PHÁP NGỮ 4 - Thiền Sư Viên Minh



Không nên vội tu theo pháp môn nào, vì chỉ cần sai một ly là đi một dặm

"không làm các việc ác, thường làm các việc lành, giữ tâm ý thanh tịnh" là được. Việc ác là việc hại mình hại người, việc lành là việc tốt mình tốt người. Tâm thanh tịnh là tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành - không tham, sân, si. Ngoài ra, đọc kinh sách, nghe thuyết giảng để nhận thức cho đúng, có nhận thức đúng thì hành vi mới đúng, chứ không nên vội tu theo pháp môn nào, vì chỉ cần sai một ly là đi một dặm...


Giải ngộ, chứng ngộ, và triệt ngộ

Thường lý trí đi trước chứng nghiệm rất lâu, do đó lúc đầu người ta chỉ mới thu thập kiến thức rồi sau đó qua trải nghiệm thực mà điều chỉnh dần nhận thức và hành vi thì mới có tri kiến thực. Do đó, hiểu được mới là giải ngộ, thấy được mới là chứng ngộ, và làm được mới là triệt ngộ.  

Giải ngộ ... chưa phải là chứng ngộ pháp 

Khi nghe nói về thực tính của pháp rồi áp dụng khái niệm và hiểu được qua lý trí phân biệt đó vào việc tu tập thì vẫn có thể chưa thấy thực tính của pháp. Nếu như thế thì chỉ giải ngộ chứ chưa phải là chứng ngộ pháp đúng tự tính như nó là, mà vẫn còn cho là, phải là.


Chỉ thấy thôi và thấy sao thì thấy vậy không qua khái niệm nào cả mới là NHƯ THỊ.


Một điều hệ trọng nữa là thường biết không phải là cái biết thường hằng. Tánh biết không thường hằng vì nó không thường không đoạn gì cả, thường đoạn chỉ là ý niệm về nó thôi, nghĩa là vẫn chưa thoát khỏi khái niệm cho là, phải là. Chỉ thấy thôi và thấy sao thì thấy vậy không qua khái niệm nào cả mới là NHƯ THỊ.



"trầm không trệ tịch"

Nếu... quá đặt nặng việc an trú trong cái như thị thì vẫn là "trầm không trệ tịch"...


Đừng đặt an lạc giải thoát lên hàng đầu

Đừng đặt an lạc giải thoát lên hàng đầu, mà chủ yếu là biết trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi bản chất thật của chính mình và đời sống chứ không để cho khái niệm "thực tướng vô tướng", "như thị", "tánh không"... xen vào để rồi rơi vào trầm không trệ tịch, không còn dám trung thực với chính mình nữa. 

Hãy tin vào sự vận hành mầu nhiệm của pháp hơn là tin vào cái ngã lăng xăng.

Không cần làm sao cả. Cứ thế mà thấy ra chính mình...Cứ thấy thôi, rồi mọi chuyện sẽ hiện ra rõ ràng và sẽ thấy ra hết mọi mặt của vấn đề, và lúc đó con sẽ mỉm cười với chính mình và tất cả. Bây giờ đang bế tắc thì cứ thấy đang bế tắt là được rồi. Đừng giải quyết hay thêm bớt gì cả. Hãy tin vào sự vận hành mầu nhiệm của pháp hơn là tin vào cái ngã lăng xăng. 





Hạnh Bồ-tát

Nếu.. sống đúng nguyên lý "Tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha" và phương châm "phục vụ để hoàn toàn và hoàn toàn để phục vụ" thì đó chính là hạnh Bồ-tát...


Sự tương giao với vạn pháp

...Thật sự trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-tâm-cảnh thì không cảm thấy cô độc mà cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát và dễ dàng hoà nhập vào môi trường xung quanh. Cứ thận trọng chú tâm quan sát lại mình một cách tự nhiên trong hoạt động tương giao với cuộc sống, với mọi người, mọi vật thì con sẽ dần phát hiện ra những ảo tưởng trói buộc, những lăng xăng tạo tác của cái "ta", mà thoát ra khỏi chúng nên con cảm nhận được sự tự do, tự tại, an lạc nhưng không tách biệt với sự tương giao với vạn pháp

Kiến tánh.

