TỰ BIẾT MÌNH

Theo Krishnamurti thiền định giản dị hơn nhiều, có thể hiểu đó là trạng thái thường xuyên tự hiểu mình, tự biết mình, hay tự tri, và trạng thái này cần hiện diện trong mỗi người mọi lúc mọi nơi. Khi nào có trạng thái đó tức là đang thiền định, còn ngoài ra chẳng có gì gọi là thiền định cả. Tự biết mình là biết như thế nào thì qua lời của Krishnamurti trong chương trước cũng có thể hình dung được phần nào, nhưng có thể tóm gọn trong một câu là: nhận ra được mình đang hiện thể trong những ràng buộc của thời gian. Dĩ nhiên, nếu người đọc không đồng ý với suy tưởng của Krishnamurti về thời gian thì những ý niệm về thiền định của ông chẳng có giá trị gì, vì thiền định chỉ để chấm dứt thời gian tâm lý đang hoành hành tâm trí con người, ngoài ra nó chẳng để làm gì khác. Chúng ta hãy xem ông nói như thế nào về thiền định.

......
Talks in New Delhi, 1961
Tôi được kể một câu chuyện hay về người học đạo một ngày nọ đến bên vị thầy, ngồi nhắm mắt tọa thiền; vị thầy hỏi học trò, “Người ngồi kiểu đó để làm gì?” Học trò đáp, “Con muốn đạt đến cảnh giới tối cao”, nói rồi nhắm mắt tiếp tục thiền. Vị thầy nhặt hai viên đá ngồi mài chúng với nhau, tiếng ồn làm người đệ tử giật mình. Học trò nhìn mấy viên đá, hỏi, “Thầy đang làm gì thế?” Thầy nói, “Ta mài để làm gương soi”. Người học trò cười, nói, “Thầy có mài đến mười ngàn năm cũng không bao giờ có được gương soi”. Vị thầy nói, “Ngươi có ngồi như thế hàng triệu năm nữa cũng chẳng bao giờ tìm được”. Nếu suy nghĩ một chút câu chuyện này sẽ tiết lộ nhiều điều. Chúng ta muốn thiền định theo một khuôn mẫu, hay chúng ta muốn có một hệ thống thiền định, chúng ta muốn biết cách thiền. Nhưng thiền định là một diễn tiến trong cuộc sống, thiền định là sự nhận biết về những gì các ngài đang làm, về những gì các ngài đang suy nghĩ, về động cơ, những bí mật thầm kín trong tâm trí, bởi vì chúng ta thực sự có bí mật. Chẳng bao giờ chúng ta nói hết sự thực cho người khác nghe. Có những động cơ che giấu, những mong muốn che giấu, những mơ ước, ghen tuông, khát vọng che giấu. Không biết hết mọi bí mật này, những thôi thúc, ám ảnh che giấu, thiền định chỉ dẫn đến tự thôi miên. Các ngài có thể ép mình câm lặng để ngủ vùi theo một khuôn mẫu nào đó không chỉ trong thiền định mà còn trong cuộc sống hàng ngày, và đó là điều hầu hết chúng ta làm. Đa phần trong con người chúng ta ngủ vùi và vài phần trong chúng ta tích cực một cách mù quáng – đó là cái phần đi kiếm ăn, cãi nhau, và thành đạt, là cái phần khao khát, hy vọng, gom góp, nuôi dưỡng vô số sợ hãi. Vì thế chúng ta cần hiều phần tổng thể của tâm trí, chính sự hiểu biết đó là thiền định. Liệu các ngài có biết mình nói chuyện với người khác như thế nào, ngắm nhìn người khác như thế nào, ngắm nhìn một cội cây như thế nào, cảnh mặt trời lặn về chiều, các khả năng mà các ngài có ra sao? Liệu các ngài có hiểu về sự tự phụ của mình, về lòng thèm khát quyền lực và nỗi kiêu hãnh khi đạt được nó? Không hiểu biết những điều này thì không có thiền định, và chính sự hiểu biết quá trình sinh tồn nhiêu khê này là thiền định. Và khi đi sâu thật sâu vào câu hỏi này, người ta bắt đầu khám phá ra rằng tâm trí trở nên tĩnh lặng cực kỳ, không phải bị hấp lực, không phải bị thôi miên bởi ngôn từ để có trạng thái tĩnh lặng. Bởi vì hầu hết chúng ta sống một cuộc sống đầy mâu thuẫn, cuộc đời chúng ta có xung đột mọi lúc, dù chúng ta tỉnh thức hay ngủ, luôn có một xung đột cháy bỏng, khốn khổ, nhọc nhằn, và việc cố chạy trốn chúng qua thiền định chỉ tạo thêm sợ hãi và ảo tưởng.


Talks in Paris,1961
Hầu hết chúng ta sống trong một thế giới giả vờ. Tất cả niềm tin của chúng ta là ảo tưởng, chúng không có giá trị gì. Và để lột sạch tâm trí khỏi mọi hình thức ảo tưởng và khỏi mọi sức mạnh tạo ra ảo tưởng, cần một sự tri nhận sáng suốt và sắc bén, một khả năng lý luận tốt mà không qua bất kỳ sự chạy trốn nào, bất kỳ sự lảng tránh nào. Một trí não không có sự sợ hãi, nghĩa là không che giấu những ham muốn bí mật, một trí não rất bình lặng, không có xung đột nào – một tâm trí như thế mới có khả năng nhìn ra điều chân thật, nhìn xem có thượng đế hay không. Tôi dùng từ “thượng đế” theo nghĩa mà từ đó đại diện. Là sự thể vô lượng trong khái niệm về ngôn từ và thời gian. Để khám phá, hẳn nhiên mọi hình thức ảo tưởng và các lực tạo ra ảo tưởng phải chấm dứt. Đối với tôi, thiền định là nhằm để lột sạch mọi ảo tưởng khỏi tâm trí. Tôi cảm thấy rằng qua thiền định có sự khám phá vô hạn trong một cõi mênh mông – không phải là phát minh, không phải là các huyễn tượng, nhưng là sự thể hoàn toàn khác biệt vượt ngoài thời gian, vượt ngoài các thứ tạo ra bởi tâm trí con người qua hàng thế kỷ tìm kiếm. Nếu thực sự muốn tìm điều đó cho mình thì người ta phải đặt nền tảng đúng, và thiền định chính là hành động đặt nền tảng đúng đó. Sự sao chép một khuôn mẫu, đeo đuổi một pháp môn, chạy theo một phương pháp thiền định – mọi thứ đó là trẻ con, quá ấu trĩ, chỉ là bắt chước và chẳng đi đâu, ngay cả khi nó cho thấy các huyễn tượng.
Nền tảng đúng để khám phá xem có thực tại nào bên ngoài các niềm tin mà sự tuyên truyền đã áp đặt lên tâm trí của mình chỉ đến tự việc tự biết mình. Chính sự tự biết mình này là thiền định. Biết về chính mình không phải là biết những gì mình nên là; điều đó không có giá trị, không thực tế, nó chỉ là một ý tưởng, một lý tưởng. Nhưng hiểu được cái đang là, sự kiện có thực về mình từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác đòi hỏi phải giải thoát tâm trí khỏi sự khuôn định. Ý tôi muốn nói sự khuôn định là mọi áp đặt mà xã hội bó buộc chúng ta qua tuyên truyền, qua lặp lại nhiều lần, qua niềm tin, qua sợ hãi thiên đường và địa ngục. Nó gồm cả sự khuôn định của dân tộc, khí hậu, phong tục, truyền thống, văn hóa, như mình là người Pháp, người Ấn, người Ý, vô vàn các tín điều, sự mê tín, kinh nghiệm hình thành nên toàn bộ toàn bộ hậu cảnh cho ý thức, và nó được xây dựng qua mong muốn an toàn của mình. Chính sự tra xét sâu xa vào hậu cảnh đó và loại bỏ các thức trong hậu cảnh để có sự thiết lập nền tảng đúng, là thiền định.



Talks in London, 1967
Thiền định hiển nhiên là một cách sống trọn vẹn. Nhưng để hiểu thiền định, phải quan sát. Chúng ta phải quan sát mình ngắm cội cây như thế nào, có một khoảng cách giữa mình và cội cây hay không, giữa người quan sát và vật được quan sát hay không. Làm thế nào mà khoảng cách đó hiện diện? Khoảng cách hiện diện bởi vì người quan sát có ký ức về cội cây. Hay khi người quan sát tách biệt mình với lòng tham và nói, “Tôi không tham lam, tôi phải tránh sự tham lam”, và do đó tạo ra trạng thái lưỡng phân. Vì thế thiền định là sự thể phi thường nhất nếu các ngài biết cách thực hiện nó, và các ngài không thể học từ bất cứ ai; đó chính là vẻ đẹp của thiền định. Nó không phải là một môn học, một kỹ thuật, và do đó không có uy lực nào có thể dạy dỗ thiền định. Vì thế nếu các ngài có thể học về chính mình, quan sát chính mình, quan sát cách mình đi đứng, cách mình nói chuyện, cách mình ăn uống, cách mình tán gẫu, thù ghét, ganh tị. Nếu các ngài nhận biết về chúng mà không lựa chọn thì mọi thứ đó là thiền định, và khi các ngài đi, khi các ngài du hành, chuyển dịch đó vẫn tiếp diễn, mọi chuyển dịch đó là thiền định. Lúc đó chuyển dịch đó là vô tận, phi thời.

Talks in Madras, 1974.
Chúng ta phải tìm xem trong thiền định có vĩnh cửu, phi thời hay không có gì là vĩnh cửu, phi thời. Điều này có nghĩa là cái tâm trí đã được tôi luyện trong lãnh địa thời gian, liệu tâm trí đó có thể tìm ra, gặp gỡ hay nhìn thấy sự thể vô cùng vô tận? Nghĩa là liệu tâm trí có thể tồn tại mà không có thời gian, dù vẫn phải có thời gian cần thiết để đi từ đây đến kia và các thứ tương tự; liệu tâm trí đó, cùng một tâm trí vận hành trong thời gian vật lý, có thể nào tâm trí đó tồn tại mà không có thời gian tâm lý? Điều này có nghĩa là tâm trí tồn tại không có quá khứ, không có hiện tại, không có tương lai. Liệu tâm trí đó có thể tồn tại trong hư vô tuyệt đối? Đừng e ngại từ ngữ đó. Bởi vì cái gì trống rỗng ắt có không gian bao la. Có khi nào các ngài quan sát thấy trong tâm trí mình có bất kỳ khoảng không gian nào trong đó? Chỉ là không gian, chỉ một khoảng không gian nhỏ? Hay trong đó đầy nghẹt mọi thứ? Đầy nghẹt bởi những lo lắng, bởi ham mê liên quan tới tình dục hay không liên quan tới tình dục, bởi các thành tựu, bởi tri thức, bởi tham vọng, sợ hãi, bởi lo âu, bởi sự đê tiện của mình – đầy nghẹt các thứ. Và làm sao tâm trí như thế hiểu được hay có được khoảng không gian rộng lớn, hay ở trong trạng thái hiện thể đó? Không gian như vậy luôn mênh mông.
Một tâm trí không có khoảng trống trong cuộc sống hàng ngày không thể gặp gỡ sự thể vĩnh cửu, sự thể phi thời. Và đó là lý do tại sao thiền định trở nên cực kỳ quan trọng. Không phải kiểu thiền định các ngài thường luyện tập, thiền định như vậy không phải là thiền định gì cả, mà chúng ta nói về thiền định chuyển hóa tâm trí. Chỉ có tâm trí như vậy mới là tâm đạo, và chỉ có tâm đạo như thế mới mang đến một nền văn hóa khác, một cách sống khác, một mối tương quan khác, một cảm thức thiêng liêng, vẻ đẹp và sự chân thật cao vĩ. Mọi điều này đến tự nhiên, không do nỗ lực hay tranh đấu mà có.

***
Liệu có một kết thúc cho thời gian, một sự chấm dứt cho thời gian không? Thời gian là một yếu tố lớn lao trong đời chúng ta – tôi đang là nhưng tôi sẽ là, tôi không biết nhưng tôi sẽ biết, tôi không biết ngôn ngữ đặc biệt này nhưng tôi sẽ học, hãy cho tôi thời gian; tôi nghĩ rằng thời gian sẽ chữa lành vết thương của mình. Nhưng thời gian làm cùn nhụt sự nhảy cảm. Thời gian hủy hoại quan hệ con người. Thời gian hủy hoại hiểu biết, bởi vì hiểu biết là ngay tức thời, không phải là tôi sẽ học để hiểu. Vì thế thời gian đang đóng một vai trò rất quan trọng trong đời chúng ta. Trí não chúng ta đã tiến hóa qua thời gian. Nó không phải là trí não của ngài hay của tôi, mà là trí não của con người; là ngài, ngài đã đồng hóa trí não của con người như là trí não mình, nhưng sự thực không phải là trí não của ngài hay tâm trí của ngài, nó là trí não của con người đã tiến hóa qua hàng triệu năm. Các ngài cũng thấy cái trí não bị khuôn định bởi thời gian chỉ có thể vận hành trong thời gian. Vậy chúng ta đang yêu cầu trí não làm một việc hoàn toàn khác hẳn. Thời gian đã đóng một vai trò quan trọng trong đời các ngài. Thời gian không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào, ngoại trừ các vấn đề kỹ thuật. Đừng dùng thời gian như là giải pháp cho một vấn đề, như giữa ngài và vợ ngài, giữa ngài và công việc của ngài, vân vân. Liệu thời gian có thể chấm dứt? Nếu các ngài không chấm dứt được nó, nỗi sợ hãi sẽ tiếp tục cùng với tất cả các hậu quả của nó. Đừng hỏi làm thế nào để chấm dứt nó. Ngay khi các ngài hỏi ai đó làm sao để chấm dứt, họ sẽ các ngài một lý thuyết. Đây mới là thiền định chân thực.Thiền định chân thực là tìm hiểu liệu thời gian có thể kết thúc được không. Tôi cho rằng có thể và nó đang chấm dứt. Xin cẩn thận. Tôi nói vậy nhưng các ngài đừng dựa vào đó để hy vọng và tin tưởng nó sẽ chấm dứt, đừng sống bằng ngôn từ. Các ngài đã biết về thời gian, tìm hiểu nó và khám phá bản chất của nó, biết được cách các ngài dựa trên thời gian như thế nào. Tôi nhận biết ngài, đó là thời gian. Điều này có nghĩa tri thức là thời gian. Nếu các ngài dùng tri thức như phương tiện để tiến bộ, các ngài bị giam cầm trong thời gian và từ đó sợ hãi, lo âu, và các thứ tiếp diễn.

KRISHNAMURTI