TÁM CUỘC ĐÀM LUẬN


ĐÀM LUẬN 1st

Người hỏi: Tôi muốn chia sẻ... tôi bất ngờ phát hiện thấy mình trong một thế giới hoàn toàn khác lạ, thông minh siêu hạng, hạnh phúc, với một tình thương mẫn cảm bao lao vô hạn. Tôi có vẻ như đang trên bờ sông bên kia, không cần phải vật lộn để băng qua đó, không cần hỏi những chuyên gia về đường lối. Tôi đã du hành trên nhiều địa phận khác nhau trên thế giới và đã quan sát mọi nỗ lực của con người trên những lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Chẳng có gì cuốn hút tôi ngoại trừ tôn giáo. Tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để đến được bến bờ bên kia, để thể nhập vào chiều kích khác và xem thấy mọi thứ dường như lần đầu tiên với đôi mắt vô nhiễm.
Tôi cảm giác rất là mạnh mẽ là phải có một đột phá bất ngờ xuyên qua tất cả mọi phồn hoa hào nhoáng của cuộc sống. Chắc hẳn là phải có! Mới đây, khi tôi ở Ấn độ, tôi nghe được tiếng chuông chùa đang ngân và nó có một hiệu quả lạ thường trên tôi. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một cảm nhận đồng nhất khác thường và một vẻ đẹp dường như tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Nó xảy ra một cách bất ngờ đến nỗi tôi khá bị choáng váng bởi nó, và nó là thật, không phải là một sự tưởng tượng hoặc ảo tưởng. Sau đó, một hướng dẫn viên đến hỏi tôi là có cần anh dẫn tôi đến tham quan các ngôi chùa hay không, và thóang chốc đó, tôi lại trở về thế giới ồn ào và dung tục. Tôi muốn nắm bắt lại nó nhưng dĩ nhiên, như ngài chia sẻ, nó chỉ là một ký ức chết và do vậy mà vô giá trị. Tôi có thể làm gì, hoặc không làm gì, để đến được bờ bên kia?
Krishnamurti: Không có đường lối nào để đi đến bờ bên kia. Không có hành động nào, không có khuôn mẫu luân lý nào, không có phương dược nào sẽ mở được cánh cửa để đến bờ bên kia. Đó không phải là tiến trình tiến hoá. Không phải là điểm cuối cùng của trau luyện. Nó không thể mua được, hoặc cho, hoặc mời mọc. Nếu điều này (được hiểu) rõ ràng, nếu tâm trí đã quên đi chính nó và không còn nhắc đến – bờ bên kia hoặc bờ bên này – nếu tâm trí đã dừng sự dọ dẫm và tìm kiếm, nếu có một sự trống rỗng hoàn toàn và không gian trong chính tâm trí của chính nó – khi đó, và chỉ khi đó nó ở đó.
Người hỏi: Tôi hiểu điều ông nói trên mặt ngôn từ, nhưng tôi không thể dừng lại sự dò dẫm và ao ước, vì sâu thẳm bên trong, tôi không tin tưởng là sẽ không có phương pháp nào, không có sự tu tập nào, hoặc không có hành động nào mà nó sẽ đưa tôi đến bờ bên kia.
Krishnamurti: Ý ông là gì khi ông nói, “Tôi không tin là chẳng có đường lối nào”? Ý ông có nghĩa là một vị thầy sẽ nắm tay ông và đưa ông qua?
Người hỏi: Không. Tôi hy vọng, dù vậy, có bậc tuệ giác nào đó sẽ chỉ thẳng tới nó, vì nó chắc chắn thật sự hiện hữu trong mọi thời và nó là thật.
Krishnamurti: Chắc chắn là tất cả đều là ức thuyết. Ông có cảm giác bất ngờ về thực tại khi ông nghe được tiếng chuông chùa, nhưng đó là một ký ức, như ông đã bầy tỏ, và từ đó ông đi đến kết luận là nó chắc chắn luôn hiện hữu vì nó là thật. Thực tại là sự thể khác thường. Nó có đó khi ông không tìm kiếm, nhưng khi ông tìm kiếm, với sự tham lam, cái mà ông nắm bắt là cặn cáu tham lam của ông, không phải thực tại.Thực tại là một thực thể sống động và không thể nắm bắt, và ông không thể cho là nó luôn ở đó. Con đường chỉ có khi tiến đến một cái gì bất động, đến một điểm tĩnh, cố định. Với một thực thể sống luôn vận hành, không có chỗ yên nghỉ thì làm sao có thể có một sự hướng dẫn, một con đường để đến? Tâm trí quá gấp rút để đạt được nó, để nắm bắt nó, khiến nó trở thành một vật chết. Vì vậy, ông có thể nào để qua một bên cái ký ức về trạng thái mà ông đang có? Ông có thể để vị thầy, lộ trình, cứu cánh qua một bên để tâm trí của ông rỗng không với tất cả mọi sự tìm kiếm này? Hiện thời, tâm trí của ông quá bận rộn với đòi hỏi tràn ngập và chính sự bận rộn đó đã trở thành một chướng ngại. Ông đang tìm kiếm, đòi hỏi, ao ước, để được bước trên bờ bên kia. Bờ bên kia ngụ ý bờ bên này, và từ bờ bên này đến bờ bên kia thì có không gian và thời gian. Đó là cái đang nắm giữ ông và mang lại cho ông sự thống thiết để đạt bờ bên kia. Đó là nan đề thật sự - thời gian nó phân chia, không gian nó tách biệt; thời gian cần thiết để đến được bên kia và không gian là khoảng cách giữa bờ bên này và bờ bên kia. Bờ bên này muốn trở thành bờ bên kia, và phát hiện là vốn không thể được, bởi vì khoảng cách và thời gian cần để vượt qua khoảng cách. Trong vấn đề này, không chỉ có sự so sánh, mà cũng có sự đo lường, và tâm trí mà có khả năng đo lường thì cũng tạo ảo tưởng. Sự phân chia không gian và thời gian này, giữa đây và đó, là đường lối của tâm trí thường suy nghĩ. Ông có biết, khi có tình thương không gian và thời gian tan biến hay không? Chỉ khi tư tưởng và ham muốn đến trong nó thì có một khoảng cách của thời gian được bắt cầu. Khi ông thấy được điều này, thì bờ bên này tức là bờ bến đó.
Người hỏi: Nhưng tôi không thấy nó. Tôi cảm thấy lời ngài dạy là đúng, nhưng nó vượt quá tầm hiểu biết của tôi.
Krishnamurti: Thưa ông, ông đã quá thiếu kiên nhẫn, và chính sự quá thiếu kiên nhẫn đó sở hữu tính bôn chôn, náo nức riêng của nó. Ông đang ở trong tâm trạng quá hùng hổ và cả quyết. Ông không yên lặng để quan sát, để lắng nghe, cảm giác thật sâu sắc. Ông muốn đến bờ bên kia bằng mọi giá và ông bơi một cách điên cuồng, không biết bờ bên kia là ở đâu. Bờ bên kia có lẽ là bờ bên này, và vô tình ông đang bơi xa nó. Nếu có thể được phép thì tôi khuyên: Hãy dừng bơi. Điều này không có nghĩa là ông sẽ trở nên đần độn, như cỏ cây và không làm gì cả, nhưng thay vì vậy, ông nên ý thức một cách thụ động phi chọn lựa bất kỳ điều gì và không đo lường – khi đó hãy xem chuyện gì xảy ra. Có lẽ không có gì diễn ra, nhưng nếu ông kỳ vọng tiếng chuông vang lần nữa, nếu ông phiền não kỳ vọng cảm giác và niềm vui sướng đó trở về, thì ông đã bơi ngược chiều rồi. Im lặng đòi hỏi năng lực lớn lao. Bơi lội khiến năng lực phân tán. Ông cần tất cả năng lực của ông cho sự yên lặng của tâm trí, và chỉ trong sự trống rỗng đó, trong sự trống rỗng toàn triệt đó, thì
sự thể mới lạ mới có thể hiển bày.