Trọn vẹn với thực tại đang là với cái biết rõ ràng trong sáng, không dích mắc... chính là chánh niệm tỉnh giác
... đừng xem an lạc là mục đích của sự tu tập mà điều chính yếu vẫn là thấy ra bản chất thật của pháp. Thiền Vipassanà gọi đó là thấy thực tánh pháp, và Thiền Tông gọi là kiến tánh. 


"hành động" chánh niệm tỉnh giác.

Tu mà không nghĩ là mình đang tu để chứng gì cả, chỉ thấy bình thường như ăn cơm uống nước mà thôi. Đó là sự trọn vẹn trong sáng mầu nhiệm và vô điều kiện đúng nghĩa của "hành động" chánh niệm tỉnh giác.

Thời-vị-tính của một pháp

Thời-vị-tính của một pháp tự nó không bao giờ trễ, và tánh biết thấy pháp cũng không bao giờ trễ, chỉ có cái ta muốn biết mới biết sớm hay muộn mà thôi. Sở dĩ sớm hay muộn như vậy là vì cái ta muốn biết luôn xen khái niệm và kiến thức vào mà thành tưởng tri và thức tri chứ không còn là cái biết trọn vẹn trong sáng của tánh biết tuệ tri nữa.

 Pháp lẫn tánh biết vốn đã hoàn mãn 

Pháp vốn tịch tịnh
Tâm vốn vô sinh
Tâm pháp an bình
Vô sinh pháp nhãn.

Nguyên lý cả pháp lẫn tánh biết vốn đã hoàn mãn rồi, chỉ tại bị cái ta muốn biết che lấp mà người ta không thấy thôi. Do đó vẫn chỉ là ngay đó mà thấy ...không cần thêm bớt hay hoàn mãn gì cả, động tác cố gắng hoàn mãn là thừa. 

Ngồi thiền chỉ là chuyện nhỏ... đừng có quan trọng hóa nó quá mà đánh mất sự quân bình của đời sống.


Đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể thiền... Ngồi nhiều chỉ sinh trì trệ khí huyết chứ có ích gì? Nếu trong đi đứng ngồi nằm con đều sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì con đang sống trong giới định tuệ, như vậy lúc nào con cũng có thể sống trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì ngồi thiền chỉ là chuyện nhỏ thôi,đừng có quan trọng hóa nó quá mà đánh mất sự quân bình của đời sống.

"Tuệ quán chính là đây"

Cứ sống bình thường không cần mong cầu trở thành cái gì cao siêu cả, thì mới có thể trọn vẹn trong sáng với thực tại được. Chính ý muốn trở thành phá hủy giây phút thanh tịnh sáng suốt ngay đây và bây giờ. Không cố gắng trở thành, cũng không buông xuôi trôi nổi mà ngay nơi thực tại thân tâm luôn luôn soi chiếu, như Phật dạy: "Tuệ quán chính là đây"




Tất cả mọi lựa chọn đều giống nhau

Tất cả mọi lựa chọn đều giống nhau vì trong lựa chọn, vấn đề không phải là cái được lựa chọn mà là tâm người lựa chọn. Người ta chỉ quan tâm đến cái được lựa chọn mà không biết rằng dù lựa chọn gì thì tính chất và động lực của tâm lúc lựa chọn ấy vẫn giống nhau. Ví dụ như con có tâm ích kỷ thì dù chọn ăn mì hay phở thì cũng chỉ vì ích kỷ thôi. Tâm ích kỷ này dù chọn lựa tu hành để mau đắc đạo đi nữa thì thật ra cũng vẫn thế... 


"Khoảng trống của thời gian" là gì? "Khi đối diện với chính mình, tối kỵ là để yếu tố thời gian và tư tưởng xen vào"

Thời gian tâm lý là một khoảng trống tạo ra giữa thực tại đang là và lý tưởng sẽ là. Người ta nói rằng không có hy vọng thì không thể sống, nhưng thực ra ít ai thật sự có hy vọng mà chỉ là ảo vọng. Mà người sống trong ảo vọng mới thực coi như đã chết. Nếu có một hy vọng đích thực thì chỉ những ai thật sự sống trọn vẹn trong thực tại, không tạo ra khoảng trống thời gian thì hy vọng đã thuộc về người ấy nên anh ta không cần cái gọi là hy vọng nữa, vì đó chỉ là sản phẩm của tư tưởng và thời gian mà thôi.


Cái biết trực tiếp pháp thực tánh khác xa với cái biết pháp qua khái niệm chế định
 
Chỉ có pháp vận hành và tánh biết thấy pháp một cách trực tiếp không qua khái niệm nào cả, do đó chỉ thấy, chỉ nghe,... chỉ biết với tâm trong sáng tất cả đối tượng mà dường như không biết gì cả vì không khởi lý trí phân biệt, chỉ khi nào tùy ứng để diễn đạt mới dùng tới khái niệm hình ảnh, ý niệm và ngôn ngữ mà thôi. Tánh biết tự ứng khi có việc cần đến nó, còn không thì nó chỉ rỗng lặng trong sáng thôi. Cái biết trực tiếp pháp thực tánh khác xa với cái biết pháp qua khái niệm chế định nên biết mà dường như không biết, và không biết nhưng cái biết tự nó thật rõ ràng. Điều này chỉ ai thấy mới biết, còn người không thấy thì tưởng đó là lý luận chơi cho vui, hoặc cho đó chỉ là lý thuyết vớ vẩn, và nhiều người không sao hiểu nổi cái biết mà không biết này, vì cái biết của họ là hữu vi hữu ngã, còn cái biết này vô vi, vô tướng, không phải của ai, không phát triển được... nhưng nó cứ thế mà vận hành, mà thấy biết vô ngại. 




Thấy lại chính mình mới là cái gốc của sự tiến hóa (opanayati)

Thường con người được giáo dục theo hướng cố gắng vươn lên phía trước hơn là hướng tinh tấn trở về thấy lại (ehipassati) chính mình. Nhưng thấy lại chính mình mới là cái gốc của sự tiến hóa (opanayati). Do cứ lo vươn tới tương lai mà không chịu thấy ra tình trạng hiện tại nên không có trải nghiệm thực mà chỉ mơ mộng hão. Vì vậy cách đầu tư tốt nhất cho tương lai chính là thông suốt một cách trọn vẹn từng giây phút trung thực trong hiện tại. 


Tâm so sánh tức vẫn là ngã mạn - dù tự ti hay tự tôn.
                                     
Chủ yếu là con thấy được gì và làm được gì chứ không phải là người khác. Khi con thấy người khác không thấy không làm đúng như thầy dạy mà con cảm thông, thương yêu và chia sẻ để giúp họ thì mới đúng, còn nếu con cảm thấy sân si hay khinh thường tức con vẫn còn thấy với cái ngã, chưa thấy pháp đúng với tánh tướng thể dụng như nó đang là...Nên thấy mình trước, nếu thấy người khác để thấy lại mình thì tốt, còn thấy với tâm so sánh tức vẫn là ngã mạn - dù tự ti hay tự tôn.

Hình thành kinh nghiệm hay kết luận thì liền đánh mất thực tánh pháp

vẫn chỉ thấy thôi - tri kiến như thực - chứ đừng xem đó là kinh nghiệm. Hình thành kinh nghiệm hay kết luận thì liền đánh mất thực tánh pháp mà con đang thấy, vì khi đó cái đang thấy trở thành cái đã thấy.

Chấm dứt lực đối kháng của cái ta nhị nguyên

Ý muốn an đã làm cho con không thực thấy sự bất an là gì mà chỉ tạo ra đối kháng giữa hai ý niệm an và bất an, sự đối kháng này chính là mấu chốt của sự bất an. Khi bất an con trọn vẹn trong sáng thấy cái bất an như nó đang là thì liền chấm dứt lực đối kháng của cái ta nhị nguyên, thế là ngay nơi bất an mà cái thấy vẫn an, và bất an cũng là vô ngã. Nếu con không thấy được chân lý này thì đừng để cái ngã cố gắng tu vì như thế chỉ đổ thêm dầu vào ngôi nhà đang cháy mà thôi!

                           


Tâm buông xả


Trong buông xả vô sự tánh biết không bị "cái ta biết" che lấp nên có thể biết tất cả mà không cần cố ý tập trung vào một chỗ nào nhất định. Khi buông xả tâm trở về với bản chất sáng suốt, định tĩnh, trong lành tự nhiên của nó, hay nói cách khác là tâm trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại, không trú định mà cũng không tán loạn, chỉ có thấy, nghe, xúc, biết... mà không có người biết và đối tượng được biết nên không còn khái niệm ta và của ta. Lúc đó chính là thực tánh pháp vượt ngoài khái niệm. Tâm buông xả ấy có thể mất đi nhưng từ đó con sẽ thấy vô ngã và hành trình của bản ngã dễ dàng hơn; sự thận trọng, chú tâm, quan sát trong đời sống hàng ngày cũng sẽ được thực hiện một cách tự nhiên, vô tâm và giản dị hơn; đồng thời tâm buông xả cũng sẽ đến thường xuyên hơn

Xả, buông xả & xả ly

Xả là từ bỏ, nên buông xả là buông bỏ, xả ly là lìa bỏ. Có hai loại từ bỏ: Một là từ bỏ một vật, một tình trạng hay một hành động nào đó, như bỏ đi những thứ không cần thiết, có hại, hoặc không còn dùng nữa, chẳng hạn từ bỏ rượu, từ bỏ sát sinh... Hai là từ bỏ thái độ cho là, phải là, sẽ là... chủ quan sai lầm của bản ngã để trả pháp về với tự tánh trung thực của nó như nó là.

Chân lý ở khắp mọi nơi, trong những sự việc bình thường nhất.


khám phá chính mình và bản chất cuộc sống. Thấy ra thái độ phản ứng của mình trước những tình huống hàng ngày là một bước tiến khá tốt trong việc phát hiện sự thật. Nhiều người chỉ lo tìm kiếm lý tưởng cao xa mà quên rằng chân lý ở khắp mọi nơi, trong những sự việc bình thường nhất...
"...Chân lý cũng chính là ngay trong thực tại, trong cái đang là..."

Cứ uống nước thì sẽ tự biết nóng hay lạnh

Không diễn dịch mới biết một cách trực tiếp bản chất thực của pháp đang là, còn nếu con diễn dịch thì đâu còn là chánh niệm tỉnh giác nữa, mà không còn chánh niệm tỉnh giác thì làm sao thấy được thực tánh pháp? Diễn dịch thì phải qua khái niệm chế định, mà khi con khởi ý muốn xác định một điều gì thì nó đã trở thành khái niệm, còn sự thật thì đã trôi qua mất rồi, nên muốn xác định thì không thể nào trực tiếp thấy pháp như nó đang là được. Đừng lý luận, cứ uống nước thì sẽ tự biết nóng hay lạnh mà thôi.


Sự hình thành Tôn Giáo

Thực ra từ tôn giáo tự nó vô tội, nó chỉ là ngôn ngữ chế định thôi, tùy ai hiểu sao thì hiểu! Hầu hết các tôn giáo bắt nguồn từ một người giác ngộ chân lý, người ấy nói lên sự thật không phải để truyền bá tư tưởng mà chỉ để giúp cho những ai hữu duyên thấy ra sự thật đó. Như vậy tôn giáo lúc đầu có nghĩa là việc thấy ra và sống với chân lý mà thể hiện cụ thể qua sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, thẩm sát, chứng ngộ mà sống tùy duyên thuận pháp. Lúc này tôn giáo là sự thể hiện đời sống đúng với nguyên lý vận hành chân thực của đời sống, trong đó bao gồm cả Trời Đất, chúng sinh và muôn loài vạn vật.


Sự hình thành Tông môn, hệ phái...& Pháp môn phương tiện...

Khi vị giác ngộ ấy qua đời thì người sau dựng vị ấy lên làm một vị giáo chủ thần tượng và tôn thờ lời dạy của vị ấy thành giáo điều, rồi ngày càng tô vẽ thêm - dù thành văn hay không thành văn - để biến thành tổ chức tôn giáo theo trình độ nhận thức của họ, lúc đó tôn giáo có nghĩa là sự tôn sùng và tuân thủ giáo điều. Nhưng vì trình độ nhận thức khác nhau nên quan niệm của họ nhanh chóng chia năm xẻ bảy để thành nhiều tông môn, hệ phái khác nhau, có quan niệm, truyền thống và pháp môn phương tiện riêng, mà ai cũng tự cho mình là "biệt truyền" chính thống. Tuy nhiên, viêc thể hiện cụ thể ở đây chỉ là để "hiểu nghĩa" và "áp dụng" ý nghĩa theo quan niệm nhận thức và phương pháp vân dụng của họ mà thôi.


Tôn Giáo trở thành Tín Ngưỡng

Cho đến khi chữ giáo trong tôn giáo cũng mất đi ý nghĩa "hiểu biết" của nó mà chỉ còn có nghĩa là "tin", thì bấy giờ từ tôn giáo cũng biến mất mà hóa thành tín ngưỡng. Đó là lý do vì sao trong tín ngưỡng tính huyền bí và tính tưởng tượng cao hơn tính hiểu biết và tính hiện thực! Tín ngưỡng cũng còn tốt bao lâu nó chưa trở thành mê tín hay cuồng tín. Cũng do ở giai đoạn giáo trên người ta y cứ vào ngữ nghĩa mà áp dụng công thức, phương pháp chế định hơn là trực tiếp thấy ra sự thật, nên dần dần rơi vào lý tưởng và ảo tưởng mà thành tín ngưỡng, chủ yếu là xem trọng đức tin...


Tôn giáo có cần thiết trong thời đại này hay không? Nếu cần thì với mục đích gì? 

Chúng ta đã định nghĩa tôn giáo theo hiện trạng diễn biến trong đời sống thực tế chứ không theo một định nghĩa từ điển tiêu chuẩn hàn lâm nào. Nhưng đã là hiện trạng thì đó vẫn là sự thật hiển nhiên, nên không thể nói là cần thiết có tôn giáo hay không cần thiết. Hơn nữa đó là chúng ta mới nói theo chiều "xuống" của tôn giáo nên chúng ta hơi bi quan, còn thực tế vẫn có chiều ngược lại, đó là chiều "lên" đi từ cuồng tín rồi bớt dần còn mê tín, từ mê tín giảm dần còn lại niềm tin. Khi đã tin đúng thì dần dần thoát khỏi cái vỏ tín ngưỡng đưa đến khuynh hường nghiên cứu, học hỏi giáo nghĩa để áp dụng tu tập. Cuối cùng qua áp dụng giáo nghĩa dần dần phát hiện ra sự sai lầm trong lệ thuộc vào phương pháp và quan niệm mà biết điều chỉnh nhận thức và hành vi để tự mình trực tiếp trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm được sự thật của đời sống. Lúc đó từ tôn giáo được trở về với ý nghĩa ban đầu là biết sống tùy duyên thuận pháp trong chân lý muôn đời. Tất nhiên khi đã sống trong chân lý thì có tôn giáo hay không đâu thành vấn đề nữa...

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông