Những phép lạ và con đường đi tới giác ngộ



Ngày 21 tháng 9, năm 1932 (Krishnamurti 37 tuổi) trong thơ gởi cho bà Lady Emily, ông cho biết rằng đã dùng tay để chữa bệnh (physical healing) cho vài người, và nói với họ là đừng nói với ai về việc này cả; ông còn cho biết là đã chữa khỏi cho một người gần bị mù.
Trường hợp bà Vimla Thakkar bị đau đớn nặng ở tai, năm 1960 sau khi giải phẫu xong thì bà hết đau tai, nhưng lại bị điếc hoàn toàn một bên tai. Sau nhờ Krishnamurti dùng tay chữa khỏi hẳn, bà Vimla nghe trở lại bình thường.

Năm 1981, ông nói với Achyut và Pupul Jayakar rằng, lúc nhỏ ông có sử dụng quyền năng như đọc được chữ trong bao thơ chưa mở. ông có thể làm đồ vật hiện ra được, tầm nhìn xa (thiên nhãn), đoán được tương lai và chữa bệnh bằng tay.
Nhưng lớn lên ông đã bỏ hết, chỉ chuyên chú vào phần tâm lý của con người mà thôi. (23K.p205, p438)
Thiên nhãn
Sáng sớm khi mặt trời chưa lên và sương còn đọng trên cỏ, vẫn nằm yên lặng trên giường, không một tư tưởng xen vào, có một cái nhìn, không phải cái nhìn bằng con mắt thường, nhưng nhìn bằng con mắt từ phía sau cái đầu. Con mắt từ phía sau đầu là dụng cụ duy nhất có thể thấy được mọi chuyện đã qua. (20K.p32)
Muôn vật với ta là một
Ngày 12 tháng 8, năm 1922, Krishnamurti viết thơ cho Lady Emily: “Mỗi buổi sáng tôi đã thiền cỡ 35 phút, từ 6:45 đến 7:20. Tôi đã bắt đầu tập trung tư tưởng khá hơn, và tôi cũng thiền cỡ 10 phút trước khi đi ngủ.” (19K.p152)
Sau khi ngồi thiền như mọi ngày, lần đầu tiên Krishnamurti có được một kinh nghiệm thật lạ lùng, đặc biệt; ông diễn tả như sau:
“Có một người đang làm đường; người đó chính là tôi; cái cuốc anh ta đang cầm trên tay cũng là tôi; cục đá anh ta vừa đập bể cũng là một phần của tôi; ngọn cỏ và cái cây bên đường cũng chính là tôi. Tôi có thể cảm và nghĩ như người làm đường đó và cả con kiến, con chim, hạt bụi, tiếng động, tất cả là một phần của tôi. Vừa lúc ấy có một chiếc xe hơi chạy qua, tôi là người lái xe, tôi cũng là cái máy xe hơi và cả những bánh xe; khi cái xe đi xa hơn, tôi đã rời khỏi tôi. Tôi đã là tất cả hay tất cả đã là tôi…” Krishnamurti tự diễn tả mình như trong cơn say mê Thượng Đế. (God intoxicated). (19K.p 159)
Người xưa cũng nói: Vạn vật dữ ngã vi nhất. (Nam Hoa Kinh – Tề Vật Luận), là muôn vật với ta là một.
Hay: “vạn vật đồng nhất thể”.
Còn giải thích theo khoa học ngày nay thì cái TA của ông đã thu nhỏ lại bằng một nguyên tử (atom), là phần tử nhỏ nhất của mọi vật chất. Việc này chỉ có thể xẩy ra trong hiện tại phi thời gian, chỗ giao điểm của không gian (chiều ngang) và thời gian (chiều dọc), chỗ muôn vật phải trụ vào đó để sống.
Tức là Krishnamurti bỏ cái tiểu ngã (Atman) để hòa mình với cái Đại ngã (Brahman).