ĐÀM LUẬN 2ND

Người hỏi: Tất cả những người được gọi là có tôn giáo đều có một điểm chung và tôi thấy cái điểm chung này ở trong hầu hết trong những người đến nghe ngài giảng. Tất cả họ đều tìm kiếm một cái gì mà họ gọi bằng nhiều dạng khác nhau như Niết Bàn, Giải thoát, Giác ngộ, Tự Chứng, vĩnh hằng hoặc là Thượng Đế. Mục tiêu của họ đã được xác định và ôm ấp với họ đối với những giáo pháp khác nhau, và mỗi giáo pháp này, những ý thức hệ này, có riêng những bộ Thánh Điển của nó, sự tu tập của nó, đạo sư của nó, đạo đức của nó, triết lý của nó, hứa hẹn và trừng phạt của nó – một con đường thẳng và hẹp loại trừ phần còn lại của thế giới, và hứa hẹn cứu cánh Thiên Đàng hoặc sự thể gì khác. Hầu hết những người tầm đạo họ chuyển từ
một ý thức hệ này qua một ý thức hệ khác, thay thế cho giáo pháp mới nhất cho giáo pháp mà họ vừa mới buông bỏ. Họ chuyển từ một cảm xúc đam mê này đến một cảm xúc đam mê khác, mà họ không chịu nghĩ rằng vẫn cùng một diễn trình giống nhau trong tất cả mọi sự đi tìm này. Có một số người vẫn duy trì lòng tin với nhóm của họ và từ chối thay đổi. Một số khác cuối cùng tin là họ đã nhận thức những gì họ muốn nhận thức, và rồi họ dành những ngày giờ của họ trong ân điển hấp dẫn để rồi đến phiên nhóm đệ tử này lại bắt đầu lặp lại toàn bộ chu kỳ. Trong toàn bộ viễn cảnh này là một sự cuồng si để đạt đến một vài chứng đắc nào đó và, thường là, một sự thất vọng cay đắng và một sự thất bại não nề. Tất cả sự việc này xem ra đối với tôi không lành mạnh chút nào cả. Những người hy sinh đời sống bình thường cho một mục tiêu viễn vông và một cảm giác bất mãn phát xuất từ loại tình huống này: Cuồng tín, khích động, bạo lực và ngu xuẩn. Người ta cũng lấy là ngạc nhiên thấy là trong số họ có những nhà văn giỏi, mặt khác, xem ra rất loạn thần. Tất cả tình trạng này được gọi là tôn giáo. Toàn bộ điều này làm ô nhiễm đến tận Thiên Đàng. Đây là hương thơm của lòng mộ đạo. Tôi đã quan sát mọi nơi. Sự tìm cầu giác ngộ này gây ra sự tàn phá to lớn, và người ta đều bị hy sinh trong ảnh hưởng của nó. Bây giờ, tôi muốn ông, thật ra có bất cứ sự thể gì như là giác ngộ, và nếu có, nó là gì?
Krishnamurti: Nếu nó là một trốn tránh khỏi đời sống hàng ngày, đời sống hàng ngày này là sự tương quan sinh động lạ thường, vậy thì cái mà được gọi là chứng ngộ, cái mà được gọi là giác ngộ này, hoặc là bất cứ tên gì mà ông muốn đặt cho nó, là ảo tưởng và đạo đức giả. Bất cứ gì mà chối bỏ tình thương và sự thấu hiểu đời sống và hành động chắc chắn là gây ra lắm điều nguy hại. Nó bóp méo tâm trí, và đời sống sẽ trở thành một việc kinh tởm. Như vậy nếu chúng ta xem đó là một điều hiển nhiên thì có lẽ chúng ta tiến hành để khám phá xem giác ngộ - bất cứ gì nó có thể có ý nghĩa – có thể khám phá trong chính sinh hoạt của đời sống. Tóm lại, sống thì quan trọng hơn bất cứ khái niệm, mục tiêu lý tưởng hay là nguyên tắc. Bởi vì chúng ta không biết sống là gì nên chúng ta sáng chế những viễn ảnh và khái niệm không thực này cho sự trốn tránh. Câu hỏi thật sự là, ta có thể khám phá ra giác ngộ trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày của đời sống, hay là nó chỉ dành cho  riêng cho một số ít người được phú cho tiềm năng vượt trội để khám phá ân sủng phúc lành này? Giác ngộ có nghĩa là tự thắp đuốc cho chính mình, nhưng ánh sáng này không được tự phóng hiện hoặc vọng tưởng, không phải là một đặc ân cho một vài cá nhân nào đó. Sau hết, điều này luôn luôn là giáo pháp của một tôn giáo chân chính, đừng cho là nó thuộc về sự sợ hãi hoặc tôn giáo có tổ chức.
Người hỏi: Ngài có nói giáo pháp của chân tôn giáo! Việc này sẽ tạo ra phe phái của các nhà chuyên môn và các nhà chuyên gia đối nghịch với phần còn lại của thế giới. Có phải ý ngài là, tôn giáo đó tách rời ra khỏi đời sống?
Kristnamurti: Tôn giáo không tách rời đời sống; ngược lại, nó chính là sự sống. Chính sự phân chia giữa tôn giáo và đời sống đã sản sinh ra tất cả mọi đau khổ mà ông đang đề cập đến. Cho nên, chúng ta hãy trở lại câu hỏi căn bản, xem có thể nào trong cuộc sống hàng ngày này, trong cái trạng thái, giây phút hiện tại này, chúng ta hãy gọi nó là giác ngộ?
Người hỏi: Tôi vẫn không biết sự giác ngộ mà ông nói nó có nghĩa là gì?
Krishnamurti: Một trạng thái phủ nhận. Phủ nhận là một hành động tích cực nhất, nó không phải là cả quyết tích cực. Đây là một điều rất quan trọng để thấu hiểu. Hầu hết chúng ta dễ dàng chấp nhận học thuyết có tính chất tích cực, một tín ngưỡng tích cực, bởi vì chúng ta muốn được an toàn, được sở hữu, được gắn bó, được phụ thuộc vào nhau. Thái độ tích cực này phân chia và mang lại tính nhị nguyên. Sự xung đột khi đó bắt đầu giữa thái độ này và khuynh hướng kia. Nhưng phủ nhận tất cả tất cả mọi giá trị, tất cả mọi luân lý, tất cả mọi niềm tin, thì không có biên giới, cho nên không thể ở trong tình trạng đối kháng với bất cứ sự gì. Một sự tuyên bố tích cực thì trong chính sự xác định của nó tạo nên ngăn cách, và sự ngăn cách này tạo ra đối kháng. Với điều này chúng ta đã quen thuộc, đây chính là sự quy định của chúng ta. Chối bỏ hết thảy tất cả điều này không phải là vô đạo đức; ngược lại, chối bỏ tất cả mọi phân chia và đối kháng là đức hạnh cao nhất. Phủ nhận mọi điều mà con người đã sáng chế, phủ nhận tất cả mọi giá trị của ta, luân thường đạo lý và thần thánh, là sống trong trạng thái của tâm trí bất nhị, vì vậy không có sự đối kháng hoặc xung đột giữa mọi đối lập. Trong trạng thái này không có sự đối lập, và trạng thái này không là sự tương phản của một điều gì khác.
Người hỏi: Nếu vậy làm thế nào ngài biết cái gì tốt và cái gì xấu? Hay là không có gì tốt và không có gì xấu? Cái gì để ngăn ngừa tôi không phạm tội thậm chí cả sát nhân? Nếu tôi không có tiêu chuẩn nào thì cái gì ngăn ngừa tôi khỏi sự loạn trí thì chỉ có trời biết mà thôi?
