Một lần nọ có một Phật tử đến chùa của Ajahn Chah và hỏi nhà sư ai là Ajahn Chah. Sư Ajahn Chah thấy người này căn cơ còn chưa được phát triển nhiều nên tự chỉ vào mình nói: “Đây, tôi là Ajahn Chah đây.” Một lần khác, có một người khác cũng đến chùa hỏi Ajahn Chah câu hỏi như vậy. Lần này, thấy người ấy có vẻ có trình độ Phật pháp cao hơn, Ajahn Chah trả lời bằng câu: “Ajahn Chah hả? Không có ai là Ajahn Chah hết.”
Sanh và Tử
Một cách thực tập tốt là tự hỏi mình thật chân thành, “Tại sao tôi lại sinh ra đời?” Hãy tự hỏi mình buổi sáng, buổi chiều, và buổi tối… mỗi ngày như vậy.
Sự sanh và sự chết của ta chỉ là một. Không thể có cái này mà không có cái kia được. Kể cũng hơi khôi hài khi thấy con người ta lúc có người thân mất đi thì khóc lóc thật là sầu thảm, trong khi có ai sinh ra đời thì vui mừng phấn khởi. Đó là si mê. Tôi nghĩ rằng nếu thực sự muốn khóc, thì có lẽ nên khóc ngay khi có người sinh ra đời. Khóc ngay tại gốc rễ, bởi vì nếu không có sinh, thì sẽ không có tử. Bạn có hiểu được điều này không?
Tại sao chúng ta sinh ra đời? Chúng ta sinh ra để sẽ không còn phải sinh ra nữa.
Khi không hiểu về sự chết, người ta dễ bị lầm lẫn về sự sống.
Đức Phật bảo đệ tử của ngài là A Nan hãy thấy sự vô thường, thấy cái chết ở trong từng hơi thở. Chúng ta phải biết đến sự chết, chúng ta phải chết để mà được sống. Điều đó có nghĩa gì? Chết là chấm dứt hết mọi nghi vấn, mọi thắc mắc, và chỉ ở trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Bạn không bao giờ có thể đợi đến ngày mai để chết, mà chết ngay bây giờ. Bạn có làm được điều đó không? Nếu bạn làm được, có nghĩa là bạn đã biết sự yên bình khi chấm dứt mọi nghi vấn.
Cái chết gần gũi như hơi thở của chúng ta vậy.
Nếu tu tập đúng cách, bạn sẽ không sợ hãi bệnh tật, cũng không nao núng khi có người chết đi. Khi bạn đến nhà thương chữa bệnh, hãy quyết trong tâm rằng nếu bệnh tình của bạn đỡ hơn thì cũng tốt, mà nếu bạn chết, thì cũng không sao. Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu bác sĩ có nói tôi bị ung thư và có thể chết trong vòng vài tháng nữa, tôi cũng sẽ nhắc nhở bác sĩ rằng, “Hãy cẩn thận, vì cái chết cũng có thể đến với bác sĩ nữa. Vấn đề chỉ là người nào đi trước và người nào đi sau thôi.” Bác sĩ chữa bệnh nhưng không phải là chữa được cái chết hay ngăn cản cái chết được. Chỉ có Đức Phật mới là bậc lương y chữa được điều đó, vậy tại sao chúng ta không đi theo Phật mà dùng vị thuốc của Phật?
Nếu bạn sợ hãi bệnh tật, nếu bạn sợ hãi cái chết, bạn phải quán tưởng về chúng xem chúng đến từ đâu. Vậy chúng đến từ đâu? Từ sự sinh. Vậy đừng buồn rầu khi có người chết – đó chỉ là điều tự nhiên, và người đó đã chấm dứt sự đau khổ trong kiếp sống này. Nếu bạn muốn buồn, hãy buồn khi có người sinh ra: “Ôi chao ơi! Họ lại ra nữa rồi. Rồi đây họ sẽ lại bị đau khổ, lại phải chết nữa rồi!”
“Bậc Toàn Giác” biết rõ tất cả những hiện tượng do nhân duyên khởi đều không có thực chất, vì vậy “bậc Toàn Giác” không phan duyên theo những biến chuyển đến và đi mà vui hay buồn. Mỗi lúc vui tức là sinh ra, và mỗi lúc buồn tức là chết đi. Chết đi rồi, chúng ta lại sinh ra, và sinh ra rồi, chúng ta lại chết đi. Sự sinh ra và chết đi từ giây phút này qua giây phút khác đó là vòng quay vô tận của luân hồi vậy.
Thân
Nếu thân này biết nói, nó sẽ nói với chúng ta suốt ngày là, “Bạn không phải là người sở hữu tôi đâu.” Thật ra, trong tất cả mọi thời, nó đều nói với chúng ta như vậy, nhưng đó là ngôn ngữ của Pháp, nên chúng ta không thể hiểu được thôi.
Các duyên đều không thuộc về ta. Chúng đi theo một tiến trình tự nhiên riêng biệt. Ta không thể làm được gì để thay đổi tiến trình của thân được. Ta có thể làm đẹp nó một chút, cho nó trông hấp dẫn hơn, gọn ghẽ sạch sẽ hơn trong một thời gian, tựa như những cô gái trẻ dồi phấn thoa son và trau chuốt móng tay vậy, nhưng khi tuổi già đến, mọi người đều đồng thuyền như nhau. Đó là tiến trình của thân. Chúng ta không thể tạo cho nó một tiến trình khác được. Nhưng, cái mà chúng ta có thể cải thiện và làm đẹp được là tâm ta.
Nếu thân ta thực sự thuộc về ta, nó sẽ phải nghe theo mệnh lệnh của ta. Nếu ta nói, “Đừng già đi,” hay “Ta cấm thân không được mang bệnh”, liệu nó có nghe lời ta không? Không! Nó chẳng để ý gì đến lời ta nói cả. Chúng ta ở trong thân này chỉ như thuê một cái “nhà”, không sở hữu nó được. Nếu ta nghĩ là nó thuộc về ta, ta sẽ đau khổ khi phải xa rời nó. Nhưng thực tế là, không có gì là một cái ngã thường hằng, không có gì là không thay đổi và vững chắc để chúng ta bám víu vào được.
Hơi thở
Có những người từ lúc sinh ra đời cho đến lúc chết chưa bao giờ một lần biết đến hơi thở ra thở vào trong thân. Đó là họ đã sống xa rời với chính họ vậy.
Thời gian chính là hơi thở trong hiện tại của ta.
Bạn nói là bạn quá bận rộn để thực tập thiền. Bạn có thời gian để thở không? Thiền chính là hơi thở. Tại sao bạn có thì giờ để thở mà lại không có thì giờ để thiền? Hơi thở là thiết yếu cho đời sống. Nếu bạn thấy rằng tu tập Phật pháp là thiết yếu trong cuộc đời, bạn sẽ thấy hơi thở và tu tập Phật pháp là quan trọng như nhau.
PHÁP
Pháp là gì? Không có gì không là Pháp.
Làm sao Phật Pháp dạy cho ta cách sống chân chính ? Vì Phật Pháp chỉ cho ta làm sao để sống. Phật pháp được chỉ cho ta bằng nhiều cách – có khi là ở trên những tảng đá, có khi là ở ngay trước mặt ta. Đó là những sự chỉ dạy không bằng lời nói. Muốn hiểu Pháp ta hãy lắng tâm xuống và tập quán chiếu. Khi tâm đã định rồi bạn sẽ thấy Pháp hiển hiện tròn đầy trước mắt, ngay bây giờ và ở đây. Sự trực nhận ấy không thể tìm thấy được ở một nơi nào khác, một lúc nào khác ngoài chính ngay bản thân của bạn, trong giây phút hiện tiền.
Đầu tiên bạn phải dùng đến lý để hiểu Pháp. Khi hiểu rồi, bạn sẽ thực hành. Và khi thực hành, bạn sẽ bắt đầu nhận ra Pháp với bạn là một, và bạn sẽ nếm được niềm vui của Phật.
Tìm Pháp nơi chính tâm của mình, bạn sẽ thấy được thế nào là chân giả trong mọi sự, thế nào là điều hòa và thế nào là không điều hòa.
Chỉ có một biến hóa thần thông duy nhất, đó là biến hóa thần thông của Pháp. Mọi biến hóa thần thông khác đều chỉ như những trò ảo thuật đánh lừa giác quan, khiến chúng ta xa rời với điều phải đối phó trước hết là : sự liên hệ của chúng ta với đời sống, với sinh tử và giải thoát.
Bất cứ bạn làm gì, hãy xem như có Pháp ở trong đó. Nếu bạn không cảm thấy an lạc, hãy tập nhìn vào nội tâm. Nếu bạn biết có một điều gì không tốt mà cứ làm, đó là bạn đã si mê mà tạo phiền não cho mình vậy.
Nếu chúng ta tỉnh giác, thì tất cả đều là Pháp. Khi chúng ta thấy những con vật cố trốn chạy khỏi sự nguy hiểm, ta thấy rằng chúng cũng như chúng ta, chúng cũng đang chạy trốn khỏi sự đau khổ và muốn tìm đến nơi hạnh phúc an toàn. Chúng cũng biết sợ hãi. Sợ hãi cho đời sống của chúng, cũng y như chúng ta vậy. Khi ta thấy được chân lý trong mọi việc, ta thấy rằng mọi chúng sanh, người cũng như vật đều không khác gì nhau. Chúng ta đều là những kẻ đồng hành trong quá trình sinh, lão, bệnh, tử.
Dù là bất cứ trong thời nào, ở nơi nào, mọi tu tập Phật Pháp cũng đều viên thành ở nơi tịch diệt. Đó là cảnh giới của mọi buông xả, không lặng và nhẹ nhàng. Đây chính là chung điểm vậy. Pháp không ở xa chúng ta, mà ở ngay nơi chúng ta. Pháp không phải là về những bậc thánh nhân trên thiên đàng hay những gì tương tự như vậy. Mà Pháp chỉ là về chúng ta, về những gì chúng ta đang làm, ngay bây giờ. Hãy tự quan sát mình. Đôi khi ta thấy vui, đôi khi thấy khổ, khi thấy thoải mái, khi lại thấy đau đớn … đó chính là Pháp vậy. Bạn có thấy được như vậy không ? Để biết được Pháp, bạn phải đọc ngay nơi những kinh nghiệm của mình.
Bàn về Tâm
Chỉ có một quyển sách đáng đọc nhất: đó là Tâm của chúng ta.
Tu tập để biết đến những gì có thể làm cho tâm phiền não là điều chánh yếu trong Phật pháp. Những vọng động u mê là phiền não, chứ không phải tâm là phiền não! Chúng ta thường không biết rõ tâm là gì, và vọng động là gì. Những gì làm cho ta không hài lòng, ta thường không muốn dính dáng tới. Cách sống trong đời không khó, nhưng khó là vì ta không hài lòng, không thoả mãn với nó. Vọng động chính là cái làm cho ta khó sống trong cuộc đời.
Thế gian này đang ở trong một tình trạng rất sôi động. Tâm chúng ta cũng thay đổi, biến chuyển từ tâm trạng này sang tâm trạng khác, từ yêu sang ghét theo với sự sôi động của ngoại cảnh. Nếu chúng ta có thể tập làm cho tâm yên tĩnh lại, đó sẽ là điều lợi ích lớn nhất cho thế gian này.
Khi tâm ta an lạc, dù đến bất cứ nơi nào ta cũng sẽ thấy an lạc. Khi trí tuệ khai mở, ta sẽ thấy chân lý trong tất cả mọi sự. Chân lý ở đâu cũng là như vậy. Cũng tựa như khi ta đã biết đọc rồi, thì dù đi đâu ta cũng sẽ có thể đọc được.
Khi ta cảm thấy khó chịu với một chỗ nào đó, ta sẽ thấy khó chịu với tất cả mọi chỗ. Nhưng không phải là nơi chốn bên ngoài đó làm ta khó chịu, mà chính là nơi chốn « bên trong » của ta làm cho ta như vậy.
Hãy thử nhìn vào tâm ta. Người đang mang sách đồ vật cứ tưởng là đang lấy được những đồ vật đó, nhưng người ở ngoài nhìn vào chỉ thấy đó là sự nặng nề. Hãy xả bớt đi, làm cho nó mất đi, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
V Tâm chúng ta bản chất là yên tĩnh. Nhưng từ sự yên tĩnh đó, có những vọng động nổi lên. Nếu ta thấy được những vọng động này, tâm sẽ tự nhiên yên tĩnh lại.
Đạo Phật là đạo của tâm, và chỉ như vậy mà thôi. Người nào thực tập sự khai mở tâm tức là người ấy thực hành đạo Phật.
Khi trong phòng thiếu ánh sáng, khó mà thấy được những mạng nhện giăng tùm lum nơi các góc phòng. Nhưng khi có ánh sáng tỏa chiếu, ta sẽ thấy được rõ ràng và có thể quét dọn nó đi. Khi tâm ta sáng, ta sẽ thấy được những vọng động làm vẩn đục tâm, và có thể thanh lọc chúng đi.
Làm cho tâm mạnh không phải bằng cách chuyển động nó như là tập thể dục thân thể vậy, mà là làm cho nó đứng yên, ở trong trạng thái an nghỉ tĩnh lặng.
Bởi vì con người không thấy được mình, cho nên họ làm đủ thứ điều xấu, gieo tạo ác nghiệp. Họ không biết nhìn vào tâm mình. Một người khi sắp làm một điều xấu thường hay nhìn quanh xem có ai thấy mình không, tự hỏi : « Không biết mẹ tôi có thấy tôi không ? » hay là « Không biết chồng tôi có thấy tôi không ? », « Con tôi có thấy tôi không ? » v.v… Nếu không có ai thấy, người đó sẽ yên tâm tiến tới làm việc đó. Đây chính là tự sỉ nhục mình. Họ bảo là không có ai thấy, nên vội vàng làm việc xấu trước khi có ai phát giác ra được. Nhưng còn chính họ thì sao ? Họ không phải là « ai đó » đang nhìn thấy hay sao?
Hãy nghe Giáo lý Đức Phật bằng tâm của mình, mà không bằng tai.
Có những người đã chiến đấu thắng được những vọng động vẩn đục trong tâm và chế ngự được chúng. Đây là sự chiến đấu bên trong nội tâm. Những kẻ chiến đấu ở ngoài làm nổ bom, bắn súng để đi chinh phục người khác và rồi bị chinh phục lại. Chinh phục người khác là việc làm của thế gian. Thực hành đạo Phật là không chiến đấu với người khác, mà chiến đấu với chính mình, chinh phục chính tâm mình, nhẫn nại theo dõi và điều ngự mọi trạng thái trong tâm.
Mưa từ đâu tới ? Mưa là từ những giòng nước chứa đầy những ô uế trên mặt đất bốc hơi lên, như nước tiểu và nước rửa chân chúng ta đã xả đi. Chẳng phải đó là điều kỳ diệu sao, khi những giòng nước bẩn ấy khi bốc hơi lên đến trời lại được chuyển hóa thành những giọt mưa trong sạch, thuần khiết ? Tâm của ta cũng vậy, cũng có thể thanh lọc, chuyển hóa những cấu uế vọng động, nếu ta để cho nó làm như thế.
Đức Phật nói hãy chỉ phán đoán chính mình, không nên phán đoán người khác dù cho họ có tốt hay xấu như thế nào chăng nữa. Đức Phật cho ta thấy con đường, và chỉ nói là « Chân lý là Như Thị, là như thế đó. ». Cũng thế, khi nhìn tâm, ta cũng thấy « Tâm là Như Thị, là như thế đó ».
Vô Thường
Mọi duyên đều hiện hữu qua sự chuyển biến. Ta không thể ngăn trở điều đó được. Thử nghĩ xem, bạn có thở ra mà không hít vào được không ? Nếu làm vậy bạn có thấy thích thú gì không ? Hay bạn có thể nào chỉ hít vào, mà không thở ra được không ? Chúng ta muốn mọi sự thường tồn như vậy mãi, nhưng điều đó là điều không thể có được.
Nếu bạn biết mọi sự đều vô thường, mọi suy nghĩ của bạn sẽ dần dần cởi mở và bạn sẽ không cần phải nghĩ ngợi quá nhiều nữa. Bất cứ khi nào có một niệm nào khởi lên, bạn chỉ cần nói một câu là « Ồ, lại thêm một dấy khởi nữa!» Chỉ có thế thôi!
Những bài thuyết giảng nào không nói đến vô thường thì không phải là bài thuyết giảng của một bậc trí giả.
Nếu bạn thật sự thấy rõ được những gì là không chắc chắn, bạn sẽ thấy được cái gì là chắc chắn. Điều chắc chắn là mọi sự trên đời này không có gì là chắc chắn cả, đó là điều tất yếu và không thể nào khác hơn được. Bạn có hiểu không ? Chỉ cần biết như thế, bạn cũng có thể biết được Phật, và có thể kính ngưỡng ngài một cách đúng thực.
Nếu tâm trí bạn có cố bảo với bạn là bạn đã đạt đến quả vị tu đà hoàn, hãy đi tìm gặp đảnh lễ một vị tu đà hoàn. Vị ấy sẽ nói với bạn là không có gì là chắc chắn cả. Nếu bạn có gặp một vị tu đà hàm và đến đảnh lễ, vị ấy cũng chỉ nói với bạn một điều, « Không chắc chắn đâu! » Nếu bạn có cơ may gặp được một vị A la hán và đến đảnh lễ, vị ấy còn nói với bạn mạnh mẽ hơn nữa là, « Lại càng không chắc chắn ! » Bạn sẽ nghe những bậc thánh đều nói là : « Tất cả mọi sự đều không chắc chắn. Đừng chấp thủ vào một điều gì hết ! »
Đôi khi tôi đi thăm một vài thánh tích với những đền chùa cổ xưa. Có những vết rạn nứt ở một vài nơi. Có thể một người bạn nào đó của tôi sẽ nói là : « Uổng quá, chúng bị rạn nứt rồi ! » Tôi sẽ trả lời : « Nếu chúng không rạn nứt thì sẽ không có Phật trên đời này. Sẽ không có Pháp Phật. Chúng rạn nứt như thế bởi vì chúng là hoàn toàn đúng với lời dạy của Đức Phật. »
Tất cả các duyên đều đi theo đường lối riêng biệt tự nhiên của chúng. Dù chúng ta có cười hay có khóc, những duyên ấy vẫn có lối đi riêng biệt của chúng. Và không có một kiến thức khoa học nào có thể ngăn cản được tiến trình tự nhiên của mọi sự. Bạn có thể nhờ một vị nha sĩ xem xét răng miệng, nhưng dù cho vị nha sĩ ấy có chữa được răng cho bạn, cuối cùng rồi chúng vẫn ra đi theo tiến trình tự nhiên. Ngay cả vị nha sĩ ấy rồi cũng sẽ bị vấn đề giống như bạn. Tất cả cuối cùng đều sẽ tan rã.
Thế thì chúng ta có thể chắc chắn được điều gì? Không có điều gì cả ! Tất cả đều chỉ là những cảm giác mà thôi. Phiền não khởi lên, ở đó rồi qua đi. Tiếp theo là hạnh phúc đến thay cho phiền não - chỉ có thế mà thôi. Ngoài những điều ấy ra, tất cả chỉ là không. Nhưng chúng ta là những con người lạc lõng chạy quanh, không ngừng bám víu lấy những cảm giác. Những cảm giác là không thật, chỉ có sự thay đổi mới là thật.
Phiền Não
Có hai loại phiền não: phiền não dẫn đến phiền não nhiều hơn, và phiền não dẫn đến chấm dứt phiền não. Loại phiền não thứ nhất đến do sự vướng mắc vào những cảm giác vui thú nhất thời và chán ghét những gì cảm thấy đáng chán, loại phiền não này người ta vẫn thường phải đối phó hàng ngày. Loại thứ hai là những phiền não được đón nhận không sợ hãi, không trốn lánh khi bạn tự mở rộng mình mỗi khi kinh nghiệm những chuyển biến không ngừng -- những lạc thú, những nỗi đau, niềm vui và cơn giận. Những phiền não do kinh nghiệm đem lại giúp người ta củng cố thêm nội tâm để có sự vô uý và niềm an lạc. Chúng ta thường thích những gì dễ dàng, nhưng nếu không có phiền não, ta sẽ không có được trí tuệ. Để có được trí tuệ chín mùi, bạn phải trải qua vài lần đau khổ và khóc đến hết nước mắt trong việc tu tập mới được.
Chúng ta tu không phải để mà ăn được, ngủ được cho tốt, để có một đời sống dễ chịu, nhưng để biết thế nào là đau khổ:
1. Làm sao để chấp nhận nó…
2. Làm sao để đoạn trừ nó…
3. Làm sao để đừng tạo ra nó.
Vậy chúng ta hãy tập để đừng làm những gì có thể gây đau khổ, như là buông lung trong lòng tham muốn, nếu không đau khổ sẽ không bao giờ xa rời chúng ta được.
Thật ra, hạnh phúc chính là đau khổ trá hình, nhưng trong một dạng rất tế nhị khiến chúng ta không thấy được. Nếu ta cố bám víu lấy hạnh phúc, thì cũng giống như là cố bám víu vào đau khổ, có điều là ta không nhận ra được thôi. Càng bám vào hạnh phúc là càng khó buông bỏ đi sự đau khổ có sẵn trong đó. Chúng đi với nhau như bóng với hình vậy. Cho nên Đức Phật dạy chúng ta phải thấy biết đau khổ như là sự bất hạnh tiềm ẩn trong hạnh phúc, xem chúng nó là bình đẳng với nhau. Cho nên phải cẩn thận! Khi hạnh phúc đến, đừng quá vui mừng mà bị đắm chìm trong đó. Khi đau khổ đến, đừng tuyệt vọng, đừng đánh mất mình trong đó. Hãy xem chúng như có giá trị giống nhau vậy. Khi đau khổ khởi lên, hãy hiểu rằng không có một người nào đang đón nhận nó. Nếu bạn nghĩ sự đau khổ là của bạn, hạnh phúc là của bạn, thì bạn sẽ không thể an lạc được.
Những người biết được đau khổ sẽ từ đó có được trí tuệ. Nếu chúng ta không đau khổ thì ta sẽ không biết quán chiếu mọi sự. Nếu chúng ta không quán chiếu mọi sự, thì không có trí tuệ phát sinh. Không có trí tuệ thì chúng ta vô minh. Vô minh thì sẽ không giải thoát được sự đau khổ -- mọi sự đều là như vậy. Vì thế chúng ta phải tập luyện kiên trì trong sự tu tập. Khi chúng ta nhìn vào thế giới này, ta sẽ không sợ hãi như trước kia. Đức Phật không giác ngộ những gì ở ngoài thế gian mà chính là ở trong thế gian này.
Buông lung trong dục lạc và tự ép xác là lối sống mà Đức Phật đều không khuyến khích. Đây chỉ là nói về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta tưởng rằng chúng ta thoát ra được phiền não đau khổ, nhưng thực ra là không. Nếu chúng ta bám víu vào sự an lạc hạnh phúc, chúng ta sẽ lại đau khổ phiền não. Mọi sự là như vậy, nhưng người ta cứ nghĩ ngược lại.
Người ta đau khổ ở chỗ này, nên bèn đi kiếm chỗ khác. Khi đến chỗ khác phiền não lại nổi lên, họ lại chạy đi tìm chỗ khác nữa. Họ tưởng là họ chạy thoát được phiền não đau khổ, nhưng thật ra là không. Đau khổ vẫn đi liền với họ. Họ đem theo đau khổ đi khắp nơi khắp chốn mà không biết. Nếu chúng ta không thấy biết sự đau khổ, chúng ta không thể biết được căn nguyên của sự đau khổ ấy. Nếu chúng ta không biết được căn nguyên của sự đau khổ, chúng ta sẽ không biết làm sao chấm dứt được đau khổ. Không có cách gì có thể tránh thoát được. Người học đạo ngày nay có rất nhiều kiến thức hơn người ngày trước. Họ có đầy đủ phương tiện cần thiết, mọi thứ đều thật là tiện lợi hơn rất nhiều. Nhưng tại sao họ lại phiền não và hoang mang hơn người xưa rất nhiều? Tại sao vậy?
Đừng cố làm Bồ Tát, đừng cố làm A la hán, đừng cố làm gì hết cả. Nếu bạn cố làm Bồ tát, bạn sẽ đau khổ; nếu bạn cố làm A la hán, bạn sẽ đau khổ; nếu bạn cố làm một người nào đó, bạn sẽ đau khổ. Yêu và ghét đều là đau khổ bởi vì có sự ham muốn trong đó. Muốn có là đau khổ, muốn không có cũng là đau khổ. Ngay cả khi bạn đã có được điều bạn muốn, đó cũng là đau khổ bởi vì khi bạn đã có rồi thì bạn lại lo sợ sẽ bị mất đi. Làm sao bạn có thể sống hạnh phúc trong sự sợ hãi được?
Khi bạn giận dữ, bạn cảm thấy tốt hay là xấu? Nếu cảm thấy đó là xấu thì tại sao không buông bỏ nó đi? Tại sao cứ giữ lấy nó? Làm sao bạn có thể nói được là bạn thông minh trí tuệ nếu bạn cứ nắm giữ lấy những điều đó? Có những ngày tâm đó của bạn có thể gây ra những cuộc cãi vã trong gia đình và làm cho bạn khóc hết nước mắt. Tuy thế, người ta cứ vẫn tiếp tục giận dữ và đau khổ. Nếu bạn thấy biết được sự đau khổ trong sự giận dữ, bạn hãy buông bỏ nó đi. Nếu bạn không buông, nó sẽ còn tiếp tục gây đau khổ vô tận, không có cách gì vơi bớt được. Thế giới hiện hữu trong sự bất toại ý của chúng sinh này là như vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được như vậy, chúng ta có thể giải quyết được vấn đề.
Một người đàn bà đến hỏi tôi làm sao đối phó với cơn giận. Tôi hỏi bà khi cơn giận khởi lên thì nó là của ai. Bà bảo nó của bà. Nếu nó thực sự là của bà, sao bà không bảo nó đi chỗ khác đi, đó là điều bà nên làm, có phải không? Nhưng thực ra cơn giận không phải là của bà để bà ra lệnh cho nó được. Nếu nắm giữ lấy cơn giận như là một vật sở hữu cá nhân thì chỉ làm cho đau khổ thôi. Nếu cơn giận thực sự là thuộc về chúng ta, nó sẽ phải nghe lời chúng ta. Nếu nó không nghe lời, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã tưởng lầm về nó. Đừng có theo nó. Khi nào trong tâm cảm thấy vui hay buồn, đừng có theo những cảm giác đó. Tất cả chỉ là sự tưởng lầm mà thôi.
Nếu bạn tưởng là chắc chắn một điều không chắc chắn, bạn sẽ bị đau khổ.
Đức Phật vẫn luôn luôn thuyết pháp cho chúng ta. Hãy tự mình nhận biết lấy cho mình. Đây là hạnh phúc, và kia là không hạnh phúc. Đây là lạc thú, và kia là đau khổ. Chúng luôn luôn ở đây. Và khi bạn hiểu được bản chất của lạc thú và đau khổ, bạn sẽ thấy được Phật, bạn sẽ thấy được Pháp ở trong đó. Phật không ở ngoài những điều đó. Quán chiếu chúng với nhau, ta thấy hạnh phúc và đau khổ đều bình đẳng với nhau, giống như là nóng với lạnh vậy. Sức nóng từ lửa có thể làm cho chúng ta bị chết cháy, trong khi cái lạnh từ băng giá có thể làm cho chúng ta bị đông lạnh mà chết. Không có cái nào lớn hơn cái nào. Hạnh phúc và đau khổ cũng vậy. Trên thế gian này, người ta ước muốn hạnh phúc và không có ai ước muốn đau khổ. Niết Bàn không có những ước muốn. Ở đó chỉ là sự an bình tuyệt đối.
Thiền Sư Ajahn Chah