Chết trong khi đang sống - Thiền sư Soko Morinaga

Thiền sư Soko Morinaga
Khi tôi trở thành một tăng sĩ và gia nhập thiền viện, tôi đã ước ao thật mãnh liệt, hơn bất cứ thứ gì trên đời, là làm sao được giác ngộ. Kyoto, nơi có trụ sở thiền viện của tôi, không phải là một mảnh đất có ruộng đồng trù phú, vì thế phần thực phẩm quy định cho một tháng thường được giới hạn chỉ đủ cho mười ngày. Thực phẩm chính của mười ngày ấy bao gồm những thứ như là bắp và bột khoai lang, và đôi khi một thứ bột trà mầu vàng úa không thể nào uống được. Ðó là những thứ đã nuôi thân mạng tôi khi đang ở trong thiền đường, nhất tâm tọa thiền và tìm sự giác ngộ.
Nhưng kinh nghiệm giác ngộ không đến một cách dễ dàng. Trước khi bắt đầu tu Thiền, tôi đã được dậy để nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, suy nghĩ bằng đầu óc, và đó là cách duy nhất tôi dùng để tìm hiểu mọi sự. Nhưng khi vào tu, tôi lại được chỉ cho rằng satori (giác ngộ) không phải là một loại kết luận rút ra từ những phán xét riêng tư dựa trên những cảm giác phân biệt của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Dù vậy, tôi vẫn chưa thể nắm được cách nào để buông bỏ những thói quen cảm nhận xưa nay và tập kinh nghiệm theo một cách khác.

Ðại Ðăng Quốc Sư (Daito Kokushi), vị sáng lập ra thiền viện Ðại Ðức (Daitokuji) và là một trong những vị thiền sư kiệt xuất nhất trong lịch sử của Nhật Bản, trong những lời thị tịch đã khuyến cáo như sau: “Hãy luôn luôn chú tâm, suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong ngày, để học cái Không Thể Nghĩ Bàn.” Cái Không Thể Nghĩ Bàn ấy vượt lên trên mọi lý luận hay sự hiểu biết của trí thức, và tôi không biết một chút gì để tìm cách nào dồn năng lượng vào sự tu học cái Không Thể Nghĩ Bàn này. Vì thế tôi cứ tọa thiền một cách mù quáng. Hàng đêm khi mọi người đã ngủ say hết rồi, tôi vẫn kiên trì ở đó ngồi trên chiếc gối thiền. Không may là, trong thời gian này tôi lại được giao nhiệm vụ đánh thức mọi người buổi sáng.
Như tôi đã nói ở trên, thực phẩm lúc đó rất ít oi, và tôi vốn lại gầy gò nữa. Ban ngày tôi vất vả làm những việc lao tác chân tay và thực hành tu tập, đến tối lại tiếp tục tọa thiền không ngủ suốt đêm, vì vậy tuy hết sức muốn ngồi thẳng người lên, nhưng rồi tôi cũng lại rơi vào một trạng thái mê mệt, sẵn sàng ngất xỉu đi và ngã lăn khỏi gối thiền.
Giờ thức dậy buổi sáng trong thiền viện là ba giờ sáng mỗi ngày. Chắc tôi thường hay ngất đi vào khoảng 2 giờ hay 2 giờ rưỡi sáng. Lúc bừng tỉnh dậy, tôi đã thấy quá giờ đánh thức mọi người rồi. Việc này kéo dài khoảng ba ngày, cuối cùng tôi bị khiển trách nặng nề, bị kết tội “ngủ quên” và vì thế đã làm xáo trộn chương trình hàng ngày của cả thiền viện. Chức vụ tôi được giao cho gọi là Densu. Tôi được nhắc nhở thật rành rọt rằng luật lệ của thiền viện đã quy định rằng người làm densu phải canh đồng hồ như là “canh chính cặp mắt của mình vậy”.
“Ngươi có thực sự có ý muốn tu hay không hả?” Vị huynh trưởng của tôi quát lớn. “Ngươi tưởng ngươi đến đây để làm gì?”
Khi bị hỏi là có ý muốn tu hay không, điều đó có nghĩa là có thể bị đá ra khỏi thiền đường. Nhưng may thay, Thầy đã thương hại tôi, và những học tăng bạn cũng giúp đỡ, che chở tôi khỏi bị sơ sểnh thêm nữa. Dù vậy, tôi vẫn còn bướng bỉnh tiếp tục tọa thiền mà không nằm xuống chút nào về đêm. Mặc dù liên miên ngồi thiền một cách kiên trì như vậy, hàng đêm tôi vẫn rơi vào trong cơn mê mệt và ngủ thiếp đi, nên việc tọa thiền của tôi chẳng mạnh mẽ và sáng tỏ được chút nào.
Thế rồi, vấn đề lại càng trở nên tệ hại hơn, khi tôi lý luận rằng ăn vào là chỉ làm buồn ngủ thêm, nên ngưng không ăn nữa. Như tôi đã nói ở trên, những bữa ăn thời ấy không được đầy đủ chút nào. Chúng tôi dùng bữa theo nghi thức, tụng một bài kinh trước và sau khi ăn. Trước mỗi bữa ăn thường có thông báo về bữa ăn ấy như là “Bữa trưa hôm nay phần mỗi người sẽ gồm có ba cái bánh xếp”. Như vậy có nghĩa là mỗi vị tăng sẽ nhận được ba viên bánh làm bằng bột khoai ép lại, mỗi viên chỉ to bằng đồng xu thời xưa. Không có nước tương hay miso gì cả, những viên bánh này được luộc trong nước muối, và chúng tôi mỗi người được phát cho ba chén. Dù chỉ có thế mà tôi cũng ngưng không ăn vì nghĩ là sẽ bị làm cho buồn ngủ, điều đó quả tình là tôi đã đi quá xa.
Thế rồi, một đêm nọ, tôi không còn một chút sức lực nào nữa.
Tôi mất hết cả ý chí muốn được giác ngộ; sự tiếp tục tìm kiếm giác ngộ (satori) dường như là điều không thể nào tưởng tới được nữa. Tôi không còn một chút năng lực tối thiểu nào của vật chất và tinh thần cần thiết để giữ một mức độ ý thức trong đó cái thấy được xác định bằng mắt và cái nghe được xác định bằng tai. Cái gối thiền mềm mại ở dưới tôi lúc đó là cả một miếng thép cứng đơ. Toàn thân tôi là một tổng hợp của những cơn đau như dần. Ðó không còn là “Tôi” đang ngồi trên gối thiền nữa; mà chỉ là cả một sự mệt mỏi chất ngất . Ýù thức tưởng chừng như đã lạc mất trong màn sương mù dầy đặc, tất cả chỉ còn là một sự mơ hồ.
Ðột nhiên, dưới một lực nào đó mà tôi không được rõ, màn sương mù bỗng tan đi và biến mất. Và không phải là cơn đau đớn của thể xác tôi đã biến đi, nhưng là cái thân chịu đựng sự đau đớn đó đã biến đâu mất. Mọi sự trở nên hoàn toàn sáng tỏ. Ngay cả trong màn đêm mờ tối, mọi sự cũng được thấy một cách thật tinh tường. Tiếng động nhỏ nhất cũng có thể nghe được rõ ràng, nhưng không còn người đang nghe. Tôi tin rằng, điều này cũng tựa như là đã chết đi trong lúc còn đang sống vậy.
Vào lúc đó, không còn có một khởi niệm nào cả. Tôi không có một ý niệm gì là trạng thái sáng tỏ hoàn toàn ấy kéo dài bao lâu, là điều gì đã xẩy ra trước đó hay sau đó. Có lẽ rằng một giọng nói sắc cạnh nào đó đã đánh thức tôi ra khỏi trạng thái đó. Tôi chỉ biết rằng khi sực tỉnh lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần! Như tôi không còn biết là bàn tay tôi đang múa, tiếng chân tôi đang bước. Trong tâm trí tôi không hề có một ý tưởng nào thoảng qua là tôi đang có một kinh nghiệm giác ngộ hay là “tôi đã kiến tánh” (kensho). Không cần lý luận gì cả, tôi chỉ cảm thấy một niềm vui choáng ngợp, tưởng chừng như có một gánh nặng chĩu trên vai bỗng nhiên đã được lấy đi.
Hồi tưởng lại kinh nghiệm này, nhớ đến nhiều đoạn kinh khác nhau và qua những ngữ lục của các vị tổ thời xưa, tôi thấy một bài kệ của Thiền sư Chí Ðạo Vô Nan (Shido Bunan Zenji) thật là thích hợp:

Chết trong khi đang sống
Chết một cách toàn diện
Mọi việc cứ tùy duyên
Sẽ tốt đẹp tự nhiên


