...Có những pháp thế gian có thể tránh né được, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành hay mức độ khôn ngoan, trí tuệ của chúng ta. Và nếu có thể tránh né được chúng, chúng ta vẫn phải duy trì, giữ gìn các phẩm chất tốt đẹp của mình với tâm chánh niệm quan sát. Đối với những điều không thể tránh được, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận, tại sao những điều này lại xảy đến với tôi? Chúng ta nhận ra được rằng, đó là vì trước kia mình đã từng làm một việc gì đó, để đến bây giờ mình phải xứng đáng nhận cái quả của nó. Sự hiểu biết này làm chúng ta thêm sức chịu đựng, kham nhẫn và một cách chính xác thì chính điều này sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta đã có được sự bình an trong tâm để có thể kham nhẫn, chịu đựng về mặt thể chất và vật chất, nhưng về tinh thần chúng ta sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa....
Tôi muốn nói lên những điều này thật chân thành. Tôi đã cố gắng hết sức để diễn giảng bài kệ này một cách ngắn gọn, song đầy đủ đến mức có thể được, nhưng chính bạn phải đào sâu suy nghĩ về những điều này, và cố gắng mở rộng nó ra thông qua sự hiểu biết của mình. Dĩ nhiên, bạn phải áp dụng nó vào trong cuộc sống của chính mình nữa.
Tôi đã ghi chép lại một số điểm chính rất hữu ích trong quá trình thiền tập dài hạn. Tôi muốn trao tặng cho tất cả các bạn thật nhiều kiến thức. Nếu bạn ghi nhớ và áp dụng những điều này vào trong cuộc sống của mình, tầm mức cuộc sống của bạn sẽ càng thêm tăng tiến.
Con đường phát triển tâm linh là con đường học hỏi cả cuộc đời. Nói về tâm linh là nói về một nội tâm đáng trân trọng, là nói về trí tuệ. Đây là công việc của cả một đời người, không có điểm cuối cùng cho nó. Bạn phải thực hiện công việc này cho đến tận ngưỡng cửa của cái chết. Nếu theo đuổi con đường này lâu dài với đủ nhiệt tâm trí tuệ của bạn sẽ dần hội tụ đủ đầy.
Chúng ta thu lượm từng chút kiến thức chỗ này, chỗ kia từ những kinh nghiệm đa dạng của mình. Những hoàn cảnh khác nhau dạy cho chúng ta những bài học khác nhau và khi chúng ta thu gom từng chút kinh nghiệm như vậy, những bài học đó sẽ dần dần được hội tụ đầy đủ và chúng ta sẽ bắt đầu có được một bức tranh toàn cảnh về nó. Dần dần tất cả mọi thứ sẽ trở nên ngày càng có ý nghĩa và sáng tỏ hơn đối với bạn.
Khi trí tuệ đã trưởng thành, nó sẽ cho thấy rõ ràng đâu là nhân, đâu là quả. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, chúng ta sẽ không thể hiểu được vấn đề. Chúng ta sẽ trở nên rối mù và rồi mọi việc sẽ trở nên thật vô ích và vô nghĩa. Trong thế giới này, nếu chúng ta có thể nhìn được mọi việc với con mắt trí tuệ quảng đại, dần dần chúng ta sẽ bắt đầu thấy được lý do tại sao sự việc xảy ra, và rồi chúng ta sẽ hiểu được tại sao cách làm việc như vầy sẽ đem lại kết quả nhất định như vầy.
Về mặt tâm linh, nếu một người đã thực sự hiểu biết sâu sắc bản chất của danh sắc và nhân quả, thì trong mọi côngviệc thế gian, người đó sẽ luôn giữ được bình tĩnh và khách quan, không thiên vị, thành kiến. Nhờ vậy, người ấy có thể thấy rất rõ ràng nhân duyên khiến cho sự việc xảy ra và cả những kết quả do nó mang lại nữa.