Krishnamurti: Chối bỏ tất cả điều này là chối bỏ bản thân mình, và bản thân mình là một thực thể đã bị điều kiện hoá, không ngừng theo đuổi một điều mong muốn, lẽ phải đã bị quy định. Hầu hết với chúng ta sự phủ nhận xem như là một sự rỗng không bởi vì chúng ta chỉ biết hoạt động trong tù ngục bị điều kiện hoá của chúng ta, nỗi sợ và đau khổ. Từ đó, chúng ta nhìn sự phủ nhận như trạng thái kinh khủng của sự lơ đảng hoặc sự rỗng không. Đối với kẻ mà phủ nhận tất cả mọi khẳng định của tôn giáo, văn hoá và luân thường đạo lý, và kẻ đó vẫn còn ở trong tù ngục tuân thủ của xã hội là một kẻ đau khổ. Sự phủ nhận là trạng thái giác ngộ trong tất cả mọi hành xử của người đó là người đã giải thoát quá khứ. Quá khứ, với truyền thống và thẩm quyền của nó, phải cần phủ nhận. Phủ nhận là sự tự do, và người tự do là người biết sống, thương yêu, và hiểu biết rằng sự chết mang ý nghĩa gì.
Người hỏi: Bao nhiêu đó đã khá rõ ràng, nhưng ngài lại không nói bất kỳ dấu chỉ của khả năng tiên nghiệm, sự thiêng liêng, hoặc bất kỳ tên gì mà ngài muốn gọi.
Kristnamurti: Khả hăng tiên nghiệm đó chỉ có thể được tìm thấy trong sự tự do, và bất cứ lời tuyên bố nào về nó là sự chối bỏ tự do; bất cứ lời tuyên bố nào về nó đều trở thành sự truyền đạt từ ngữ vô nghĩa mà thôi. Nó ở đó, nhưng nó không thể bị khám phá hoặc mời gọi, huống chi là đối với tất cả mọi giam hãm trong bất hệ thống nào, hoặc sự rình rập của bất kỳ mưu chước trá ngụy nào của tâm trí. Nó không có ở trong giáo đường, hay là chùa chiền hoặc tu viện. Không có lộ trình nào tiến đến nó, không đạo sư, không hệ thống nào có thể biểu hiện được vẻ đẹp của nó; sự ngây ngất phúc lạc của nó chỉ đến khi có tình thương. Đây là sự giác ngộ.
Người hỏi: Nó có mang lại sự hiểu biết mới nào về bản chất của vũ trụ hoặc tâm thức hoặc bản thể chăng? Tất cả kinh điển tôn giáo đều đầy sự thể này.
Krishnamurti: Giống như hỏi những câu hỏi về bờ bên kia khi đang sống và đang bị đau khổ ở bờ bên này. Khi ông đang ở bờ bên kia, ông là tất cả và không là gì cả, và ông chẳng bao giờ hỏi những câu hỏi đại loại như vậy. Tất cả các câu hỏi này thuộc về bờ bên này và thật sự chẳng hề có ý nghĩa gì cả. Hãy bắt đầu sống và ông sẽ ở nơi đó mà không còn đặt câu hỏi, không còn tìm kiếm và sợ hãi.

ĐÀM LUẬN 3RD

Người hỏi: Tôi thấy được sự hệ trọng của chấm dứt sợ hãi, đau khổ, sân hận và tất cả mọi khó nhọc của con người. Tôi thấy rằng ta nhất định phải đặt mọi nền tảng của hành vi tốt, thông thường được gọi là tính thiện lành, và ở đó không có ưa ghét, đố kỵ hoặc sự tàn ác tồn tại trong con người. Tôi cũng thấy chắc chắn phải có sự giải thoát – không từ bất kỳ ở thứ gì nhưng sự giải thoát chính nó – và điều đó ta chắc chắn là không luôn trong tù ngục của những đòi hỏi và ham muốn của riêng ta. Tôi thấy tất cả điều này rất rõ ràng và tôi nỗ lực – mặc dù có lẽ ngài không thích dùng từ nỗ lực – để sống trong ánh sáng của sự hiểu biết. Ở mức độ nào đó, tôi đã thể nhập thâm sâu vào chính mình. Tôi không lưu giữ bất kỳ những thứ gì thuộc về thế giới này, hoặc bởi bất kỳ tôn giáo nào. Bây giờ, tôi xin được hỏi rằng: Thí dụ là ta được giải thoát, không chỉ ngoại tại nhưng nội tại, tất cả mọi đau khổ và mọi rối rắm của cuộc đời, cái gì vượt trên bức tường đó? Khi tôi nói bức tường, ý của tôi là nỗi sợ hãi, đau khổ và áp lực triền miên của tư tưởng. Ở đó có gì để thấy khi tâm trí yên lặng, không tận tâm với bất kỳ hoạt động nào?
Krishnamurti: Ý của bạn là gì khi bạn nói: Ở đó có gì? Có phải bạn có ý là một cái gì để tri nhận, để cảm giác, để kinh nghiệm, hoặc để thấu hiểu? Có phải bạn đang thử hỏi giác ngộ là gì hay không? Hoặc là bạn đang hỏi là ở đó có gì khi tâm trí dứt bặt tất cả mọi sự lang thang của nó và trở nên yên lặng? Có phải bạn hỏi là có gì ở bên kia khi tâm trí thật sự tĩnh lặng hay không?6
Người hỏi: Tôi đang hỏi tất cả những điều này. Khi tâm trí vắng lặng xem ra trống rỗng. Chắc chắn phải có một cái gì quan trọng để khám phá sau mọi tư tưởng. Đức Phật và một hoặc hai bậc giác ngộ đã khai thị về một cái gì cực kỳ vô hạn đến mức các ngài không thể đặt nên từ ngữ. Đức Phật dạy,”Đừng đo lường ngôn ngữ với cái bất khả tư nghì.” Ai cũng thấy biết những khoảnh khắc khi tâm trí hoàn toàn vắng lặng, và thật sự không có gì vô cùng lớn lao về nó. Chỉ là câu hỏi về Tánh không. Và tuy vậy ta phải có cảm giác rằng có một cái gì ở một ngỏ ngách mà một khi khám phá chuyển hoá toàn bộ cuộc đời. Xem ra là như vậy, qua những lời dạy, rằng một tâm trí vắng lặng cần có để khám phá kinh nghiệm này. Cũng vậy, tôi thấy chỉ là một tâm trí thông suốt, vắng lặng mới có thể hiệu quả và thật sự lãnh hội. Nhưng chắc chắn phải có một cái gì hơn nữa thay vì chỉ đơn thuần là một tâm trí thông suốt, vắng lặng – Một cái gì siêu việt hơn là một tâm trí tươi mát, một tâm trí thuần khiết, thậm chí hơn cả một tâm trí từ bi.
Krishnamurti: Nếu thế thì câu hỏi đó là gì? Bạn nhấn mạnh rằng một tâm trí vắng lặng, nhậy cảm, cảnh giác là cần thiết, không chỉ hiệu quả nhưng cũng để lãnh hội quanh bạn và trong chính mình.
Người hỏi: Tất cả các triết gia và khoa học gia đều luôn lãnh hội một cái gì. Một vài người trong họ sáng suốt phi thường, còn một vài người thì thậm chí thiện lành. Nhưng khi ngài đã nhìn xuyên suốt qua tất cả những gì họ tri nhận hoặc sáng tạo hoặc diễn đạt, thật sự không do tạo tác, và chắc chắn là không có mối mật thiết của bất kỳ sự thiêng liêng nào.
Krishnamurti: Có phải bạn hỏi là có một cái gì thiêng liêng vượt trên tất cả những thứ này? Có phải bạn hỏi là nếu có một bình diện khác mà tâm trí có thể trú xứ và nhận thức một cái gì không chỉ đơn thuần trên sự giảo quyệt của một công thức tinh thần? Có phải bạn đang có ý hỏi vòng vòng là có một cái gì tối thượng hoặc là không có một cái gì tối thượng?
Người hỏi: Đa số nhiều người nói rất thuyết phục là có một kho tàng vô hạn vốn là nguồn cội của tâm thức. Tất cả đều đồng ý là không thể nào miêu tả được. Họ không đồng ý về cách làm sao nhận thức được nó. Tất cả đều xem ra suy nghĩ rằng tư tưởng phải dứt bặt trước khi tự nó có thể biến hiện. Tất cả đều đồng ý là bạn không thật sự sống ngoại trừ bạn khám phá ra nó. Rõ ràng, chính bản thân ngài cũng dạy ít nhiều về điều đó. Bây giờ, tôi không theo bất kỳ hệ thống nào hoặc kỷ luật, hoặc đạo sư hoặc đức tin nào. Tôi không cần bất kỳ những thứ này để nói với tôi là có một cái gì siêu việt. Khi ngài nhìn một chiếc lá hoặc một khuôn mặt, ngài nhận thức rằng có một cái gì vĩ đại hơn sự lý giải khoa học hoặc sinh học về sự sống. Xem ra là ngài đang say sưa nguồn cội đó. Chúng tôi lắng nghe lời ngài dạy. Ngài đã cẩn thận cho thấy sự khó nhọc và giới hạn của tư tưởng. Chúng tôi lắng nghe, chúng ta tự phản ảnh và chúng ta đạt đến một sự vắng lặng lạ kỳ. Xung đột chấm dứt. Nhưng sau đó thì là cái gì?7
Krishnamurti: Tại sao bạn lại hỏi điều này?
Người hỏi: Ngài đang hỏi một người mù tại sao họ muốn thấy.
Krishnamurti: Câu hỏi không được đặt ra như một con cờ thí quân khôn khéo, hoặc để chỉ ra rằng một tâm trí vắng lặng không hề đòi hỏi gì cả, nhưng để tìm hiểu là có phải bạn đang thật sự tìm kiếm một cái gì siêu việt. Nếu bạn đang là, thì động cơ gì sau sự tìm kiếm đó – hiếu kỳ, sự khám phá gấp rút, hoặc ham muốn được thấy vẻ đẹp mà bạn chưa bao giờ trước đó? Có phải điều này quan trọng đối với bạn, tự chính mình tìm hiểu, hoặc là bạn đang đòi hỏi nhiều hơn, hoặc là có phải bạn đang nỗ lực để thấy chính xác nó là gì? Cả hai bất khả so sánh. Nếu bạn gạt một bên cái “nhiều hơn”, thì chúng ta quan tâm chỉ với thực tại đang là khi tâm trí vắng lặng. Cái gì thật sự diễn ra khi tâm trí thật sự vắng lặng? Đó là câu hỏi thật sự, phải không? – không phải là một cái gì siêu việt hoặc cái gì siêu vượt trên nó.
Người hỏi: Cái gì siêu vượt trên nó là câu hỏi của tôi.
Krishnamurti: Cái gì siêu vượt trên nó chỉ có thể khám phá khi tâm trí vắng lặng. Có lẽ một cái gì hoặc chẳng có cái gì cả. Cho nên, chỉ một vấn đề quan trọng là tâm trí được vắng lặng. Lại nữa, nếu bạn quan tâm với những gì siêu vượt, thì bạn không quan sát được trạng thái vắng lặng đó thật sự là gì. Nếu sự vắng lặng đối với bạn chỉ là cánh cửa để đến cái siêu vượt, thì bạn không lưu tâm đến cánh cửa đó, xét rằng điều quan trọng chính là ở cánh cửa đó, chính sự vắng lặng của chính nó. Do vậy, bạn không thể hỏi là có gì siêu vượt. Vấn đề quan trọng duy nhất là để tâm trí được vắng lặng. Rồi thì kinh nghiệm gì xảy ra? Đó là tất cả những gì mà chúng ta đều lưu tâm đến, không phải là những gì siêu vượt trên sự vắng lặng.
Người hỏi: Ngài nói đúng. Sự vắng lặng không quan trọng đối với tôi ngoại trừ như là một cửa vào.
Krishnamurti: Làm sao bạn biết nó là cửa vào mà không phải chính nó? Phương tiện tức là cứu cánh, chúng không phải là hai sự kiện riêng rẽ nhau. Vắng lặng chỉ là một sự kiện, không phải là một cái gì bạn khám phá thông qua nó. Chúng ta hãy duy trì với sự thật và sự thật là gì. Một điều quan trọng lớn lao, có lẽ là quan trọng nhất, rằng sự vắng lặng là sự vắng lặng trong chính nó và không phải một cái gì gây ra
như là phương tiện đến cứu cánh, không phải là một cái gì gây ra thông qua y dược, kỷ luật hoặc sự lặp đi lặp lại của từ ngữ.