Nguyên tử (Atoms): được cấu tạo bởi điện tử dương (protons), trung hòa tử (neutrons) và điện tử âm (electrons).
Sự khổ đau cùng cực sẽ thăng hoa thành giác ngộ
Năm 1925, Nityanand qua đời; nỗi thống khổ của Krishnamurti thật là to tát. Chính cái chết của em ông đã đưa ông đến chỗ chuyển hóa toàn triệt.
Krishnamurti: “Tôi đã đau khổ cùng cực, nhưng tôi cũng đã bắt đầu giải thoát bản thân tôi ra khỏi tất cả những gì tôi bị ràng buộc, cho đến khi tôi hợp nhất với cái thân yêu (tức là chân lý vĩnh cửu, hay Thượng Đế), cho đến khi tôi bước vào đại dương của giải thoát và thiết lập nó ngay trong bản thân tôi”.
Đức Phật giác ngộ trong khi ngồi thiền dưới gốc cây đa ở phía bắc Ấn Độ.
Krishnamurti cũng giác ngộ trong khi ngồi thiền dưới gốc cây tiêu ở Ojai, phía nam California.
Cho nên Krishnamurti khuyên ta hãy ra làm bạn với cỏ cây.
Hàng ngày hãy ra ngồi tĩnh lặng dưới cùng một gốc cây.
Năm 1928 (33 tuổi), Krishnamurti có biên cuốn “Sống trong tự do” (Life in freedom).
“Tôi sẽ chỉ cho các ông tôi đã tìm thấy cái thân yêu (tức là chân lý) như thế nào…đã từ lâu tôi vốn phản kháng với tất cả mọi sự, từ quyền uy của các kẻ khác, từ sự giáo huấn của các kẻ khác, từ tri thức của các kẻ khác; tôi không chấp nhận bất cứ cái gì như là chân lý cho đến khi bản thân tôi tìm thấy chân lý. Tôi không bao giờ chống đối những ý tưởng của các kẻ khác, nhưng tôi cũng sẽ không chấp nhận uy quyền của họ, lý thuyết về cuộc sống của họ…
Tôi đã nhìn thấy thiên hạ bị vướng trong cái bẫy của những dục vọng của họ, như một con ruồi bị vướng trong màn lưới của con nhện…
Bất kỳ đi đến đâu tôi cũng đều thấy thiên hạ tin rằng hạnh phúc của họ bao gồm trong việc gia tăng những sự chiếm hữu của họ.
Tôi đã thấy có người đã có tất cả những điều an lạc của thế gian này, và tuy thế cuộc sống của họ vẫn hỗn loạn bởi vì họ đã làm nô lệ cho những cái ấy.
Tôi đã thấy có người đã được yêu thương hết mực và dầu vậy họ đã bị buộc chặt bởi tình yêu của họ, bởi vì họ không nhận thấy phương thức trao tặng tình yêu và đó là tự do hoàn toàn.
Tôi đã thấy thiên hạ khôn ngoan trong trí thức và tuy thế họ đã bị trói buộc bởi chính cái việc học hỏi đó của họ.
Tôi đã thấy thiên hạ đắm mình trong tôn giáo và tuy vậy họ đã bị rành buộc bởi những tập tục truyền thống và sợ hãi cái vô danh của họ.
Quan sát thiên hạ như thế tôi thấy rằng họ đã xây cho chính họ bức tường của thiên kiến, những bức tường của tín ngưỡng, những bức tường của tư tưởng nhẹ dạ, những bức tường của sự sợ hãi lớn lao chống lại cái mà họ phải chiến đấu, cố gắng thoát ra khỏi những bức tường sinh tử ấy mà chính họ đã xây dựng lên. Nhìn ngắm, quan sát tất cả mọi người, tôi đã thấy cuộc chiến đấu của họ thật vô ích biết bao, nếu họ không được tự do hoàn toàn để thoát ra khỏi các vị thần mà họ thờ phượng, và từ những kẻ trung gian đã dìu dắt họ.
Những kẻ trung gian đó chính là các sư, cha, guru, thiền sư, v.v…
Tôi đã phản kháng tất cả. Chẳng có gì làm tôi thỏa mãn. Tôi đã lắng nghe, tôi đã quan sát; tôi muốn một cái gì vượt quá cái chỉ là những câu những lời, cái maya (vô minh) của những chữ nghĩa…tôi không muốn nhờ cậy ở bất kỳ ai.
Lần đầu tiên tôi đến Âu châu tôi đã sống giữa những người giầu sang và được giáo dục tốt đẹp, những người nắm giữ những địa vị có quyền thế trong xã hội…Nhưng họ cũng không thể làm tôi thỏa mãn.
Tôi sẽ chỉ cho các ông con đường bởi vì các ông bị đau đớn, phiền não, đau khổ, ngờ vực. Nhưng tôi chỉ có thể là một cái bảng chỉ đường cho các ông mà thôi. Các ông phải có sức mạnh của ước vọng đạt tới…Các ông phải tận lực về phần mình.” (83K.p7)
Một hành động vĩ đại có một không hai
Hội Ngôi Sao Đông Phương (HNSĐP) định lấy cái phàm tâm để lèo lái cái Chân tâm.
Trước những áp lực ghê gớm của Hội Thông Thiên Học muốn áp đặt ông trở nên một thủ lãnh một tôn giáo.
Trong một công bố vô tiền khoáng hậu, Krishnamurti đã chứng tỏ có một sự dũng mãnh và vĩ đại là quyết định giải tán Hội Ngôi Sao Đông Phương. Việc này xẩy ra tại Ommen năm 1929. Ông tuyên bố:
“Tôi cả quyết rằng chân lý là một lục địa không có con đường và bạn không thể đến đó bằng bất kỳ con đường nào, bất kỳ tôn giáo nào, bất kỳ giáo phái nào. Nếu chỉ có 5 người theo thôi, những người sẽ lắng nghe, sẽ sống, sẽ quay mặt hướng về vĩnh cửu thì đã đủ rồi. Có ích chi khi có cả ngàn người mà họ chẳng hiểu biết gì cả, họ đã hoàn toàn bị tẩm ướt trong thiên kiến, họ không muốn thấy cái mới mẻ, họ cam chịu diễn dịch cái mới tùy thuận theo cái bản ngã ứ đọng cằn cỗi của họ.
Bởi vì tôi là toàn thể sự thật, tôi ao ước cái mà kẻ tìm kiếm sự hiểu biết là những kẻ tự do, không phải để chạy theo tôi, không phải để xây cất cho tôi chiếc lồng mà tôi sẽ trở thành thủ lãnh một tôn giáo, một giáo phái…
Mục đích của tôi là muốn giải thoát cho con người được tự do hoàn toàn một cách vô điều kiện…”
Một năm sau, 1930, Krishnamurti rút ra khỏi Hội Thông Thiên Học.
Nếu các đoàn thể tôn giáo làm được như vậy thì loài người đã tiến được một bước vĩ đại trên con đường tiến hóa trong việc đi tìm chân lý vĩnh cửu, tức Thượng Đế.
Mỗi người trong chúng ta phải là một ngọn đuốc tự soi sáng (Be a light to yourself), phải tự do hoàn toàn đề đi tìm chân lý, không ỷ lại vào bất cứ ai, bất cứ tôn giáo nào.
Năm 1931, Krishnamurti trở về sống ở Ojai, nghỉ ngơi và thiền định.
Từ năm 1933 đến năm 1939, ông đã đi du thuyết khắp nơi; khi chiến tranh xẩy ra (1939-1945) ông sống tại Ojai, California.
Sau chiến tranh, ông lại đi du thuyết ở khắp nơi trên thế giới: Mỹ châu, Âu châu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan…và Ấn Độ), có một điều đặc biệt là ở Á châu không ai mời ông sang nói chuyện, tại sao?
