Giáo pháp đoạn diệt luân hồi

Bài kinh ngắn này được trích từ một trong những tuyển tập kinh xưa cổ nhất của Đại thừa Phật giáo, kinh Đại Bảo Tích (Ratnakuta), nói về ý nghĩa tánh Không. Nếu bản tính của hiện tượng là không, vậy thì cái tâm đối đãi muốn nhận đó là thật để có thể nắm bắt được hay trốn tránh, cùng cả một thế giới đang hiện ra như thực trước mắt, đều thực sự là không từng hiện hữu. Tuy nền tảng là bất sinh, nhưng vẫn hiện ra trước mắt như một trò ảo thuật. Bởi vì tính bất sinh, nên cũng chẳng từng hoại diệt. Điều vượt ngoài mọi suy luận nghĩ bàn đó được gọi là niết bàn.

Bối cảnh của kinh này là vườn Kỳ Viên ở ngoại ô thành phố Shravasti ở phía Bắc sông Hằng, miền Trung Ấn. Đây là địa điểm của một trong những tu viện lớn đầu tiên được lập ra cho Đức Phật và tăng đoàn, do vị thí chủ lớn là trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường. Trong kinh này, Đức Phật bị chất vấn gắt gao về lý thuyết căn bản của ngài, do nữ cư sĩ can cường Gangottara, một người tinh thông và nắm vững những giáo lý của Đức Phật, tuy hơi thiên về chấp không. Tuy tranh luận rất gay go, nhưng bà luôn luôn kính trọng Đức Phật, gọi ngài là Như Lai.
“Tôi nghe như vầy, một ngày nọ Đức Phật đang ngụ tại vườn Kỳ Viên của trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành phố Shravasti (Xá Vệ). Lúc đó, một nữ cư sĩ tên là Gangottara rời nhà ở Sravasti đến yết kiến Đức Phật. Bà đê đầu đảnh lễ trước chân Đức Phật, xong đứng qua một bên, rồi ngồi xuống.
Đức Thế Tôn hỏi Gangottara: “Con từ đâu đến?”
Nữ cư sĩ bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu có ai hỏi một người do ảo thuật tạo ra đến từ đâu, thì câu hỏi đó phải được trả lời như thế nào?”
Đức Phật nói, “Một con người do ảo thuật tạo ra không đến cũng không đi, không sinh cũng không hoại diệt, làm sao có thể hỏi người ấy đến từ đâu được?”
Lúc đó, nữ cư sĩ hỏi, “Bạch Đức Thế Tôn, tất cả các pháp có thực là huyễn ảo, như trò ảo thuật không? “
Phật nói, “Đúng như vậy. Điều con nói là thực.”
Gangottara hỏi, “Nếu tất cả các pháp là huyễn ảo như trò ảo thuật, vậy tại sao Ngài lại hỏi con đến từ đâu?”
Đức Thế Tôn bảo bà, “Một con người do ảo thuật tạo ra không đi đến những cõi giới có đau khổ, không đi lên cõi trời, cũng chẳng đạt đến niết bàn. Gangottara, con có như vậy không?”
Nữ cư sĩ trả lời: “Theo như con thấy, nếu sắc thân này của con có khác biệt với một người do ảo thuật tạo ra, thì con mới nói được đến chuyện đi tới những cõi giới tốt lành hay đau khổ, hay đạt đến niết bàn. Tuy nhiên, con không thấy có gì khác biệt giữa sắc thân của con và một người do ảo thuật tạo ra, vậy thì làm sao con nói được đến chuyện đi tới những cõi giới tốt lành hay đau khổ, hay đạt đến niết bàn được?

Hơn nữa, bạch Đức Thế Tôn, tánh của niết bàn là không tái sinh trong những cõi giới tốt lành hay đau khổ, cũng không có trải nghiệm nhập diệt niết bàn. Theo như con cảm nhận thì điều đó cũng giống như tánh của con vậy. “
Đức Phật hỏi, “Con không tìm cảnh giới niết bàn sao?”
Gangottara hỏi ngược lại, “Nếu câu hỏi này được đặt ra cho người chưa từng sinh, thì câu trả lời sẽ như thế nào?”
Đức Phật trả lời, “Cái chưa từng sinh chính là niết bàn.”
Gangottara lại hỏi, “Như vậy có phải tất cả các pháp đều giống với niết bàn chăng?”
Đức Phật trả lời, “Đúng thế, đúng như vậy.”
“Bạch Thế Tôn, nếu tất cả các pháp đều giống với niết bàn, tại sao ngài hỏi con là “sao không tìm cảnh giới niết bàn”?
Lại nữa, Thế Tôn, nếu một người do ảo thuật tạo ra hỏi người khác cũng do ảo thuật tạo ra rằng, “ngươi không tìm cảnh giới niết bàn sao?” thì câu trả lời sẽ như thế nào?”
Đức Thế Tôn trả lời: “Một người do ảo thuật tạo ra không có những vọng tưởng trong tâm (nên không tìm kiếm gì cả).”
Gangottra hỏi tới, “Vậy câu hỏi của Như Lai có đến từ những vọng tưởng trong tâm chăng?”
Đức Thế Tôn nói, “Ta đặt câu hỏi bởi vì trong pháp hội này có những thiện nam tín nữ đang có thể được khai ngộ. Ta đã lìa khỏi những vọng tưởng trong tâm. Vì sao? Bởi vì Như Lai biết rằng ngay cả tên gọi của các pháp cũng đã không thể suy luận nghĩ bàn được, huống chi là nói đến chính các pháp và những người đang tìm kiếm niết bàn”.
Gangottara nói, “Nếu vậy, tại sao cần phải tích lũy thiện căn để có thể đạt được giác ngộ?”
Đức Phật trả lời, “Bồ Tát hay thiện căn của Bồ Tát đều không thể nắm bắt được, bởi vì trong tâm Bồ Tát không còn ý nghĩ phân biệt có tích lũy thiện căn hay không.”
Gangottara hỏi,” Bạch Thế Tôn, Ngài nói “không còn ý nghĩ phân biệt” là ý nghĩa như thế nào?”
Đức Thế Tôn trả lời, “Cái không còn ý nghĩ phân biệt là cái không thể nắm bắt được. Vì sao? Bởi vì trạng thái không có ý nghĩ phân biệt, dù ngay cả tâm cũng đã không thể nắm bắt được, huống chi là những hoạt động tâm sở. Trạng thái tâm không nắm bắt được đó gọi là không thể nghĩ bàn. Nó không thể nắm giữ được hay thực hiện được; nó không thuần khiết, cũng không phải là bất thuần khiết. Vì sao vậy? Bởi vì, như Như Lai thường dạy, tất cả các pháp đều là không và không có gì ngăn trở như hư không vậy.”
Gangottara hỏi, “Nếu tất cả các pháp đều như hư không, tại sao Đức Thế Tôn lại nói đến ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), 18 thức, 12 xứ, 12 nhân duyên, ô nhiễm hay không ô nhiễm, thanh tịnh và bất tịnh, luân hồi và niết bàn?”
Đức Phật nói với Gangottara, “Ví dụ như khi ta nói đến một cái “ngã”, tuy ta dùng một ngôn từ để diễn tả một khái niệm, nhưng thật ra tánh của cái “ngã” là không thể nắm bắt được. Ta nói đến tướng, nhưng trong thực tế tánh của tướng là không thể nắm bắt được, và các pháp khác cũng đều như thế, cho tới niết bàn cũng vậy. Như ta không thể tìm thấy nước trong các ảo ảnh, ta cũng không thể tìm thấy tánh trong tướng, và tất cả các pháp khác cũng vậy, cho tới niết bàn cũng đều như thế.