Tâm lý gia danh tiếng Elizabeth Kubler-Ross đã thu thập những lời kể lại của những người đã trải qua kinh nghiệm chết giả và rồi trở về được và thuật lại. Theo những bản tường trình này, khi người ta bắt đầu chết, ngay trong giây phút đó, không những cái thân xác bị dầy vò bởi bệnh hoạn và đau đớn được hoàn toàn giải thoát khỏi sự đau khổ ấy, mà chính người ấy cũng có cảm giác thực sự là họ được giải thoát khỏi thân xác ấy. Những người này báo cáo rằng, tuy là họ không biết họ đang ở đâu, nhưng họ có thể thấy rõ ràng những người khác đang tụ tập chung quanh xác họ, than khóc níu kéo và cố lay xác họ. Xem thế, dường như là có sự tương đồng nào đó giữa kinh nghiệm của cái chết giả và cái “chết” trong khi nhập định, nhưng đây là một điều tôi không dám chắc được.
Những gì mà tôi và những người khác đã trải qua những kinh nghiệm tương tự có thể xác định được là có một trạng thái của tâm vượt ra khỏi nhân và quả, một trạng thái khác biệt với trạng thái trong đó chúng ta tìm cách thụ đắc được “điều này” bằng việc làm một “điều kia”. Ðó là một trạng thái Ðịnh trong đó mỗi giây phút đều tự nó là đầy đủ, đều là trọn vẹn như thế. Mỗi giây phút đều được phản chiếu lại một cách hoàn hảo, như đang đứng trước một tấm gương vậy.
Nếu chúng ta dồn hết năng lực để sống với tính cách như là “trồng cây rồi ăn quả”, gieo tạo nhân lành cho đời sống thế gian hữu hạn này, thì đó cũng là một điều kỳ diệu và cần thiết. Nhưng nếu sống mà chỉ biết tùy thuộc vào luật Nhân Quả -- hành động để nhận lãnh cái quả sẽ tới trong tương lai gần hay xa -- thì rồi thế nào, người ấy cũng gập phải chướng ngại và sẽ cảm thấy tuyệt vọng.
Tuy nhiên, bằng cách trực diện với những gì bạn đang có ngay trước mắt, ngay trong lúc này, hoàn toàn không phán xét hay lượng định gì cả, bạn có thể vượt qua tất cả những vấn đề của nhân và quả. Bạn có thể làm việc trong bếp hay quét sân ngoài vườn, cọ rửa phòng tắm hay làm một việc lao động nào đó cho một người nào khác, nhưng bạn làm mà không có một chút suy tư gì về cái giá trị tương đối của công việc ấy. Một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là bạn làm mọi việc với hết sức của mình, trở thành một với bất cứ hiện trạng nào của bạn, ngay trong giây phút đó. Tôi muốn bạn sẽ biết rõ ràng được rằng, đây là một cách khác để sống cuộc đời của bạn.
Một mặt, dù cho bạn có dồn nỗ lực và rồi được thành công trong sự gặt hái những quả tốt cho mình, nhưng nếu không biết vượt qua chướng ngại lớn của sinh, lão, bệnh, tử, bạn sẽ không thể an lạc được trong những buổi xế chiều của cuộc đời. Mặt khác, nếu bạn bám víu vào khái niệm về cái không và rồi rơi vào trong vô ký của sự phủ nhận cái có, bạn sẽ dễ sai lầm mà sống cả một cuộc đời vô ích. Nhưng có một cách khác hơn thế, đó là con đường trung đạo, sẽ giúp cho chúng ta không rơi vào hai bên nào cực đoan. Con đường Trung Ðạo này còn được gọi là Pháp Môn Giải Thoát, giải thoát khỏi cả hai cái hữu lậu và vô lậu.


Thiền sư: Soko Morinaga
Trích: TỪ NỤ ĐẾN HOA
(FROM NOVICE TO MASTER)
Biên dịch: Thuần Bạch Ngọc Bảo 


Thiền sư Sōkō Morinaga (盛永 宗興Thịnh Vĩnh Tông Điển) sinh năm 1925, mất năm 1995 là phương trượng Thiền viện Đại Đức ở Kyoto, là một trong 24 Thiền viện của Tổ đình Đại Đức Tự. Thiền sư đồng thời cũng là Viện trưởng Đại học Hanazono của dòng Lâm Tế tại Kyoto. Thiền sư thọ giáo với ngài Goto Zuigan (Thụy Nham Tông Thạc) lúc đó là phương trương chùa Đại Đức. Thiền sư Soko Morinaga, hàng năm sang Anh quốc hoằng hóa để giảng dạy khóa tu mùa Hạ tại Buddhist Society do nhiều tông phái Phật giáo bảo trợ.