Ông đã gặp và đàm đạo với rất nhiều người nổi tiếng như: Aldous Huxley, Bertrand Russell, Charlie Chaplin, Greta Garbo, Nobel Laureates Maurice Wilkins and Jonas Salk, nhà bác học David Bohm, Sidney Field, Leopold Stokowski, Alan Rolands, Dr Hedda Bolgar, George Bernard Shaw, Benjamin Weinniger MD, Davis Shainberg MD, và học giả về Phật học Walpola Rahula. v.v…
Các sinh viên, các giáo sư đại học; và cả các em học sinh còn nhỏ tuổi…
Ở Ấn Độ Krishnamurti cũng gặp đủ mọi giới, từ các học giả về Phật giáo, Ấn Độ giáo, các swami, guru, T.T Nerhu, bà T.T Indira Gandhi, Phó T.T. R. Venkataraman, v.v…
Một người hỏi: “Ông có phải là Chúa Giê Su không?”
Krishnamurti: “Theo bạn tôi là ai? Nếu tôi nói tôi là Chúa Giê Su, các ông sẽ tạo ra một đấng quyền lực mới. Nều tôi trả lời rằng không, tôi không phải là Chúa Giê Su, thì các ông cũng sẽ tạo một đấng quyền lực khác. Các ông có nghĩ rằng sự Thật, tức chân lý vĩnh cửu, hay Thượng Đế có liên quan gì tới việc các ông nghĩ tôi là ai? Các ông không có quan tâm tới sự Thật, nhưng các ông chỉ quan tâm tới cái bình chứa sự Thật mà thôi. Các ông không muốn uống nước, nhưng các ông chỉ muốn biết ai đã làm ra cái bình chứa nước đó…Hãy uống nước, nếu nước đó sạch.” (86K.p71)
Ở nơi khác Krishnamurti cũng nói tương tự: “Cái bình để chứa nước, anh phải uống nước, chứ không phải tôn sùng cái bình chứa nước. Nhân loại chỉ tôn sùng cái bình, đã bỏ quên nước.”(23K.p487)
Ông biên thơ cho Raja ngày 11 tháng 12 năm 1931 có đoạn nói như sau:
“Một phóng viên nhà báo hỏi tôi có phải là Christ và tôi trả lời là, phải, với đúng nghĩa của nó (true sense) nhưng không phải với nghĩa truyền thống cổ truyền (tradition).” (19K.p280)
Aldous Huxley (1894-1963), nhà văn người Anh, sống ở Los Angeles, California từ 1937 cho tới lúc chết; bị ảnh hưởng rất nhiều triết lý Ấn Độ. Khoảng giữa năm 1940, Huxley và Krishnamurti trở nên bạn thân. Huxley có biên lời tựa cho cuốn sách “Tự do đầu tiên và cuối cùng” (The First and Last Freedom) của ông. Tới năm 1961, Huxley biên thơ cho người bạn, diễn tả rằng nghe ông nói chuyện giống như nghe lời giảng của Đức Phật – đầy sức sống, đầy thực chất và đầy quyền uy. (23K.p89)
Khoa học và Đạo học gập nhau: David Bohm và Krishnamurti
Các nước Phương Đông như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam đều biên chữ từ trên xuống dưới theo chiều dọc, đó là chiều của thời gian (thuộc Thiên, chủ Đạo học), còn Tây Phương biên theo chiều ngang, đó là chiều của không gian (thuộc Địa, chủ khoa học).
Khoa học tây phương lấy thế giới bên ngoài làm đối tượng nghiên cứu, phát triển để đi tìm chân lý; ngược lại với Đạo học đông phương, lấy thế giới nội tâm làm đối tượng nghiên cứu để đi tìm chân lý vĩnh cửu.
