Lời nói biểu lộ ra bằng hành động.
Hành động biến thành thói quen.
Thói quen trở nên tánh tình.
Thế cho nên,
ta hãy quán sát tâm ý cẩn thận,
hãy để nó phát xuất từ một tình thương
vì lợi lạc của cả muôn loài.
− Lời Phật dạy
Chúng ta tự cách biệt với cuộc sống chung quanh bằng ý niệm của chính mình. Chúng ta tự cô lập vì những ý niệm về mình như là sự khiếm khuyết, sợ hãi, và cô đơn. Lẽ dĩ nhiên, cuộc đời bao giờ cũng có những khó khăn, nhưng tâm ta thường hay phóng đại chúng lên quá đáng. Đôi khi, chúng ta tự dựng đứng lên một vấn đề không có thật, và rồi ngọn núi si mê lại càng được đắp cao hơn. Nhưng có một phương cách giúp ta giải thoát khỏi sự sai lầm ấy là thay đổi cách nhìn của mình. Trong mỗi giây phút của sự sống, ta đều có một sự chọn lựa. Ta có thể đắp cao thêm ngọn núi si mê hay phá hủy nó bằng cách tiếp xúc với thực tại.
Một mùa thu, tôi dạy tại trung tâm Insight Meditation Society, tọa lạc ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Mỗi buổi sáng tôi dậy thật sớm để đi bộ, khi bầu trời vừa mới le lói chút ánh sáng. Chuyến đi bộ của tôi có băng ngang qua căn nhà trên toa xe, nơi chú Max cư ngụ. Max là tên của một chú chó khổng lồ - như là lai giống giữa một con chó Doberman và một con sư tử núi vậy. Tôi nghe kể chú Max lúc sau này hơi khó chịu và dữ dằn, chú ta gặp ai cũng sủa và hầm hừ như muốn tấn công. Mùa thu năm đó, tôi có gặp một số chuyện không may dồn dập xảy đến, và tôi nghĩ, tôi có thể chấm dứt được chuỗi dài khó khăn đó bằng cách bị chú chó này xé ra từng mảnh.
Mỗi buổi sáng sớm, tôi bắt đầu một ngày với một “ý thức về chú Max”, và nỗi sợ của tôi cứ lớn dần theo mỗi bước chân đến gần lãnh thổ của chú. Nhiều ngày, mỗi khi đi ngang qua tôi đều không thấy chú trong sân, nhưng tôi rất căng thẳng và cứ hồi hộp chờ đợi. Ngày qua ngày, tôi nhận thấy ý nghĩ đầu tiên của tôi khi vừa thức dậy mỗi sáng là về chú Max và nỗi sợ của tôi. Tôi có đọc về đức Đạt-lai Lạt-ma và biết rằng mỗi sáng thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của ngài là cầu nguyện cho từ bi, và hồi hướng những hành động trong ngày cho lợi lạc của mọi loài. Còn một ngày của tôi lại bắt đầu với chú chó Max và nỗi sợ, sao thấy không cao thượng chút nào hết!
Cuối cùng, một buổi sáng Max có mặt ở nơi ấy. Từ đàng xa, tôi thấy chú ngồi đó trong một không gian nhá nhem sáng. Nỗi sợ của tôi tăng vọt lên cao. Tôi đi thật chậm. Trong từng bước chân, tôi thấy chú ta là một thực thể cách biệt với tôi, một sự đe dọa lớn lao: “Chú chó ấy ngoài kia, chú to và dữ dằn lắm, và tôi đang tiến lại gần hơn.” Cuối cùng tôi cũng đến nơi. Chú Max đứng dậy. Tôi dừng lại. Cả hai chúng tôi nhìn nhau. Và tôi bật thốt lên điều đầu tiên tôi nghĩ: “Chú Max nè, tên lót của tôi là Maxine. Người ta cũng thường gọi tắt là Max, chú có biết vậy không?” Chúng tôi nhìn nhau một hồi, rồi chú Max ngồi xuống, và tôi bước đi.
Cũng từ giây phút đó trở đi, tôi thấy mình có thể chọn lựa tình thương, dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Tôi thiết lập được mối liên hệ với Max, một cảm giác nối liền với chú. Chú chó ấy cũng như một người tôi quen. Có thể người ấy không được dễ thương lắm, có thể họ mất bình tĩnh và hại tôi, nhưng trước sau gì thì người ấy vẫn là bạn tôi. Tôi vẫn rất cẩn thận trước mặt chú. Nhưng chú Max không còn là một con quái vật khủng khiếp nữa, chú không còn là một con thú hung tợn chỉ chực chờ để hại tôi. Đối với tôi, chú Max không còn là một “người khác” nữa.
Sự sợ hãi chính là yếu tố căn bản duy dưỡng ý niệm của ta về “người khác”. Nó cô lập ta với sự sống chung quanh. Nỗi sợ ấy làm ta tê liệt, đóng kín con tim mình, và rồi ta không còn tiếp xúc với thực tại được nữa. Nó đánh lừa ta bằng những ý niệm như: “Tôi là như thế đó,” hoặc “Tôi chỉ có thể là như thế mà thôi.” Ta tách lấy một mảnh nhỏ của thực tại và nhận đó làm mình, quên rằng mình còn to lớn và toàn vẹn hơn thế.
Khoa thiên văn học ngày nay nói rằng, tất cả mọi tinh cầu trong vũ trụ đều đang di chuyển ra xa nhau về mọi hướng, một cách rất đồng đều trong không gian. Điều ấy có nghĩa, trong vũ trụ này không có một trung tâm điểm nào là duy nhất. Chúng ta sống trong một không gian không có điểm xác định nào hết. Nhìn dưới một khía cạnh, nhận thức này đưa đến một cảm giác lạc lõng và bơ vơ, vì ta không có một nơi nào để có thể gọi là nhà. Nhưng nhìn theo một cách khác, ta lại thấy nơi đâu mà chẳng phải là nhà! Chúng ta hoàn toàn tự tại. Ta không cần phải bám víu vào một nơi nào duy nhất để nương náu, để trú ẩn. Chính nơi đây là tình thương, chính nơi đây là hạnh phúc, đâu đâu cũng là chỗ ta ở, căn nhà của ta không có biên giới. Như đức Phật dạy: “Người an trú trong hạnh phúc là một người không cố chấp vào bất cứ nơi nào.”
Khi chúng ta chấp vào thân này như là một thực thể riêng biệt, là căn nhà duy nhất của ta, ta sẽ cho rằng mình phải kiểm soát nó để duy trì cái “ta”. Nhưng làm sao ta kiểm soát được bệnh tật, già nua và cái chết! Có cố gắng lắm rồi ta cũng chỉ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực mà thôi. Khi ta có một ý niệm cố định và riêng biệt về mình, cái chết sẽ trở nên rất đáng sợ. Còn như ta ý thức mình chỉ là một phần nhỏ của sự sống toàn vẹn, của sự sinh diệt không ngừng nghỉ, của vũ trụ luôn thay đổi và luân chuyển, thì đâu có gì để cho ta sợ hãi?
Hãy nhìn cho sâu sắc, ta sẽ thấy được cơ thể ta đang tiếp nối với những tinh cầu trong vũ trụ. Ta liên tục trao đổi vật chất và năng lượng, qua lại với thế giới chung quanh ta thật nhịp nhàng. Đó chính là hơi thở. Trong mỗi hơi thở, ta mang thán khí trong ta ra để đổi lấy dưỡng khí bên ngoài. Thường thường, chúng ta xem tiến trình này như một chuyện dĩ nhiên. Nhưng sự trao đổi này, sự tiếp nối này, đang có mặt trong từng giây phút, chính là kinh nghiệm của sự sống. Chúng ta không thể sống như là những thực thể rời rạc, cô lập, mà mỗi chúng ta là một phần nhỏ của một cái chung, to lớn, linh động và biến hóa.
