Tư Tưởng của THIỀN SƯ RYÕKAN

Tư Tưởng của THIỀN SƯ RYÕKAN [1]

Ðây là những lời Ryõkan tự viết ra riêng cho chính mình như nhắc nhở những gì không nên phạm phải mà lại như những lời khuyên bảo vô cùng chính xác cho đời thường và ngay cả những người tu hành.



Người nói nhiều
Người nói mau
Nói ồn ào
Nói vu vơ
Nói hoa mỹ
Nói ra vẻ quan trọng
Người không bao giờ học hỏi
Vô trách nhiệm trong lời nói
Người hai mặt
Ngắt lời người khác
Giảng dạy người khác về tính nóng nẩy của họ

Người cằn nhằn về một chuyện không đáng kể
Tiết lộ điều người ta muốn dấu
Giả vờ ngu
Xu nịnh
Ðối đáp mà không hiểu người ta đã nói gì với mình
Nói leo
Lời nói khiêu khích
Từ chối xã giao
Lường gạt trẻ con
Dạy trẻ con khôn lỏi

Người thích dùng chữ mà họ không hiểu nghĩa
Nói chuyện thần diệu
Than vãn chuyện không thể giải quyết được
Gian dối
Nói điều nhỏ nhen, đã nói rồi lơ đi
Làm người biết lắng nghe không phải dễ
Huyên thuyên vô bổ
Kể chuyện từ đầu đến cuối không ăn nhập vào đâu cả

Luôn luôn hối hận những gì đã qua
Khoác lác ca tụng một người nào đó
Biết một điều gì không đúng mà khẳng định là đúng
Những người chụm lại nói ồm ồm
trong khi những người khác đã đi ngủ
Người hay sữa sai người khác
Bắt người ta phải nghe chuyện của mình
Bàn cãi về Phật và thánh thần
trong câu chuyện bình thường

Ra nhiều mệnh lệnh một lúc
Ra mệnh lệnh cùng một lúc mà không giảng rõ ràng
Ðiều khiển liên tục
Bàn những điều tiêu cực
Bướng bỉnh không lắng nghe lời khuyên
Quở trách sai người
Nói năng thiếu ý nhị
Nói chưa dứt một điều lại chuyển sang điều khác
Nói chuyện về một người qua lời người thứ hai
Nói với lòng thương hại giả dối
cuối cùng chỉ chuốc lấy sự ghét bỏ

Ta có thể nói sau lưng người khác
điều ta có thể nói thẳng trước mặt người đó
Giảng cho người khác điều gì
mà chính mình cũng không hiểu điều đó rõ ràng
Làm như biết điều gì mà chính mình cũng không rõ
Lời đã phát ra khó mà lấy lại
Lời dài dòng không hấp dẫn



Những vần thơ Đạo Pháp [2]

Con đường Chánh Đạo không có lối đi,
Tôi hiểu được sự an bình trong tâm thức đang ở đâu
Người ta vẫn xem Tánh không hay sự hiện hữu là mục đích
Nào có khác gì đâu giữa một kẻ bình thường và một người giác ngộ
Nếu bám víu vào thế gian này, ta sẽ chạy theo chiếc bóng của chính ta
Chiếc bóng ngày càng xa thêm
Nếu ta xô bỏ cái sai để tìm cái đúng
Cái đúng sẽ trở thành một vết xẹo
Nên hiểu lấy điều ấy bằng chính kinh nghiệm của mình
một cách thật thâm sâu
Trong tâm thức, chỉ cần trợt chân một li như sợi tóc
Ta sẽ tách rời với chân như bằng khoảng cách của một
nghìn vũ trụ.

Ngày xưa tôi học được sự trong sáng của tập trung
tâm thức và biết kiểm soát hơi thở của chính mình
Vượt ngang sao trời và giá băng trắng xoá
Tôi quên cả ngủ và cả ăn
Hiểu được sự an bình là gì
Có thể chính là nhờ vào tu tập
Nhưng nếu không tỏ ra trong hành động
Làm thế nào có thể chứng minh được là nó sẽ trường tồn
mãi mãi?

Từ nguyên thủy con đường Chánh Đạo không có lối đi
Tôi cũng chẳng hiểu sự hoàn thiện của nó sẽ là gì
Càng chạy theo nó, càng lúc nó càng xa
Nếu tìm nó, sẽ không tìm thấy nó


“Những lời Phật dạy chân thật và mênh mông như không gian vô tận đã đưa tôi vào cảnh giới của vô biên” do nhà sư Rykan viết
Nét bút và các hàng chữ giống như đang cuốn theo những làn gió và tung bay trong không trung.


Ngay khi thuyết giảng cho thiên hạ về thực thể của trống không
Phần ta thì noi theo con đường Trung đạo, nhưng rồi cả họ
và cả ta sẽ gặp nhau trong ngõ cụt,
Chỉ vì điều ấy không thể mô tả được,

Nếu diễn đạt bằng lời, nó sẽ mất đi ý nghĩa.
Giác ngộ lệ thuộc vào Ảo giác.
Đạo pháp và hiện tượng buộc chặt với nhau.
Suốt ngày ngồi tụng những bài kinh không lời.
Đêm đến, thiền định nhưng lại không hành thiền.
Con chim cu gáy vang bên dòng suối, cạnh nơi gốc liễu đang rủ bóng.
Trong đêm một con chó sủa dưới trăng.
Đạo Pháp của Phật không đối nghịch với sự hài hoà của vạn vật.
Đâu có gì khác lạ để cho tôi truyền lại?
Báu vật ấy đã có sẵn từ muôn đời,
Ngày cũng như đêm, nó rạng ngời và xoá hết bóng tối trong thế gian này.
Dù cho đạt được, cũng không có cách nào để trao nó cho kẻ khác.

Hãy suy tư về không hoài nghi và không do dự,
Khi người tu hành trên đường Phật pháp chỉ cho điều ấy,
kẻ mê lầm sẽ đảo điên.
Khi đứa con gái của long thần nói lên điều ấy,
những người tu hành gia nua sẽ bối rối.
Ha! Ha! Ha! Báu vật ấy đang hiện hữu bên dưới vòm trời
và bên trên mặt đất này, nhưng có
mấy ai biết được.

Chớ hỏi rằng nó xuất phát từ ngọn núi Kunlun hay ngọn
núi Gepu,
Vì báu vật ấy đang ở trong ta,
Ánh sáng của nó che lấp cả ánh sáng của mặt trời lẫn
mặt trăng,
Rạng ngời và vượt xa hơn cả bốn biên giới của vũ trụ này.
Màu sắc của nó rực sáng đến độ làm cho lòa cả mắt.
Đánh mất nó, ta sẽ rơi vào đại dương của khổ đau.
Đạt được nó, tức thời ta sẽ vượt sang được bờ bên kia.
Tôi trình ra đây vật báu ấy và sẵn sàng hiến dâng cho
mọi người,
Nhưng biết phải làm thế nào, khi mà kẻ khác không muốn
nhận.

Ngón tay chỉ mặt trăng,
Nhưng ngón tay mù loà cho đến khi nào trăng mọc.
Đâu là sự liên hệ giữa mặt trăng và ngón tay?
Chúng khác biệt hay liên hệ với nhau?
Thắc mắc ấy chỉ là chuyện của những kẻ mới tu hành,
Đang thu mình trong vô minh.
Nếu biết nhìn xa hơn quy ước của ngôn từ,
Sẽ hiểu rằng không có ngón tay, cũng chẳng có mặt trăng.

Nhờ ngón tay mới chỉ được mặt trăng
Nhờ mặt trăng mới hiểu được ngón tay
Mặt trăng và ngón ta không phải một thứ nhưng cũng
không khác nhau
Câu châm ngôn ấy chỉ hữu ích đối với kẻ mới tu hành
muốn đạt đến giác ngộ
Khi nào nhìn thấy vạn vật đúng với bản thể của chúng
Lúc ấy mặt trăng sẽ không còn mà ngón ta cũng không có.

Huyền diệu thay!
Thoát khỏi mọi cảm nhận,
Vượt ra ngoài hiểu biết,
Sự tuyệt vời của Quán Thế Âm.


“Nam Mô A-Di-Đà Phật”
do nhà sư Ryokan viết

Đây là câu tụng niệm rất phổ biến trong Tịnh độ tông, thanh âm mang tính cách thiêng liêng của câu tụng niệm sẽ trợ giúp cho tâm thức người tu tập. Tuy rằng Ryokan chọn con đường của Thiền học, nhưng ông vẫn quan tâm đến tất cả các tông phái khác và am hiểu rất tường tận về Tịnh độ.
Không tự buộc chặt vào bất cứ một giáo điều nào, Ryokan đã phóng bút viết câu man-tra trên đây để hướng tâm vào vị Phật Vô Lượng Ánh Sáng, tức là Phật A-Di-Đà. Sự phóng khoáng trong tâm thức của Ryokan hiển hiện một cách tuyệt vời trên những nét bút nhẹ nhàng và lưu loát, mở rộng ra tám hướng, tuy nhiên vẫn giữ được sự trang nghiêm và ngay ngắn của khổ chữ và cả từng nét chữ.

Những gì đúng ngày hôm qua,
Có thể là sai ngày hôm nay.
Làm thế nào có thể hiểu được những gì đang đúng ngày
hôm nay,
Lại không phải là sai vào ngày hôm qua?
Vì thế không thể khẳng định cái đúng với cái sai
Kẻ ngu đần cố chấp vào một lời ghi chép duy nhất,
Vì thế lúc nào hắn cũng rơi ra bên ngoài sự hài hoà.
Kẻ hiểu biết thấm sâu vào cội nguồn của vạn vật,
Sống thảnh thơi trong an nhiên và tự tại.
Khi nào không còn cố chấp vào hiểu biết lẫn vô minh,
Thì mới gọi là bước vào con đường Đạo pháp.

Sự sống này của tôi từ đâu đến ?
Nó sẽ đi về đâu ?
Ngay cả trong từng giây phút của hiện tại, cũng chẳng có
gì trường tồn.
Mọi vật đều biến động, mọi sự đều trống không.
Trong cái trống không ấy, cái “tôi” chỉ hiện hữu trong một
khoảnh khắc phù du,
Vậy làm thế nào để biết được một cái gì đó thật sự hiện
hữu hay không hiện hữu?
Tốt hơn chỉ cần đơn giản nghĩ rằng,
Cứ để cho mọi vật đi theo con đường của chúng,
Để giữ lấy sự an nhiên và thanh thản.

Ảo ảnh hay giác ngộ
Chỉ là hai mặt của một đồng tiền
Toàn cầu hay cá biệt cũng chỉ là những thành phần của
tổng thể
Suốt ngày ngồi đọc những quyển kinh không lời
Suốt đêm thiền định cái phi thiền định
Trong khóm liễu bên bờ suối, tiếng côn trùng khóc than
Con chó sủa đưới trăng trong ngôi làng ngủ yên
Không có gì làm dao động được dòng cảm nhận thanh
thoát của tôi
Xúc cảm trong những giây phút này, biết làm sao ghi lại?

Nơi nào có cái đẹp cũng có cái xấu
Nơi nào có cái đúng cũng có cái sai
Hiểu biết và vô minh làm nguồn cội lẫn cho nhau
Ảo ảnh và giác ngộ tạo tác ra nhau
Từ nghìn xưa đã là như thế
Đâu phải hôm nay mới có
Xô bỏ hay bám víu vào đấy
Chẳng phải là ngu xuẩn lắm hay sao!
Nếu muốn đi tìm cái sự thực nội tại
Thì bận tâm làm gì cái bộ mặt vô thường của vạn vật
chung quanh

Ai đó đã từng nói: “Danh xưng chỉ là những người khách
tạm của hiện thực”
Câu ấy lưu lại từ nghìn xưa
Dù cho thiên hạ hiểu rằng danh xưng không phải là
hiện thực
Những họ vẫn không nhận thấy được hiện thực không có
cội nguồn
Danh xưng và hiện thực không phải là những gì hệ trọng
đáng quan tâm
Cứ an vui và thanh thản trong dòng chảy của vô thường.

Phật là một sự tạo dựng của tâm thức
Con đường Đạo pháp cũng chẳng hề hiện hữu
Cứ tin vào lời tôi nói
Đừng hướng theo một chiều gió nào cả!
Đẩy cái xe về phương bắc nhưng lại muốn nó tiến về
phương nam
Thì đến bao giờ cho đến đích?

Tiếc thay ngày nay những người tu Phật
Chi biết bám víu vào ngôn từ để già đi và trở thành lọm
khọm
Những năm tháng lý luận quẩn quanh nào có ích lợi gì
Có phải mục đích của môn phái [1] là nắm bắt trực tiếp mọi
vật thể đúng với sự hiện hữu của chúng?
Trong thế giới vô tạo tác không có ảo giác cũng chẳng hề
có giác ngộ
Qua những thời gian vô tận, phải chờ đến bao giờ mới
hiểu được nguyên thủy của Tánh không
Nếu không hiểu thì cứ hỏi!
Tôi sẽ trả lời rằng: “Gian nhà của Văn Thù Sư Lợi nằm
vào hướng đông của lâu đài giác ngộ” [2]

Ryokan


Những giây phút cuối đời [3]


Chọn đời sống không nhà, lang thang đói khổ, khi về già Ryõkan đau ốm kinh niên nhất là về mùa đông, thiền sư bị những cơn sốt rét và đau lưng hành hạï, về mùa hè nôn mửa, tiêu chảy và bịnh vàng da, tuy có một số bạn là bác sĩ luôn luôn trữ sẵn thuốc cũng không giúp được bao nhiêu cho đời sống cơ hàn trên núi Kugami của thiền sư.

Run run èo uột như vầy
Bao năm đã đủ đến ngày biến tan

Tuy thế thiền sư vẫn khiêm nhường không nhận môn sinh. Năm 1815 khi Ryõkan đã thật sự không tự lo được, một chú tiểu Thần Ðạo đến thăm Ryõkan và van xin để được ở lại giúp đỡ. Chú tiểu tên Henchõ (1801-1876) mang nước nhặt củi và giữ gìn am những khi Ryõkan vắng mặt. Ðến năm 1826, vì quá suy nhược thiền sư phải bỏ núi và sống dưới sự chăm sóc của thương gia Kimura Motouemon (1778-1848). Henchõ đến trụ ngôi đền Thần Ðạo làng Zizõdo và vẫn thường xuyên đến chăm sóc cho thiền sư. Sau này Henchõ (1801-1876), sinh quán làng Shimazaki, trở thành thiền sư trụ trì đền Zizõdõ.
Ryõkan ở căn nhà nhỏ riêng biệt trên đất của tòa nhà gia đình Kimura làng Shimazaki cách núi Kugami bẩy dặm. Mặc dầu gia đình Kimura nhiệt tình lo cho thiền sư nhưng dường như Ryõkan không vui phải sống xa nơi tĩnh lặng, luôn luôn cảm thấy cô đơn trống vắng nhớ rừng thông mùa thu mưa, ngọn núi tuyết mùa đông, chim hót hoa nở mùa xuân, âm thanh suối nước mùa hè .

Chim kia mong mỏi từng ngày
Nhớ về tổ cũ rừng dầy núi cao..


Cả một cuộc đời thăng trầm chống chọi với bao nghiệt ngã của một kiếp người, thiền sư đã xả bỏ tất cả theo con đường đạo mong cầu giải thoát sinh tử. Hiểu đạo buông bỏ thế gian tầm thường sống giản dị tự tại với tâm Bồ Tát. Thế mà đến phút cuối thiền sư cho là tất cả thơ chỉ là ngọn gió thoáng qua

Nếu mà có ai hỏi
Tâm sư nghĩ những gì
Mây trời bay, gió thoảng
Hãy thưa chẳng nghĩ chi

Ðời người như hạt sương ngàn
Chợt khô chợt thoáng vô thường trước sau .


RYOKAN TAIGU (1758 – 1831)


[1] &[3]Trích:  LƯƠNG KHOAN ĐẠI NGU