ĐỐI THOẠI VỚI MỘT NGƯỜI GIÁC NGỘ

Một người giác ngộ không hẳn là một người có tướng mạo phi thường, có tài cao học rộng và danh tiếng lẫy lừng, mà có thể chỉ là một người rất bình thường, không có gì nổi bật để người khác phải chú ý đến. Nhưng cũng như trăng sao, như ánh đèn tự tỏa ánh sáng, người giác ngộ cũng tự tỏa trí tuệ mà không cần phải chứng tỏ gì cả. Quả thật là viên ngọc giác ngộ vốn đã có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt sang hèn, hay dở, mà chỉ vì chúng ta lang thang phiêu bạt đã quá lâu nay nên quên mất đường về căn nhà đích thực của mình với kho báu có sẵn mà thôi.

Năm 1957, khi được gần 46 tuổi, Luangpor Teean, một vị sư người Thái, đã bỏ đi xa với tâm nguyện nhất quyết không trở về cho tới khi nào tìm được chân lý. Sư đến vùng Nongkai, chuyên tâm thực tập minh sát thiền, chỉ quán sát những hoạt động đang xẩy ra trong thân và tâm. Chỉ sau hai ngày, sư đã được chứng ngộ, dứt đoạn được mọi phiền não trong tâm mà không cần phải tu theo những nghi thức thông thường.
Nếu nhìn bề ngoài, Luangpor Teean chỉ là một vị sư lớn tuổi, trông rất bình thường, có vẻ ít nói, điềm đạm. Nhưng nếu để ý kỹ, sẽ thấy ngoài vẻ bình thản trên nét mặt, sư còn luôn luôn tỏ ra linh động, tỉnh giác trong mọi lúc. Mặc dù xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, không có cơ hội học lên cao, nhưng khi nói chuyện và trả lời những câu hỏi, trí tuệ của sư đã khiến mọi người đều phải tâm phục. Bác sĩ Vatana Suprmajakr, một đệ tử và cũng là người đã chữa trị cho sư cho đến lúc cuối cùng của cuộc đời, đã ghi lại những lời nói của sư như sau:

1. Thế nào là tôn giáo?


Luangpor Teean: “tôn giáo là người”. Ðó có nghĩa “Tôn giáo” chỉ là chữ dùng để đặt tên cho giáo lý của một người được coi là thấu hiểu chân lý hay bản chất của đời sống nhân gian. Giáo lý thì có nhiều loại lắm. Nói “tôn giáo” là có thể khởi lên những ngờ vực, những tranh cãi và bất đồng , vì thế tôi không muốn nói đến điều đó. Nhưng nếu bạn muốn biết về chân lý, về bản chất thực sự của đời sống (Pháp), tôi sẽ nói cho bạn nghe; và khi bạn hiểu rồi, thì những nghi vấn của bạn về “tôn giáo” sẽ biến đi thôi.

2. Tại sao thầy đi tìm Pháp?


Luangpor Teean: trong đời tôi đã bỏ ra nhiều năm tu tập, theo đúng giới luật nghiêm minh, làm những hạnh nguyện bố thí, trì giới... tìm cách tạo nhân lành bất cứ khi nào có cơ hội v.v... Nhưng rồi tôi vẫn không làm chủ được cảm xúc của mình. Có một lần, trong khi tổ chức lễ cúng dường trai tăng, tôi đã có một cuộc tranh cãi với những người thân trong gia đình về vấn đề làm việc công đức. Nhân đó, tôi đã suy nghĩ như sau:
“Tại sao ta đã đi tu giữ giới đầy đủ, làm mọi công đức, bố thí cúng dường đến tối đa mà trong tâm vẫn còn đầy phiền não? Như thế thì, kể từ giờ phút này, ta phải quyết chí tìm cho bằng được Pháp để giải thoát mình ra khỏi phiền não.”

3. Pháp không phải là quần áo.

Luangpor Teean: "Trước đây, tôi tin tưởng sai lầm rằng Ðạo (Pháp) là cái gì ở ngoài mình, giống như quần áo người ta thích mua sắm và rồi mặc cho đến sờn rách. Nhưng thực sự ra thì Ðạo (Pháp) vốn đã luôn hiện diện ở trong chúng ta, ngay bây giờ và ở đây rồi."

4. Học Pháp.

Luangpor Teean: “ Học Pháp nhiều chỉ cốt tạo nên những tranh luận vô bổ mà thôi. Vấn đề là làm sao ứng dụng nó thật đầy đủ trong đời sống, như vậy mới được lợi lạc.”

5. Câu chuyện về Tôn giả A Nan.


Vì sao Tôn giả A Nan, mặc dù đã nghe và biết những lời dậy của Ðức Phật (có nghĩa là Pháp) đầy đủ hơn bất cứ một người nào khác, lại không ngộ được Pháp ấy hoàn toàn?
Luangpor Teean: “Tôn giả A Nan biết nhiều về Ðức Phật, quả thật như thế, nhưng ngài lại không biết chính mình. Sau khi Ðức Phật đã nhập Niết Bàn, A Nan mới thực sự tìm hiểu chính mình, và như vậy mới giác ngộ được viên mãn.”

6. Giáo ngoại biệt truyền.


- Thông thường người ta hay nương vào kinh điển rất nhiều như phương tiện chính để học đạo Phật, tại sao lúc thầy giảng dạy rất ít khi nói đến kinh?
Luangpor: “Những lời giảng dạy của Ðức Phật đã được ghi chép lại trong Tam Tạng Kinh vài trăm năm sau khi Ngài diệt độ, và rồi bản kinh này lại được sao chép lại nhiều lần suốt cả ngàn năm sau đó. Có thể là những lời dạy của Phật được ghi chép lại rất cẩn thận, nhưng cũng không chắc gì là người đọc bây giờ có thể hiểu được ý nghĩa mà những người chép kinh đó muốn nói lên. Ðối với tôi đem kinh ra nói suốt ngày cũng tựa như bảo đảm cho sự xác thực của một người khác, trơng khi chính mình thì không chắc lắm. Nhưng những gì nói ra từ kinh nghiệm của mình thì tôi có thể chắc chắn được.
Kinh điển cũng như bản đồ: nó chỉ thích hợp khi không biết con đường đi, hay chưa đến được địa điểm muốn đến. Nhưng khi đã đến nơi rồi, bản đồ đâu còn ý nghĩa nữa.
Một điểm nữa về kinh điển Tam Tạng là nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ địa phương của một vùng nào đó ở Ấn Ðộ, và như thế chỉ thích hợp cho những người thuộc địa phương đó hay đã học được thứ ngôn ngữ đó. Nhưng Pháp do Phật dạy không phải là cái gì có thể chiếm độc quyền được: nó vượt lên mọi ngôn ngữ, giống loại, và thời đại. Nếu chúng ta thực sự biết Pháp, chúng ta sẽ diễn giải lại Pháp trong chính ngôn ngữ của chúng ta, bằng những lời lẽ của riêng chúng ta.
Học kinh điển Tam Tạng là tốt, nhưng đừng chấp trước vào đó để rồi bị lạc mất trong chữ nghĩa của kinh điển. Ví dụ như, quả xoài được gọi bằng nhiều chữ khác nhau qua nhiều ngôn ngữ khác nhau; đừng rơi vào những tranh luận chữ nghĩa và diễn giải, hay cố chấp là chỉ chữõ nào đó mới đúng để gọi trái cây này, trong khi chính quả xoài lại bị bỏ quên không ăn đến để cho hư thối đi. Người ăn xoài sẽ biết hương vị thực sự của xoài, dù nó có được gọi bằng tên gì đi nữa, hay dù nó không có được gọi tên cũng vậy.”