Một ý niệm khác mang lại cho ta khổ đau là chấp vào tâm thức này như là một thực thể riêng biệt và cố định. Trong khuôn khổ ấy, ta sẽ nghĩ như thế này về ta và người khác: “Nếu tôi như thế này, thì vĩnh viễn suốt đời tôi cũng chỉ như thế này.” Có lần tôi đang dạy chung với Joseph Goldstein, có một người với vẻ mặt hơ hãi tìm gặp anh. Ông ta nói: “Tôi vừa mới có một kinh nghiệm ghê sợ quá!” Joseph hỏi thật tự nhiên: “Được rồi, nói cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra?” Người đàn ông đáp: “Tôi đang ngồi thiền, và tôi cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm, tôi chợt hiểu rằng mình là một người có rất nhiều lo âu, tôi chưa bao giờ có thể gần gũi với ai, và có lẽ suốt đời tôi sẽ mãi mãi là một người cô đơn.” Muốn giúp ông phá được tấm màn của ý niệm, trở về với kinh nghiệm đang thực sự có mặt, Joseph nhắc lại: “Ông muốn nói là ông cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm?” Nhưng người đàn ông vẫn bị ý niệm của mình làm mê mờ: “Phải rồi, tôi thấy rằng mình là một người có quá nhiều lo âu, trong quá khứ, và chắc chắn tương lai cũng vậy, tôi biết rằng điều đó sẽ không bao giờ thay đổi, và tôi sẽ không bao giờ có thể thân thiết được với ai trong cuộc đời này.” Và dĩ nhiên, Joseph tiếp tục lặp lại: “Ông muốn nói là ông cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm?”
Tôi ngồi nghe hai người trao đổi qua lại như vậy một hồi lâu, cuối cùng Joseph nói: “Ông đang có một kinh nghiệm đau đớn nơi thân. Tại sao ông lại cộng thêm vào đó một hình ảnh cố định, không tốt về mình để làm gì?”
Các ý niệm có thể sai sử ta bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, khi ta kẹt trong ý niệm về một sự ngăn chia, ta sẽ bị khổ đau vì xa cách và bất hòa. Lúc nào ta cũng lo phòng thủ và tự bảo vệ, vì thế giới bên ngoài đối với ta có vẻ rất đe dọa. Khi chúng ta kinh nghiệm có một cái “tôi” to lớn bên trong, thì bên ngoài dường như cũng có một “người khác” rất to lớn đối nghịch lại. Và lúc nào ta cũng căng thẳng, sửa soạn, chờ đợi một sự va chạm. Có lần, một cô thiền sinh tham dự khóa tu cuối tuần về niệm tâm từ ở New York. Cô ta không ở lại khóa tu, chỉ đến trung tâm tham dự vào mỗi sáng cho đến tối, rồi trở về nhà. Một buổi sáng thứ bảy, trên đường trở lại khóa tu, trong khi đứng chờ xe điện trên thềm ga, có một người đàn ông đến gần hỏi cô về giờ giấc của các chuyến xe. Mặc dù cầm trong tay tờ thời biểu của các chuyến xe, nhưng cô nghĩ: “Tên này nhìn có vẻ kỳ dị, đáng ngờ quá! Mình phải tìm cách đuổi hắn đi cho rồi.” Tuy cô đã nói cô không biết, nhưng người ấy vẫn không chịu bỏ đi, vì anh ta nhìn thấy tờ chương trình trong tay cô. Tìm mọi cách, anh ta vẫn cứ đứng đấy. Cuối cùng, cô ta chỉ đến một người khác cũng đang đứng chờ trên thềm ga và nói: “Ông nên đến hỏi người đứng đằng kia kìa!” Ông ta nhìn cô với vẻ khó chịu và nói: “Không được đâu! Tôi không dám đâu - hắn ta nhìn có vẻ kỳ dị quá!”
Lẽ dĩ nhiên, cũng có những lúc chúng ta sẽ đối diện trước những thù hằn và nguy cơ thật sự. Có tâm từ trong những trường hợp này, không có nghĩa là ta trở nên thụ động, hoặc không biết gì đến những điều mình cần làm để đối phó với hoàn cảnh trước mặt. Cũng như hành động của tôi đối với chú chó Max, chúng ta cần phải biết lo cho mình, và hành động thích ứng tùy theo mỗi trường hợp. Và cũng như tôi với chú Max, ta có thể hành xử mà không phải sợ hãi hoặc cảm thấy cô lập vì ý niệm về “ta” và “người khác.”
Vấn đề ở đây là làm sao để thay đổi được cách nhìn của mình, đó là điều rất quan trọng. Sự chuyển hóa này vén lên tấm màn phủ che của ý niệm, không phải là một vấn đề thuần lý thuyết. Đức Phật có chỉ rõ con đường để thực hiện được việc ấy. Trong giáo pháp của ngài, đức Phật đã nói rất nhiều đến con đường của tình thương và sự nối liền với tất cả. Qua thiền tập và pháp môn Tứ vô lượng tâm, đức Phật đã chỉ cho ta một con đường chuyển hóa rất nhiệm mầu.
Khi chúng ta biết quán chiếu và có thể tháo tung được những ý niệm sai lầm, ta sẽ không còn đóng khung và đông cứng thực tại nữa. Ta thấy chúng chỉ là những ngọn sóng trồi lên và hụp xuống, đến rồi đi. Ta sẽ thấy sự sống này, được cấu tạo bởi thân và tâm, lúc nào cũng đang ở trong một trạng thái luân chuyển, biến hóa và thay đổi không ngừng. Vì vậy, lúc nào cũng có cơ hội để ta chuyển hóa. Trong mỗi giây phút, chúng ta đều đang chết đi và sinh ra – không phải theo cách nói thi hóa, mà là nói một cách chính xác về thực tại. Ta và mọi sự sống khác cũng đều như vậy.
Khi thực tại không còn bị những ý niệm làm đông cứng và mê mờ nữa, thế giới này sẽ trở nên trong suốt và sáng chói, như được tỏa chiếu từ bên trong. Từ đó ta sẽ dễ dàng thấy được mọi sự sống trên thế giới này đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Trong vũ trụ, không có hiện tượng nào là rời rạc, không có gì là cô lập, tất cả đều giống như ta, thể nhập vào làm một với sự sống đang có mặt chung quanh. Từ đó, tình thương và tâm từ bắt đầu sinh khởi.
Susan Griffin diễn đạt điều này rất đẹp trong quyển Phụ nữ và thiên nhiên:
“Bạn không thể chuyển dời con sông ra khỏi lòng sông. Mọi vật đều đang di chuyển, và ta cũng là một phần của sự chuyển động này. Đất đang di chuyển, nước đang di chuyển. Mặt đất lấy nước từ trời mây. Mưa rơi hai bên mặt núi, như đường ngôi rẽ hai bên tóc, và hình dạng ngọn núi cho ta biết nước chảy về đâu. Nước cuốn trôi đất cát từ những sườn đồi, dòng sông mang đi những cặn lắng; những giọt mưa, khi rơi xuống tóe văng, mang theo những phân tử nhỏ. Đất bùn trôi theo những con nước ngầm dưới lòng đất. Nước rút vào rễ, trôi vào thân cây cuống lá. Nước trôi từ đồi núi xuống thành sông, sông trôi ra biển, và từ biển ánh nắng mặt trời mang nước trở lại với trời cao. Rồi nước từ mây trở lại thành mưa, thành sương mù, thành hạt nước đọng trên cỏ lá, thành hơi ẩm trong không khí. Cái gì cũng sẽ quay trở lại. Bạn không thể chuyển dời con sông ra khỏi lòng sông. Mỗi hành động đều sẽ mang lại hậu quả. Nơi này đã được gọt đẽo bởi dòng sông, và hình thế của nó chỉ cho dòng sông hướng đi. Hãy nhìn xem nước từ nơi này trôi đi thật xa rồi sẽ trở lại trong những hạt mưa. Tất cả đều quay trở lại, và cái này sẽ tiếp theo sau cái kia. Việc ta làm được cũng có giới hạn, và tất cả đều di chuyển. Chúng ta là một phần của sự di chuyển này, và đường chảy của dòng sông rất là thiêng liêng, và bụi cây này cũng thiêng liêng, và chính chúng ta, tôi muốn nói với bạn, cũng rất là thiêng liêng!”
Tình thương và niềm thiết tha với sự sống, không phải sẵn có ngay từ khi sinh ra. Thật ra, chúng là kết quả của một sự tôi luyện tâm ý. Chúng ta có thể chuyển hóa tâm mình để nó trở thành hiện thân của tình thương, hoặc ta có thể để mặc chúng huân tập những thói quen, tập quán và ý niệm phân chia sai lầm.
Đức Phật dạy: “Hãy quán sát tâm ý cẩn thận, hãy để tâm ý phát xuất từ tình thương, vì lợi lạc của cả muôn loài.” Bạn nên hiểu rõ lời dạy ấy. Đức Phật không bảo chúng ta phải làm cho tâm ý phát xuất từ tình thương vì lợi lạc cho cả muôn loài. Ngài khuyên ta hãy để cho tâm ý phát xuất từ tình thương tự nhiên, vì đó là tự tánh của chúng ta.
Nếu chúng ta không hàn gắn lại những rạn nứt giữa ta và sự sống chung quanh, ta sẽ cảm thấy cuộc đời này hoàn toàn vô nghĩa. Ý niệm phân chia giữa ta và người khác sẽ xô đuổi ta như một kẻ thù hung bạo. Ta bỏ chạy cho đến khi hoàn toàn lạc lối. Ta lẩn trốn vào bất cứ nơi nào ta nghĩ là an toàn. Nhưng lạ thay, nơi nương tựa vững vàng nhất không phải là ở việc trốn tránh hoặc bỏ chạy, mà là ở chỗ biết dừng lại cho yên. Trong Nam Hoa Kinh, Trang tử có viết:
“Một người sợ cái bóng của mình, ghét những dấu chân của mình bèn chạy trốn; nhưng càng chạy thì dấu chân càng nhiều, càng chạy nhanh thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm, lại càng gắng chạy nhanh hơn nữa, không ngừng, đến nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng chỉ cần dừng lại đứng vào chỗ tối sẽ không còn thấy bóng mình nữa; và chỉ cần ngồi yên xuống sẽ không còn thêm dấu chân nào của mình nữa.”
Khi chúng ta can đảm đứng yên lại, thay vì bỏ chạy, ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với những gì đang thật sự có mặt. Khi tôi dám dừng lại và nhìn chú chó Max, tôi tìm lại được một phần của chính tôi.
Cũng vậy, sự tĩnh lặng và ngồi yên trong giờ thiền tập sẽ phô bày cho ta thấy sự thật về sự sống của mình. Sự thật là chúng ta chưa bao giờ bị phân chia, chưa bao giờ cô đơn hoặc cách biệt, kể cả chú chó Max và tôi, hay bất cứ một người nào. Ngay chính kẻ tử thù của tôi và tôi, khi ta nhìn cho thật sâu, cũng không có một sự khác biệt nào.
Khi ta không còn sự phân biệt nhị nguyên, những cảm giác cô đơn, sợ hãi và xa cách trong ta cũng sẽ từ từ rơi rụng. Không còn ý niệm nào che chở và nuôi dưỡng chúng nữa.
Có lần, một người bạn, và cũng là một đồng sự của tôi, chị Sylvia Boorstein, đi trên một chuyến bay bị trục trặc hệ thống thủy lực. Hành khách được thông báo phi cơ cần phải quay trở lại phi trường ngay, và sẽ mất bốn mươi phút. Mọi người được hướng dẫn cởi mắt kiếng và giày, và bỏ hết những đồ nhọn như là viết ra khỏi túi. Tình trạng có vẻ rất khẩn trương! Thỉnh thoảng, lại có lời thông báo qua hệ thống phóng thanh: “Chúng ta sẽ đáp trong vòng ba mươi phút... trong vòng hai mươi phút...” Ngay sau khi nghe thông báo phi cơ bị trục trặc, chị Sylvia bắt đầu thực tập niệm tâm từ. Chị bắt đầu với mười ba người thân yêu trong gia đình của chị - chồng, con cái, vợ chồng của chúng, rồi các cháu nội, cháu ngoại. “Mong sao Grace được an vui... Mong sao Nathan được an vui... Mong sao Erik được an vui... Mong sao Leah... Mong sao Collin...” Tất cả là 13 cái tên!
Khi chị thực tập như thế xong, chiếc phi cơ vẫn còn trong không trung. “Chúng ta sẽ đáp trong vòng mười lăm phút... trong vòng mười phút...” Thế là chị lặp lại một lần nữa. Đến một lúc chị tự nghĩ: “Trong vòng một phút nữa, tôi sẽ chết hoặc không chết. Tôi có nên lặp lại cái danh sách mười ba người thân thuộc của mình một lần nữa không? Tôi có bỏ sót một ai mà tôi thương mến không? Mong sao tất cả mọi loài được an vui! Mong sao tất cả mọi loài được hạnh phúc! Mong sao tất cả mọi loài được nhẹ nhàng và thảnh thơi!” Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, chị Sylvia khám phá rằng, chị cần phải ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, ở mọi nơi, không phân biệt, không giới hạn. Chị thấy mình không thể phân chia, khép kín con tim lại trước bất cứ ai, trong giây phút sinh tử ấy.
Trên tiến trình tu tập, ta sẽ tìm lại được bản năng sẵn có của tâm mình: chữa lành vết thương, lớn mạnh và chuyển hóa. Khi ta biết dừng lại cho yên, ta sẽ tiếp xúc được với năng lực ấy của tâm, một khả năng thương yêu và nối liền với tất cả. Với một tình yêu chân thật, ta sẽ thấy được sự đồng nhất và không phân chia của muôn vật. Điều đó giúp ta trở nên thân thiết với tất cả mọi người, trong đó có chính ta. Ta sẽ có năng lực và tình yêu để sống thật trọn vẹn và tốt đẹp, và rồi một ngày kia chết trong an lạc.
Khi ta sống không bám víu vào ý niệm về “tôi” và “người khác”, điều đó sẽ mang lại cho ta sự tự do rất lớn. Niềm hạnh phúc ấy to tát hơn bất cứ niềm vui nào ta đã từng có, hoặc có thể nghĩ đến, và nó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta.
Khi chúng ta không còn bị những ý niệm ràng buộc, cũng giống như ta đi vào hậu trường một rạp hát, và đột nhiên ý thức rằng tất cả những gì ta tưởng là thực tại, chúng chỉ là những giả tạo bề ngoài mà thôi: những xiêm y, áo mão, bối cảnh, ánh sáng, diễn viên, sân khấu. Chúng ta tự dựng lên tất cả rồi bị kẹt vào đó. Cũng vậy, ngoài đời mỗi người chúng ta tự vạch cho mình những biên giới, sự phân chia, tùy theo nỗi sợ, tập quán và quá khứ của riêng mình. Nhưng bạn thử xét lại xem, chúng có thực chất nào không? Chúng có thật sự hiện hữu không?
Tôi đã có dịp sang Nga nhiều lần, đầu tiên vào năm 1988 để hướng dẫn thiền tập. Trở lại nơi này mang nhiều xót xa cho tôi, vì nguồn gốc dòng dõi gia đình tôi phát xuất từ đây. Nhiều người mà tôi có dịp tiếp xúc trông rất quen thuộc, như thể là bà con thân thuộc của tôi vậy. Lần chót khi tôi sang Nga, tình trạng kinh tế ở đây rất bi đát.
Một bạn người Nga tâm sự với tôi: “Không biết khi đôi giày tôi mòn hết rồi tôi phải làm gì đây, làm gì mà có tiền để mua một đôi giày mới!” Nghe anh nói, tôi thấy đau xót và hổ thẹn. Tôi cảm thấy nỗi khốn cùng mà anh đang chia sẻ như là của chính tôi, như nó đang xảy ra trong chính gia đình tôi vậy.
Sau này tôi ý thức rằng, có biết bao nhiêu người khác trên thế giới này không có giày mới để mang! Những người mà tôi không hề có một chút cảm xúc, vì không có dịp gặp gỡ trực tiếp. Và, có biết bao em bé trên thế giới không có giày để mang, nói gì đến một đôi giày mới? Họ có cần phải giống với bà con thân thuộc của tôi mới nhận được tình thương của tôi chăng?