Tinh thần khoa học không thấy được toàn phần của cuộc sống, nhưng tinh thần đạo học thấy được toàn phần cuộc sống. (29K.p308)
Theo nhà vật lý học Fritjof Capra trong cuốn sách nổi tiếng “Đạo của Vật Lý” (The Tao Of Physics) thì trong những nghiên cứu gần đây có một thuyết mới mẻ nhất của nhà vật lý người Mỹ là David Bohm (sau sống ở bên Anh), có lẽ đã đi xa hơn bất kỳ các nhà bác học khác về việc nghiên cứu mối liên hệ giữa ý thức và vật chất, giữa không gian và thời gian.
(Đạo của Vật Lý do Nguyễn Tường Bách dịch.)
Được hỏi lý do nào khiến ông gập Krishnamurti?
David Bohm: “Là nhà vật lý nhưng tôi rất quan tâm tới triết lý…Trong lúc ở Thư viện, vợ tôi (bà Sarel) thấy cuốn: ‘Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng’ (The First and Last Freedom), giở đại một trang ra coi, thấy có câu: ‘người quan sát với đối tượng quan sát’ (The observer and the observed) có thể có liên quan tới lý thuyết về Lượng Tử (Quantum theory) nên chỉ cho tôi. Khi tôi đọc cuốn sách đó, tôi thấy rất thích thú và nó đã ảnh hưởng tôi rất xâu xa…Tới năm 1958 hay 1959 mới có người quen giới thiệu để gập Krishnamurti.” (86K.p159)
Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.
David Bohm đã tìm tới Krishnamurti cả thẩy 15 lần để nghe Krishnamurti thuyết giảng; nói đúng ra là cuộc đối thoại giữa hai bộ óc siêu việt – một Khoa học Tây Phương, một Đạo học Đông Phương để tìm ra chân lý cho nhân loại. Nhờ có những cuộc đàm đạo với Krishnamurti mà ông đã đưa ra thuyết mới mẻ nhất hiện nay và đầy hứa hẹn trong tương lai, đó là thuyết Vận Động Toàn Thể (Holomovement).
Theo thuyết lượng tử thì thế giới vật chất với những đặc tính riêng của nó không hề tồn tại độc lập mà chỉ xuất hiện khi ta nhận thức nó, khi ta quan sát nó- tức là vật quan sát và người quan sát có liên quan mật thiết với nhau. Theo Bohm thì cái toàn thể nằm trong từng cái riêng lẻ, tức là thực tại là hình ảnh của toàn vũ trụ được chứa ẩn tàng trong từng đơn vị nhỏ nhất của bản thân nó.
Davis Bohm có so sánh Krishnamurti với Hegel, nhưng theo Davis Bohm tư tưởng của ông sâu sắc hơn nhiều.
(Krishnamurti, 100 years by Evelyn Blau).
Davis Bohm: “Vũ trụ vật chất ví như cơ thể của tâm trí tuyệt đối. (The material universe is like the body of the absolute mind.)” (6K.p249)
Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng J. Nehru và Krishnamurti
Jawaharlal Nehru là Thủ Tướng đầu tiên của Ấn Độ (1889-1964).
TT Nehru hỏi: “Xin ông cho biết, tôi muốn sự bối rối, mơ hồ trong tôi được sáng tỏ. Cho tôi biết làm sao có được một hành động đúng và tư tưởng đúng?”
Một sự im lặng trong vài phút, rồi Krishnamurtimới chậm rãi trả lời, “Hành động đúng chỉ có thể xẩy ra khi tâm trí tĩnh lặng, và xẩy ra trong hiện tại đang là (what is). Hành động như vậy mới được tự do hoàn toàn, không bị một động lực nào thúc đẩy không bị quá khứ, tư tưởng và không bị một nguyên nhân nào rành buộc cả.” (23K.p123)
Người con gái duy nhất của T.T Nehru cũng làm Thủ tướng Ấn Độ, bà Indira Gandhi (1917-1948); và người con trai lớn của bà cũng làm Thủ tướng Ấn Độ, đó là Rajiv Ratna Gandhi (1944-1991). Cả hai mẹ con đều bị ám sát chết.