7. Bị tư tưởng làm mê hoặc


Luangpor Teean nói rằng: trong tâm trí con người chúng ta tư tưởng lúc nào cũng khởi lên không ngừng, tựa như luồng nước trong giòng sông lúc nào cũng chẩy mãi không ngừng. Bị tư tưởng làm cho đắm chìm và mê hoặc cũng giống như múc nước ra rồi trữ lại ở đó. Nhưng chúng ta có tri giác, có khả năng quán sát thấy tư tưởng của mình thực sự là gì, cũng giống như nước có khả năng chẩy tự do và trôi đi qua tất cả. Bị đắm chìm và mê hoặc trong tư tưởng sẽ đưa đến phiền não.

8. Phiền não.


Trong khi bàn về nguyên nhân của phiền não, một người xin Luangpor Teean giải thích phiền não là gì. Luangpor để một vật trong tay rồi nắm chặt lấy nó. Sau đó sư xoay nắm tay đó lại rồi mở ra, cho vật đó rơi xuống đất : “Ðấy là phiền não!”
Người hỏi hiểu ngay rằng, phiền não là điều chúng ta cảm nhận rồi nắm bắt lấy, ôm giữ nó thật chặt trong tay, nhưng cũng có thể buông ra được. Luangpor nói rằng, người nào có thể hiểu được điều này nhanh chóng là người có trí tuệ.

9. Khi đến lúc “sợi dây căng đứt đoạn” thì thế nào?


Khi kể lại kinh nghiệm khai ngộ của mình, Luangpor Teean đã ví nó như một sợi dây căng giữa hai cây cột bỗng nhiên đứt đoạn và không thể nào nối lại được nữa.
Khi được yêu cầu giải thích điều đó như thế nào, sư nói: “Chữ nghĩa chỉ là những âm thanh dùng đến để diễn tả một số điều, nhưng chữ nghĩa không thể nào diễn tả cái “trạng thái” khai ngộ được. Nếu chúng ta để một ít sơn trắng cách chừng một centimetre bên cạnh ít sơn đen, rồi hòa chúng lại với nhau cho đến khi chúng hoàn toàn trộn lẫn với nhau, ta sẽ gọi mầu đó là “xám”, phải không? Nhưng nếu sơn trắng được để cách sơn đen mười mét, và cả hai từ từ được hòa vào với nhau cho đến khi hoàn toàn trộn lẫn thành một, ta sẽ thấy rằng không có ngôn từ nào có thể diễn tả cho người khác biết được mầu sắc của bất cứ thời điểm nào trong quá trình hòa tan đó , mà chỉ chính người ấy phải kinh nghiệm mới biết được.
Bạn có bao giờ thấy đám mây đen trên trời chưa? Chúng xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta ở trên máy bay đi vào giữa đám mây đó, chúng ta sẽ không thấy chúng giống như trước khi chúng ta vào trong đó.
Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được trạng thái tâm linh này: điều đó vượt ngoài ngôn ngữ luận bàn. Cố suy nghĩ, đoán biết hay tưởng tượng nó như thế nào chỉ vô ích mà thôi, mà chính bạn phải tự mình kinh nghiệm, phải tự thấy, tự biết mới được.

10. Những vấn đề nhỏ nhặt.

Có một lần, Luangpor Teean nói rằng rất nhiều người đến gặp sư chỉ toàn hỏi về những vấn đề nhỏ nhặt, như là nếu họ làm những điều nọ, điều kia thì được bao nhiêu công đức, hay có thật là họ sẽ được tái sinh sau khi chết không v.v... Ít khi nào có người hỏi đạo Phật thực sự dạy cái gì, và làm sao để áp dụng Phật pháp trong đời sống, hay hỏi cần phải làm những gì để giảm bớt được phiền não. Sư chỉ trả lời những gì được hỏi thôi, và cảm thấy chưa có nhân duyên thích hợp để nêu lên với những người này những điều quan yếu của đạo Phật.

11. Thực tại và định chế.

Luangpor Teean: con người có một đời sống lâu hơn, có tư tưởng và ký ức nhiều hơn con vật rất nhiều. Khi con người tập hợp lại với nhau trong những cộng đồng lớn, cần phải thiết lập nên những luật lệ và định chế cho sự hòa hợp của xã hội. Sau một thời gian dài, những thế hệ hậu bối xem những định chế được tạo bởi con người như những thực thể độc lập, và khi có người chỉ ra rằng những định chế này vốn là không có thực, phần lớn sẽ từ chối không nhận ra điều đó.
Ví dụ như, cái gọi là “tiền” thực ra chỉ là giấy. Khi người ta dùng nó, nó được gán cho một giá trị nào đó, nhưng nếu người ta không nhận nó, thì nó chỉ là tờ giấy không hơn không kém. Trong xã hội hiện nay chúng ta dùng tiền làm phương tiện trao đổi. Người nào không có tiền sẽ khó sống được. Với tiền bạc chúng ta có thể mua được những tiện nghi, nhưng không có tiền bạc nào có thể mua được sự chấm dứt đau khổ.

12. Pháp môn tu


Vì sao Ðức Phật là người thầy duy nhất của tất cả các Phật tử, mà có nhiều pháp môn tu khác nhau?
Luangpor Teean: “Ðiều này thật bình thường. Ngay cả trong thời Phật tại thế nghe nói cũng có đến 108 nhóm tu khác nhau, mỗi nhóm đều cho là mình đúng và 107 nhóm kia là sai cả. Chúng ta phải dùng trí phân biệt suy xét cẩn thận thế nào là pháp môn tu thích hợp nhất cho mình, đừng có quá dễ tin, hay quá ngờ vực và chấp trước. Bất cứ pháp môn nào có thể giải trừ phiền não được cũng đều là pháp môn đúng. Còn nếu nói về Pháp, tất cả những người nào hiểu được Pháp đều sẽ có những cảm nhận như nhau.”
Khi có người hỏi những pháp môn tu khác với pháp môn sư dạy có tốt hay không, Luangpor trả lời: “Tốt với họ, nhưng không tốt với tôi.”

13. Niết Bàn

Một cư sĩ, sau khi làm một việc công đức, đã ước được vào Niết Bàn trong tương lai nhờ công đức này. Luangpor hỏi ông:
“Ông tính khi nào thì đến Niết Bàn?”
“Sau khi tôi chết.”
“Ông thật sự muốn vào Niết Bàn hả?
“Có chứ, tôi thật rất muốn được vào đó.”
Luangpor: “Nếu thực như thế, thì ông nên chết càng sớm càng tốt để được vào Niết Bàn.”
Cư sĩ hoang mang: “Nhưng, tôi chưa muốn chết bây giờ.”
“Nhưng nếu ước ao được vào Niết Bàn, tại sao không muốn chết cho sớm? Ðiều đó chứng tỏ ông chưa hiểu Niết Bàn là gì. Ðúc Phật không bao giờ dạy người ta vào Niết Bàn khi chết rồi, nhưng ngài dạy người đến Niết Bàn khi còn đang sống.”

14. Vessantara.


Vessantara là một cái gương của lòng quảng đại, của sự bố thí đến tối cao, nhưng những gì ông làm dường như lại có vẻ quá vô trách nhiệm đối với vợ con của mình. Có thật sự bố thí cả vợ con của mình sẽ làm cho ông được thành Phật kiếp sau không?
Luanpor Teean: “Câu chuyện của Vessantara được truyền tụng lại từ bao nhiêu thế hệ nay. Nếu ông nghĩ đó là thật, thì ông cứ theo gương đó mà làm, đem vợ con ông cho những người nông dân, người lao động để họ có thêm người đỡ đần, như vậy cho ông có đủ công đức thành Phật. Nhưng để tôi nói cho ông nghe một so sánh như sau: nếu những gì ông đang có bây giờ cũng gắn bó như vợ con ông vậy, là tham, sân, si, thì ông nên bỏ chúng đi, nên buông chúng đi hoàn toàn: ông có hiểu được điều ấy không?”

15. Công đức

- Làm điều công đức có đem lại công đức không?
Luangpor: “Ông hiểu công đức là gì?”
- Là phước báo nhận được sau khi chết.
- Ông có bao giờ nghe các vị sư tụng kinh nói đến công đức cúng dường chư tăng sẽ làm cho ta được lên cõi trời trong đó có đến 500, 1000 thiên nhân theo hầu không? Nếu nghĩ đến con số các chùa ở Thái Lan này và có lễ cúng dường chư tăng cho mỗi chùa hàng năm, thì không biết đào đâu ra thiên nhân để theo hầu các người được hưởng công đức trên cõi trời? Chúng ta tưởng rằng các vị sư cũng giống như là người giữ sổ sách để tính toán tiền lời trả cho chúng ta sau khi chết chăng?
- Nhưng nếu nói vậy, thầy nghĩ gì về việc bố thí cúng dường để tạo công đức như người ta thường làm hiện nay?
- Bố thí cúng dường vật chất để tạo công đức là điều tốt, nhưng nó cũng giống như lúa giống, chỉ được dùng để gieo trồng thôi. Nếu chúng ta muốn hưởng lợi ích của cơm gạo, ta phải ăn cơm hay gạo nấu, không phải là gạo sống hay lúa giống. Chấp trước vào sự bố thí vật chất để được công đức một cách mê tín là một hình thức vô minh. Công đức tối thượng nhất, toàn hảo nhất là hiểu biết chính mình, là không còn phiền não.

16. Những gì liên quan đến Ðức Phật.

Có một lần chúng tôi thảo luận về bản chất của xá lợi Phật, không biết đó là xương cốt hóa thành ngọc pha lê hay chỉ là xương cốt bị thiêu đốt. Khi được hỏi ý kiến, Luangpor Teean nhận xét rằng:
“Những gì liên quan đến Ðức Phật không phải là những gì liên quan đến chúng ta. Những gì liên quan đến chúng ta không phải là những liên quan của Ðức Phật. Nhưng Phật dạy chúng ta rằng, chúng ta phải biết rõ ràng đầy đủ những gì liên quan đến chính mình. Khi chúng ta thực sự biết mình, Phật có hiện hữu hay không chẳng phải là quan trọng.”

17. Người giác ngộ.

Trên phương diện thân tướng, chẳng có gì khác biệt giữa người giác ngộ và kẻ phàm phu. Nhưng về phương diện tâm linh, tư chất và phẩm chất của những kinh nghiệm, người giác ngộ vượt cao hơn hẳn một phàm phu bình thường.

18. Ði theo người khác.


Có lần chúng tôi hỏi Luangpor Teean tại sao có những người hiện nay, mặc dù học cao và có nhiều kiến thức, vẫn không thể giải quyết được vấn đề phiền não của chính mình.
Sư trả lời: “Hầu hết người ta thường đi theo người khác, họ không biết lối đi cho riêng tâm họ, vì vậy mọi sự mới như vậy.”

19. Chấp trước vào cách tu thiền.

Luangpor Teean có lần cảnh cáo rằng: “ Chấp trước vào một phương pháp hay một lối tu thiền, dù phương pháp hay lối tu ấy có hay đến thế nào đi nữa, cũng giống như là dùng thuyền để qua sông , nhưng khi đã qua đến bờ bên kia rồi, vẫn nhất định không chịu rời thuyền, vì vẫn tiếp tục gắn bó say mê với chiếc thuyền đó.”

20. Làm điều thiện, làm điều ác.

Có một số người nghi ngờ câu nói: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.” Sư nói:
“Xã hội định ra cho con người thế nào là điều tốt và điều xấu. Những gì được cho là tốt ở nơi này có thể bị cho là xấu ở nơi khác. Vì thế chúng ta nên có sự hiểu biết chính xác hơn. Chỉ cần biết: “Làm điều tốt là tốt, làm điều xấu là xấu.”

21. Quá khứ, hiện tại, tương lai.

Luangpor Teean luôn luôn nói rằng quá khứ đã qua, không thể sửa đổi hay làm lại được nữa, còn tương lai thì chưa đến, bất cứ những gì chúng phải làm là ở ngay trong hiện tại. Nếu chúng ta làm tốt bây giờ, ngày hôm nay sẽ là một quá khứ tốt cho ngày mai. Và ngày mai khi đến sẽ là một tương lai tốt cho ngày hôm nay. Không có ích lợi gì lo lắng những điều đã qua rồi và không thể làm gì được nữa, cũng như chẳng có ích lợi gì lo lắng những điều chưa xẩy đến: hãy lo đến những điều sẽ đem đến đau khổ ở nơi duy nhất nó được tìm thấy, đó là hiện tại này. Ðiều quan trọng là phải liên tục tạo nên và gìn giữ một số nguyên tắc đúng trong quá khứ, để cái quả sinh ra từ những nỗ lực đó sẽ có ảnh hưởng tốt đến hiện tại. Ðể có được quả tốt trong hiện tại, hãy làm những điều như sau , dựa theo lời dạy trong kinh:

1) Ngay từ gốc rễ trong tâm, chỉ khởi những niệm lành và tích cực.
2) Những niệm lành đã khởi nên duy trì.
3) Ngay từ gốc rễ trong tâm, không khởi những niệm ác và tiêu cực.
4) Nếu có niệm ác và tiêu cực, phải buông bỏ ngay.

22. Lời nguyện.

Theo trong kinh ghi lại, thái tử Tất Ðạt Ða sau khi nhận thức ăn cúng dường từ tín nữ Sujata và ăn xong, ngài thả khay đồ ăn xuống giòng sông gần đó và nói lời nguyện sau: “Nếu tôi được giác ngộ thành Phật, khay đồ ăn này sẽ trôi ngược dòng nước.” Và khay đồ ăn đó, quả là đã trôi ngược lại giòng nước sông. Tôi hỏi Luangpor Teean ý kiến của sư thế nào, vì điều này trái ngược với luật lệ thiên nhiên.
Luangpor nói: “Tất cả mọi thứ đều phải trôi chẩy xuôi theo giòng nước. Nhưng giòng nước trong câu chuyện này là nói đến là giòng tư tưởng. Khi chúng ta nhìn lại đến tận gốc giòng tư tưởng của mình, chúng ta sẽ thấy được chân lý mà câu chuyện này muốn nói đến.”

22. Làm việc trong tỉnh giác.

Luangpor Teean thường hay nói: “Tất cả chúng ta đều có những nhiệm vụ và trách nhiệm đối với xã hội mà chúng ta phải hoàn tất, đó là điều bình thường. Làm nhiệm vụ trong sự tỉnh giác sẽ cho những kết quả tốt đẹp mỹ mãn nhất."

23. Ngọn đèn.


Ðến gần cuối cuộc đời, khi sức khỏe của Luangpor Teean càng ngày càng suy yếu, chúng tôi hỏi sư sau khi ngài viên tịch rồi, sự giảng dậy Phật Pháp sẽ như thế nào?
Luangpor trả lời: “Bạn không cần phải lo lắng gì về vấn đề này. Khi nhân loại còn tồn tại, lúc này hay lúc khác sẽ còn có những người hiểu được Pháp bởi vì Pháp không phải là một vật sở hữu cá nhân để cho ai độc quyền hay làm chủ. Pháp đã có sẵn từ lâu trước khi Phật ra đời, nhưng Ðức Phật là người đầu tiên nói lên và giảng dạy, truyền bá lại cho chúng sinh. Một người hiểu Pháp có thể ví như một ngọn đèn chiếu sáng trong đêm tối: người nào được ở gần đó sẽ thấy được mọi sự rõ ràng, trong khi những người ở xa hơn sẽ ít thấy rõ bằng. Sau một thời gian ngọn đèn phải tắt đi, nhưng sẽ có những lúc ngọn đèn ấy được thắp lên lại, và rồi sẽ lại chiếu sáng mọi nơi.”

(trích dịch từ An interview with an awakened master)

Lưu Ly

Theo ngocbao.com