Chúng ta thường nghe nói rằng chữ tu có nghĩa là sửa. Tu tập có nghĩa là ta sửa đổi để mình có thể được trở nên tốt đẹp hơn, sống an vui và hạnh phúc hơn. Nhưng vấn đề “sửa đổi” ấy cũng không dễ hiểu và đơn giản như chúng ta vẫn tưởng. Vì thế nào là sửa đổi, mà thật ra ta có thể thay đổi được những gì?
Đừng tự lừa phỉnh mình
Jules Shuzen Harris là một nhà phân tâm học và cũng là một giáo thọ thuộc truyền thống Thiền Tào Động Nhật bản. Ông Shuzen Harris có chia sẻ với học trò mình một bài nói chuyện với tựa đề là “Đừng tự lừa phỉnh mình.”
“Sự tu tập của bạn sẽ không làm thay đổi gì được thế giới này. Nếu bạn chịu cố gắng lắm thì hy vọng rằng nó sẽ tạo được một vết hằn nho nhỏ nào đó ở nơi bạn mà thôi.
Người mà duy nhất bạn có thể thay đổi chính là người đang ngồi đó trên tọa cụ.
Bạn không thể nào thay đổi được tôi. Bạn không thể nào thay đổi được chồng hay vợ của mình, và cũng không sửa đổi gì được những đứa con, mặc dù bạn sẽ vẫn cứ tiếp tục cố gắng. Ta không thể thay đổi được bất cứ một việc gì. Ta chống đối điều ấy. Tôi biết điều đó rất khó chấp nhận, nhưng nó cần thiết nếu như bạn muốn mình được thật sự tự do.
Đạo Phật không chú trọng về khổ đau mà là sự an vui. Nhưng làm sao ta có thể thật sự an vui nếu như mình cứ chạy loanh quanh muốn thế giới chung quanh phải thay đổi, chỉ vì chúng ta cảm thấy khó chịu và bất an? Tu tập không phải là để ta đi tìm kiếm một sự an ổn và chắc chắn nào hết.
Nếu như trong lúc này bạn muốn được tự do và giải thoát, thì ngay ở đây chính là nơi mà bạn có thể học được điều ấy. Nhưng bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó. Sự tu tập chỉ là như vậy thôi.”
Không phải là sửa đổi hay chấp nhận
Đó có phải là một nhận xét bi quan và tiêu cực lắm không bạn? Thật ra tôi nghĩ, có lẽ điều ấy cũng là một sự thật.
Nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là ta hãy chấp nhận và không làm gì hết, mà là ta có thấy rõ được nó không? Vì nếu như ta không thấy được rằng nó phát khởi từ một sự tạo tác do những tham ái và mong cầu, thì cho dù có thể là hay là đẹp lúc đầu, nhưng cuối cùng rồi cũng sẽ mang lại cho ta một sự bất an khác.
Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề. Trong kinh kể lại, Phật đã do dự trước khi Ngài quyết định trở lại với xã hội con người. Có lời giải thích rằng, sở dĩ đức Phật do dự là vì Ngài thấy rõ mỗi chúng sinh đều đang sống theo đúng luật nhân quả của họ, không ai có thể làm gì được, và dưới con mắt tuệ giác của Phật thì mọi việc tự nó đã là hoàn hảo rồi. Điều đức Phật chỉ có thể làm là khai thị, chỉ cho chúng ta thấy được con đường để tự mình giải thoát và đi đến tự do.
Khói lam về nơi nao
Vương Duy là một nhà thơ đời Đường. Ông còn được gọi là nhà Thi Phật, vì các bài thơ ông viết đều mang những sắc màu thanh cao, trong sáng và nhiều thiền vị. Ông có làm một bài thơ ghi lại cảnh chiều về trên vùng núi Võng Xuyên nơi ông ở.
Thu sơn liễm dư chiếu,
Phi điểu trục tiền doanh.
Phỉ thuý thời phân minh,
Tịch lam vô xứ sở.
Núi thu vương nắng chiều
Chim bay lượn theo nhau
Cỏ xanh sáng màu tím
Khói lam về nơi nao
Mỗi câu trong bài thơ là một bức tranh, ghi lại những khoảnh khắc linh động, mà cũng biến đổi nhanh. Núi rừng mùa thu giữ lại chút vạt nắng chiều còn vương vấn trong cây lá. Những con chim nhỏ bay theo nhau trong không gian chiều tà. Màu cỏ cây xanh chợt đổi thành tím biếc theo ánh nắng hoàng hôn sắp tắt. Và rồi đâu đó, làn khói lam chiều lãng đãng vương vấn không có nơi nào cư trú.
Bài thơ là một bức tranh đơn sơ, giản dị, mà tác giả không cần thêm vào sự giải thích hay phê bình nào. Và cũng nhờ tác giả không thêm bớt gì, chỉ ghi lại như nó là, mà ngàn năm sau ngồi đây đọc lại, chúng ta cảm thấy như mình vẫn có thể tiếp chạm được với những hình ảnh và màu sắc linh động ấy.
Bụi đừng xoa, đừng phủi
Tôi nghĩ, mỗi câu thơ gợi lên trong mỗi chúng ta một hình ảnh riêng, chắc rằng không ai giống nhau, nhưng tất cả đều chân thật như nhau. Tịch lam vô xứ sở. Như những làn sương khói, cuộc sống tuy luôn biến đổi, đến rồi đi, mà mỗi lúc vẫn là vẹn toàn.
Có lẽ sự tu tập của ta cũng như thế, giữ cho cái nhìn của mình được đơn sơ, tĩnh tại và hồn nhiên. Và vì sự tĩnh tại hồn nhiên ấy không phải là một phương pháp đặc biệt nào để ta rèn luyện, sửa đổi hay thành đạt, nên nó không có sự đúng hay sai, thành công hay thất bại.
Nó chính là sống thật với mình, có mặt với những kinh nghiệm nào đang có mặt nơi ta, đang xảy ra trong thân tâm ở giây phút này. Và như ông Jules Shuzen Harris chia sẻ, “Bạn sẽ không thể nào thật sự có tự do, trừ khi bạn nhìn lại tất cả mọi khía cạnh của mình một cách trọn vẹn, và đối diện với nó.”
Mấy tháng trước tôi có dip được gặp Sư Giới Đức. Sư có viết tặng mấy câu thơ:
Bụi đừng xoa, đừng phủi
ngắm nhìn tĩnh tại thôi
Gió lao xao khóm trúc
mất tích tận cuối vời
Sự tu tập không phải là để ta được trở thành một cái gì đó hay đẹp hơn, hoặc có hạnh phúc hơn, mà là để ta trở lại với sự toàn vẹn sẵn có. Trong một cuộc sống lăng xăng và tạo tác, chúng ta thường quen xem trọng cái làm hơn là cái thấy.
Bạn biết không, thật ra không phải là ta đừng bao giờ cần xoa hay phủi, hay sửa đổi, mà vấn đề trước hết là mình có thể lắng nghe và ngắm nhìn nó cho được tĩnh tại không. Thấy rõ rồi thì nhiều khi vấn đề sẽ tự nó chỉnh sửa lại tự nhiên thôi... Và nếu như có một sự tu tập nào đó, thì có lẽ chỉ là như vậy thôi, phải thế không bạn!
Nguyễn Duy Nhiên