Về cái chết của bà T.T Indira, Krishnamurti khuyên những người thân rằng: “Đừng giữ lại những kỷ niệm về Indira trong đầu, làm như vậy sẽ giữ bà lại trên quả đất. Hãy để bà đi.” (23K.p365)
Nhận định của S. Rinpoche về những cuộc đối thoại với Krishnamurti
S. Rinpoche là giáo sư Giám đốc Trung Tâm Học Viện Nghiên Cứu Cao Học Phật Giáo Tây Tặng ở Sarnath (Central Institute of Higher Tibetan Studies, Sarnath, Varanasi, India.)
“Tôi đã may mắn có cơ hội nói chuyện với Krishnamurti. Khởi đầu tôi đã sai lầm vì lắng nghe ông với những kiến thức đã có về Phật học của tôi…Về chân lý tuyệt đối thì tôi không thấy có gì khác nhau giữa Đức Phật và Krishnaji; cả hai Đức Phật và ông đều dùng phương pháp phủ định.”(Krishnamurti, 100 years by Evelyn Blau)
Ghi chú: Sarnath là công viên hươu nơi Phật đầu tiên dạy Pháp (vườn Lộc Uyển).
Krishnamurti nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc tháng 4, năm 1984
“Tại sao sau bao triệu năm nhân loại vẫn không sống trong hòa bình? Chúng ta có phải chịu trách nhiệm về sự ghê tởm khủng khiếp này hay không? nó đang xẩy ra trên thế giới. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi hình thức bạo lực, khủng bố, chiến tranh. Trừ khi chúng ta nhận ra rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta là về mặt tâm lý, chúng ta là một. Nếu không chúng ta sẽ còn phải thường xuyên sống trong xung đột. Và không một tổ chức nào (tôn giáo hay chánh trị) trên thế giới có thể thay đổi được thực trạng hiển nhiên đó. Vậy bạn phải làm gì, nếu bạn thực sự quan tâm tới thế giới? Thành lập một nhóm mới, một tôn giáo khác, một tổ chức khác? Hoặc phải tự tìm hiểu chính bản thân mình, chính hoàn cảnh mình, và thay đổi hoàn toàn tận gốc rễ, mang lại một sự đột biến thâm sâu? Nếu không, sẽ không bao giờ có hòa bình trên trái đất nhỏ bé này. Nó phải bắt đầu từ chính chúng ta, chứ không phải nhờ vào một tôn giáo, hay một đoàn thể nào cả.” (69K, ghi trên bìa sau sách)
Cuộc đối thoại giữa đạo sư Swami Venkatesananda và Krishnamurti
Swami Venkatesananda là một học giả và giáo sư:
Venkatesananda: “Chữ ‘Guru’ có nghĩa là cởi bỏ vô minh, tăm tối của sự thiếu hiểu biết. Chữ ‘Gu’ có nghĩa là vô minh tăm tối của sự thiếu hiểu biết, còn ‘ru’ có nghĩa là cởi bỏ. Do đó ‘Guru’ là ánh sáng sua đuổi, đánh tan sự tối tăm và ông chính là ánh sáng cho tôi…”
Krishnamurti: “Nếu ông là một guru, ông có thực sự cởi bỏ sự tăm tối của người khác không? Nếu người đó không hạnh phúc, bối rối lo âu, đau khổ, thiếu tình thương, xin hỏi ông có thể cởi bỏ vô minh cho họ không? Hay chính họ phải làm tận lực về phần họ? Ông chỉ có thể chỉ cho họ, ông có thể nói: ‘Hãy đi qua cái cửa kia’, nhưng chính họ phải làm hết mọi sự từ lúc khởi đầu cho tới chung cuộc…việc làm của ông là chỉ cho họ cái cửa, sau đó là chấm dứt việc làm của ông…và cái cửa kia lại chính là họ.”
