Phương pháp ấy là: không dính mắc, không luyến ái, không bám níu, mà buông bỏ. Khi đã thực hiện một hành động thiện, không nên mang nó theo trong tâm mà để nó trôi qua. Khi đã tự chế, không làm một điều bất thiện, hãy để nó trôi qua. Đức Phật dạy ta sống trong hiện tại kế cận nhất, nơi đây, và trong khoảnh khắc nầy. Chớ nên dể duôi tự buông trôi, lạc lối trong quá khứ hay trong vị lai"
Dưới đây là thời Pháp do Ngài AJAHN CHAH thuyết giảng tại chùa Bovornives, Bangkok, vào năm 1977, trước một cử tọa gồm chư Tăng Thái và một nhóm tỳ khưu người Tây Phương.)
Vào thời của các Ngài Thiền Sư Ajahn Mun [1] và Ajahn Sao [2], đời sống thật là giản dị, ít phức tạp hơn ngày nay nhiều. Trong những ngày xa xưa ấy có rất ít Phật sự phải làm và rất ít nghi lễ để cử hành. Các Ngài sống giữa rừng sâu, không cố định một nơi nào. Trong hoàn cảnh tương tợ các Ngài có thể dành trọn vẹn thì giờ của mình để hành thiền.
Những tiện nghi mà ngày nay ta xem là thông thường, ai cũng có, vào thời ấy thật là hiếm hoi; đúng ra là không có tiện nghi gì hết. Các Ngài phải dùng ống tre để làm ly uống nước và ống nhổ, còn thiện tín cư sĩ thì chẳng có ai tới lui thăm viếng. Các Ngài không ham muốn, cũng không cầu mong gì nhiều mà chỉ an phận, vui vẻ với những gì mình đang có. Các Ngài có thể sống và hành thiền, sống và hành thiền cũng tợ như sống và thở.
Chư sư thời ấy thiếu thốn mọi điều. Nếu có một vị lâm bệnh sốt rét và đến hỏi xin thuốc, thì vị Thầy Bổn Sư bảo, "Sư không cần thuốc đâu! Cứ tiếp tục hành thiền đi!" Ngày nay thì chúng ta có đủ loại thuốc chớ thuở đó thì không có gì hết. Người bệnh chỉ có rễ cây và rau cỏ trong rừng. Vì hoàn cảnh đã là vậy, chư Tăng phải có rất nhiều đức tính nhẫn nại và chịu đựng. Các Ngài không màng quan tâm đến những chứng bệnh lặt vặt, không phải như ngày nay, đau một chút gì thì chúng ta vội vã đi ngay đến bệnh viện.
Đi trì bình (pindapad) đôi khi các Ngài phải đi xa ba, bốn, hoặc năm cây số. Phải ra đi thật sớm, lúc trời vừa tửng bưng sáng, và có khi đến mười hay mười một giờ trưa mới trở về đến nhà. Vậy mà thọ bát cũng không có gì. Không chừng được một ít xôi, muối và vài trái ớt. Dầu có gì để ăn với xôi không, điều ấy không thành vấn đề. Đời sống tu hành là vậy. Không ai dám than phiền là đói bụng hay mệt nhọc. Các Ngài không có khuynh hướng than phiền mà chỉ lo tu học phương cách tự chăm sóc lấy mình. Các Ngài nhẫn nhục hành thiền và chịu đựng giữa rừng sâu đầy hiểm họa. Sống lẩn lộn với các Ngài có rất nhiều thú rừng, đủ loại sài lang hổ báo, và lối sống của vị tu sĩ ẩn dật thực hành hạnh Đầu Đà (Dhutanga) [*] thật là khổ nhọc, cho cả thân lẩn tâm. Quả thật vậy, hạnh nhẫn nhục và sức chịu đựng của chư Sư thời bấy giờ lên đến mức độ rất cao, bởi vì hoàn cảnh lúc bấy giờ bắt buộc các Ngài phải như vậy.
[*] Hạnh Đầu Đà (Dhutanga), theo nghĩa trắng của danh từ, là "phương tiện khuấy động. Ở đây là khuấy động các ô nhiễm. Dhutanga là phương tiện để thanh lọc, làm cho trở nên trong sạch. Đó là những giới luật nghiêm khắc mà Đức Phật khuyên chư Tăng nên hành trì để trau giồi những hạnh nhẫn nhục, tri túc, buông bỏ, tinh tấn, an phận với những gì mình đang có v.v.. Vị tỳ khưu có thể hành một hoặc nhiều giới của hạnh Đầu Đà trong một thời gian dài hay ngắn, tùy theo lời nguyện. Sách Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Đạo lược kê 13 giới khác nhau của hạnh Đầu Đà.
Vào thời của các Ngài Thiền Sư Ajahn Mun [1] và Ajahn Sao [2], đời sống thật là giản dị, ít phức tạp hơn ngày nay nhiều. Trong những ngày xa xưa ấy có rất ít Phật sự phải làm và rất ít nghi lễ để cử hành. Các Ngài sống giữa rừng sâu, không cố định một nơi nào. Trong hoàn cảnh tương tợ các Ngài có thể dành trọn vẹn thì giờ của mình để hành thiền.
Những tiện nghi mà ngày nay ta xem là thông thường, ai cũng có, vào thời ấy thật là hiếm hoi; đúng ra là không có tiện nghi gì hết. Các Ngài phải dùng ống tre để làm ly uống nước và ống nhổ, còn thiện tín cư sĩ thì chẳng có ai tới lui thăm viếng. Các Ngài không ham muốn, cũng không cầu mong gì nhiều mà chỉ an phận, vui vẻ với những gì mình đang có. Các Ngài có thể sống và hành thiền, sống và hành thiền cũng tợ như sống và thở.
Chư sư thời ấy thiếu thốn mọi điều. Nếu có một vị lâm bệnh sốt rét và đến hỏi xin thuốc, thì vị Thầy Bổn Sư bảo, "Sư không cần thuốc đâu! Cứ tiếp tục hành thiền đi!" Ngày nay thì chúng ta có đủ loại thuốc chớ thuở đó thì không có gì hết. Người bệnh chỉ có rễ cây và rau cỏ trong rừng. Vì hoàn cảnh đã là vậy, chư Tăng phải có rất nhiều đức tính nhẫn nại và chịu đựng. Các Ngài không màng quan tâm đến những chứng bệnh lặt vặt, không phải như ngày nay, đau một chút gì thì chúng ta vội vã đi ngay đến bệnh viện.
Đi trì bình (pindapad) đôi khi các Ngài phải đi xa ba, bốn, hoặc năm cây số. Phải ra đi thật sớm, lúc trời vừa tửng bưng sáng, và có khi đến mười hay mười một giờ trưa mới trở về đến nhà. Vậy mà thọ bát cũng không có gì. Không chừng được một ít xôi, muối và vài trái ớt. Dầu có gì để ăn với xôi không, điều ấy không thành vấn đề. Đời sống tu hành là vậy. Không ai dám than phiền là đói bụng hay mệt nhọc. Các Ngài không có khuynh hướng than phiền mà chỉ lo tu học phương cách tự chăm sóc lấy mình. Các Ngài nhẫn nhục hành thiền và chịu đựng giữa rừng sâu đầy hiểm họa. Sống lẩn lộn với các Ngài có rất nhiều thú rừng, đủ loại sài lang hổ báo, và lối sống của vị tu sĩ ẩn dật thực hành hạnh Đầu Đà (Dhutanga) [*] thật là khổ nhọc, cho cả thân lẩn tâm. Quả thật vậy, hạnh nhẫn nhục và sức chịu đựng của chư Sư thời bấy giờ lên đến mức độ rất cao, bởi vì hoàn cảnh lúc bấy giờ bắt buộc các Ngài phải như vậy.
[*] Hạnh Đầu Đà (Dhutanga), theo nghĩa trắng của danh từ, là "phương tiện khuấy động. Ở đây là khuấy động các ô nhiễm. Dhutanga là phương tiện để thanh lọc, làm cho trở nên trong sạch. Đó là những giới luật nghiêm khắc mà Đức Phật khuyên chư Tăng nên hành trì để trau giồi những hạnh nhẫn nhục, tri túc, buông bỏ, tinh tấn, an phận với những gì mình đang có v.v.. Vị tỳ khưu có thể hành một hoặc nhiều giới của hạnh Đầu Đà trong một thời gian dài hay ngắn, tùy theo lời nguyện. Sách Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Đạo lược kê 13 giới khác nhau của hạnh Đầu Đà.
Đến nay thì khác hẳn. Hoàn cảnh hiện tại đưa đẩy và lôi cuốn chúng ta theo chiều hướng đối nghịch. Thời xưa người ta đi bộ, kế đó đi xe bò, rồi đến đi xe hơi. Rồi ước vọng và lòng khao khát ham muốn tăng trưởng, mãi đến nay nếu xe hơi không có máy lạnh ta cũng không muốn ngồi trên đó: không thế nào đi được nếu xe không có máy điều hoà không khí! Hạnh nhẫn nhục và đức tính chịu đựng đã suy giảm, yếu dần. Công trình hành thiền bê trễ, và ngày càng bê trễ hơn, đưa đến tình trạng là ngày nay người hành thiền chỉ muốn làm theo ý riêng và sở thích mình. Khi những bậc cao niên nhắc lại những mẫu chuyện thời xưa, họ nghe như chuyện thần thoại hoang đàng. Họ chỉ nghe một cách lơ đễnh mà không quan tâm đến. Họ không hiểu. Nó không đến với họ.
Lắng nghe chính cái tâm của mình quả thật thích thú kỳ diệu. Cái tâm chưa được rèn luyện nầy không ngừng chạy quanh chạy quẩn theo những thói quen tật cũ hoang dại của nó. Nó nhảy nhót một cách điên cuồng bấn loạn, vì chưa bao giờ được rèn luyện. Vì lẽ ấy ta phải luyện tâm. Và pháp hành thiền trong Phật Giáo mật thiết liên quan đến tâm. Hãy trau giồi tâm, hãy phát triển chính cái tâm của ta. Điều nầy rất quan trọng, tối quan trọng. Rèn luyện tâm là công trình vô cùng thiết yếu. Phật Giáo là tôn giáo của tâm. Chỉ có thế! Ai thực hành pháp trau giồi tâm là thực hành Phật Giáo.
Tâm của chúng ta sống trong một cái chuồng. Hơn thế nữa, trong chuồng ấy còn có một con cọp hung tợn. Nếu cái tâm buông lung của chúng ta mà không tìm ra được những gì cọp muốn thì con cọp hung dữ ấy sẽ nổi dậy gây rối loạn. Ta phải huấn luyện, khép nó vào kỷ luật bằng pháp hành thiền, bằng tâm định (samàdhi). Làm như vậy gọi là "luyện tâm". Tiên khởi hơn hết, nền tảng của pháp hành là kiên cố giới luật (sìla). Sìla, giới luật, là luyện thân và luyện khẩu. Từ đó phát sanh xung đột và rối loạn. Khi chống đối, không tự cho phép mình làm điều mình muốn ắt có xung đột. Con cọp hung dữ nổi dậy.
Ăn bớt lại! Ngủ bớt lại! Nói bớt lại! Bất luận gì là thói quen của cuộc sống trần tục, hãy giảm bớt lại. Hãy đi ngược lại sức lôi cuốn của nó. Chớ nên chỉ làm những điều mà ta ưa thích. Chớ nên buông lung, để cho dòng tư tưởng tự nhiên trôi chảy. Hãy tự kềm hảm, chấm dứt thói quen quỳ lụy phục tùng, để cho nó sai khiến. Ta phải luôn luôn đi ngược dòng lôi cuốn của vô minh. Đó là "giới luật", kỷ cương. Khi ta khép cái tâm vào khuôn khổ kỷ cương, ắt nó trở nên bất mãn và bắt đầu chiến đấu chống lại. Nó bị hạn chế và áp bức. Khi bị ngăn chận, không được tự do làm theo ý muốn thì cái tâm bắt đầu phóng đi và chiến đấu chống lại. Chừng ấy Dukkha [*], đau khổ, phát sanh, nổi lên hiển hiện cho ta thấy.
[*] Dukkha, đau khổ, hàm xúc những trạng thái tâm bất toại nguyện. Bất mãn, không toàn hảo, không an toàn, của tất cả những pháp hữu lậu. Pháp hữu lậu là những gì phát sanh và tồn tại do những yếu tố khác tạo điều kiện. Trong thực tế tất cả những sự vật trên thế gian đều là pháp hữu lậu. Bởi vì tất cả những gì làm nguyên nhân và tạo duyên (điều kiện) cho những hiện tượng ấy phát sanh đều phải luôn luôn biến đổi nên chính những hiện tượng ấy cũng luôn luôn biến đổi và do đó, là nhân sanh khổ, dukkha. Dukkha, đau khổ, bao hàm tất cả những hình thức bất toại nguyện, từ sự đau đớn thô sơ của cơ thể vật chất, những khổ đau của tuổi già, của bệnh tật và chết chóc, đến những thọ cảm khó chịu, tế nhị hơn như phải xa lìa người thân kẻ yêu, hay phải kết hợp với người không ưa thích, luôn đến những trạng thái tâm vi tế như dã dượi hôn trầm, phóng dật lo âu v.v... Đây là một trong những khái niệm thường được hiểu lầm hơn hết và cũng là quan trọng hơn hết để phát triển tâm.
Dukkha, trạng thái đau khổ, là đế (chân lý) đầu tiên trong Tứ Diệu Đế (bốn chân lý thâm sâu huyền diệu). Phần đông người ta muốn tránh xa, thoát ra khỏi đau khổ. Họ không muốn loại khổ nào hết. Đúng thật ra, chính đau khổ đem trí tuệ đến cho ta. Chính nó làm cho ta quán tưởng dukkha. Hạnh phúc, sukha, làm cho ta nhắm mắt, bịt tai và không bao giờ cho phép ta phát triển hạnh nhẫn nhục. Tiện nghi và hạnh phúc làm cho ta bất cẩn. Vì không nhẫn nhục và không chuyên cần nên ta không thể thấy được Chân Lý Thâm Diệu Cao Thượng Về Sự Khổ (Khổ Đế). Do vậy ta phải khơi dậy trạng thái đau khổ để tận diệt đau khổ của ta. Trước tiên phải hiểu biết dukkha là gì rồi mới có thể biết làm thế nào hành thiền.
Trong giai đoạn sơ khởi phải hành như thế nầy. Có thể ta không hiểu biết những gì đang xảy ra hay điểm nào là quan trọng, nhưng khi vị Thiền Sư bảo làm điều gì ta phải làm đúng lời dạy. Bằng cách đó ta trau giồi hạnh nhẫn nhục và đức tính kiên trì chịu đựng. Bất luận điều gì xảy đến, ta vẫn kiên trì chịu đựng, vì đường lối tu học là vậy.
Thí dụ như khi bắt đầu hành pháp định tâm (samàdhi) ta muốn đạt đến trạng thái vắng lặng và an tĩnh, nhưng mặc dầu cố gắng, ta không thâu đạt kết quả nào. Không có kết quả bởi vì ta chưa bao giờ hành thiền như vậy. Tâm ta nói, "ta sẽ ngồi đây cho đến khi nào thành đạt trạng thái vắng lặng". Nhưng vắng lặng không phát sanh. Ta đâm ra bất mãn, đau khổ. Và khi cảm nghe đau khổ ta đứng dậy, bỏ đi! Hành thiền như thế không thể gọi là "phát triển tâm", phải gọi là "đào tẩu".
Thay vì dễ duôi tự buông trôi theo những cảm xúc buồn vui tùy hứng của mình, ta hãy tự uốn nắn, tu tập đúng theo Giáo Pháp (Dhamma) của Đức Phật. Dầu lười biếng hay siêng năng ta cũng vẫn tiếp tục hành thiền. Có phải chăng đó là đường lối tốt đẹp hơn? Lối sống kia, lối sống buông tay tự lăn trôi theo những cơn hứng thú, lúc siêng lúc lười tùy hoàn cảnh, sẽ không bao giờ đưa đến Giáo Pháp. Nếu quyết tâm thực hành Giáo Pháp thì dầu ở trong tâm trạng nào ta vẫn một mực tinh tấn hành thiền, một mực kiên trì chuyên cần. Dễ dãi tự nuông chiều để cuộc sống đẩy đưa tùy hứng không phải là con đường của Đức Phật. Nếu khăng khăng cố giữ quan kiến riêng của mình về Giáo Pháp ta sẽ không bao giờ nhìn thấy rõ ràng điều nào là đúng, điều nào sai. Ta không hiểu biết tâm mình. Ta không tự hiểu biết chính mình.
Vậy, hành thiền theo lời dạy của chính mình là đường lối chậm trễ nhất. Hành theo Giáo Pháp là con đường trực tiếp.
Lười biếng, ta hành; siêng năng, ta hành. Ta hay biết thời gian và nơi chốn mình đang thực hành. Đó gọi là "phát triển tâm".
Nếu dễ dãi chiều theo quan kiến riêng của mình và cố gắng thực hành đúng theo đó ta sẽ bắt đầu suy tư và hoài nghi nhiều điều. Ta tự nghĩ, "Tôi không được có nhiều phước báu. Tôi không được may mắn. Tôi đã cố gắng hành thiền trong nhiều năm qua mà vẫn không thành đạt Đạo Quả nào. Tôi vẫn chưa thấy được Giáo Pháp". Hành thiền với thái độ tương tợ không thể gọi là "phát triển tâm". Gọi đó là "phát triển thảm bại".
Trong giờ phút nầy, nếu ta còn ở trong tình trạng như vậy, hành thiền mà không biết, không thấy, không tự mình thay đổi, là vì cho đến nay ta thực hành theo một đường lối sai lầm. Ta không theo đúng pháp hành mà Đức Thế Tôn giáo truyền. Đức Phật dạy: "Nầy Ànanda, hãy hành thật nhiều! Luôn luôn chuyên cần phát triển pháp hành! Chừng đó tất cả mọi hoài nghi, tất cả những gì còn mơ hồ, sẽ tan biến". Những hoài nghi và mơ hồ ấy không bao giờ biến tan vì chúng ta suy tư, vì chúng ta lập luận, vì chúng ta biện luận, hay vì chúng ta tranh luận. Những hoài nghi ấy cũng không chấm dứt vì ta không làm gì hết. Tất cả mọi ô nhiễm sẽ tan biến vì ta phát triển tâm, vì ta thực hành đúng theo Giáo Pháp.
Đường lối phát triển tâm mà Đức Phật giáo truyền có chiều hướng nghịch hẳn với con đường của thế gian, bởi vì giáo lý nầy phát nguyên từ một cái tâm hoàn toàn trong sạch. Tâm thanh tịnh không bám níu ô nhiễm là con đường của Đức Phật và chư Thánh đệ tử của Ngài.
Muốn thực hành Giáo Pháp ta phải uốn nắn, tự rèn luyện để cái tâm của mình thích hợp với Giáo Pháp. Không nên bóp méo Giáo Pháp để Giáo Pháp thích hợp với mình. Làm vậy ắt đau khổ phát sanh.
Không ai tránh khỏi đau khổ. Vậy, khi ta bắt đầu hành thiền đau khổ đã có sẵn ngay tại đây rồi.
Bổn phận người hành thiền là phải giữ chánh niệm, trụ tâm và an phận. Những pháp tu tập nầy giúp ta dừng lại. Tâm của người chưa từng bao giờ hành thiền có những thói quen buông lung. Công phu tu tập nầy chận đứng những thói quen ấy. Tại sao ta phải chịu khó như vậy? Vì nếu không chịu khó rèn luyện, ắt tâm mãi còn ở trong tình trạng hoang dại, mãi chạy theo những đường lối thiên nhiên. Ta có thể rèn luyện cái bản chất thiên nhiên ấy và xử dụng tâm một cách có lợi ích. Cũng như một cội cây. Nếu để ở trong trạng thái thiên nhiên với cành lá sum sê, ắt không bao giờ dựng lên được một ngôi nhà. Cây ở trong tình trạng ấy, ta không thể cưa ra thành ván để cất nhà. Tuy nhiên, nếu có người tiều phu rong lá, chặt cành, làm cho cây trở nên suôn sẻ, người thợ cưa sả cây ra, người thợ mộc gọt đẽo thành ván, thành cột, kèo, rui, mè v.v... không bao lâu ta có thể dùng đó mà dựng lên ngôi nhà.
Hành thiền và phát triển tâm cũng dường thế ấy. Ta bắt đầu với cái tâm chưa được rèn luyện -- giống như cội cây sum sê cành lá trong trạng thái thiên nhiên giữa rừng -- và rèn luyện cái tâm thiên nhiên ấy, làm cho nó ngày càng tế nhị, càng bén nhạy và sâu sắc hơn. Tất cả đều ở trong trạng thái thiên nhiên. Khi thấu hiểu trạng thái thiên nhiên như thế nào ta có thể đổi thay, có thể tự tách rời ra khỏi nó và buông bỏ, để nó đi qua. Chừng đó không còn đau khổ nữa.
Bản chất của tâm là mỗi khi nó dính mắc và bám níu thì có chao động và rối loạn. Nó có thể phóng đi đầu nầy rồi nhảy đi đầu kia. Trong khi quan sát ta nhìn thấy trạng thái chao động và có thể nghĩ rằng không làm sao rèn luyện được tâm. Nghĩ như vậy ta đâm ra chán nản, buồn phiền, đau khổ. Ta không thấu hiểu rằng tâm là vậy. Mặc dầu ta đang hành thiền, cố gắng tìm trạng thái an tĩnh, luôn luôn có những tư tưởng và những cảm thọ di chuyển, chao động lăng xăng. Nó là vậy.
Khi quán tưởng nhiều về bản chất của tâm ta sẽ thấu hiểu rằng tâm là vậy, không thế nào khác. Ta sẽ thấu hiểu rằng sinh hoạt của tâm chỉ là vậy. Bản chất của nó là vậy. Nếu thấy được rõ ràng như vậy ta có thể tự tách rời ra khỏi những tư tưởng và thọ cảm. Trong khi luôn luôn tự nhủ rằng, "nó là vậy, nó chỉ là vậy" ta không cần phải thêm gì khác. Khi tâm thật sự hiểu biết nó sẽ để cho tất cả trôi qua mà không dính mắc. Tư tưởng và thọ cảm vẫn còn đó. Nhưng chính những tư tưởng và thọ cảm ấy không còn năng lực lôi kéo hay quyến rũ nữa. Nó là nó, tâm là tâm.