Chúng ta thường tự vạch định cho mình một lãnh thổ riêng, cá nhân cũng như cộng đồng, như là chúng có một bản chất thật sự vậy. Thật ra, chúng không khác gì hơn những đường vẽ trong không trung. Trong lần đầu tiên đến Nga tôi sửng sờ đứng bên đường phố nghe một người tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng, chỉ có những người Do Thái giáo và người da đen mới có thể mắc bệnh AIDS mà thôi, và người Tây phương đã âm mưu lừa gạt họ bằng cách tung tin khác đi. Hôm ấy, đứng trên những góc phố ở Nga, tôi chợt nghĩ đến biết bao khổ đau và chết chóc có thể xảy ra chỉ vì sự mê muội và cố chấp.
Ngoài ra, ý niệm về “ta và người khác” còn được biểu hiện qua những hình thức khác, như là đàn áp, chiến tranh và trả thù. Chúng ta thường cảm thấy xa lạ đối với những người không cùng chủng tộc và văn hóa, với những người khác ta, và nhiều khi ngay cả với những người giống ta nữa. Những người đầu tiên đến miền Tây Hoa Kỳ lập nghiệp, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi thường sắp những chiếc xe ngựa thành một vòng tròn bao quanh để tự bảo vệ chống lại người da đỏ. Chúng ta cũng thường chia thế giới này thành hai phe: “ta” và “người khác”, “bên này” và “bên kia.” Nhưng cuộc sống không bao giờ cố định, cứ tiếp tục xoay vần, những biên giới ấy dần dần trở thành những tàn tích của quá khứ. Cuối cùng, ta không còn biết thật sự mình nằm ở phía nào của vòng tròn nữa.
Chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được yếu tố “người” ngay trong chính ta. Ta kinh nghiệm nó trong ta như một con quái thú hung tợn, như chú chó Max, đang chực chờ để tấn công. Ajahn Sumedho, một thiền sư Hoa Kỳ, nói: “Cũng như chúng ta sợ rằng có một con quái vật nào đang ẩn núp bên trong ta, chờ đợi để xuất hiện ra và làm cho ta điên loạn suốt đời.”
Thật ra, ai trong chúng ta cũng có một chú chó Max. Và không phải chỉ có một mà là nhiều chú Max khác nhau trong tâm ta. Chúng là tham lam, giận hờn, ích kỷ, si mê, ái dục... Và ta có thể nào tiếp nhận chúng như những người bạn được chăng? Có thể chúng đang đau khổ và rất cần tình thương của ta chăng? Ta có thể thật sự thương mình, biết chấp nhận tất cả, điều tốt lẫn điều xấu? Và ta có thể nào mang tình thương ấy ban rải đến những người khác hay chăng?
Có lẽ sự chuyển hóa quan trọng nhất xảy đến cho ta trên con đường thực tập niệm tâm từ là một nhận thức rõ rệt về bản năng của mình. Trong mỗi người chúng ta đều có một bản năng thương yêu rất lớn. Ta không còn bị bó buộc bởi những ý niệm sai lầm về giới hạn của ta: “Tôi không thể nào thương yêu hơn thế này, giới hạn của tôi chỉ đến đây thôi!” Có nhiều lúc trong khi ngồi thiền, tôi đã tự hỏi: “Tôi có thể nào thật sự cảm nhận được tình yêu nhiều đến như thế này không?”
Phương pháp thiền tập Tứ vô lượng tâm - từ, bi, hỷ, xả - giúp ta trở lại hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Cuối cùng, ta sẽ khám phá rằng không có trong và cũng chẳng có ngoài. Tất cả chỉ là một. Và một thì chỉ là một!
Tiềm năng của mỗi chúng ta rất rộng lớn, vô biên và khôn dò. Tâm ý của ta là một vùng năng lực vô cùng linh hoạt và mãnh liệt. Vì vậy cho nên những gì chúng ta muốn, những gì chúng ta khởi lên trong tâm sẽ có ảnh hưởng đến tất cả. Khi thực tập niệm tâm từ, ta có thể mang lại rất nhiều lợi lạc cho chính mình cũng như người khác. Sự sống của ta là một đối tượng nghệ thuật, ta muốn uốn nắn nó như thế nào cũng được, tùy theo tâm ý ta. Bạn nên nhớ, chỉ có ta mới có thể giới hạn chính mình mà thôi.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta chối bỏ sự có mặt của những khổ đau do hoàn cảnh bên ngoài. Chung quanh ta có biết bao vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, bắt bớ, tù đày, tranh giành sự sống, chăm sóc người thân... Nhưng dầu vậy, điều quan trọng ta nên nhớ là, tâm ý của ta vẫn có một ảnh hưởng rất to tát đến thực tại của mình trong cuộc đời này.
Tôi đã từng gặp những người ăn xin trên đường phố Ấn Độ có tinh thần rất cao. Một cô bé ăn mày ở Calcutta, không tay, không chân, trườn lết trên đường phố, miệng ngậm một chiếc lon thiếc để người qua lại bỏ tiền vào. Khổ đau chừng vậy, nhưng cô vẫn vui vẻ và ham sống! Và tôi cũng biết những người sống ở Hoa Kỳ, có một thân thể lành lặn, tiền bạc sung túc, được người khác thương yêu, chăm sóc, nhưng họ vẫn muốn chết. Họ cảm thấy tuyệt vọng khủng khiếp và chỉ muốn tìm cái chết mà thôi!
Có những người, như cô bé ăn xin ở Calcutta, phải đối diện với những giới hạn về thể chất của mình. Và cũng có một số người khác, bị giới hạn vì sự tàn bạo và ác độc của người khác. Tôi có địp được kinh nghiệm vấn đề này khá mãnh liệt trong một cuộc hội thảo. Lần ấy, có những diễn giả trình bày về những khổ đau ghê gớm đã xảy ra trong đời họ. Những câu chuyện như là: một người đàn bà sống trọn tuổi thơ trong một trại tập trung của Đức quốc xã, một người bị bắt bớ và hành hạ bởi cả hai phe trong cuộc chiến... Tất cả đều phát biểu rằng, họ sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng một thế giới mà không còn một ai phải trải qua những gì họ đã phải chịu đựng. Họ tin rằng, những hành động tàn nhẫn ấy sở dĩ có mặt là do cái ý niệm chia cách về “ta” và “người”. Họ muốn phá vỡ ý niệm đó. Mặc dù trong “người khác” mà họ muốn bỏ đi ấy, có cả những người đã từng gây nhiều khổ đau cho họ.
Với năng lực của tâm ý, cho dù có những biến cố ghê gớm hoặc không may xảy đến cho ta, ta vẫn có thể tiếp nhận trong một không gian rộng mở và sáng tỏ. Đức Phật dạy các đệ tử của ngài nên phát triển một tình thương rộng lớn, biến tâm thức thành một không gian bao la, không một vật gì có thể làm dơ bẩn được. Nếu như có người lấy nước sơn tưới vào không khí, nó có hề hấn gì đâu! Không trung không giữ lại vật gì cả. Chỉ có những chướng ngại, ngăn trở, như vách tường, hàng rào mới bị dính màu nước sơn mà thôi.
Đức Phật cũng dạy các đệ tử nên phát triển một tình thương mãnh liệt, biến tâm thức mình trở thành một dòng sông trong mát, không thể bị đốt cháy. Bất cứ vật gì thảy vào dòng sông cũng không thể thiêu đốt nó. Có biết bao nhiêu biến cố - tốt, xấu, hoặc trung hòa - thảy vào dòng sông đời ta, nhưng ta vẫn không bị đốt cháy, nhờ vào năng lực của tình thương trong tâm.
Ý niệm phân chia đã gây nên biết bao nhiêu khổ đau trên cuộc đời này. Những gì chúng ta tưởng là thật, nhìn kỹ lại chỉ là ảo tưởng mà thôi. Sự phân chia giữa ta và người khác là một trạng thái thấp kém nhất của chúng ta, vì nó giới hạn khả năng thương yêu. Trên con đường tu tập, ta sẽ khám phá ra rằng ta chưa bao giờ có mặt riêng rẽ, chưa bao giờ là một sự sống độc lập. Tất cả đều là một và mọi sự sống đều có mối liên quan mật thiết với nhau. Sự khám phá ấy sẽ mở rộng con tim thương yêu, sẽ mang lại cho ta một niềm vui rất lớn và chuyển hóa đời ta.