Gangottara, chỉ người nào tu hạnh thanh tịnh theo đúng như Pháp, nhận biết rằng không gì có thể nắm bắt được, mới xứng đáng được gọi là một người tu hạnh thanh tịnh chân chính. Còn kẻ kiêu mạn nói là đã nắm bắt được điều gì đó, ta không thể nói là kẻ đó đã thực sự tu hạnh thanh tịnh. Những kẻ kiêu mạn như thế sẽ hãi sợ và nghi ngờ khi nghe Pháp thâm diệu này. Họ sẽ không thể giải thoát được sinh lão bệnh tử và những lo âu, đau khổ, phiền não của thế gian.
Gangottara, sau khi ta nhập niết bàn, sẽ có một số người có thể truyền bá được Pháp thâm diệu có thể chấm dứt được vòng quay của luân hồi này. Tuy nhiên, cũng có những kẻ điên rồ theo ác kiến, sinh tâm thù ghét những vị chân tu theo chánh pháp, và liên tục tìm cách làm hại họ. Những kẻ điên rồ đó sẽ bị đọa vào địa ngục.”Gangottara hỏi, “Bạch Thế Tôn, ngài nói Pháp thâm diệu này “có thể chấm dứt vòng quay của luân hồi”, điều đó có nghĩa như thế nào?”
Đức Thế Tôn trả lời, “Chấm dứt vòng quay của luân hồi là thấu suốt được chân lý hiện tiền, cõi giới không thể nghĩ bàn. Pháp đó không thể bị hủy hoại hay tiêu diệt được. Do vậy nên được gọi là giáo pháp đoạn diệt luân hồi.”
Nói xong, Đức Thế Tôn mỉm miệng cười tươi, phóng ra từ trán những hào quang mầu xanh, vàng, đỏ, trắng và lưu ly rực rỡ. Những hào quang này chiếu sáng đến vô số quốc độ, đến tận cõi giới cao như cõi trời phạm thiên, rồi thu về nhập vào trán của Đức Phật. 
Trước cảnh đó, tôn giả A-Nan nghĩ thầm, “Như Lai, bậc Ứng Cúng Vô Thượng Giác, ít khi nào mỉm cười mà không có lý do.” Tôn giả bèn đứng lên, trật vai bên phải ra, rồi quỳ gối xuống chắp tay trước Phật hỏi rằng:
“Bạch Thế Tôn, vì sao ngài mỉm cười như thế?”
Đức Phật trả lời, “Ta nhớ lại trong quá khứ về trước, một ngàn vị Như Lai cũng đã giảng Pháp này ở đây, và mỗi pháp hội đó đều được dẫn đầu bởi một nữ cư sĩ tên là Gangottara. Sau khi nghe giảng Pháp này, nữ cư sĩ và tất cả pháp hội đều xuất gia, và khi tới thời, họ đều nhập được vô dư niết bàn.”
A-Nan hỏi Đức Phật, “Vậy chúng con gọi kinh này là kinh gì, và thọ trì ra sao?”
Đức Phật nói,”Kinh này gọi là kinh Viên Dung Thuần Khiết và phải được thọ trì đúng như tên ấy.”
Sau khi nghe kinh này, 700 vị tăng và 400 vị ni đều tự xa rời cấu nhiễm , tâm rỗng rang thanh tịnh, thoát ly khỏi những chấp trước.
Lúc đó, chư thiên của Cõi A Tu La đã biến hóa nhiệm mầu vô số loài hoa trời với đủ sắc mầu kỳ diệu rải trên mình Đức Phật, nói rằng, “Thật hiếm thay! Vị nữ cư sĩ này dám đối thoại với Đức Như Lai một cách bình đẳng không sợ hãi. Chắc hẳn vị này trong quá khứ đã từng hầu hạ cúng dường vô số đức Phật và đã vun trồng vô số căn lành với chư Phật.”
Sau khi Đức Phật nói kinh này xong, nữ cư sĩ Gangottara và toàn thể trời, người, atula, càn thát bà (vị thần Hương Ấm) đều vô cùng hoan hỉ được nghe những lời chỉ dạy, và hết lòng kính ngưỡng tin nhận thọ trì.

Bản dịch tiếng Anh: Garma C.C. Chang
Lưu Ly dịch ra tiếng Việt

(Trích từ “An Introduction to the Buddha and his teachings”)

Theo ngocbao.com