Sự kiện nầy cũng giống như có em bé đùa nghịch làm cho ta khó chịu, la rầy, hay phát đít em. Ta nên hiểu rằng bẩm chất của trẻ con là đùa nghịch. Khi đã hiểu như vậy rồi ta có thể không quan tâm đến và để nó chơi đùa tự nhiên. Như vậy ta không còn khó chịu nữa. Trạng thái bực bội ắt chấm dứt. Tại sao trạng thái bực bội chấm dứt? Bởi vì ta đã chấp nhận bản chất thật sự của sự vật. Ta buông bỏ, không bám níu, và tâm trở nên an tĩnh. Ta đã có "chánh kiến".
Nếu quan kiến của ta sai lầm thì dầu sống trong hang đá sâu thẩm tối đen cũng vẫn bị xáo trộn, mà tung bay lên tận không trung mênh mông cũng vẫn vị xáo trộn. Tâm chỉ được an lạc khi có chánh kiến. Chừng đó không còn gì khó khăn bí ẩn để giải quyết, không còn vấn đề phiền phức.
Đó là đường lối chân chánh. Ta tự tách rời để cho tất cả trôi qua mà không dính mắc. Mỗi khi có cảm giác bám níu phát sanh ta tự tách rời ra khỏi nó bởi vì đã thấu hiểu rằng chính cảm giác ấy cũng chỉ là vậy, đến rồi đi, sanh rồi diệt. Nó đến, không phải để quấy rầy ta. Ta có thể nghĩ như vậy, cho rằng nó đến để quấy rầy ta, nhưng trong thực tế đó chỉ là bản chất thiên nhiên của nó -- cũng như đùa nghịch là bản chất thiên nhiên của trẻ con. Dầu ta có quán xét và suy tư sâu xa hơn nữa thì cũng vậy. Nó chỉ là vậy. Nếu ta để cho tất cả trôi qua thì hình sắc chỉ là hình sắc, âm thanh chỉ là âm thanh, mùi chỉ là mùi, vị chỉ là vị, xúc chạm chỉ là xúc chạm, và tâm chỉ là tâm. Cũng như dầu với nước. Ta có thể để chung dầu và nước trong một cái lọ, hai thứ vẫn không hòa lẩn nhau bởi vì bản chất của hai thứ khác nhau.
Dầu và nước khác nhau cũng như người trí tuệ và người si mê khác nhau. Đức Phật sống giữa sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nhưng đã là bậc A La Hán, Ngài xây lưng và tự tách rời ra dần dần. Ngài thấu triệt rằng tâm chỉ là tâm và tư tưởng chỉ là tư tưởng. Ngài không mơ hồ lầm lẩn và pha trộn lẩn nhau.
Tâm chỉ là tâm. Tư tưởng và thọ cảm chỉ là tư tưởng và thọ cảm. Thật sự nó là vậy, hãy để cho nó là vậy. Sự vật như thế nào hãy để cho sự vật đúng là vậy! Hãy để cho cái gì là cái đó! Sắc chỉ là sắc, thinh chỉ là thinh, ý là ý. Tại sao ta phải bận tâm bám níu nó? Nếu suy tư và thọ cảm như vậy ta sẽ buông bỏ và tự tách rời ra. Tư tưởng và thọ cảm sẽ ở một bên, còn tâm thì ở bên kia. Cũng như dầu và nước -- cả hai thể chất cùng ở trong một lọ nhưng riêng biệt, không hòa tan lẩn nhau.
Đức Phật và chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài sống chung với những người thường, những người phàm. Chẳng những sống chung với các người ấy mà các Ngài còn giáo dục họ, những người phàm tục tầm thường và si mê ấy, dạy họ phải làm thế nào để trở nên cao siêu thánh thiện, giác ngộ và có trí tuệ. Các Ngài có thể làm điều ấy vì các Ngài thông suốt pháp hành thiền. Các Ngài thấu hiểu rằng đây chỉ là vấn đề luyện tâm, như Sư vừa giải thích.
Như vậy, chớ nên lo lắng và hoài nghi pháp hành thiền. Chúng ta ly gia cắt ái để trở thành tu sĩ chớ không phải rời bỏ cửa nhà để lạc lối trong đám mây mù si mê ảo kiến. Cũng không phải vì hèn nhát hay sợ sệt. Chúng ta ra đi để tự rèn luyện, để làm chủ lấy mình. Hiểu biết như vậy ta có thể noi theo con đường của Giáo Pháp. Giáo Pháp ngày càng tỏ rạng hơn. Người nào hiểu biết Giáo Pháp hiểu biết chính mình, và người hiểu biết chính mình cũng hiểu biết Giáo Pháp. Ngày nay chỉ có phần tinh khiết còn lại của Giáo Pháp là được chấp nhận. Thật ra thì Giáo Pháp ở khắp cùng. Không cần phải lẩn đến nơi nào để tìm. Thay vì đi đâu tìm, hãy lẩn đến bằng trí tuệ, lẩn đến bằng trí minh mẫn sáng suốt, lẩn đến bằng hạnh khôn khéo tinh xảo. Không nên lẩn đến Giáo Pháp bằng si mê. Nếu muốn thật sự an lạc, trạng thái an lạc ấy phải là an lạc của trí tuệ. Đủ rồi! Chỉ có bấy nhiêu!