Venkatesananda: “Nhưng ông có đồng ý với tôi là việc chỉ đó rất là cần thiết?”
Krishnamurti: “Đương nhiên, việc đó là cần thiết. Tôi hỏi một người ngoài đường xin ông chỉ cho tôi đường nào đi tới Saneen và ông ta đã chỉ cho tôi. Ông ta chỉ là người chỉ đường, không có gì quan trọng, không cần phải nặn tượng rồi thờ cúng, việc làm đó thật là trẻ con.” (14K.p140)
Krishnamurti đã được nhân loại coi là hậu thân của Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su, nhưng ông chỉ coi mình như một tấm bảng chỉ đường mà thôi
Những người đã gập ông, đã viết gì về ông, như Rehault:
“Gương mặt ông là sự biểu lộ của một linh hồn hiếm hoi, tinh khiết và hòa điệu một cách toàn vẹn. Một đôi khi đôi mắt ông mở ra trong hố thẳm của nỗi khổ đau, đôi khi đôi mắt ông nặng nề với lòng trắc ẩn diệu vợi; và một đôi khi ông ngẩng đầu lên với vẻ đường bệ trang trọng. Rồi bất thần hàm răng trắng như tuyết của ông sáng rực lên và gương mặt ông long lanh bởi một nụ cười, trong sáng, tươi tắn, đầy vẻ giản dị hồn nhiên như một đứa bé.”
Đây là một bức tranh đầy đủ và chính xác về con người ông.
Henry Miller viết về Krishnamurti
“…Tôi đã giữ lại tên một người, một người nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội, khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại tất cả những gì nặng nề sách vở từ chương, đối nghịch lại tất cả những gì trói buộc thúc phược: đó là Krishnamurti. Đây là một con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy, đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự, chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống của ông…
Loài người vẫn tầm thường như thế…Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo lừa đảo của ma quỷ, vì thế họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn thiên phú có sẵn trong bản thể họ: họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu rỗi qua trung gian, môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường để hướng dẫn họ…Họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng họ rồi…Họ không chịu tự cứu lấy bản thân họ, mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bầy đặt chuyện cứu vớt người khác, cứu vớt thiên hạ…” (1K.p12)
o0o
Ngày 15 tháng 5 năm 1928, Krishnamurti có buổi nói chuyện công cộng lần đầu tiên tại Mỹ trước 16,000 người ngồi nghe tại Hollywood Bowl. (19K.p304)
Trong 40 năm cuối cùng của cuộc đời, Krishnamurti đi nói chuyện trung bình cỡ 100 lần mỗi năm, và thường có vài ngàn người ngồi lắng nghe.
Năm 1980, Krishnamurti nói với Pupul Jayaka rằng sẽ ngưng không đi du thuyết nữa vì tuổi già, ông cho hay cái thân xác chỉ có một mục đích là chuyên chở cái chân lý vĩnh cửu mà thôi.
Ở tuổi 90 Krishnamurti còn đi bộ 3 miles mỗi ngày (Thiền hành).
Ông nói với Bác sĩ Deutsch rằng: “Tôi không sợ chết, bởi vì tôi đã sống với sự chết trong suốt cuộc đời của tôi.” (69K.p152)
Câu chuyện của Krishnamurti kết thúc vào ngày 17 tháng hai, năm 1986, lúc 12:10 AM PST tại Ojai, California, ở tuổi 91, Krishnamurti chết vì bị ung thư tụy tạng (pancreatic cancer). Tang lễ đã được cử hành tại Ventura, California. Tro cốt của ông được chia làm 3 phần để ở 3 nơi là Ojai, Anh Quốc và Ấn Độ.

Nguồn: http://phamdodoanh.cattien.us/?page_id=13