Người hỏi: Sự vắng lặng tự nó tìm đến, không động cơ và không nguyên nhân.
Krishnamurti: Nhưng bạn đang sử dụng nó như là một phương tiện.
Người hỏi: Không, tôi thấy biết sự vắng lặng và tôi thấy là không có gì xảy ra.
Krishnamurti: Đó là toàn bộ vấn đề. Không có sự thật nào khác nhưng sự vắng lặng vốn không được mời mọc, khích động, tìm kiếm, mà là kết quả tự nhiên của sự quan sát và sự hiểu biết tự thân và thế giới về ta. Trong điều này phi động cơ vốn mang lại sự vắng lặng. Nếu có bất kỳ chiếc bóng nào hoặc sự hoài nghi của động cơ, thì sự vắng lặng đó trực tiếp và cố ý, nếu thế thì đó không hề là sự vắng lặng. Nếu bạn thành tựu rồi nói rằng sự vắng lặng này là sự tự do, thì những gì thật sự diễn ra trong sự vắng lặng đó là sự lưu tâm duy nhất của chúng ta. Phẩm chất và bối cảnh của sự vắng lặng đó là gì? Nó có thể đo lường được, nông cạn hoặc đang trôi qua. Bạn có ý thức nó sau khi nó kết thúc, hoặc trong giai đoạn vắng lặng hay không? Nếu bạn ý thức là bạn đang vắng lặng, thì nó chỉ là ký ức, và do vậy tê cứng. Nếu bạn ý thức sự vắng lặng khi nó đang diễn ra, thì nó có phải là sự vắng lặng? Nếu không có người quan sát – Đúng thế, không có gói ký ức – thì có phải nó là sự vắng lặng? Có một cái gì lúc đến lúc đi tùy thuộc vào hóa chất của cơ thể bạn? Có phải nó đến khi bạn đơn độc, hoặc với mọi người, hoặc là khi bạn cố gắng tham thiền? Cái mà chúng ta đang nỗ lực tìm hiểu là bản chất của sự vắng lặng đó. Nó phong phú hoặc nghèo nàn? (Tôi không có ý là phong phú với kinh nghiệm, hoặc nghèo nàn bởi vì nó thiếu giáo dục.) Nó tròn đầy hoặc nông cạn? Nó thuần khiết hoặc nó tập hợp? Một tâm trí có thể xem xét sự kiện và không thấy được vẻ đẹp, chiều sâu, phẩm chất của sự kiện đó. Có thể nào quan sát sự vắng lặng mà không có người quan sát? Khi có sự vắng lặng, thì chỉ là sự vắng lặng, không gì khác nữa. Rồi thì trong sự vắng lặng đó hiện tượng gì diễn ra? Có phải đó là những gì mà bạn muốn hỏi?
Người hỏi: Đúng thế.
Krishnamurti: Có sự quan sát của sự vắng lặng bởi sự vắng lặng trong sự vắng lặng hay không?
Người hỏi: Đó là một câu hỏi mới.
Krishnamurti: Nó không phải là một câu hỏi mới nếu bạn theo dõi. Toàn bộ trí não này, tâm trí, cảm xúc, thân thể, tất cả đều yên lặng. Tính yên lặng này, sự vắng lặng này, nhìn chính nó, không phải là người quan sát đang vắng lặng? Sự vắng lặng toàn triệt này có thể quan sát sự toàn triệt của riêng nó? Sự vắng lặng trở nên ý thức chính nó – Trong kinh nghiệm này không có sự phân biệt giữa người quan sát và sự quan sát. Đó là điểm chính. Sự vắng lặng không sử dụng chính nó để khám phá một cái gì siêu vượt chính nó. Chỉ sự vắng lặng đó. Bây giờ, hãy thấy biết cái gì đang diễn ra. 

(Còn tiếp)


Trích: Tám cuộc đàm luận 
Tác Giả: J. Kristnamurti
Dịch Việt: Nhất Như
Nguồn : Thư viện Hoa Sen