Bất luận lúc nào thấy Giáo Pháp thì đó là con đường chánh, đúng là chánh đạo. Ô nhiễm chỉ là ô nhiễm, tâm chỉ là tâm. Mỗi khi ta buông bỏ và tự tách rời để thấy sự vật chỉ là sự vật, như thật sự nó là vậy, chừng đó ta nhận thức rằng nó chỉ là trần cảnh, những đối tượng của ta. Khi đã đi đúng trên con đường chánh ta trở thành hoàn toàn trong sạch, không còn khuyết điểm, tức luôn luôn có trạng thái siêu thoát và tự tại.
Đức Phật dạy: "Hãy lắng tai nghe, nầy chư tỳ khưu, chớ nên bám níu vào các pháp". Nơi đây, "các pháp" có nghĩa là "các pháp hữu lậu" [*]. Các pháp hữu lậu ấy là gì? -- Nó là tất cả. Không có bất luận sự vật nào hay hiện tượng nào trên thế gian mà không phải là pháp hữu lậu. Tình thương và thù hận là pháp hữu lậu, hạnh phúc và đau khổ là pháp hữu lậu, ưa thích và ghét bỏ là pháp hữu lậu. Tất cả những sự việc ấy, dầu là ít oi không đáng kể như thế nào, đều là pháp hữu lậu. Khi ta thực hành Giáo Pháp, khi thấu hiểu sâu xa, ta có thể buông bỏ và để cho nó trôi qua. Và như thế, ta có thể làm đúng theo lời của Đức Tôn Sư là "không bám níu vào các pháp hữu lậu".
[*] Dhamma và dhamma: nên ghi nhận những ý nghĩa khác nhau của danh từ "dhamma" (định luật thiên nhiên về sự giải thoát mà Đức Phật đã tìm ra và truyền dạy) và "dhamma" (đối tượng của tâm), "các pháp hữu lậu" -- cũng được gọi là các pháp hữu vi, hay các hành, hoặc các sự vật được cấu tạo.
Tất cả những hiện tượng phát sanh trong tư tưởng, tất cả những hiện tượng phát sanh trong tâm, tất cả những hiện tượng phát sanh đến thân của chúng ta đều ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi. Đức Phật dạy không nên bám níu vào bất luận gì. Ngài dạy hàng đệ tử hành thiền nhằm tách rời ra khỏi những điều ấy chớ không phải hành để đạt đến điều gì. Hành để buông bỏ chớ không phải hành để có thêm được gì.
Nếu hành đúng theo lời dạy của Đức Phật là chúng ta hành đúng. Hành đúng, nhưng cũng phiền phức. Không phải giáo huấn của Đức Phật là phiền phức mà chính những ô nhiễm của chúng ta là phiền phức. Những ô nhiễm được hiểu biết sai lầm gây phiền phức cho chúng ta. Thật ra, hành đúng theo giáo huấn mà Đức Phật truyền dạy thì không có gì phiền phức. Ta có thể nói rằng bám sát vào con đường của Đức Phật không đem lại đau khổ vì Con Đường chỉ giản dị là buông bỏ, "để trôi qua", tức không bám níu vào bất luận pháp nào!
Đến mức cùng tột, trong pháp hành thiền của Phật Giáo Đức Phật dạy thực hành nghệ thuật "để trôi qua", "buông bỏ", chớ nên mang theo bất luận gì! Hãy buông bỏ! Nếu thấy điều tốt đẹp, hãy để nó trôi qua. Nếu thấy điều chân chánh, hãy để nó trôi qua. Nói rằng "để nó trôi qua" không có nghĩa là không làm gì hết, mà thật sự có nghĩa là phải hành phương pháp "để trôi qua" ấy. Phương pháp ấy là: không dính mắc, không luyến ái, không bám níu, mà buông bỏ.
Đức Phật dạy ta quán tưởng tất cả các pháp, phát triển Con Đường bằng cách quán niệm thân và tâm của chúng ta. Giáo Pháp không ở đâu khác. Nó ở ngay tại đây! Không phải ở nơi nào xa lạ mà trong chính cái thân và cái tâm nầy của ta.
Như vậy hành giả phải tinh tấn hành thiền. Phải làm cho tâm của mình càng to lớn hơn và ngày càng sáng suốt, tỏ rạng hơn. Phải làm cho nó tự do và độc lập. Khi đã thực hiện một hành động thiện, không nên mang nó theo trong tâm mà để nó trôi qua. Khi đã tự chế, không làm một điều bất thiện, hãy để nó trôi qua. Đức Phật dạy ta sống trong hiện tại kế cận nhất, nơi đây, và trong khoảnh khắc nầy. Chớ nên dể duôi tự buông trôi, lạc lối trong quá khứ hay trong vị lai.
Giáo huấn mà người ta ít lãnh hội nhất, mà cũng thường xung đột nhất với quan niệm của người đời là "hãy để trôi qua", hoặc "hành động với cái tâm rỗng không". Đây chỉ là một lối nói theo "ngôn ngữ của Giáo Pháp". Khi diễn đạt giáo huấn nầy qua ngôn ngữ thông thường của thế gian thì chúng ta trở nên mơ hồ, bối rối, và nghĩ rằng ta có thể làm bất luận gì mà ta muốn. Có thể diễn dịch như vậy, nhưng ý nghĩa thật sự gần nhất của lời dạy nầy là: Cũng như ta khuân một tảng đá nặng. Đi một đổi, ta cảm nghe tảng đá càng nặng hơn, nhưng không biết phải làm thế nào để buông bỏ, tách rời nó ra. Và như vậy, ta cắn răng mãi chịu đựng sức nặng của tảng đá. Nếu có ai thấy vậy bảo ta quẳng nó đi, ta sẽ nói, "nếu quẳng nó đi thì tôi còn gì?" Nếu có ai giải thích cho ta về những lợi ích của sự buông bỏ tảng đá xuống, ắt ta không tin và nghĩ rằng, "nếu quẳng nó đi ta sẽ không còn lại gì." Và như vậy, ta tiếp tục khuân vát tảng đá cho đến khi quá mệt mỏi, yếu dần và kiệt sức, không còn chịu đựng được nữa. Chừng đó ta buông tảng đá xuống.
