thời gian". Mà thời gian luôn trôi chảy không bao giờ dừng lại tức “thời gian vô sở trụ” nên đừng bao giờ bám trụ vào đâu mới có thể “chân bước hề thênh thang” - thong dong tự tại giữa cuộc đời vô thường biến đổi. Điều chính yếu trong Đạo Phật là thấy ra tính chất "vô thường, khổ, vô ngã” của thực tại thân-thọ-tâm-pháp, để không bám trụ vào bất kỳ điều gì ở đời.
Trong tu luyện, hành giả rất dễ bám trụ vào sở đắc. Người thì bám trụ vào sở đắc định này định kia để được “hiện tại lạc trú", thậm chí nhiều người còn bám trụ vào cả “Tánh Không” nữa đấy! Nhưng cho dù bám trụ vào "Không" hay “Hữu”, “Tịnh”  hay “động”  thì cũng đều bị dính mắc trong tham ái, và vẫn còn bị trói buộc trong vô minh. Đạo Phật chủ yếu là dạy thoát khỏi sự che lấp của triền cái (nīvaraṇa) và trói buộc của kiết sử, mà kiết sử tiếng Pāḷi là samyojana có nghĩa đen là sợi dây xỏ mũi con vật để kéo đi, hay cái ách buộc vào cổ để dễ sai khiến. 
Đức Phật dạy “không bước tới, không dừng lại” mới có thể “thoát khỏi bộc lưu”.  “Bước tới” là có tham vọng muốn trở thành, “dừng lại” là đắm chìm trong quá khứ hay hiện tại, nên bước tới hay dừng lại gì cũng đều là dính mắc hay bám trụ. Trong pháp hành Tứ Niệm Xứ hay Thiền Vipassanā tuyệt đối không bám trụ vào bất kỳ đối tượng nào mà chỉ thấy biết trung thực thôi. Bám trụ vào sở đắc tức nỗ lực tu luyện với mục đích trở thành hay đạt được điều gì là phản lại lời Phật dạy “Không tham ưu, không nắm giữ bất kỳ điều gì ở đời”.  
Người ta nhầm lẫn pháp hành của Đạo Phật với cách tu luyện của Bà-la-môn. Bà-la-môn chủ trương rèn luyện để tiểu ngã trở thành đại ngã. Trong khi Pháp Phật không có "trở thành” mà là "chấm dứt trở thành". "Trở thành" thuộc về "thập nhị nhân duyên sanh", "chấm dứt trở thành" tức "thập nhị nhân duyên diệt". Nhưng sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, nhiều Bà-la-môn đã len lỏi vào hàng ngũ Tăng chúng, và họ đã cố tình đưa tư tưởng Bà-la-môn vào trong Kinh Điển Phật Giáo khiến người sau ai thiếu thận trọng, thiếu trí tuệ liền “tin cả vào Kinh Luận, Chú Giải” mà vô tình phản bội lời dạy uyên nguyên giản dị của đức Phật.
Ngay bài giảng đầu tiên cho 5 vị Kiều Trần Như, Đức Phật đã chỉ ra 4 Sự Thật. Nếu ngay trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày mà thấy ra 4 Sự Thật là giác ngộ chứ không phải tu luyện để trở thành điều gì. Chữ "Giác Ngộ" có nghĩa là thấy ra 4 Sự Thật. Đức Phật tuyên bố giữa Chư Thiên, Phạm Thiên và loài Người rằng “Do thấy ra Tứ Thánh Đế nên Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” . 
"Vô Thượng Chánh Đẳng Giác"  tức thấy ra Tứ Thánh Đế, mà thấy ra Tứ Thánh Đế là bây giờ ngay đây thấy đâu   là Tập Đế,  Khổ Đế đâu là Đạo Đế,  Diệt Đế. Thấy ra Sự Thật này là giác ngộ chứ không phải rèn luyện để trở thành sở đắc nào để bám trụ. Nếu có tu thì chính là tu “thấy và buông” những trói buộc dính mắc mà đức Phật gọi là “Nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí giác ngộ Niết-bàn, chứ không tu để đạt được địa vị cao cả nào. Đó là tinh thần “vô sở trụ” hay “Vô Thủ Trước Niết-bàn”.
Viên Minh 

NT trích ghi Trà Đạo Bửu Long 14/07/2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét