...rất nhiều người hiểu đúng đã niệm Phật đạt tới chỗ nhất niệm thanh tịnh. Khi đã nhất niệm thanh tịnh thì tâm không còn thất niệm tán loạn nên tánh biết sáng suốt chiếu soi. Sự thanh tịnh sáng suốt này đưa đến chánh niệm tỉnh giác trong Thiền Vipassanā, hay liễu liễu thường tri trong Thiền Tông Đông Độ. Như vậy Thiền và Tịnh tuy khác tông môn nhưng đi cùng một hướng, đó là “nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” trong giáo pháp mà đức Phật đã dạy. Như vậy, nếu hành giả nào còn chạy theo tham ái, chỉ muốn cố gắng để trở thành hay tìm cầu sở đắc thì dù Thiền, Tịnh hay Mật cũng đã đi lệch hướng giác ngộ giải thoát mà đức Phật đã từ bi khai thị...
Kính bạch Thầy
Con có một chuyện muốn thỉnh ý Thầy. Kính mong Thầy từ bi hoan hỷ nhín chút thời gian quý báu để chỉ dạy cho con. Con xin thành kính tri ân Thầy.
Bạch Thầy,
Con có một người bạn Phật tử, người nầy hàng ngày vẫn thường xuyên niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”. Bên cạnh đó lại nghe rất nhiều Pháp, kết hợp với xem nhiều dĩa có hình ảnh của những trường hợp hộ niệm khi lâm chung và người mất được về cõi an lành (có xác nhận của người khai thị).
Từ đó về sau, cô Phật tử nầy càng thiết tha niệm Phật nhiều hơn nữa, nhưng trong lòng có khởi tâm tham muốn đạt được trạng thái "nghe được tiếng niệm Phật xung quanh mình". Khi cô ấy hỏi con, con nói tất cả những tiếng đó chỉ là vọng tưởng mà thôi, là do tâm có sự mong cầu, cũng là tâm tham nên đừng để ý nữa. Đã qua thời gian 3 tháng nhưng bây giờ cô ấy vẫn cố giữ tư tưởng nầy. Hôm nay cô hỏi lại con một lần nữa nên con mới biết. Thế nhưng, cái khó ở đây là cô Phật tử quá cố chấp không nhìn ra được tâm tham của mình nên con khó có thể mở ra cho cô một hướng đi. Bên cạch đó, con lại thấy xót xa khi cô tu với một cái tâm loạn như thế, con luôn muốn giúp đỡ nhưng không biết phải khuyên từ đâu.
Con nghe rất nhiều dĩa Thầy đã giảng, và ít nhiều cũng có vài lời khuyên nhủ cô ấy, nhưng con thấy cô càng tu càng loạn. Con không biết phải khuyên làm sao!
Hôm nay con xin trình bạch kính mong Thầy cho con vài lời khuyên, để đứng trước những trường hợp như vậy con có thể giúp những người Phật tử qua được những khó khăn trong sự tu tập.
Con kính chúc Thầy Pháp thể khang an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành.
Kính thư.
Con Như Tường
***
Như Tường con,
Mấy hôm nay thầy bận quá nên không trả lời thư con sớm được. Thầy cũng thấy như con, ngày nay người ta không nói rõ mục đích thực sự của pháp môn niệm Phật mà lại đề cao những mối lợi phù phiếm để nhiều người ham thích niệm Phật, vô tình khuyến khích lòng tham được cái lợi đâu đâu mà sinh thêm vọng niệm..., thay vì hướng đến mục đích chính yếu là giúp tâm nhất niệm thanh tịnh để trở về với tánh biết trong sáng của tự tâm. Vì vậy nhiều người rơi vào tình trạng quá tham lam mà trở nên nôn nóng được lợi, điều này dễ đưa đến căng thẳng và suy nhược thần kinh, lắm khi còn bị tẩu hỏa nhập ma nữa là khác! Đó là tình trạng mà nhiều người tu “hướng ngoại cầu huyền” hiện nay đang gặp phải.
Nhiều người cho rằng cố gắng niệm cho đến khi “nghe được tiếng niệm Phật xung quanh mình” là đạt được kết quả tốt, nhưng theo thần kinh học thì đó là dấu hiệu thần kinh căng thẳng đưa đến ảo giác, ảo tưởng, và từ ảo tưởng đến bệnh hoang tưởng không còn xa lắm. Niệm Phật đúng thì càng thấy thân tâm thanh tịnh, an lạc, thoát khỏi những ràng buộc bên ngoài, do đó đời sống càng trầm tĩnh sáng suốt hơn trong mọi hành động, nói năng, suy nghĩ chứ không phải quên chính mình trong bối cảnh thực tế mà sống đắm chìm trong ảo giác hay ảo tưởng xa vời. Một khi còn dính mắc vào lòng tham muốn trở thành hay ao ước đạt được điều gì đó thì không những không nhất niệm thanh tịnh mà còn bị tán tâm thất niệm nữa, như vậy chẳng phải đi ngược lại mục đích của pháp môn niệm Phât hay sao?
Vì thấy người đời đắm chìm trong ngôi nhà cháy bởi ngọn lửa tạp niệm, thất niệm, vọng niệm của tam độc tham sân si mà đức Phật chỉ bày pháp môn niệm Phật để dập tắt ngọn lửa thiêu đốt ấy cho tâm được thanh tịnh sáng suốt. Về sau pháp môn ấy được triển khai thành một tông phái gọi là Tịnh Độ Tông, lấy mục đích thanh tịnh và sáng suốt của tự tâm trong pháp môn niệm Phật mà đức Phật Thích Ca đã dạy để vận dụng thành cõi Tịnh Độ (biểu tượng cho sự thanh tịnh) và Phật A-di-đà (biểu tượng cho sự sáng suốt). Theo nguyên lý giác ngộ của Phật giáo thì khi tâm thanh tịnh tánh biết cũng sáng suốt. Như vậy, tuy Tịnh Độ Tông lấy mục đích là vãng sanh lên cõi Tịnh Độ của Phật A-di-đà nhưng ý chỉ vẫn là hai yếu tố thanh tịnh và sáng suốt. Nếu đi sai mục đích này cũng xem như sai tông chỉ của Tịnh Độ Tông vậy. Chẳng lẽ người sau không nhận ra ý chỉ của Phật của Tổ để rồi vô tình hay hữu ý lái pháp môn phương tiện này qua một hướng khác khiến cho nhiều người lầm lạc vì tham những mối lợi phù du?!
Tất nhiên, rất nhiều người hiểu đúng đã niệm Phật đạt tới chỗ nhất niệm thanh tịnh. Khi đã nhất niệm thanh tịnh thì tâm không còn thất niệm tán loạn nên tánh biết sáng suốt chiếu soi. Sự thanh tịnh sáng suốt này đưa đến chánh niệm tỉnh giác trong Thiền Vipassanā, hay liễu liễu thường tri trong Thiền Tông Đông Độ. Như vậy Thiền và Tịnh tuy khác tông môn nhưng đi cùng một hướng, đó là “nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” trong giáo pháp mà đức Phật đã dạy. Như vậy, nếu hành giả nào còn chạy theo tham ái, chỉ muốn cố gắng để trở thành hay tìm cầu sở đắc thì dù Thiền, Tịnh hay Mật cũng đã đi lệch hướng giác ngộ giải thoát mà đức Phật đã từ bi khai thị.
Con đã hết lòng khuyên giải mà người Phật tử ấy vẫn mê chấp bất ngộ thì đó là do nhân duyên của người ấy chưa đủ. Con cứ yên tâm, qua nhân quả, người ấy trước sau gì cũng sẽ học ra bài học của mình. Chúc con an vui.
Thầy.