Khi buông tảng đá xuống bỗng nhiên ta kinh nghiệm lợi ích của sự buông bỏ. Trong tức khắc ta cảm nghe thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn, và chính tự bản thân, ta nhận thức rằng khuân vác, mang kè kè theo mình một tảng đá là nhọc nhằn như thế nào. Trước khi tự tách rời, buông nó ra, ta không thể hiểu biết lợi ích của sự buông xả. Do đó nếu có ai khuyên hãy buông bỏ, người chưa giác ngộ sẽ không thông hiểu tại sao phải buông bỏ. Người ấy sẽ bám níu tảng đá một cách mù quáng và từ chối, nhất định không buông ra, cho đến khi cảm nghe quá nặng, mình không còn chịu nổi nữa mới chịu buông bỏ, quẳng xuống gánh nặng. Chừng ấy mới nghe nhẹ nhàng, thoải mái dễ chịu, và chính tự bản thân lãnh hội đầy đủ những lợi ích của sự buông xả. Về sau, có thể ta còn bắt đầu khuân một tảng đá khác, nhưng lúc bấy giờ ta đã hiểu biết hậu quả của việc khuân vát một tảng đá là nặng nhọc như thế nào, và ta sẽ buông bỏ dễ dàng hơn. Sự hiểu biết rằng mang gánh nặng trên vai đi quanh quẩn là vô ích và đặt nó xuống, bỏ nó lại, sẽ tạo cho mình trạng thái nhẹ nhàng thoải mái là một trường hợp cho thấy lợi ích của sự tự hiểu biết mình.
Tính ngã mạn [*] của chúng ta và ý niệm về một tự ngã mà ta bị chi phối nặng nề cũng giống như tảng đá. Cũng dường như đối với tảng đá, nếu nghĩ đến việc buông bỏ, không chấp vào cái tự ngã của mình thì ta sợ rằng sẽ không còn gì hết. Nhưng cuối cùng, khi buông bỏ được rồi tự chính ta nhận thức rằng không bám níu là thoải mái dễ chịu.
[*] Nơi đây danh từ "ngã mạn" được phiên dịch từ Phạn ngữ "Màna", không chỉ có nghĩa là tự cao tự đại như thường danh từ nầy được hiểu. "Màna", ngã mạn, là cố chấp vào cái "ngã" của mình và so sánh. Tự cho mình là hơn người, tự cho mình là bằng người, và tự cho mình là thua kém người, là ba hình thức khác nhau của tâm ngã mạn. Ngã mạn là một trong mười thằng thúc, tức mười dây trói buộc cột chúng sanh vào vòng luân hồi. Đến khi chứng đắc Đạo Quả A La Hán mới tận diệt được thằng thúc "ngã mạn". (Lời người dịch)
Trong pháp luyện tâm ta phải tập buông xả, không bám vào lời khen hay tiếng chê. Muốn được ngợi khen và không muốn bị khiển trách là con đường của thế gian. Con đường của Đức Phật là chấp nhận lời khen khi đáng được ngợi khen và chấp nhận lời khiển trách khi đáng bị khiển trách. Chẳng hạn như dạy dỗ trẻ con, nếu ta không rầy la suốt ngày thì thật là rất tốt. Có người rầy la quá nhiều. Người sáng suốt biết la rầy đúng lúc và khen ngợi đúng lúc. Tâm ta cũng vậy. Hãy dùng trí để hiểu biết tâm. Hãy khôn khéo chăm sóc tâm. Chừng ấy ta sẽ trở thành người có tài luyện tâm. Và khi đã trở nên thuần thục, tâm có thể loại trừ đau khổ. Đau khổ ở ngay tại đây, trong tâm ta. Đau khổ luôn luôn làm cho sự vật trở nên phức tạp, luôn luôn biến chế, luôn luôn sáng tạo, làm cho tâm nặng nề. Nó phát sanh ngay tại đây và cũng hoại diệt tại nơi nầy.
Bẩm chất của tâm là vậy. Đôi khi có những tư tưởng thiện, lắm lúc có những tư tưởng bất thiện. Tâm quả thật gian xảo. Không nên tin nó. Thay vì tin, hãy nhìn thẳng vào sinh hoạt của nó. Nó như thế nào hãy chấp nhận nó là vậy. Nó chỉ là nó thôi. Dầu là thiện, bất thiện, hay thế nào đi nữa, nó là vậy. Không hơn, không kém. Nếu ta bám chặt vào ắt bị nó cắn và sẽ đau khổ.
Với "chánh kiến" chỉ có an tĩnh. Tâm định (samàdhi) phát sanh và nhường chỗ cho trí tuệ. Dầu trong tư thế nào, bất luận nơi nào mà ta ngồi hoặc nằm, chỉ có trạng thái an tĩnh. An tĩnh ở khắp nơi, dầu ta đi đâu cũng vậy.
Hôm nay quý Sư Huynh mang đệ tử đến đây để nghe Giáo Pháp. Có lẽ quý vị lãnh hội được một vài điểm của thời Pháp. Cũng có vài điểm quý vị không lãnh hội. Nhằm giúp quý vị thấu hiểu dễ dàng Sư đã đề cập đến pháp hành thiền. Dầu quý vị nghĩ rằng lời của Sư đúng hay không đúng, hãy thọ lãnh và suy niệm.