Con đường thực tập Tứ vô lượng tâm, bốn trú xứ của hạnh phúc, sẽ mang lại cho ta quả trái của tình thương, sự nối liền và một thái độ không sợ sệt. Vì tất cả sự sống đều là một cho nên hạnh phúc của nó cũng rất nhiệm mầu. Nó giúp ta an trú trong không gian bao la tươi mát đầy tình thương. Cũng như nước sơn không thể chạm tới không trung, năng lực của tình thương sẽ không bao giờ bị suy suyển bởi bất cứ biến cố nào trong thế giới vô thường này.
Sharon Salzberg
Trích: sống với tâm từ
Nguyễn Duy Nhiên dịch
Một mùa thu, tôi dạy tại trung tâm Insight Meditation Society, tọa lạc ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Mỗi buổi sáng tôi dậy thật sớm để đi bộ, khi bầu trời vừa mới le lói chút ánh sáng. Chuyến đi bộ của tôi có băng ngang qua căn nhà trên toa xe, nơi chú Max cư ngụ. Max là tên của một chú chó khổng lồ - như là lai giống giữa một con chó Doberman và một con sư tử núi vậy. Tôi nghe kể chú Max lúc sau này hơi khó chịu và dữ dằn, chú ta gặp ai cũng sủa và hầm hừ như muốn tấn công. Mùa thu năm đó, tôi có gặp một số chuyện không may dồn dập xảy đến, và tôi nghĩ, tôi có thể chấm dứt được chuỗi dài khó khăn đó bằng cách bị chú chó này xé ra từng mảnh.
Mỗi buổi sáng sớm, tôi bắt đầu một ngày với một “ý thức về chú Max”, và nỗi sợ của tôi cứ lớn dần theo mỗi bước chân đến gần lãnh thổ của chú. Nhiều ngày, mỗi khi đi ngang qua tôi đều không thấy chú trong sân, nhưng tôi rất căng thẳng và cứ hồi hộp chờ đợi. Ngày qua ngày, tôi nhận thấy ý nghĩ đầu tiên của tôi khi vừa thức dậy mỗi sáng là về chú Max và nỗi sợ của tôi. Tôi có đọc về đức Đạt-lai Lạt-ma và biết rằng mỗi sáng thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của ngài là cầu nguyện cho từ bi, và hồi hướng những hành động trong ngày cho lợi lạc của mọi loài. Còn một ngày của tôi lại bắt đầu với chú chó Max và nỗi sợ, sao thấy không cao thượng chút nào hết!
Cuối cùng, một buổi sáng Max có mặt ở nơi ấy. Từ đàng xa, tôi thấy chú ngồi đó trong một không gian nhá nhem sáng. Nỗi sợ của tôi tăng vọt lên cao. Tôi đi thật chậm. Trong từng bước chân, tôi thấy chú ta là một thực thể cách biệt với tôi, một sự đe dọa lớn lao: “Chú chó ấy ngoài kia, chú to và dữ dằn lắm, và tôi đang tiến lại gần hơn.” Cuối cùng tôi cũng đến nơi. Chú Max đứng dậy. Tôi dừng lại. Cả hai chúng tôi nhìn nhau. Và tôi bật thốt lên điều đầu tiên tôi nghĩ: “Chú Max nè, tên lót của tôi là Maxine. Người ta cũng thường gọi tắt là Max, chú có biết vậy không?” Chúng tôi nhìn nhau một hồi, rồi chú Max ngồi xuống, và tôi bước đi.
Cũng từ giây phút đó trở đi, tôi thấy mình có thể chọn lựa tình thương, dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Tôi thiết lập được mối liên hệ với Max, một cảm giác nối liền với chú. Chú chó ấy cũng như một người tôi quen. Có thể người ấy không được dễ thương lắm, có thể họ mất bình tĩnh và hại tôi, nhưng trước sau gì thì người ấy vẫn là bạn tôi. Tôi vẫn rất cẩn thận trước mặt chú. Nhưng chú Max không còn là một con quái vật khủng khiếp nữa, chú không còn là một con thú hung tợn chỉ chực chờ để hại tôi. Đối với tôi, chú Max không còn là một “người khác” nữa.
Sự sợ hãi chính là yếu tố căn bản duy dưỡng ý niệm của ta về “người khác”. Nó cô lập ta với sự sống chung quanh. Nỗi sợ ấy làm ta tê liệt, đóng kín con tim mình, và rồi ta không còn tiếp xúc với thực tại được nữa. Nó đánh lừa ta bằng những ý niệm như: “Tôi là như thế đó,” hoặc “Tôi chỉ có thể là như thế mà thôi.” Ta tách lấy một mảnh nhỏ của thực tại và nhận đó làm mình, quên rằng mình còn to lớn và toàn vẹn hơn thế.
Khoa thiên văn học ngày nay nói rằng, tất cả mọi tinh cầu trong vũ trụ đều đang di chuyển ra xa nhau về mọi hướng, một cách rất đồng đều trong không gian. Điều ấy có nghĩa, trong vũ trụ này không có một trung tâm điểm nào là duy nhất. Chúng ta sống trong một không gian không có điểm xác định nào hết. Nhìn dưới một khía cạnh, nhận thức này đưa đến một cảm giác lạc lõng và bơ vơ, vì ta không có một nơi nào để có thể gọi là nhà. Nhưng nhìn theo một cách khác, ta lại thấy nơi đâu mà chẳng phải là nhà! Chúng ta hoàn toàn tự tại. Ta không cần phải bám víu vào một nơi nào duy nhất để nương náu, để trú ẩn. Chính nơi đây là tình thương, chính nơi đây là hạnh phúc, đâu đâu cũng là chỗ ta ở, căn nhà của ta không có biên giới. Như đức Phật dạy: “Người an trú trong hạnh phúc là một người không cố chấp vào bất cứ nơi nào.”
Khi chúng ta chấp vào thân này như là một thực thể riêng biệt, là căn nhà duy nhất của ta, ta sẽ cho rằng mình phải kiểm soát nó để duy trì cái “ta”. Nhưng làm sao ta kiểm soát được bệnh tật, già nua và cái chết! Có cố gắng lắm rồi ta cũng chỉ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực mà thôi. Khi ta có một ý niệm cố định và riêng biệt về mình, cái chết sẽ trở nên rất đáng sợ. Còn như ta ý thức mình chỉ là một phần nhỏ của sự sống toàn vẹn, của sự sinh diệt không ngừng nghỉ, của vũ trụ luôn thay đổi và luân chuyển, thì đâu có gì để cho ta sợ hãi?
Hãy nhìn cho sâu sắc, ta sẽ thấy được cơ thể ta đang tiếp nối với những tinh cầu trong vũ trụ. Ta liên tục trao đổi vật chất và năng lượng, qua lại với thế giới chung quanh ta thật nhịp nhàng. Đó chính là hơi thở. Trong mỗi hơi thở, ta mang thán khí trong ta ra để đổi lấy dưỡng khí bên ngoài. Thường thường, chúng ta xem tiến trình này như một chuyện dĩ nhiên. Nhưng sự trao đổi này, sự tiếp nối này, đang có mặt trong từng giây phút, chính là kinh nghiệm của sự sống. Chúng ta không thể sống như là những thực thể rời rạc, cô lập, mà mỗi chúng ta là một phần nhỏ của một cái chung, to lớn, linh động và biến hóa.
Một ý niệm khác mang lại cho ta khổ đau là chấp vào tâm thức này như là một thực thể riêng biệt và cố định. Trong khuôn khổ ấy, ta sẽ nghĩ như thế này về ta và người khác: “Nếu tôi như thế này, thì vĩnh viễn suốt đời tôi cũng chỉ như thế này.” Có lần tôi đang dạy chung với Joseph Goldstein, có một người với vẻ mặt hơ hãi tìm gặp anh. Ông ta nói: “Tôi vừa mới có một kinh nghiệm ghê sợ quá!” Joseph hỏi thật tự nhiên: “Được rồi, nói cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra?” Người đàn ông đáp: “Tôi đang ngồi thiền, và tôi cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm, tôi chợt hiểu rằng mình là một người có rất nhiều lo âu, tôi chưa bao giờ có thể gần gũi với ai, và có lẽ suốt đời tôi sẽ mãi mãi là một người cô đơn.” Muốn giúp ông phá được tấm màn của ý niệm, trở về với kinh nghiệm đang thực sự có mặt, Joseph nhắc lại: “Ông muốn nói là ông cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm?” Nhưng người đàn ông vẫn bị ý niệm của mình làm mê mờ: “Phải rồi, tôi thấy rằng mình là một người có quá nhiều lo âu, trong quá khứ, và chắc chắn tương lai cũng vậy, tôi biết rằng điều đó sẽ không bao giờ thay đổi, và tôi sẽ không bao giờ có thể thân thiết được với ai trong cuộc đời này.” Và dĩ nhiên, Joseph tiếp tục lặp lại: “Ông muốn nói là ông cảm thấy một sự căng thẳng nơi quai hàm?”
Tôi ngồi nghe hai người trao đổi qua lại như vậy một hồi lâu, cuối cùng Joseph nói: “Ông đang có một kinh nghiệm đau đớn nơi thân. Tại sao ông lại cộng thêm vào đó một hình ảnh cố định, không tốt về mình để làm gì?”
Các ý niệm có thể sai sử ta bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, khi ta kẹt trong ý niệm về một sự ngăn chia, ta sẽ bị khổ đau vì xa cách và bất hòa. Lúc nào ta cũng lo phòng thủ và tự bảo vệ, vì thế giới bên ngoài đối với ta có vẻ rất đe dọa. Khi chúng ta kinh nghiệm có một cái “tôi” to lớn bên trong, thì bên ngoài dường như cũng có một “người khác” rất to lớn đối nghịch lại. Và lúc nào ta cũng căng thẳng, sửa soạn, chờ đợi một sự va chạm. Có lần, một cô thiền sinh tham dự khóa tu cuối tuần về niệm tâm từ ở New York. Cô ta không ở lại khóa tu, chỉ đến trung tâm tham dự vào mỗi sáng cho đến tối, rồi trở về nhà. Một buổi sáng thứ bảy, trên đường trở lại khóa tu, trong khi đứng chờ xe điện trên thềm ga, có một người đàn ông đến gần hỏi cô về giờ giấc của các chuyến xe. Mặc dù cầm trong tay tờ thời biểu của các chuyến xe, nhưng cô nghĩ: “Tên này nhìn có vẻ kỳ dị, đáng ngờ quá! Mình phải tìm cách đuổi hắn đi cho rồi.” Tuy cô đã nói cô không biết, nhưng người ấy vẫn không chịu bỏ đi, vì anh ta nhìn thấy tờ chương trình trong tay cô. Tìm mọi cách, anh ta vẫn cứ đứng đấy. Cuối cùng, cô ta chỉ đến một người khác cũng đang đứng chờ trên thềm ga và nói: “Ông nên đến hỏi người đứng đằng kia kìa!” Ông ta nhìn cô với vẻ khó chịu và nói: “Không được đâu! Tôi không dám đâu - hắn ta nhìn có vẻ kỳ dị quá!”
Lẽ dĩ nhiên, cũng có những lúc chúng ta sẽ đối diện trước những thù hằn và nguy cơ thật sự. Có tâm từ trong những trường hợp này, không có nghĩa là ta trở nên thụ động, hoặc không biết gì đến những điều mình cần làm để đối phó với hoàn cảnh trước mặt. Cũng như hành động của tôi đối với chú chó Max, chúng ta cần phải biết lo cho mình, và hành động thích ứng tùy theo mỗi trường hợp. Và cũng như tôi với chú Max, ta có thể hành xử mà không phải sợ hãi hoặc cảm thấy cô lập vì ý niệm về “ta” và “người khác.”
Vấn đề ở đây là làm sao để thay đổi được cách nhìn của mình, đó là điều rất quan trọng. Sự chuyển hóa này vén lên tấm màn phủ che của ý niệm, không phải là một vấn đề thuần lý thuyết. Đức Phật có chỉ rõ con đường để thực hiện được việc ấy. Trong giáo pháp của ngài, đức Phật đã nói rất nhiều đến con đường của tình thương và sự nối liền với tất cả. Qua thiền tập và pháp môn Tứ vô lượng tâm, đức Phật đã chỉ cho ta một con đường chuyển hóa rất nhiệm mầu.
Khi chúng ta biết quán chiếu và có thể tháo tung được những ý niệm sai lầm, ta sẽ không còn đóng khung và đông cứng thực tại nữa. Ta thấy chúng chỉ là những ngọn sóng trồi lên và hụp xuống, đến rồi đi. Ta sẽ thấy sự sống này, được cấu tạo bởi thân và tâm, lúc nào cũng đang ở trong một trạng thái luân chuyển, biến hóa và thay đổi không ngừng. Vì vậy, lúc nào cũng có cơ hội để ta chuyển hóa. Trong mỗi giây phút, chúng ta đều đang chết đi và sinh ra – không phải theo cách nói thi hóa, mà là nói một cách chính xác về thực tại. Ta và mọi sự sống khác cũng đều như vậy.
Khi thực tại không còn bị những ý niệm làm đông cứng và mê mờ nữa, thế giới này sẽ trở nên trong suốt và sáng chói, như được tỏa chiếu từ bên trong. Từ đó ta sẽ dễ dàng thấy được mọi sự sống trên thế giới này đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Trong vũ trụ, không có hiện tượng nào là rời rạc, không có gì là cô lập, tất cả đều giống như ta, thể nhập vào làm một với sự sống đang có mặt chung quanh. Từ đó, tình thương và tâm từ bắt đầu sinh khởi.
Susan Griffin diễn đạt điều này rất đẹp trong quyển Phụ nữ và thiên nhiên:
“Bạn không thể chuyển dời con sông ra khỏi lòng sông. Mọi vật đều đang di chuyển, và ta cũng là một phần của sự chuyển động này. Đất đang di chuyển, nước đang di chuyển. Mặt đất lấy nước từ trời mây. Mưa rơi hai bên mặt núi, như đường ngôi rẽ hai bên tóc, và hình dạng ngọn núi cho ta biết nước chảy về đâu. Nước cuốn trôi đất cát từ những sườn đồi, dòng sông mang đi những cặn lắng; những giọt mưa, khi rơi xuống tóe văng, mang theo những phân tử nhỏ. Đất bùn trôi theo những con nước ngầm dưới lòng đất. Nước rút vào rễ, trôi vào thân cây cuống lá. Nước trôi từ đồi núi xuống thành sông, sông trôi ra biển, và từ biển ánh nắng mặt trời mang nước trở lại với trời cao. Rồi nước từ mây trở lại thành mưa, thành sương mù, thành hạt nước đọng trên cỏ lá, thành hơi ẩm trong không khí. Cái gì cũng sẽ quay trở lại. Bạn không thể chuyển dời con sông ra khỏi lòng sông. Mỗi hành động đều sẽ mang lại hậu quả. Nơi này đã được gọt đẽo bởi dòng sông, và hình thế của nó chỉ cho dòng sông hướng đi. Hãy nhìn xem nước từ nơi này trôi đi thật xa rồi sẽ trở lại trong những hạt mưa. Tất cả đều quay trở lại, và cái này sẽ tiếp theo sau cái kia. Việc ta làm được cũng có giới hạn, và tất cả đều di chuyển. Chúng ta là một phần của sự di chuyển này, và đường chảy của dòng sông rất là thiêng liêng, và bụi cây này cũng thiêng liêng, và chính chúng ta, tôi muốn nói với bạn, cũng rất là thiêng liêng!”
Tình thương và niềm thiết tha với sự sống, không phải sẵn có ngay từ khi sinh ra. Thật ra, chúng là kết quả của một sự tôi luyện tâm ý. Chúng ta có thể chuyển hóa tâm mình để nó trở thành hiện thân của tình thương, hoặc ta có thể để mặc chúng huân tập những thói quen, tập quán và ý niệm phân chia sai lầm.
Đức Phật dạy: “Hãy quán sát tâm ý cẩn thận, hãy để tâm ý phát xuất từ tình thương, vì lợi lạc của cả muôn loài.” Bạn nên hiểu rõ lời dạy ấy. Đức Phật không bảo chúng ta phải làm cho tâm ý phát xuất từ tình thương vì lợi lạc cho cả muôn loài. Ngài khuyên ta hãy để cho tâm ý phát xuất từ tình thương tự nhiên, vì đó là tự tánh của chúng ta.
Nếu chúng ta không hàn gắn lại những rạn nứt giữa ta và sự sống chung quanh, ta sẽ cảm thấy cuộc đời này hoàn toàn vô nghĩa. Ý niệm phân chia giữa ta và người khác sẽ xô đuổi ta như một kẻ thù hung bạo. Ta bỏ chạy cho đến khi hoàn toàn lạc lối. Ta lẩn trốn vào bất cứ nơi nào ta nghĩ là an toàn. Nhưng lạ thay, nơi nương tựa vững vàng nhất không phải là ở việc trốn tránh hoặc bỏ chạy, mà là ở chỗ biết dừng lại cho yên. Trong Nam Hoa Kinh, Trang tử có viết:
“Một người sợ cái bóng của mình, ghét những dấu chân của mình bèn chạy trốn; nhưng càng chạy thì dấu chân càng nhiều, càng chạy nhanh thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm, lại càng gắng chạy nhanh hơn nữa, không ngừng, đến nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng chỉ cần dừng lại đứng vào chỗ tối sẽ không còn thấy bóng mình nữa; và chỉ cần ngồi yên xuống sẽ không còn thêm dấu chân nào của mình nữa.”
Khi chúng ta can đảm đứng yên lại, thay vì bỏ chạy, ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với những gì đang thật sự có mặt. Khi tôi dám dừng lại và nhìn chú chó Max, tôi tìm lại được một phần của chính tôi.
Cũng vậy, sự tĩnh lặng và ngồi yên trong giờ thiền tập sẽ phô bày cho ta thấy sự thật về sự sống của mình. Sự thật là chúng ta chưa bao giờ bị phân chia, chưa bao giờ cô đơn hoặc cách biệt, kể cả chú chó Max và tôi, hay bất cứ một người nào. Ngay chính kẻ tử thù của tôi và tôi, khi ta nhìn cho thật sâu, cũng không có một sự khác biệt nào.
Khi ta không còn sự phân biệt nhị nguyên, những cảm giác cô đơn, sợ hãi và xa cách trong ta cũng sẽ từ từ rơi rụng. Không còn ý niệm nào che chở và nuôi dưỡng chúng nữa.
Có lần, một người bạn, và cũng là một đồng sự của tôi, chị Sylvia Boorstein, đi trên một chuyến bay bị trục trặc hệ thống thủy lực. Hành khách được thông báo phi cơ cần phải quay trở lại phi trường ngay, và sẽ mất bốn mươi phút. Mọi người được hướng dẫn cởi mắt kiếng và giày, và bỏ hết những đồ nhọn như là viết ra khỏi túi. Tình trạng có vẻ rất khẩn trương! Thỉnh thoảng, lại có lời thông báo qua hệ thống phóng thanh: “Chúng ta sẽ đáp trong vòng ba mươi phút... trong vòng hai mươi phút...” Ngay sau khi nghe thông báo phi cơ bị trục trặc, chị Sylvia bắt đầu thực tập niệm tâm từ. Chị bắt đầu với mười ba người thân yêu trong gia đình của chị - chồng, con cái, vợ chồng của chúng, rồi các cháu nội, cháu ngoại. “Mong sao Grace được an vui... Mong sao Nathan được an vui... Mong sao Erik được an vui... Mong sao Leah... Mong sao Collin...” Tất cả là 13 cái tên!
Khi chị thực tập như thế xong, chiếc phi cơ vẫn còn trong không trung. “Chúng ta sẽ đáp trong vòng mười lăm phút... trong vòng mười phút...” Thế là chị lặp lại một lần nữa. Đến một lúc chị tự nghĩ: “Trong vòng một phút nữa, tôi sẽ chết hoặc không chết. Tôi có nên lặp lại cái danh sách mười ba người thân thuộc của mình một lần nữa không? Tôi có bỏ sót một ai mà tôi thương mến không? Mong sao tất cả mọi loài được an vui! Mong sao tất cả mọi loài được hạnh phúc! Mong sao tất cả mọi loài được nhẹ nhàng và thảnh thơi!” Trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, chị Sylvia khám phá rằng, chị cần phải ban rải tâm từ đến tất cả mọi người, ở mọi nơi, không phân biệt, không giới hạn. Chị thấy mình không thể phân chia, khép kín con tim lại trước bất cứ ai, trong giây phút sinh tử ấy.
Trên tiến trình tu tập, ta sẽ tìm lại được bản năng sẵn có của tâm mình: chữa lành vết thương, lớn mạnh và chuyển hóa. Khi ta biết dừng lại cho yên, ta sẽ tiếp xúc được với năng lực ấy của tâm, một khả năng thương yêu và nối liền với tất cả. Với một tình yêu chân thật, ta sẽ thấy được sự đồng nhất và không phân chia của muôn vật. Điều đó giúp ta trở nên thân thiết với tất cả mọi người, trong đó có chính ta. Ta sẽ có năng lực và tình yêu để sống thật trọn vẹn và tốt đẹp, và rồi một ngày kia chết trong an lạc.
Khi ta sống không bám víu vào ý niệm về “tôi” và “người khác”, điều đó sẽ mang lại cho ta sự tự do rất lớn. Niềm hạnh phúc ấy to tát hơn bất cứ niềm vui nào ta đã từng có, hoặc có thể nghĩ đến, và nó sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta.
Khi chúng ta không còn bị những ý niệm ràng buộc, cũng giống như ta đi vào hậu trường một rạp hát, và đột nhiên ý thức rằng tất cả những gì ta tưởng là thực tại, chúng chỉ là những giả tạo bề ngoài mà thôi: những xiêm y, áo mão, bối cảnh, ánh sáng, diễn viên, sân khấu. Chúng ta tự dựng lên tất cả rồi bị kẹt vào đó. Cũng vậy, ngoài đời mỗi người chúng ta tự vạch cho mình những biên giới, sự phân chia, tùy theo nỗi sợ, tập quán và quá khứ của riêng mình. Nhưng bạn thử xét lại xem, chúng có thực chất nào không? Chúng có thật sự hiện hữu không?
Tôi đã có dịp sang Nga nhiều lần, đầu tiên vào năm 1988 để hướng dẫn thiền tập. Trở lại nơi này mang nhiều xót xa cho tôi, vì nguồn gốc dòng dõi gia đình tôi phát xuất từ đây. Nhiều người mà tôi có dịp tiếp xúc trông rất quen thuộc, như thể là bà con thân thuộc của tôi vậy. Lần chót khi tôi sang Nga, tình trạng kinh tế ở đây rất bi đát.
Một bạn người Nga tâm sự với tôi: “Không biết khi đôi giày tôi mòn hết rồi tôi phải làm gì đây, làm gì mà có tiền để mua một đôi giày mới!” Nghe anh nói, tôi thấy đau xót và hổ thẹn. Tôi cảm thấy nỗi khốn cùng mà anh đang chia sẻ như là của chính tôi, như nó đang xảy ra trong chính gia đình tôi vậy.
Sau này tôi ý thức rằng, có biết bao nhiêu người khác trên thế giới này không có giày mới để mang! Những người mà tôi không hề có một chút cảm xúc, vì không có dịp gặp gỡ trực tiếp. Và, có biết bao em bé trên thế giới không có giày để mang, nói gì đến một đôi giày mới? Họ có cần phải giống với bà con thân thuộc của tôi mới nhận được tình thương của tôi chăng?
Chúng ta thường tự vạch định cho mình một lãnh thổ riêng, cá nhân cũng như cộng đồng, như là chúng có một bản chất thật sự vậy. Thật ra, chúng không khác gì hơn những đường vẽ trong không trung. Trong lần đầu tiên đến Nga tôi sửng sờ đứng bên đường phố nghe một người tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng, chỉ có những người Do Thái giáo và người da đen mới có thể mắc bệnh AIDS mà thôi, và người Tây phương đã âm mưu lừa gạt họ bằng cách tung tin khác đi. Hôm ấy, đứng trên những góc phố ở Nga, tôi chợt nghĩ đến biết bao khổ đau và chết chóc có thể xảy ra chỉ vì sự mê muội và cố chấp.
Ngoài ra, ý niệm về “ta và người khác” còn được biểu hiện qua những hình thức khác, như là đàn áp, chiến tranh và trả thù. Chúng ta thường cảm thấy xa lạ đối với những người không cùng chủng tộc và văn hóa, với những người khác ta, và nhiều khi ngay cả với những người giống ta nữa. Những người đầu tiên đến miền Tây Hoa Kỳ lập nghiệp, mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi thường sắp những chiếc xe ngựa thành một vòng tròn bao quanh để tự bảo vệ chống lại người da đỏ. Chúng ta cũng thường chia thế giới này thành hai phe: “ta” và “người khác”, “bên này” và “bên kia.” Nhưng cuộc sống không bao giờ cố định, cứ tiếp tục xoay vần, những biên giới ấy dần dần trở thành những tàn tích của quá khứ. Cuối cùng, ta không còn biết thật sự mình nằm ở phía nào của vòng tròn nữa.
Chúng ta cũng có thể kinh nghiệm được yếu tố “người” ngay trong chính ta. Ta kinh nghiệm nó trong ta như một con quái thú hung tợn, như chú chó Max, đang chực chờ để tấn công. Ajahn Sumedho, một thiền sư Hoa Kỳ, nói: “Cũng như chúng ta sợ rằng có một con quái vật nào đang ẩn núp bên trong ta, chờ đợi để xuất hiện ra và làm cho ta điên loạn suốt đời.”
Thật ra, ai trong chúng ta cũng có một chú chó Max. Và không phải chỉ có một mà là nhiều chú Max khác nhau trong tâm ta. Chúng là tham lam, giận hờn, ích kỷ, si mê, ái dục... Và ta có thể nào tiếp nhận chúng như những người bạn được chăng? Có thể chúng đang đau khổ và rất cần tình thương của ta chăng? Ta có thể thật sự thương mình, biết chấp nhận tất cả, điều tốt lẫn điều xấu? Và ta có thể nào mang tình thương ấy ban rải đến những người khác hay chăng?
Có lẽ sự chuyển hóa quan trọng nhất xảy đến cho ta trên con đường thực tập niệm tâm từ là một nhận thức rõ rệt về bản năng của mình. Trong mỗi người chúng ta đều có một bản năng thương yêu rất lớn. Ta không còn bị bó buộc bởi những ý niệm sai lầm về giới hạn của ta: “Tôi không thể nào thương yêu hơn thế này, giới hạn của tôi chỉ đến đây thôi!” Có nhiều lúc trong khi ngồi thiền, tôi đã tự hỏi: “Tôi có thể nào thật sự cảm nhận được tình yêu nhiều đến như thế này không?”
Phương pháp thiền tập Tứ vô lượng tâm - từ, bi, hỷ, xả - giúp ta trở lại hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Cuối cùng, ta sẽ khám phá rằng không có trong và cũng chẳng có ngoài. Tất cả chỉ là một. Và một thì chỉ là một!
Tiềm năng của mỗi chúng ta rất rộng lớn, vô biên và khôn dò. Tâm ý của ta là một vùng năng lực vô cùng linh hoạt và mãnh liệt. Vì vậy cho nên những gì chúng ta muốn, những gì chúng ta khởi lên trong tâm sẽ có ảnh hưởng đến tất cả. Khi thực tập niệm tâm từ, ta có thể mang lại rất nhiều lợi lạc cho chính mình cũng như người khác. Sự sống của ta là một đối tượng nghệ thuật, ta muốn uốn nắn nó như thế nào cũng được, tùy theo tâm ý ta. Bạn nên nhớ, chỉ có ta mới có thể giới hạn chính mình mà thôi.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chúng ta chối bỏ sự có mặt của những khổ đau do hoàn cảnh bên ngoài. Chung quanh ta có biết bao vấn đề như chiến tranh, nghèo đói, bắt bớ, tù đày, tranh giành sự sống, chăm sóc người thân... Nhưng dầu vậy, điều quan trọng ta nên nhớ là, tâm ý của ta vẫn có một ảnh hưởng rất to tát đến thực tại của mình trong cuộc đời này.
Tôi đã từng gặp những người ăn xin trên đường phố Ấn Độ có tinh thần rất cao. Một cô bé ăn mày ở Calcutta, không tay, không chân, trườn lết trên đường phố, miệng ngậm một chiếc lon thiếc để người qua lại bỏ tiền vào. Khổ đau chừng vậy, nhưng cô vẫn vui vẻ và ham sống! Và tôi cũng biết những người sống ở Hoa Kỳ, có một thân thể lành lặn, tiền bạc sung túc, được người khác thương yêu, chăm sóc, nhưng họ vẫn muốn chết. Họ cảm thấy tuyệt vọng khủng khiếp và chỉ muốn tìm cái chết mà thôi!
Có những người, như cô bé ăn xin ở Calcutta, phải đối diện với những giới hạn về thể chất của mình. Và cũng có một số người khác, bị giới hạn vì sự tàn bạo và ác độc của người khác. Tôi có địp được kinh nghiệm vấn đề này khá mãnh liệt trong một cuộc hội thảo. Lần ấy, có những diễn giả trình bày về những khổ đau ghê gớm đã xảy ra trong đời họ. Những câu chuyện như là: một người đàn bà sống trọn tuổi thơ trong một trại tập trung của Đức quốc xã, một người bị bắt bớ và hành hạ bởi cả hai phe trong cuộc chiến... Tất cả đều phát biểu rằng, họ sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng một thế giới mà không còn một ai phải trải qua những gì họ đã phải chịu đựng. Họ tin rằng, những hành động tàn nhẫn ấy sở dĩ có mặt là do cái ý niệm chia cách về “ta” và “người”. Họ muốn phá vỡ ý niệm đó. Mặc dù trong “người khác” mà họ muốn bỏ đi ấy, có cả những người đã từng gây nhiều khổ đau cho họ.
Với năng lực của tâm ý, cho dù có những biến cố ghê gớm hoặc không may xảy đến cho ta, ta vẫn có thể tiếp nhận trong một không gian rộng mở và sáng tỏ. Đức Phật dạy các đệ tử của ngài nên phát triển một tình thương rộng lớn, biến tâm thức thành một không gian bao la, không một vật gì có thể làm dơ bẩn được. Nếu như có người lấy nước sơn tưới vào không khí, nó có hề hấn gì đâu! Không trung không giữ lại vật gì cả. Chỉ có những chướng ngại, ngăn trở, như vách tường, hàng rào mới bị dính màu nước sơn mà thôi.
Đức Phật cũng dạy các đệ tử nên phát triển một tình thương mãnh liệt, biến tâm thức mình trở thành một dòng sông trong mát, không thể bị đốt cháy. Bất cứ vật gì thảy vào dòng sông cũng không thể thiêu đốt nó. Có biết bao nhiêu biến cố - tốt, xấu, hoặc trung hòa - thảy vào dòng sông đời ta, nhưng ta vẫn không bị đốt cháy, nhờ vào năng lực của tình thương trong tâm.
Ý niệm phân chia đã gây nên biết bao nhiêu khổ đau trên cuộc đời này. Những gì chúng ta tưởng là thật, nhìn kỹ lại chỉ là ảo tưởng mà thôi. Sự phân chia giữa ta và người khác là một trạng thái thấp kém nhất của chúng ta, vì nó giới hạn khả năng thương yêu. Trên con đường tu tập, ta sẽ khám phá ra rằng ta chưa bao giờ có mặt riêng rẽ, chưa bao giờ là một sự sống độc lập. Tất cả đều là một và mọi sự sống đều có mối liên quan mật thiết với nhau. Sự khám phá ấy sẽ mở rộng con tim thương yêu, sẽ mang lại cho ta một niềm vui rất lớn và chuyển hóa đời ta.
Con đường thực tập Tứ vô lượng tâm, bốn trú xứ của hạnh phúc, sẽ mang lại cho ta quả trái của tình thương, sự nối liền và một thái độ không sợ sệt. Vì tất cả sự sống đều là một cho nên hạnh phúc của nó cũng rất nhiệm mầu. Nó giúp ta an trú trong không gian bao la tươi mát đầy tình thương. Cũng như nước sơn không thể chạm tới không trung, năng lực của tình thương sẽ không bao giờ bị suy suyển bởi bất cứ biến cố nào trong thế giới vô thường này.
Sharon Salzberg
Trích: sống với tâm từ
Nguyễn Duy Nhiên dịch