Đôi khi tôi cũng tham gia vào một số vấn đề của thế gian và tôi thấy nó cũng rất thú vị. Tôi biết vấn đề đó là quan trọng và tôi có thể thấy được những nguyên nhân gốc sâu xa của nó, và tôi cũng thấy rõ mình phải bắt đầu từ đâu để giải quyết được vấn đề nữa.
Cũng y hệt như vậy khi tôi nhìn lại cuộc đời mình. Khi tôi xem xét lại thật kỹ mọi việc tốt, xấu mình đã trải qua trong đời, tôi thấy một cách thật rõ ràng lý do tại sao sự việc lại xảy ra như thế và thấy được cả những hậu quả của nó ra sao.
Ngay cả thấy nhân quả cũng có hai cách thấy. Có cách thấy bằng sự thật chế định (samutisacca) là những thực tại thông thường mà chúng ta đã biết; thế giới, con người, đàn ông, đàn bà, của anh, của tôi, nên hay không nên, đó là một phần của hệ thống giá trị được chúng ta chấp nhận. Và có cách thấy bằng sự thật chân đế (paramatthasacca), đó là bản chất nguyên thủy, đích thực của mọi thứ.
Hiểu được nhân quả thực sự trong phạm vi của sự thật chế định là điều quan trọng. Dẫu sao, khi chúng ta giao tiếp, quan hệ với nhau chúng ta cũng đều phải ở trong thực tại chế định này. Nếu chúng ta thực sự hiểu được nhân quả, chúng ta sẽ quan hệ, giao tiếp một cách hiệu quả hơn. Nếu chúng ta không thấy được nhân quả, sẽ có vô số vấn đề xảy ra, không bao giờ chấm dứt. Đó là lý do tại sao khi bạn hiểu được Pháp, cuộc sống của bạn sẽ trở nên rõ ràng, sáng suốt và không có lý do gì mà phải náo loạn, rối tinh cả lên nữa. Bất kể rắc rối, khó khăn nào, nếu bạn không bị giật dây bởi sự yêu ghét cá nhân và những chấp thủ, dính mắc quanh cái "tôi", mà thay vào đó bạn đứng về bên Pháp, Pháp sẽ vận hành để đem lại một giải pháp tốt đẹp nhất có thể được cho bạn; Pháp sẽ giữ gìn cho cuộc sống của bạn luôn luôn rõ ràng và sáng suốt.
Khi tâm bạn rõ ràng và sáng suốt, cuộc đời của bạn cũng rõ ràng và sáng suốt. Trí tuệ và sự hiểu biết cũng rõ ràng và sáng suốt. Khi tâm bạn không sáng suốt, cuộc đời không thể sáng suốt, rõ ràng và cũng không thể có trí tuệ và hiểu biết sáng suốt, rõ ràng.
Dần dần chúng ta sẽ đạt tới hiểu biết sâu sắc về tất cả mục đích cuộc sống của mình.
Khi trí tuệ đã bắt đầu hội tụ đầy đủ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được mục đích của cuộc đời, mục đích của kiếp nhân sinh này. Những người có được cái nhìn tâm linh sẽ không còn nghĩ về mọi sự như là chỉ có trong một kiếp sống này mà thôi. Họ nhìn thấy được cả toàn bộ kiếp sống với tầm nhìn của con chim từ trên cao nhìn xuống. Nhờ vậy họ sẽ chuẩn bị trước cho mình về những điều sẽ phải đối diện; và tránh né những gì có thể ngăn chặn, tránh né từ trước. Khi sự hiểu biết về toàn bộ kiếp sinh tồn này của chúng ta ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ, chúng ta càng có thể sống cuộc đời mình một cách sáng suốt và rõ ràng hơn.
Nếu có hiểu biết về toàn bộ kiếp nhân sinh này, chúng ta sẽ không còn chấp giữ cái nhìn thiển cận, hẹp hòi về những điều tốt xấu trên đời nữa. Có những điều chúng ta sẽ không thể chấp nhận được hay sẽ không thể hiểu được, nếu chúng ta cứ khư khư giữ chặt cái nhìn hạn hẹp và thiển cận. Với quan kiến như vậy, các cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ và kích động. Chúng ta sẽ than vãn, khóc than về những điều không may đã xảy đến với mình, tại sao tôi phải nhận những điều bất hạnh, đau đớn đó. Đối với những người có trí tuệ và hiểu biết, họ sẽ biết những nhân duyên nào đã hay có thể đưa đến những hoàn cảnh như thế và do đó họ sẽ chấp nhận được nó. Nếu trong những trường hợp phải đối diện, đương đầu, họ sẽ đối diện với một nội tâm bình an và thanh thản.
Có những pháp thế gian (lokadhamma - 8 ngọn gió đời, là những thăng trầm, thịnh suy trong đời) mà chúng ta không thể tránh được. Chúng ta chỉ có thể đối diện với nó bằng trí tuệ, bằng hiểu biết và chánh niệm. Có những pháp thế gian có thể tránh né được, tùy thuộc vào mức độ trưởng thành hay mức độ khôn ngoan, trí tuệ của chúng ta. Và nếu có thể tránh né được chúng, chúng ta vẫn phải duy trì, giữ gìn các phẩm chất tốt đẹp của mình với tâm chánh niệm quan sát. Đối với những điều không thể tránh được, chúng ta sẽ không còn tự than thân trách phận, tại sao những điều này lại xảy đến với tôi? Chúng ta nhận ra được rằng, đó là vì trước kia mình đã từng làm một việc gì đó, để đến bây giờ mình phải xứng đáng nhận cái quả của nó. Sự hiểu biết này làm chúng ta thêm sức chịu đựng, kham nhẫn và một cách chính xác thì chính điều này sẽ làm chúng ta trưởng thành hơn. Chúng ta đã có được sự bình an trong tâm để có thể kham nhẫn, chịu đựng về mặt thể chất và vật chất, nhưng về tinh thần chúng ta sẽ không phải chịu nhiều đau khổ nữa.
Hầu hết mọi người đều đi qua cuộc đời này một cách mơ hồ và mờ nhạt. Nhiều người cả đời chỉ vụng về lần mò quanh quẩn. Một số lại lưỡng lự, phân vân phỏng đoán xem mình phải làm gì. Đôi khi chúng ta rất muốn làm một việc gì đó và bắt tay vào làm, một thời gian sau chúng ta lại thấy mình chẳng còn thích thú công việc đó nữa. Đôi khi chúng ta cố gắng phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn, thế nhưng khi đạt được rồi, chúng ta lại chẳng hề muốn nó nữa. Những điều đại loại như thế thường xảy ra rất nhiều ngay trong cuộc sống của chúng ta, nếu nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy được điều đó.
Trong đời tôi, tôi đã từng mong muốn làm, mong muốn sở hữu rất nhiều thứ, đến mức tôi đã đầu tư biết bao nhiêu thời gian, có khi mất nhiều năm trời, bỏ vào đó thật nhiều công sức, tự gánh vào thân rất nhiều cơ cực, đau khổ và vật lộn để có được chúng. Nhưng khi đã thực sự có được trong tay những thứ mà tôi vẫn hằng mong ước, thì tôi lại thấy rằng đó không phải là thứ mình thực sự muốn. Nhưng khi nhận ra được điều đó thì tôi đã tiêu phí quá nhiều thời gian và sức lực cho nó mất rồi.
Thực tế, có rất nhiều người đi qua cuộc đời mà không thực sự biết một cách chắc chắn và chính xác là mình muốn gì, họ chỉ đi qua cuộc đời một cách thật mơ hồ, vật vờ vô vị, một cách thật lơ đễnh và hú họa.
Nhưng người hành thiền thì không bao giờ như thế. Khi bạn muốn làm một điều gì đó, trước hết bạn phải nhìn lại cái tâm mình đã. Tại sao tôi muốn làm điều này? Có phải vì lợi lạc vật chất hay vì tôi muốn có quyền lực, địa vị hay để người khác phải coi trọng, đánh giá cao về mình? Tôi có muốn huênh hoang, sĩ diện không? Tôi có thể làm việc này trong một thời gian dài được không? Bạn hãy tự hỏi mình các câu hỏi đó và nếu bạn bắt được tâm mình, nó sẽ biết câu trả lời. Như vậy, cuối cùng bạn sẽ làm được những điều nên làm và không làm những điều không nên. Bạn sẽ làm những việc thực tế, khả thi và sẽ không cố làm những chuyện không thể nào xảy ra. Nếu bạn không biết được cái tâm của mình, thì lòng tham muốn đạt được cái này cái kia sẽ làm mờ mắt bạn và bạn sẽ cố gắng một cách vô ích vì những điều viển vông, không thực tế, những điều không thể với tới được. Và khi không làm được thì nỗi thất vọng sẽ đến. Bạn sẽ thất vọng, chán chường và trầm uất. Đến lúc đó thì, hỡi ôi, bạn đã dốc cạn cả thời gian, tiền bạc và sức lực vào đó mất rồi.
Người biết hành thiền và biết theo dõi tâm của mình sẽ có thể đánh giá được tình hình, thời gian, nơi chốn và mọi dấu hiệu liên quan. Anh ta sẽ nhận ra được điều đó là khả thi hay không. Khi anh ta nỗ lực làm những việc khả thi đó một cách chăm chỉ, thì hầu như lúc nào nó cũng thành công tốt đẹp. Bởi vì hầu hết mọi công việc đều trôi chảy tốt đẹp, nên thời gian không hề bị lãng phí vô ích. Anh ta cũng không lãng phí sức lực mình một cách vô ích và cuộc sống sẽ mãn nguyện hơn nhiều. Nhờ vậy anh ta sẽ tiếp tục vươn tới những tầm cao mới và sẽ phấn đấu để đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Một người hiểu được tâm của mình, hiểu được phần tâm linh của mình sẽ làm những gì là thích hợp, dù đó là những việc tầm thường của thế gian hay bất cứ công việc gì, anh ta sẽ không làm những việc không thích hợp với mình. Anh ta sẽ làm những việc thực tế, khả thi chứ không theo đuổi những công việc hão huyền, phi thực tế. Có nhiều việc không thể làm ngay tức khắc được. Nếu việc đó phải để làm sau, anh ta có thể chờ và chờ đợi trong sự bình yên, thanh thản. Những người hành thiền là những người kiên nhẫn, biết bảo tồn, gìn giữ và không dễ dàng từ bỏ. Đó là lý do tại sao họ chỉ làm những việc có ý nghĩa và với một cái nhìn dài hạn. Hầu hết những công việc đó đều trôi chảy và rồi thành công sẽ đến ngày một nhiều hơn.
Con người làm chủ những tiềm năng vĩ đại. Song tất cả những tiềm năng này lại thường bị chúng ta phung phí lung tung, vô mục đích; chúng ta hình như luôn luôn muốn hết cái này đến cái khác… chúng ta muốn làm quá nhiều thứ. Chúng ta làm một việc, nó thất bại, chúng ta lại làm một việc nữa và lại thất bại, dường như chúng ta không thể nào tiến lên được nữa. Mọi thứ đều không chắc chắn và có quá nhiều sự thay đổi. Hãy tập trung vào một thứ, định rõ một hướng đi và gắn chặt vào nó - bạn sẽ thấy cả một thế giới khác sẽ đến cùng với nó.
Thực chứng sức mạnh tâm linh là một kinh nghiệm tràn đầy niềm vui và phúc lạc.
Khi chúng ta đã có một cái nhìn rõ ràng, sáng suốt về cuộc đời mình và làm những việc nên làm với sự tận tâm, chu đáo hết mình, chúng ta sẽ thấy những điều tốt đẹp bắt đầu đến với mình, việc này tiếp nối việc kia. Tiến trình này đem đến cho chúng ta thật nhiều sức mạnh và chính sự hiểu biết này tự thân nó đã là một loại sức mạnh. Chúng ta có thể tự tin làm một công việc nào đó, hoàn toàn ý thức được về nhân và quả. Không còn một chút mơ hồ, lẫn lộn. Chính sự tự tin đó, bản thân nó sẽ đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một năng lực to lớn và một kỹ năng thiện xảo.
Có rất nhiều loại sức mạnh. Cũng như sức mạnh chính trị hay sức mạnh quân sự, tâm linh cũng có sức mạnh. Hai loại sức mạnh đầu là những nguồn sức mạnh ở bên ngoài, chúng không thể tồn tại mãi mãi. Sức mạnh tinh thần, từ bên trong trái tim ta, cực kỳ dũng mãnh và kiên định. Nó có tác dụng thu thúc và tự chế, khiến cho con người chúng ta trở nên đứng đắn, chững chạc và kiên định. Người có được sức mạnh này sẽ không bao giờ cảm thấy mình yếu kém. Anh ta luôn cảm thấy mạnh mẽ. Không bao giờ có cảm giác thua thiệt, thấp kém, nó mang lại một sự bình an thật lớn lao cho tâm hồn.
Sức mạnh tâm linh về bản chất là cao thượng với những khát vọng và mục đích cao thượng, và do đó nó không thể bị lạm dụng. Sức mạnh đó chỉ có thể mang lại những điều tốt đẹp và phúc lạc cho đời.
Nếu bạn muốn phân loại các loại sức mạnh, chúng ta có thể phân nó ra thành sức mạnh phá hoại và sức mạnh xây dựng hay là sức mạnh có ích. Chúng ta cũng có thể gọi nó là sức mạnh nuôi dưỡng- đó là loại sức mạnh tạo ra những điều tốt lành, có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng.
Sức mạnh tâm linh cũng là một loại sức mạnh nuôi dưỡng. Những người có được sức mạnh này muốn làm những việc lợi ích, tốt lành cho những chúng sanh khác, và họ cũng có đủ sức mạnh và trí tuệ để làm được điều đó. Họ tích cực làm những công việc này - họ không thể chống lại việc đó. Sức mạnh tâm linh này luôn khát khao được hoàn thành đầy đủ, được hoàn toàn viên mãn: "Tôi phải làm điều đó, tôi phải làm với tất cả khả năng của mình".
Đó là lý do tại sao những con người từ bi, trí tuệ và nhất là những con người có được cái nhìn về tâm linh, chỉ mong muốn được làm việc vì lợi ích của người khác và họ cũng luôn luôn làm điều đó một cách thực lòng.
Con người chỉ có thể thực sự đạt được sự hoàn mãn trong cuộc đời khi họ biết hành động vì lợi ích của người khác.
Con người không thể sống một mình - chúng ta luôn luôn gắn liền với nhau. Nếu chúng ta sống đơn độc một mình, chúng ta cũng không thể hiểu biết được nhiều điều như thế này. Nếu sống một mình, chúng ta cũng không có cơ hội để phát triển tâm từ (mettā), tâm bi (karuna)… Lòng kiên nhẫn, sự tha thứ khoan dung, chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người, luôn cầu mong những điều tốt đẹp đến cho người …cùng những hiểu biết và phẩm chất cao thượng khác sẽ không có cơ hội nảy nở trong ta. Những hiểu biết và phẩm chất cao thượng của tâm ta sẽ không thể đơm hoa kết trái. Những điều này đến từ chính cuộc sống của chúng ta trong xã hội và từ những mối quan hệ, giao tiếp giữa ta với mọi người. Nếu chúng ta sống một mình thì tất cả mọi tiềm năng chúng ta có sẽ không bao giờ có cơ hội hiển bày.
Khi nghĩ đến những điều này tôi mới nhận ra rằng, tôi đã có được cơ hội để làm những việc cần làm và biết được những việc nào cần phải làm, chính là nhờ ở rất nhiều người. Tôi phải cám ơn cả thế giới này. Muông thú, cỏ cây, trái đất, núi rừng, tự nhiên không trừ một ngoại lệ nào, tất cả đều đóng góp phần công lao trong đó. Không chỉ những người ở đây hôm nay mà cả những người từ lâu trước kia, tất cả mọi việc họ làm trước nay đều cùng nhau tác động đến tôi. Nhờ có họ nên tôi mới có được kết quả này - tôi cảm thấy biết ơn họ thật nhiều. Khi cảm nhận một chút lòng biết ơn lớn lao mà tôi đã mang nợ với tất cả, tôi bắt đầu cảm thấy mình muốn đáp trả lại một điều gì đó, dù điều đó thật là nhỏ nhoi, khiêm tốn. Tôi muốn làm vì lợi ích của mọi người.
Có những niềm vui đến cùng với kỹ năng thiện xảo và sự thuần thục.Biết cách làm một việc gì đó một cách tốt nhất và có thể thực hiện được công việc đó, điều đó mang lại một niềm vui sướng, hân hoan vô cùng.
Đó là một loại kỹ năng để có thể làm việc với sự hiểu biết cặn kẽ về hiệu quả của công việc mình làm và những nhân duyên nhất định cần phải hội đủ để làm được công việc đó.
Biết cách sống và biết việc cần làm, điều đó làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp và khả năng áp dụng sự hiểu biết đó một cách thiện xảo, khéo léo là một niềm vui, nó mang lại sự sáng suốt và hạnh phúc, an lành cho bạn.
Không có sự mãn nguyện nào lớn hơn là luôn thực sự hay biết việc mình đang làm.
Điều thực sự đáng hài lòng, đáng tưởng thưởng là việc chúng ta có thể làm những điều phù hợp với tính cách của mình với sự tự tin, không hề lưỡng lự, băn khoăn, ngần ngại có nên làm hay không. Điều đó thực sự là mãn nguyện và tôi nghĩ không thể có điều gì mãn nguyện hơn là biết cách làm việc và làm một cách thuần thục, tốt đẹp.
Chúng ta chỉ thực sự cảm thấy có sức sống khi chúng biết được một cách dứt khoát điều mình muốn làm và làm điều đó hết mình. Trên thế giới này, không có gì vô nghĩa, ngớ ngẩn và chán chường hơn việc phải tự hỏi mình câu hỏi: "Tôi nên làm gì bây giờ? Việc gì là việc tốt nhất cần phải làm đây?" - và không tìm ra được câu trả lời. Thực sự là chán chường khi phải sống một cách đầy lưỡng lự, băn khoăn như thế.
Những người đã phát triển cao nhất về tâm linh là những bậc thầy trong cuộc sống.
Chúng ta đã trở thành những bậc thầy trong cuộc sống chưa? Chúng ta đã biết cách sống cuộc sống của mình như thế nào chưa?
Trên thế giới này có vô số chuyên gia máy tính, vô số nhà khoa học bậc thầy, các nhà thiên văn học bậc thầy, những doanh nhân bậc thầy. Nhưng họ có trở thành những bậc thầy trong cuộc sống, biết cách sống cuộc đời mình một cách thiện xảo, khéo léo cho đến tận hơi thở cuối cùng hay không? Hãy nghĩ đến điều này…nó còn quan trọng hơn tất cả những thứ khác nhiều. Bạn không thể trở thành một con người như thế chỉ trong vòng một ngày hai ngày hay ngay cả trong vòng một tháng hai tháng được. Chúng ta phải tiếp tục thực hành với một sự cam kết, với một ý chí và quyết tâm phi thường, với một sự kiên trì bền bỉ, với tấm lòng chân thành và đức tin chân chánh.
Hãy cố gắng hết mình với tất cả trái tim và nếu bạn tiếp tục tiến bước, sau một thời gian dài trí tuệ bạn sẽ dần dần được hội tụ đủ đầy và bạn sẽ đạt đến được phần cốt lõi tinh yếu của trí tuệ tâm linh. Bạn sẽ trở thành một bậc thầy trong cuộc sống. Tôi luôn cầu chúc cho tất cả các bạn hãy phấn đấu để trở thành những bậc thầy trong cuộc sống như thế!
Trích: Ngôi nhà chánh niệm