Chính Sư đây cũng là một thiền sư như quý Sư. Sư cũng đã có trải qua những trường hợp khó khăn tương tợ. Sư cũng vậy, rất thèm muốn được nghe Giáo Pháp bởi vì đi đến đâu Sư cũng phải giảng cho người khác chớ không bao giờ được cơ hội để nghe. Như vậy, lần nầy quý Sư thật sự thưởng thức một thời Pháp do một thiền sư thuyết giảng. Thời gian trôi qua rất nhanh khi ta ngồi im lặng lắng nghe Giáo Pháp. Quý vị thèm khát được nghe Giáo Pháp nên hôm nay thật sự quý vị muốn nghe. Lúc ban đầu, thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác là một thích thú, nhưng sau một thời gian cái thích thú ấy cũng tan dần. Ta cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, thế rồi ta muốn nghe. Do đó, khi lắng nghe một vị thiền sư thuyết giảng ta lấy làm hứng thú và lãnh hội dễ dàng. Khi đã lớn tuổi và đang thèm khát Giáo Pháp thì hương vị của Giáo Pháp quả thật đặc biệt thích thú.
Là thầy của những người khác quý Sư là gương lành cho họ, là khuôn vàng thước ngọc cho những vị tỳ khưu đệ tử của quý Sư. Quý Sư là khuôn mẫu cho hàng đệ tử, là gương sáng cho tất cả mọi người. Vì lẽ ấy chớ nên quên mình. Cũng chớ nên nghĩ đến mình. Khi có những tư tưởng vị kỷ phát sanh, hãy loại trừ nó đi. Làm được vậy là tự hiểu biết mình.
Có hằng triệu đường lối hành thiền. Nói về pháp hành thiền thì không cùng. Có rất nhiều điều làm cho ta hoài nghi. Hãy dẹp sạch nó đi thì không còn hoài nghi nữa! Khi có chánh kiến thì dầu ngồi đâu, đi nơi nào, cũng được an tĩnh và thoải mái. Bất luận nơi nào mà ta ngồi xuống hành thiền thì đó là nơi mà ta chú niệm và luôn luôn tỉnh thức. Chớ nên đinh ninh rằng chỉ có lúc ngồi và khi đi mới hành thiền. Tất cả mọi sự vật và bất luận nơi nào cũng có thể tỉnh thức. Lúc nào cũng có thể chú niệm. Bất luận nơi nào ta cũng có thể thấy thân và tâm luôn luôn sanh diệt. Chớ nên để nó động lại trong tâm. Hãy để cho nó trôi qua.. Nếu có tình thương đến, hãy để nó trôi qua và đi về nhà. Nếu có tham ái đến, hãy để cho nó đi luôn về nhà. Nếu có sân hận đến, hãy để cho nó đi luôn về nhà. Theo dõi nó! Xem coi nó ở đâu, rồi hộ tống nó đi. Không nên cất giữ bất cứ gì. Nếu thực hành như thế ta có thể giống như một ngôi nhà trống. Hoặc nữa, giải thích theo một lối khác, đó là cái tâm trống không. Một cái tâm rỗng không, không còn chứa đựng mảy may bất thiện pháp nào. Ta gọi nó là "tâm rỗng không", nhưng không phải rỗng không là không có gì trong đó. Rỗng không, không còn chứa chấp mảy may bất thiện pháp nào, nhưng nó đầy trí tuệ. Chừng đó, bất cứ điều gì mà ta làm, ta làm với trí tuệ. Ta sẽ suy tư với trí tuệ. Ta sẽ ăn uống với trí tuệ. Chỉ còn lại trí tuệ.
* * *
Bấy nhiêu đó là những lời dạy ngày hôm nay mà Sư lấy làm hoan hỷ hiến tặng quý Sư. Thời Pháp nầy đã được ghi âm. Nếu nghe Pháp mà tâm quý Sư được an tĩnh thì bấy nhiêu đó cũng đủ rồi. Quý Sư không cần phải ghi nhớ điều gì. Nói vậy có thể vài người không tin. Nhưng nếu ta giữ tâm an tĩnh và chỉ nghe thôi, cứ để thời Pháp trôi qua và liên tục suy tưởng, tức nhiên ta cũng giống như cái máy ghi âm. Về sau, khi ta vặn nó lại để nghe thì tất cả đều còn đó. Chớ nên sợ rằng sẽ không có gì. Mỗi khi mà quý Sư vặn lên cái máy ghi âm của quý Sư để nghe thì tất cả đều còn đó.
Sư muốn tặng thời Pháp nầy đến tất cả quý Sư và tất cả mọi người. Có thể vài người trong quý vị chỉ biết chút ít tiếng Thái, nhưng không hề gì. Ước mong quý vị có thể học ngôn ngữ của Giáo Pháp. Bấy nhiêu cũng tốt rồi!
___________________________________
[1] Ngài Ajahn Mun có lẽ là vị Thiền Sư được quý trọng nhất và cũng có nhiều uy tín nhất tại Thái Lan trong thế kỷ nầy. Theo sự hướng dẫn của Ngài tập tục thực hành hạnh Đầu Đà (Dhutanga kammatthàna) của chư vị tỳ khưu sống trong rừng đã trở thành quan trọng. Phần lớn các Ngài Đại Thiền Sư hiện nay và những vị đã viên tịch trong thời gian gần đây đều, hoặc là đệ tử chánh thức hoặc đã chịu nhiều ảnh hưởng của Ngài. Ajahn Mun tịch diệt vào tháng 11 năm 1949.
[2] Ajahn Sao là thầy của Ajahn Mun.
Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt